Ngài Mật Khế, sinh năm Giáp Thìn, niên hiệu Thành Thái thứ 16 (1904) tại làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Năm lên 9 tuổi (Quý Sửu 1913) vừa lúc Ni sư Diên Trường dựng xong chùa Trúc Lâm ở làng Dương Xuân Thượng và thỉnh Hòa thượng Giác Tiên về làm trú trì, Ngài theo Hòa thượng làm tiểu đồng hầu hạ.
Năm 19 tuổi (Quý Hợi 1923) Ngài được Hòa thượng Giác Tiên chính thức thế độ, ban cho pháp danh Tâm Địa, pháp hiệu là Mật Khế. Từ đó Ngài cùng các Tăng hữu Mật Nguyện, Mật Hiển và Mật Thể là những đệ tử lỗi lạc nhất của Hòa thượng Giác Tiên và là những trụ cột về sau cho phong trào chấn hưng Phật giáo.
Cùng năm đó (1923), Hòa thượng Giác Tiên tổ chức Đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu do Hòa thượng Tâm Tịnh làm Hòa thượng truyền giới. Ngài được Bổn sư cho thọ Cụ Túc giới tại Đại giới đàn này. Ngài tỏ ra là người xuất sắc nhất trong hàng các giới tử, nên được chỉ định làm thủ chúng Sa Di. Sau khi thọ giới, Ngài được Hòa thượng Tâm Tịnh ban thưởng cho một cà sa và một bình bát là hai vật thiêng liêng nhất, quý trọng nhất của người xuất gia tu hành.
Năm Bính Dần (1926) Ngài 22 tuổi, được Bổn sư gửi vào Bình Định thọ giáo với Quốc sư Phước Huệ tại chùa Thập Tháp. Quốc sư Phước Huệ là vị cao Tăng nổi tiếng bác thông kinh luận vào bậc nhất thời bấy giờ. Năm 1929 Hòa thượng Giác Tiên mở Phật học đường tại chùa Trúc Lâm và vào Bình Định thỉnh Quốc sư làm chủ giảng, Ngài Mật Khế lại quay về chùa cũ tiếp tục tu học.
Năm Nhâm Tuất (1932) hội An Nam Phật Học được thành lập và tạp chí Viên Âm được xuất bản. Trong những ngày đầu mới hoạt động, hội có những buổi diễn giảng Phật pháp tại chùa Từ Quang, chính cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám và Ngài đã thay phiên nhau làm Pháp sư. Đó là hình ảnh đẹp nhất về sự cộng tác của một tại gia và một xuất gia trên con đường phụng sự đạo pháp tại đất Thần kinh.
Năm Quý Dậu (1933), Hòa thượng Giác Viên ủy cho Ngài mở trường Tiểu học Phật học tại chùa Vạn Phước, làm nơi tham học cho hàng Sa Di các chùa trong vùng. Số học Tăng bấy giờ được năm mươi người. Năm 1936, sau khi Ngài mất, trường được dời về chùa Túy Ba gần bờ biển rồi lại dời về chùa Báo Quốc.
Năm Giáp Tuất (1934), Ngài lại cùng Bổn sư mở trường An Nam Phật Học tại chùa Trúc Lâm, thu nhận bước đầu năm mươi học Tăng. Ngài là một trong những giảng sư hăng hái và tận tụy của trường. Những bài giảng của Ngài trên diễn đàn ở chùa Từ Quang như “Tam quy ngũ giới”, “Trạch pháp tu tâm”, “Thanh văn thừa”, “Bồ tát thừa”, “Pháp môn niệm Phật” v.v... giúp cho người học Phật bước đầu tìm hiểu giáo lý sơ đẳng, đều được in lại trong tạp chí Viên Âm, phổ biến khắp nơi.
Cùng năm đó, Ngài cùng Hòa thượng Trí Độ vào Quảng Ngãi dự Giới đàn Thạch Sơn với tư cách phóng viên của báo Viên Âm. Bước đầu khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo, các vị trong hội An Nam Phật Học, Tăng Ni cũng như cư sĩ, đều chung một ý muốn phải có một sự kiện gì thật nổi bật để gây được tiếng vang trong dư luận toàn quốc và làm động cơ thúc đẩy phong trào chấn hưng Phật giáo tiến mạnh khắp các tỉnh, khắp cả ba miền Nam Trung Bắc. Cái sự kiện mà mọi người mong muốn đó là sẽ tổ chức một đại lễ Phật Đản vào dịp mồng 8 tháng 4 năm Ất Hợi (1935) thật vĩ đại, thật trang nghiêm và thật rầm rộ.
Một trong những người góp nhiều công sức cho việc tổ chức đại lễ ấy là Ngài Mật Khế. Ngài đã để ra nhiều tuần lễ, đi khắp các chùa, các tự viện tại kinh đô Huế và cả tỉnh Thừa Thiên vận động, thuyết phục giới Tăng sĩ hưởng ứng và dành sự ủng hộ toàn diện cho buổi lễ. Với tư cách là Tổng Thư ký của Sơn môn Thừa Thiên, Ngài đã làm việc tích cực, quên ăn quên ngủ, quá sức chịu đựng, nên Ngài ngã bệnh nặng. Ngày mồng 8 tháng 4, (tức 15-5-1935), trong lúc đại lễ Phật Đản được cử hành trọng thể tại chùa Diệu Đế có sự tham dự của vua Bảo Đại là Hội trưởng danh dự của hội An Nam Phật Học, thì tại chùa Trúc Lâm, Hòa thượng Giác Tiên đã không dự lễ, mà ở lại ngồi bên giường bệnh của người đệ tử thân yêu đang trong giờ phút cuối cùng. Hòa thượng Giác Tiên đã sai thị giả lấy bút mực, tự tay viết bài kệ:
Tâm địa quan hàm pháp tính viên Tây lai diệu chỉ hiểu Nam thiên Hoạt nhiên trực triệt Tào Khê lộ Miễn tại linh bình ngũ thập niên.
Dịch :
Cõi tâm bao hàm pháp giới tính Trời Nam sáng tỏ ý Tây truyền Bỗng nhiên thấy triệt Tào Khê lộ Khỏi mất công dài năm chục năm.
Viết xong Hòa thượng trao cho Ngài. Đọc xong, Ngài nhắm mắt chiêm nghiệm. Mười lăm phút sau, Ngài thở hơi cuối cùng, hưởng dương 31 tuổi đời. Ngày an táng Ngài, một người bạn chí thân là cư sĩ Vân Đàn điếu đôi câu đối như sau:
Rừng Mai đạp tuyết, cay đắng trải bao phen, cơ hóa độ còn nhiều, hy vọng chứa chan, tằm kéo tơ lòng thêu sử Phật.
Sàng Trúc trổ hoa, tỉnh mê trong nửa kiếp, tình tương tri quá nặng, sầu trường man mác, quyên rơi giọt lụy gọi hồn thiêng.
Đúng như cư sĩ Vân Đàn đã nói, Ngài mất quá sớm, đang thời thanh niên, chứa đầy nhựa sống, hăng say hoạt động. Hội Phật học đặt nhiều hy vọng ở Ngài, Bổn sư và Tăng hữu cũng đặt nhiều hy vọng Ngài sẽ trở thành cột trụ cho Đạo pháp trong tương lai. Nhưng than ôi! Ngài đã sớm lìa trần, để lại bao thương tiếc cho mọi người. Tuy hội An Nam Phật Học chỉ mới hoạt động được ba năm, nhưng ngay từ những ngày đầu, Ngài đã hiến dâng tất cả tài năng và sức lực cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Dù công nghiệp chưa nhiều, thành tích còn khiêm tốn, những gì Ngài đã hiến dâng đóng góp cho đạo pháp đều là những viên đá nền móng trên đó những người đi sau xây dựng lên tòa lâu đài Giáo hội ngày nay vậy.
Trích: Tiểu sử Danh tăng Việt Nam Thế kỷ XX - Tập 1 (Gia đoạn chấn hưng Phật giáo Việt Nam) - Chủ biên: TT.Thích Đồng Bổn
Bình luận (0)