Nếp sống hiếu đạo của gia đình người Hoa khá đặc sắc bởi sự bổ sung của nhiều yếu tố Phật giáo. Ngoài việc góp phần duy trì truyền thống hiếu đạo của gia đình người Hoa, Phật giáo thông qua các tục lệ, nghi lễ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tinh thần đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa tộc người Hoa với các dân tộc khác.

Tác giả: Thích nữ Thánh Nhã

DẪN NHẬP

Người Hoa luôn quan niệm đức tính hàng đầu trong nhân luân là đức hiếu. Hiếu đạo là nguồn cội và là cơ sở cho nền tảng vững chắc của gia đình. “Người biết hiếu thuận với cha mẹ, có nết đễ (kính trọng) với người lớn tuổi hơn mình […] Hiếu đễ là cái gốc của việc làm đạo nhân.”[1]

Hiếu để là gốc của nhân, của đạo làm người nên ngay từ khi du nhập vào một nền văn hóa đề cao hiếu đạo như Trung Hoa, Phật giáo không những phải chứng minh sự thành công nhất định khi nhấn mạnh khái niệm về đạo hiếu mà còn phải chỉ ra nếp sống đạo đức của người con hiếu một cách sâu sắc hơn, vượt trội hơn so với nền đạo đức Nho giáo vốn đã cấm rễ sâu vào truyền thống gia đình.

Nhìn lại lịch sử lưu dân của người Hoa có thể thấy dù trong hoàn cảnh nào, người Hoa vẫn giữ nếp sống lễ giáo, tuân thủ tính tôn ti trật tự của Nho gia. Những truyền thống tốt đẹp trong gia đình như: kính già, yêu trẻ, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, v.v... luôn được các thế hệ người Hoa trân trọng, giữ gìn.

Trên cơ sở đó, Phật giáo đã kết hợp hài hòa với Nho giáo trong việc giảng dạy và thực hành hiếu đạo như tập trung vào bản chất con người và tình cảm đối với cha mẹ, nhấn mạnh những khó khăn và tình thương của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái.

1. Tinh thần hiếu đạo của Phật giáo

Hiếu đạo là một trong những phạm trù quan trọng của đạo đức học Phật giáo, chứa đựng nhiều nội dung sâu sắc và ảnh hưởng đến những phạm trù đạo đức khác trong đời sống con người. Hiếu đạo theo quan điểm Phật giáo thường được hiểu theo hai nghĩa, hẹp và rộng.

Theo nghĩa hẹp, hiếu đạo là sự phụng dưỡng cha mẹ, cung kính cha mẹ trên cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần; Ở nghĩa rộng là người thực hành hiếu đạo không những hiếu dưỡng với cha mẹ đời này mà còn hiếu thảo với cha mẹ nhiều đời.

Tinh thần hiếu đạo này bàng bạc trong mỗi trang kinh của Phật giáo và được tiếp cận từ nhiều góc độ. Trong phạm vi đạo đức gia đình, đức Phật dạy: “Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, ta nói thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; […] cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha.”[2]

Nền Phật học đức dục đặt nặng vấn đề Hiếu đạo, xem hiếu thảo với các bậc sanh thành, dưỡng dục là nền tảng, là kim chỉ nam cho sự tu học: “Kinh lấy Hiếu làm tông. Luật lấy Hiếu làm giới.” Kinh Phạm Võng còn nhấn mạnh: “Hiếu là giới” là điều phải thọ trì trước nhất của Bồ-tát, hiếu dưỡng cha mẹ là giới pháp đầu tiên trong bảy giới pháp cần phải thọ trì của một bậc Thiên chủ.[3] Đây là cơ sở đưa đến nhận định rằng Giới luật Phật giáo và nền đạo đức xã hội rất gần với nhau khi đề cao các giá trị cơ bản về đạo Hiếu.

Phật giáo ngoài bổn phận làm con tương đương với Nho gia như: “cha ra cha, con ra con”, con phải có sự “kính”, cha phải có tình thương gọi là “từ” được đức Phật dạy cụ thể trong kinh Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt[4] như sau: nuôi dưỡng cha mẹ, thay thế cha mẹ gánh vác công việc gia đình, giữ gìn truyền thống gia phong, bảo vệ tài sản thừa tự, và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.

Người con hiếu theo tinh thần Phật giáo còn phải khuyến hóa cha mẹ an trú trong Tín và Giới, rộng phát Bồ-đề tâm, thay cha mẹ sám hối nghiệp chướng cũng như hồi hướng công đức tu tập cho cha mẹ mới được xem là làm đủ và trả ơn đủ cho cha mẹ. Trong Kinh Trung Bộ, đức Phật nhấn mạnh rằng: “Ta nói rằng người này không có một đền ơn nào xứng đáng đối với người kia về đảnh lễ, đứng dậy, chắp tay, về làm những việc thích hợp.”[5]

Trong quan niệm Phật giáo, đạo hiếu về phương diện tinh thần rất mực quan trọng, nhất là những phương diện tinh thần dẫn đến con đường tiệm cận với Thánh đạo. “Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với mẹ cha không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; [...] Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.”[6]

Theo đó, có bốn cách đền đáp công ơn cha mẹ được khuyến nghị nhằm mang lại sự tiến bộ tâm linh, hạnh phúc đời này và đời sau, gồm: niềm tin, thiện giới, thực hành bố thí và phát triển trí tuệ. Với niềm tin chính là niềm tin Tam bảo; thiện giới có nghĩa là thực hành năm giới; bố thí mang nghĩa tránh sự keo kiệt; và phát triển trí tuệ nghĩa là thấy rõ các quy luật về vô thường, vô ngã của vạn pháp.

Hiếu đạo là giá trị nhân văn mang tính toàn nhân loại. Mỗi dân tộc, quốc gia, tôn giáo đều có những quy chuẩn khác nhau. Song, từ những điểm trên có thể thấy so với việc xem hiếu đễ là cái gốc của việc làm người và quan niệm “duy nhân vạn vật chi linh” (chỉ có con người mới có linh tính)[7] thì rõ ràng Phật giáo theo đuổi một lý luận xa hơn, vượt trội hơn.

Bởi tinh thần hiếu đạo của Phật giáo được xây dựng trên cơ sở của thuyết Duyên khởi và thuyết Nghiệp báo luân hồi nên phạm vi của hiếu không bị giới hạn trong một gia đình hay chỉ phục vụ cho cha mẹ đời này mà là hết thảy chúng sinh, vạn vật muôn loài như trong Kinh Lăng Già, đức Phật dạy rằng: Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay không ngừng qua lại trong sinh tử luân hồi, không khỏi có lần làm cha mẹ anh em con cái, thân bằng quyến thuộc nhau.[8]

Vì lẽ này nên trên nền tảng văn hóa đề cao hiếu đạo của Nho giáo, Phật giáo đã phát triển thêm tư tưởng hiếu đạo và hình thành giáo lý Tứ trọng ân (ân cha mẹ, ân đất nước, ân chúng sinh, ân Tam bảo) mang tính phổ quát hơn.

Như vậy, mặc dù giống nhau đều nhấn mạnh đến việc xem hiếu đạo là nền tảng đạo đức con người. Nhưng rõ ràng mục đích tối hậu của Phật giáo là giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử. Cho nên, khi bàn đến những cam kết chung trong cách cư xử đạo đức và lý tưởng tâm linh trong việc thực hành hiếu hạnh thì giữa hai con đường thế gian và xuất thế gian không thể trùng nhau.

Và bằng cách này nền đạo đức Phật giáo không chỉ gây ấn tượng mạnh đối với người Hoa mà còn thuyết phục người Hoa vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm theo quy chuẩn của Nho giáo từ trước. Nói cách khác, việc đưa ra quan điểm của Phật giáo về tinh thần hiếu đạo đã giúp người Hoa thêm phần củng cố và kiện toàn cách thức, tri thức trong phương cách đền ơn, báo ơn sao cho thực tế, hiệu quả và cao cả hơn.

Chính điện Hội quán Minh Hương Gia Thịnh. Nguồn: Báo Dân Trí

2. Cơ sở kinh văn của Phật giáo người Hoa

Lời Phật dạy về hiếu kính đối với cha mẹ trở nên rất quan trọng khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc. Bởi trước khi đến với Phật giáo, người Hoa vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền luân lý về “Trung”, “Hiếu” của Khổng giáo.

Trong hoàn cảnh như vậy để có thể khế hợp về phương diện luân lý đạo đức sẵn có, các nhà tư tưởng Phật giáo người Hoa đã thông qua việc phiên dịch và chú sớ các kinh điển trên tinh thần hiếu đạo của Phật giáo để biên soạn, trước tác nhiều bản kinh văn, sớ giải theo hướng mở rộng ở nhiều tầng, nhiều góc độ xã hội.

Theo nhà nghiên cứu Kenneth Ch’en chỉ ra có ba cách để tư tưởng hiếu đạo của Phật giáo tiến sâu hơn vào văn hóa người Hoa (The Chinese Transformation of Buddhism)[9]: cách thứ nhất là tìm trong những câu chuyện đề cao đức hiếu trong kinh điển để nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tính này; cách thứ hai là chứng minh tư tưởng hiếu đạo của Phật giáo cao hơn Nho giáo và cách thứ ba là ngụy tạo kinh điển để dung hợp sự chống đối gay gắt của văn hóa truyền thống lúc bấy giờ.

Những câu chuyện đề cao đến việc thực hành hiếu hạnh của đức Phật cũng như các đệ tử ngài được tìm thấy hầu hết trong nhiều bản kinh điển của Phật giáo. Điển hình như trong  Phật thuyết Tịnh Phạn vương bát Niết bàn kinh (佛 說 淨 飯 王 般 涅 槃 經)[10] đức Phật đã có những hỗ trợ cần thiết qua những khai thị ngắn gọn và thực tế, để cuối cùng sau khi từ bỏ huyễn thân đã giúp vua Tịnh Phạn được sanh lên cõi Trời Tịnh Cư (生淨居天).

Sau đó, đức Phật và ngài Nan Đà đã kính cẩn đứng trước linh cửu, ngài A Nan và La Hầu La thì đứng ở phía cuối. (佛 共 難 陀. 在 喪 頭 前 肅 恭 而 立. 阿  難 羅 云. 住 在 喪 足). Không những vậy, sợ người đời không báo đáp thâm ân cha mẹ, nên dự định tự mình khiêng quan tài của thân phụ (自 欲 擔 於 父 王 之 棺).

Nhưng bốn vị Thiên vương đã hiện thân người bình thường thay Phật khiêng quan tài (時 四 天 王. 各 自 變 身. 如 人 形 像. 以 手 擎 棺) còn đức Phật tay cầm lò hương, đi trước linh cữu, đưa di thể vua Tịnh Phạn về nơi an táng (如 來 躬 身.手 執 香 爐.在 喪 前 行.出 詣 葬 所).

Kinh văn đã truyền tải những thông điệp quan trọng về hành xử của người con hiếu đối với tang lễ của cha mẹ mình. Theo đó, mặc dù đến nay vẫn chưa tìm thấy tư liệu nào liên quan đến việc đức Phật ghé vai khiêng quan tài của thân phụ. Song, thực tế cho thấy tất cả chi tiết trên đều được người Hoa đồng tình và tán thán bởi phù hợp với văn hóa thể hiện tinh thần hiếu đạo của họ.

Bằng cách truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa, thiết thực liên quan đến hiếu đạo từ những câu chuyện được ghi lại trong kinh văn như: Phật thuyết phụ mẫu ân nan báo kinh[11]; Phật thuyết Vu lan bồn kinh[12], v.v…

Phật giáo đã thành công trong việc phổ quát lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày của người Hoa, nhất là những bản kinh thuộc dòng văn học Biến văn[13], một văn hiến đặc thù của Phật giáo Trung Hoa được trước tác bởi những người có khả năng thi phú, văn chương cùng tranh vẽ dễ tạo được sự rung cảm sâu sắc đối với tâm thức con người.

Cụ thể hóa như bản kinh “Kinh Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn”[14] với mục đích bổ sung, lý giải nguyên nhân vì sao mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên bị đọa địa ngục, đạo Phật không những gây ấn tượng mạnh đối với số đông quần chúng mà còn được giới nghiên cứu văn hóa, văn học quan tâm và phổ biến.

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy các tác phẩm thuộc dòng văn học biến văn tuy vẫn chưa tìm được tác giả nhưng sức ảnh hưởng và giá trị của những bản kinh văn này là vô cùng to lớn. Nhất là tác phẩm Vu lan bồn kinh hay Phật thuyết Vu lan bồn kinh sớ[15] hay Vu lan bồn kinh của ngài Trúc Pháp Hộ dịch được xem là khởi nguồn của đại lễ Vu Lan Bồn (盂蘭盆) một trong những ngày lễ chính yếu, không thể thiếu của Phật giáo Bắc tông nói chung, Phật giáo người Hoa tại Việt Nam nói riêng.

Hòa thượng Thích Trí Quảng khi nói về Đại lễ Vu Lan ở nước ta cũng từng nhận định rằng: “ngày Rằm tháng Bảy là ngày mưa dầm gió bấc khiến người ta dễ liên tưởng đến tất cả vong linh đang bị đói lạnh, hoặc khổ đau trong những cảnh giới siêu hình. Vì thế, Phật giáo Trung Hoa đã khéo kết hợp ngày rằm tháng 7 với mùa Vu lan theo kinh Vu lan bồn và cũng là ngày Tự tứ của chư Tăng Phật giáo Bắc tông.”[16]

Từ nội dung trên có thể thấy kinh văn Phật giáo nói chung, Phật giáo Trung Hoa nói riêng đều mang tính khế lý, khế cơ khá rõ nét. Những bản kinh không những thể hiện tính thời đại, tính lịch sử mà còn cho thấy tính năng động sáng tạo của các nhà hoằng pháp Phật giáo ngay từ buổi đầu truyền đạo.

Cho đến nay cơ sở kinh văn của Phật giáo người Hoa vẫn còn nguyên giá trị trong việc phổ hóa lời Phật dạy về thâm ân cha mẹ đến với số đông quần chúng, góp phần định hướng con người trở về với cội nguồn dân tộc, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa, góp phần ổn định và duy trì nền đạo đức xã hội.

3. Nếp sống hiếu đạo trong gia đình người Hoa

Khác với nếp sống phương tây, việc nuôi dưỡng, tôn kính, phụng thờ cha mẹ khi còn sống cũng như khi qua đời ở thế hệ con cháu người Hoa trở thành nếp sống hiếu đạo có từ rất lâu và được cụ thể hóa thành nhiều phong tục truyền thống trong gia đình.

“Khác với phương Tây, con người chỉ là người thờ Chúa, kính các thánh thần, ở phương Đông con người vừa là người thờ cúng các siêu linh, tổ tiên, ông bà, lại vừa được con cháu tôn thờ. Nếu ai có công với nước, với làng còn được dân nước, dân làng thờ cúng.”[17]

Cho đến nay, người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ gìn nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp nhằm giáo dục đời sống đạo đức cho con cháu, phổ biến liên quan đến phong tục vòng đời như: phong tục mừng thọ, phong tục tang lễ, phong tục thờ cúng tổ tiên, v.v… cũng như sau khi đã khuất: săn sóc mộ phần, lo lắng cho “cuộc sống” của người đã khuất ở bên kia thế giới.

Phong tục mừng thọ

Nghiên cứu gia đình người Hoa có thể thấy tính tôn ti, trật tự bám rễ rất sâu trong truyền thống gia đình nên những bậc trưởng bối hay người cao tuổi trong gia đình người Hoa rất được kính trọng. Bởi họ là những người có kinh nghiệm trong cuộc sống, trong lao động, cũng như những hiểu biết về truyền thống văn hóa dân tộc.

Do vậy, tổ chức nghi lễ mừng thọ là một trong số những nghi lễ đặc sắc, thể hiện lòng hiếu đạo, tôn trọng ông bà, cha mẹ của người Hoa. Theo đó, gia đình người Hoa nào có ông bà, cha mẹ đến 70 tuổi hay 80 tuổi thì được con cháu tổ chức lễ mừng thọ gọi là thượng thọ.

Theo phong tục, vào ngày mừng thọ, ông bà hay cha mẹ sẽ ngồi chính giữa nhà cho con cháu, bà con, bạn bè thân thích mừng thọ với đồ mừng thường là những bức thêu chữ với nội dung, ý nghĩa mừng tuổi thọ, chúc ông bà luôn được tổ tiên phù hộ sống lâu với con cháu.[18] Lễ mừng thọ cho các cụ có tuổi càng cao, 90 hay 100 tuổi trở lên càng được tổ chức trọng thể. Và dù tổ chức đơn giản hay long trọng thì đều không thể thiếu mâm cúng bàn thờ tổ tiên và cúng quả cho ông bà, cha mẹ còn sống.

Thực phẩm thường thấy nhất trong mâm cúng chính là bánh đào tiên (xìn thù) hoặc bánh trường thọ (xầu thù), là những biểu tượng cho sự trường thọ, ngụ ý cho các cụ khi ăn được trường thọ, an khang. Ngoài ra, còn có chè ỷ với hình tròn bên ngoài bọc viên đường tán hình vuông bên trong tượng trưng cho trời và đất mang ý nghĩa của sự viên mãn, cát tường.[19]

Đối với người Hoa, việc tôn trọng những người lớn tuổi từ lâu đã trở thành truyền thống tốt đẹp của họ. Vậy nên việc tổ chức mừng thọ ông bà không chỉ thể hiện tinh thần hiếu đạo đáng trân trọng còn mang tính giáo dục, củng cố các giá trị văn hóa của gia đình, dòng họ; góp phần xây dựng đời sống gia đình ngày càng hạnh phúc, bền vững hơn.

Phong tục tang lễ

Tang lễ là một trong những nghi thức mang tính luân lý của xã hội nói chung, cộng đồng người Hoa nói riêng. Đặc biệt, là một dân tộc vốn coi trọng huyết thống gia đình, thân tộc nên các phong tục liên quan đến tang lễ là sự kiện rất quan trọng đối với người Hoa.

Cùng với quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận” nên đối với người Hoa đây không chỉ là dịp để báo hiếu, đền trả ơn nghĩa, thể hiện tình cảm với người quá cố mà còn là dịp thể hiện ý nghĩa xã hội quan trọng trong việc thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa những người có quan hệ họ hàng, đồng hương.

Tang lễ trong gia đình người Hoa thường gắn với hai mục tiêu cơ bản: thể hiện truyền thống chữ hiếu, thanh danh của gia đình và cầu cho người chết siêu thoát. Tang lễ người Hoa theo truyền thống cần phải thực hiện đầy đủ các nghi thức quan trọng như: mộc dục (tắm gội thi hài), tẫn liệm, lễ bái gia tiên, cúng cầu siêu - cầu an, lễ động quan, lễ hạ thổ, tỏ lòng hiếu thảo, cung kính (mặc đồ tang, khóc lóc ai oán, ...), v.v...

Điều này được cho là ảnh hưởng từ quan niệm của Nho gia như sau: “cha mẹ còn sống, phụng sự cho hợp lễ; từ trần, mai táng cho hợp lễ [...] cúng tế cho hợp lễ.”[20]

Theo phong tục, tang lễ của tất cả các nhóm người Hoa Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Hẹ ở thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều nghi thức, mang đậm nét bản sắc dân tộc. Song, hầu hết đều chú trọng đến các giai đoạn quan trọng như: Hấp hối, tiểm liệm, nhập quan phát tang, động quan, xả tang, hạ huyệt, mở cửa mả.

Và vì do người Hoa quan niệm rằng mỗi người đều có hồn (dương hồn) và phách (âm hồn) nên các nghi lễ tang ma của họ đều thỉnh các đạo sĩ Đạo giáo hoặc nhà sư Phật giáo đến chủ trì các nghi lễ chính thức với mong muốn nhờ đạo lực của các vị này mà người mất sớm được siêu thoát, thể hiện tấm lòng người còn sống.

Phong tục thờ cúng tổ tiên

Ảnh hưởng lớn nhất của Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo đối với văn hóa người Hoa sâu sắc nhất là việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Tổ tiên được coi như thần bản mệnh của dòng họ, tông tộc, gia đình. “Nếu xét về góc độ tư tưởng hay nội dung, hình ảnh thờ cúng tổ tiên là sản phẩm của sự kết hợp ba biểu tượng ba đầu: ý niệm linh hồn người chết, tổ tiên và thần che chở của gia đình - thị tộc.”[21]

Người Hoa quan niệm ông bà tổ tiên luôn can thiệp vận mệnh con cháu nên người Hoa dù đi đâu, trong hoàn cảnh nào họ cũng giữ gìn bàn thờ tổ tiên cẩn trọng và xem đây là trách nhiệm bảo vệ và duy trì danh dự của gia đình, dòng họ.

Đối với người Hoa, vấn đề thờ cúng hay nhớ nghĩ đến tổ tiên không phải là một sáo ngữ, một lối nói, một cách bóng gió thú vị, mà là một thực tại sâu xa được các thành viên trong gia đình thừa nhận. Đa phần người Hoa đều biết rõ linh hồn tổ tiên không thể trú ngụ trong những bài vị đặt trên bàn thờ gia tiên nhưng họ vẫn tin rằng có mối liên hệ giữa linh hồn của thân quyến tổ tiên với con cháu trong gia đình.

Nhất là mỗi khi gia đình có những sự kiện quan trọng như: đám hỏi, đám cưới, đầy tháng hay thành viên trong gia đình bi đau ốm, công việc làm ăn khó khăn, v.v... Người Hoa luôn có tục tổ chức cúng báo tin và tạ ơn trời, Phật, tổ tiên phù hộ. Bởi thờ cúng tổ tiên ở nghĩa rộng có tính chất tôn giáo bao gồm người đang sống và cả những người đã khuất. [22]

Đối với người Hoa “chết” đồng nghĩa với việc “sống” trong một môi trường khác nên hầu hết trong các gia đình của người Hoa bất phân giàu sang hay nghèo khó, không gian thờ tổ tiên vẫn luôn là một không gian tâm linh được chú trọng nhất. Bàn thờ phải luôn được đặt nơi trang trọng trong nhà với trang thờ thường sơn son thếp vàng, trong trang là một bài vị đỏ ghi tên ông tổ của dòng họ, gia đình. Bài vị thường được gắn lông đuôi chim công ở góc và trên đỉnh bài vị, v.v…

Nhìn chung, phong tục thờ cúng tổ tiên, giữ gìn bàn thờ hương hỏa của các nhóm người Hoa luôn chứa đựng tính tôn ti, tính tôn nghiêm chặt chẽ, thể hiện vai trò kết nối huyết thống và giáo dục đạo đức xã hội. Và Phong tục này không chỉ là nền tảng và thước đo đạo đức cho con cháu trong phạm vi gia đình người Hoa mà còn là một thiết chế văn hóa gắn với truyền thống dòng tộc qua thiết chế từ đường và lệ cúng thanh minh.

Không như những tộc người khác, người Hoa không chỉ thờ ông bà tổ tiên trong gia đình mà hơn thế nữa, họ còn xây dựng nhà thờ họ hay “từ đường” - một hình thức mở rộng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình được tổ chức theo quan hệ huyết thống. Từ đường là nơi thờ phụng bài vị hay thần chủ tổ tiên đã khuất.

Người Hoa đặc biệt coi trọng vị trí đặt bài vị tổ tiên phải là nơi trang trọng, ở vị trí trung tâm ngôi nhà hay nhà thờ tộc họ và đảm bảo rằng phải được coi sóc, trang hoàng tử tế. Theo thống kê hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 50 từ đường của người Hoa.[23]

Một trong những điều quan trọng của việc thờ cúng tổ tiên chính là ngày giỗ. Mỗi họ người Hoa có nơi thờ cúng và ngày giỗ họ riêng như: họ Trần ở Vĩnh Xuyên đường cúng vào ngày 15/1 và 15/6 âm lịch, họ Đàm tại Miếu Đàm Đại Tiên thần cúng ngày 29/01 âm lịch, v.v...[24]  Vào ngày giỗ, những người cùng họ tập hợp lại cúng bái, nhận biết họ hàng quyến thuộc. Sự bề thế và tôn nghiêm của dòng họ thường được đánh giá ở số lượng người tham gia vào những ngày giỗ.

Điển hình như dòng họ Ngô ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2000 đã thu hút 1.500 người tham gia.[25] Thông qua các dịp lễ giỗ Tổ hàng năm và tộc ước, người Hoa đã biến nhà thờ Tổ thành biểu tượng văn hóa của dòng tộc, nơi giáo dục lòng kính trọng tổ tiên, chữ hiếu và tinh thần đùm bọc nhau trong cuộc sống.

Thể hiện lòng thành kính và hiếu thảo của thế hệ con cháu dành cho tổ tiên đã khuất còn được tập trung cho lệ cúng Thanh minh hay Tết Thanh Minh, một phong tục truyền thống đặc trưng của người Hoa đã có từ đời Hán truyền đến nay.[26]

Tết Thanh minh là lễ tết rất quan trọng của người Hoa, có thể coi là ngày giỗ chung cho người đã khuất được diễn ra vào khoảng đầu tháng ba âm lịch, là dịp để con cháu trong gia đình tảo mộ, chuẩn bị mâm cổ để dâng cúng tổ tiên. “Người chết có thể yên ổn trong mộ phần của mình hay trên bàn thờ của gia đình. Con cháu dâng cúng lễ vật theo nghi thức. Ngược lại, người sống chỉ sung sướng khi được ảnh hưởng tốt lành của người chết đang che chở cho họ một cách bí ẩn.”[27]

Theo quy định của nghi lễ xưa, các gia đình người Hoa tuần tự theo thứ bậc con trưởng đến con thứ đều phải đưa hết gia quyến đến khấu đầu làm lễ ở từ đường. Sau đó, mang thức ăn ra cúng ở mộ phần người đã khuất và cùng nhau ăn uống ngoài trang viên.

Cho đến nay, người Hoa vẫn giữ gìn phong tục tết thanh minh theo truyền thống. Song, tính tôn ti, thứ bậc đã đơn giản hơn nhiều. Vào tết Thanh Minh con cháu người Hoa dù ở đâu xa cũng tụ họp về sửa soạn mồ mả tổ tiên, dọn cỏ quét vôi, trang hoàng cúng kiếng với lễ vật cơ bản gồm bánh trái, hương trà, v.v...

Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là lòng thành con cháu ngưỡng vọng đến các bậc tiền nhân, thể hiện tinh thần hiếu đạo cũng như nhắc nhở mọi người không quên nguồn cội. Vì lẽ này lễ cúng Thanh Minh trở thành ngày lễ của đại gia đình, nơi xuất hiện sự cộng cảm giữa người còn sống và người đã khuất. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, thân tộc do đây được cũng cố, giữ gìn.

Nhận thấy tín ngưỡng tổ tiên của người Hoa mang ý nghĩa tích cực làm cho con người hiện tại thấy mình là “dấu nối” của lịch sử một gia đình, một cộng đồng và lại là phần thiêng liêng nhất, đáng trân trọng nhất để tự thân mỗi người có trách nhiệm với cuộc sống trước khi về với ông bà tổ tiên nên từ rất sớm Phật giáo “khế hợp” từ rất sớm, nhất là Phật giáo Đại thừa.

Điều này được thể hiện rõ nét tại các ngôi chùa Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh trong những tiết lễ Thanh Minh theo phong tục của người Hoa, họ đều tổ chức tụng kinh Địa Tạng hay kinh Di Đà hồi hướng công đức cho các vong linh. “Ngay những gia đình không phải là tín đồ quy y Phật giáo vẫn có một bàn thờ Phật bên cạnh bàn thờ tổ tiên.”[28]

Thiết lập bàn thờ tổ tiên hay thắp hương cho ông bà theo quan niệm Phật giáo là biểu trưng cho niềm tin tốt đẹp mang tính giáo dục đạo đức cao nên Phật giáo không những công nhận, ủng hộ mà còn bổ sung giúp cho tục lệ này trở nên ý nghĩa hơn.

Nhìn chung, vấn đề thờ cúng tổ tiên tạo cho cộng đồng người Hoa một ý thức đoàn kết bao hàm cả việc sống sao cho sáng danh tổ tiên và để con cháu sau này không cảm thấy hổ thẹn. Cũng vì vậy, người Hoa không chỉ tỏ rõ lòng biết ơn và kính trọng tổ tiên đã gầy dựng sự nghiệp cho con cháu mà còn được xem là cách bảo vệ nòi gióng, cầu xin ân huệ và ân đức của hiền nhân đời trước.

Chính lòng tin của người Hoa về một thế giới vô hình, mối liên hệ giữa người đã chết với thế giới hiện thực, cũng như lòng tin về sự quan tâm, giúp đỡ của tổ tiên đối với con cháu đã giúp người Hoa cũng cố gia đình, cũng như mối quan hệ giữa các thành viên để tạo nên sức mạnh, ý chí và niềm hy vọng vào tương lai.

KẾT LUẬN

Nếp sống hiếu đạo của gia đình người Hoa khá đặc sắc bởi sự bổ sung của nhiều yếu tố Phật giáo. Ngoài việc góp phần duy trì truyền thống hiếu đạo của gia đình người Hoa, Phật giáo thông qua các tục lệ, nghi lễ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tinh thần đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa tộc người Hoa với các dân tộc khác.

Qua đó có thể thấy nhờ tính linh động sáng tạo sẵn có của mình, Phật giáo đã thành công trong việc tạo nên nếp sống đạo đức, làm cơ sở của đạo lý làm người, nhân cách và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

Tác giả: Thích nữ Thánh Nhã