Hòa thượng Giác Tiên, họ Nguyễn, sinh năm Canh Thìn 1880 (năm Tự Đức thứ 33) tại làng Giạ Lê Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Song thân Ngài mất sớm, vì vậy năm Giáp Ngọ (1894) khi vừa tròn 15 tuổi, Ngài đã đến chùa Từ Hiếu xin xuất gia với Hòa Thượng Tâm Tịnh. Năm Canh Tý (1900), 21 tuổi Ngài thọ giới Sa Di.
Năm Giáp Thìn (1904) khi được 24 tuổi, Ngài theo Hòa thượng Bổn sư Tâm Tịnh về dựng Am Thiếu Lâm để tu học, nhường chùa Từ Hiếu lại cho bản phái. Am Thiếu Lâm này gần chùa Tây Thiên, rất hợp cho thầy trò an cư tĩnh tu.
Năm Mậu Thân (1908) Đại giới đàn được tổ chức tại chùa Phước Lâm ở Quảng Nam, do Ngài Vĩnh Gia làm Đàn đầu Hòa Thượng. Ngài được gởi vào thọ Cụ Túc giới tại giới đàn này, Ngài tỏ ra là một giới tử xuất sắc nên được chọn làm Thủ chúng Sa Di.
Năm Quý Sửu (1913), Ni Sư Diên Trường xây dựng xong chùa Trúc Lâm, liền xin phép Hòa Thượng Tâm Tịnh thỉnh Ngài về làm trụ trì ngôi chùa mới cất này. Ngài về đây thu nạp đồ chúng và mở rộng hoạt động hoằng dương Chánh pháp, tiếng tăm vang xa, vượt ra khỏi làng Dương Xuân Thượng, đến khắp mọi nơi.
Năm Canh Thân (1920), các khóa giảng được mở ra thường xuyên tại chùa Thiên Hưng do Hòa thượng Huệ Pháp chủ trì, Ngài đã cùng nhiều vị Tăng khác nhanh chóng tìm đến cầu học. Nơi đây, sau nhiều tháng ngày theo học, Ngài được Hòa thượng Huệ Pháp khen tặng là người có túc căn thâm hậu.
Năm Quý Hợi (1923), Ngài tổ chức Đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu. Tại giới đàn này, đệ tử của Ngài là Mật Khế thọ đại giới, và Bổn sư Ngài là Hòa thượng Tâm Tịnh làm Hòa thượng truyền giới.
Năm Ất Sửu (1925), năm Bảo Đại nguyên niên, Ngài được sắc chỉ triều đình làm trụ trì chùa Diệu Đế.
Năm Kỷ Tỵ (1929), năm Bảo Đại thứ 5 , sau khi trùng tu chùa Trúc Lâm và mở Phật Học Đường tại đây, Ngài liền vào Bình Định cung thỉnh Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp Di Đà ra làm chủ giảng. Từ đó, năm nào Hòa thượng Phước Huệ cũng được thỉnh về Trúc Lâm giảng dạy. Các đệ tử của Ngài như thầy Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Hiển và Mật Thể đều được theo học và đã đóng góp tích cực trong công cuộc chấn hưng Phật giáo sau này. Đặc biệt, cùng theo học tại Trúc Lâm lúc này có cư sĩ Lê Đình Thám, Y sĩ trưởng tại viện Pasteur Huế. Cư sĩ Lê Đình Thám đã quy y với Ngài từ năm 1928 được đặt pháp danh là Tâm Minh (chính cư sĩ là người vâng lời Ngài triệu tập các bậc đồng lữ, thành lập hội An Nam Phật Học năm 1932).
Ngài rất chú ý đến việc đào tạo Tăng tài. Nhờ những cố gắng đó mà Ngài đã biến chùa Trúc Lâm thành nơi phát tích nhiều cột trụ của nền Phật giáo cận đại. Tiêu biểu trong số những Tăng sĩ lừng lẫy như : Quảng Huệ, Trí Thủ, Mật Thể, Chánh Thông, Thiện Trí, Thiện Hoa, Thiện Hòa...
Năm Quý Dậu (1933), năm Bảo Đại thứ 8, Ngài ủy thác cho thầy Mật Khế mở trường Tiểu học Phật Học cho Sa Di các chùa tại chùa Vạn Phước, trường trực thuộc Hội An Nam Phật Học.
Năm Giáp Tuất (1934), Ngài lại cùng đệ tử Mật Khế tổ chức trường An Nam Phật Học tại chùa Trúc Lâm, thu nhận được năm mươi học Tăng. Cuối năm này, Ngài lại quy tụ được rất nhiều học Tăng có học lực và trình độ khá cao để mở ra cấp Đại học Phật giáo, cũng tại Trúc Lâm.
Giai đoạn này là cao trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung, nhờ vào uy đức của Ngài cùng tài uyên bác của Tâm Minh - Lê Đình Thám, và sự hưởng ứng nồng nhiệt của các bậc thức giả học Phật như : Ưng Bàng, Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa TânViễn Đệ, Nguyễn Khoa Toàn, Ứng Bình, Bửu Bác, Trần Đăng Khoa, Lê Thanh Cảnh, Lê Quang Thiết, Trương Xướng, Tôn Thất Quyên, Nguyễn Xuân Tiếu, Hoàng Xuân Ba, Lê Bá Ý và Tôn Thất Tùng. Qua Hội An Nam Phật Học và tạp chí Viên Âm, Ngài và đệ tử mình đã khéo léo dung nạp được rất nhiều chánh kiến khác nhau, về cùng chí hướng là tận dụng người tri thức để phục vụ Phật pháp.
Khi sinh tiền, Ngài được Bổn sư Tâm Tịnh trao cho bài kệ đắc pháp sau đây:
Giác đạo kiếp không tiên Không không Bát Nhã thuyền Quả nhân phù hạnh giải Xứ xứ đắc an nhiên.Dịch : Đường giác trước không kiếp Thuyền Bát Nhã không không Hạnh giải hợp nhân quả Ở đâu cũng thung dung.
Ngài hướng đạo cho Hội An Nam Phật Học được bốn năm. Năm Bính Tý (1936) ngày mồng 2 tháng 10 Âm lịch, Ngài cho triệu tập các môn đồ tứ chúng về đầy đủ vàtụng bộ Pháp Bảo Đàn Kinh, tụng đến phẩm Bát Nhã thì Ngài cho dừng lại để dặn dònhững điều cần thiết. Qua đến ngày mồng 4, Ngài an nhiên thị tịch. Thọ 57 tuổi đời,29 hạ lạp(1).
Tháp Ngài sau đó được tôn trí nơi phía tả khuôn viên chùa Trúc Lâm.
Chú thích : 1) Ngài Giác Tiên tịch vào năm 1936 chứ không phải vào năm 1934 như Lê Đình Duyên đã viết trong bài “Tiểu sử đạo hữu Tâm Minh - Lê Đình Thám” in ở đầu trang sách Kinh Thủ Lăng Nghiêm xuất bản tại Sài Gòn năm 1973.
Trích: Tiểu sử Danh tăng Việt Nam Thế kỷ XX - Tập 1 (Gia đoạn chấn hưng Phật giáo Việt Nam) - Chủ biên: TT.Thích Đồng Bổn
Bình luận (0)