Sự xuất hiện giá trị văn hoá Phật giáo thời Trần, một mặt là do lôgic nội tại của sự phát triển văn hóa; mặt khác là do nhu cầu, đòi hỏi cấp bách của xã hội Việt Nam khi đó là cần có một hệ tư tưởng, ngọn cờ tinh thần để tập hợp, đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tác giả: Gs.Ts Nguyễn Hùng Hậu Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024
Tóm tắt: Giá trị văn hoá Phật giáo thời Trần nói chung và thiền Trúc lâm Yên Tử nói riêng ra đời không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, nhất thời; mà nó dựa trên cơ sở xã hội Đại Việt khi đó, đặc biệt là cuộc kháng chiến hào hùng và thắng lợi vẻ vang của ba lần chống quân xâm lược Nguyên Mông; là do lôgic nội tại của lịch sử, của văn hoá; là do đòi hỏi có một hệ tư tưởng độc lập, riêng, vốn có của nhà Trần.
Giá trị văn hoá này, đặc biệt là thiền Trúc Lâm Yên Tử là vô cùng phong phú, độc đáo, đa dạng và đây là nét đậm đà bản sắc dân tộc của văn hoá Việt Nam.
Từ khoá: Cơ sở hình thành, Giá trị văn hoá phi vật thể, Thời Trần
Văn hóa là một phạm trù rất rộng, có gần 200 định nghĩa khác nhau về văn hóa, nhưng chung quy có thể hiểu theo hai nghĩa: Nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa rộng thì văn hóa là trình độ phát triển về tinh thần và vật chất của nhân loại trong mỗi giai đoạn lịch sử nhấtđịnh (thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng,... văn hóa Đông Sơn, văn hóa lúa nước,...).
Nghĩa hẹp thì văn hóa là những hoạt động tinh thần của một xã hội, gồm có những lĩnh vực: Giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức (lối sống, cách cư xử, ứng xử giữa người với người...). Văn hóa cũng bao gồm cả văn hóa vật thể (các di tích lịch sử, các công trình văn hóa, di sản văn hóa, những sản phẩm văn hóa: Kim tự tháp, đình, chùa, miếu thờ...) và phi vật thể (ca dao, dân ca, hò vè, lễ hội; các phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi địa phương).
Trong bài này, văn hoá được giới hạn ở văn hoá Phật giáo theo nghĩa hẹp, chủ yếu thể hiện trên các khía cạnh như tư tưởng, triết học, triết lý, tinh thần, đạo đức, lối sống, văn học, nghệ thuật, thực hành nghi lễ Phật giáo. Giá trị văn hoá Phật giáo là những cái hữu ích lâu dài đối với cuộc sống của con người Việt Nam. Văn hoá Phật giáo thời Trần, theo một nghĩa nào đó, về đại thể là văn hoá của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Với cách hiểu như vậy, giá trị văn hoá Phật giáo thời Trần, tức văn hoá của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, có cơ sở hình thành của nó ở ba phương diện: thực tiễn, lý luận và lôgic nội tại của văn hoá.
1. Cơ sở thực tiễn
Cơ sở thực tiễn chủ yếu hình thành nên giá trị văn hoá Phật giáo thời Trần chính là thực tiễn đời sống xã hội thời đó, đặc biệt là sự thống nhất các lực lượng cát cứ cuối Lý đầu Trần của Trần Thủ Độ và cuộc kháng chiến hào hùng với thắng lợi vẻ vang của dân tộc chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII.
Sau một thời gian dài huy hoàng, theo luật vô thường, vật cùng tắc biến, cuối triều Lý, đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Cùng với sự suy yếu của chính quyền trung ương, các lãnh chúa địa phương nổi dậy cát cứ như Đoàn Thương ở Hải Hưng, Nguyễn Tư ở Hà Tây, Nguyễn Nộn ở Bắc Giang.
Nông dân, một mặt, bị bóc lột nặng nề để phục vụ cho sự ăn chơi xa xỉ của tầng lợp thống trị, mặt khác, lại bị thiên tai mất mùa nên đã xuất hiện nhiều cuộc khởi nghĩa như Thanh Lôi, Lê Văn, Phí Lăng, … Thủ đô Thăng Long nhiều lần bị đánh phá. Vua Lý bất lực, khi thì dựa vào nhóm này, khi thì dựa vào nhóm khác, cuối cùng dựa vào nhà Trần khi đó đang đánh cá ở Thái Bình. Nhà Trần dần dần chinh phục được các lực lượng cát cứ, thâu tóm được mọi quyền lực trong triều.
Nhà Trần ra đời, muốn hình thành một hệ tư tưởng riêng, chính vì lý do đó mà thiền Trúc Lâm Yên Tử nói riêng và văn hoá Phật giáo thời Trần xuất hiện. Cùng với phát triển văn hoá, đặc biệt là văn hoá Phật giáo, nhà Trần đã đưa ra nhiều chủ trương chính sách mới như khai khẩn đất hoang, đắp đê ngăn nước mặn, chống úng lụt, từ đó hình thành nên các điền trang khổng lồ, tạo đà cho kinh tế phát triển. Khác với thái ấp, đất được ban phát, điền trang là sở hữu của giới quý tộc mà lực lượng sản xuất chính là nô tỳ, nông nô.
Biến đổi chính trị, kinh tế đòi hỏi có sự biến đổi về tư tưởng, văn hoá. Tác phẩm Khoá hư lục ra đời nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn giai đoạn đầu nhà Trần.
Mặt khác, văn hoá Phật giáo thời Trần xuất hiện còn dựa trên một cơ sở quan trọng khác, đó là cuộc kháng chiến hào hùng, thắng lợi vẻ vang trong cuộc chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII.
Chiến tranh chống Mông Nguyên của Đại Việt là một trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhất trong lịch sử của dân tộc khiến cả thế giới thán phục. Năm 1227 Mông Cổ tiêu diệt Tây Hạ, năm 1234 tiêu diệt Kim ở phía nam. Năm 1254, quân Mông Cổ đánh chiếm nước Đại Lý (Vân Nam ngày nay). Sau khi đánh chiếm Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc), Mông Cổ ráo riết sửa soạn xâm lược Đại Việt nhằm tạo bàn đạp và thế gọng kìm đánh lên Nam Tống.
Trước tình thế quân Nguyên Mông có ý định xâm lược nước ta, vua tôi nhà Trần cùng toàn dân đồng lòng đứng lên kháng địch.
1. Cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần 1. Đầu 1258, khoảng 3 vạn quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, theo lưu vực sông Hồng phía tả ngạn và hữu ngạn sông Thao tiến vào Đại Việt. Đường tả ngạn qua vùng đất Hà Tuyên xuống Bạch Hạc (Việt Trì). Đường hữu ngạn qua vùng đất Quy Hoá (Yên Bái, Vĩnh Phúc) cùng xuống Bạch Hạc. Hai đạo quân nhỏ này có nhiệm vụ đi trước thăm dò, dẫn đường.
Theo sau là đạo quân khác do con trai của Ngột Lương Hợp Thai là Aju (A Thuật) chỉ huy. Cuối cùng là đạo quân do chính Ngột Lương Hợp Thai trực tiếp cầm đầu. Tháng 1 năm 1258, hai đạo quân Mông Cổ đi trước cùng đến hội quân ở Bạch Hạc. Chúng xuất phát từ Đại Lý (Vân Nam hiện nay) với khoảng 30.000 – 45.000 quân. Bao gồm khoảng 10.000-25.000 kỵ binh Mông Cổ và 20.000 quân Đại Lý tiến vào Đại Việt.
Chính thức bắt đầu chiến tranh xâm lược tại nước ta. Cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần thứ nhất diễn ra chỉ với khoảng 3-4 trận đánh lớn, trong vòng khoảng 15 ngày. Quân Mông Cổ thất bại và phải gánh chịu tổn thất nặng nề. Quân Mông Cổ từ 30.000 – 45.000 quân chỉ còn 3000 kỵ binh và 1 vạn quân Đại Lý.
2. Cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần 2. Đầu năm 1285, quân Mông Cổ chiếm được một số đồn, vượt sông Hồng tiến vào Thăng Long. Nhà Trần cử 50.000 quân chặn đánh, quân Mông Cổ thất bại nặng nề ở Hàm Tử (tỉnh Hưng Yên). Hừng hực khí thế, quân của Trần Hưng Đạo tiến thẳng về kinh thành. Chương Dương, một tiền đồn cách Thăng Long 20km về phía nam, đã bị chiếm.
Và khi vua Trần dẫn quân rời Thanh Hóa trấn thủ tiến về kinh đô, dân chúng nổi lên chiến đấu với quân Mông Cổ. Quân giặc từ Thăng Long rút lên phía bắc sông Hồng. Phần lớn lực lượng Đại Việt đã lao vào trận chiến chống lại quân đội của Toa Đô, quân đội này đã bị nghiền nát tại Tây Kết vào tháng 7 năm 1285; tướng Mông Cổ bị giết và 50.000 người của hắn ta bị bắt.
Sau khi bố trí quân dọc theo tuyến đường mà kẻ thù đã đánh khi chúng rút về Trung Quốc, Hưng Đạo Vương đã tổ chức một cuộc tấn công trực diện vào quân đội Mông Cổ. Khi rút lui, địch rơi vào ổ phục kích. Thoát Hoan, tổng tư lệnh Mông Cổ, đã trốn thoát bằng cách trốn trong một chiếc thùng đồng. Đến tháng 8 năm 1285, cả nước được giải phóng, đại quân nửa triệu người Mông Cổ bị đánh bại.
Quân Nguyên ở phía Bắc trên đường rút chạy đã bị tập kích tại sông Cầu, tại Vạn Kiếp, Vĩnh Bình. Cánh quân rút về Đại Lý bị quân ta tập kích tại Phù Ninh. Cánh quân phía Nam ở Chiêm Thành lên bị tiêu diệt hoàn toàn tại Tây Kết. Quân ta giành thắng lợi hoàn toàn trong trận chiến này.
3. Cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần 3. Ngả sông Hồng, đạo quân Mông Nguyên do Ái Lỗ (A Rục), A Tri và Mông Khu Đai chỉ huy nhiều lần bị quân của Trần Nhật Duật chặn đánh. Trước thế mạnh ban đầu của giặc, Trần Nhật Duật đã chủ động rút quân từ Tuyên Quang về lập phòng tuyến chống địch tại Bạch Hạc.
Ngày 11 tháng 12 năm 1287, sau những trận chiến đấu quyết liệt tại Bạch Hạc, Trần Nhật Duật tiếp tục rút lui. Cuối năm 1287, Thoát Hoan lại vượt biên với 300.000 quân trong khi một hạm đội Mông Cổ gồm 500 chiến thuyền tiến về bờ biển Đại Việt chứ không xâm lược người Chăm nữa. Vua Trần lại rời kinh thành. Tướng quân Mông Cổ Ô Mã Nhi đã gửi cho ông ta lời cảnh cáo này: "Dù ngươi có trốn lên trời, ta cũng sẽ đuổi theo người. Ta sẽ truy đuổi ngươi cho đến tận đáy biển, cho đến tận cùng trong rừng”.
Sau đó quân Nguyên rút lên phía bắc sông Hồng; trong thời gian đó, quân của Ô Mã Nhi liên tục bị quân Trần và nhân dân quấy phá, đánh chặn. Dưới sự dẫn dắt của người anh hùng Việt Nam, tướng Trần Hưng Đạo, một hạm đội Mông Cổ đã bị lôi cuốn vào một trận chiến theo kiểu chiến tranh du kích của người Việt.
Mượn chiến thuật của Ngô Quyền năm 938 để đánh bại hạm đội Trung Quốc xâm lược, người Đại Việt đã kín đáo đóng cọc có mũi sắt xuống lòng sông Bạch Đằng (thuộc miền Bắc Việt Nam ngày nay là Bắc Giang, Hải Hưng và Quảng Ninh) vào ban đêm, và ngày hôm sau, với một đội tàu nhỏ của Việt Nam đã dụ hạm đội Mông Cổ xuống sông ngay khi thủy triều lên.
Giặc đuổi theo, và khi thuỷ triều rút, ta bắt đầu phản công. Giặc thua hòng rút chạy, nhưng bị mắc kẹt bởi những chiếc cọc có đầu bằng sắt nhô lên, toàn bộ hạm đội gồm 400 chiếc của Mông Cổ đã bị những mũi tên lửa của Việt Nam đánh chìm, bắt giữ hoặc thiêu rụi. Quân Nguyên Mông rút về Tàu, trên đường bị quân Trần Hưng Đạo đánh chặn. Như vậy, chiến thắng Bạch Đằng đã đập tan mưu đồ xâm lược Đại Việt của quân Mông Nguyên trong lần thứ ba, bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.
Qua đó ta thấy, sự xuất hiện giá trị văn hoá Phật giáo thời Trần suy cho cùng là do xã hội Việt Nam khi đó qui định, đặc biệt là ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông hào hùng với thắng lợi vô cùng vẻ vang của quân dân Đại Việt. Cho nên có thể nói, sự xuất hiện thiền Trúc Lâm Yên Tử là sự hoàn tất sự nghiệp vang dội ở bến Chương Dương, cửa Hàm Tử, sông Bạch Đằng.
2. Cơ sở lý luận và Logic nội tại
Sau khi lập nên triều đại, nhà Trần vì muốn lấy lòng dân và không muốn cắt đứt mạch phát triển liên tục của văn hóa tư tưởng nên vẫn giương cao ngọn cờ Phật giáo - tôn giáo được đại đa số dân chúng tin theo. Nhưng Phật giáo thời Lý có ba thiền phái chính; Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường. Nhà Trần đã thu phục, thống nhất được những lực lượng cát cứ về địa lý, bởi vậy, họ muốn thu phục những lực lượng cát cứ về tinh thần, tư tưởng.
“Nếu nhiệm vụ thứ nhất do Trần Thủ Độ đảm nhiệm, thì nhiệm vụ thứ hai do Trần Thái Tông đứng ra gánh vác. Cũng chính vì lý do đó mà ba thiền phái thời Lý hầu như biến mất (nói đúng ra là chỉ còn thiền phái Vô Ngôn Thông) và tác phẩm Khoá hư lục với học thuyết Không Hư của Trần Thái Tông ra đời. Đây là học thuyết tổng hợp cả Thiền, Tịnh, Nho, Lão, …, tổng hợp tư tưởng của các thiền phái trước. Cũng không ngoa khi nói rằng tác phẩm này là tập đại thành đầu tiên của triết học Việt Nam và Phật giáo Việt Nam”(1).
Qua đó ta thấy, ý đồ tạo dựng nên một hệ tư tưởng mới của nhà Trần đã rõ. Nhưng, một mặt, nhà Trần mới giành được chính quyền, nên phải ra sức củng cố quyền lực; mặt khác, lúc này lại có tin quân Nguyên ngoài biên ải rục rịch xâm phạm bờ cõi; bởi vậy, ý đồ này đành phải tạm gác lại.
Sau ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông vang dội, khí thế đất nước, tinh thần dân tộc được thổi bùng lên mạnh mẽ chưa từng thấy, ý thức độc lập tự cường được tiếp thêm luồng sinh khí mới; do đó, nhiệm vụ, ý đồ trước kia đáng lẽ phải hoàn thành, thực hiện, thì nay lại được đặt ra một cách cấp bách, gay gắt hơn bao giờ hết.
“Đứng trước tình hình đó, Trần Nhân Tông (1258-1308), cháu của Trần Thái Tông đã đứng ra đảm đương trọng trách này bằng cách sau khi giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến cuối cùng vào năm 1288, năm năm sau ông đã nhường ngôi cho con đi chu du khắp thiên hạ học hỏi đạo Phật, để đến tháng 8 năm 1299, ông lên Yên Tử hình thành một thiền phái mới mang đậm màu sắc Việt Nam, thiền Trúc Lâm Yên Tử, hoàn tất sự nghiệp vang dội ở bến Chương Dương, cửa Hàm Tử, sông Bạch Đằng”(2).
Như vậy, sự xuất hiện giá trị văn hoá Phật giáo thời Trần, một mặt là do lôgic nội tại của sự phát triển văn hóa; mặt khác là do nhu cầu, đòi hỏi cấp bách của xã hội Việt Nam khi đó là cần có một hệ tư tưởng, ngọn cờ tinh thần để tập hợp, đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chính vì vậy mà giá trị văn hoá Phật giáo thời Trần nói chung và thiền Trúc Lâm Yên Tử nói riêng xuất hiện. Sự xuất hiện này hoàn toàn không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên nhất thời như một số người quan niệm; mà nó do lôgic của lịch sử, nhu cầu của cuộc sống, của xã hội Đại Việt khi đó qui định; và khi xuất hiện nó có những giá trị trường tồn, vượt ra ngoài không thời gian đã sản sinh ra nó.
Tác giả: Gs.Ts Nguyễn Hùng Hậu Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024 ***CHÚ THÍCH: (1) .GS,TS Nguyễn Hùng Hậu. Triết học Việt Nam. Tập 1. Triết học Việt Nam truyền thống. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2017, tr.175 (2) . GS,TS Nguyễn Hùng Hậu. Triết học Việt Nam. Tập 1. Triết học Việt Nam truyền thống. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2017, tr.176
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Nguyễn Hùng Hậu. Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1996 2. Nguyễn Hùng Hậu. Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1997 3. Nguyễn Hùng Hậu. Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 2002 4. Nguyễn Hùng Hậu. Triết lý trong văn hóa phương Đông. Nxb. Đại học Sư phạm. Hà Nội 2004. 5. Nguyễn Hùng Hậu. Triết học Việt Nam. T.1. Triết học Việt Nam truyền thống. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2017
Bình luận (0)