Tác giả: Cư sĩ Minh Mẫn
Những quốc gia cho mua bán vũ khí, thỉnh thoảng xảy ra thảm sát hàng loạt, chính phủ lúng túng trong việc giải quyết, ngăn chặn; có cả rừng luật mà vẫn không tránh khỏi luật rừng của những kẻ tâm thần hiếu sát. Luật lệ mang tính trừng phạt khi đã xảy ra, hơn là ngăn chặn ngay từ đầu trong tư tưởng, nhận thức.
Theo đạo Phật, tất cả do tâm:
“Tâm (Ý) dẫn đầu các pháp Tâm (Ý) chủ, tâm tạo tác Nếu với tâm (ý) ô nhiễm, Nói lên hay hành động. Khổ não sẽ theo ta Như xe theo vật kéo”.
(Kinh Pháp Cú: Phẩm Song Yếu - Yamakavagga.).
***
Những năm gần đây, thông tin mạng thường loan tải nhiều tiêu cực trong giới tu sĩ Phật giáo. Tiêu cực xuất hiện trong mọi lĩnh vực, mọi tổ chức, mọi tôn giáo chứ không riêng đạo Phật, tuyệt nhiên không nghe thấy tôn giáo nào nổi cộm như Phật giáo trong nước. Người ta đặt vấn đề tại sao tu sĩ Phật giáo thường xuyên bị bêu rếu trên cộng đồng mạng. Đây là vấn đề, không phải chỉ xử lý “khủng hoảng truyền thông” như đá đè cỏ, tuy cỏ khó chui lên nhưng vẫn ngấm ngầm phát triển chờ cơ hội phát tán. Trước đây bộ phận Thông tin truyền thông của Phật giáo đã đặt vấn đề xử lý “khủng hoảng thông tin”, nhưng chưa đưa đến kết quả, đâu vào đấy còn bị phản ứng ngược.
Cộng đồng mạng là cộng đồng phát biểu, truyền tải thông tin tự do không qua kiểm duyệt, ngoại trừ bị khiếu nại do thiệt hại nào đó, pháp luật mới vào cuộc. Thế thì, thay vì chú hướng vào dư luận, tại sao chúng ta không xử lý nội bộ ngay từ căn bản. Xử lý đây không có nghĩa trừng phạt, chế tài mà là giáo giới. Một tu sĩ ngày xưa, khi vào chùa, ngoài hai thời công phu còn phải học bốn bộ luật (tỳ ni, sa di, oai nghi, cảnh sách). Được uốn nắn từ đầu, luôn được thầy quan tâm giáo dục, đến khi thọ Tỳ kheo, từ chú lên thầy đã có một nhân cách vững vàng. Sau 1975, một số sớm xa thầy tự bươn bả tiến thân, không qua trường lớp giáo luật, một số tự cạo đầu mặc áo kiếm sống, không thầy không bạn nên không đủ nhân cách của một tu sĩ đúng nghĩa, do những yếu tố bất cập đó, hành động, ý nghĩ không theo khuôn phép Thiền môn, việc tai tiếng là điều không tránh khỏi.
Dư luận cộng đồng mạng cho dù có hậu ý hay mang tính khách quan, cũng đều là tấm gương cần soi lại chính mình. Bản thân nội tình chưa tốt đẹp thì đừng lên tiếng chỉ trích các tôn giáo bạn. Cho dù là một giảng sư Phật giáo uyên bác, bằng cấp cao khỏi đầu, làm sao hiểu được giáo lý của các tôn giáo khác với tính chuyên môn. Đức Lục Tổ bảo: “Hãy xét lỗi mình, đừng xét lỗi người”. Người chân tu không bao giờ phán xét kẻ khác. Cỏ vườn nhà không dọn lại lo hốt rác nhà người. Chính do tâm hướng ngoại mà hành vi, lời nói luôn bị sai phạm, ảnh hưởng đến uy tín tập thể. Người biết kềm chế, “thủ khẩu như bình” thì ai dám xúc phạm đến mình, ai dám kêu tên ra để đối chất như kiểu chợ trời? Trí thức, giảng sư sai phạm theo trí thức, giảng sư, bình dân học vụ tai tiếng theo bình dân học vụ… vì không tự nhìn lại chính mình, không trang bị nhân cách theo Giáo luật, Giới luật thì cho dù Giám luật đứng trước mặt cũng đành chịu thua.
Trước những tai tiếng có thật trong một số tu sĩ Phật giáo, Ban Giám luật ra đời, thật ra, đây chỉ là là giải pháp đối ứng, cùng lắm là chế tài, tẩn xuất một khi sự việc đã rồi. Chuyện quan trọng là giáo luật ngay từ cơ bản. Trường Phật học từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng, đại học mọc khắp ba miền, chuyên cung cấp kiến thức mà không đặt nặng việc tu tập, trùng tụng luật nghi. Ngày nay, ba tháng an cư ít nơi nào có thời khóa học luật, tụng giới, rèn luyện tâm giới nghiêm túc như xưa. Không giải quyết từ căn bản thì việc chế tài không đủ đem lại uy tín cho Phật giáo. Thế gian lúng túng trong việc giải quyết tệ nạn xã hội là vì họ chỉ nhắm đến hiện tượng. Phật giáo đã đề cao “Tâm dẫn đầu các pháp” mà không giải quyết từ trong tâm thì, Giám luật, chế tài, hay bất cứ hình thức nào mang tính trừng trị đều có tính chữa cháy.
Súng đạn chỉ là phương tiện hành động, không có súng đạn, thì dao gậy hay bất cứ cái gì cũng đều là phương tiện gây án. Giải quyết không phải từ súng đạn dao gậy mà từ giáo dục ý thức và đạo đức của con người. Trong cuộc sống, tất cả đều là phương tiện tốt nếu biết sử dụng; mọi xấu xa đừng đổ tội cho phương tiện mà hãy xem lại cách hành xử của con người. Ngôn ngữ chữ viết cũng thế, nếu đổ lỗi cho người sáng chế vì mục đích xấu, tại sao ta sử dụng để truyền tải những điều tốt đẹp? Đạo tặc dùng dao cướp giật, đâu thể đổ tội cho thợ rèn làm dao. Mình phải biết phân biệt đâu là phương tiện, đâu là mục đích cứu cánh.
***
Giám luật, giáo luật và giới luật cũng thế, đều là phương tiện, biết dùng phương tiện hơn là phô diễn phương tiện. Áp dụng phương tiện đúng thời, đúng vị, đúng đối tượng tức khắc vấn đề được xuôi chèo mát mái. Thiết nghĩ, Phật giáo ngày nay nên đặt nặng vấn đề giáo giới, luật giới trong mọi giai tầng học vị. 13 ban ngành trong cơ cấu tổ chức hành chính chỉ là hình thức, khó đem lại một tổ chức lành mạnh đầy đủ uy tín của một tôn giáo như đạo Phật trong nước.
May mà những hệ phái lớn như Phật giáo Nam tông, hệ phái Khất sĩ, Thiền phái Trúc Lâm có một tầm vóc uy tín nhất định; những tai tiếng chưa hề xảy ra từ những hệ phái đó. Dù sao những hệ phái này đã là xương sống để ngôi nhà Phật giáo Việt Nam được vững vàng trước giông bão thời đại.
Tác giả: Cư sĩ Minh Mẫn
Bình luận (0)