Hành cung Vũ Lâm và chùa Khai Phúc có lịch sử không những gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất đời vua Trần Thái Tông, mà còn gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông 1285 và 1288, gắn liền với sự nghiệp chỉ đạo cuộc chiến bảo vệ đất nước của vua Trần Nhân Tông.
Nằm trong khu vực Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An – Bái Đính, chùa Khai Phúc và Hành cung Vũ Lâm là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông xuất gia tu hành và tu tập sau khi nhường ngôi vua cho Trần Anh Tông. Đây cũng chính là nơi thờ 36 vị Phật và các đời vua nhà Trần.
Chùa Khai Phúc, nằm trong tổng thể cảnh quan thuộc Hành Cung Vũ Lâm, xã Ninh Thắng, Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, được dựng từ thời vua Trần Thái Tông (1225 - 1258). “Khai phúc” có nghĩa là mở lòng đưa hạnh phúc tới mọi người, mọi nhà. Đó chính là mong cầu của các vua triều đại Trần cũng đồng nhất với lòng từ ái của đạo Phật soi chiếu tới muôn loài.
Trích theo nguồn thư tịch cổ như sách “Thái Vi quốc tế ngọc ký” viết trong tập “Trần Gia ngọc phả” lập năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1667), sao lại năm Bảo Đại thứ 3 (1924) lưu tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình thì: “Sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất (1258) vua Trần Thái tông 40 tuổi, đã nhường ngôi cho hoàng thái tử Hoảng (Trần Thánh Tông) về vùng núi lập am để tu hành, mở đầu cho việc xây dựng hành cung Vũ Lâm”.
Ngay thời điểm đó, vua Trần Thái Tông đã nhận ra địa thế hiểm yếu của khu vực rừng núi Ninh Bình với hệ thống sông ngòi dày đặc liên thông với hành cung Thiên Trường – Nam Định, dễ khoá chân vó ngựa Nguyên Mông vốn chỉ quen chinh chiến trên thảo nguyên rộng lớn. Hành cung Vũ Lâm trở thành căn cứ địa vững chắc của quân dân thời Trần, có thể chiến đấu trong thời gian dài.
Phía trước hành cung Ngài cho dựng một nếp chùa khiêm tốn, làm nơi tu tập và cũng là nơi cho dân chúng lui tới chiêm bái Phật. Chùa ấy Ngài đặt tên là “Khai Phúc tự”. Ngày đó, Đông cung Thái tử tức vua Trần Nhân Tông thường theo ông nội tới hành cung Vũ Lâm và chùa Khai Phúc dạo chơi, bén duyên với đạo Phật rồi sau này với tình yêu Phật giáo, Ngài đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền mang đậm sắc thái Việt, thời gian khoảng tháng 7 năm Giáp Ngọ 1294, đưa đạo Phật vào đời sống thực tiễn gần gũi hơn với nhân dân.
Như vậy, hành cung Vũ Lâm và chùa Khai Phúc còn có lịch sử gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông 1285 và 1288, gắn liền với sự nghiệp chỉ đạo bảo vệ đất nước của vua Trần Nhân Tông. Với tài mưu lược sáng suốt, đưa đạo vào đời, Ngài đã áp dụng Pháp lục hòa để gắn kết nhân dân thành một khối đại đoàn kết. Nhờ đó, Ngài tạo nên sức mạnh toàn dân, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự chủ của dân tộc. Đây là thành công rất lớn khi vua Trần Nhân Tông đưa đạo Phật vào đời sống, tích cực truyền bá tinh thần đoàn kết giữa vua tôi, xã tắc, gia đình nhằm giúp cho đất nước Đại Việt ngày càng vững mạnh, thịnh trị.
Sau 15 năm trị vì đất nước, đến năm Quý Tỵ (1293), Ngài nhường ngôi cho con là Trần Thuyên (tức vua Trần Anh Tông) và lên ngôi Thái Thượng hoàng, để chuẩn bị con đường tập trung tu hành.
Tháng 10 năm Kỷ Hợi (1299), Ngài tiếp tục tu hành ở núi Yên Tử (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Ở đây, Ngài chuyên cần tu tập theo hạnh đầu đà (khổ hạnh), lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và truyền bá dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Tiếp tục tâm nguyện độ sinh, Ngài đến chùa Phổ Minh ở Phủ Thiên Trường (nay thuộc tỉnh Nam Định) lập giảng đường để giảng dạy nhiều năm. Về sau, Ngài vân du đến trại Bố Chính lập am Tri Kiến (nay thuộc tỉnh Quảng Bình) và ở lại đó. Tại đây, Ngài cũng đã hoằng dương Phật Pháp, làm lợi lạc cho chúng sinh.
Năm 1308, sau nhiều năm xuất gia tu tập, Ngài viên tịch tại đỉnh Ngọa Vân, núi Yên Tử. Với những đóng góp to lớn cho đạo pháp và dân tộc, Ngài đã được người đời kính trọng, sau được suy tôn là Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Theo lời tấu của danh sĩ Trương Hán Siêu, môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (tức Trần Hưng Đạo), nơi đây không chỉ là đất đế đô mà còn là đất chiến địa.
Sau này khi đất nước thái bình, qua thời gian chùa Khai Phúc và hành cung Vũ Lâm được tôn tạo, tu sửa trang trọng hơn để tưởng nhớ các đời vua nhà Trần, cũng là nơi thể hiện, truyền bá tinh thần Phật giáo chân chính qua việc thờ phụng Tam Bảo và những dấu ấn lịch sử Phật giáo mà các đời vua Trần để lại cho dân tộc Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Thuý Anh
Bình luận (0)