PGS.TS. Lê Cung Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Ngày 17-9-1932, bằng Nghị định số 2691 của Khâm sứ Trung Kỳ Yves Charles Chaftel, Hội Nghiên cứu và thực hành giáo lý Phật giáo (Société d’Etude et d’Exercice de la religion Boudhique), tức Hội An Nam Phật học được thành lập, đánh dấu mở đầu phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung. Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám được các bậc tôn túc cử giữ chức vụ Hội trưởng1, trụ sở ban đầu của Hội đặt tại chùa Trúc Lâm, Huế. Đến ngày 10-8-1936, bằng Nghị định số 394-S, chính quyền thực dân Pháp chính thức công nhận tư cách pháp nhân của Hội An Nam Phật học.

Cũng như ở miền Nam và miền Bắc, phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung diễn ra trên nhiều lãnh vực, như xây dựng hệ thống tổ chức, đào tạo tăng tài, ấn hành báo chí và biên dịch kinh sách, chấn chỉnh phương pháp tu tập và sinh hoạt của tăng già, về cách thức thờ tự cùng các lễ hội Phật giáo, luận bàn về Phật học và thế học,... Bài viết này chỉ đề cập đến một số nội dung chấn hưng tiêu biểu của Hội An Nam Phật học có sức lan toả khắp cả nước, để từ đó thấy được Huế là trung tâm của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX.

I. HỆ THỐNG TỔ CHỨC HỘI AN NAM PHẬT HỌC

Trước phong trào chấn hưng, Phật giáo Việt Nam tổ chức theo kiểu các sơn môn, tổ đình, hệ phái. Đây là hệ thống tổ chức theo “hàng ngang”, hoàn toàn không có sự kiểm soát hay phụ thuộc lẫn nhau và không có một cơ chế quản lý mang tính tập trung và thống nhất.

Đầu những năm 1930, phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra khắp ba miền. Tuy vậy, về hệ thống tổ chức, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học và Hội Phật giáo Bắc kỳ chỉ có hai cấp là Trung ương hội và cấp địa phương, trong lúc đó Hội An Nam Phật học đã xây dựng được một cơ chế hoạt động thống nhất, có hệ thống tổ chức theo ngành dọc, gồm 5 cấp: Toàn miền có Trung ương hội, cấp tỉnh có tỉnh hội, cấp huyện có chi hội, cấp xã thôn có khuôn hội và vức hội. “Vào khoảng những năm 1940, cơ sở tổ chức của Hội (An Nam Phật học - TG chú thích) đã vững chãi từ thành thị đến thôn quê khắp xứ.”2

Với hệ thống tổ chức này “cho phép Hội An Nam Phật học thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất đối với Tăng Ni, Phật tử miền Trung.”3 Và không riêng gì Phật giáo miền Trung mà cả nước, nhất là từ sau Tổng hội Phật giáo Việt Nam thành lập (9-5-1951), đều mô phỏng theo hệ thống tổ chức Hội An Nam Phật học.

Ở Bắc bộ, ngày 19-5-1945, Hội Phật giáo Bắc kỳ họp đại hội thường niên, quyết định đổi tên là hội Việt Nam Phật giáo, suy cử Hòa thượng Tuệ Tạng giữ chức Hội trưởng, Thượng tọa Tuệ Chiếu và cư sĩ Bùi Thiện Cơ là các Phó Hội trưởng. Tới tháng 5-1949, Hội Việt Nam Phật giáo được củng cố do cư sĩ Bùi Thiện Cơ làm Hội trưởng. Từ sau khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam thành lập (9- 5-1951), các chi hội Phật giáo phát triển nhanh chóng. Tính đến “ngày 2-2-1953, có 350 chi hội Phật giáo hoạt động trên toàn cõi Bắc Việt”4 với hơn một triệu tín đồ.

Ở Trung bộ, sau Cách mạng tháng Tám 1945, đất nước độc lập, Phật giáo Việt Nam không còn bị ràng buộc bởi ngoại bang, nên “Hội không hoạt động dưới danh nghĩa mỉa mai là An Nam Phật học hội.”5 Vì vậy, tháng 6-1948, Hội An Nam Phật học đổi tên là Hội Việt Nam Phật học, do cư sĩ Chơn An Lê Văn Định làm Hội trưởng. Hội tái thành lập các tỉnh hội, chi hội ở miền Trung. Từ sau khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam thành lập (6-5-1951), hầu hết các tỉnh, huyện, xã, thôn ở Trung bộ đều hình thành các tổ chức cơ sở của Hội Phật học Trung Việt, từ khuôn hội, chi hội đến tỉnh hội. Toàn Trung bộ có 17 tỉnh hội, 30 chi hội và ngót 1.000 khuôn Tịnh độ. Năm 1950, riêng Tỉnh hội Thừa Thiên và thành phố Huế đã thành lập được 102 khuôn Tịnh độ. Khuôn Tịnh độ Phú Hòa là khuôn hội thứ 102 có tới 200 hội viên.

Ở Nam bộ, ngày 25-2-1951, cư sĩ Mai Thọ Truyền đã vận động thành lập Hội Phật học Nam Việt tại chùa Khánh Hưng, quận 3, Sài Gòn. Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, một cư sĩ từng giữ chức Phó Hội trưởng Hội Lưỡng Xuyên Phật học, được cử giữ chức Hội trưởng. Từ sau khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam thành lập (9-5-1951), các tỉnh hội, chi hội liên tiếp được thành lập. Cụ thể, chùa Tỉnh hội Cần Thơ khánh thành vào ngày 23 và 24-5-1953; tiếp theo, các lớp Phật học được mở tại Cần Thơ, Long Xuyên, Biên Hòa.6

Từ sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời (1964), đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981), hệ thống tổ chức Phật giáo Việt Nam tuy có ít nhiều thay đổi, nhưng đều mô phỏng theo hệ thống tổ chức của Hội An Nam Phật học (1932). Cấp Trung ương có Ban Trị sự, Hội đồng Chứng minh, Ban Cố vấn, Ban Giáo dục, Ban Nghi lễ, Ban Tài chính, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, có cả các phân ban, như Phân ban Gia đình Phật tử,... Cấp địa phương là Tỉnh hội, Chi hội (cấp huyện), Khuôn hội và Vức hội. Hệ thống tổ chức này đảm bảo tính chặt chẽ và thống nhất cho quá trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; mặt khác, nó giúp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi sát với quần chúng tín đồ nhiều hơn so với trước phong trào chấn hưng.

II. GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Cùng với xây dựng hệ thống tổ chức, một nội dung trọng yếu của Hội An Nam Phật học là làm thế nào, cách nào để đưa đạo Phật vào tuổi trẻ. Chính vì vậy, ngay từ những năm đầu ra đời, Hội đã thành lập các tổ chức dành cho thanh thiếu đồng niên. Đây là nét đặc trưng của Hội An Nam Phật học. Tuy vậy, hoạt động này phải đi từng bước, từ phôi thai đến hoàn chỉnh. Đầu tiên là Đoàn Đồng Ấu Phật tử, sau đó là Đoàn Phật học Đức Dục (1940), Gia đình Phật hóa Phổ (1943), rồi Gia đình Phật tử Việt Nam (1951).

Đoàn Đồng Ấu Phật tử là tổ chức đầu tiên để đưa đạo Phật vào tuổi trẻ. Ra đời năm 1935, Đoàn Đồng Ấu Phật tử lúc mới thành lập gồm 52 em, sinh hoạt tại chùa Phước Điền, Huế dưới sự tổ chức và dìu dắt của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám và nhạc sĩ Bửu Bác. Tổ chức này được xem là nền tảng đầu tiên của Gia đình Phật tử Việt Nam. Mục đích của Ban Đồng Ấu được Hội An Nam Phật học khẳng định là giúp các Phật tử trẻ tuổi “trở thành những người Phật tử chân chính đúng theo ước vọng của các em, của cha mẹ các em và tất cả mọi người.”7

Về điều kiện gia nhập Đoàn Đồng Ấu Phật tử, bất luận thiếu niên nam nữ từ 12 đến 18 tuổi, con em Phật tử, có trình độ văn hóa từ tiểu học trở lên đều được gia nhập; sinh hoạt định kỳ, thường xuyên, có quy cách; về giáo lý, hiểu rõ nghi thức tụng niệm, giáo lý cơ bản.8

Hội An Nam Phật học tổ chức Lễ Phật đản 1935, đã tập hợp khá đông Phật tử, trong đó Đoàn Đồng Ấu Phật tử giữ vị trí xứng đáng. Đoàn đã hát những điệu Phú lục, Long Ngâm, Đăng Đoàn Cung, Lưu Thủy, Kim Tiền và Ngũ Đối Thượng; góp phần để “ngày lễ trọng đại này gây được tiếng vang cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam cận đại và hiện đại.”9

Bước đầu thành công của Đoàn Đồng Ấu Phật tử giúp Hội An Nam Phật học mở rộng và phát triển hơn nữa nhằm đưa đạo Phật vào tuổi trẻ. Phát biểu tại Đại hội đồng Tổng hội An Nam Phật học tại Huế ngày 14-8-1938, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám khẳng định: “Không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ Thanh Thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai,…”10 Điều này lý giải tại sao năm 1940, Đoàn Phật học Đức Dục ra đời, do chính cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám trực tiếp hướng dẫn. Mục đích của Đoàn là “tập họp đội ngũ thanh niên trí thức lại, nghiên cứu Phật giáo với tinh thần mới, có tính chất tổng hợp và so sánh. Đồng thời, cũng nhận định tư tưởng Phật giáo dưới ảnh hưởng của nền khoa học hiện đại,... dùng hình thức phổ biến: Báo chí, sách truyện tiến đến thành lập các đoàn thể thanh thiếu niên Phật giáo.”11

Đoàn Phật học Đức Dục vào thời điểm ấy có thể xem như là sự tượng trưng cho đạo Phật “mới”. Bài ca chính thức của đoàn: “Bài Sen trắng” được soạn và hát bằng tiếng Pháp. Điều này khiến cho giới thanh thiếu niên thấy rằng đạo Phật không chỉ phù hợp văn minh phương Đông mà cả văn minh phương Tây. Báo Phụ nữ Tân Văn (16-12-1942) viết: “Phật học Đức Dục chính là nền tảng của sự canh tân Phật giáo. Trong thời đại ngày nay, chiến tranh lan tràn, nhiều ý thức hệ xung khắc nhau đến cùng cực, mà hội An Nam Phật học (ở Trung kỳ) lại quan tâm sâu sắc đến một hình thức quảng bá thích nghi như thế, tức là nghĩ đến tiền đồ của đạo Pháp.

Đó là điều đáng tán dương, khích lệ và chính đó cũng là niềm hy vọng cho tín đồ Phật giáo.”12

Đồng thời, những đoàn Đồng Ấu Phật tử được thành lập dưới sự hướng dẫn của Đoàn Phật học Đức Dục. Vào năm 1942, đã có 12 đoàn Đồng Ấu, mỗi đoàn khoảng 40 em. Ngày 30-4-1943, Đoàn Phật học Đức Dục phối hợp một số huynh trưởng Hướng Đạo theo khuynh hướng Phật giáo thành lập Gia đình Phật hóa phổ. Các Gia đình Phật hóa phổ đầu tiên là Gia đình Tâm Minh, Gia đình Thanh Tịnh, Gia đình Tâm Lạc và Gia đình Sum Đoàn.13

Ngày Phật đản 16-5-1943, Đại hội Gia đình Phật hóa phổ kỳ I tại đồi Quảng Tế (Huế), qui tụ được 412 đoàn sinh. Mục đích đại hội nhằm ban hành qui chế, đường lối sinh hoạt của Gia đình Phật hóa phổ đã được Hội An Nam Phật học tu chỉnh và bổ sung; thiết lập và hoàn chỉnh cơ cấu lãnh đạo trung ương; thảo luận kế hoạch mới gồm những biện pháp cần thiết cho công cuộc phát triển Gia đình Phật hóa phổ tại các địa phương, bao gồm cả vùng nông thôn. Về ý nghĩa của đại hội này, Viên Âm số 59 (1943) nhận định: “Đại hội Quảng Tế đánh dấu sự phát động phong trào thanh niên Phật tử tại đất Việt.”14 Đây là tổ chức đầu tiên của thanh thiếu niên Phật giáo Việt Nam có đường lối rõ rệt. Bản điều lệ đầu tiên quy định điều kiện gia nhập, chương trình tu học, ban điều hành trung ương. Gia đình Phật hóa phổ có tiếng vang rất lớn, thu hút khá đông thanh thiếu niên Thừa Thiên Huế tham gia.

Năm 1944, một số Gia đình Phật hóa phổ tiếp tục ra đời, như Thành Nội, Gia Hội, Vỹ Dạ, Nguyệt Biều, Thiên Mụ. Cao trào kháng Nhật, Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra, rồi cuộc kháng chiến chống Pháp toàn quốc bùng nổ (19-12-1946), phần lớn đoàn sinh tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc, nên Gia đình Phật hóa phổ tạm thời ngưng hoạt động.

Nhìn qua quá trình ra đời của các đoàn thể thanh thiếu nhi Phật tử giai đoạn 1935 - 1946, về đại thể, đó là nhu cầu bức thiết và tất yếu. “Điều đó chứng tỏ hiện đại hóa Phật giáo phải khởi đầu giới thanh thiếu niên, sức tác dụng mạnh mẻ và ảnh hưởng nhanh chóng, linh hoạt, sống động.”15

Từ năm 1947, Gia đình Phật hóa phổ từng bước nhen nhóm trở lại với hoạt động của các tăng sĩ và cư sĩ nòng cốt trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung như Tịnh Khiết, Đôn Hậu, Trí Thủ, Minh Châu, Võ Đình Cường, Phạm Hữu Bình,... dẫn đến các Gia đình Phật hóa phổ Hướng Thiện, Gia Thiện, Chơn Trí, Tịnh Trang, Hương Từ, Hương Đạo, Hương Đàm, An Lạc,... ra đời trong năm 1948. Tính đến tháng 1-1951, ở Thừa Thiên và thành phố Huế có đến 42 Gia đình Phật hóa phổ.

Vào thời điểm này, Gia đình Phật hóa phổ không còn thuần nhất là trí thức, tiểu tư sản thành thị mà gồm nhiều tầng lớp xã hội và lan rộng khắp cả nước. Năm 1948, lần đầu tiên, Gia đình Phật hóa phổ Minh Tâm ra đời ở Hà Nội. Tiếp theo, ngày 15-10-1950, Thượng tọa Tố Liên, Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam (Bắc Việt), triệu tập phiên họp tại chùa Quán Sứ để thảo luận và ấn định chương trình thành lập Gia đình Phật hóa phổ Bắc Việt.16 Một Ban Hướng dẫn được bầu ra do cư sĩ Nguyễn Văn Nhã làm Trưởng ban Chấp hành và Thượng tọa Tố Liên được mời làm Trưởng ban danh dự. Từ đây, các Gia đình Phật hóa phổ như Thiện Tuệ, Liên Hoa, Liên Hương, Phả Quang, Minh Đạo, Từ Quang được thành lập ở Hà Nội và Hải Phòng. Cũng năm 1950, tại miền Nam, cư sĩ Tống Hồ Cầm và Nguyễn Văn Thục xây dựng Gia đình Phật hóa phổ Chân Tri ở chùa Sùng Đức, Sài Gòn.

Sự phát triển và lan rộng của Gia đình Phật hóa phổ khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam, đặt ra yêu cầu thống nhất về đường lối, cách thức hoạt động, huy hiệu,... Hơn thế nữa, cần có một danh xưng phù hợp trước khát vọng thống nhất Phật giáo cả nước đã đến lúc chín muồi.17 Vì vậy, theo quyết nghị của Tổng Hội đồng Hội Việt Nam Phật học trong kỳ họp ngày 22-1-1951, một đại hội đại biểu Gia đình Phật hóa phổ sẽ được triệu tập để “chỉnh đốn thể thức huấn luyện và giáo dục các hàng thanh thiếu nhi Phật tử toàn xứ cho duy nhất.”18

Từ ngày 24 đến 26-3-1951, Đại hội huynh trưởng Gia đình Phật hóa phổ toàn quốc được tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế với sự tham gia của 9 tỉnh hội, chi hội Việt Nam Phật học miền Trung và hai đại biểu miền Bắc là Hà Nội và Hải Phòng. Đại hội đã chính thức lấy danh hiệu Gia đình Phật tử Việt Nam; đồng thời biểu quyết bản nội quy của Gia đình Phật tử Việt Nam thay thế cho tên gọi Gia đình Phật hóa phổ. Cư sĩ Võ Đình Cường được Đại hội bầu làm Trưởng ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam.

Liền sau khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời (9-5-1951), Đại hội huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam được tổ chức tại Huế ngày 28-5-1951. Đại hội thông qua văn kiện “Phương pháp dạy đạo Phật cho thiếu nhi”, trong đó khẳng định việc giáo dục thanh thiếu đồng niên dựa trên tinh thần khoa học: “Đạo Phật là đạo giác ngộ, tôn trọng lý trí, thì một Phật tử nào dầu là thiếu nhi cũng phải có một sức học Phật chắc chắn”19. Văn kiện nhấn mạnh: “1. Đừng bắt các em tin một cách mù quáng..., 2. Đừng nhồi sọ các em,... 3. Đừng chuyên danh ngôn, phải chú trọng thực hành,... 4. Đừng nói suông, phải tự mình làm gương cho các em,... 5. Đừng phản với những tánh hình trong đẹp của các em,...”. Phần kết luận nhấn mạnh lời Phật dạy: “Trong các sự bố thí, bố thí pháp công đức hơn cả”20.

Gia đình phật tử sinh hoạt thường kỳ

Dưới sự tác động của Gia đình Phật tử Việt Nam, tại miền Nam, ngày 23-8-1953, tại chùa Phước Hòa, Gia đình Phật tử Chánh Tín được thành lập,... dẫn đến hình thành Gia đình Phật tử Nam Việt. Sử liệu cho biết, ngày 6-9-1953, Gia đình Phật tử Nam Việt tổ chức Đại nhạc vũ kịch tại rạp Nguyễn Văn Hảo21,....

Từ đó, Gia đình Phật tử Việt Nam ngày càng phát triển, nhất là ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Cuộc vận động đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo của Phật giáo Việt Nam năm 1963; rồi phong trào hoà bình và thống nhất đất nước (1964 - 1975), đoàn sinh Gia đình Phật tử Việt Nam khắp nông thôn và đô thị đã tham gia hết sức đông đảo, góp phần thu giang sơn về một mối (30-4- 1975). Thực tế, “tổ chức Gia đình Phật tử thật một nét son trong công cuộc hiện đại hóa Phật giáo. Nhìn vào tổ chức ấy, ta thấy đạo Phật đã để ý đến giáo dục thanh thiếu niên.”22 Có thể nói đó là một trong những nét đặc biệt nhất của đạo Phật Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, Gia đình Phật tử Việt Nam dường như ngừng hoạt động. Đến khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời (1981), Gia đình Phật tử Việt Nam từng bước được phục hồi. Đại hội Phật giáo Việt Nam lần thứ tư năm 1997, Gia đình Phật tử Việt Nam được chính thức công nhận trở lại. Phân ban Gia đình Phật tử Việt Nam do Cư sĩ Nguyễn Thắng Nhu làm Trưởng Phân ban.

Đúng là “bảy mươi năm qua,...

Hàng triệu trái tim Lam vào đời, mang theo chủng tử Từ bi, Trí tuệ để phụng sự Đạo pháp, xây dựng quê hương.

Đó là lý tưởng, là mục đích của Gia đình Phật tử Việt Nam. Mạch nguồn này còn tuôn chảy mãi.”23

III. KẾT QUẢ CỦA HOẠT ĐỘNG TĂNG TÀI

Hoạt động tăng tài của Hội An Nam Phật học đem lại nhiều kết quả. Kết quả có ý nghĩa lịch sử lớn nhất, sâu sắc nhất là hầu hết giới lãnh đạo cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 đều xuất thân từ các Phật học đường của Hội An Nam Phật học.

Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 từ sau khi kết thúc, đã được rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu. Một điều đáng chú ý là các nhà khoa học dù quan điểm khác nhau, thậm chí đối địch nhau, nhưng hầu hết đều thống nhất Huế không chỉ là nơi mở đầu24 mà còn là một trung tâm chính cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963.25 Song tại sao Huế đóng trọn được vai trò này lại còn tiềm ẩn, chưa được giải mã một cách cụ thể.

Dĩ nhiên, có nhiều lập luận cho vấn đề đặt ra. Hai vấn đề trình bày (1 và 2) trên đây cũng là một cách giải thích hợp lý. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến đội ngũ lãnh đạo cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963. Điều khẳng định là đội ngũ lãnh đạo cuộc vận động, hầu hết đều trưởng thành từ các Phật học đường do Hội An Nam Phật học tổ chức. Theo Nguyễn Lang, phần lớn trong họ “là những vị tăng trẻ tuổi, xuất sắc cả về phương diện nội điển lẫn tài năng tổ chức.”26

Tiến tới công cuộc chấn hưng, hoạt động đào tạo tăng tài đã được Hòa thượng Giác Tiên chuẩn bị trước một bước. Năm 1929, Hòa thượng Giác Tiên vận động thành lập sơn môn Phật học đường tại chùa Trúc Lâm và mời quốc sư Phước Huệ (chùa Thập Tháp, Bình Định) ra làm chủ giảng.27 Năm 1932, sau khi hội An Nam Phật học ra đời, hoạt động đào tạo tăng tài dân dần đi vào nề nếp. Với hội An Nam Phật học, “tất cả nghị lực của Hội dùng để đào tạo nhân tài, hầu mong tiếp dẫn hậu lai, cũng vì thế mà chúng tôi rất chú ý đến các Phật học đường, lo cho cơ quan trọng yếu này được sống hoàn toàn một cách viên mãn.”28 Hòa thượng Tịnh Khiết khẳng định: “Đào tạo Tăng tài là trước hết các Phật sự.”29

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung, ở Huế, các Phật học đường lần lượt hoặc song song ra đời, đặt tại các chùa Trúc Lâm, Từ Đàm, Diệu Đức, Tây Thiên30, Báo Quốc31 Vạn Phước, Tường Vân, Kim Sơn32, Linh Quang,... Đặc biệt là Phật học đường Báo Quốc được xem là “Thánh địa của Phật giáo”33, “là một học đường quốc tế34, chứ không phải chỉ là một nơi đào tạo Tăng tài để phụng sự Phật pháp trong phạm vi nhỏ hẹp quốc gia.”35 Nhiều vị tăng tài xuất thân từ Phật học đường Báo Quốc, đã trở thành những đấng thạch trụ trong sự nghiệp hoằng dương Chánh Pháp và là giới lãnh đạo cao cấp của cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963.

Thật vậy, từ rất lâu trước cuộc vận động, ngay khi Ngô Đình Diệm về nước (6-1954) chuẩn bị cho việc lên nắm chính quyền, bằng tuệ giác, Thượng tọa Trí Quang36 khẳng định rằng: “Cuộc sống sẽ hiểm nghèo hơn dưới chế độ Diệm, hơn bất cứ thời gian nào dưới thời Pháp thuộc trước đây. Chúng ta chắc phải trải qua những ngày tháng khó khăn hơn”37, rằng “gia đình họ Ngô tượng trưng không chỉ cho Thiên Chúa giáo, mà cả cho sự can thiệp của nước ngoài.”38

Để tiến tới cuộc vận động năm 1963, bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau, Phật giáo Huế đã đấu tranh liên tục đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo. Có thể thấy ở hai nội dung tiêu biểu sau:

Một là, bức điện của Đại Hội đồng Hội Việt Nam Phật học (Trung Phần) họp vào tháng 3 năm 1957 tại chùa Từ Đàm (Huế) gởi Tổng hội Phật giáo Việt Nam (Sài Gòn) viết: “Tổng hội đồng lần thứ 25 toàn hội Việt Nam Phật học gồm có liệt vị chứng minh đại đạo sư trong Giáo hội tăng già và đại biểu 14 tỉnh hội đại diện cho 565 đơn vị họp tại chùa Từ Đàm, Huế trong các ngày 8-9-10 và 11 tháng 3 năm 1957 kính đặt niềm tin tưởng vào Tổng hội. Yêu cầu liên tục tích cực can thiệp lên Chính phủ và Quốc hội công nhận ngày Phật đản mồng Tám tháng Tư âm lịch là ngày lễ hợp pháp của quốc gia. Chủ tịch đại hội đồng: Thích Thiện Minh.”39

Hai là, tập “Hồ sơ gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm và Quốc hội” của Giáo hội Giáo hội Tăng già tại Trung Phần và Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung Phần (hậu thân của Hội An Nam Phật học) ngày 20-2-1962 do Hòa thượng Tịnh Khiết và Hòa thượng Giác Nhiên ký, đã vạch rõ chính sách khủng bố, áp bức, giết hại Phật giáo đồ của chế độ đang diễn ra khắp nơi: “Hằng ngày chúng tôi nhận được thư kêu van từ nhiều nơi gửi về tỏ sự khủng bố, áp bức, bất công ở hạ tầng đối với Phật giáo chúng tôi không kể xiết”, yêu cầu Ngô Đình Diệm “công minh xét đoán gấp những nguyện vọng khẩn thiết trên cho hàng Phật tử”; đồng thời khẳng định đã đến lúc: “Hàng Phật tử chúng tôi cần bảo vệ đúng mức tôn giáo của mình.”40

“Hồ sơ gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm và Quốc hội” được xem như là “sự chuẩn bị về mặt tư tưởng cho việc phát khởi cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963.”41 Thực tế, tập hồ sơ đã hun đúc tinh thần phản kháng trong Tăng Ni, Phật tử trước chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, để họ đi vào cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 với một khí thế mãnh liệt.42

Trước thực trạng “cuộc khủng bố vẫn tiếp diễn, ... Phật tử bị chôn sống, bị thủ tiêu, áp bức đủ điều,...”, quần chúng Phật tử Huế đã chất vấn giới lãnh đạo Phật giáo: “Đến nước này mà Hội và quý thầy không đối phó thì chắc chết hết, mà anh em Gia đình Phật tử chúng tôi chết trước”. Trả lời cho những băn khoăn, lo lắng của quần chúng Phật tử, Thượng tọa Trí Quang, Hội trưởng Hội Phật giáo Trung Phần nói: “Biết vậy, nhưng chưa đến lúc.”43

Và khi Công điện 9195 về việc cấm treo cờ Phật giáo trong dịp Đại lễ Phật đản 1963 của chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành ngày 6-5-1963 thì đã “đến lúc” cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 bùng nổ. Điều cần khẳng định là từ khi diễn ra đến lúc kết thúc, giới lãnh đạo cao cấp cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 hầu hết đều xuất thân từ Hội An Nam Phật học. Nhiều nội dung và sự kiện lịch sử để chứng minh cho vấn đề này. Xin nêu 3 trong nhiều nội dung và sự kiện tiêu biểu.44

Ảnh: St

- Lễ Phật đản tại chùa Từ Đàm ngày 8-5-1963. Tại lễ đài chùa Từ Đàm, trước đông đảo Tăng Ni, Phật tử đang sôi sục khí thế đấu tranh, Thượng tọa Trí Quang, Hội trưởng Hội Phật giáo Trung Phần, lần lượt đọc các biểu ngữ mà “các đạo hữu đã tự động làm”45 và khẳng định: “Nguyện vọng của Phật giáo đồ rất chính đáng và có tính cách xây dựng, không những có lợi ích cho Phật giáo, các tôn giáo khác, mà còn lợi ích cho cả Chính phủ nữa”46; đồng thời lên tiếng tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tôn giáo và đòi thi hành chính sách bình đẳng đối với các tôn giáo. Quần chúng Phật tử đồng tình và hoan hô nhiệt liệt. Thượng tọa Trí Quang nói tiếp: “Tôi ra lệnh từ nay về sau cho tất cả đạo hữu đều được treo cờ Phật giáo tại các chùa và khuôn hội cũng như tại các tư gia theo thông tư của Bộ Nội vụ. Lệnh này tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước chính quyền, vì tôi là Hội trưởng Hội Phật giáo Trung Phần.”47

- Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam ngày 10-5- 1963. Trong cuộc meeting tại chùa Từ Đàm (Huế) ngày 10-5-1963, giới lãnh đạo Phật giáo đã công bố “Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam” gồm 5 nguyện vọng.48 Tuyên ngôn khẳng định quyết tâm đấu tranh của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam: “Những điểm trên đây là nguyện vọng tối thiểu và thiết tha nhất của toàn thể Tăng, tín đồ Phật giáo trong cả nước. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho đến lúc nào những nguyện vọng hợp lý trên đây được thực hiện.”49

Và để giải thích rõ ràng, cụ thể 5 nguyện vọng, ngày 23-5-1963, giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam (tại Huế) cho công bố bản Phụ đính của “Bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963”, trong đó nhấn mạnh lại một lần nữa mục tiêu cuộc vận động: “Tranh đấu cho lý tưởng công bình, chứ không phải tranh đấu với tư cách một tôn giáo chống một tôn giáo” và “phương pháp đấu tranh là bất bạo động”; đồng thời khẳng định rằng Phật giáo “chấp nhận một sự hy sinh đến cùng độ và lấy sự hy sinh ấy làm sức mạnh để rung chuyển đến tận lòng người chứ không phải rung chuyển chính sách mà thôi.”50

Cả hai văn kiện tối quan trọng do Hòa thượng Tịnh Khiết, các Thượng tọa Mật Nguyện, Trí Quang, Mật Hiển và Thiện Siêu ấn ký. Hết thảy các nhà sư đều xuất thân từ Hội An Nam Phật học.

- Từ cuộc tuyệt thực 48 giờ đồng hồ của giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam đến Thông Cáo chung ngày 16-6-1963. Sau những lần điều đình giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm không đem lại kết quả, ngày 24-5-1963, Hòa thượng Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm một văn thư thông báo: “Tôi đã chỉ thị các vị lãnh đạo thuộc 6 tập đoàn Phật giáo Việt Nam sẽ tuyệt thực 48 giờ đồng hồ, có bác sĩ giám hộ kể từ 14 giờ ngày 30-5-1963.”51

Tại Sài Gòn, trong một thông bạch gởi Tăng Ni Phật tử Việt Nam ngày 27-5-1963, Phó Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam Thượng tọa Tâm Châu thông báo: “Văn phòng Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn vừa nhận được một số thư văn của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Huế gởi vào ... Hòa thượng yêu cầu đúng 14 giờ ngày 30-5-1963 ... các vị lãnh đạo của các cấp bộ Phật giáo hãy tuyệt thực 48 tiếng đồng hồ để cho nguyện vọng của Phật giáo chóng đạt thành, ... Theo hiệp ý cùng Thượng tọa Thích Thiện Hòa, Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già toàn quốc, Thượng tọa Thích Thiện Hoa, Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt, quý Thượng tọa trong Ban Trị sự Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam,... tại Sài Gòn,... chư Tăng ... sẽ tề tựu về chùa Xá Lợi, 89 Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn; Ni chúng tập trung về chùa Ấn Quang, 243 Sư Vạn Hạnh, Chợ Lớn để tuyệt thực.”52

Chấp hành chỉ thị trên đây, từ 14 giờ ngày 30-5-1963, cuộc tuyệt thực của giới lãnh đạo thuộc 6 tập đoàn Phật giáo Phật giáo Việt Nam diễn ra trên khắp miền Nam, trong đó có Sài Gòn. Tuy nhiên, với cuộc tuyệt thực này, chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn “án binh bất động”; đồng thời gia tăng đàn áp khốc liệt hơn. Tại Huế, chùa Từ Đàm và chùa Diệu Đế “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trước tình thế đó, giới lãnh đạo Phật giáo bị bắt buộc phải chấp thuận ý nguyện tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức vào ngày 11-6-1963. Ngọn lửa Thích Quảng Đức đã chuyển mạnh cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam trên cả hai bình diện quốc nội và quốc ngoại.

Lo sợ một sự bùng nổ lớn, chính quyền Ngô Đình Diệm cấp tốc mở cuộc điều đình với Phật giáo. Cuộc điều đình giữa Uỷ ban liên bộ với Phái đoàn Phật giáo diễn ra từ ngày 14-6-1963. Phái đoàn Phật giáo gồm 5 vị sư, trong đó hết ba vị53 là xuất thân từ các Phật học đường của Hội An Nam Phật học và nắm giữ vai trò chủ yếu: Thượng tọa Thiện Minh, Trưởng Phái đoàn; Thượng tọa Thiện Hoa, Đoàn viên; Thượng tọa Huyền Quang, Thư ký. “Với biện tài vô ngại, Hòa thượng (tức Thượng tọa Thiện Minh lúc đó - TG chú thích) đã buộc Uỷ ban Liên bộ ký vào Bản Thông Cáo chung thoả mãn 5 nguyện vọng”54 đã được đề ra trong bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963.

***

Qua nghiên cứu và tìm hiểu một số hoạt động tiêu biểu của hội An Nam Phật học, chúng ta thấy Huế trở thành trung tâm của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX. Điều này chúng ta dễ dàng nắm bắt qua các khía cạnh dưới đây:

Một là, trên nguyên tắc, trong phong trào chấn hưng, Hội An Nam Phật học hoạt động trải rộng khắp miền Trung, song phải khách quan thừa nhận Huế là nơi mở đầu những hoạt động của Hội. Không dừng lại ở chỗ Hội An Nam Phật học đóng trụ sở tại chùa Trúc Lâm (sau dời về chùa Từ Đàm), mà Huế là nơi đầu tiên hình thành hệ thống tổ chức Phật giáo ở miền Trung, từ trung ương đến địa phương; nơi được xem là “thí điểm” thành công về nhiều mặt hoạt động, trước hết là hệ thống tổ chức Giáo hội.

Cần chú ý rằng, trong công cuộc chấn hưng Phật giáo miền Trung, ngày 14-5-1935, tại Đà Nẵng thành lập Hội Phật học Đà Thành, trụ sở đó tại chùa Phổ Thiên. Sau 3 năm hoạt động, đến năm 1938, Hội Phật học Đà Thành chủ trương sát nhập vào Hội An Nam Phật hội. Điều đó chứng tỏ rằng ngay trong những năm đầu tiên, Hội An Nam Phật học đã tạo được uy tín, quy tụ các tổ chức Phật giáo, trước hết là miền Trung. Tiếp đó, hệ thống tổ chức của Hội An Nam Phật học từng bước được Phật giáo ba miền Bắc - Trung - Nam khuôn theo, nhất là khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam thành lập (1951). Đến khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời (1981), tuy ít nhiều “thêm bớt”, song hệ thống tổ chức giáo hội từ trung ương xuống địa phương vẫn khuôn theo hệ thống tổ chức hội An Nam Phật học. Điều này chứng tỏ Huế là trung tâm Phật giáo của cả nước qua hệ thống tổ chức giáo hội của Hội An Nam Phật học (1932).

Hai là, đưa đạo Phật vào tuổi trẻ là nét đặc trưng của Hội An Nam Phật học. Tất cả những tổ chức từ sơ khai đến hoàn chỉnh của thanh thiếu Phật tử do Hội An Nam Phật học tổ chức, như Đoàn Đồng Ấu Phật tử (1935), Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục (1940), Gia đình Phật hóa phổ (1943), rồi Gia đình Phật tử Việt Nam (1951) đều ra đời tại Huế.

Đặc biệt, Gia đình Phật hóa phổ (1943) với những hạt nhân đầu tiên là Gia đình Tâm Minh, Gia đình Thanh Tịnh, Gia đình Tâm Lạc và Gia đình Sum Đoàn; đã nhanh chóng phát triển rộng rãi, trong đó Huế là tâm điểm. Tính đến tháng 1-1951, ở Thừa Thiên và thành phố Huế có đến 42 Gia đình Phật hóa phổ. Năm 1948, lần đầu tiên, Gia đình Phật hóa phổ Minh Tâm ra đời ở Hà Nội; tiếp theo các Gia đình Phật hóa phổ như Thiện Tuệ, Liên Hoa, Liên Hương, Phả Quang, Minh Đạo, Từ Quang được thành lập ở Hà Nội và Hải Phòng. Tại miền Nam, Gia đình Phật hóa phổ Chân Tri ra đời ở chùa Sùng Đức, Sài Gòn.

Từ ngày 24 đến 26-3-1951, Đại hội huynh trưởng Gia đình Phật hóa phổ toàn quốc được tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế. Với đại hội này, Gia đình Phật tử Việt Nam được thành lập. Dưới sự tác động của Gia đình Phật tử Việt Nam, tại miền Nam, ngày 23-8-1953, tại chùa Phước Hòa, Gia đình Phật tử Chánh Tín được thành lập,... dẫn đến hình thành Gia đình Phật tử Nam Việt. Từ đó, Gia đình Phật tử Việt Nam ngày càng phát triển, nhất là ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Ba là, đối với Phật giáo Việt Nam, “có thể nói rằng, từ sau thời đại Lý - Trần đến nay, trong nhiệm vụ phục vụ dân tộc và đạo pháp của Phật giáo Việt Nam, chưa có sự kiện nào có qui mô và tiếng vang rộng lớn như cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963”55; đối với Phật giáo thế giới cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 “là một cuộc vận động không tiền khoáng hậu của đạo Phật trong lịch sử đạo Phật thế giới”56; đối với đất nước, cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 “bước đầu góp phần làm phá sản chính sách can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, tạo đà cho phong trào cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi trọn vẹn trong Đại thắng mùa Xuân 1975”57, nó “đã ghi đậm nét trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam.”58

Ý nghĩa lịch sử lớn lao cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 đã được khẳng định. Huế là nơi phát khởi cuộc vận động và giới lãnh đạo cao cấp lại xuất thân từ Hội An Nam Phật học. Thêm một minh chứng nữa cho thấy với Hội An Nam Phật học, Huế trở thành trung tâm của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX.

PGS.TS. Lê Cung Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH 1. Từ khi hội An Nam Phật học thành lập (1932) cho đến năm 1945, ngoài cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, còn có các ông Nguyễn Khoa Tân, Ưng Bàng, Nguyễn Đình Hòe giữ chức Hội trưởng. 2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III, Nxb Văn học, Hà Nội, 1994, tr. 113. 3. Lê Cung, Về tính tất yếu của sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (11-1981), Nghiên cứu Lịch sử, số 12 (488), 2016, tr. 59. 4. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920 - 1953), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2008, tr. 404. 5. Thích Trí Quang, Tâm ảnh lục, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, 2009, tr. 284. 6. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Biên niên sử Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 123. 7. Hội An Nam Phật học, Ban Đồng Ấu, Nguyệt san Viên , số 60-61, 1943, tr. 67-68. 8. Kiêm Đạt, Lịch sử Gia đình Phật tử Việt Nam, Phật học viện Quốc tế xuất bản, CA, USA, 1981, tr. 46. 9. Kiêm Đạt, sđd, tr. 46. 10. https://thuvienhoasen.org/a13350/cu-si-tam-minh-le-dinh-tham-1897-1969. 11. Kiêm Đạt, Ssđd, tr. 44. 12. Kiêm Đạt, sđd, tr. 52. 13. Phổ trưởng theo thứ tự các Gia đình Phật hóa phổ trên đây là cư sĩ Lê Đình Thám, cư sĩ Tôn Thất Tùng, cư sĩ Phạm Quang Thiện và cư sĩ Nguyễn Hữu Tuân. 14. Kiêm Đạt, sđd, tr. 52. 15. Nguyễn Đại Đồng, sđd, tr. 317. 16. Kiêm Đạt, sđd, tr. 168. 17. Lê Cung, Tạp chí đã dẫn, tr. 58 - 68. 18. Thích Trí Thủ, “Bài diễn văn đọc trong dịp lễ kỷ niệm ngày chu niên lần thứ 19 của Hội”, Nguyệt san Viên Âm, số 102-103, 1951, tr. 57-67. 19. Kiêm Đạt, sđd, tr. 164. 20. Kiêm Đạt, sđd, tr. 168, 169 & 170. 21. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sđd, tr. 124. 22. Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật hiện đại hóa, Nxb Thông tin, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 21. 23. Nguyễn Thắng Nhu, “Báo cáo 20 năm hoạt động Gia đình Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam 1998 - 2017”, Đà Nẵng, tháng 11-2018, tr. 11-12. 24. Lê Cung, Huế - Nơi mở đầu phong trào Phật giáo Việt Nam năm 1963, Nghiên cứu Lịch sử, số 8 (364), 2006, tr. 37-38. 25. Có nhiều sự kiện chứng minh Huế là nơi phát khởi và trung tâm chính của cuộc vận động Phật giáo Việt Nam năm 1963; như Công điện 9195 ngày 6-5-1963 cấm treo cờ Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm gửi cho khắp các tỉnh, thị “Việt Nam Cộng hòa”, nhưng đầu tiên chỉ có Phật giáo Huế phản đối và phản đối quyết liệt; bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963, được xem như là cương lĩnh của cuộc vận động được công bố trong buổi meeting tại chùa Từ Đàm, Huế. Ngày 14-5-1963, Hòa thượng Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, đã gửi điện cho các tập đoàn Phật giáo trên khắp miền Nam, chỉ thị tổ chức lễ thọ tang các Thánh tử đạo “đã bỏ mình vì Đạo pháp trong Đại lễ Phật đản vừa qua tại Đài Phát thanh Huế” (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: Đệ ICH-8529). Xã luận Báo Nhân dân (15- 5-1963) khẳng định: “Cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật và các tầng lớp đồng bào khác ở Huế là một cuộc đấu tranh chính nghĩa được nhân dân cả nước ủng hộ. Nhân dân miền Bắc vô cùng khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào Huế được sự ủng của các tầng lớp rộng rãi ở miền Nam. Chúng ta tin chắc cuộc đấu tranh bền bỉ và anh dũng của đồng bào Huế và ở toàn miền Nam mặc dầu trãi qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng” (Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, tập II, 1961-1965. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1974, tr. 131). 26. Nguyễn Lang, sđd, tr. 287. 27. Các tăng sĩ như Mật Nguyện, Mật Hiển, Mật Khế, Mật Thể cùng cư sĩ Lê Đình Thám đã theo học khóa đầu và là những học trò xuất sắc, có nhiều đóng góp cho phong trào chấn hưng sau này. 28. Hội An Nam Phật học, Bài diễn văn đọc trong lúc làm lễ đặt đá đầu tiên của Phật học đường Báo Quốc, Nguyệt san Viên Âm, số 34, 1938, tr. 45-46. 29. Diễn từ (đọc trong dịp lễ mãn khóa niên học 1955 của Ban Giám độc Phật học đường Nam Phần Trung Việt), trong “Thành tích Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang”, Phật học đường Tổng hội ấn hành, 1955, tr. 2. 30. Phật học đường Tây Thiên thành lập ngày 16-10-1935, Thượng tọa Trí Thủ là một trong 3 Phó Giám đốc. Các học tăng là Đôn Hậu, Mật Nguyện, Mật Hiển,... Một số học tăng Hội Lưỡng Xuyên Phật học cũng theo học tại đây, như Thiện Hoà,... (đợt 1-1936), Huyền Quang, Thiện Hoa (đợt 2-1937). 31. Từ năm 1935, Ban Trị sự Hội An Nam Phật học quyết định dời trường về chùa Báo Quốc và xây dựng thành Phật học đường Báo Quốc. Từ năm 1938, Thượng tọa Thích Trí Thủ là Giám đốc Phật học đường Báo Quốc. 32. Với ước nguyện tiến tới thành lập một đại tòng lâm, năm 1944, Hội An Nam Phật học chủ trương di dời Phật học đường Báo Quốc lên chùa Kim Sơn, làng Lựu Bảo, cách thành phố Huế khoảng 10 km. Khoá tốt nghiệp đại học Phật giáo đầu tiên tại Cao đẳng Phật học đường Kim Sơn năm 1945 gồm các học tăng: Võ Trọng Tường (Thiện Siêu), Phạm Quang (Trí Quang), Đỗ Xuân Hàng (Thiện Minh), Nguyễn Văn Bình (Trí Tịnh), Trần Trọng Thuyên, (Trí Thuyên),... 33. Thiện Tri, Phật học viện ngày ấy với tôi, trong “Kỷ yếu Về Cội - Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Phật học viện Trung Phần (1957 - 2012)”, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr. 134. 34. Có vị đã chiếu sáng hào quang Thiền định vào các dân tộc Âu - Mỹ, như Thiên Ân, Mãn Giác, Nhất Hạnh, Minh Châu, Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), ... 35. Bút tích của cư sĩ Nguyễn Hữu Huỳnh, Đại biểu của Hội Phật giáo Nam Việt dự Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc tại chùa Từ Đàm (5-1951), thăm Phật học viện Báo Quốc ngày 11-5-1951, lưu tại chùa Báo Quốc, Huế. 36. Trong bài, từ đây trở về sau, trừ Thượng tọa Thích Tâm Châu, các vị sư còn lại đều xuất thân từ Hội An Nam Phật học. 37. Jerrold Scheter, The New Face of Buddha, John Weatherhill, Tokyo, Japan, 1967, tr. 156. 38. Jerrold Scheter, sđd, tr. 156. 39. Nguyễn Lang, sđd, tr. 386. 40. Hồ sơ gởi Tổng thống và Quốc hội của Giáo hội Giáo hội Tăng già và Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung Phần, tr. 2, 3. 41. Lê Cung, Trần Thị Đông Thi, Về tập “Hồ sơ gởi Tổng thống và Quốc hội” của Giáo hội Tăng già và Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung Phần ngày 20-2-1962, Nghiên cứu Lịch sử, số 1 (477), 2016, tr. 41. 42. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Công điện 9195 ngày 6-5-1963 về việc cấm treo cờ Phật giáo; ngày 7-5-1963, quần chúng Phật tử Huế đã kéo về Tỉnh tòa Thừa Thiên phản đối với khí thế mãnh liệt: “Phố phường như bừng dậy trong một cuộc động quân. Khắp các đường phố, từ trong thành, Đông Ba, Gia Hội, từng đoàn người lũ lượt kéo qua cầu Trường Tiền. Từ Vĩ Dạ lên, ở trên Ga xuống, phía Kho Rèn. An Cựu về, dân thị xã và vùng phụ cận đổ xô về phía tỉnh đường đông nghịt cả người, đông một cách đáng sợ, như những cuồng phong tới, như bão tố lên” (Quý Linh, Mở đầu cuộc đấu tranh Phật giáo, trong “Trước cơn sóng gió”, Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung Phần xuất bản, Huế, 1964, tr. 13-26). 43. Tâm Thiệt, Những đốm lửa đấu tranh, trong “Trước cơn sóng gió”, Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung Phần xuất bản , Huế, 1964, tr. 11. 44. Thực ra, những nội dung và sự kiện lịch sử trong cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 có nhiều, ở tham luận này chúng tôi chỉ nêu 3 trong nhiều nội dung và sự kiện tiêu biểu. 45. Phúc trình của Tòa Hành chánh tỉnh Thừa Thiên về lễ Phật đản tại Huế, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: ĐICH - 8529, tr. 4. 46. Quốc Tuệ, Công cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr. 43. 47. Phúc trình đã dẫn, tr. 4. 48. 5 nguyện vọng: “1. Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn Công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo. 2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng quy chế đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong Dụ số 10. 3. Yêu cầu Chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo. 4. Yêu cầu cho Tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo. 5. Yêu cầu Chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải được đền bồi đúng mức” (Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC.04-HS. 8352). 49. Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam (10-5-1963), Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu: SC.04-HS.8352. 50. Bản Phụ đính của “Bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963”, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC.04-HS.8352. 51. Thích Hải Ấn & Lê Cung, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 qua tài liệu của các cấp Phật giáo, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2013, tr. 119. 52. Thích Hải Ấn & Lê Cung, sđd, tr. 117-118. 53. Hai vị sư còn lại là Thượng tọa Thích Tâm Châu (Đoàn viên) và Đại đức Thích Đức Nghiệp (Phó Thư ký). 54. Thích Trung Hậu & Thích Hải Ấn, Chư tôn thiền đức & cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, tập 2, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr. 52. 55. Lê Cung, “Về phong trào Phật giáo Sài Gòn năm 1963”, trong Hội thảo Khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh”, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2002, tr. 143. 56. Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật hiện đại hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nôi, 2008, tr. 12. 57. Lê Cung, “Bàn về phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963” trong giáo trình Lịch sử Việt Nam hiện đại ở bậc đại học và cao đẳng, Nghiên cứu lịch sử, số 1 (369), 2007, tr. 70. 58. Những văn kiện chủ yếu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (từ 12-1963 đến 10-1964), Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1964, tr. 64.