1. Thân thế và sự nghiệp vua Lê Thánh Tông
Vua Lê Thánh Tông tên thật là Lê Tư Thành, hiệu Thiên Nam động chủ, con thứ tư của vua Lê Thái Tông, mẹ là bà Ngô Thị Ngọc Dao. Ông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) tại chùa Huy Văn. Nhờ sự ủng hộ sáng suốt, quyết liệt của nhóm đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt,… Lê Thánh Tông lên làm vua năm 1460. Trong thời gian trị vì, ông có hai niên hiệu: Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497). Trong gần 40 năm làm vua, ông tiến hành cải cách toàn diện đất nước, đưa triều Lê phát triển tới đỉnh cao về mọi mặt: chính trị, xã hội, kinh tế, quốc phòng, văn hóa. Về chính trị, Lê Thánh Tông tiến hành cải cách, thiết lập bộ máy nhà nước mang tính tập quyền cao độ. Thế lực của đại quý tộc bị hạn chế, thay vào đó là sự tham chính của tầng lớp sĩ phu nho giáo được tuyển lựa bằng con đường thi cử. Một đỉnh cao tiêu biểu của pháp trị thời Lê Thánh Tông là cho ban hành bộ Luật Hồng Đức. Ông đã nói với các đại thần: “Pháp luật là phép công của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”. Bộ Luật Hồng Đức gồm sáu quyển, 13 chương với 722 điều. Nhà bác học Phan Huy Chú đã đánh giá luật pháp thời Lê: “Thật là cái mẫu mực để trị nước...” Lê Thánh Tông đã tiến hành xóa bỏ hệ thống tổ chức hành chính cũ thời Lê Lợi từ 5 đạo đổi thành 13 đạo (tức 13 thừa tuyên), đặt các quan văn, quan võ phụ trách các ngành; củng cố lại các bộ, các viện, các ty. Dưới thời Lê Thánh Tông, các quan chỉ được làm việc tối đa đến tuổi 65 và ông bãi bỏ luật cha truyền con nối cho các gia đình có công - công thần. Ông tôn trọng việc chọn quan phải là người có tài và đức. Lê Thánh Tông quan tâm các chính sách phát triển kinh tế và đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài. Ông khởi xướng lập bia Tiến sĩ và tiến hành cho dựng bia để ghi danh, tôn vinh những người tài và đức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám để các thế hệ, các triều đình sau này tiếp tục bổ sung các tấm bia vinh danh mới. Về mặt văn hoá, Lê Thánh Tông đã có công tạo lập cho thời đại một nền văn hóa với một diện mạo riêng, khẳng định một giai đoạn phát triển mới của lịch sử văn hóa dân tộc. Các tác phẩm: Đại Việt sử ký toàn thư, Hồng Đức quốc âm thi tập, Hồng Đức thiên hạ bản đồ,... là những giá trị văn hóa tiêu biểu của triều đại Lê Thánh Tông. Không chỉ vậy, Lê Thánh Tông còn là một nhà thơ lớn. Nhà vua sáng lập ra Hội Tao đàn Nhị thập bát tú gồm 28 học giả giỏi nhất Đại Việt thời bấy giờ. Về quốc phòng, Lê Thánh Tông cho tổ chức quân đội lại chặt chẽ và cơ động, thường xuyên được học tập binh pháp. Thời kì Lê Thánh Tông trị vì, bờ cõi Đại Việt được mở rộng, “tạo ra thế và lực của Ðại Việt lừng lẫy một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường thịnh như vậy Lê Thánh Tông mất ngày 30 tháng 1 năm Đinh Tỵ 1497, Thụy hiệu do người kế vị ông, Lê Hiến Tông truy tôn là Sùng thiên Quảng vận Cao minh Quang chính Chí đức Đại công Thánh văn Thần vũ Đạt hiếu Thuần hoàng đế. Đánh giá về Lê Thánh Tông, về cơ bản các sử gia đều thống nhất cho rằng ông là vị vua anh minh, lỗi lạc. Đại Việt sử kí toàn thư ca ngợi Lê Thánh Tông là vị vua “thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước” (Đại Việt sử ký toàn thư). Phan Huy Chú thì đánh giá: “Vua ham học không biết mỏi, tay không rời sách, kinh sử, chư tư, lịch số, toán, chương đều tinh thông”. "Vua sáng lập chế độ, mở mang đất đai, bờ cõi khá rộng, văn vật tốt đẹp, thật là vua anh hùng, tài lược".2. Đối với Phật giáo
Lê Thánh Tông là người đề cao Nho giáo và đưa Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống trong xã hội dưới triều đại mình. Với Phật giáo, ông có nhiều thiện cảm và đã có nhiều việc làm mang tính cải cách so với giai đoạn trước.2.1. Sinh ra tại chùa, có thiện cảm với Phật giáo
Bản thân Lê Thánh Tông có tuổi thơ gắn bó với ngôi chùa. Ông sinh ra trong bối cảnh đặc biệt của triều đình. Mâu thuẫn giữa các phe phái của triều đình nhà Lê đã khiến mẹ ông – bà Ngô Thị Ngọc Dao phải sống tại chùa Dục Khánh (có người gọi là chùa Huy Văn, nay ở ngõ Văn Chương, đường Tôn Đức Thắng, Hà Nội). Chính tại chùa Huy Văn, vào ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), bà Ngô Thị Ngọc Dao sinh hoàng tử Tư Thành. Ngày 4 tháng 8 cùng năm Nhâm Tuất, vua cha là Thái Tông qua đời gắn liền với vụ án vườn Lệ Chi. Triều đình lại rơi vào náo loạn. Thái tử Bang Cơ lên ngôi (tức vua Lê Nhân Tông), Nguyễn Thị Anh trở thành Thái hậu nhiếp chính. Nguyễn Trãi bị triều đình do bà Nguyễn Thị Anh cầm đầu khép tội giết vua và bị tru di tam tộc… Đến năm hoàng tử Tư Thành được bốn tuổi, mẹ con bà Ngọc Dao mới được quay trở lại cung. Ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459), xảy ra “loạn Nghi Dân”, Lê Nghi Dân cùng các thủ hạ đem hơn trăm quân đang đêm trèo vào cung cấm giết chết Lê Nhân Tông và Nguyễn Thị Anh, rồi tự lên ngôi vua. Trong cơn tao loạn, Ngọc Dao cùng con trai chạy ra lánh nạn, sống tại chùa Thánh Chúa (hiện nằm trong khuôn viên trường Đại học sư phạm Hà Nội, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy). Năm sau, Canh Thìn 1460, các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm… đã lật đổ Nghi Dân đưa Tư Thành lên ngôi vua. Sau khi lên ngôi, vua Thánh Tông cho sửa chùa Dục Khánh để ghi nhớ nơi mình sinh trưởng. Năm 1496, sau khi Thái Hậu mất, vua Lê Thánh Tông đã tôn thân mẫu là Quang Thục Hoàng Thái hậu và cho tạc tượng, đúc chuông, thờ tại chùa Huy Văn. Trong quá trình trị nước, Lê Thánh Tông rất coi trọng Nho giáo, coi Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống của triều đình, quốc gia, nhưng nhà vua vẫn đi thăm viếng nhiều chùa chiền, đề thờ tại các chùa, động có chùa với những tình cảm đặc biệt. Năm Quang Thuận 6 (1465), vua Lê Thánh Tông tới chùa Quang Khánh (Hải Dương). Chứng kiến cảnh đổ nát của chùa ở đây, Lê Thánh Tông đã đàm đạo với nhà sư tại chùa: Dịch nghĩa: Nhà cửa chốn kê điền đã nửa phần đổ nát, Nhà sư dắt ta lên thăm cảnh chùa. Trong biển đại giác Thầy dễ vượt qua, Nơi cửa không tôi khó đi lắm. Ngũ viên vằng vặc vốn không phải là sắc, Lục độ ngời ngời cũng thật có tình. Qua đây có thể thấy Lê Thánh Tông rất am hiểu về Phật pháp. Từ sự quan tâm đến Phật giáo, hiểu rõ về Phật pháp, Lê Thánh Tông mới có thể đàm đạo với nhà sư của ngôi chùa về cảnh giới giác ngộ và pháp tu, tới hai cái “nghiệp” - hai con đường đi của hai người như vậy. Năm thứ 8 niên hiệu Quang Thuận (1467), vua Lê Thánh Tông tới thăm chùa Long Đọi (nay thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) và đề thờ ở đây. Bài thơ được bề tôi của Lê Thánh Tông là Lê Văn tướng quân vâng mệnh viết chữ, cho khắc ngay sau tấm bia Sùng Thiện Diên Linh: Thiên nhận tằng loan cổ hóa thành Phan duyên thạch đắng khấu thiền quynh Dịch nghĩa: Non ngất nghìn tầng thành hóa cũ, Men vin bậc đá viếng Thiền gia . Năm 1467, khi lên thăm núi Dục Thúy ở Ninh Bình, Lê Thánh Tông vãn cảnh, tưởng nhớ các bậc anh hùng xưa. Và trong lần thăm núi Dục Thúy này, Lê Thánh Tông đã rất hào hứng khi tìm ra ngôi phế tự và hoang bi (chùa và bia trở thành hoang phế) trên núi: Đăng Dục-Thuý Sơn Tam chiết lưu biên Dục Thuý san, Cô cao như tước, ngọc phong hàn. Tầm lai cổ tự lăng phong thướng, Lãm tận hoang bi đới mính hoàn. …. Dịch: Lên Núi Dục Thúy Dục Thuý bên sông khúc uốn ba, Núi cao chót vót vẻ nguy nga. Chùa xưa tìm thấy qua luồng gió, Bia cũ xem xong dưới bóng tà. … Mặc dù là phế tự và hoang bi nhưng tâm thái người đón nhận như đang phát hiện ra, như rất mải miết đọc cho hết những gì nguời xưa ghi lại. Khi trở ra về thấy núi non dường như vẫn như cũ, còn những người anh hùng thoáng qua như giấc mộng. Ðó ắt không phải là sự “thờ ơ” hay sự “coi thường”. Tinh thần ấy còn được nâng lên thành “tự đắc ngao du” trong lần viếng thăm chùa Quang Khánh (Hải Dương) vào năm 1486: “Dắng dỏi chào ai tiếng pháp chung Ngang dây thoắt lộ trạnh bên dòng Trừng thanh lẻo lẻo trần hiêu cách Gác thẳm làu làu ngọc giá dông Sực nức đưa hoa hương mượn gió Líu lô chào khách vẹt thay đồng Nhủ đoàn tự dắc ngao du dấy Cho biết cơ mầu vẫn chẳng vong”. Ðầu bài thơ ta thấy tiếng chuông chùa (Pháp chung) hoan hỉ đón chào ông. Cuối bài thơ ta thấy ông được cho biết “cơ mầu” không hề mất. Ðây thực sự là một nguồn động viên rất lớn cho ông. Ðiều này cho thấy đây chính là tinh thần được trở về với tiếng Pháp chung, được lắng nghe về “cơ mầu” của Lê Thánh Tông - người mà thời ông trị vì là thời nhiều nhà nghiên cứu cho là thời “Khổng giáo độc tôn”.2.2. Quản lý các hoạt động liên quan đến Phật giáo bằng luật pháp
Lê Thánh Tông đã luật hóa các quy định quản lý đất nước bằng việc xây dựng bộ Quốc triều hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức). Đối với các tôn giáo, tín ngưỡng, vua Lê Thánh Tông đặt Ty Tang lục và Ty Ðạo lục để phụ trách các vấn đề có liên quan đến Phật giáo và Đạo giáo. Các hoạt động của tăng, ni, việc xây dựng chùa, in Kinh sách,… đều được quy định cụ thể trong luật. Đây là việc làm thể hiện sự tiến bộ vượt bậc trong quản lý đất nước nói chung, quản lý tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng của nhà vua Lê Thánh Tông. Đối với tăng, ni Việc đi tu phải theo quy định của triều đình, người đi tu phải có “độ điệp” của quan cấp cho thì mới là hợp pháp, nếu không có thì tùy các mức khác nhau sẽ bị xử tội. “Các sư và đạo sĩ tuổi từ 50 trở lên, phải có độ điệp (bằng của triều đình ban cho sư) của quan cấp mới được; nếu không có thì phải tội đồ làm khao đinh. Có độ điệp riêng thì cũng đồng tội. Có độ điệp rồi mà phạm pháp, phải ra khỏi chùa, đền. Sau khi đã xét xử một tuần, mà không chịu hoàn tục thì cũng phải đền tội như trên” (Điều 5, chương Hộ hôn). Để ngăn chặn việc quan lại che, luật cũng quy định hình phạt đối với việc bao che việc làm sai trái của sư: “Xã quan dung túng, thì phải tội biếm một tư. Huyện quan vô tình không xét ra thì phải tội trượng hay phạt. Quan giám lâm cũng người trụ trì ở chùa, quán đều phải biếm một tư” (Điều 5, chương Hộ hôn). Nhà sư phải thực hiện các quy định về đạo đức của nhà chùa, không được ăn mặn, uống rượu, tội dâm,… Nếu vi phạm cũng bị xử lý nghiêm khắc. “Nếu sư và đạo sĩ phạm tội uống rượu, ăn mặn, thì phải hoàn tục, sung làm quân lính, phạm tội dâm thì phải tội đồ” (Điều 5,chương Hộ hôn). Nếu người nào giả nhà tu hành thì sẽ bị xử rất nặng. “Trong hạt nào có người giả xưng là bồ tát, bà đồng, những bồ tát và bà đồng ấy đều xử tội đồ; tội nặng thì tăng thêm một bậc” (Điều 49, chương Hộ hôn). Các quan ở phủ, trấn, huyện hay xã có người giả nhà tu hành đó “đều xử tội biếm” (Điều 49, chương Hộ hôn). Đối với việc xây dựng, tu sửa chùa, in, phổ biến kinh, sách Nhận thấy người dân sùng tín Phật giáo, hay làm chùa, nên vua Lê Thánh Tông cấm làm chùa mới: “Mùa thu, tháng 7, ngày 11, động đất. Chỉ huy cho các xứ phủ lộ rằng, chùa quán nào mà không có ngạch cũ thì không được tự tiện làm mới” . Như thế, việc cấm làm chùa mới của vua Lê Thánh Tông là tránh lãng phí, vượt quá nhu cầu, khác với việc cấm đoán Phật giáo nói chung. Trong Quốc triều hình luật, vấn đề này được quy định rất cụ thể: “Xây dựng chùa quán và đúc chuông đúc tượng riêng thì xử biếm hai tư. Muốn có việc Phật để khuyến cáo mà lấy tiền làm của riêng mình, thì xử tội đồ làm khao đinh, những của cải ấy phải nộp vào chùa. Nếu có giấy quan cấp cho, thì không phải tội” (Điều 6, chương Hộ hôn). Nhà chùa cũng phải tuân theo các quy định về quản lý người đến ở, ngủ lại giống như các nhà dân khác. “Các chùa quán và nhà dân, có sư, đạo sĩ hay người làng khác đến trú ngụ, quá 5 ngày mà không trình báo với xã quan, thì xử biếm một tư” (Điều 18, chương Hộ hôn). Ðối với các ấn phẩm của Phật giáo (và Ðạo giáo), Ðiều 119, Quốc triều hình luật quy định: “Những người đem sách Phật, Lão khắc in để bán lấy tiền của dân, làm rối loạn lòng dân, thì bị tội đồ; các quan sở tại thấy mà không bắt và tâu lên, thì bị biếm. Nếu đã tâu lên và được phép ấn hành, thì không phải tội”. Phạt nặng những kẻ trộm cắp đồ của nhà chùa Luật pháp thời Lê Thánh Tông tôn trọng, bảo đảm tài sản của nhà chùa, quy định việc xử phạt rất nặng những kẻ trộm, cắp tượng, đồ thờ cúng trong chùa. Điều thứ 22 và 23 của chương Đạo tặc quy định: “Kẻ ăn trộm những đồ thờ cúng thần Phật trong đền chùa thì phải tội như tội ăn trộm thường” và “kẻ ăn trộm và phá những tượng Thần, Phật đều phải tội như tội ăn trộm khác và phải đền gấp ba số tổn hại, nộp vào kho của đền chùa ấy. Nếu chính những người đạo sĩ, nữ quan, sư và ni mà ăn trộm, phá tượng, thì phải gia tội một bậc. Nếu ăn trộm để mà cúng vào đền, chùa thì phải biếm ba tư”. Như vậy, có thể nhận thấy, mặc dù Lê Thánh Tông là vị vua sùng Nho giáo, sử dụng Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống trong trị nước, giai đoạn ông trị vì Nho giáo phát triển mạnh mẽ, nhưng Hoàng đế Lê Thánh Tông đã có những cải tiến trong quản lý nhà nước nói chung, quản lý tôn giáo, Phật giáo nói riêng, pháp điển hóa quan hệ xã hội trong đó có quan hệ liên quan đến Phật giáo. Bản thân Lê Thánh Tông không cấm đoán Phật giáo, ông chỉ cấm những hoạt động lợi dụng Phật giáo gây mê tín trong dân, cấm những kẻ núp bóng Phật giáo để trục lợi cá nhân. Dưới sự trị vì của Lê Thánh Tông, mặc dù Nho giáo là chủ đạo, nhưng Phật giáo (và Ðạo giáo) cũng có vị trí và vai trò không thể thay thế đối với đời sống xã hội. Chính Lê Thánh Tông cũng thừa nhận: “Đạo của thánh nhân, lớn thì tam cương ngũ thường, nhỏ thì tiết văn độ số đều thiết dụng cho cuộc sống thường ngày mà lòng ham thích của người ta lại chẳng bằng đạo Phật, đạo Lão sao lại như thế?" . Phật giáo dưới thời Lê Thánh Tông nói riêng, thời Lê sơ nói chung không chiếm ưu thế trong đời sống chính trị chốn cung đình nhưng đã trở về với làng xã và ảnh hưởng rộng rãi trong nhân dân. Đinh Văn Viễn - Đại học Hoa Lư, Ninh Bình Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2019CHÚ THÍCH: 1. Trần Trọng Kim (2008), Việt Nam sử lược, Nxb. Văn học, Hà Nội, trang 263. 2. Chùa Quang Khánh (hay còn gọi là chùa Muống, hiện ở xã Ngũ phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Đây là một ngôi chùa lớn thuộc thiền phái Trúc Lâm. Đại Nam nhất thống chí ghi rằng "Chùa Quang Khánh ở xã Dưỡng Mông , huyện Kim Thành, sư ông Mộng thời Trần trụ trì ở đây, tu luyện đắc đạo, pháp thuật tinh thông. Vua Trần Minh Tông đau mắt, thầy thuốc điều trị không khỏi, đêm Ông thấy một thầy thuốc tự xưng là Ông Mộng, khi tỉnh dậy, không cần thuốc thang mà tự khỏi, bèn lấy tên là người trong mộng, hỏi khắp các châu, huyện, khi đến chùa này mới thấy, nhà vua sắc phong là Từ Giác quốc sư, lại phát tiền kho, tu bổ chùa quán, cho tên là chùa Quang Khánh. Đời Hồng Đức, Lê Thánh Tông có đề thơ, khắc vào đá, nay vẫn còn" (Đại Nam nhất thống chí"; Nxb KHXH, HN năm 1971; tr 411- 412) 3. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, bản dịch của Viện sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 107. 4. Quốc triều hình luật; người dịch: Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Tá Nhí; Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2003, trang 121 5. Quốc triều hình luật; người dịch: Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Tá Nhí; Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2003, trang 121 6. Quốc triều hình luật; người dịch: Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Tá Nhí; Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2003, trang 121 7. Quốc triều hình luật; người dịch: Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Tá Nhí; Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2003, trang 133 8. Quốc triều hình luật; người dịch: Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Tá Nhí; Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2003, trang 133 9. Ngô Sỹ Liên và các sử thần, Ðại Việt sử ký toàn thư, tập II, người dịch: Hoàng Văn Lâu; Nxb KHXH, Hà Nội, 2004, tr. 247. 10. Quốc triều hình luật; người dịch: Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Tá Nhí; Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2003, trang 121. 11. Quốc triều hình luật; người dịch: Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Tá Nhí; Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2003, trang 125. 12. Quốc triều hình luật; người dịch: Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Tá Nhí; Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2003, trang 98. 13. Quốc triều hình luật; người dịch: Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Tá Nhí; Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2003, trang 168. 14. Quốc triều hình luật; người dịch: Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Tá Nhí; Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2003, trang 168. 15. Theo Bùi Xuân Đính trong bài Vua Lê Thánh Tông và pháp luật (trong sách Lê Thánh Tông con người và sự nghiệp, Nxb. Đại học quốc gia, H, 1997, , tr. 107 – 118): Trong cuộc đời làm vua gần 40 năm, theo thống kê chưa (và thật khó) đầy đủ thì Lê Thánh Tông trực tiếp ra đến 148 lệnh chỉ, sắc dụ từ những việc tầm vĩ mô, từ trung ương tới địa phương (như luật pháp triều đình, hương ước của làng xã) đến những việc rất tỷ mỉ của mọi mặt đời sống của quan liêu, dân chúng (như cách thức hôn thú, tang ma, mũ áo, xưng hô, đi đường, tâu bày, quỳ lạy…). 16. Nguyễn Văn Thịnh (2010), Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội, Nxb Hà Nội. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Doãn Chính (2011), Tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007. 3. Phạm Thị Chuyên (2016), Sử liệu Phật giáo thời Lê sơ trong tư liệu bia ký, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 02 (152), trang 34-62. 4. Mai Xuân Hải (1998), Vài nét về bài Đối văn thi Đình trả lời về Phật pháp của Trạng nguyên Lê Ích Mộc (1458-1538), Thông báo Hán Nôm học, tr.135-145. 5. Trần Trọng Kim (2008), Việt Nam sử lược, Nxb. Văn học, Hà Nội. 6. Ngô Sỹ Liên và các sử thần, Ðại Việt sử ký toàn thư, tập II, người dịch: Hoàng Văn Lâu; Nxb KHXH, Hà Nội, 2004. 7. Bùi Thanh Phương (2005), “Mối quan hệ tam giáo trong thơ của Lê Thánh Tông”, Tạp chí Triết học, số 06 (169), trang 28-34. 8. Quốc triều hình luật; người dịch: Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Tá Nhí; Nxb Tp.Hồ Chí Minh, 2003. 9. Nguyễn Văn Thịnh (2010), Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội, Nxb Hà Nội.
Bình luận (0)