Tên gọi “Dương Biều” của Khuôn Hội là một sự kết hợp đại danh của các địa phương trên địa bàn; chữ Dương của hai làng Dương Xuân Thượng và Dương Xuân Hạ; chữ Biều của xã (nay là phường) Thủy Biều, Thủy Biều có hai làng: Nguyệt Biều, Lương Quán.
Tác giả: Lê Anh Tuân (pháp danh: Thích Đức Hạnh) Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Huế
Dẫn nhập
An Nam Phật Học Hội được thành lập năm 1932 tại Huế là một nét son chói lọi trong cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Trung, vào những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ trước. Hội ban Nghị định số 01 vào tháng 10 năm 1938 chính thức thành lập Khuôn Tịnh độ Dương Biều.
Sau khi được Hội An Nam Phật học ban Nghị định thành lập chính thức, Khuôn Tịnh Độ Dương Biều và vào khoảng sau năm 1941 Gia đình Phật hóa Phổ Sum Đoàn phát triển nhanh chóng về mọi mặt và chuyển địa điểm sinh hoạt đến nhà bác Tâm Thắng - Nguyễn Hữu Tuân cùng ở đường Bùi Thị Xuân (phường Phường Đúc bây giờ). Sau một thời gian lại chuyển địa điểm sinh hoạt ti học của Khuôn hội đến nhà bác Hồng Phát - Huỳnh Ngọc Khuyến ở gần Hồ Quyền.
Một thời gian tìm kiếm đã chọn được một khoảng đất hợp lý tọa lạc trên đồi Long Thọ (tức Long Thọ Cương), nhìn ra sông Hương, hướng mặt qua chùa Linh Mụ, chùa Từ Ân bên tả ngạn. Ban chức vụ đã trình bày xin Hội việc kiến tạo trụ sở chùa Khuôn và được Hội vô cùng tùy hỷ, dồng thời Hội đứng ra chủ động vận động, hỗ trợ mọi mặt.
Ngày Vía đức Phật A Di Đà năm 1942, Lễ Đặt Đá được cử hành dưới sự chứng minh của Hòa thượng Đắc Quang - Cố vấn Đạo Đức Tổng Hội An Nam Phật học và có sự tham dự của Bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám - nguyên Hội trưởng Hội An Nam Phật học.
I. Bối cảnh hình thành Khuôn Tịnh độ Dương Biều
“Từ phong trào Chấn hưng Phật giáo và những điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, 1932 Hội An Nam Phật học ra đời. Ngày 17/09/1932, Khâm sư Trung Kỳ Yves Charles Chàtel kí Nghị định sô 2691 cho phép Hội Nghiên cứu và Thực hành giáo lý Phật giáo (Société d’Étude et d’Exercice de la religion Bouddhique) thành lập, chính thức mở đầu cho phong trào Chấn hưng Phật giáo miền trung.
Mục đích ban đầu của Hội là: “Mỗi tháng đến ngày mồng một và rằm thiết lễ, lễ Phật và thỉnh thầy giảng đạo để cho các hội viên đồng học, đồng tu; Cốt để giúp thiện nam và tín nữ được hiểu rõ chính giáo của Phật”. Hội viên của hội bao gồm: Sáng lập, Ân nghĩa, Tán trợ, Vĩnh viễn và thường trợ.
Ban Chứng minh của Hội gồm quốc sư Phước Huệ (Bình Định) và chư vị hòa thượng ở Huế như: Huệ giác, Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh. Ban Trị sự của Hội gồm: Hội trường là cư sĩ Lê Đình Thám, Hội phó Lê Quang Thiết, Thư kí Hoàng Xuân Ba, Thủ quỹ Trương Xướng, Kiểm soát Lê Thanh Cảnh. Hội viên Danh dự là vua Bảo Đại cũng Tam tôn cung nữ và Khâm sứ Trung Kì.”[1]
“Ngày 21/12/1945, nhân dịp Đại hội đồng thường niên, các thành viên nòng cốt của phong trào Chấn hưng Phật giáo miền trung đã đi đến thống nhất trong việc sửa đổi danh xưng Hội Phật học An Nam thành Hội Phật học Việt Nam.
Cơ cấu tổ chức của Hội được bầu lại gồm: Hội trưởng là Thượng tọa Trí Thủ, Hội phó Phan Văn Chúc, Kiểm duyệt giáo lý là Thượng tọa Trí Quang, Cố vấn Đạo hạnh là Thượng tọa Đôn Hậu, Cố vấn Quản trị Lê Văn Định, Cố vấn Ngoại giao Tráng Đinh, Thư kí Phạm Văn Chúc cùng phó là Lư Tâm. Bản Điều lệ và Quy tắc của Hội được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua vào ngày 23/06/1946[2].
Các vị tiền bối của Khuôn Dương Biều như cư sĩ Nguyên Hoàn Lê Bá Ý, là một trong những người sáng lập Hội An Nam Phật học (Hội viên từ ngày 23/02/1932). Cư sĩ Tâm Thắng Nguyễn Hữu Tuân cũng tham gia Hội rất sớm (08/08/1037 - số thẻ Hội viên 1019). Sinh hoạt của Hội tại các chùa Trúc Lâm, Từ Quang, Từ Đàm,…[3].
II. Hình thành Khuôn Tịnh Độ Dương Biều
1. Thành lập Khuôn Tịnh Độ Dương Biều
Để mở rộng sinh hoạt của Hội An Nam Phật học ra các vùng lân cận, Khuôn Tịnh Độ Dương Biều được thành lập bởi Nghị định 01 vào (ngày ?) tháng 10 năm 1938 của Hội An Nam Phật học (theo Bia đá trong điện Phật). Do lúc này đã có một số tín đồ đủ lớn và sinh hoạt tại các tổ đình, tự viện khác. Bác Nguyên Hoàn Lê Ý (một trong những sáng lập viên của Hội) và bác Tâm Thắng Nguyễn Hữu Tuân (Hội viên từ 08/08/1937) là những người vận động tích cực.
Tại thời điểm này Khuôn Tịnh Độ Dương Biều được gọi Khuôn vực Dương Biều số 5 hoặc Khu vực số Năm Dương Biều thuộc Tỉnh hội Thừa thiên của Hội An Nam Phật học[4].
Theo các thông tin của những người lớn tuổi kể lại: Khuôn Dương Biều trước khi xây dựng, Hội viên, tín đồ phật tử tu học, sinh hoạt lưu động. Đầu tiên tu học, sinh hoạt ở nhà bác Lê Bá ý ở thôn Xuân Giang (hiện nay đã giải tỏa), sau đó lên nhà bác Nguyễn Hữu Tuân ở xóm Bản Bộ, Phường Đúc, rồi nhà bác Huỳnh Ngọc Khuyến (Pháp danh Hồng Phát, tự Hoằng Khai, thường gọi là Cửu Khuyến) ở gần Hổ Quyền (Long Thọ).
Tên gọi “Dương Biều” của Khuôn hội là một sự kết hợp đại danh của các địa phương trên địa bàn; chữ Dương của hai làng Dương Xuân Thượng và Dương Xuân Hạ; chữ Biều của xã (nay là phường) Thủy Biều, Thủy Biều có hai làng: Nguyệt Biều, Lương Quán. Hội viên và tín đồ phật tử trải dài một khu vực dân cư rộng lớn của cả 4 làng nói trên.
Nay thuộc địa bàn của 3 phường: Phường Thủy Xuân, phường Thủy Biều, phường Phường Đúc. Vì thế mà tên hành chính ban đầu gọi là “Khuôn vực Dương Biều số 5, Khuôn vực số 5 Dương Biều, Khuôn Dương Biều số 5”.
2. Xây dựng Chùa Long Thọ - Niệm Phật đường của Khuôn
Bia đá tại Chùa Long Thọ ghi: “…Kiến tại chùa Khuôn (tức Chùa Long Thọ) vào ngày Đản sinh Đức Phật A Di Đà ngày 17 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1942) dưới sự chứng minh Của Hòa thượng Đắc Giáo, Giáo hội Tăng già Trung Việt, Hội trưởng Cư sĩ Tâm Minh…”
Ngày 17 tháng 11 năm Nhâm Ngọ tức là ngày 24 tháng 12 năm 1942 có thể là lễ đặt đá xây dựng Niệm Phật đường Khuôn Tịnh độ Dương Biều vì tiến trình vận động kinh phí và tiến hành xây dựng diễn biến sau thời điểm này.
Ngày 7 tháng 3 năm 1943 tại kỳ Hội đồng thường niên năm Quý Mùi dưới sự chứng minh của các Đại đức Tăng già, bác Nguyễn Hữu Tuân - cố vấn của Khuôn đã đọc tờ trình trước Hội đồng về các vấn đề: Đạo Phật thiết thực, bổ ích cho bản thân và gia đình; Sự lợi ích vào ban Tịnh độ;
Sự lợi ích vào ban tương tế; Sự lợi ích có ngôi nhà chung của bản Khuôn để: Các Hội viên tu niệm, đến học kinh được yên tĩnh, nơi Hội viên gặp gỡ và lễ Phật, có nơi tổ chức các lễ kì an, kì siêu cho các hội viên cùng gia đình quyến thuộc, là nơi họp bàn vì những lợi ích chung, là nơi giảng pháp, tổ chức các cuộc vui mang tính Phật pháp, là nơi học tập truyền bá Quốc ngữ.
Đề nghị thành lập các ban để lo việc kiến thiết: Ban lo tài chính do Bác Bửu Cao phụ trách, Khuôn bao gồm có 1 Ban trưởng và 10 ban viên, Ban kiến thiết do Bác Huỳnh Trọng đảm nhiệm làm trưởng ban và có 8 hội viên. Để thực hiện được phải nhờ Tỉnh hội giúp đỡ về mặt vận động tiền tài và thế lực, bên cạnh là sự sốt sắng của toàn thể đạo hữu trong khuôn chung tài, chung lực[5].
Tỉnh hội đã có thư gởi các Khuôn trưởng của các Khuôn trong Tỉnh hội để vận động các hội hữu phát tâm nguyện cúng. Theo văn thư số 566 ngày 19 tháng 5 năm 1943 của Chánh Hội trưởng Tỉnh hội Thừa Thiên gởi bác Nguyễn Hữu Tuân về cách thức nhận tiền nguyện cúng của chư thiện, nam tín nữ và các hội hữu.
Bác Bửu Cao - Khuôn trưởng Khuôn tịnh độ Dương Biểu giao cho bác Tuân sổ thu để quản lý và ghi nhớ phương danh các vị hiến cúng công đức.
Qua 2 sổ thu hiện có nhận thấy rằng: thời gian vận động quyên góp từ ngày 13/06/1943 đến 27/8/1945, phương danh hội hữu nguyện cúng rộng khắp Tỉnh hội: các Khuôn: Cầu Hai, Thừa Lưu, Cao Đôi, Cam Nông, An Long, Lương Điền Đông, Thần Phù, Nam Sơn, Đông Gia, Túy Vân, Mỹ Lợi, Khuôn Phò, Thành Công, Thế Chí, Thế Chí Đông, Lãnh Thủy, Từ Đàm, An Xuân, Thiên Hương; các vị trong Tổng hội đồng ở các tỉnh: Bình Định, Đà Lạt, Bình Thuận, Phan Rang, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi;
Tỉnh hội Nha Trang, các cá nhân ở Bao Vinh, Đông Ba, Gia Hội, Trường Giang, tổng Cư Chánh, hội viên ở Bình Thuận, Tăng cang Chùa Từ Hiếu, Chùa Châu Lâm, ngài Bửu Châu; tăng già ở Phan Thiết, cụ Lê Đình Thám, cụ Bửu Bác và cụ bà Phó Ưng, ông Viễn Đệ,… và hội hữu, tín đồ các xóm tịnh độ thuộc Khuôn Tịnh Độ Dương Biều.
Từ ngày 23/10/1944 bắt đầu thi công xây dựng cho đến ngày 10/07/1945 hoàn thành việc kiến trúc. Ngày 09/08/1945 quyết toàn cân đối thu chi vừa đủ với số tiền 4.551,77 đồng. Các công việc kiến trúc khác được ghi lại như sau:
- Từ ngày 16/06/1948 đến ngày 25/06/1948: vẽ Bông sen, chữ Vạn ở Tiền đường. (10 ngày)
- Từ ngày 16/06/1948 đến ngày 14/08/1948: vẽ cảnh Liên Trì ở Điện Phật. (60 ngày)
- Ngày 25/07/1948: Đúc nền Tiền đường.
- Ngày 19/12/1948: Viền 2 tấm Mã Dục.
Đợt lạc nguyên tài chính từ ngày 12/02/1949 đến ngày 22/11/1949 trong hội viên, tín đồ nội bộ theo quyết định của Hội đồng thường niên Khuôn tại Chùa Long Thọ ngày 23/01/1949 để tiếp tục các công việc kiến trúc hoàn thiện chùa được ghi nhận có 272 lượt người nguyện cúng. Ngoài ra còn nhiều đạo hữu cúng vật liệu như tre, vôi, xi măng, ván mít, gang đúc, than đá, khóa kho, xăng, xe vận chuyển, nhân công vận chuyển. Xúc tiến các công việc như sau:
- Từ 30/03/1949 đến 20/04/1949: Phóng thức các chữ truyện mặt trước tiền đường.
- Từ 12/04/1949 đến 25/06/1949: Đúc các chữ truyện.
- Ngày 08/02/1950: Đạo hữu Nguyễn Vi Hàng cúng khoản đất trước chùa với diện tích 142,2m2.
Đúc tôn tượng Bổn sư và các hạng mục khác
Đã có 710 hội viên và thập phương thiện tín trong địa bàn khuôn và các địa phương khác thuộc thị xã Huế và vùng lân cận, đã cúng tịnh tài, tịnh vật với số tiền là 18.372 đồng và khoảng 75 kg đồng, thiếc, chì. Sau khi tôn trí đã chi phí là 12.065 đồng. Số còn lại thanh toán các khoản nợ kiến trúc khác và chuyển qua quỹ chú Đại hồng chung. Đến ngày 22/06/1950 đã hoàn thành đúc tôn tượng và được An vị tại Điện Phật.
Về các hạng mục khác như xây giếng chùa với chi phí là 6.167 đồng, xây dựng Nhà Hữu bắt đầu từ ngày 11/08/1952 đến ngày 08/09/1952, trong đó sườn nhà gỗ của bác Nguyễn Hữu Tuân cúng. Tường nhà xây bằng táp lô, đòn tay cau, lợp tôn. Nhân công chủ yếu là các nhà xóm Tịnh độ cúng.
Đúc Đại hồng chung và Chuông báo chúng: chú nguyện đúc Đại hồng chung được đề cập tại các kỳ họp Hội đồng niên để Khuôn khóa 1950-1951 ngày 08/01/1951, khóa 1951-1952 ngày 30/03/1952, khóa 1951-1953 ngày 29/03/1953 và các cuộc họp khác.
Theo thơ trình tỉnh hội số 88 PH/BD ngày 04/05/1953 và văn thư phúc y của tỉnh hội số 200 PH/TT ngày 08/05/1953. Ban Chức vụ Khuôn đã tiến hành kêu gọi và nhận tiền lạc cúng bằng cách phát hành sổ thư cảm ơn. Có 648 hội viên và thập phương thiện tín trong địa bàn khuôn và các địa phương khác thuộc thị xã Huế và vùng phụ cận, đã cúng tịnh tài, tịnh vật từ ngày 01/04/1951 đến 18/06/1953. Giá trị Đại hồng chung sau quyết đoán là 35.591,50 đồng.
Tràng phan Bảo cái: vận động được 87 Đạo hữu và Ban chú tượng đã cúng tịnh tài. Với số tiền thực hiện là 6.149 đồng, số tiền thiếu do quỹ Hồng chung bù 979 đồng.
III. Chùa Long Thọ - Tu học và Hoạt động
1. Chùa Long Thọ
Trân trọng và tri ân sự kiện trọng đại, các bậc hiền nhân lấy tên của vị Tổ thứ 14 - ngài Long Thọ để đặt cho ngôi chùa này. Chùa Long Thọ là địa điểm sinh hoạt, tu học của Khuôn Dương Biều, là Niệm Phật đường của Khuôn Dương Biều.
Thời điểm kiến trúc chùa xong vào năm 1949. Năm 1945 sau khi Việt Minh giành độc lập, An Nam Phật học Hội đổi thành Việt Nam Phật học Hội. Vì vậy mà hàng chữ trên Tiền đường được ghi là VIỆT NAM PHẬT HỌC HỘI 會學佛南越.
2. Phát triển cơ sở vật chất - Tổ chức - Tu học và Hoạt động
Ngày 23/01/1949: Đạo hữu Nguyễn Văn Lép và Hoàng Thị Cháu phát tâm cúng mấy thước đất tư nhân phía sau chùa để làm nền nhà Hậu.
Đến tháng 6 năm 1949 đã có 6 xóm Tịnh độ bao gồm: Phường Đúc, Xuân Giang, Sơn Tiên, Trâm Bái, Long Thọ, Nguyệt Biều.
Ngày 09/08/1949: tổ chức Lễ Vu Lan Kỷ Sửu do Khuôn long trọng, trang nghiêm trọng thể, thiết cúng dường trai tăng, lễ phóng sinh đăng, phát chẩn, vinh dự được mời Tổng Tri sự và Tỉnh hội Việt Nam Phật học về dự trong bài báo Nguyệt san viên Âm số 83 ngày 31/08/1949, trang 36 đưa tin, và được Tịnh hội có thư số 323 PH/TT ngày 24/08/1949 tán thán về cách tổ chức của Khuôn.
Ngày 19/09/1949 Ban Chức vụ Khuôn dự kiến tách Xóm Tịnh Độ Trâm Bái thành 3 xóm gồm xóm Trâm Bái, xóm Trường Sơn và xóm Bảo Chánh. Nhưng về sau không thực hiện.
Trong khoảng thời gian này, thầy Bửu Lâm xin thôi giữ chức cương vị Chứng Minh và Ban Chức vụ dự định mời thầy Quảng Huệ tọa chủ Chùa Thiên Minh làm Chứng minh; Tách quỹ Ân Điền Mễ để thành lập thêm quỹ Bất động sản để mua ruộng đất, nhằm duy trì Phật sự chùa Long Thọ và trợ tang cho hội viên khi quá cố; Nhận chú tượng Bổn sư cho Tỉnh hội tỉnh Quảng Trị.
Ngay từ thời điểm này trở đi, khi các sự đều trở vào ổn định, tại nơi đây Chùa Long Thọ thường xuyên tổ chức lễ vào các ngày Sóc Vọng, Vía Phật, Bồ Tát, Lễ Quy Y, tổ chức giảng giáo lý Phật pháp cho hội viên, cầu an, cầu siêu, nhận kí danh, kí ảnh, kí tự cho các hương linh, Tổ chức khóa tu Bát Quan Trai và được Tổng Trị sự, Tỉnh hội, chư tôn đức quan tâm và trợ lực trong các Phật sự, tu học Phật pháp.
Theo tinh thần tu học, hộ pháp, phụng sự của hội viên và tín đồ rất cao, thể hiện qua việc nguyện cúng để tiếp tục công việc xây dựng, kiến trúc như xây giếng, làm nhà hữu, hiến tặng đất, chú tạo tôn tượng Bổn Sư, đúc Đại Hồng chung, đúc Chuông báo chúng, lập tràng phan bảo cái, đúc các pháp khí, tổ chức các kì thiện nguyện cùng các quỹ Ân Điền Mễ, Bất động sản, Hội Tương tế,…
Năm 1951, với địa điểm Chùa Long Thọ rộng rãi, Tỉnh hội đã có văn thư số 249 ngày 25/06/1951 về việc sử dụng Chùa để tổ chức trại huấn luyện Huynh trưởng đầu tiên - Trại Kim Cương ngày 27/06/1951.
Ban Chức vụ đã có phiên họp ngày 26/06/1951 để bàn về việc bố trí, sắp xếp, chào đón, trợ lực và trợ duyên cho trại thành công tốt đẹp với các chương trình tổ chức kỳ an, phân công bác Khuôn trưởng đọc lời chào mừng, chiêu đãi trại sinh, huy động học sinh trường tư thục của bác Nguyễn Hữu Hòe tặng hoa, thông đạt cho toàn thể đạo hữu đến để làm lễ cầu an và hỗ trợ thổ sạn cho Trại làm thực phẩm.
Sau những năm tháng xây dựng các tiểu công trình cho chùa, tổ chức các lễ lớn ở chùa. Đến ngày sau kỳ Lễ Phật Đản năm Quý Mão (1963), Ban Trị sự và toàn thể đạo hữu, chủ lực là Huynh trưởng, đoàn sinh đoàn nam phật tử và Thanh thiếu niên của Gia đình Phật tử Dương Biều tích cực tham gia đấu tranh.
Đảm đương nhiều nhiệm vụ quan trọng của Giáo hội như là: lập đội bảo vệ sĩ bảo vệ quý thầy tại Chùa Từ Đàm; bảo vệ chùa, bảo vệ hiện trường nơi các ngài tự thiêu ủng hộ Phật pháp, chăm sóc những người bệnh bị đàn áp tại Bệnh viện, tham gia các cuộc biểu tình, tuyệt thực và các phật sự khác trong cuộc đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng.
Rất nhiều đạo hữu, Huynh trưởng, đoàn sinh Gia đình Phật tử đã bị đàn áp dã man, bị bát bớ, giam cầm, nhiều người mang thương tích, bị bệnh phải nằm viện điều trị lâu dài. Lúc này chúng dự bị xuất gia đã ly tán. Có xuất hiện mất đoàn kết trong Gia đình Phật tử Dương Biều, Ban trị sự Khuôn quyết định: mọi cuộc họp của Gia đình Phật tử phải thông báo cho Ban trị sự Khuôn hội biết để cử đại diện đến dự, tránh trình trạng mất đoàn kết trong nội bộ.
Năm 1964:
- Đồng ý việc sáp nhập lại 3 tiểu vức: Đông Tây, Trung Thượng bà Hầm Đá thành Vức Nguyệt Biều[6].
- Vức Nguyệt Biều đã xin đất và xây Niệm Phật đường với sự đóng góp của hội hữu các vức.
- Lúc này số lượng trở lại có 7 vức.
- Khuôn đang trong quá trình hình thành Bệnh Xá Dương Biều - nay là Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Khuyết tật chùa Long Thọ.
- Ban Trị sự Khuôn quyết định kêu gọi đạo hữu 7 vức và sử dụng 7 quỹ của Khuôn liên kết với bác Lê Văn Đạt góp vốn cổ phần thành lập xửng cưa máy để tăng nguồn tài chính phục vụ cho kiến thiết của Khuôn sau này.
Ngày 24/06/1964 cuộc họp Ban trị sự Khuôn và 7 vức quyết định trùng tu Chùa Long Thọ theo bản vẽ của bác Lê Văn Đạt đề xuất. Huy động các quỹ của Khuôn, Hội viên góp tối thiểu là 2 công.
Cử Ban Kiến Trúc do bác Lê Văn Đạt làm trưởng ban, phó trưởng ban kiêm thủ quỹ là bác Nguyễn Văn Tấn, cố vấn tinh thần là bác Nguyễn Hữu Tuân, Ủy viên thường trực là bác Lê Xuân Du, Ủy viên kiêm kỷ thuật là bác Lê Bá Dục, Ủy viên thợ nề kiêm thư ký là Bác Trần Văn Thích, Ủy viên tài chính là Bác Huỳnh Ngọc Khuyến. Các tiểu ban theo biên bản họp 15/3/Quý Mão[7].
Ngày 24/10/1965 thành lập Chúng Tu Bát quan trai để tu hằng tháng vào ngày 18,19 Âm lịch.
Trong khoảng thời gian 1966-1975 xảy ra chiến tranh rất khóc liệt, các hội viên trẻ tuổi phải đi quân dịch, bận công vụ, một số phải ly tán sau các đợt đấu tranh bảo vệ đạo pháp và dân tộc, hội viên còn lại đã có tuổi, công việc kiến trúc chùa cơ bản đã hoàn chỉnh, nên giai đoạn này Khuôn hội và các vức duy trì việc tu học, tổ chức các ngày lễ vía và sóc vọng định kỳ hằng năm.
Bên cạnh khai thác các động sản của Khuôn và tiền công đức của hội viên để duy trì phật sự, làm từ thiện: chi phí quản lý và duy trì Bệnh xá, ủy lạo trẻ em mồ côi ở Tây Lộc, cứu trợ nạn nhân bão lụt, hòa hoạn khắp mọi miền.
IV. Xây dựng - Tu học và hoạt động sau ngày hòa bình
Sau năm 1975, gặp chướng duyên, sinh hoạt tôn giáo bị hạn chế, Chùa chiền vắng lạnh, bất động sản của Khuôn bị trưng dụng. Ban Đại diện của Khuôn đến xin thỉnh ý Hòa thượng Chùa Linh Mụ, Hòa thượng chùa Trúc Lâm, Hòa thượng chùa Báo Quốc, Hòa thượng chùa Pháp Hải cử Tăng lên trú trì. Khi được sự giới thiệu của Hòa thượng Trụ trì các ngôi cổ tự lớn đến gặp và thỉnh ý Sư bà Diệu Nghiêm.
Sư bà đã cử Sư cô Thích Nữ Minh Tánh về trụ trì chùa Long Thọ năm 1978. Ni chúng ngày càng đông, Chùa Long Thọ sớm hôm có tiếng kinh câu kệ. Đồng thời số các hội viên ngày càng lớn tuổi, số người trẻ tuổi thì dè dặt, việc tu học bị hạn chế. Cùng khoảng thời gian này nội trong Chùa Long Thọ chưa được pháp lý công nhận. Đến năm 1981 Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập thì các sinh hoạt, tu học các chùa được khởi sắc. Tuy vậy thời gian sau chiến tranh, đời sống của người dân và tín đồ phật tử cũng rất khó khăn.
Khu vực Vức Lương Quán đã tách riêng thành Niệm Phật đường Lương Quán. Niệm Phật đường Dương Biều lúc này còn 5 vức: Nguyệt Biều, Long Thọ, Phường Đúc, Trâm Bái, Sơn Tiên. Cuối năm 1992 Chùa tiến hành tu sửa trần đúc ở Chính điện bị đạn pháo năm Mậu Tuất 1968 làm chấn động ảnh hưởng đến cấu trúc của Chùa.
Năm 1993 dưới sự Trụ trì của Sư Minh Tánh, đã long trọng tổ chức “Tuần lễ hiệp kỵ - cầu siêu” tổ chức từ ngày 08/02 - 15/02. Ban Hộ tự và ni chúng chùa Long Thọ phối hợp tổ chức Lễ Hiệp Kỵ Hội viên, Huynh trưởng, Đoàn sinh quá cố lần đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước có tổ chức Lễ Quy Y cho tín đồ phật tử thập phần viên mãn.
Sau nhiều năm được Ni sư trú trì kiến thiết nhiều hạng mục trong Chùa. Đầu năm 2006 Chùa đã xuống cấp nghiêm trọng, Ban Hộ tự và Ni chúng quyết địng đại trùng tu Chùa. Công việc trùng tu được thực hiện suôn sẻ, các hội viên cùng thiện nam tín nữ gần xa phát tâm cúng dường và nguồn huy động của Sư trụ trì, Ni chúng trong Chùa đã hoàn thành việc đại trùng tu Chùa Long Thọ, quy hoạch lát gạch san chùa. Sau gần 2 năm tiến hành, vào ngày 22/03/2008 đã tổ chức Khánh tạ trong tuần lễ cầu an đầu năm và tổ chức lễ Trai Đàn Chẩn Tế.
Ban Hộ tự và Ni sư trụ trì đã đề nghị chính quyền trả lại đất Bệnh xá Dương Biều để làm cơ sở bảo trợ cho trẻ em khuyết tật. Tuy vậy đất vẫn chưa được chính quyền công nhận là tài sản của Khuôn. Từ năm 2001, Sư trú trì vẫn tổ chức nuôi nấng và dạy nghề cho trẻ em khuyết tật. Sau nhiều năm từ đó đến thời điểm ngày 06/11/2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định thành lập Trung tâm bảo trợ trẻ em khuyết tật chùa Long Thọ.
Năm 2013, Ni sư Thích nữ Minh tánh cùng Ni chúng, các hội viên Niệm Phật đường Dương Biều tiếp tục xây dựng Cổng tam quan Chùa Long Thọ. Từ đây diện mạo của Chùa đã khang trang, ấm cúng hơn.
Phật sự hằng năm những năm qua diễn ra theo thông lệ và ngày càng phát triển tích cực. Gia đình Phật tử tu học và sinh hoạt ngày càng đông. Đạo tràng Tu Bát quan trai và Đạo tràng Pháp Hoa tu học đều đặn. Tuy nhiên Hội viên phát triển rất chậm. Nguồn bổ sung từ thế hệ trẻ bị hạn chế. Phần lớn lực lượng đoàn viên Gia đình Phật tử trưởng thành đã đi làm ăn hoặc lập gia đình ngoài địa bàn Niệm Phật đường.
Ngày 16.4.2016, sau những ngày bạo bệnh thì Sư đã thuận thế vô thường, thâu thần thị tịch tại Long Ẩn tịnh thất. Hàng môn đồ cùng đông đảo phật tử lấy làm tiếc nuối và đau buồn trước sự ra đi của Sư. Với bao nhiêu là kỉ niệm, hình bóng của sư luôn tỏa rạng nơi mảnh đất Long Thọ - Dương Biều này. Cho đến nay, Chùa Long Thọ vẫn chưa có sư trụ trì kế nhiệm để gánh vác các công việc của Chùa.
Tác giả: Lê Anh Tuân (Pháp danh: Thích Đức Hạnh) Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Huế ***TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Luận án Tiến sĩ học MS62 22 03 13 của Dương Thanh Mừng năm 2017.
2. Việt Nam Phật giáo Sử Luận, 3 tập, Nguyễn Lang, Nxb Văn học, Hà Nội, 1979.
3. Chư tôn Thiền Đức cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa tập 2, cư sĩ Bửu Bác, Nxb Thuận Hóa.
4. Kỷ Yếu Kỷ Niệm 80 năm thành lập Khuôn Hội Phật Giáo (Lưu hành nội bộ).
CHÚ THÍCH:
[1] Luận án Tiến sĩ sử học MS62 22 03 13 của Dương Thanh Mừng năm 2017 tr. 43-44.
[2] Luận án Tiến sĩ sử học MS62 22 03 13 của Dương Thanh Mừng năm 2017 tr. 50-51.
[3] Nguồn: Danh sách Hội viên Khuôn Dương Biều.
[4] Theo tài liệu lưu trữ tại Khuôn Dương Biều.
[5] Tờ trình của Bác Nguyễn Hữu Tuân.
[6] Căn cứ vào Biên bản của Vức Nguyệt Biều ngày 15/01/1964.
[7] Kỷ Yếu Kỷ niệm 80 năm thành lập Khuôn hội Phật giáo (lưu hành nội bộ), tr.36.
Bình luận (0)