Phật giáo Nam Truyền hay Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada) ở khu vực Đông Nam Á đã ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến một số quốc gia như Miến Điện, Thái Lan, Lào, và Campuchia. Ở các quốc gia này, Phật giáo được xem là quốc giáo, trong đó mỗi đất nước đều có những nét văn hóa và đặc trưng riêng.

Tác giả: Thích Nữ Liên Như Học viên Cao học khóa II – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

Tóm tắt:

Hệ phái Dhammayuttika do Thái tử Mongkut lập ra vào năm 1833. Sau khi Mongkut  nhận thức được sự tu tập của các tu sĩ không đúng theo lời Phật dạy mà chỉ làm theo truyền thống hay người đi trước, ông đã thực hiện một cuộc cải cách Phật giáo và thanh lọc tăng đoàn, với mục đích giữ gìn đúng giới luật mà đức Phật dạy.

Quá trình cải cách chính là nền tảng quan trọng để một hệ phái mới ra đời, đó là Dhammayuttika Nikaya (Dhammayut), đây là phái tuy ra đời sau, số lượng tu sĩ ít hơn, nhưng lại có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hóa người Thái và một số nước trong khu vực.

Từ khóa: Thái Lan, Mongkut, Dhammayut, cải cách, xu hướng

Dẫn nhập

Phật giáo Nam Truyền hay Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada) ở khu vực Đông Nam Á đã ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến một số quốc gia như Miến Điện, Thái Lan, Lào, và Campuchia. Ở các quốc gia này, Phật giáo được xem là quốc giáo, trong đó mỗi đất nước đều có những nét văn hóa và đặc trưng riêng. Tuy nhiên, Thái Lan là một đất nước có nhiều điểm về văn hóa, Phật giáo gắn liền với Hoàng gia, và đã có nhiều cải cách trong quá trình tồn tại và phát triển đạo Phật.

Thực chất, lịch sử Thái Lan khá phức tạp được hình thành bởi sự đóng góp của nhiều sắc dân, nhiều vua chúa, nhiều vương quốc qua nhiều thế kỷ. Từ khi lập quốc (1238) cho đến nay, đất nước Thái Lan với chính sách mềm dẻo và khéo léo trong chính trị cũng như phát triển kinh tế, đã đưa quốc gia này trở thành một trong những nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á.

Trong lĩnh vực tôn giáo, người Thái tiếp nhận và phát triển sâu sắc Phật giáo Theravada. Phật giáo Theravada nhanh chóng đi vào lòng người dân Thái, trở thành tôn giáo của nhân dân. Phật giáo đã sớm dung hợp với các giá trị văn hóa truyền thống và mang màu sắc bản địa. Phật giáo Thái Lan hiện nay gồm hai phái chính là Maha Nikaya và Dhammayuttika Nikaya (Dhammayut).

Trong đó, phái Maha là phái lớn, chiếm đa số và phái Dhammayut được thành lập vào năm 1833 như một phong trào cải cách do thái tử Mongkut khởi xướng.

1.  Khái quát tình hình Phật giáo ở Thái Lan

1.1.  Phật giáo du nhập và ảnh hưởng đến đời sống, xã hội Thái Lan

Nhiều nguồn tài liệu cho rằng, vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, dưới sự bảo trợ của hoàng đế Asoka, các nhà truyền giáo đã đem Phật giáo đến Sri Lanka. Từ Sri Lanka, Phật giáo đã được truyền bá sang một số nước khu vực Đông Nam Á như Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia [1,59]…

Phật giáo thực sự đặt nền móng, phát triển thành quốc giáo và ảnh hưởng sâu rộng vào xã hội Thái Lan từ triều đại Sukhothay (1238-1438). Đây là giai đoạn Phật giáo phát triển mạnh mẽ, các vị vua đều theo đạo Phật, tích cực ủng hộ xây dựng chùa chiền lớn, đào tạo tăng tài để phát triển chính pháp[13].

Phật giáo là quốc giáo của nhà nước Thái Lan ngay từ khi mới thành lập. Hiện nay, phần lớn người dân là Phật tử (theo thống kê năm 2018, Phật giáo chiếm khoảng 95% dân số, Islam giáo chiếm khoảng 3,8%, Kitô giáo khoảng 5%, còn lại là các tôn giáo khác)[6]. Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong nhiều mặt của xã hội, có thể tóm lược khái quát về vai trò của Phật giáo ở Thái Lan, đó là:

1) Phật giáo hình thành nhân cách lối sống của người Thái, bởi vì người Thái mang những nguyên tắc đạo đức của Phật giáo để thực hành trong cuộc sống hằng ngày, do đó người Thái có một tấm lòng tốt và thân thiện;

2) Phật giáo là nguyên tắc chính trong điều hành đất nước. Trong quá khứ, các vị vua đều áp dụng các nguyên tắc của Phật giáo trong việc điều hành quản trị quốc gia;

3) Phật giáo là trung tâm tinh thần, nguyên tắc trong Phật giáo là tập trung vào tình yêu, sự hòa hợp, đó là trung tâm người Thái là một;

4) Phật giáo là nguồn gốc của văn hóa Thái Lan, lối sống của người Thái gắn liền với Phật giáo. Nó là một khuôn khổ cho việc thực hành các nghi lễ trong Phật giáo, như: lễ kết hôn, tang ma và công đức [5,160]…

Phật giáo là hạt nhân của văn hóa Thái, được định hình trong tư tưởng, suy nghĩ, trong truyền thống và nghệ thuật, tuy nhiên người Thái vẫn chấp nhận các tín ngưỡng khác như Bà La Môn giáo (Brahminism), và các tín ngưỡng khác thể hiện trong các nghi lễ hằng ngày [6,44].

Dưới triều đại Sukhothay, Phật giáo Theravada được sự bảo trợ của nhà vua Ram Khamhaeng, đã trở thành là quốc giáo ở Thái Lan. Thời kỳ này nhiều chùa hoàng gia, và chùa địa phương được xây dựng cho người dân để thực hiện nghi lễ tôn giáo và làm công đức. Điều này đã được khắc trên bia đá năm 1292, đề cập đến người dân Sukhothay thường xuyên làm công đức và thực hành các nghi lễ tôn giáo tại chùa, đặc biệt là vào thời gian lễ hội Phật giáo Khau Phăn Sả (mùa an cư kiết hạ) [14].

Tiếp đến là các triều đại Ayutthaya (1350-1767), Thonburi (1767-1782) và triều đại Rattanakosin (Bangkok) (1782-đến nay), Phật giáo đã tiếp tục phát triển mạnh trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt các vị vua trong triều đại Bangkok, có nhiều vị đã xuất gia tu học và sáng tác nhiều tác phẩm văn học Phật giáo có giá trị để lại cho đời.

Có thể nói triều đại Bangkok là một triều đại ủng hộ cho Phật giáo  phát triển mọi mặt. Nhất là vua Rama IV (Mongkut) đã xuất gia tu học ở Chùa Bovoranives, ông đã tổ chức biên tập lại Tam tạng kinh điển Phật giáo bằng tiếng Pāli, đây là một bộ Tam tạng kinh điển Phật giáo đầu tiên trên thế giới bằng tiếng Pāli được in trên giấy (trước đây chỉ viết trên lá bối).

Bộ Tam tạng này sau đó được ấn tống (phát hành miễn phí) ra rất nhiều để gởi tặng các nước trên thế giới. Khi còn là hoàng tử, Mongkut đã cho thành lập hệ phái Dhammayuttika gồm các tu sĩ tu khổ hạnh, vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay, song song với hệ phái Maha Nikaya là hệ phái của đa số tu sĩ Thái.

1.2.  Phật giáo bảo thủ trong thời kỳ đầu triều đại Ratanakosin (1782-1932)

Khi vua Rama I thành lập triều đại mới Ratanakosin vào năm 1782 và chọn Bangkok làm kinh đô mới, ông đã cố gắng khôi phục và cải cách Phật giáo về mọi phương diện để làm cho Ratanakosin được phồn vinh như nó đã từng huy hoàng ở thời Ayutthaya.

Trong quá trình phục hồi Phật giáo, vua Rama I đã tập hợp các bản Kinh tạng từ khắp nơi trên đất nước cũng như từ các vương quốc khác để bảo tồn kinh Phật một cách phù hợp. Nhà vua cũng ban sắc lệnh phục hồi Kinh tạng một cách triệt để, công cuộc phục hồi Tam tạng đầu tiên diễn ra dưới thời Ratanakosin.

Kể từ đó, nghiên cứu Phật học tại Thái đã hoàn thiện với toàn bộ Tam tạng kinh điển. Bên cạnh sự phục hồi Tam tạng kinh điển,  hầu hết các hoạt động Phật sự, các niềm tin cục bộ (local belief) hay thực hành Phật pháp thời Ayutthaya cũng được bảo tồn nghiêm ngặt.

Như vậy, Phật giáo vào thời tiền Ratanakosin không quá khác biệt so với thời Ayutthaya. Để làm sáng tỏ chủ nghĩa Phật giáo bảo thủ trong thời kỳ đầu triều đại Ratanakosin, phần này sẽ trình bày ba yếu tố của Phật giáo bảo thủ, từ thời vua Rama I đến thời vua Rama III. Đó là “Niềm tin cục bộ, thực hành Phật pháp và giáo dục tự viện” [7,13-14].

a. Niềm tin cục bộ (local belief)

Niềm tin phổ biến của những người Phật tử là Phật giáo kéo dài chỉ 5.000 năm. Phát biểu này xuất hiện đầu tiên trong bản chú giải Samantapāsādikā (1) của ngài Phật Âm, và nó trở thành niềm tin bao quát của những người theo Phật giáo Theravada ở Thái Lan, nơi Phật giáo đang suy yếu.

Hầu hết văn học Pāli được biên soạn tại Thái Lan đều đề cập đến niềm tin này. Thời đại Ratanakosin không loại trừ tư tưởng này bởi nó được đề cập trong cuốn “Tổng hợp các cuộc phỏng vấn Hoàng gia số 16” (Collections of Royal Interrogations No. 16) thời vua Rama I rằng “Đức Phật đã tạo ra đạo Phật trong 5.000 năm [9]”.

Niềm tin Phật giáo chỉ tồn tại 5.000 năm dẫn đến những niềm tin về sự biến mất của 5 điều: pháp học (pariyatti), pháp hành (paṭipati) và pháp thành (paṭivedha), đời sống tu viện (linga) và xá lợi (dhātu) (2). Năm điều này được cho là biến mất dần dần từ sự biến mất đầu tiên của pháp học và xá lợi là cuối cùng.

Người ta tin rằng xá lợi đức Phật từ mọi nơi sẽ tập hợp về tượng của ngài và có thể đốt thành tro. Điều này kết thúc quá trình tồn tại của Phật giáo sau khi Phật giáo tồn tại được 5.000 năm. Dạng văn học Phật giáo này, cả Pāli và Thái, đều rất phổ biến.

Có thể thấy rõ rằng Phật giáo trong thời kỳ đầu của triều đại Ratanakosin đã suy thoái rất nhiều. Điều đó được vua Rama I đề cập rõ trong các Sắc lệnh Hoàng gia số 8 (Royal Order Notification No.8) là “những tháng ngày này Tăng già Phật giáo gần như đình trệ vì đã bị suy thoái quá lâu đến nỗi không thể phát triển được nữa.

Theo đó, không ai trách ai được cả” [7,15]. Đây là nhận định về tình trạng Phật giáo Thái Lan giai đoạn đầu của triều đại Ratanakosin mà được vua Rama I đưa ra, cho thấy Phật giáo đang suy thoái và nó chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân.

b. Sự thực hành (Practice)

Tu sĩ trong thời kỳ đầu của triều đại Ratanakosin rất lỏng lẻo trong việc tuân thủ giới luật (Vinaya). Điều này đã khiến vua Rama I ban hành Sắc lệnh Tăng già (Sangha Enactments) buộc tu sĩ phải hoạt động theo thanh quy. Có hai nguyên nhân làm cho tu sĩ thực hành theo lối phi Phật giáo.

Lý do đầu tiên là do thiếu nghiên cứu Phật pháp, vì không có nền giáo dục tự viện chính quy nào ở các chùa cho những vị đã thọ giới Tỳ kheo hay Sa di theo học cả. Hầu hết quá trình học và nghiên cứu phụ thuộc vào giáo thọ.

Tỳ kheo và Sa di chỉ học và thực hành những gì giáo thọ truyền dạy hay chỉ đơn thuần là theo những gì tiền nhân làm mà không nghiên cứu hay phân tích nguyên nhân đằng sau các pháp hành đó. Khi giáo thọ có niềm tin sai lệch thì học sinh cũng tin theo một cách mê mờ. Những sự thực hành sai lầm của các tu sĩ có khi là vô tình và cũng có khi là cố ý.

Lý do thứ hai là vấn đề giáo dục và niềm tin sai lầm. Nền giáo dục sai lệch là khi các vị tu sĩ chỉ đi theo thầy mình mà không học được các nguyên tắc đúng đắn của Phật giáo hay học mà thiếu tư duy đánh giá. Những niềm tin sai lệch như là Phật giáo chỉ kéo dài 5.000 năm, năm điều sẽ biến mất, hay tin rằng Phật giáo sẽ suy thoái mà không thể hồi phục trở lại.

Theo đó, các tu sĩ Phật giáo tin rằng sẽ chẳng được lợi lạc gì mà cứ bám chặt vào giáo lí hay giới luật bởi mục đích cao nhất của Phật giáo sẽ không còn được duy trì nữa.

Cả hai lí do thật sự đã hình thành nên sự yếu kém trong pháp học và thiếu thốn pháp hành của Phật giáo thời bấy giờ. Bộ Sắc lệnh Tăng già thời kỳ đầu của triều đại Ratanakosin đã minh họa khái quát bức tranh của Phật giáo Thái cùng những tu sĩ phi Phật  giáo [10].

c.Giáo dục tự viện (Monastic education)

Nền giáo dục tự viện trong thời kỳ đầu của triều đại Ratanakosin vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của những căng thẳng chính trị khi chiến tranh lẻ tẻ với Miến Điện vẫn tiếp diễn. Hoạt động giáo dục tự viện không suôn sẽ vì triều đình vẫn đang tập trung đối phó chiến tranh.

Grisworld, tác giả cuốn sách “Tiểu Sử Vua Mongkut” đã viết: “Chiến tranh với Miến Điện đã gây ra thảm họa khôn lường. Kinh đô cũ Ayutthaya, từng là trung tâm của giáo dục tự viện, bị phá hủy vào năm 1767, hầu hết các ngôi chùa, cùng với kinh sách bị thiêu rụi hoàn toàn…” [8, 103].

Tình trạng giáo dục tự viện lúc bấy giờ được mô tả trong Sắc lệnh Tăng già của vua Rama I là: “ Tu sĩ không học Tam tạng kinh điển, không vâng lời giáo thọ và các bậc trưởng lão, khiến họ lơ là thanh quy. Họ giả vờ có vẽ giữ thanh quy và hành thiền, nhưng chỉ để khoe khoang về năng lực siêu phàm nhằm chiếm được lòng tin từ người khác”[10, 545-549].

Sự mục nát của nền giáo dục tự viện tiếp tục trong suốt triều đại vua Rama III. Trước những vấn đề tha hóa đạo đức tu sĩ, giáo dục tự viện không đúng phương pháp cũng như cách hành trì tu tập của tu sĩ nhiều điểm sai biệt với lời dạy Đức Phật.

Thái Lan đang đứng trước một vấn nạn cần phải chấn chỉnh và thanh lọc Tăng đoàn, đây không còn là trách nhiệm của Giáo hội nữa mà cần có sự can thiệp kịp thời của Hoàng gia. Thái tử Mongkut chính là người khởi đầu cho phong trào cải cách Phật giáo ở Thái Lan và thành lập nên một hệ phái mới chính thống hơn, đó chính là Dhammayuttika sau này.

2. Mongkut và công cuộc cải cách Phật giáo Thái Lan

2.1. Nhận thức của Mongkut về Phật giáo Thái Lan

Vua Mongkut trở thành tu sĩ như những thành viên khác trong hoàng gia. Ban đầu nhà vua đi tìm các khóa hướng dẫn thiền ngắn hạn. Khi nhà vua quyết định sẽ xuất gia trong một thời gian thì ông áp dụng phương pháp thiền tập mà ông học được trong thời gian mới tu.

Vì có tính kiên nhẫn, ông đã bắt đầu học gì thì sẽ theo đến cùng. Sau đó, khi bắt đầu học thiền thì ông đã tham học với nhiều thiền sư nổi tiếng thời bấy giờ. Bản thân ông đã học tập rất nghiêm túc, nhưng mặc khác, ông nhận thấy rằng việc nghiên cứu và thực hành thiền định trong giai đoạn bấy giờ đầy nghi ngờ và ảo tưởng.

Các thiền sư không hiểu chính phương pháp của mình. Khi yêu cầu giải thích, họ thường trích lời của các vị thầy xưa cổ mà không thể liên hệ lí thuyết và thực hành một cách trí tuệ (dựa trên căn bản Tam tạng). Sau một năm, vua Mongkut quyết định tự mình học kinh văn vì ông quyết tâm đọc các bản kinh Pāli như nguồn tư liệu gốc để thõa mãn sự hiếu học của mình.

Ông đã nghiên cứu Tam tạng Pāli bằng cả nhiệt huyết của mình nên không lâu sau ông trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này.

Công việc nghiên cứu của vua Mongkut không dừng lại ở đây. Ngoài tạng Pāli và các văn bản Phật giáo quan trọng khác, ông còn nghiên cứu các ngôn ngữ khác như: Latin, Anh ngữ, Sanskrit, Khmer, Malayu, tiếng Miến, tiếng Việt và cả tiếng Hindi, và các môn khoa học hiện đại như khoa học, địa lí, chiêm tinh và thiên văn.

Ông còn nghiên cứu môn “So sánh tôn giáo học” với những nhà truyền giáo thời bấy giờ. Sau khi nghiên cứu Phật học và các ngành khoa học hiện đại, ông nhìn Phật giáo với cái nhìn khác hơn [7,21]. Ông trở nên cởi mở và dễ lĩnh hội hơn các học giả đương thời. Quan điểm của ông về Phật giáo có thể tóm gọn như sau:

Sự trung thành (Adherence): Vua Mongkut thấy rằng sự trung thành của người Thái với Phật giáo vô cùng sai lệch vì họ chỉ là những Phật tử lấy lệ. Họ đón nhận Phật giáo mà không có chính kiến hay không có sự trung thành. Vua Mongkut thấy rằng người Thái thời đó tin Phật chỉ dựa trên niềm tin mà không dùng trí tuệ hay lý tính.

Giảng pháp (Preaching): Vua Mongkut thấy rằng khuynh hướng giảng dạy lúc bấy giờ trong giới tu sĩ Thái là chủ yếu nhấn mạnh chủ đề bố thí (dāna). Dường như chư Tăng đang dẫn mọi người đi lạc và khiến những tu sĩ hư hỏng trở thành kẻ ăn bám tôn giáo.

Niềm tin của Tu sĩ (Monks’ belief): Điều đáng nói nhất là niềm tin của tu sĩ vào kinh điển còn bị sai lệch bởi họ không dùng trí tuệ để tham cứu. Vua Mongkut đã nhìn thấy những ảnh hưởng bất lợi nghiêm trọng của điều này đối với Phật giáo. Ông chỉ ra rằng có rất nhiều giải thích sai lệch và đáng ngờ trong các đoạn kinh văn nhưng không ai quan tâm đến điều đó. Hơn nữa, chúng được chấp nhận và tuân theo truyền thống.

Ví dụ người ta tin rằng, một vị Tăng khi viên tịch mà mặc y vàng bị xem là tội lỗi vì y vàng thuộc về Đức Phật. Vậy nên ngay cả một vị Độc Giác Phật (Pacceka-Buddha) (3) cũng  cần phải cởi bỏ áo thầy tu ra trước khi chết để tránh khỏi chôn cùng chiếc y vàng.

Người ta tin rằng, những vị Tăng thâm hiểu kinh tạng dù có vi phạm các thanh quy tự viện một cách nghiêm trọng, cũng sẽ được bỏ qua vì sự uyên thâm của họ. Vua Mongkut cảm thấy rằng nhiều người đã quá tôn vinh nhà vua. Họ đi quá xa so với thực tế cho đến khi một câu chuyện được bịa đặt ra để tôn vinh đức vua như một vị bồ tát, và là người sắp đạt được giác ngộ [11, 24-27]…

Tóm lại, vua Mongkut đã nhìn thấy Phật giáo mà người Thái tin tưởng và thực hành theo ở thời điểm đó là một “Phật giáo theo phong tục” (Customary Buddhism), là duy trì một Phật giáo được truyền thừa từ tiền nhân mà không có một tư duy phân tích nào.

Tu sĩ cũng hoàn toàn tin vào người Thầy của họ. Họ chỉ theo những lời dạy và thực hành theo lời giáo thọ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vua Mongkut đã gọi niềm tin và sự thực hành này là Āciṇṇakappikanikāya tạm dịch là “Phật giáo theo phong tục”.

Trong suốt thời gian trị vì của mình, vua Mongkut đã nỗ lực nghiên cứu Pāli và thực hành thiền quán cho đến khi trở nên thuần thục. Nhà vua không những uyên thâm Phật học mà còn tinh thông nhiều lĩnh vực khoa học. Nhà vua là người tiên phong trong việc nghiên cứu khoa học ở Thái.

Nên nhà vua được vinh danh là cha đẻ nền khoa học Thái. Không có gì sai khi thừa nhận rằng do sự uyên thâm về Phật học và khoa học hiện đại mà nhà vua có sự nhìn nhận về Phật giáo khác với mọi người. Nhà vua bắt đầu khuynh hướng hiện đại trong nghiên cứu Phật giáo Thái Lan.

Như được ghi chú trong bản tiểu sử, nhà vua là người thích khám phá và dám thử nghiệm. Nhà vua sẽ không đánh giá bất cứ điều gì là đúng hay sai khi bản thân chưa thực nghiệm. Nhà vua yêu cầu mọi người nên kiểm tra tính chính xác nếu nhà vua không thể tự mình chứng minh bằng chứng đó.

2.1. Mongkut thực hiện cải cách Phật giáo Thái Lan

Công cuộc cải cách toàn diện đất nước Thái Lan của vua Mongkut đi trước Minh Trị Thiên Hoàng ở Nhật Bản (1867-1912) cả một thế hệ, hạt giống thiện mà vua đã gieo trồng nẩy nở viên mãn trên xứ Thái. Sau khi trở thành vua Rama IV, Mongkut đã nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao với Anh, Pháp, Mỹ và tạo ra chính sách đối ngoại giúp Thái Lan thoát khỏi ách đô hộ.

Trong thời kỳ thuộc địa vào thế kỷ XVIII – XIX, khi Mã Lai và Miến Điện bị người Anh cai trị; Lào, Campuchia và Việt Nam bị người Pháp cai trị thì Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á duy nhất thoát khỏi sự kiểm soát của người châu Âu. Đây chính là sự nỗ lực cũng như công lao to lớn của vua Mongkut trong vấn đề ngoại giao.

Ông cũng mở cửa đất nước cho thương mại tự do, thiết lập quyền tự do tôn giáo, phục hồi cộng đồng tu viện Phật giáo và phát hành đồng tiền kim loại đầu tiên của Thái Lan.

Vua Mongkut đã hiện đại hóa Thái Lan với sự giúp đỡ của người châu Âu và người Mỹ; sản xuất ra lượng gạo dư thừa để buôn bán với các nước khác; và thiết lập một nền tư tưởng Phật giáo cởi mở với các tư tưởng phương Tây. Ông bãi bỏ án tử hình đối với những nhà sư vi phạm giới luật (thay vào đó, các nhà sư sẽ bị bắt làm việc công ích như cắt cỏ và chăm sóc voi cho hoàng gia).

Ngoài ra, vua Mongkut còn tiến hành cải cách hệ thống hành chính và pháp lý để Thái Lan đạt được sự bình đẳng trong quan hệ ngoại giao với phương Tây. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình cải cách này chưa đạt được nhiều hiệu quả trong thời gian ông trị vì, nhưng ít ra ông là người đặt nền móng cho các công cuộc cải cách sau này [12].

Dựa trên những thành tựu đề cập ở trên, vua Mongkut đã đề ra xu hướng hiện đại trong nghiên cứu Phật giáo như sau: “một người không nên dựa vào niềm tin truyền thống mà nên y cứ vào những giáo lý và giới luật chân chính (dhamma-vinaya).

Nên luôn luôn quán xét lại niềm tin của mình, khi xét thấy là chính xác, nên tiếp tục thực hành, nhưng nếu phát hiện ra nó không đúng với giáo lý và giới luật của đức Phật thì nên từ bỏ”[11, 389-390]. Những nguyên tắc này trở thành đặc điểm chính của tông phái Dhammayut.

Xu hướng nghiên cứu của vua Mongkut rõ ràng là luôn nhấn mạnh vào phân tích phê phán một vấn đề dựa trên tinh thần của kinh Kālāma. Ông cũng kêu gọi tất cả các sinh viên Phật tử hãy sử dụng lý trí trong việc học tập và thực hành Phật pháp. Ông phản đối việc đi theo tập tục, truyền thống của các vị thầy cổ xưa mà phải nắm rõ cốt lõi của kinh Phật, lột bỏ những lớp ngụy tạo bên ngoài.

Xu hướng hiện đại trong nghiên cứu Phật giáo của vua Mongkut chủ yếu dựa trên Tam tạng Pāli. Các bản chú giải và các tác phẩm hậu kỳ chỉ nên được tham khảo như nguồn tài liệu thứ cấp. Những mô tả trong các bản chú giải chỉ được chấp nhận khi chúng phù hợp với chính tạng.

Quan điểm của vua Monkgut là mỗi bản kinh cần được khảo cứu kỹ lưỡng vì ngay cả chính tạng cũng có khi có sai lệch. Những đoạn kinh bị sai lệch là kết quả của những pha trộn về sau và đi ngược với những giới luật chính yếu mà Đức Phật đã dạy. Tất cả các giáo lý (dhamma) và các thanh quy tự viện (vinaya) đều hướng đến trạng thái xuất thế, và tất cả những lời dạy khác nên được so sánh với những lời dạy căn bản của Đức Phật.

Vua Mongkut nhìn nhận Phật giáo chân chính như một định luật duy nhất về chân lý bình dị nhưng mang tính phổ quát và siêu việt. Loại bỏ những niềm tin mê tín bị gắn vào Phật giáo bao thế kỷ, nhà vua truyền giảng Phật giáo dưới dạng uyên nguyên của nó trên nền tảng Tam tạng Pāli thay vì các bản sớ văn, chú giải.

Ông cho rằng Phật giáo nên được hiểu đúng đắn là không chứa đựng điều gì trái với nhận thức chung hay mâu thuẫn với khoa học mà thật sự là một hệ thống luân lý đạo đức triệt để phù hợp với những nhu cầu của xã hội hiện đại. Bàn luận về những phê bình của vua Mongkut, nhà truyền giáo người Mỹ, Trưởng lão Jasse Caswell (4), đã nhìn nhận rằng vua Mongkut hoàn toàn bác bỏ tính thần bí của Phật giáo đến nỗi quên luôn khái niệm “Mọi thứ trong tôn giáo đều đòi hỏi một nguồn gốc siêu nhiên”.

Những cải cách của vua Mongkut dẫn đến sự hoàn thiện các quy tắc tự viện để đưa nếp sống thiền môn tiến gần với giới luật (Vinaya), ông cũng đã cải đổi và làm sáng tỏ nhiều lời dạy trong kinh điển truyền thống Thái Lan. Xu hướng thực hành này là hạt nhân cho ra đời của một hệ phái Phật giáo chặt chẽ và mới mẽ tại Thái Lan mang tên Dhammayuttika, nghĩa là  “Trung thành với giáo lý chân chính”.

3. Thành lập hệ phái Dhammayuttika

Dhammayuttika Nikaya (tiếng Thái: Thammayut) gọi tắt là Dhammayut, bắt đầu được thành lập vào năm 1833 như một phong trào cải cách do thái tử Mongkut khởi xướng. Đây vẫn được xem là một phong trào cải cách cho đến khi thông qua Đạo luật Tăng già năm 1902, Đạo luật này chính thức công nhận đây là một hệ phái trong hai hệ phái Theravada của Thái Lan, phái Dhammayuttika Nikaya chiếm thiểu số, phái còn lại Maha Nikaya chiếm đa số.

Dhammayuttika Nikāya nguồn gốc từ tiếng Pāli: dhamma (lời dạy của Đức Phật) + yutti (phù hợp với) + ka (nhóm); Nikaya: thuật ngữ dùng để chỉ tập hợp kinh văn, nghĩa đen còn có nghĩa là “tập hợp hoặc nhóm”. Dhammayuttika Nikaya là nhóm những người trung thành với giáo lý chân chính, gọi tắt là Dhammayut.

Mongkut bắt đầu quá trình cải cách các pháp hành của tu sĩ Thái Lan cho đúng với kinh điển. Ông tự cải đổi mình trước, bằng cách giữ giới và hành trì. Điều quan trọng nhất là khi Mongkut cải cách Phật giáo Thái, ông đã không hoàn toàn lấy pháp hành của bất cứ tông phái, hội nhóm hay cá nhân nào làm hình mẫu cả.

Dù ông ghi nhận rằng hầu hết các pháp hành của chư tăng người Môn (5) là đúng, nhưng ông vẫn tìm ra nhiều vấn đề trong đó. Mặc dù không theo đường lối của chư tăng Sri Lanka, Mongkut vẫn nhận ra trong đó có nhiều điều chính xác và áp dụng chúng vào phương pháp tu tập của mình.

Khi không theo bất cứ tông phái hay cá nhân nào, thì ông chỉ y cứ vào Tam tạng Pāli mà thôi. Thái tử Mongkut gọi đường lối này là Dhammayutika, nghĩa là “lấy việc tôn trọng sự thật và tính chính xác làm nguyên tắc” (adhering to the truth or accuracy as principle).

Xu hướng của Mongkut đã thu hút một lượng nhỏ nhưng mạnh mẽ những tu sĩ có cùng chí hướng và những người cư sĩ ủng hộ, và theo cách này, phong trào Dhammayut (theo cách phù hợp với Giáo pháp) đã ra đời.

Không phải tất cả các tu sĩ và Sa di Dhammyut trong thời kỳ Thái tử Mongkut đi tu đều là học trò của ông. Có rất nhiều tu sĩ cùng chí hướng chỉ đơn giản là học và thực hành đúng như vua Mongkut đã thực hành. Nhà vua coi những tu sĩ này cũng là những tu sĩ Dhammayut.

Do đó, Dhammayutika là kết quả trực tiếp của việc nghiên cứu và thực hành của vua Mongkut, sau này đã phát triển trở thành một nhóm các tu sĩ tuân theo xu hướng của vua Mongkut. Do đó, phái Dhammayut không phải là một cá nhân hay một nhóm mà nó có nghĩa là xu hướng chính xác (correct trend).

Các tu sĩ phái Dhammayut thuộc thế hệ đầu tiên cho rằng, nếu bất cứ ai hiểu được nguyên tắc chính xác của các giáo lý, giới luật và tuân thủ chúng một cách thích hợp, thì họ là những tu sĩ Dhammayut cho dù họ ở đâu hay truyền thừa từ vị thầy nào.

Kết luận

Theo xu hướng nghiên cứu Phật giáo của vua Mongkut, Phật giáo Thái Lan có hai xu hướng hay nói cách khác là có hai nhóm Phật giáo, đó là Ācciṇṇakappika Nikāya (nhóm những người thực hành theo lối truyền thống) và Dhammayuttika Nikāya (nhóm những người trung thành với giáo lý chân chính).

Xu hướng hiện đại nghiên cứu Phật giáo Nguyên thủy do vua Mongkut khởi xướng được coi là một sự đổi mới táo bạo ở Thái Lan. Nó đã hình thành nên một nhóm các tu sĩ Phật giáo ‘tiến bộ’, những người luôn tìm tòi học hỏi và dám làm những điều mới mẻ để duy trì tính đúng đắn và thuần khiết của Phật giáo.

Tấm gương của vua Mongkut đã được nhiều học giả Phật giáo mới như trưởng lão Vajiranyanavarorasa (6) và Tỳ kheo Buddhadasa (7) noi theo. Họ đã dẫn dắt Tăng đoàn Thái Lan tập trung vào việc nghiên cứu các chủ đề tục đế hiện đại cho đến khi các trường đại học Phật giáo được thành lập ở Thái Lan. Ngày nay cả tu sĩ và cư sĩ đều có thể được giáo dục bình đẳng cả về Phật học và khoa học hiện đại.

Tác giả: Thích Nữ Liên Như Học viên Cao học khóa II – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

******

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Mai Văn Bảo (người dịch) (1978), Lịch sử nền thống trị Thái Lan, tập 2. Bản dịch ở Viện Đông Nam Á, Hà Nội (Bản dịch mất tên tác giả).

2. Đặng Văn Chương (2010), Quan hệ Thái Lan – Việt Nam cuối thế kỉ XVII – giữa thế kỷ XIX, Nxb. Đại học Sư phạm.

3. Lâm Quang Huyên (1992), Kinh tế vương quốc Thái Lan, Giáo trình Khoa Đông Nam Á -  Học viện Đào tạo Mở rộng TP. HCM.

4. Vũ Dương Ninh (2010), Lịch sử thế giới cận đại, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

5. Nguyễn Hồng Quang (2018), Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, “Vài nét về Phật giáo trong xã hội Thái Lan”, số 11 (179).

6. A Survey of Thai Arts and A chitectural Attractions (1998), Chulalongkorn University, Bangkok.

7. Anil Dhammasakiyo (2004), A Modern trend of study of Buddhism in Thailand: King Mongkut and Dhammayutikanikāya.

8. A.B. Griswold (1968), King Mongkut of Siam (Printed as a Royal Souvenir on the occasion of 100 years of King Mongkut’s death), Bangkok: Phra Chand Press.

9. Collections of Royal Interrogations [in Thai].

10. ‘Kot Phra Song (Sangha Enactment)’ in the Code of Three Seals No.568-9

11. Royal collection of Thai articles by King Mongkut vol.1.

12. https://factsanddetails.com/southeast-asia/Thailand/sub5_8a/entry-3187.html

13. https://thuvienhoasen.org/a18300/phat-giao-tai-thai-lan, cập nhật 26/10/2013.

14. https://www.learnthaistyle.com/thai-life/2016/09/07/the-role-of-temples-in-thai- society/

******

GIẢI THÍCH

(1) Samantapāsādikā của Buddhaghosa (Phật Âm) – được viết theo yêu cầu của một Hòa thượng tên là Buddhasiri. Đó là một bản chú giải rất dài gồm năm cuốn về Vinaya Piṭaka. Trước tiên chúng ta thấy trong bài tựa đề cho tác phẩm này, nhà chú giải cho chúng ta hay đây là tác phẩm chú giải đầu tiên ông viết về các bản văn luật giới. Trước tiên ông xin lỗi vì đã tiến hành viết một bài bình luận về Luật tạng (Vinaya Piṭaka) mà không tuân thủ theo một thứ tự Pháp và Luật nào cả (Dhamma và Vinaya). Ông cũng cho biết là Luật giới (Vinaya) là nền tảng Phật giáo.

Chính tác phẩm đã cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu khá đầy đủ nhờ đó chúng ta có thể viết về lịch sử xã hội, chính trị, đạo đức, tôn giáo và triết học nước Ấn Độ cổ đại. Những Luật giới về luân lý được giải thích trong đó, kế tiếp tác phẩm Samantapāsādikā là những bài bình luận về bốn Kinh Bộ Pāli (Nikāya) với những bài bình luận về bảy cuốn sách Tam Tạng Abhidhamma Piṭaka.

Tác phẩm đó được viết trong ba cuốn tại Miến Điện. Một phần bản in cũng được tìm thấy tại Tích Lan. Một phần cuốn Samatapāsādikā bằng tiếng Pāli cũng được chuyển ngữ sang tiếng Trung Hoa do ngài Sanghabhadra biên dịch vào năm 489 sau CN.

Samantapāsādikā đề cập đến một tuyển tập các bộ luận bằng tiếng Pali về Luật tạng Nguyên thủy. Đó là bản dịch các bộ luận Sinhala sang tiếng Pali của Buddhaghosa vào thế kỷ thứ V. Nhiều bài kệ được sử dụng trong Samantapāsādikā là từ Dīpavamsa cổ hơn (khoảng thế kỷ thứ III - thứ IV CN).

(2) Sangtiyavongs: Ratanakosin Văn học Tập 3, tr.323. Trình tự biến mất của năm điều ở mỗi nơi và mỗi thời kỳ là khác nhau. Trong Tāmnan mūlasāsanā hay Lịch sử nguồn gốc Phật giáo được sáng tác vào thời Lanna thế kỷ 14, trình tự đầu tiên là sự biến mất của pháp thành (adhigama antaradhāna), tiếp theo là pháp hành, pháp học, đời sống tu viện và xá lợi.

Trình tự ở Sri Lanka khác với Thái Lan. Gombrich (1995: 335) viết rằng ở Sri Lanka người ta tin rằng xá lợi sẽ biến mất trước tiên và sau đó là pháp thành, đời sống tu viện, pháp hành và pháp học.

(3) Đức Phật Độc Giác là Bậc đã tự mình chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh đạo, 4 Thánh quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham ái, mọi phiền não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-la-hán. Đức Phật Độc Giác không chế định ra ngôn ngữ thuyết pháp tế độ chúng sinh khác để chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế y theo Đức Phật. Cho nên, gọi là Đức Phật Độc Giác.

(4) Jesse Caswell (1809-1848), nhà truyền giáo người Mỹ đến Xiêm và là gia sư tiếng Anh cho Hoàng tử Mongkut.

(5) Dân tộc Môn là một dân tộc nói tiếng Môn-Khmer ở Đông Nam Á. Trong lịch sử, họ sống ở khu vực xung quanh biên giới phía Nam Thái Lan và Miến Điện, là khu vực Hạ Miến Điện. Người Môn là những người đầu tiên ở bán đảo Trung Ấn tiếp nhận Phật giáo Nguyên thủy từ Sri Lanka và truyền bá lại xung quanh. Nhiều vị sư người Môn có vai trò quan trọng trong sự phát triển Phật giáo ở Thái Lan, Campuchia.

(6) Đức Hoàng tử Vajiranyanavarorassa. (Tên Thái: Somdet Pra Maha Samana Chao Krom Phraya Vajiranyanavarorassa) vị trụ trì thứ ba chùa Bowonniwet Vihara từ 1892 – 1921, đây là ngôi chùa trung tâm của hệ phái Dhammayut nằm ở quận Phra Nakhon của thủ đô Băng Cốc, Thái Lan.

(7) Buddhadasa (27/5/1906 – 25/5/1993), còn được biết đến với tên gọi Buddhadasa Bikkhu, là một cao tăng hệ phái Dhammayut, một luận sư Phật giáo nổi tiếng ở thế kỷ XX. 'Buddhadasa' nghĩa là người hầu của Phật.

Ông đã giải thích các giáo lý của đạo Phật dựa vào chính các kinh điển Pali và theo hướng coi đạo Phật không phải là tôn giáo mà là tư tưởng, nhấn mạnh nguyên lý duyên khởi như là trung tâm của tư tưởng này và đánh giá cao tầm quan trọng của phép quán hơi thở trong tu tập để đạt được chính niệm, xem chính niệm là cách đưa trí tuệ vào quan sát để quan sát sự vật, hiện tượng đúng như bản chất thực của chúng.