Tóm tắt: Từ rất lâu trong lịch sử dân tộc, Phật giáo là một bộ phận quan trọng trong văn hóa người Việt. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và thực hành tư tưởng của Phật giáo: từ bi, cứu khổ cứu nạn, vô thường, tu dưỡng đạo đức, tạo ra các giá trị vô cùng to lớn cho dân tộc.
Từ khóa: Phật giáo, Tư tưởng Hồ Chí Minh, từ bi, cứu khổ cứu nạn, tu dưỡng đạo đức, vô thường, giá trị, văn hóa.
Văn hóa Việt Nam thấm đậm văn hóa Phật giáo. Trong lịch sử dân tộc, dưới triều Lý Trần, Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Nhiều triều đại sau đó đến nay, Phật giáo vẫn luôn đồng hành với dân tộc, trở thành một tôn giáo phổ biến của người Việt. Giá trị văn hóa Phật giáo được lưu giữ, góp phần tô đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được biểu hiện qua văn học nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc, lối sống, nếp sống, nhân sinh quan của con người…
Nguyễn Sinh Cung sinh ra từ làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Theo các nhà Sử học, Phật giáo đã có mặt ở Nghệ An cách đây hàng nghìn năm. Kết quả khảo cổ cho thấy xứ Hoan Châu (Nghệ An xưa), đặc biệt việc khai quật tại di chỉ Tháp Nhạn, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn cho thấy nơi đây có nhiều công trình kiến trúc Phật giáo. Thân sinh của Người - cụ Nguyễn Sinh Sắc là người có nhiều hoạt động tham gia chấn hưng Phật giáo ở các tỉnh Nam bộ.
Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, Người đã nhiều lần khoác áo đi tu tại Thái Lan. Năm 1941, khi trở về ở tại Pắc Bó, Cao Bằng, Người vẽ ảnh Phật trên vách đá để quần chúng có nơi chiêm ngưỡng vào những dịp lễ Tết. Khi là Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian đi thăm nhiều chùa, thăm các cơ sở Phật giáo, tiếp xúc với tăng, ni, phật tử. Người đánh giá cao những đóng góp, hy sinh của tăng, ni, phật tử cho hai cuộc kháng chiến và xây dựng nước nhà.
Đối với Phật giáo, Hồ Chí Minh không chỉ ứng xử trên cương vị là Chủ tịch nước tôn trọng và phát huy sức mạnh của Phật giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà Người còn là một tín đồ tiếp thu những giá trị của Phật giáo, thực hành các giá trị đó trong đời sống cá nhân của mình.
1. Hồ Chí Minh với tư tưởng “từ bi, cứu khổ, cứu nạn”
Với lòng từ bi, thương xót chúng sinh, Thái Tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ ngôi báu, người thân và cuộc sống sung sướng trong cung điện để đi tìm chân lý giải thoát cho chúng sinh. Ngài đã chứng ngộ chân lý và giáo hóa chúng sinh thoát khỏi lục đạo luân hồi. Thời Ngài còn tại thế, Ngài đã thành lập tăng đoàn, đi thuyết pháp khắp nơi, thu hút nhiều người gia nhập tăng đoàn và làm theo chân lý để giải thoát. Kinh Tương Ưng Bộ ghi lại lời dạy của đức Phật tại vườn Lộc Uyển như sau: “Này các Tỳ kheo! Hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng tưởng thưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người... Hãy tuyên thuyết phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh”(1). Lời dạy của đức Phật cho chúng ta hiểu rằng, chân lý mà Ngài tìm thấy là vì sự thoát khổ, dẫn đến an lạc, hạnh phúc cho hết thảy chúng sinh. Ngài dạy: “Này các Tỳ kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn. Đó là bốn niệm xứ.”(2)
Hồ Chí Minh sinh ra trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan, bị thực dân Pháp thống trị. Xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước, thương nhân dân đang chịu cảnh lầm than, cực khổ, Người từ giã quê hương, người thân của mình, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc. Dù chỉ từ hai bàn tay trắng, không mối quan hệ, một mình Người sang phương Tây tìm đường cứu nước. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Người gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Người bị mật thám Pháp theo dõi ở khắp nơi khi Người ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan… Năm 1931, Nguyễn Ái Quốc bị bắt giam ở Hồng Kông. Nhờ luật sư người Anh là Loseby bào chữa, Người thoát cảnh ngục, thoát nguy cơ chính quyền Anh ở Hồng Kông giao nộp cho thực dân Pháp, đưa về Đông Dương để kết án tử hình. Nguyễn Ái Quốc còn bị Quốc tế Cộng sản và Ban chấp hành Đảng Cộng sản Đông Dương hiểu lầm. Người không được liên hệ và hoạt động trong tổ chức trong nhiều năm. Nhưng điều đặc biệt ở đây là Nguyễn Ái Quốc không bị giao động mà luôn kiên định với những quan điểm của mình về cách mạng Việt Nam. Đến Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 (1935), khi tình hình thế giới thay đổi mau lẹ, Quốc tế Cộng sản có những nhìn nhận mới thì những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc dần được công nhận là đúng đắn. Năm 1942, một lần nữa, Người lại bị bắt giam một năm trong tù của Tưởng Giới Thạch. Người bị giam giữ, đày ải, giải qua 18 nhà tù của 13 huyện của tỉnh Quảng Tây.
Khát vọng, ý chí, tình yêu thương rộng lớn với con người, với quê hương đất nước là động lực to lớn giúp Hồ Chí Minh vượt qua được trăm nghìn khó khăn thử thách. Người tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(3). Người đã hiến dâng trọn đời mình cho mục tiêu đó.
Ca dao Việt Nam có câu:
“Dẫu xây chín bậc phù đồ Cũng không bằng phúc cứu cho một người”
Hồ Chí Minh không phải chỉ cứu một người mà cứu cả dân tộc Việt Nam. Năm 1920, Người tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam là con đường cách mạng vô sản. Năm 1930, Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1945, Người tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Từ đây, vận mệnh dân tộc được thay đổi, thân phận người Việt Nam được thay đổi, thoát khỏi cảnh nô lệ, trở thành người làm chủ cuộc đời mình, dân tộc được độc lập. Hồ Chí Minh không chỉ cứu khổ, cứu nạn cho thế hệ người Việt Nam ở thời điểm Người đang sống mà các thế hệ người Việt sau được hưởng quyền độc lập, tự do, hạnh phúc là từ điểm gốc này.
Các vị Phật, các vị Bồ Tát trải qua hàng trăm nghìn kiếp tu hành vì hạnh nguyện lớn cứu chúng sinh thoát khổ, mang đến lợi lạc cho chúng sinh. Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát có đại nguyện vào địa ngục để cứu chúng sinh, Ngài nguyện rằng: chưa độ hết chúng sinh thì Ngài chưa thành Phật. Hồ Chí Minh từng nói với phái đoàn Phật giáo Việt Nam vào thăm Người tại Phủ Chủ tịch: “Tôi cũng học Phật và nhớ được một câu: “mình không vào địa ngục cứu chúng sinh thì ai vào?”. Hồ Chí Minh tán thán công đức của Ngài Địa Tạng, đồng tâm với vị Đại Bồ Tát ấy và Người cũng hành trì hạnh nguyện giống như vị Bồ Tát. Hồ Chí Minh vì lợi ích của nước, của dân mà tâm niệm: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Không chỉ dừng lại mục tiêu dành độc lập cho dân tộc, Hồ Chí Minh còn hướng đến mục tiêu làm cho dân có ăn, có mặc, được học hành, được ấm no, hạnh phúc. Người nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(4). Sau cách mạng tháng Tám thành công, với cương vị là Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã nhanh chóng bắt tay vào việc kiến thiết đất nước: xây dựng bộ máy chính quyền, xây dựng luật pháp, thực hiện các chính sách kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế nhằm đẩy lùi “giặc đói”, “giặc dốt”, cải thiện đời sống của nhân dân và sau đó tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với mong muốn hành động nhân đạo được lan tỏa đến với nhiều người, Người sáng lập ra Hội Chữ thập đỏ và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội. Người căn dặn cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ: "Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ". Hồ Chí Minh đã làm “mọi việc có thể làm” để mang lại lợi ích cho nhân dân.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh luôn tìm mọi cách để tránh xung đột vũ trang từ các bên. Từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1946, Người sang Pháp để theo đuổi việc ký Hiệp định Việt Pháp nhằm không diễn ra cuộc chiến nhưng không thành. Năm 1954 - 1956, Việt Nam kiên trì nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Genève nhưng cũng không đạt được mục tiêu thống nhất miền Nam bằng con đường hòa bình. Chiến tranh Pháp - Việt, Mỹ - Việt đã không thể ngăn được, bất đắc dĩ người Việt phải chống lại xâm lược bằng bạo lực cách mạng. Trong quá trình đó, Hồ Chí Minh luôn nghĩ cách sao để ít đổ máu hy sinh nhất đối với cả hai bên. Người thương xót thốt lên “Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người.”(5)
Hồ Chí Minh chỉ thị cho quân và dân ta phải đối đãi khoan hồng với tù binh, hàng binh. Bác nói: “Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”(6). Từ sự đối xử nhân văn ấy, những tù binh và hàng binh người Pháp, Mỹ và các nước chư hầu Mỹ sau này được trả tự do, trở về với Tổ quốc, họ trở thành sứ giả hòa bình cho nhân dân đất nước của họ với nhân dân Việt Nam.
Năm 1987, khi phong tặng Hồ Chi Minh là anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, UNESCO đã khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những cống hiến của Hồ Chí Minh được UNESCO đánh giá rằng Người đã để lại dấu ấn cho dân tộc, góp phần cho sự tiến bộ của nhân loại. Nhiều học giả trên thế giới cũng khẳng định chủ nghĩa nhân văn được thể hiện sâu sắc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh.
2. Hồ Chí Minh với tư tưởng “vô thường”
Nhật ký trong tù là tập thơ được Hồ Chí Minh sáng tác trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch năm 1942 - 1943. Tập thơ phản ánh tâm hồn và nhân cách cao đẹp, kiên cường, ý chí, nghị lực và cũng rất lãng mạn của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh thử thách nặng nề nơi lao tù. Trong cảnh: “Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài”, “Bốn tháng cơm không no/Bốn tháng đêm thiếu ngủ/ Bốn tháng không giặt giũ” nên “Răng rụng mất một chiếc/Tóc bạc thêm mấy phần/Gầy đen như quỷ đói/Ghẻ lở mọc đầy thân”, “Mỗi người được chia nửa chậu nước/Rửa mặt hoặc đun trà, tùy ý mình” Người tự khuyên mình:
“Ví không có cảnh đông tàn Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân Nghĩ mình trong bước gian truân Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm hăng” (7)
Đông tàn, xuân tới là quy luật tự nhiên, không phụ thuộc vào bất cứ điều gì, không ai can thiệp được. Không có cái gì đứng yên, không có cái gì mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Vì vậy, giáo lý của đạo Phật chỉ ra chân lý: bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Khi hiểu mọi thứ là “vô thường”, Hồ Chí Minh ung dung cho rằng cảnh lao tù chỉ là cảnh tạm, thậm chí Người cho rằng đây chính là cơ hội để Người rèn luyện. Cho nên Người ở trong tù mà tinh thần không ở trong tù: “Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng phải cao”. Hơn nữa, Hồ Chí Minh còn thể hiện tinh thần kiên cường, vượt khó khăn: “Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.
Điều đặc biệt, trong cảnh tù thiếu thốn ấy, Hồ Chí Minh rất ung dung, tự tại, lạc quan:
“Trong tù không rượu lại không hoa Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” (8)Không chỉ có “người ngắm trăng” mà “trăng nhòm” vào khe cửa để “ngắm nhà thơ”. Giữa vũ trụ bao la, “nhà thơ” nhận thấy con người chính là trung tâm, là quyết định chứ không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Chỉ có con người trí tuệ mới hiểu và hành động được như vậy. Người ví dây trói mình như là: "Rồng cuốn vòng quanh chân với tay/Trông như quan võ cuốn tua vai/Tua vai quan võ bằng kim tuyến/Tua của ta là một cuộn gai." Người bị ghẻ mà lại nói: “Đầy mình đỏ tía như hoa gấm/Sột soạt luôn tay tựa gảy đàn”. Người không phàn nàn, oán trách mà luôn giữ được tâm an lạc trong cảnh nghịch. Đúng là “Thế giới trong tâm người thánh thiện”, trong lúc lưu đày từ nhà tù này sang nhà tù khác, Người bị trói mà vẫn thấy cảnh đẹp của thiên nhiên: “Mặc dù bị trói chân tay/Chim bay rộn núi hương bay ngát rừng/Vui say, ai cấm ta đừng/Đường xa, âu cũng bớt chừng quạnh hiu.”.
Khi hiểu về “vô thường” thì con người không còn lo sợ trước sống chết, không chấp vào cảnh, không chấp vào thân, sống tự tại. Trong ngục tù, Hồ Chí Minh đã rèn luyện tâm của mình được ung dung, vững vàng trước mọi cảnh, tâm luôn tỉnh giác, quay về chính mình.
3. Hồ Chí Minh luôn tu dưỡng đạo đức, sống giản dị, chăm làm việc thiện
Trong các tôn giáo, việc tu dưỡng đạo đức được coi là phương pháp cốt lõi để thực hành đạo. Đạo Phật chỉ ra nguồn gốc của mọi khổ đau của con người chính là tham, sân, si (Tam độc). Vì tham sở hữu, tham quyền lực, tham tiền bạc, danh vọng, vì không đạt được những gì như mình muốn thì sân; vì si mê theo những thứ không có thật nên con người rơi vào cảnh khổ triền miên. Đức Phật dạy phải xả bỏ tham, sân, si, tu dưỡng thân, tâm, khẩu, ý để diệt trừ si mê, chứng giác ngộ. Tu dưỡng để tâm đạt trong sáng: “Tâm sáng sạch trong tâm tức Phật”.
Cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh không lấy gì làm của riêng cho mình, luôn sống giản dị, chăm lao động, sống hòa mình với mọi người và với thiên nhiên. Người cho rằng: “Đức là gốc” và nêu ra các chuẩn mực về đạo đức cách mạng, đó là: trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, yêu thương con người, có tinh thần quốc tế trong sáng. Người khẳng định:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Người có 4 đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Thiếu một mùa thì không thành trời, Thiếu một phương thì không thành đất, Thiếu một đức thì không thành người”.(9)
Hồ Chí Minh không chỉ nêu tư tưởng về những chuẩn mực đạo đức mà Người còn thực hành chuẩn mực theo tư tưởng đó. Suốt cuộc đời Người phấn đấu cho đất nước được hòa bình, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Người vun vén, bảo vệ, giữ gìn, chăm lo, yêu thương nhân dân. Trong ứng xử với nhân dân, Người luôn tỏ ra kính trọng nhân dân, lắng nghe nhân dân, chia sẻ với nhân dân. Người sống giản dị, tiết kiệm như một nhà tu hành, khuyên mọi người cùng thực hành tiết kiệm. Người tự mình làm hết các công việc từ những công việc của Chủ tịch nước cho đến tự tay cho cá ăn, làm vườn. Người còn tích cực viết báo để tuyên truyền cách mạng, viết thư động viên nhân dân.
Hồ Chí Minh khẳng định việc tu dưỡng đạo đức là suốt đời: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.Tư tưởng Hồ Chí Minh ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Phật giáo. Điều đó được thể hiện rõ nét trong tinh thần lạc quan, ung dung, tự tại; trong ứng xử nhuần nhụy, trọng con người, vạn vật, tu dưỡng đạo đức hàng ngày… Đặc biệt Hồ Chí Minh đã phấn đấu trọn đời cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội để cứu nước, cứu dân, đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc độc lập và phát triển phù hợp với xu thế thời đại. Hồ Chí Minh thực hành giáo lý nhà Phật rất tự nhiên, thực tế, khoa học và hiệu quả nên dường như hai tư tưởng đó được hòa quện chung vào thành một. Hồ Chí Minh để lại tấm gương về thực hành giáo lý Phật giáo giữa đời thường cho những ai mong muốn sống “tốt đời, đẹp đạo” và tạo ra những giá trị mới của thời đại trong việc ứng xử với văn hóa Phật giáo.
Hồ Chí Minh là tấm gương về lòng từ bi, yêu thương con người, sống giản dị, chăm làm việc thiện, cứu khổ, cứu nạn, làm mọi việc “có thể” để giảm bớt đau thương cho con người. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid hiện nay, nhiều người Việt Nam đang nối tiếp truyền thống cha ông, noi theo tấm gương của Người làm mọi việc “có thể”, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, chia sẻ vật chất và tinh thần với đồng bào đang gặp khó khăn, hoạn nạn. Với ý nghĩa và phương pháp này, mỗi người Việt Nam đang được kết nối chặt chẽ với cộng đồng của mình, dân tộc Việt Nam đang trở thành một khối thống nhất, tạo thành sức mạnh lớn vượt qua thách thức của thời đại.
TS Phạm Thị Hằng - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2021 (Số 170)-------------------- CHÚ THÍCH: (1) Thích Minh Châu, Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, http://www.phatgiaohue.vn. (2) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, (kinh Đại Niệm xứ), NXB Tôn Giáo, 2016, tr. 445 (3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.187 (4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 264. (5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 510. (6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 29-30. (7) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.346. (8) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr. 327. (9) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.117.
Bình luận (0)