Giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ làm cho con người nhận thức đúng các chuẩn mực đạo đức, các giá trị đạo đức, lối sống mà còn thông qua đó để hình thành niềm tin và tình cảm đạo đức. Trên cơ sở đó giúp con nguời nhận ra giá trị của các giá trị đạo đức, nhận thấy giá trị và ý nghĩa cuộc sống mang tính nhân bản, nhân ái, nhân văn sâu sắc, góp phần nhân đạo hóa con người và đời sống xã hội.

Tác giả: Thích Đồng Niệm

A. DẪN NHẬP

Giáo dục là một ngành trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) luôn đặt ngành giáo dục lên vị trí hàng đầu, vì tính quan trọng của nó trong chiến lược duy trì, củng cố và phát huy Giáo hội. Do đó, giáo dục Phật giáo phát triển mạnh thì phải có sự quản lý của Giáo hội.

Trong thời gian gần đây Ban Giáo dục Phật giáo có đưa Chương trình giáo dục đến các trường, Sơ Cấp, Trung Cấp, các Tỉnh, Thành . Nhưng đa số các tỉnh thành không thực hiện theo chương trình giảng dạy của Ban giáo dục đưa ra, mà tự ý xây dựng chương trình học, dẫn đến các trường hợp: Khi bước lên Cao Đẳng, Học Viên lại học trùng những những môn học khi còn ở Trung cấp không có sự nâng cao, đội ngũ Giáo thọ hầu như cũng không thay đổi.

Giáo dục Phật Giáo không chỉ bó buộc trong khuôn khổ nội điển, phải phát triển ngoại điển. Nói như thế không có nghĩa là Giáo Dục Phật Giáo tích cực hướng ngoại thì Phật Giáo mới có cơ hội phát triển, mà đây là sự hòa nhập của Phật Giáo trong thời đại mới. Bởi vì đất nước Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, khoa học kỷ thuật ngày một tiến bộ, nếu chỉ hạn chế việc Giáo Dục trong nội điển thì e rằng Phật Giáo sẽ suy yếu và lạc hậu và công tác Giáo hội cũng bị hạn chế . Do vậy, để ngành Giáo Dục Phật Giáo sánh cùng tôn giáo bạn, GHPGVN phải nỗ lực hơn nữa trong việc tổ chức hệ thống Giáo Dục và tạo điều kiện cho những tăng, ni có năng khiếu đối với những môn học ngoại điển. Bởi vì, dòng chảy chất xám của họ sẽ là tiền đề cho sự phát triển của Giáo Hội sau này, mà nói đến giáo dục phải nghĩ đến giáo dục đạo đức lên hàng đầu.

Ảnh minh họa.

B. NỘI DUNG: HIỆN TRẠNG ĐẠO ĐỨC GIÁO DỤC CẤP CƠ SƠ

1. Một số vấn đề giáo dục đạo đức

Giáo dục là một hiện tượng xã hội đặc biệt, đó là hiện tượng mà người giáo dục truyền đạt những kinh nghiệm lịch sử xã hội cho người được giáo dục, người được giáo dục lĩnh hội những kinh nghiệm đó để tham gia vào đời sống.

Giáo dục được hiểu theo hai nghĩa:

Theo nghĩa rộng, giáo dục được hiểu đó là quá trình hình thành nhân cách dưới sự tác động có mục đích, có kế hoạch thông qua hoạt động của người giáo dục và người được giáo dục nhằm truyền đạt kinh nghiệm lịch sử của loài người. Khái niệm giáo dục theo nghĩa rộng bao gồm cả quá trình dạy học và quá trình giáo dục theo nghĩa hẹp. Giáo dục theo nghĩa rộng bao gồm cả việc học và dạy cùng các tác động sư phạm khác trong nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội.

Theo nghĩa hẹp, giáo dục là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch nhằm hình thành ở đối tượng giáo dục về mặt tư tưởng, chính trị, đạo đức, xây dựng thái độ hành vi thói quen cư xử đúng đắn trong xã hội. Giáo dục theo nghĩa hẹp xây dựng những hành vi phù hợp với chuẩn mực xã hội, giáo dục tình cảm, niềm tin, xây dựng ý thức hành vi đúng đắn.

Giáo dục đạo đức là quá trình biến hệ thống các chuẩn mực đạo đức, những đòi hỏi của bên ngoài xã hội thành những đòi hỏi bên trong của cá nhân, thành niềm tin, nhu cầu, thói quen của người được giáo dục. Giáo dục đạo đức cho người được giáo dục là phát triển nhân cách toàn vẹn của họ về mặt đạo đức xã hội, xây dựng cho họ có đầy đủ những phẩm chất đạo đức xã hội cơ bản, hình thành cho họ nhận thức về các giá trị đạo đức, lối sống từ đó tự điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, lối sống của xã hội.

Giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ làm cho con người nhận thức đúng các chuẩn mực đạo đức, các giá trị đạo đức, lối sống mà còn thông qua đó để hình thành niềm tin và tình cảm đạo đức. Trên cơ sở đó giúp con người nhận ra giá trị của các giá trị đạo đức, nhận thấy giá trị và ý nghĩa cuộc sống mang tính nhân bản, nhân ái, nhân văn sâu sắc, góp phần nhân đạo hóa con người và đời sống xã hội.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, trước nhiều biến động phức tạp của đạo đức xã hội; trước những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ thì công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên càng trở nên quan trọng.

2. Vai trò giáo dục đạo đức xã hội

Từ phương Đông đến phương Tây, từ cổ đại cho đến hiện đại và đến cả sau này nhân loại luôn luôn cần đến đạo đức. Đã có lúc người ta lấy đạo đức để làm phương tiện quản lý xã hội, giữ gìn trật tự xã hội. Đường lối đức trị của Khổng Tử đã từng phát huy tác dụng trong một thời gian dài và có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nước trên thế giới. Ông từng nói: “Nếu dùng pháp luật vào trị dân, quản lý xã hội thì người ta quy phục nhưng lại không có liêm xỉ; nhưng nếu dùng đạo đức để trị dân, quản lý xã hội thì giống như sao Bắc đẩu ở một nơi mà tất cả các ngôi sao khác hướng về nó cả”.

Như vậy thực tiễn lịch sử xã hội loài người đã chứng minh rằng đạo đức có một vai trò hết sức to lớn trong đời sống xã hội; nó góp phần thúc đẩy, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Vai trò của việc giáo dục đạo đức đối với đời sống xã hội hiện nay biểu hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, đạo đức là một trong những phương thức dùng để điều chỉnh hành vi của con người sao cho phù hợp với những yêu cầu, những chuẩn mực đạo đức mà xã hội đã đề ra; điều chỉnh mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng làm cho lợi ích của cá nhân phù hợp với lợi ích của cộng đồng.

Thứ hai, đạo đức là nhu cầu, là cội nguồn của hạnh phúc. Một con người, một cộng đồng chỉ hạnh phúc khi mà ở đó mọi thành viên luôn luôn hướng thiện. Đạo đức giúp cho con người hướng tới cái chân – thiện – mỹ trở thành mục tiêu phát triển của xã hội.

Tự viện hoặc các nhà trường có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục cho tín đồ phật tử hoặc sinh viên có được nhận thức đúng đắn.

Một trong những khâu của quá trình giáo dục đạo đức là hình thành cho người được giáo dục những hiểu biết về đạo đức. Tôn giáo dạy tín đồ lấy đạo đức làm đầu. Trong khi ấy trường học là nơi cung cấp cho học sinh những tri thức đạo đức cần thiết.

Còn gia đình hay các chùa thì cha mẹ, thầy tổ không nên nghĩ rằng, giáo dục con cái là trực tiếp giảng giải, khuyên răn, sai bảo hoặc ngăn cấm chúng một điều gì đấy, mà bất cứ lúc nào trong cuộc sống của cha mẹ, thầy tổ thậm chí cả khi họ vắng mặt thì họ vẫn đang giáo dục đạo đức cho con cái, đệ tử mình. Từ cách ăn mặc, nói năng, cách bàn luận, cách thể hiện thái độ của cha mẹ, thầy tổ đối với những người xung quanh…tất cả những điều đó, ít nhiều cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đạo đức của con cái, đệ tử mình. Do vậy, việc giáo dục đạo đức của các triết gia Tây phương cổ đại rất nghiêm khắc, luôn kiểm soát từng thái độ, hành vi. Những thái độ, hành vi, đúng với chuẩn mực đạo đức là những tác động giáo dục đạo đức đầu tiên và quan trọng nhất đối với giới trẻ. Hình ảnh mẫu mực trong cuộc sống, trong lao động, trong ứng xử của người lớn luôn là tấm gương về đạo đức cho trẻ nhỏ.

Như vậy, đạo đức là gốc, là nền tảng của sự phát triển nhân cách con người. Ở mọi thời đại, mọi quốc gia, vấn đề đạo đức và giáo dục đạo đức là công việc quan trọng luôn được quan tâm và tạo mọi điều kiện.

3. Về việc tu tập của Tăng, Ni trẻ hiện nay

Như chúng ta biết, trong suốt chặng đường hơn 40 năm, kể từ ngày thông nhất Phật giáo, GHPGVN đã đạt được rất nhiều những thành quả to lớn trong công tác kiện toàn tổ chức, công tác giáo dục và rất nhiều các phật sự khác. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, theo xu hướng phát triển chung của xã hội, GHPGVN cũng còn có những tồn tại nhất định.

Công tác quản lý con người và sự nghiệp giáo dục con người cho thế hệ tương lai là một công tác cực kỳ quan trọng ở tất cả mọi thời đại. Nó luôn mang trên mình một sứ mệnh sống còn hay hủy diệt, của mọi lĩnh vực cuộc sống, là sự sâu chuỗi từ quá khứ đến tương lai, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Vì thế, ở bất kỳ thời điểm nào, Quốc gia nào, hay tổ chức nào thì việc quản lý con người và giáo dục con người cũng luôn cần được quan tâm đặc biệt. Chính vì thế, đời sống tu và học của tăng, ni trẻ Phật giáo Việt Nam chúng ta hôm nay, cũng là việc cần được quan tâm đúng mức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

3.1. Những tồn tại

 Tìm về quá khứ cho chúng ta thấy, Phật Giáo Việt Nam có đứng vững hay không, là do những nhà lãnh đạo Giáo hội và ý thức cá nhân trong cộng đồng Phật Giáo. Sự thăng trầm của Phật Giáo không phải của riêng ai mà là một thể tính chung nhất, trong đó nó mang tính thiêng liêng của đời sống tâm linh. Vì thế, chúng ta không thể tách rời mình ra khỏi vai trò ý thức cá nhân trong cộng đồng Phật Giáo.

Lâu nay, Chư Tôn Đức thường lo lắng, than phiền về vấn đề tu tập, đạo đức, lối sống, và sự tha hóa về phẩm chất của một số tăng ni trẻ thời nay. Một thực tế mà xã hội đang phản ánh và lên tiếng đã đến mức đáng báo động. Có thể nói điều này đang là một vấn nạn lớn của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận và tìm hiểu về các nguyên nhân chủ quan, khách quan để kịp thời khắc phục.

3.2. Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến những thực trạng tồn tại trong đời sống tu học của tăng ni trẻ hiện nay. Ngoài ý thức tự giác của mỗi người thì bên cạnh đó công tác quản lý và giáo dục của Giáo hội cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng dẫn dắt tăng, ni trẻ hoặc đi đúng con đường chính pháp, hoặc đưa họ xa dần nếp sống thiền gia và thế tục hóa rất nhanh. Điều đó được thể hiện ở những thực trạng tồn tại sau đây: Sở dĩ có sự buông lung trong đời sống tu tập, suy thoái về đạo đức lối sống, mất dần nề nếp thiền gia quy củ, thế tục hóa rất nhanh và trầm trọng ở một số tăng, ni trẻ hiện nay là vì:

- Yếu tố chủ quan: Ý thức tự giác trong một số vị tu sĩ ngày càng giảm sút, con người thời nay đạo tâm có phần giảm sút, nhiều người đến với đạo không phải vì chí nguyện cần cầu giải thoát, mà vì hoàn cảnh đưa đẩy.

- Yếu tố khách quan: Do bên ngoài xã hội ngày một phát triển, phương tiện cuộc sống quá đầy đủ tiện nghi, tiện ích, mọi thứ đều rất dễ dàng tiếp cận. Trong đạo lại rất thiếu các bậc mô phạm dẫn dắt, tổ chức và đoàn thể rời rạc, chưa thực sự đoàn kết hòa hợp. Những người làm việc hết lòng vì sự xương minh đạo pháp chưa nhiều, tổ chức Giáo hội mới chỉ quan tâm đến công tác điều hành và quản lý hành chính, chưa thực sự quan tâm đến đời sống tu tập và việc hành trì giới luật của tăng ni. Tất cả mọi vấn đề Phật sự tại các cơ sở tự viện, đều do tăng ni tự tổ chức, tự giải quyết, tăng ni chưa được Giáo hội quan tâm bảo vệ khi cần, dẫn đến tình trạng muôn mầu muôn vẻ, trăm hoa đua nở cả về nội dung lẫn hình thức. Do vậy mà sự lệch lạc về tư tưởng và đường lối hành đạo đã xảy ra, đạo hạnh của một số người xuất gia cũng dần bị biến chuyển theo xu hướng của người thế gian.

Trong cuốn “Đạo Đức Phật Giáo” Hòa thượng Thích Đức Nghiệp có nhận định: “...Phẩm hạnh và đạo đức của người tu sĩ trẻ nước ta hiện nay đang đứng trước bờ vực của sự suy thoái, lâm vào cảnh “tiến không đường, thoái chẳng nơi”, chơ vơ đơn chiếc, chẳng khác gì chiếc thuyền giữa biển không ai biết lái, như người đi bộ đứng giữa ngã ba, không biết đi đường nào cho phải. Tìm đến căn bệnh tuy có nhiều nguyên do, nhưng cái nguyên do nặng nhất là kém bề hạnh phúc, phần học đa số chỉ mấy câu sáo thường, cưỡi ngựa xem hoa, không hiểu lý nghĩa bất biến, đã không dung thông được tính tướng lại chấp mê ngoan cố, nhắm mắt bước liều, lẽ tự nhiên là phải sụp đổ. Ý kiến không đồng nhau, đường tu không có đích, đoàn thể rời rạc, ai biết phận nấy, ai ngã mặc ai, cùng học một thầy trở lại tương phản lẫn nhau, thậm chí trở lại phản cả lời thầy dạy, tránh sao cho khỏi cái hoạ nghiêng đổ suy tàn…”[1]

Hoặc bài viết: “GHPGVN nên lấy hệ phái sơn môn làm nền tảng” được đăng trên trang Phật Tử Việt Nam. Ở mục II nói về “những hạn chế tồn tại và yếu kém”, tác giả Lê Minh nhận định: “Hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay đang vận hành là mô hình của hệ thống tổ chức thế tục và nếu tiếp tục duy trì lâu hơn nữa thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển chung của xã hội mà sẽ dẫn đến một tổ chức hữu danh vô thực, không đem lại sự phát triển cho đạo pháp và nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề của thế tục đan xen, đạo pháp xa dần đời sống của người dân và đạo hạnh của Tăng ni sẽ bị giảm sút...”.[2]

Những nhận định trên, cũng đã phần nào nói lên được nỗi trăn trở trong cuộc sống tu học của đa số tăng ni trẻ. Đạo đức của người tu sĩ trẻ nước ta hiện nay không phải là đang đứng trước bờ vực của suy thoái, mà là đã rất suy thoái, suy thoái đến mức báo động! Tại sao lại trầm trọng như vậy? Suy cho cùng là: “Tri hành không hợp nhất, đường tu không có đích”. Vì bản thân mỗi người thiếu tính tự giác, ỷ lại và phóng túng, a dua và tham vọng, thiếu các bậc mô phạm dẫn dắt chỉ dạy, đoàn thể nhìn vào thì đồ sộ nhưng lại rời rạc, thiếu sự hòa hợp đoàn kết. Quả thực! Cái họa nghiêng đổ suy tàn như Hòa Thượng Thích Đức Nghiệp nói là điều trông thấy trước mắt. Đúng là tăng ni trẻ: “Tiến không đường, thoái chẳng nơi”.

3.3. Giải pháp

- Tăng, ni trẻ mỗi người cần nâng cao ý thức rằng mình là người xuất gia, cần tự giác khép mình trong nếp sống thiền gia quy củ, tôn trọng và thực hành lời Phật dạy, tìm cho mình một vị thầy hướng dẫn và một pháp môn tu tập phù hợp.

- Giáo hội cần quản lý chặt chẽ hơn nữa về vấn đề người xuất gia, thọ giới, và đạo hạnh của người xuất gia.

- Mỗi vùng miền cần có vị Giám Luật để giám sát việc hành trì giới luật của tăng ni. Vị Giám Luật có quyền đề nghị Giáo hội xem xét, nhắc nhở hoặc kỷ luật đối với những tăng ni có dấu hiệu vi phạm hoặc đã vi phạm.

- Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội cần đoàn kết và hòa hợp hơn nữa để làm nơi nương tựa cho tăng, ni.

- Giáo hội cần thống nhất và trách nhiệm hơn nữa, đối với việc tổ chức hoằng pháp và tổ chức các sự kiện lễ hội Phật giáo theo vùng miền cho phù hợp trình độ nhận thức và nguyện vọng của tăng, ni, phật tử.

4. Về việc học của tăng, ni thời nay

4.1. Một số tồn tại

- Về người học: Nếu thời xưa, chư Tổ chèo non lội suối, không quản gian lao khó nhọc, để tìm các bậc minh sư cầu học đạo. Mong phần nào khai mở trí tuệ, hiểu rõ đường tu và tìm về chân tâm Phật tính của chính mình, tự giác, giác tha. Đồng thời, cầu mong giải thoát, xa lìa khỏi mọi hệ lụy ràng buộc của ngũ dục, không màng danh lợi...

Thì thời nay, không ít người học đạo đi học không phải như vậy, mà đang tu và học vì những tấm bằng, vì những mảnh giấy chứng nhận. Đôi khi không phải vì muốn thông hiểu nghĩa lý để tu tập mà học vì cần phải có bằng cấp để được thọ giới, được trụ trì, được nuôi đệ tử, được làm chức này chức kia... Do vậy, không có bằng thì phải tìm mọi cách để có bằng. Nếu có học chỉ mang tính đối phó, ép buộc, chứ không có động lực cầu học. Bởi trong đầu còn biết bao toan tính, làm sao có thể an tâm để ngồi mà tư duy quán chiếu lời Phật, ý Tổ.

- Về công tác quản trị: Về công tác quản trị vẫn chưa có mô hình quản lý cụ thể , chưa có hoạch định và chiến lược tổng thể lâu dài cũng như trước mắt. Đồng thời, cũng chưa có quy định thống nhất về quản lý hệ thống giáo dục. Về nội dung giáo dục, chất lượng giáo dục, tiêu chuẩn giảng sư, văn bằng, thi cử… chưa được quan tâm triệt để. Công tác quản lý đội ngũ cán bộ, giảng sư dường như chưa được quan tâm ở các cấp Giáo hội. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng của sự phát triển đúng mức nền giáo dục Phật giáo Việt Nam hôm nay và ngày mai. Do vậy, chưa khắc phục được vấn đề này thì chưa thể khắc phục những vấn đề tồn tại khác.

- Về phương pháp dạy và phương tiện dạy học: Đây là yếu tố gắn liền với kết quả của quá trình đào tạo. Trong thực tế, các giáo thọ - những người có trách nhiệm khai đường, dẫn lối cho thế hệ trẻ. Mặt khác chưa đặt hết sự quan tâm và trách nhiệm của mình vào sự nghiệp giáo dục còn kiêm nhiệm nhiều công tác Phật sự khác. Cho nên, không có nhiều thời gian để nghiên cứu, soạn thảo giáo án một cách nghiêm túc. Khi giảng dạy chỉ mang tính truyền đạt kiến thức, đôi khi còn rất hạn chế về trình độ. Vấn đề ở đây là trình độ, một thực tế cho thấy đội ngũ giảng sư của chúng ta chưa có chuyên môn cao. Điều kiện cần thiết nhất của một người đứng trên bục giảng là phải có trình độ chuyên môn sư phạm, tư cách, phẩm chất đạo đức của một người thầy thực sự.

Ngoài trao truyền những kiến thức của môn học, còn có thể trao truyền cho người học trò những phẩm chất đạo đức, những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm hoạt động trong mọi lĩnh vực hành đạo. Ngoài khẩu giáo còn có cả thân giáo để làm tiền đề cho sự tư duy và động lực sáng tạo.

Từ những hạn chế trên, dẫn đến thực trạng: Lỏng lẻo trong công tác giáo dục, khiến xu hướng đạo đức của tăng ni trẻ giảm sút trầm trọng. Sở dĩ như vậy là vì, họ không biết tin ai, không có ai dành cho họ thì giờ và làm nơi nương tựa cho họ. Tổ chức thì không chặt chẽ, đội ngũ quản lý quá yếu, lại rất mỏng. Hầu như các bậc hòa thượng, thượng toạ chỉ có rất ít thì giờ dành cho tăng, ni trẻ.

4.2. Một số biện pháp khắc phục.

- Thứ nhất là về mặt nhân sự quản lý: Khuyến khích, động viên tăng, ni đã tốt nghiệp các khóa đào tạo tham gia công tác quản lý của trong ngành giáo dục. Sắp xếp nhân sự phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động.

- Thứ hai là về mặt trình độ quản lý: Giáo hội cần quan tâm và phối kết hợp với các Trường Đại học bên ngoài để tổ chức các khóa bồi dưỡng về công tác quản trị hành chính, quản trị giáo dục cho các tăng ni tham gia công tác trực tiếp tại các trường Phật học để nâng cao năng lực, trình độ quản lý.

- Thư ba là về chương trình giáo dục: Sắp xếp lại chương trình giáo dục ở cấp cơ sở. Đồng thời, loại bỏ một số môn học không cần thiết, bổ sung một số môn quan trọng...nhằm đảm bảo cho tăng ni tốt nghiệp ra trường có thể tham gia được các lĩnh vực hoạt động của Giáo hội, đáp ứng theo nhu cầu phát triển của Giáo hội trong thời đại mới.

- Thứ tư là về lực lượng giáo thọ: Giáo hội cần phải chú trọng và quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo, phát triển đội ngũ giáo thọ theo hướng chuyên môn hóa, nhằm đáp ứng được công tác đào tạo của tăng tài của Giáo hội.

- Thứ năm là về phương pháp đào tạo: Giáo hội cần nghiên cứu cải cách, đổi mới phương pháp đào tạo. Quy định rõ ràng phương pháp dạy và học cho giáo thọ và tăng ni sinh để tăng ni sinh phát huy tính tự lực, phát triển tư duy của mỗi người.

- Thứ sáu là về mô hình đào tạo: Cần phải xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất của nhà trường như Thiền đường, Thư viện, nơi ở cho giảng viên và cán bộ văn phòng, quản chúng... để tạo điều kiện tốt cho môi trường làm việc và học tập. Tăng ni sinh có thể thực hiện đầy đủ mô hình vừa học vừa tu. Đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, học hỏi của tăng, ni.

C . KẾT LUẬN

Nói tóm lại, những khó khăn trong việc tu và học của tăng ni còn rất nhiều nhưng trọng tâm vẫn là vấn đề nhân sự quản lý và kinh phí đầu tư đúng mức cho ngành giáo dục. Ban lãnh đạo Giáo Dục đảm trách, kiêm nhiệm nhiều phật sự nên thiếu sự tập trung vào công tác giáo dục. Do vậy chậm hoàn thành các việc như thống nhất sách giáo khoa cho các cấp học.

Trong khi đó, xã hội ngày một phát triển, trình độ dân trí cao hơn, bên cạnh đó, đạo đức đang bị vật chất và lòng tham lấn át. Do vậy, điều xã hội rất cần là những con người có đạo hạnh và trình độ thực sự, biết thức tỉnh lòng người, biết cảm thông và chia sẻ, biết lắng nghe và thấu hiểu nỗi khổ niềm đau của cộng đồng... Người làm được những việc này tiêu biểu phải là những người có tu tập, có thực hành giáo pháp từ bi cứu khổ, vô ngã vị tha của đức Phật. Nói như vậy, để thấy rõ vai trò và trách nhiệm của Tăng đoàn Phật giáo là một tổ chức rất quan trọng trong đời sống xã hội. Vì, “Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui, tu tập giải thoát làm an lạc cuộc đời”.

Do vậy, mọi chương trình giáo dục, đào tạo lên những vị tăng đúng nghĩa, đều cần nhắm đến sự tu tập và thực hành lời Phật dạy, cần chú trọng đến phẩm hạnh đạo đức, chứ không chỉ quan tâm đến vấn đề trao truyền tri thức. Đồng thời cũng cần liên tục đổi mới, đi trước nhận thức của xã hội.

Tài liệu tham khảo:

1. G.Bandzeladze (1985), Đạo Đức Học, Nxb. Giáo dục Hà Nội. 2. Thích Minh Châu (dịch) (1992), Trung Bộ II, VNCPHVN. 3. Thích Minh Châu(2002), Đạo đức Phật Giáo Và Hạnh Phúc Con Người, Nxb. Tôn giáo- Hà Nội 4. Nguyễn Tiến Dũng (2005): Lịch sử triết học phương Tây, Nxb. Tp.HCM. 5. Vũ Trọng Dung (2005). Giáo trình đạo đức học Mác – Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 6. Phạm Văn Đức (1997), Phạm trù quy luật trong lịch sử triết học phương Tây, Nxb. Khoa học xã hội 7. Trần Thái Định (2005), Triết Học Descartes, Nxb. Văn Hóa 8. Trần Văn Giàu (1993), Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb. TP. Hồ Chí. Minh 9. Cao Thu Hằng (2004): Giá trị đạo đức truyền thống và những yêu cầu đạo đức đối với nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Tạp chí Triết học số 7. 10. Nguyễn Hòa (2007), Triết Học Cổ Hy Lạp Giảng Yếu, Nxb. Thanh Niên. 11. Đặng Thị Lan (2006), Đạo đức Phật giáo với đạo đức con người Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.

Chú thích:

[1] . Thích Đức Nghiệp (1995), Đạo đức Phật giáo, Viện Nghiên Cứu Phật học ấn hành

[2] . http://www.phattuvietnam.net/diendan/chanhung/20671-ghpgvn-nên-lấy-hệ-phái-sơn-môn-làm-nền-tảng.html

Để cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtube.