Duy thức học tại Việt Nam, hoà thượng Thiện Hoa là một trong những người đi tiên phong trong việc tiếp thu, nghiên cứu, phiên dịch truyền bá giảng dạy. Công lao của tổ rất lớn, chỉ dạy rất rõ ràng, tận tường về tám thức và chỉ rõ tác dụng, diệu dụng của từng thức một và chỉ rõ những cái lợi và hại của nó trong đời sống.
SC.Thích nữ Liên Nghĩa, Cao cấp Giảng sư - Ban Hoằng pháp Trung ương SC.TS.Thích nữ Thanh Quế, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam
1. DẪN NHẬP
Duy Thức học là một trong những hệ thống tư tưởng là luận thuyết lớn của Phật giáo, phân tích mọi vấn đề trạng thái liên quan đến loài hữu tình và thế giới nơi mà loài hữu tình ấy đang sống. Vấn đề trọng tâm mà Duy thức học trình bày, diễn giải, đó là thế giới của loài người và môi cảnh sống của loài người. Trong thế giới đó, con người là chủ thể và môi cảnh đó là khách thể.
Duy Thức học chỉ cho con người thấy rằng mọi hiểu biết bình thường của nhân loại về hiện tượng của bên ngoài thì cũng chỉ là sự thay đổi của tâm thức.
Sự thấy biết đó không thấu rõ được đúng bản chất của thế giới bên ngoài mà nó còn phụ thuộc vào những sự biến đổi ít nhiều tuỳ theo cấp độ tịnh nhiễm trong tâm thức của con người đó; do đó mà bức tranh của ngoại giới không còn nguyên vẹn mà nó đã bị biến dạng do vô tình hay dựa trên tâm thái cố ý biến đổi của mỗi cá nhân nhận biết vốn dĩ là kết quả của nghiệp lực mà từng cá nhân ấy đã tạo ra, đã lãnh thọ từ vô thỉ kiếp.
Duy Thức hàm ý sự hiểu biết về hiện tượng của vũ trụ bên ngoài mà người phàm tình coi đó là thực mà không biết rằng đó chỉ là hình ảnh đã bị biến đổi theo tâm thức.
Những điều nói trên không mang ý nghĩa là Duy Thức học hoàn toàn phủ nhận sự có mặt và tồn tại khách quan của thế giới bên ngoài, mà chỉ nói lên rằng sự nhận biết về thế giới hiện tượng của loài hữu tình nói chung và con người phàm phu nói riêng, còn trong tình trạng vô minh đều là không như thật, nhưng vì loài hữu tình căn cứ vào sự hiểu biết không chân thật ấy mà tạo tác nên chính chúng sinh ấy lại là cá thể chịu đau khổ.
Tuy nhiên, Duy Thức học vẫn nhấn mạnh rằng toàn bộ hiện tượng thế giới của vũ trụ là không có một thực thể nào tồn tại vĩnh hằng, theo lời dạy của Đức Thế Tôn rằng “Nhất thiết pháp vô ngã”. Cũng theo Duy Thức học, chỉ bày phải trải qua quá trình dài ngắn tùy căn cơ mà tu tập để nhờ đó có thể chuyển hoá thức thành trí, nhận biết thế giới hiện tượng như thật, chúng sinh mới có thể sống tự tại, an lạc chính ở nơi họ đang tồn tại.
Phần lớn trong chúng ta ai cũng cho rằng Duy thức là môn học khó, vô cùng khó, xem, đọc, học mãi nhưng vẫn không hiểu nổi.
Thật ra, với trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta thì thường chúng ta đã thể hiện và vận dụng 100 pháp học vào đời sống thực tế rồi, 100 pháp học này được chư tổ đề cập rất nhiều trong lĩnh vực nội hàm của Duy thức, nó là tổng hợp nội dung của hiện tượng tâm lý của một con người, cũng do đây mà chúng ta có thể biết điều này và biết được điều khác, những yếu tố cơ bản nhất vốn có trong một con người nhưng vấn đề là mình biết và vận dụng đúng hay sai về các pháp mới là điều đáng quan tâm.
Chúng ta vì người khác mà ứng xử, hay hóa độ chúng sinh mà không hiểu hiện tượng tâm lý con người thì rất chướng ngại. Trong Duy thức học bàn về tính biết của tám thức, nó bao hàm trong pháp thế gian và pháp xuất thế gian, lộ trình tu học từ địa vị phàm phu đến quả vị thánh, là nền tảng cơ bản của người học Phật, cho nên học giả cần phải học và hiểu một cách rõ ràng sâu xa về môn học Duy thức này.
Là người xuất gia am hiểu giáo pháp của đức Phật của tổ sư Thiện Hoa người đã có phần đóng góp lớn trong công việc phiên dịch luận thuyết Duy Thức, chúng ta cần phải học hỏi, nghiên cứu về môn Duy thức học vì đây là thuộc môn tâm lý học của Phật giáo.
Tất cả những nỗi khổ niềm đau và bất an của nhân loại phần lớn điều do ta nhận thức sai lầm về con người và thế giới. Nhận thức sai lầm đó khiến cho con người không thể làm chủ được số phận của mình. Cuộc sống và suy nghĩ cũng như cảm nhận của con người, nếu dựa trên căn bản vô minh, mê lầm thì sẽ còn đau khổ mãi. Điều cốt lõi ở đây là ta đang đau khổ mà ta không biết ta đang đau khổ.
Tất cả cũng do tâm con người còn nhiều mê mờ, si ám, loạn động và chấp ngã, cho nên mỗi chúng ta là đệ tử Phật, chúng ta cần hiểu hơn về môn Duy Thức học, áp dụng vào đời sống tu tập hoằng Pháp để hầu mông có lợi lạc cho mình và tha nhân, đây là điều cần thiết.
2. DỊCH PHẨM DUY THỨC HỌC CỦA HÒA THƯỢNG THIỆN HOA
2.1. Tiểu sử
Tổ sư Thích Thiện Hoa sinh ra trong một gia đình gia giáo thuộc cấp bậc trung lưu, trong gia đình tất cả thành viên đều theo Phật giáo. Ngài húy là Trần Thiện Hoa, pháp danh là Thiện Hoa, hiệu là Hoàn Tuyên, Hòa thượng ra đời vào ngày 07 tháng 08 năm Mậu Ngọ, tức (1918), tại xã Tân Qui, huyện Cầu Kè, Cần Thơ là tỉnh Trà Vinh hiện nay. Gia đình có 9 người con, Ngài là người con út trong gia đình.
Vì quy y Phật từ lúc còn nhỏ, Ngài đã lấy pháp danh làm tên thế danh của mình, vì vậy mà có danh xưng là Trần Thiện Hoa. Phụ thân của Ngài là cụ ông Trần Văn Thế pháp danh Thiện Huệ, mẫu thân là cụ bà Nguyễn Thị Sáu pháp danh Diệu Tịnh. Đại gia đình của Ngài đều quy y làm đệ tử của Tổ Chí Thiền chùa Phi Lai ở núi Voi, tỉnh Châu Đốc. Sở dĩ có Pháp danh Thiện Hoa là do Tổ đặt cho Hòa Thượng.
Sau khi cha qua đời, Ngài theo mẹ đến chùa Phước Hậu, làng Đông Hậu, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ lo lễ kỳ siêu bảy tuần thất cho cha, thấy cuộc sống của chốn thiền môn phù hợp với tâm trí thanh tịnh bên trong nên Ngài đã quyết chí xin mẹ cho phép ở lại chùa Phước Hậu để xuất gia học đạo và được thân mẫu đồng ý, lúc bấy giờ Hòa thượng đã được lên 7 tuổi.
Sau đó Hòa Thượng được Sư phụ gởi đến tu ở chùa Đông Phước, làng Đông Thành, huyện Cái Vồn tức là huyện Bình Minh hiện tại, tỉnh Cần Thơ theo tu học với Tổ Khánh Anh và được Tổ đặt cho pháp hiệu là Hoàn Tuyên.
Cha mẹ của Ngài không chỉ có một mình Ngài xuất gia mà còn có thêm 3 người con là hai trai (anh thứ năm và anh thứ tám) và một người gái thứ bảy của Ngài cũng đã xuất gia trước lúc Ngài xuất gia. Sau đó lần lượt trong đại gia đình Hòa thượng cũng có thêm nhiều người cháu cũng xuất gia. Có thể xem đây là một gia đình mà có nhiều thành viên xuất gia nhiều nhất nơi vùng đất quê hương của Hòa Thượng.
Ngài Thiện Hoa theo tổ Khánh Anh để cầu học pháp được Tổ đặt tên cho hiệu là Hoàn Tuyên. Trong thời gian đó, Tổ được mời đến giảng dạy các trường gia giáo và ngôi trường nào mà Tổ đến giảng dạy thì Hòa thượng đều xin theo Tổ đến đó để học tập, kế cả các ngôi chùa, từ chùa này sang chùa khác lần lượt đến khắp nơi, ngôi chùa sau cùng là chùa Long An.
Vào năm 1931, tổ Khánh Anh nhận chùa Long An tại Đồng Đế Trà Ôn. Cũng vào năm ấy, Hòa thượng Thiện Hoa lên 14 tuổi và Ngài xin gia nhập vào tăng chúng tại đây để tu học trong thời gian 3 năm.
Vào đầu mùa hạ năm 1935, Phật học đường Lưỡng Xuyên khai giảng, Tổ sư Thiện Hoa đã nhập học tại đây, lúc bấy giờ Ngài được 17 tuổi và ngay năm ấy, Hòa thượng thọ giới Sa-di. Từ đó Hòa thượng được chính thức vào Phật học đường sống theo nếp sống của đời Tăng sinh.
Lớp học được kết thúc sau 3 năm Ngài học Sơ đẳng tại đây, tiếp đến Ngài xin về Huế học tại trường Phật học Báo Quốc và Kim Sơn cho đến 1945. Khi trở về trong tâm trí nguyện của Ngài luôn mang một hoài bão là “Hoằng pháp lợi sinh”, phụng đạo giúp đời.
Tổ cùng Hòa thượng Trí Tịnh khai giảng Phật học đường Phật Quang, tại rạch Bang Chang, xã Thiện Mỹ, quận Trà Ôn vào năm 1945. Hòa thượng còn mở trạm y tế, để Tăng Ni thay nhau thuốc men giúp đỡ đồng bào. Ngài mở những lớp học xóa mù chữ dạy ban đêm dân nghèo.
Năm 1953, nhằm ngày 08 tháng 01 âm lịch. Sau một cuộc họp của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, hội đồng phiên họp đã đồng tình cử Hòa thượng giữ chức vụ Trưởng Ban giáo dục Giáo Hội Tăng Già Nam Việt kiêm Đốc giáo PHĐNV và chức Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo Hội Tăng Già Nam Việt.
Hòa thượng luôn thể hiện vai trò trách nhiệm của mình, Ngài giảng dạy cho các lớp trung cấp, cao đẳng…một cách nhiệt huyết. Tiếp Ngài mở những khóa huấn luyện trụ trì lấy tên là Như Lai Sứ Giả, khuyến khích các tỉnh mở trường Phật học để giảng dạy cho những Tăng Ni ở tại các tỉnh…
Khi là Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt năm 1953, tổ huấn luyện các trụ trì tại các chùa, tự viện, Tăng Ni sinh tại các Phật học đường, để trở thành những giảng sư thật sự, khuyến khích các cư sĩ tại gia chịu khó theo học các lớp giảng tại các chùa. Bộ Phật Học Phổ Thông do Hòa thượng biên soạn, các chư Tăng góp sức phụ Ngài biên soạn.
Trước tác và phiên thuật Hòa thượng chủ biên bộ Phật Học Phổ Thông, trong đó có phần Duy Thức Học gồm có (6 tập).
2.2 Dịch phẩm Duy Thức học
Sách Duy thức tam thập tụng do Tổ sư Thiện Hoa dịch , là một trong ba tác phẩm giáo khoa căn bản của môn Duy thức học ở Việt Nam ta, Duy Thức tam thập tụng Ngài chủ yếu nói về nghĩa chính của Duy thức. Nội dung của tác phẩm này, do Ngài Bồ Tát Thiên Thân dùng 24 bài tụng đầu, nói về Duy thức tướng, bài tụng thứ 25 nói về Duy thức tính, 5 bài tụng sau là nói về Duy thức vị; hay nói một cách khác là: Duy thức cảnh, Duy thức hành và Duy thức quả.
Luận Duy thức tam thập tụng trọng về thành lập sự lý, “Duy thức” mà “Duy” là bác bỏ ngoại cảnh, không phải phủ nhận sự tương ưng khi thức bên trong phát sinh sự biểu hiện giống như cảnh bên ngoài.
Bác bỏ và đã phá những nghi ngờ và nạn vấn của người ngoài, là trọng về bác bỏ ngoại cảnh. Mặt khác luận này mục đích khiến cho những ai có sự mê lầm ở trong nhân vô ngã và pháp vô ngã mà phát sinh nhận thức không điên đảo đối với nhân vô ngã và pháp vô ngã. Trong đây, do nhận thức không điên đảo về nhân pháp vô ngã, mà phiền não chướng và sở tri chướng được đoạn trừ.
Duy thức còn gọi là Duy thức triết học của Phật giáo, vì Duy Thức nêu rõ tính tướng nhân sinh vũ trụ, nêu rõ tính chất chỗ khởi điểm của tâm thức, những trạng thái, tư tưởng, tình cảm, hành động của con người; từ thô đến tế, giải thích đầy đủ mối quan hệ giữa con người và các sự kiện chung quanh cũng như muôn vật trong vũ trụ, phát xuất từ tâm thức mà có ra, vì thế mà gọi là Duy Thức triết học.
Nói Duy thức chính là đưa ra lời khai thị, thức tỉnh con người hãy tự giác, hãy quán tâm mình, nhìn lại cái năng lực thiên biến vạn hóa ở trong mình để gạn lọc nó, trau dồi nó, sữa chữa nó, phải biến hóa như thế nào để chỉ đem lại lợi lạc, mà không gây ra đau khổ cho mình và người.
Đến khi đã chuyển được tám thức thành bốn trí sáng suốt hoàn toàn, thì lý trí nhất như, sắc tâm bất nhị, không còn lấy sắc làm sắc, lấy tâm làm tâm, được tự tại không còn vướng mắc, cũng không có gì làm cho giao động sợ hãi lúc bấy giờ không cần duy, không cần thức, hay cần duy, cần thức gì cũng được vô ngại.
Duy thức theo lời giải của Đại sư Thái Hư chữ “Duy thức” nguyên chữ Phạn là Vijnàpt: màtratà. Vijñàpti, Trung Hoa dịch âm là Tỳ-nhã-để, dịch nghĩa là thức. Chữ Miàtrata Trung Hoa dịch âm là Mia-đát-lạt-đa, dịch nghĩa là Duy.
Thức, nói một cách tổng quát là gồm đủ năm vị, tức năm mặt:
1. Thức tự tướng, tức tám thức Tâm vương
2. Thức tương ưng, tức sáu vị Tâm sở.
3. Thức sở biến, tức hai phần Kiến và Tướng.
4. Thức phận vị, tức hai mươi bốn giả pháp Bất tương ưng hành, chúng chỉ là giả tướng sai biệt giữa Sắc và Tâm.
5. Thức thực tính, tức chân lý, chân như thật tính của bốn thứ trên. Như vậy, Thức thật tính là lý, còn bốn thứ trên là sự. Năm vị pháp này là bao quát hết thảy pháp thế gian, xuất thế gian, hữu vi vô vi, hữu lậu vô lậu. Chúng đều không lìa thức, đều là biểu hiện của thức, nên gọi là Duy thức.
“Mỗi mỗi hữu tình từ vô thỉ vốn có tám thức, sáu vị tâm sở, các pháp sự lý như vậy. Chúng chỉ hiện hữu được trên thức, ngoài thức ra thì không có hiện hữu nào hết, vì ngoài thức ra thì ta không thể biết có gì cả, nếu ta tưởng tượng có một hiện tượng gì ở ngoài thức, thì nó cũng là thức biến, vì nó là tướng của thức tưởng tượng ra”.
Duy có ba nghĩa:
a. “Nghĩa giản trì: Giản là giản biệt, kén chọn bỏ đi, có tính phủ định, giá thuyên. Bỏ đi cái gì? Bỏ đi hai chấp ngã và pháp thật có. Trì là giữ lấy, có tính khẳng định, biểu thuyên. Giữ lấy cái gì? Giữ lấy thức tướng y tha khởi và thức tính Viên thành thật. Các pháp y tha duyên khởi là tướng của thức. Hai không (ngã không, pháp không) hiển lộ Viên thành thật tính là tính của Thức.
b. Nghĩa quyết định: Luận Biện Trung Biên nói: “Thứ trung định hữu không, ư bỉ diệt hữu thử”, nghĩa là trong thức tưởng y tha duyên khởi thuộc tục sự này quyết định có thứ tính. Do hai không hiển lộ thuộc chân lý kia, vì chân không lìa tục mà có, ngược lại, trong chân lý hai không kia quyết định có tục sự y tha duyên khởi này, vì tục không thể thiếu chân mà có.
Như vậy “Thức” vừa có nghĩa giá và biểu. “Giá” thì ngăn chặn loại trừ ngã và pháp thật có ở ngoài thức “Biểu” là biểu thị thức tướng y tha khởi và thức tính Viên thành thật. Sự và lý, tục và chân hai mặt quyết định gắn liền với nhau của thức.
c Nghĩa hiển thắng: Thắng là hơn, là thù thắng, nhằm chỉ cho thức Tâm vương hơn là cho thức Tâm sở mỗi khi nói Duy thức. Khi nói Duy thức là chú ý nói Duy thức Tâm vương”.
“Thức cũng chính là Tâm, nhưng theo tinh thần của kinh, nhấn mạnh nghĩa tập khởi, tạo tác, nên gọi là Duy tâm; theo tinh thần của luận, nhấn mạnh nghĩa hiểu biết phân biệt, nên gọi là Duy thức”.
Nói Duy thức là nói tất cả sự vật hình hình, sắc sắc trong vũ trụ đều không thật có, chỉ do Thức biến hiện; không có một vật nào ngoài Thức. Muốn rõ nghĩa này, phải căn cứ trên nghĩa “Thức là hiểu biết phân biệt” mà bàn.
3. PHƯƠNG PHÁP TRÌNH BÀY DUY THỨC MỘT CÁCH KHOA HỌC
Cách trình bày Duy thức học của tổ rất logic, khoa học giúp người đọc người học dễ tiếp thu
Tâm vương bao gồm 8 thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, Mạt-na thức và A-lại-da thức. Trong đó, 5 thức đầu tiên bắt nguồn từ chính 5 giác quan của cơ thể hay còn gọi là tiền ngũ thức. Mỗi thức có một khả năng nhận thức và phân biệt khác nhau. Nói một cách dễ hiểu theo tâm lý học hiện đại thì 5 thức này tương ứng với 5 cảm giác là: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác.
- Nhãn Thức
Tức là cái ta thấy (nhìn), cái ta biết nhờ vào việc “mắt thấy”. Đối với một đối tượng mắt ta thấy, nhận thức nó, phân biệt nó bởi màu sắc (xanh, đỏ, tím, vàng…), hình dạng (cao, thấp, vuông, tròn…), trạng thái (đi, đứng, nằm, ngồi…)…gọi là nhãn thức.
- Nhĩ Thức
Tức là cái ta nghe thấy, cái ta biết nhờ vào việc “tai nghe”. Đối tượng phân biệt ở đây là âm thanh với đặc điểm về âm điệu, cường độ, âm sắc…gọi là nhĩ thức.
- Tỷ Thức
Tức là cái ta ngửi, cái ta biết sinh ra khi mũi tiếp xúc với mùi hương. Mùi hương có thể là: Hương thơm, hương hôi hay hương trung tính (không thơm – không hôi), đây gọi là tỷ thức.
- Thiệt Thức
Tức là cái ta nếm, sinh ra khi lưỡi tiếp xúc với thức ăn, nước uống (vị giác). Vị ở đây có 6 loại là: Chua, cay, mặn, ngọt, đắng, bùi, gọi là thiệt thức.
- Thân Thức
Tức là cảm xúc – cảm giác sinh ra khi thân thể tiếp xúc với mọi vật. Cảm giác ở đây có thể là: mềm mại, thô nhám, nóng, lạnh, nặng, nhẹ…đây gọi là thân thức.
Năm thức kể trên chỉ thuần túy là những “cảm giác”, chúng không có khả năng phán đoán, ước lượng. Hay nói theo Đức Phật thì 5 thức này là 5 thức “không có suy nghĩ”. Nói một cách dễ hiểu, bản thân các thức này được gọi tên và đại diện cho chính chúng chứ không có khả năng phân biệt hay đánh giá.
Ví dụ: Mắt ta nhìn thấy màu xanh thì nó chỉ thuần túy là nhìn thấy màu xanh, còn để gọi tên được màu xanh đó thì cần phải có tri thức về màu xanh đó mới được. Giống như việc đứa trẻ nhìn một đồ vật màu xanh, nó chỉ đơn thuần là nhìn chứ chưa nhận biết được, người lớn chỉ vào vật đó nói và dạy cho đứa trẻ “đây là màu xanh” thì nó mới nhận thức được đó là màu xanh. Như vậy, chỉ khi có ý thức tác động thì chúng mới được phân biệt, ước lượng về tính chất, mức độ.
- Ý thức
Là tâm thức thứ sáu tồn tại trong một con người, hình thành khi ta tiếp xúc với một đối tượng nhận thức nào đó. “Ý thức” có căn là “ý” và “đối tượng” là “các pháp” tất cả những sự vật, sự việc, hiện tượng ta cảm giác được hoặc chỉ có trong tâm thức (tưởng tượng) của ta.
Tổ Thiện Hoa có đưa ra một ví dụ về ý thức như sau: “Trong khi chúng ta mắt không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi, lưỡi không nếm, thân thể không chạm xúc; nói cho gọn hơn, là trong lúc năm giác quan không tiếp xúc với trần cảnh, mà ý thức vẫn phân biệt tính toán: nhớ những cảnh đã qua, suy xét những điều chưa đến.
Cái biết như thế, thuộc về “Ý thức”…chính vì thế cho nên “Cái Ý thức này, công dụng của nó lợi hại vô cùng. Nếu nó suy nghĩ tính toán những việc hay, tốt, thì thân chúng ta sẽ làm điều lành, miệng nói những lời phải, đều có lợi ích cho mình và người”. Phạm vi nhận diện của ý thức được gói gọn qua hai hình thức:
Một là khi “ý thức” được dùng bổ trợ với 5 thức trước (nhìn, nghe, ngửi, nếm, sờ): Cái biết sinh ra từ năm thức trước đơn thuần chỉ là “cảm giác”, khi được ý thức tác động thì nó sẽ tạo ra tri giác. Ta gọi sự liên hiệp của 6 thức này là “ngũ câu ý thức” hay “tri thức thuần túy”. Trong đời sống, mọi “cái biết” đều được hình thành từ các giác quan và đều được ý thức làm cho sáng tỏ. Trong “Duy thức tam thập tụng” gọi chung 6 thức này là “liễu biệt cảnh thức” – tức là “cái biết” phân biệt rõ ràng về mọi mặt.
Hai là ý thức đơn độc (độc đầu ý thức): Trạng thái này để chỉ ý thức tồn tại, hoạt động hoàn toàn độc lập và nó không có mối quan hệ với 5 thức trước. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì “ý thức” này được gọi tên là các hoạt động diễn ra trong tưởng tượng, hồi tưởng, suy tư, phán đoán trước… được gọi chung là “tán vị ý thức”; hoặc ý thức cũng có thể xuất hiện khi ta nằm mơ (mộng trung ý thức), ý thức của người điên loạn (loạn trung ý thức), ý thức trong lúc ta thiền định (định trung ý thức).
Tóm lại, ý thức không chỉ giúp ta phân biệt được các hiện tượng, sự vật, sự việc trong nhân gian mà nó còn “phác họa” những cái không chắc là có thật (con số, khái niệm trừu tượng, quan niệm, quá khứ, tương lai…). Ý thức giúp con người phân biệt được đối tượng bên ngoài (khách thể) và cả tâm thức bên trong (trong lòng ta nghĩ).
Nhờ có ý thức nên con người khác biệt so với những loài động vật khác, nhờ có ý thức mà có người thông minh có người ngu muội. Ý thức là nền tảng khởi phát điều hay, lẽ phải nhưng ý thức cũng là nguồn cội sinh ra phiền não, khổ đau.
- Mạt-na thức
Là thức thứ bảy trong 8 thức của con người. “Mạt-na” có nghĩa là “tư lương” hay “ý” tư duy so lường.
Trong cuốn “Luận thành duy thức” có giải thích như sau: “Tư”-tức là suy nghĩ; “lương” tức là đo lường. Như vậy, bản chất của Mạt-na thức tức là luôn luôn (thường hằng) suy nghĩ, tính toán, suy xét hơn thua.
So với thức thứ 6 (ý thức), mặc dù ý thức cũng có tính suy nghĩ, đo lường nhưng ý thức lại có tính gián đoạn. Hoặc khi so sánh với 5 thức trước thì 5 thức này lại hoàn toàn không có tính phân biệt (không có ý thức) và cũng bị gián đoạn (chỉ tồn tại trong một thời điểm xác định).
Theo cách giải thích về Mạt-na thức của Hòa thượng Thích Thiện Hoa thì có thể hình dung dễ hiểu hơn về thức này như sau: Thức Mạt-na là “gốc” của ý thức (thức thứ 6). Vì thức thứ 6 cũng có khi bị gián đoạn (ví dụ khi ta ngủ sâu, hôn mê không còn biết gì cả thì “ý thức” không còn tồn tại nữa). Lúc này, ý thức của chúng ta ở đâu? Khi ý thức mất đi không phải là mất hẳn mà nó chỉ tạm thời không có mặt ở đó. Trong trạng thái đó, ý thức trở về cái gốc của nó đó chính là thức thứ 7 (Mạt-na thức).
Vậy ý nghĩa tồn tại của thức thứ 7 là gì? Theo Phật giáo, Mạt-na thức là sự “khẳng định” của cái ta (cái tôi) của bản thân. Đây là thức phân biệt giữa ta (bản thân ta) và người khác (kẻ khác). Mạt-na thức cũng được xem là “tâm gây khổ đau”. Tức là khi chúng ta đau buồn, hạnh phúc thì cũng đều hiện diện “cái ngã” tồn tại và “cái tôi” gắn chặt với mọi sự xung quanh.
Một cách dễ hiểu, khi đau khổ ta nói “tôi đau khổ”, khi hạnh phúc, ta nói “tôi hạnh phúc”. Nghĩa là “cái tôi” của bản thân ta luôn luôn hiện diện trong không gian, thời gian.
- A-lại-da thức
Đây là thức thứ 8 trong tám thức của con người. Trong tiếng Phạn, A-lại-da có ý nghĩa là kho chứa, tích chứa. Có nhiều cách gọi khác của A-lại-da thức như: Tàng thức, Đệ bát thức, căn bản thức…Thức thứ 8 này được coi là thức căn bản và là nền tảng của tất cả 7 thức vừa nêu trên. Trong cuốn “50 bài tụng Duy Biểu thời nay” có nhắc tới 3 nhiệm vụ của A-lại-da thức như sau:
Nhiệm vụ 1: Chứa đựng, bảo tồn tất cả những “hạt giống” ta đã trải qua. Trong đó, “hạt giống” ở đây được hiểu là tất cả những hành động ta đã làm, tất cả những nhận thức ta đã có, tất cả những kinh nghiệm ta đã tích lũy được.
Nhiệm vụ 2: A-lại-da thức (tàng thức) bản thân nó cũng chính là các hạt giống. Bản thân tàng thức không chỉ là “kho chứa hạt giống” mà chính nó cũng có thể là những hạt giống trong kho. Ví dụ: Cái bát chứa cơm-ta gọi là bát cơm. Nhưng khi không còn cơm trong bát thì ta không thể gọi là bát cơm được nữa. Như vậy, thức thứ 8 vừa có thể là chủ thể nhưng cũng có thể vừa là đối tượng.
Nhiệm vụ 3: Chứa đựng những luyến ái (tình cảm, nhận thức) về cái tôi. Nhiệm vụ này được sinh ra do mối liên hệ giữa A-lại-da thức và Mạt-na thức. Mạt-na thức được sinh ra từ tàng thức, nhưng Mạt-na thức cũng ôm lấy tàng thức và coi đó là một cái “ta” riêng biệt của nó. Theo Phật giáo, đa số những khổ đau của con người đều là kết quả của việc Mạt-na thức ôm lấy tàng thức để tạo ra một “cái ta” riêng biệt của chính nó.
Có một ví dụ về sự hoạt động của cả 8 thức như sau: Khi ta ngủ, 5 cơ quan cảm giác không tiếp nhận thông tin nhưng chúng vẫn tiếp nhận những “tín hiệu ngầm” từ thức thứ 8.
Từ đó, trong giấc mơ ta nhìn thấy bản thân mình, ta nghe thấy âm thanh, ta tiếp xúc với cảnh vật trong giấc mơ y hệt như ta đang thức vậy. Từ những nhận thức tạo ra trong tâm của ta từ giấc mơ đó sinh ra cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, yêu thương, căm ghét, đau khổ, sợ hãi… Tất cả những thứ kể trên đều chỉ là một “tưởng tượng” do tâm ta thêu dệt mà thành.
Tâm sở hữu pháp
Các “Tâm sở” vì địa vị có thân và sơ, nên chia làm sáu loại và vì trách nhiệm không đồng nhau, nên phân ra đến 51 món: Biến hành, Biệt cảnh, Thiện, Căn bản phiền não, Tùy phiền não, Bất định.
Tâm sở hoặc Tâm sở hữu pháp là những yếu tố phụ thuộc vào Tâm, gắn liền với một nhận thức, nhận thức đây cũng được gọi là Tâm vương, là hoạt động tâm thức chủ yếu đang sinh khởi và khởi lên đồng thời với nhận thức đó. Việc phân tích và hệ thống hoá các tâm sở là một kì công của các Đại luận sư Ấn Độ. Các Tâm sở miêu tả tất cả những khía cạnh tâm trạng mà ai cũng có thể tự khám phá, tìm được nơi chính mình có thể gọi là bản đồ tâm lý của con người.
Sắc pháp
Sắc pháp là thể chất vô tri giác, có tính chất Biến Hoại và Biến Ngại (Cũng gọi là Vô Nhân Pháp, Hữu Duyên Pháp, Hữu Lậu Pháp, Hữu Vi Pháp, Hiệp Thế Pháp, Dục Giới Pháp, Vô Tri Cảnh Pháp, Phi Trừ Pháp.)
Thí dụ như: - Bọt nước (Biến Hoại), - Tấm vách tường chắn lối đi (Biến Ngại)
Tâm bất tương ưng hành pháp
Tâm bất tương ưng hành pháp, gọi tắt là "Bất tương ưng hành". Chữ "Hành pháp" là những pháp thuộc về "Hành uẩn". Hành uẩn là một trong năm uẩn.
Chữ "Hành" là sinh diệt dời đổi; chữ "Uẩn" là chứa nhóm. Hành uẩn có 2 loại:
Tương ưng hành uẩn, tức là các tâm sở (51 món). Chữ "Tương ưng" là ưng thuận với Tâm Vương.
Bất Tương ưng hành uẩn, tức là 24 món "Bất tương ưng hành" sau đây; 24 món này không tương ưng với tâm, chúng chỉ y ba phần: Tâm Vương, tâm sở và sắc pháp mà giả thành lập.
Đắc: Được, trái với mất. Thí như "Tôi được đồng xu", cố nhiên phải có đồng xu là "sắc pháp", và nhãn thức để thấy, ý thức để phân biệt là tâm pháp, cùng với các tâm sở chung khởi là tâm sở pháp; phải đủ cả ba phần như thế, mới thành nghĩa "được".
Mạng căn: Thân mạng. Do nghiệp đời trước kéo dẫn, làm cho thần thức thọ thân, sống trong một thời gian hoặc lâu hay mau, gọi là "mạng căn".
Chúng đồng phận: Cũng như chữ "đồng loại". Các loại chúng sinh hoặc hữu tình hay vô tình, loài nào đồng với loài đó. Như loài người đồng với người; loài vật đồng với vật.
Dị sinh tính: Những loài sinh ra khác với Thánh nhơn, tức là phàm phu; chỗ khác gọi "Phi đắc": Chúng phàm phu không được Thánh quả. Bởi thế nên gọi "Dị sinh tính" hay "Phi đắc" đều được cả.
Vô tưởng định: Định này diệt hết các Tâm vương và Tâm sở của 6 thức trước. Song đây chỉ gọi "Vô tưởng" là vì "tưởng" làm chủ động.
Diệt tận định: Định này không những diệt hết các Tâm vương và Tâm sở của 6 thức trước, mà diệt luôn cả phần tạp nhiễm của Tâm vương Tâm sở về thức thứ Bảy.
Vô tưởng định là định của phàm phu; còn Diệt tận định là định của Thánh nhân.
Vô tưởng báo: Người ở cõi Dục tu Vô tưởng định, sau khi mạng chung, được báo thân ở cõi trời Vô tưởng.
Danh thân: Tên hay danh từ. Có danh từ đơn và danh từ kép.
Cú thân: Câu. Do ráp nhiều tiếng thành câu; câu có ngắn và dài.
Văn thân: Chữ. Chữ là chỗ y chỉ của danh từ và câu.
Sinh: Sinh ra. Nghĩa là từ xưa đến nay không có, nay bắt đầu mới có.
Trụ: Ở. Những vật đã sinh ra rồi, còn lưu lại trong một thời gian, chưa diệt.
Lão: Già, suy yếu sắp chết.
Vô thường: Không thường, biệt danh của chết.
Lưu chuyển: Xoay vần, nhơn quả trước sau nối nhau không dứt.
Định vị: Nhơn quả lành, dữ khác nhau, không lộn lạo.
Tương ưng: Ưng thuận với nhau. Như nhân nào quả nấy, cân xứng với nhau.
Thế tốc: Các pháp hữu vi xoay vần mau lẹ như chong chóng.
Thứ đệ: Thứ lớp, trật tự không có lộn xộn.
Thời: Thời gian: quá khứ, hiện tại và vị lai.
Phương: Không gian: Đông, Tây, Nam, Bắc, tứ duy, thượng hạ.
Số: Số lượng. Như: một, hai, ba, bốn cho đến trăm, ngàn v.v...
Hoà hợp tính: Các duyên hoà hợp không có trái nhau.
Bất hoà hợp tính: Những pháp chống trái, không hoà hợp với nhau.
Chữ "Hữu vi" là những gì có tạo tác, có sinh diệt, không thường còn. "Vô vi" là những gì không tạo tác, không sinh diệt, không tăng giảm, vắng lặng thường còn.
Vô vi pháp
Pháp Vô vi không sinh diệt, không biến đổi, không phải như các pháp hữu vi là Tâm vương, Tâm sở, Sắc pháp, Bất tương ưng hành có sinh diệt biến đổi. Do các pháp hữu vi (94 món) diệt rồi, thì pháp vô vi mới hiện bày.
Thật ra, vô vi không phải có 6 pháp, song vì theo từng khía cạnh của nó để giải thích, nên đặt ra 6 tên như sau:
1. Hư không vô vi: Chân như hay Pháp tính, không thể dùng ý thức suy nghĩ hay lời nói luận bàn được. Nó phi sắc, phi tâm, không sinh diệt, không cấu tịnh, không tăng giảm nên gọi là "Vô vi".
Bởi nó không ngã, không pháp, rời các cấu nhiễm, rỗng rang như hư không, nên gọi là "Hư không vô vi". Đây là theo thí dụ mà đặt tên.
2. Trạch diệt vô vi: Do dùng trí huệ vô lậu, lựa chọn diệt trừ hết các nhiễm ô, nên chân như vô vi mới hiện. Vì thế nên gọi là "Trạch diệt vô vi".
3. Phi trạch diệt vô vi: Vô vi không cần lựa chọn diệt trừ các phiền não. Có hai nghĩa:
a) Tính chân như vốn thanh tịnh, không phải do lựa chọn diệt trừ các phiền não nhiễm ô mới có, nên gọi là "Phi trạch diệt".
b) Các pháp hữu vi tạp nhiễm, vì thiếu duyên không sinh khởi, nên pháp vô vi được hiện. Bởi thế nên gọi "Phi trạch diệt".
4. Bất động diệt vô vi: Đệ tứ thiền đã lìa được ba định dưới, ra khỏi tam tai (đao binh tai, hỏa tai, thuỷ tai) không còn bị mừng, giận, thương, ghét ...làm giao động nơi tâm, nên gọi là "Bất động diệt".
5. Thọ tưởng diệt vô vi: Khi được Diệt tận định, diệt trừ hết "thọ" và "tưởng" tâm sở nên gọi là "Thọ tưởng diệt vô vi".
6. Chân như vô vi: Không phải vọng, gọi là Chân (không biến kế sở chấp); không phải điên đảo gọi là Như (không y tha khởi), tức là thật tính của các pháp (Viên thành thật)
Tác phẩm Duy Thức Tam Thập Tụng được Hòa thượng Thiện Hoa biên soạn ra, đây cũng được xem là một tác phẩm đầy đủ và cơ bản nhất về môn Duy Thức. Tất cả các trường học từ Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng cho đến Học viện của các tỉnh thành đều lấy tác phẩm này làm giáo án cơ bản để giảng dạy cho Tăng Ni học sinh của các trường.
4. LỘ TRÌNH TU TẬP THEO DUY THỨC THEO QUAN ĐIỂM CỦA TỔ
Điều kiện cần và đủ của một người xuất gia là phẩm hạnh và đạo đức. Nội tâm ít dính mắc với ngoại cảnh bên ngoài và có thể làm chủ được đối với tâm tham muốn về ngũ dục phần nào, đó chính là đời sống của người xuất gia. Đời sống thanh tịnh này được thể hiện trong tứ oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.
Người xuất gia làm chủ chính mình khi tiếp xúc duyên cảnh bên ngoài, luôn luôn sống theo tinh thần: Ít muốn biết đủ, không chạy theo duyên trần như người thế tục. Xuất gia là đi ngược dòng sinh tử và điều đó được thể hiện qua nếp sống trở về nội tâm của mỗi người tu sĩ Phật giáo. Thế nhưng trong sinh hoạt hàng ngày, không gặp được thầy lành bạn tốt, vì thói quen từ trước mà không tìm hiểu đến nơi đến chốn nên có những thiếu sót, lơ là vô tình đẩy người tu quên mất bổn phận, làm sa sút.
Trong Thiền Lâm bảo huấn có ghi: “Không gì quý hơn đạo, không gì đẹp hơn đức”. Ở trên thế gian này “Đạo đức” là báu vật thiêng liêng. Vẻ đẹp bề ngoài của hình sắc không thể so sánh với vẻ đẹp sâu kính bên trong. Người có đạo đức là người đẹp nhất trên đời.
Đạo đức là những đức tính đẹp, phẩm hạnh khuôn mẫu, phép tắc, khuôn vàng thước ngọc là những điều cần phải thực hành của một người xuất gia, không chỉ giúp cho người tu sống với giá trị thật của một con người mà còn là điều kiện phải có và đủ cho sự tu tập, trau dồi đức tính để tiến đến quả vị hiền thánh. Bồ tát và tột cùng là địa vị Phật, vì Đức Phật đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành.”
Điều kiện tất yếu để có trí tuệ là phải siêng học, siêng tu, học ở đây khác với cái học thế tục nên có danh từ là tri thức. Tu và học phải luôn song hành với nhau, không thể tách rời trên con đường đưa đến giác ngộ giải thoát. Nếu chúng ta chỉ tu mà không học thì gọi là tu mù, nếu không tu mà chỉ học thì không khác gì cái đảy đựng sách, không có lợi lạc gì nhiều cho đời.
Tu ở đây không phải chỉ là ngày ngày tụng kinh gõ mõ thì được gọi là tu, nếu anh nói anh tu nhiều với công việc tụng kinh gõ mõ suốt ngày nhưng tâm hồn anh không thanh tịnh, khẩu, ý của anh còn nghi ngờ và nói lời thô thiển cay nghiệt đối với người khác thì điều này chưa hẳn là tu.
Nếu anh chỉ tụng kinh ngày một thời nhưng mà trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày anh tham học, tham nghiên cứu kinh điển, khẩu và tâm ý của anh luôn thanh tịnh, không có chấp ngã, không còn nghi ngờ người khác, không nói lời thô thiển, xoi bói, không lật úp lật ngửa, không bóp méo sự thật, không nhận xét người khác qua lăng kính thành kiến của mình, tâm ý luôn thanh tịnh an lạc, luôn thương yêu người khác thì dù một ngày một thời kinh, anh cũng được xem là người tu hành chân chính.
Chỉ có con đường chính pháp mới có thể đưa con người đạt được trí tuệ cứu cánh, thấu suốt được chân lý sự thật vũ trụ, nhân sinh và thoát được mọi ràng buộc khổ đau. Người ta nói: Được học Phật là sự hưởng thụ tối cao của đời người.
Biết hổ thẹn là biết nhìn lại lỗi của mình, trong nhà Phật là biết tàm quý cũng là một đức tính của người tu. Người tu đạo phải sống chân thật với mình và với người, vì kinh Duy Ma Cật gọi đó là trực tâm, nghĩa là mình phải sống chân thật với lòng mình. Đó là một đức tính để đưa người tu tới Chân thiện mỹ. Đức Phật còn dạy thêm rằng “Thắng được chính mình, đó mới là chiến công oanh liệt nhất”. Không thành thật, không ngay thẳng thì chắc chắn không thành tựu quả vị giác ngộ.
Người học Phật mà biết rèn luyện và khéo sử dụng được tính khiêm cung, nhẫn nhịn trong sự tu tập thì sẽ được lợi lạc rất nhiều. Với tâm cung kính, quý trọng, quan tâm, lo lắng của chúng ta thì người và ta sẽ hiểu nhau hơn, và thương yêu nhiều hơn, như vậy tránh được nhiều điều bất lợi, chia rẽ nội bộ, không mất tình huynh đệ và chế độ lục hòa không những được bền vững mà còn thể hiện trí tuệ vô ngã.
Càng sống khiêm tốn sẽ càng tăng trưởng công đức giác ngộ và có thể thắng được người hơn mình nhờ đức khiêm cung. Trái lại, có những tính xấu như dối trá, không thành thật, vẽ vời thêm bớt…những tính xấu không được tin dùng trong xã hội, cho nên trong kinh Duy Ma Cật có nói “Trực tâm là đạo tràng của Bồ-tát, vì tất cả ba đời của Chư Phật thành tựu quả vị giác ngộ cứu cánh cùng cực cũng đều từ tâm thành thật ngay thẳng mà nên”.
Cái tôi hay cái ngã không có hình tướng nhưng tinh vi xảo quyệt vô cùng, nó rất khó phát hiện, luôn ẩn núp trong tâm để khi chúng ta sơ suất thì nó điều khiển vạn vật cả vũ trụ. Mỗi lời nói, hành động của chúng ta bị nó điều khiển mà chúng ta không hay biết, người không biết tu nó sẽ sai sử. Chúng ta bị cái tôi lầm mê núp ở bên trong điều khiển chúng ta, nên có bài kệ:
Không ai ngụy biện bằng cái ngã Không ai xảo trá bằng cái ta Không ai xấu xa bằng bản ngã Không ai độc ác bằng cái ta Cúi xuống cho nhau cái ngã này Chính ngươi là kẻ làm ta khổ.
Người xưa có nói: “Trọng thầy mới được làm thầy”. Đây là nhân quả tất yếu từ ngàn xưa cho đến ngày nay, mạng lưới nhân quả đan xen chằng chịt với nhau một cách tinh vi nhưng vì chúng ta không nhìn thấy nên có tâm xem thường. Từ trong kinh Hoa Nghiêm giúp cho người học tu có được cái thấy biết viên mãn: “Cái thấy biết này là cái thấy biết tròn sáng của hàng Bồ Tát, do đó chúng ta phải học ở nơi thiện tri thức là chỗ phát sinh, truyền trao, dạy dỗ cho mình dễ hiểu nhất.”
Việc cần thực hiện của người xuất gia là phải thoát khỏi phiền não, dập tắt vô minh, từ bỏ tham, sân, si, chứng đạt vô sinh pháp nhẫn, liễu thoát sinh tử, đó mới là việc làm tối thắng.
Đạo đức không phải là việc to tác vĩ đại mà chính là những điều nhỏ nhặt nhất, gần gũi nhất trong cuộc sống của mình. Chư Tổ dạy chúng ta phải “nhai thật kĩ” để “tiêu hóa”.
Thanh tịnh ba nghiệp là nền tảng căn bản để vào đạo, phải luôn luôn giữ gìn, bảo hộ, phòng thân, miệng và ý được trong sạch. Soi xét thân tâm đây là bước quan trọng, trong việc thực hành quán chiếu tu tập trong cuộc sống thực tế, Đức Phật dạy trong kinh Di giáo “Phải nương tựa vào kinh Tứ Niệm Xứ, là phải quán sát thân và tâm. Đây là cốt lõi của đạo Phật”.
Giữ gìn 6 căn, trong sinh hoạt hàng ngày chúng ta cần giữ gìn, bảo vệ sáu căn trong từng giây phút. Chính niệm tỉnh giác, nhận thức được mọi việc đang xảy ra gọi là thân đâu tâm đó, vì sự tu tập được gói gọn lại nên Đức Phật còn gọi là đạo tỉnh thức.
Trong tâm người tu phải tỉnh thức ngay trong giây phút hiện tại mỗi cử chỉ, hành động, việc làm đều nằm trong sự kiểm soát và nhận thức rõ ràng nên gọi là chính niệm tỉnh giác trong bốn oai nghi, tĩnh thức chính niệm là đi biết mình đang đi, ngồi biết mình đang ngồi, ăn biết mình đang ăn, không buông lung tạp niệm. Đây là lộ trình tu hành của người xuất gia đi đến giác ngộ, chúng ta có thể nhuần nhuyễn để có thể ứng dụng trong sinh hoạt hàng ngày, dù chúng ta là người xuất gia hay tại gia.
Luôn cố gắng quay trở lại kiểm soát tâm của mình trong từng giây, từng phút để thấy rõ và sống được với con người chân thật là một đức tính quan trọng không thể thiếu của một người tu sĩ. Khiêm tốn là khiêm nhường, hạ mình, nhẫn nhịn, từ tốn, biết mềm mỏng nhỏ nhẹ, ôn hòa và đằm thắm ở trong mọi lúc, mọi nơi. Luôn luôn xem xét lại chính mình và kịp thời sữa đổi những điều còn xấu dở, thiếu sót để càng ngày càng tốt đẹp hơn.
Đức Phật có dạy: “Hãy thắng người hơn mình bằng đức khiêm cung”. Khéo biết bổn phận, chỉ tự xét lỗi mình, chớ nên tìm lỗi của kẻ khác là điều không phải dễ làm. Đây chính là sự thể hiện tinh thần nhẫn nhịn Ba-la-mật trong Lục độ vạn hạnh của hàng Bồ-tát. Khiêm tốn là nền tảng đưa người tu hành đi vào con đường rộng lớn của bậc Đại nhân.
Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật hỏi các vị Tỳ kheo: “Ở trong vũ trụ này cái gì là mạnh nhất? Và Ngài cũng tự giải đáp rằng: Nhẫn nhịn là mạnh nhất”. Nhẫn nhịn không phải là thái độ của một người yếu hèn, nhút nhát như người đời thường nghĩ, mà là sức mạnh đi ngược dòng thế gian của bậc có trí tuệ.
Chữ “nhẫn” trong đạo Phật có nghĩa quay lại chính mình để vượt qua những hơn thua, phải trái bằng sự điều phục tâm ngã mạn. Trong cuộc sống thường ngày, mỗi khi đối trước một lời nói, hay cử chỉ muốn tranh cao thấp, thì việc tranh đấu giành phần thắng về mình là một việc dễ làm hơn là sự nhún nhường chịu thua.
Tuy nhiên, dù bất cứ ai giành được phần thắng cũng đều nắm lấy sự thất bại, nhưng mà chúng ta không dễ nhận ra. Hành động tranh đấu như thế là biểu hiện của một nội tâm yếu đuối, nhưng mọi người lầm tưởng là mạnh mẽ và tài giỏi hơn người bị thua.
Khi bị một người mắng chửi nặng nề hoặc đánh đập, thì việc mắng chửi hoặc đánh trả lại đối phương là lẽ đương nhiên mà bất cứ người thế gian nào cũng có thể làm. Trong khi đó, tự biết kiềm chế và không muốn tranh chấp phải là người có được sức mạnh chinh phục chính mình.
Một khi đã hoàn toàn làm chủ tâm của mình, thì không có điều gì ở trên thế gian này chẳng thể điều phục. Đức Phật là bậc thầy trong tất cả bậc thầy về phương pháp điều phục và chế ngự phiền não nội tâm của bản thân đến chỗ rốt ráo tột cùng, nên được tôn xưng là bậc “Điều Ngự Sư”.
Do tập khí sâu dày nhiều đời, “cái tôi” không bao giờ chịu thua ai. Dáng vẻ bên ngoài có vẻ phục tùng, nể trọng vì hoàn cảnh bất đắc dĩ, mà không phải từ nơi tâm vui vẻ, nhận chịu, mọi hành vi chỉ mang tính cách ứng phó. Những sự hơn thua người và mình, tranh đấu thị phi là nghiệp rất nặng của chúng sinh.
Nếu ai bị rơi vào nghiệp này, nặng thì rơi vào ba đường ác đạo hoặc có chút ít phước báu thì thác sinh vào cảnh giới A-tu-la, suốt ngày cứ nghĩ đến chuyện tranh đấu, tâm luôn dao động không bao giờ có thể an định. Đây là những thói hư tật xấu nghiêm trọng dễ đưa đến phiền não và chỉ có sự khiêm tốn, nhường nhịn mới có thể cảm hóa được nó.
“Dĩ nhu thắng cương”, dùng sự mềm mỏng để chiến thắng sự cứng cỏi, kiên cường. Những người có tâm mạnh mẽ, nóng giận dễ làm người khác khiếp sợ, nhưng thường bị khuất phục bởi làn sóng từ trường vị tha, bao dung của những người có tâm nhu hòa, từ ái. Nếu có một thời gian sống chung cùng nhau thì có thể cảm hóa và làm thay đổi những thói quen tệ xấu ấy.
Trong lịch sử xưa nay, sự khiêm tốn đến chỗ cao thượng của những bậc Tôn Đức có đạo hạnh đã khiến cho những người tâm tà ác chuyển đổi tâm ý từ kính nể cho đến phát nguyện xin nương về xuất gia tu học theo các Ngài.
Người biết rèn luyện, khéo ứng dụng được khiêm tốn và nhẫn nhịn trong sự tu sẽ có được lợi ích rất nhiều. Với tâm cung kính, quý trọng, quan tâm lo lắng của chúng ta thì tất cả mọi người sẽ càng hiểu và thương mình nhiều hơn, như vậy sẽ tránh được rất nhiều trường hợp tranh cãi, gây ra sự chia rẽ trong nội bộ, từ đó đánh mất tình nghĩa huynh đệ, không còn sống trong lục hòa.
Phải luôn nhớ bổn phận, vị trí hiện tại của mình và cố gắng tu học đúng theo sự chỉ dạy của những bậc đi trước. Càng sống khiêm tốn sẽ càng tăng trưởng công đức giác ngộ; cũng có thể thắng được người hơn mình vì nhờ đức khiêm cung. Ở đây không có nghĩa tranh thắng thua với người, mà là sự cung kính vượt lên trên tất cả mọi toan tính, tranh đấu. Như kinh Tứ Thập Nhị Chương có viết: “Không cần trải qua địa vị thứ lớp tu chứng, mà tự nó cao tột, đó gọi là Đạo”.
Thành thật với chính mình là phải đề phòng những tâm niệm sai quấy, không được tự dối gạt mình, hoặc là đổ thừa hoàn cảnh hay con người, hoặc là tự an ủi tha thứ cho mình khi phạm lỗi lầm. Nếu cho rằng tất cả đều là chuyện nhỏ thì sẽ phá hỏng tất cả những chuyện lớn và thậm chí làm hư hoại đạo đức và con đường tu hành của người xuất gia.
Đừng xem thường một đốm lửa nhỏ, vì đóm lửa nhỏ có thể cháy lan cả núi rừng, đừng xem thường một con rắn đọc nhỏ, vì nó có thể lớn và cắn hại chết người, đừng xem thường một vị vua nhỏ, vì vị vua ấy lớn và có thể làm được tất cả.
Phải cẩn thận soi xét từng tâm niệm nhỏ nhặt của mình. “Cái tôi” không hình tướng tinh vi xảo quyệt rất khó phát hiện, luôn âm thầm núp sâu bên trong tâm để điều khiển toàn bộ vũ trụ vạn vật. Mọi việc làm, nói năng, suy nghĩ hằng ngày của mình đều bị nó điều khiển mà không hề hay biết.
Người không biết tu, thiếu trí tuệ soi sáng thì sẽ giống như những con rối vô tri ở trên sân khấu diễn tuồng. Tất cả sự nói năng, vận động tới lui của chúng đều do người điều khiển phía sau bức màn. Chỉ có chính niệm tỉnh giác mới có thể thấy được bộ mặt thật của “cái tôi” đang ẩn núp sâu kín bên trong tâm của mình mới biết để mà thay đổi, hóa giải và diệt trừ nó.
Nếu cái tôi không được thay đổi, hóa giải, diệt trừ thì khi vừa nghe người khác nói một lời chạm đến lòng tự trọng, đụng đến tự ái thì liền có phản ứng, không kịp kiềm chế, sao anh, chị, cô …. nói vậy? và rồi sân si nổi lên.
Người tu phải chân thật với chính mình trong từng hành động, lời nói, cử chỉ, và trong cả tâm niệm. Khi đối xử, tiếp xúc với mọi người ở bên ngoài thì phải nghĩ thế nào thì nói như thế ấy, nói đúng sự thật, biết thì nói rằng biết, khả năng không làm được thì nhẹ nhàng từ chối.
Người có được sự thành thật từ bên trong ý nghĩ cho đến bên ngoài lời nói, cử chỉ là một người đáng tôn kính và quý trọng. Từ bên trong mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của người đó biểu lộ ra một sức mạnh của tâm chân thành, tạo ra một từ trường tác động đến những người xung quanh và làm cho họ cảm thấy nhẹ nhàng, an ổn. Người như thế mỗi khi đi đến đâu cũng hưởng được sự yêu thương, kính trọng và quý mến của tất cả mọi loài.
Luôn cố gắng xoay trở lại kiểm soát tâm của mình trong từng giây, từng phút để thấy rõ và sống được với con người chân thật là một đức tính quan trọng không thể thiếu của một người tu. Xuất gia là con đường đi ngược dòng sinh tử, ngược lại dòng đời, ngược lại đời sống thế tục. Trong quá trình tu tập giữ gìn ba nghiệp (thân, khẩu, ý) và hộ trì sáu căn, giữ gìn bảy thức trước (tiền ngũ thức, ý thức, mạt-na thức) là việc làm tối trọng để giữ gìn giới thân huệ mạng của người tu.
Hộ trì ở đây chính là chính niệm tỉnh giác, làm chủ cảm xúc với sáu trần, luôn tự kiểm soát hành động của mình, với tất cả lời nói ý nghĩ. Khi kiểm soát rõ biết vô tham, vô sân, vô si thì các thiện pháp trong chúng ta luôn sinh trưởng, từ đó mà chúng ta được tăng trưởng công đức, trí tuệ và dễ dàng thành tựu trên lộ trình giải thoát.
5. THAY LỜI KẾT
Trong dòng chảy Duy thức học tại Việt Nam hoà thượng Thiện Hoa là một trong những người đi tiên phong trong việc tiếp thu, nghiên cứu, phiên dịch truyền bá giảng dạy. Công lao của tổ rất lớn, chỉ dạy rất rõ ràng, tận tường về tám thức và chỉ rõ tác dụng, diệu dụng của từng thức một và chỉ rõ những cái lợi và hại của nó trong đời sống của chúng ta.
Là hàng hậu học sinh trẻ, Tăng Ni sinh chúng ta đã được thừa kế một tài sản lớn về sự hiểu biết hiện tượng thế giới vũ trụ bên ngoài và thế giới của tâm thức, mỗi một cá nhân chúng ta là như một tiểu vũ trụ, nó có đầy đủ bên trong đó. Mỗi cá nhân, mỗi hành giả như chúng con được thọ nhận và chúng con phải luôn biết ơn, tri ân và báo ân đối với Tổ sư.
Không gì bằng chúng con phải nỗ lực tinh tấn tu học, nghiên cứu nhiều hơn về môn Duy Thức này để hầu mong thấy rõ hơn về vạn pháp là vô ngã, tất cả điều do nơi tâm thức mà biến hiện ra.
Con người luôn có khối óc và con tim, một vấn đề xảy ra, vấn đề đó của khối óc và khối óc là nhiệm vụ, nhưng có mấy ai quyết đoán và hành động theo sự hiểu biết đúng sai như vậy? Hay là con người có hai nửa, một nửa khối óc và nửa còn lại là con tim và việc của khối óc thì lại là con tim mách bảo và con tim giải quyết? Đây mới là điều muốn nói, và đây chính là lúc Mạt-na có mặt.
Cuộc đời này giá như đừng có cái “Tôi”, của “Tôi” thì chắc chắn sẽ không có chuyện gì xảy ra. Vì cái “Tôi” nên con người mới cáu xé nhau, làm cho nhau phiền khổ. Bản thân của mình vẫn chưa thoát được cái “Tôi” đó, bởi vì có lúc mình vẫn còn khởi lòng ưa thích, chấp vào đó là của mình, cái này của tôi, cái kia của tôi, và mình vẫn còn giận hờn, phiền não mỗi khi gặp cảnh, chướng duyên trong cuộc sống tu tập của mình.
Có những lúc ngồi lại, quay lại chính mình thì mình mới thấy thật đáng xấu hổ, thật ra tất cũng chỉ vì cái “Tôi”, cũng vì phục vụ cho chính cái tôi, chính bản thân mình mà thôi, chứ không ai ngoài khác mình. Người khác lỡ có làm điều gì đó mà khiến cho mình phật lòng, không đồng ý thì liền chỉ trách, tại sao như vậy với tôi, tại sao …. lúc nào mình cũng nghĩ mình đúng, mình là trên hết.
Vì cái tâm còn ưa thích cái đẹp, cái ngon, cái dễ nghe làm mát lòng mình nên mới sinh ra phiền não như vậy. Khi nghĩ lại, thấy như vậy, thấy mình còn quá sai, quá ư là có lỗi với thầy tổ mình đã dạy dỗ cho mình, khi thấy được như vậy, tự nhiên tự hổ thẹn với chính mình, hổ thẹn với mọi người mà trở về với chính cái biết thật tính của mình, buông bỏ hết, chỉ lấy lại chính và trí thì lòng tự nhiên nhẹ lại đi, mọi cái thấy đơn giản hơn và tâm trí mình tự nhiên thảnh thơi hơn.
Mỗi lần như vậy thì mình thấy cảnh vật tươi sáng hơn, mọi người xung quanh ai cũng dễ thương. Mặc dù đã là xuất gia học Phật nhưng mình vẫn chưa hẳn buông bỏ hết, trong tiềm thức vẫn bị cái “Ngã” nó len lõi, nó điều khiển mình rất vi tế, nếu như mình bị mất chính niệm.
Nếu như trong cuộc sống tu tập hằng ngày mà mình luôn giữ chính niệm thì mình luôn thấy được chính mình, quan sát, chế ngự được cái suy nghĩ, hành động (thân, khẩu, ý) của mình thì sẽ ít bị sai trái hơn. Đối với mọi người xung quanh nếu họ có lỡ đối xử với mình tệ hơn thì mình cũng có một suy nghĩ là chắc họ có lý do của họ, đặt hoàn cảnh của mình vào hoàn cảnh của họ để mình hiểu và thông cảm cho họ, không còn trách móc giận hờn người khác nữa, như vậy mình mới thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Khi mình biết nhìn lại và buông cái “Tôi” xuống thì mọi việc sẽ trở thành đơn giản hơn. Những độc tố như tham, sân, giận dữ nó không còn nữa mà trí tuệ của mình sẽ sáng hơn, thấy được mọi vấn đề khi nó đến.
Trong cuộc sống có nhiều sự việc mà người đời thường gọi là “tình ngay mà lý gian” có nghĩa là một sự việc hay một vấn đề nào đó nó xảy ra, đối với sự việc đó mình không liên quan, mình không làm hay có thể nói mình không biết nó đang xảy ra và xảy ra vì lý do gì!
Vậy nhưng, chúng ta không giải thích được, không thể dùng bằng ngôn từ để bày tỏ, diễn đạt cho người khác hiểu được vấn đề là mình không có lỗi trong sự việc đó, không nói được vì có nói ra đi nửa thì họ cũng không hiểu được cái lý “tình ngay mà lý gian” đó, chỉ có người mà cùng mình chứng kiến thì may họa họ hiểu được phần nào.
Chính vì vậy, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, mình phải luôn đặt sự tốt đẹp vào ý thức của mình, muốn gieo hạt giống ngọt cho đời sau thì phải đặt sự kham nhẫn lên hàng đầu. Nếu có một vấn đề xảy ra, mình bị mắng, biết là mình không phải hạng người như vậy, mình không làm như vậy nhưng mình cũng phải kham nhẫn, lắng nghe lời khó nghe đó, dù ta không làm nhưng ta vẫn chấp nhận là sai, nhận cái lỗi đó và chỉ im lặng để người trách cứ ta bớt đi sự bực bội.
Khi đã chấp nhận được thì tất nhiên ta vượt qua được. Khi chướng duyên nghịch cảnh đến mà mình không chấp cái ngã của mình thì mọi việc nó qua đi một cách dễ dàng hơn.
Người xuất gia đệ tử Phật, ngoài việc buông bỏ cái bản ngã, cái tôi ra thì còn phải nỗ lực nghiên cứu giáo lý, thông hiểu các pháp, thấu suốt nhân sinh quan, vũ trụ quan, thế giới quan, xã hội quan, chính trị quan, tu tập quan và thế giới quan Phật giáo…vận dụng giáo lý Phật đà về Nhân quả, Nghiệp báo, Tứ diệu đế…. nhất là về lĩnh vực Duy thức học, người xuất gia học Phật, nhất là người mang gánh sứ mệnh hoằng pháp, đem lợi lạc cho chúng sinh thì càng cần thông đạt môn học này.
Sở dĩ nói người gánh vác trách nhiệm sứ mệnh hoằng pháp là phải thông suốt môn này là vì môn học Duy thức là một môn học thuộc về tâm lý của con người. Phàm một chúng hữu tình nào cũng điều có tâm lý trong tâm thức cả, đối với chúng hữu tình mà là con người thì lĩnh vực về tâm lý càng cao, càng nặng hơn so với chúng hữu tình các loài khác. Tâm lý của con người nó rất vi tế, thành tựu hay thất bại trong cuộc sống cũng phần lớn do ảnh hưởng tâm lý của chính con người đó.
Chính vì vậy mà người hoằng pháp phải hiểu tâm lý của một chúng sinh nào đó khi họ đang là! để vận dụng tâm lý học phù hợp với tâm lý của họ đang vướng mắc, qua triết lý của Duy thức học, áp dụng lý thuyết sáu căn tiếp xúc sáu trần sinh ra sáu thức, áp dụng triết thuyết mạt-na chấp thủ, chỉ cách bồi đắp sự tốt đẹp, thiện lành vào A-lại-da thức, chỉ từng bước cho người đó, để họ hiểu và áp dụng vào đời sống thực tế của họ.
Người hoằng pháp phải có một trí tuệ hơn người khác, thông hiểu những lời Đức Phật dạy một cách uyên bác hơn người khác.
SC.Thích nữ Liên Nghĩa, Cao cấp Giảng sư - Ban Hoằng pháp Trung ương SC.TS.Thích nữ Thanh Quế, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam
***
Bình luận (0)