Phật giáo luôn lấy Từ bi để đối nhân xử thế, lấy trí tuệ để răn dạy người đời, lấy kiên nhẫn làm động lực để giải quyết mọi việc, từng bước cảm hóa được những người đang hướng tới vô minh biết quay đầu về chính đạo.
Tác giả: Thích nữ Liên Thảo Phật học Từ Quang (tập 44)
Mỗi vị Phật là một con người giác ngộ, một con người đã thấu triệt mọi sự thật của các pháp. Con người ấy hiểu được một cách chính xác về nhân loại và vạn vật. Đạo Phật được hình thành từ những giáo huấn của người giác ngộ, chính vì thế Phật giáo thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi tình huống xảy ra trong cuộc đời. Nếu nói Phật giáo là một ‘Tôn giáo’, thì tôn giáo này không phải tôn thờ giáo chủ như một Thần linh mà là ‘Tôn giáo’ xây dựng trên nền tảng của trí tuệ và khoa học từ sự hiểu biết một cách bình đẳng.
Thái độ sống với những người ngoại đạo
Phật giáo không phân biệt bất cứ chúng sinh nào, ai cần đến Phật giáo, cần đến Phật Pháp thì sứ giả của Như Lai đều không ngần ngại hướng dẫn cho họ. Đạo Phật luôn đem giáo pháp của Như Lai mà giáo dục quần chúng, chứ không phân biệt kỳ thị, chọn lựa đối tượng nghe pháp. Trên bước đường hoằng pháp, đức Phật như thầy thuốc, tùy bệnh mà cho thuốc. Đức Phật luôn hòa nhã với cử chỉ, hành động khiêm cung, tự tại, dù đó là ai.
Có lần, ông du sĩ bện tóc Jatabhāradvāja hỏi Thế Tôn:
“Nội triền và ngoại triền Chúng sinh bị phiền trược Con hỏi Gotama Ai thoát phiền trược này?”
Thế Tôn trả lời:
“Người có trí trú giới Tu tập tâm và tuệ Nhiệt tâm và thận trọng Tỷ kheo ấy thoát triền Với ai đã từ bỏ Tham sân và vô minh Bậc ứng cúng lậu tận Vị ấy thoát triền phược, Chỗ nào danh và sắc Được đoạn tận vô dư, Đoạn chướng ngại sắc tưởng, Chỗ ấy triền phược đoạn”1
Thế Tôn tận tình chỉ dạy cho du sĩ, định hướng cho họ biết nơi cần đi, nơi cần đến, cái cần bỏ để đạt đến giải thoát. Ngài dạy quần chúng một cách hài hòa, tôn trọng và tuyên thuyết một cách khách quan. Ngài luôn mong muốn và khuyến hóa chúng sinh rằng sự hiểu biết, khôn khéo, tài năng là những gì mang lại cho chúng ta sự thành công. Thế Tôn luôn khuyến khích quần chúng hành động như thế nào cho phù hợp với trực giác sâu kín trong mỗi con người. Nếu muốn đạt đến giải thoát giác ngộ, thoát khỏi phiền trược, điều trước hết phải biết quán xét bản thân, hành vi cử chỉ… của chính mình với những việc xung quanh ta, quán xét để thấu triệt bản chất đích thực của chúng để căn cứ vào sự hiểu biết của mình để ứng xử thích hợp, không tạo phiền não cho ai khác, bản thân tự tại trên mọi lĩnh vực.
Với những ai có tâm kỳ thị, Ngài cũng vui vẻ trình bày cho họ hiểu nhằm giảm lòng sân si cho người nghe và cho cả bản thân mình. Thế Tôn nói với Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja việc cày ruộng:
“Lòng tin là hạt giống Khổ hạnh là mưa móc Trí tuệ đối với Ta Là cày và ách mang Tàm quý là cán cày Ý căn là dây cột Chính niệm đối với ta Là lưỡi cày, gậy đâm Thân hành được hộ trì Khẩu hành được hộ trì Đối với các món ăn Bụng ta dùng vừa phải Ta nhổ lên (tà vạy) Với chơn lý sự thật Hoan hỷ trong Niết bàn Là giải thoát của Ta Tinh tấn đối với Ta Là khả năng mang ách Đưa ta tiến dần đến An ổn khỏi ách nạn Đi đến không trở lui Chỗ Ta đi không sầu Như vậy cày ruộng này Mọi đau khổ được thoát”2
Thế Tôn đã khéo léo sử dụng phương pháp so sánh giữa việc tu hành cũng như cày ruộng. Từ đó, Ngài chỉ điểm vượt trội của việc tu hành không chỉ đơn thuần là vật chất mà nó đưa con người vượt qua mọi khổ đau.
Trong đời sống, khi giáo lý của Ngài xuất hiện, có thể ví như một ngọn đèn đã nhen nhúm ánh sáng để xóa dần bóng tối của vô minh. Phật giáo luôn lấy Từ bi để đối nhân xử thế, lấy trí tuệ để răn dạy người đời, lấy kiên nhẫn làm động lực để giải quyết mọi việc, từng bước cảm hóa được những người đang hướng tới vô minh biết quay đầu về chính đạo.
Thế Tôn với các trưởng giả, vua chúa
“Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ai cũng có thể thành Phật chứ không riêng Ngài, vì thế Phật giáo có nguồn năng lực mạnh mẽ giúp đỡ cho nhân loại mà không hề nghĩ đến vụ lợi, không dựa trên quyền năng, không phải để thiết lập ngôi vị hay bất kỳ một lý do riêng biệt nào khác. Có thể nói người khai sáng đạo Phật đã thấu hiểu tận ngõ ngách, tâm tư, nguyện vọng… của nhân loại.
Ấn Độ thời kỳ trước khi đức Phật ra đời, đã có hàng chục tôn giáo lớn. Nhưng khi nhìn thấy cuộc đời khổ đau, Ngài đã rời bỏ đời sống thế tục vào năm 29 tuổi, xuất gia tu hành tìm đường chấm dứt khổ đau. Ngài muốn cứu chúng sinh bằng cách tự mình tìm ra con đường giúp chúng sinh tự cứu và Ngài trở thành một ẩn sĩ.
Trong vòng 6 năm, Ngài đã thực hành đủ phương pháp kể cả phương pháp khổ hạnh, nhưng vẫn không thấy được chân lý. Cuối cùng, Ngài thực hành theo phương pháp do chính Ngài tìm ra và đã đạt được kết quả tốt đẹp nhất trong việc thực hành, đó là trở thành một vị Phật Toàn Giác.
Sau khi Giác ngộ, Đức Phật hoằng hóa lợi sinh trong 45 năm. Hằng ngày, Ngài giảng dạy giáo pháp cho tất cả mọi người đến với Ngài. Vào năm 80 tuổi, Ngài viên tịch. Từ đó, đã có không ít triều đình nương theo bước chân Ngài, ủng hộ Phật giáo.
Có chuyện kể rằng, sau khi chứng quả Bồ đề, đức Phật lần nữa trở lại thành Rajagaha, đến thăm vua Tần-bà-sa-la. Tại đây, đức Phật đã thuyết pháp cho vua cùng đoàn tùy tùng. Ngày hôm sau, vua Tần-bà-sa-la đã mời đức Phật cùng chư Tăng thọ trai tại cung điện của mình và cũng trong dịp này, vua đã dâng cúng vườn Trúc cho Tăng chúng làm nơi trú ngụ. Và từ đó trở đi, vua Tần-bà-sa- la trở thành người Phật tử trung kiên, tận tụy đối với đức Phật và chúng Tăng.
Thỉnh thoảng, vua thỉnh ý đức Phật về “một số điều luật”3 mà ông thấy là cần thiết và cấp bách cho sự sinh hoạt của cộng đồng Tăng chúng.
Vua Tần-bà-sa-la không những tôn kính đức Phật mà đối với chư vị Tỳ kheo, ông cũng hết mực kính trọng. Đã mấy lần nhà vua đưa người theo hầu Phật và Tăng chúng, nhờ thế mà quần chúng từng bước mộ đạo. Thậm chí, ông còn cho cả hoàng phi đầy kiêu ngạo của ông sang đảnh lễ đức Phật. Sau đó, bà đã xin đức Phật xuất gia và đắc quả A-la-hán.
Về sau này, thái tử A-xà-thế con của Vua Tần-bà-sa-la, dù vua đã truyền ngôi cho con của mình nhưng A-xà-thế vẫn ám hại cha mình, theo sự xúi giục của Đề-bà-đạt-đa làm nhiều việc ác, còn phía Đề-bà-đạt-đa thì mưu toan hại Phật. Thế Tôn cũng chẳng vì thế mà xa lánh Đề-bà-đạt-đa và A-xà-thế, nhưng A-xà-thế, thì luôn luôn né tránh đức Phật. Nhưng sau khi đức Phật nhập Niết bàn, A-xà-thế cảm kích lòng từ bi, trí tuệ của đức Thế Tôn và hối hận những việc mình đã làm mà bắt đầu đến với đạo Phật và cũng là người bảo trợ cho lần kiết tập kinh điển lần thứ nhất.
Trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ, từ những việc làm thường ngày của đức Thế Tôn, các vua chúa, hay các thành viên trong hoàng gia ủng hộ đã góp phần vào công cuộc truyền bá chính pháp của đức Phật.
Khi trao đổi với Vua Pasenadi nước Kosala, Ngài dạy:
“Như nước trong tươi mát Nằm tại chỗ không người Không người uống, người dùng Đi đến chỗ tổn giảm; Cũng vậy là tài sản Kẻ hạ liệt có được Không tự mình thọ hưởng Lại không cho một ai Kẻ trí tuệ sáng suốt Tài sản thâu hoạch được Biết thọ dụng phục vụ Với bà con đoàn thể Trở thành như ngưu vương Nuôi dưỡng và giúp đỡ, Vô tội khi bị chết, được sinh lên thiên giới”4
Cách Thế Tôn sử dụng đây là một trong “ngũ minh”5 mà trên bước đường hoằng pháp lợi sinh, các sứ giả Như Lai cần ngẫm nghĩ. Là con người, ai cũng có Phật tánh, thì hẳn nhiên có thể đánh thức chúng trong mọi hoàn cảnh. Điều quan trọng là chúng ta biết ứng xử như thế nào cho thích hợp mà thôi.
Thế Tôn với hàng đệ tử xuất gia
Đệ tử xuất gia là con người có đầy đủ thất tình lục dục, nên việc Thế Tôn ứng xử với hàng đệ tử xuất gia cũng dùng nhiều phương tiện khác nhau để hóa độ. Ngày đó, vì lòng Đại Bi, Ngài thâu nhận đệ tử bất kể là ai, là tầng lớp nào, chỉ cần chịu theo học Phật thì đều được đón nhận, và được tôn trọng… Cũng từ đó, một số người do vì hoàn cảnh mà vào gia nhập giáo đoàn nên đã xảy ra không ít vấn đề khiến Thế Tôn phải chế Giới để ngăn chặn.
Ngài thương chúng sinh, chăm sóc như đấng cha lành thương yêu con nhỏ. Thế nhưng, đôi lúc cũng không tránh khỏi những kẻ có tâm bất kính với Ngài.
Thế Tôn răn dạy một vị thuộc dòng họ Bhàradvàja đã xuất gia với Ngài như vầy:
“Kẻ ngu nghĩ mình thắng Khi nói lời ác ngữ Ai biết chịu kham nhẫn Kẻ ấy thật thắng trận Những ai bị phỉ báng Trở lại phỉ báng người Kẻ ấy làm ác mình Lại làm ác cho người Những ai bị phỉ báng Không phỉ báng đối lại Người ấy đã thắng trận Thắng cho mình và người Và kẻ đã phỉ báng Tự hiểu lắng nguội dần, Bậc y sư cả hai Chữa mình, chữa cho người Quần chúng nghĩ là ngu Vì không hiểu chính Pháp”6
Đối với những người có tâm tu mà chưa hiểu biết rồi sinh hủy báng Ngài, Ngài không những không từ bỏ họ mà còn dạy cho họ hiểu tu đúng chính pháp là thế nào để có cơ hội cho người ta kịp thời sửa đổi. Tuy nhiên, với những kẻ sống trong đạo mà phá đạo thì được xem như ‘trùng trong Sư tử, có ngày cũng giết sư tử’, nên có trường hợp Thế Tôn dạy phải đuổi những Sa môn làm hạnh ác, “chớ để cho người ấy làm uế nhiễm các Tỳ Kheo hiền thiện khác”. Thầy có thể biết được người này thầy chung sống.
Ái dục và phẫn nộ, Gièm pha và ngoan cố, Não hại và tật đố Xan tham và man trá Nói nhu hòa giữa người Nói như lời sa môn Che giấu, làm việc ác Ác hiếm thiếu kính trọng Quanh co và nói láo… … Hãy tẩn xuất rơm rác Hãy tống cổ uế trược Từ nay hãy đuổi xa Kẻ nói nhiều vô ích Không phải là Sa môn Nhưng hiện tướng Sa môn Tẩn xuất kẻ ác dục Ác hạnh, ác uy nghi Sống với người thanh tịnh Sống trong sạch chính niệm Hòa hợp, biết khôn khéo Hãy chấm dứt khổ đau”7
Thế Tôn đã sống và thực hiện việc giáo dục hàng đệ tử theo cách rất bình thường của một con người. Ngài không dùng các biện pháp khác thường như thần thông, thiên nhãn thông… để quan sát và hướng dẫn việc tu tập cho đệ tử.
Nhìn chung, trong đời sống của Đức Phật, Ngài thật sự đã trải nghiệm tất cả những hương vị của cuộc đời. Chính vì vậy mà Ngài thấu hiểu những gì con người cần, những gì Phật giáo cần làm cho họ, dù đó là ai, gặp bất kỳ khó khăn gì, Ngài vẫn tìm cách giúp cho đời một lối thoát trọn vẹn mà không ai có thể oán than thêm gì nữa. Tùy theo từng đối tượng: ngoại đạo, vua chúa, thường dân, chư tăng, ni,… Ngài luôn luôn ứng dụng cách giáo dục và trợ duyên bằng phương thức khế lý khế cơ. Chỉ cần con người chịu nghe và thực hiện đúng lời Ngài dạy thì khổ nào cũng hết, họa nào cũng tiêu. Nghiệp lực có thể trong chúng sinh khác nhau ở mức độ dày mỏng, nhưng ai cũng có khả năng dứt bỏ được sự đau khổ luân hồi. Học Phật, làm theo những lời Phật dạy, tôi tin chúng ta sẽ có cuộc sống vui hơn, nhẹ nhàng hơn.
Tác giả: Thích nữ Liên Thảo Phật học Từ Quang (tập 44) *** Chú thích 1. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tương Ưng, Phẩm A-la-hán I, NXB 2. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tương Ưng, tập I, Phẩm Cư Sĩ, NXB 3. Một số điều luật trong Luật tạng là do Vua Tần-bà-sa-la thỉnh cầu đức Phật ban hành: 1. Những người đang làm công cho hoàng gia thì không được phép xuất gia. 2. Những người đang bị tội trộm cướp không được phép xuất gia. 3. Những ai đang bị tù không được phép xuất gia. 4. Đọc tụng luật vào mỗi nửa tháng cũng chính là lời đề nghị của vuaTần-bà-sa-la sau khi ông thấy các đạo sĩ của đạo khác tập trung lại và đọc tụng luật của họ. 5. An cư kiết hạ vào mùa mưa. 6. Cấm tồn trữ thực phẩm quá bảy ngày. 4. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tương Ưng, tập I, Phẩm II, Chuyện Không con, Tôn giáo, H, 2000, tr. 204. 5. Ngũ minh là 5 kiến thức người hoằng pháp cần phải có, phải hiểu biết. Đó là những kiến thức về nội minh, nhân minh, thanh minh, công xảo minh và y phương minh. 6. Tương Ưng Bộ tập I, Phẩm A-la-hán I, sđd, tr. 357. 7. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tăng Chi Bộ, tập III, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, tr. 517.
Bình luận (0)