DẪN NHẬP
Đạo Phật là đạo mà chính chúng ta tự thân trải nghiệm hành trì chứng đắc, đức Thế Tôn của chúng ta chứng đạo với giáo lý duyên sinh vô ngã. Suốt quãng thời gian thuyết pháp tất cả giáo lý mà đức Phật thuyết ra được hàng đệ tử của ngài kết tinh lại thành giáo lý tam tạng kinh điển. Từ đó chúng ta thấy được phương pháp giáo hóa cụ thể là tùy theo căn cơ, trình độ đối tượng mà chúng ta có từng phương thức, kỹ năng giảng dạy khác nhau. Ngay từ khi Phật giáo buổi đầu du nhập vào nước ta gắn liền tiến trình dựng nước và giữ nước. Nói theo Mâu Tử trong tác phẩm “Lý hoặc Luận”, cuối thế kỷ thứ II sau Tây lịch, thực tế chúng ta đã có một nhà nước độc lập ra đời và mang các thuộc tính Phật giáo. Thế nên, Phật giáo đã nghiễm nhiên trở thành một tôn giáo có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với dân tộc. Đạo Phật không chỉ có nếp sống giáo dục về đạo đức của cá nhân, gia đình mà còn có thể xem như một học thuyết chính trị giúp cho dân tộc Việt chống lại giặc ngoại xâm phương Bắc, nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa quốc gia, bảo vệ chủ quyền biên cương, lãnh thổ. Cụ thể là đạo Phật có chủ trương giáo dục các mần non tương lai từ tuổi mới lọt lòng cho đến khi trưởng thành, mục đích đào tạo ra các nhân tài bảo vệ đất nước, Phật giáo cũng chia ra từng giai đoạn mà có những nội dung, phương thức phù hợp giáo dục khác nhau. Do đó, người viết chọn đề tài: “Giáo dục thiếu nhi theo quan điểm Phật giáo” để giúp cho người đọc hiểu hơn về sự nhập thế của Phật giáo đối với xã hội hiện nay bắt đầu từ việc giáo dục thiếu nhi. Trong phạm vi bài nghiên cứu, người viết vận dụng phương pháp nghiên cứu phân tích, so sánh, tư liệu để phân tích và nghiên cứu.
Tag: giáo dục phật giáo, giáo lý, đức phật, thanh thiếu niên, thiếu nhi, thuộc tính, tính cách, nhân cách…
A. NỘI DUNG
1. Khái niệm về giáo dục
Giáo dục là: “cách tiếp thu về kiến thức, thói quen, phong tục hay những kỹ năng của con người được lưu truyền bởi thế hệ qua hình thức giảng dạy, nghiên cứu, đào tạo”[1]. Giáo dục có thể do tự thân trải nghiệm, tìm hiểu học hỏi cũng có thể được hướng dẫn bởi thầy cô, môi trường xung quanh thiết lập nên.
Đối với mỗi người, giáo dục sẽ được hình thành và phân chia theo từng độ tuổi khác nhau như độ tuổi sơ sinh; độ tuổi cấp mầm non, độ tuổi tiểu học; độ tuổi trung học cho đến đại học.
2. Đặc trưng giáo dục
a. Giáo dục và sự phát triển nhân cách trẻ em sơ sinh
Ngay khi có sự xuất hiện của bé tức là khi trong bụng người mẹ, bản thân người cha người mẹ sống phải biết yêu thương nhau, luôn gần gũi bên nhau, không được tách xa nhau, và tình yêu phải hun đúc bằng sự chân thành. Chính những hành động như thế chúng ta tạo nên một ngôi nhà đầm ấm, hạnh phúc, nuôi dưỡng thai nhi đó bằng sự yêu thương. Thực tế cho chúng ta thấy khi người mẹ mang thai cứ hằng tháng vào ngày mùng một và rằm đều đến chùa thắp nhang, cầu nguyện, tụng kinh, phóng sinh, niệm Phật, làm các việc từ thiện, để mong cầu khi con lớn lên có được công đức lành, tạo niềm tin tôn giáo trong tâm thức. Để khi con sinh ra được học cách hòa nhập với môi trường sống mới. Sự phát triển của con chủ yếu là sự phát triển của các giác quan như nghe, ngửi, nếm... bởi sự phát triển này nói lên tính chất mức độ phát triển trí tuệ - tinh thần của bé. Tùy theo mức độ và cách thức chăm sóc, cư xử của cha mẹ hay trong gia đình mà đứa bé tiếp nhận từ hình ảnh, hành động, mà hình thành nên tính cách, lối sống cho sau này. Cách tiếp cận mọi thứ qua đồ vật theo chiều hướng tốt thì sẽ mang lại nền tảng tốt cho bé để khi lớn lên chúng có kinh nghiệm đúng chuẩn mực với mọi người. Nhưng tất cả đề phụ thuộc vào bậc làm cha làm mẹ và khả năng am hiểu giáo lý phật giáo và biết ứng dụng vào đời sống thực tiễn để làm gương cho các trẻ vì chúng rất dễ bắt chước theo và in sâu vào trong tâm thức dấu ấn Phật pháp từ tuổi con non thơ một cách lành mạnh.
b. Giáo dục và sự phát triển nhân cách trẻ ở nhà
Thời điểm này, chúng ta bắt đầu thấy trẻ thơ có sự tiến bộ về tâm lý, cơ thể như trẻ bắt đầu tập đi, biết chơi đồ mình thích, biết nói bập bẹ. Đây là sự thúc đẩy phát triển khả năng ý thức, yếu tố thể hiện ra nhân cách. Thời điểm các con tập nói như thế bậc làm cha mẹ phải dùng những đại từ nhân xưng để con học theo dần phân biệt đâu là cha, mẹ, ông bà, cô, dì, chú, bác, thầy, sư phụ... để con nhanh ghi nhớ nhầm khi đến chùa có chút cảm nhận là người khác nói như thế nào, xưng hô ra sao. Điều đặc biệt là cha mẹ phải là những tấm gương đạo đức gương mẫu, đừng tạo cho các con các tình huống bất hòa hay cãi vã nào trướ mặt con vì chúng rất dễ bị ám ảnh. Ngược lại, vào các ngày như thứ bảy, chủ nhật dẫn các bé đến chùa để gần gũi với các bạn cùng trang lứa để cùng nhau có động lực tham gia vẽ tranh, tô màu trên hình ảnh các con vật, bông hoa, hay ngắm hình ảnh đức Phật, tạo cho trẻ cơ hội gần giũ với quý thầy, quý sư, để cảm nhận được nhiều tình thương đến từ các vị cũng như tình thương từ Phật. Cũng từ những hình ảnh xấu chúng ta chỉ dạy các con luôn ngoan ngoãn, vâng lời, nếu không sau này lớn lên sẽ thành người xấu, hay các con ham chơi, biếng ăn, chỉ vào các tượng để các con vâng theo.
c. Giáo dục và sự phát triển nhân cách trẻ ở nhà trẻ
Giai đoạn này các bé đang trong sự hình thành nhân cách, khả năng hành động theo các động cơ gián tiếp. Phát triển nhân cách còn lệ thuộc vào hành vi, khuôn mẫu của những người mà trẻ tiếp cận, những dấu ấn của thuở ban đầu các bé sẽ lưu lại rất lâu, thậm chí rất kỹ, sự phát triển nhân cách trong giai đoạn này có thể nói đạt chỉ số ở mức bình thường nhưng diễn ra ở tốc độ rất nhanh, bắt đầu từ sự thích độc lập. Giai đoạn này, bậc cha mẹ phải hết sức cẩn thận, lưu ý, dành nhiều thời gian quan tâm đến các con trong quá trình bé ham chơi. Thông qua việc các con chơi các đồ chơi chúng ta lòng ghép vào các trò chơi mang tính chất học tập, gây cho các con cảm giác thích thú, tò mò. Chúng ta dành nhiều thời gian vào trước giờ các bé đi ngủ mà kể những câu chuyện cổ tích, chuyện cười, rồi chơi trò tìm người xấu trong câu chuyện vừa kể để bé có sự kích thích v.v... đối với những bậc cha mẹ là những người đã quy y thì nên đem những câu chuyện tiền thân của đức Phật kể cho bé nghe, để huân tập thành thói quen về kiến thức về Phật. Thỉnh thoảng chúng ta tặng quà, khen thưởng cho các con khi chúng trả lời đúng. Tạo cơ hội chiến thắng cho bé có năng lượng tích cực, hoặc cho các bé tham gia các lớp búp sen để bé tập làm quen với các thầy trong giao tiếp có thể dạy các bé chào quý thầy bằng câu “Nam mô A Di Đà Phật, Mô Phật con chào thầy, bạch sư phụ...” trong năm có các lễ hội như Phật Đản, Vu Lan, chúng ta cho bé tiếp xúc với các lễ hội như thế tạo cho bé tham gia vào các hoặt động múa, hát cúng dường, dâng hương, để ươm mầm hạt giống bồ đề cho mai sau.
d. Giáo dục và sự phát triển nhân cách trẻ ở cấp tiểu học
Lúc này các con lớn hơn so với các giai đoạn trên các bé bắt đầu đi học được tiếp xúc với nguồn tri thức mới, có bạn bè khác giới, biết thích cái này không thích cái kia, phân biệt được đúng sai, biết ăn mặc đẹp... Vì thế, cha mẹ cần quan tâm con thời điểm này cũng như về việc học, tính cách từ đó mà định hình khả năng nhận thức của trẻ thời điểm này phát triển nhanh do tham gia nhiều hoạt động trong đời sống học tập, đời sống tình cảm chi phối rất nhiều trong sự hồn nhiên của trẻ.
Bản tính hiếu động của trẻ có những lúc phạm phải sai lầm, cần gia đình quan tâm lưu ý răn đe dạy bảo một cách thận trọng và nghiêm túc. Trong công việc ứng xử hành vi giao tiếp, lễ phép tôn trọng các bậc người lớn, bậc làm cha mẹ phải chọn lựa cho các trẻ những mẫu người đạo đức để hướng dẫn giáo dục. Ngoài sự dạy dỗ giáo dục của gia đình, trường lớp, bậc phụ huynh thường xuyên dẫn con đến những ngôi chùa gần với nhà mình nhất để tiếp xúc, thân cận với chư tăng, sự thân cận này sẽ để lại những ấn tượng như chiếc y vàng trong sự trang nghiêm, lễ lạy, những bài thuyết pháp ngắn, hay những câu chuyện vâng lời cha mẹ, đề cao công lý sự thật không được nói dối bài học thông qua câu chuyện như sau: “Một thời Thế Tôn trú ở Rājagaha, Veluvana, tại Kalandakanivapa. Lúc bấy giờ, Tôn giả Rāhula ở tại Ambalaṭṭhikā. Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến Ambalaṭṭhikā, chỗ Tôn giả Rāhula ở từ xa đi đến, sau khi thấy, liền sửa soạn chỗ ngồi và nước rửa chân. Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, và sau khi ngồi, Ngài rửa chân. Tôn giả Rāhula đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn, sau khi để một ít nước còn lại trong chậu nước, bảo Tôn giả Rāhula: Này Rāhula, ông có thấy một ít nước còn lại này trong chậu nước không? thưa vâng, bạch Thế Tôn. Cũng ít vậy, này Rāhula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý... Rồi Thế Tôn lật úp chậu nước ấy và bảo Tôn giả Rāhula. Này Rāhula, ông có thấy chậu nước bị lật úp ấy không? Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Tịnh hóa khẩu nghiệp; sau khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa ý nghiệp.” Như vậy, này Rāhula, ông cần phải tu học”.[2] Khi các con là những hạt giống chắc từ bé bậc làm người lớn phải trau dồi những cái hay cái đúng để các trẻ noi theo. Chỉ dạy cho các trẻ về sự biết yêu thương các động vật như câu chuyện: “vào thời nhà Đường có vị Pháp sư Hưng Huyện Tuyển là người then chốt của dòng họ Thích rất tài giỏi lạ thường. Một hôm thấy nước tràn vào tổ kiến với lòng từ sư cứu đàn kiến, tuổi còn nhỏ sư phát sinh những điều khác lạ, trí tuệ như biển cả thông thái hiểu biết suy xét, do nghiệp ban đầu đã có tôn chỉ”[3]. Nhiều câu chuyện tiền thân về đức Phật chiến thắng giữa cái thiện và cái ác: “Lúc ấy có hai con khỉ, mỗi con có năm trăm quyến thuộc. Bấy giờ có người con của vua Ca-thi đi săn bắn xung quanh, sắp đến chỗ mấy con khỉ. Con khỉ thiện nói với con khỉ ác chúng ta ngày hôm nay phải vượt qua con sông này mới mong thoát nạn. Con khỉ ác bảo: Tôi không thể vượt qua được. Con khỉ thiện nói với bầy khỉ: Cành nhánh của cây Tỳ Đa La rất dài. Hãy đu theo nhánh cây mà qua sông. Cả đoàn năm trăm con khỉ thiện liền đu theo nhánh cây mà được thoát nạn. Còn quyến thuộc của con khỉ ác vì không vượt qua sông cho nên liền bị vương tử bắt được. Con khỉ thiện lúc ấy chính là Ta. Còn con khỉ ác chính là Đề Bà Đạt Đa. Nó đã làm cho quyến thuộc của nó lúc ấy rất khổ não”[4]. Hoặc dạy cho các trẻ học thuộc lòng các bài kệ kinh pháp cú như:
“Ta thắng vượt qua ác Thắng tất cả thế gian Trí tuệ sáng vô cùng Xóa tối, làm nhập đạo”[5].
Ngoài ra, tập cho các con phúng sinh và kể cho các con lợi ích của việc làm này thông qua nhiều người đã làm và có hiệu quả như lấy ví dụ cụ thể về việc phúng sinh như sau: “Câu chuyện của vị tiến sĩ chiến thắng bệnh ung thư máu. Tôi có một người bạn đồng học, hiện là giáo sư một trường Đại học ở Mỹ, cũng là một nhà khoa học về thực phẩm rất có tiếng trên trường quốc tế. Khi anh đang học trung học, bỗng nhiên mắc phải một cơn bệnh nặng. Cha mẹ đưa đi xem bác sĩ khắp nơi, làm rất nhiều xét nghiệm cực khổ, một hôm ở Tổng y viện Vinh Dân, xét nghiệm thấy ở tấm phim X quang nơi phần ngực của anh, có một vết đen lạ. Nhưng lúc đó bác sĩ cũng chưa có kết quả chẩn đoán chính xác. Người bạn học này của tôi vì chịu rất nhiều đau khổ, nên tâm anh rất từ bi, hiểu được nỗi đau khổ của người khác. Lúc lên Đại học, anh bắt đầu học Phật, lại còn phát tâm thọ năm giới. Sau khi thọ giới, anh lại càng chí thành, tinh tấn”[6]. Là những câu chuyện có thật để các con dễ dàng tin tưởng hơn. Và luôn tập cho các trẻ luôn luôn yêu quý bạn bè cũng như chính thân mạng của mình, luôn hành xử đúng với phong cách trẻ thơ, đừng cho trẻ học theo thói hư tật xấu từ những môi trường không lành mạnh. Cho các trẻ tham gia vào các câu lạc bộ múa hát, diễn kịch, thi kể truyện thuộc khả năng năng khiếu của trẻ để trẻ dễ dàng bộc lộ hết tài năng của mình. Đề cao vai trò của người trẻ để sau này làm gương cho thế hệ mai sau, cho các trẻ biết cuộc sống này có rất nhiều điều hữu ích để chúng ta góp sức lan tỏa như cùng nhau trồng cây xanh, quét dọn chùa chiền, tạo công đức lành, để cuộc sống đầy an nhiên.
e. Giáo dục và sự phát triển nhân cách trẻ theo cách trung học
Đến giai đoạn này các trẻ phát triển về tâm lý cũng như sinh lý một cách rõ nét nhất nhưng khá phức tạp để định hình tính cách, giới tính. Vì sao nói như vậy, bởi vì lúc giai đoạn này giới tính thể hiện qua hành vi ứng xử nhận thức khác nhau giữa giới nam và giới nữ, khuynh hướng phát triển khá là đặc biệt về sự chuyển biến tâm lý như muốn khẳng định bản lĩnh của chính mình mà tranh cãi với các bạn cùng lứa, không còn nghe lời cha mẹ vì cho mình đã lớn, thích tự bản thân quyết định, không cần nghe sự sắp đặt của người lớn. Giai đoạn đây các trẻ bắt đầu biết ngại, biết trang điểm làm đẹp, thích cùng bạn bè đi chơi, biết đua đòi theo sự phát triển của thị hiếu. Nhưng nếu không được cha mẹ, người lớn đáp ứng nhu cầu hoặc thương con và sợ thua thiệt bạn bè mà dẫn đến hư hỏng. Thế nên, gia đình có sự kết nối với gia đình, nhà chùa, chùa trường và xã hội chặt chẽ với nhau để giáo dục các em hoàn thiện. Sự phát triển về mặt tâm sinh lý là điều rất hiển nhiên cho các con, nhưng người mẹ giai đoạn này nên thật gần gũi để biết con cần gì, và ân cần cho các bé gái về mặt sinh lý lúc tuổi dậy thì, cần chia sẻ cho các con về sự hiểu biết giới tính, có cách thức để hành xử đúng khi quan hệ, giao tiếp với người khác giới. Tuổi này các em đã ra dáng thiếu nữ nên sự mộng mơ và mong muốn mình được cưng chiều, thế nên các cha mẹ phải khéo léo uyển chuyển kết hợp với sự yêu thương và nghiêm khắc quan tâm tạo đủ điều kiện học tập và sự vui chơi cho các em.
Trong môi trường tiếp xúc của các em lúc này khá rộng rãi, sự hiểu biết tỉ lệ thuận với nhau. Các cha mẹ hay các vị gia đình Phật tử luôn theo dõi và dành thời gian chăm lo để các con em mình phát triển theo chiều hướng mà gia đình định hướng. Thường xuyên liên lạc với thầy cô bạn bè để nắm rõ tình hình việc học cũng như giao tiếp với những ai. Khi nào các dịp đám giỗ, chúc thọ thông qua mâm cơm gia đình cha mẹ khơi dậy ý nghĩa, công ơn ông bà, để các con hiểu và học theo hạnh tốt của gia đình, và dạy các con không được bất hòa mà phải trên kính dưới nhường, hòa thuận chia sẻ với nhau trong bất kì hoàn cảnh nào. Cha mẹ là các Phật tử thì nên dạy các con về sự quý kính, niềm tin tam bảo, khuyên các con nên quy y tam bảo, tin nhân quả, tin vào khả năng của mình, sống theo lối sống của các bậc thánh hiền. Tạo nhiều cơ hội cho các con đến với Phật, sống theo nếp sống đạo đức Phật giáo, huân tập các con những thói quen tốt như cho các con tham gia vào các cuộc hành hương, bố thí, cúng dường, hướng dẫn các con tham gia tu “bát qua trai, lớp giáo lý, bày cho các con thế nào là sống tri túc”, dần dần các con sẽ thích và xa hơn là các con sẽ hình thành nhân cách, có ước mơ và hoiaf bão đúng theo chuẩn mực của gia đình và xã hội cần có. Đặc biệt, là tạo niềm tin tin vào chính khả năng của mình là hơn hết.
Qua đó, chúng ta thấy được tầm quan trọng của lớp mần non tương lai cho đất nước, là đối tượng cần và hết sức quan tâm. Đây là “hạt giống” kết nối yêu thương từ cha mẹ, ông bà, xóm giềng với nhau. Là sự thừa kế của gia đình, chủ nhân thương lai của nước nhà. Là người hộ pháp cho Phật giáo, thế nên trách nhiệm với việc giáo dục trẻ không chỉ dành riêng cho ai mà là cả xã hội cả đất nước.
3. Hiện trạng giáo dục
Tại Việt Nam, nền giáo dục là yếu tố có tầm quan trọng trong việc xây dựng một đất nước với diện mạo mới. Đối với giáo dục các bé “thiếu nhi” theo cấp bậc quốc gia đang được cải thiện dần dần. Đất nước chúng ta đang trên đà phát triển về tất cả mọi mặt. Đảng và nhà nước lấy chủ trương “giáo dục làm quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước”. Nhưng trên thực tế thì chưa mấy hoàn hảo, vẫn còn có những vấn đề chưa đi đến điểm thống nhất như là nội dung và chương trình dạy chưa cải thiện, thời gian cho các trẻ quá nhiều trên lớp, học cả ngày lẫn đêm dành cho các trẻ ở các trung tâm thành phố lớn còn đối với các trẻ ở tỉnh thời gian đi lớp và chất lượng học không nhiều kết quả cao. Trang thiết bị học tập hầu như chưa rải rác về các tỉnh, trong môi trường học tập các thầy cô không tạo nhiều điều kiện cho các trẻ áp dụng vào đời sống thực tiễn, tính sáng tạo chưa nhiều, dẫn đến các trẻ chưa mấy thực sự thích thú vào việc học, xem mỗi buổi đến lớp là niềm vui đi kèm sự mệt mỏi đưa đến hiệu quả học tập không đạt tiêu chuẩn.
Trong môi trường giáo dục hiện nay, phần lớn chỉ quan tâm đến việc dạy “chữ” việc dạy “đạo lý” thì lại không mấy chú trọng. Quá trình học các kĩ năng ghi nhớ và học thuộc lòng là phần nào khiến cho các bạn nhỏ kĩ năng tăng bộ nhớ rất cần thiết và đỡ được thời gian, giúp cho các bản nhỏ nhạy về khả năng đối đáp, ứng dụng, tư duy phản biện, hay khả năng sáng tạo rất hữu ích. Thế nhưng các trường lớp đa phần chạy theo môi trường quốc tế bỏ quên phần quan trọng này, các bạn sẽ bị hạn chế trong việc giao lưu các kĩ năng trên. Các cấp bậc trong hệ giáo dục từ mầm non cho đến hệ đại học thiếu đi sự đồng điệu, đồng bộ, không cân đối với nhau. Các bạn trẻ ở giai đoạn tiểu học thì học phần nhiều là các môn học mang tính lý thuyết, đến khi các bạn đem vào áp dụng cho các hệ cao hơn thì không áp dụng được, đưa đến kết quả các bạn phải bắt đầu lại thời điểm ban đầu, mất thêm một quảng thời gian nữa.
Về Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên chưa phân phối hợp lý, đó là chưa nói đến các giáo viên có tâm, thiếu trách nhiệm, không có tinh thần thi đua trong giảng dạy.
Về phần định hướng tương lai hay sự kết nối với môi trường giáo dục với nước ngoài trong chương trình giảng dạy chưa mấy cao, phần nhiều chính nền giáo dục của mình bị ảnh hưởng nhiều so với mục tiêu ban đầu đưa ra kí kết. Qua đó, chúng ta thấy được về mặt tư duy còn chậm, chưa bắt kịp nhịp thời đại công nghệ. Kinh nghiệm chúng ta có được là cần và ngay bây giờ nên áp dụng ngay từ khi các trẻ còn là những trang giấy trắng để các em có thể phát triển tư duy, sáng tạo cho chính mình thì sự giáo dục mới thành công. Nền kinh tế, chính trị, xã hội mới tốt đẹp hơn nếu chúng ta biết cách vạch ra phía trước những phương hướng chính xác và có tính thiết thực cao.
4. Hướng giải quyết
Môi trường cuộc sống hiện nay, ngoài các chương trình tổ chức về sự quan tâm vun bồi kiến thức của cộng đồng thì Phật giáo chúng ta luôn hướng đến “trái tim tuổi thơ” để trau dồi về mặt kiến thức Phật pháp nhiều hơn nữa, để đạt được những thành tựu tinh thần lẫn vật chất các giáo đoàn và các vị tăng, ni trẻ luôn phát huy tinh thần dũng mãnh xông pha vào bảo vệ huống luyện các bé thiếu nhi sống theo lối sống đạo đức của nhà Phật như các vị:
“Tỷ kheo tuy tuổi nhỏ Siêng tu giáo pháp Phật, Soi sáng thế gian này, Như trăng thoát khỏi mây”[7].
Lấy bài kinh Pháp cú này làm giáo trình giảng dạy cho các bé thiếu nhi thực hành theo cũng như các chương trình thiện nguyện với khẩu hiệu bác Hồ dạy:
“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Tuỳ theo sức của mình”[8]
Tạo nhiều môi trường hoạt động cho các em thiếu nhi sống theo quan điểm của Phật giáo như thường sinh hoạt gia đình Phật tử, tổ chức các trò chơi “đố vui Phật pháp” một hoạt động khá sôi động, thu hút các thiếu nhi cùng tham gia. Vào các dịp lễ hội của Phật giáo cho các em thiếu nhi chung tay chung sức hòa mình vào văn nghệ tạo sự hứng thú để các bé nhiệt tình ủng hộ năng khiếu của mình vào hoạt động. Những ngày như “Quốc tế thiếu nhi” chúng ta lấy bản hiệu “Thiếu nhi hướng về Phật pháp” để các em phần nào hiểu sâu hơn về sự lợi ích an lạc, hạnh phúc khi mình đang theo đức Phật tu học. Ngoài ra, chúng ta cũng nên có sự tác động hai chiều với nhau như tổ chức các chương trình tặng quà cho các thiếu nhi vùng sâu vùng xa để tạo cơ hội cho các bé tham gia và đưa Phật giáo về với bản làng, làm các việc từ thiện, chú trọng về phần vật chất cho các bé để các em đầy đủ điều kiện đến lớp. Các ngày thứ bảy, chủ nhật mở các lớp dạy thèm các môn học cho các em còn yếu kém hay không có cơ hội học phụ đạo với các bạn vì gia đình khó khăn... Để các em không còn áp lực về thời gian theo học ở trường và sinh hoạt ở chùa vì chúng ta có sự kết hợp giữa học đạo và học đời với nhau tạo sự nhất thống hỗ tương cho cả hai việc học và tu theo Phật. HT.Thích Trí Quảng có nhận xét: “Ngày nay, loài người mới nhận thấy thiếu nhi quan trọng, hay nói đúng hơn là người trẻ quan trọng; nhưng từ thời kỳ lâu xa, đức Phật đã quan tâm đến việc giáo hóa con người, nhất là giới trẻ. Theo Phật, có bốn thứ nhỏ mà chúng ta không được xem thường, đó là thanh thiếu niên, con rắn nhỏ, đốm lửa nhỏ và Thầy Tỳ kheo trẻ”[9]. Chúng ta người thừa tự Pháp phải nên thực hành tốt đạo đức và phẩm chất của mình mà truyền trao giáo lý ấy ngày một rộng mở hơn. Nhằm nâng cao tri thức về nền tảng giáo dục đặc biệt là dành cho thế hệ thiếu nhi mầm non của đất nước ngày một vinh quang và toàn diện về tất cả mọi mặt từ tri thức đến đạo đức, kinh tế, chính trị, xã hội. Nếu chúng ta được sự trang bị giáo dục vững chắc về mọi phương diện từ khi lúc mới sinh ra thì chắc chắn một điều đó chúng ta sau này là một tương lai rạng ngời cho đất nước cũng như cho Phật giáo một dân sinh đạo đức đi kèm phẩm hạnh tươi mới. Đất nước ngày càng phồn vinh, thân thiện, phát triển mạnh ngang hành với khắp năm châu, Phật giáo là tôn giáo được tôn vinh về tất cả phương diện đạo đức đến giáo lý nhân quả... Tóm lại, chúng ta thấy được sự “giáo dục các bé thiếu nhi theo quan niệm Phật giáo” là một trong những kết quả hữu hiệu nhất cho ngành khoa học và xã hội nhân văn đạt thành tích cao nhất, tầm ảnh hưởng của chúng không thua kém bất kì phương diện nào trên quốc tế, ngược lại giúp đất nước ngày một rực rỡ.
B. KẾT LUẬN
Cuộc sống của chúng ta mỗi ngày đều từng bước từng bước chuyển đổi trong xu thế phồn hoa, thịnh vượng. Đời sống sinh hoạt của chúng ta ngày một đầy đủ, sự quan tâm về đối tượng trẻ thơ càng càng chú trọng hơn. Nhà nước và đảng thực thi nhiều chính sách để các trẻ ngày một sáng tạo, các tổ chức cộng đồng cũng tạo nhiều ưu tiên cho các trẻ trong việc học và tham gia các hoạt động mang tính chất giáo dục hơn. Trong đó, Phật giáo chúng ta cũng thực thi chú trọng trong việc giảng dạy các trẻ học và thực hành pháp trong sự hình thành và phát triển nhân cách của người Phật tử tại gia. Đây là “mấu chốt” và cội nguồn cho Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững và kế thừa một cách liên tục. Thế nên, trách nhiệm của mỗi chúng ta “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” đối với việc giảng dạy, thuyết pháp giáo lý đến với thiếu nhi dù là trực tiếp hay sự gián tiếp đều là bước ngoặt quan trọng nhất, chúng ta cá nhân hay tập thể tăng đoàn không được lơ là xem nhẹ việc giáo dục này mà ngược lại nên nêu cao “tinh thần Phật giáo qua nền tảng giáo dục thiếu nhi” ngày một vững mạnh hơn thế nữa.
Thích Chúc Hòa - Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
--------------CHÚ THÍCH:
[1] Nguồn: https://khoaluantotnghiep.com/khai-niem-giao-duc-la-gi/ Truy cập: 10/3/2021. [2] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ 1, 61. Kinh Giáo Giới La-Hầu-La Ở Rừng Am-Bà-La”, Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 513. [3] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, “Đại Tập 159, Bộ Luận Sớ XIV, Số 1835- 1844 (Quyển Thượng- Trung- Hạ), Lời Sớ Nhân Minh Nhập Chính Lý Luận - Quyển Hạ”, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 461. [4] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, “Đại Tập 16 - Bộ Bản Duyên VII (Số 203 - 211), Kinh Tạp Bảo Tạng - Quyển II”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000, tr. 41. [5] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, “Đại Tập 16 - Bộ Bản Duyên VII (Số 203 - 211), Kinh Pháp Cú - Quyển Hạ”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000, tr. 653. [6] Thích Minh Quang dịch, “Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư, Phóng Sinh Là Để Lòng Từ Bi Phát Sinh Và Cũng Để Cứu Lấy Sinh Mệnh Mình”, Taiwan, 2014, tr. 82. [7] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 106. [8] Hồ Chí Minh toàn tập (tập 6), Bài thơ: “Thư trung thu” của chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cháu thiếu nhi nhân dịp trung thu 1952, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. [9] Thích Trí Quảng, “Phật giáo và thiếu nhi”, Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr. 131. THƯ MỤC THAM KHẢO 1. Nguồn: https://khoaluantotnghiep.com/khai-niem-giao-duc-la-gi/ Truy cập: 10/3/2021. 2. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999. 3. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 61. Kinh Giáo Giới La-Hầu-La Ở Rừng Am-Bà-La, Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 4. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 159, Bộ Luận Sớ XIV, Số 1835- 1844 (Quyển Thượng- Trung- Hạ), Lời Sớ Nhân Minh Nhập Chính Lý Luận - Quyển Hạ, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000. 5. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 16 - Bộ Bản Duyên VII (Số 203 - 211), Kinh Tạp Bảo Tạng - Quyển II, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000. 6. Hồ Chí Minh toàn tập (tập 6), Bài thơ: Thư trung thu của chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cháu thiếu nhi nhân dịp trung thu 1952, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. 7. Thích Minh Quang dịch, Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư, Phóng Sinh Là Để Lòng Từ Bi Phát Sinh Và Cũng Để Cứu Lấy Sinh Mệnh Mình, Taiwan, 2014. 8. Thích Trí Quảng, Phật giáo và thiếu nhi, Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2011.
Bình luận (0)