GHPGVN tỉnh Đồng Nai cũng đã trải qua 8 kỳ đại hội, Hệ thống tổ chức, bộ máy điều hành hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai ngày càng hoàn thiện cả về tổ chức và hoạt động, tập hợp đông đảo tăng ni, cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh tham gia sinh hoạt với tinh thần đoàn kết hoà hợp...
Tác giả: Nguyễn Võ Thị Ánh Tứ (Thích nữ Hòa Thảo) Học viên Ths Khóa II - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội
I. MỞ ĐẦU
Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới và cả ở Việt Nam. Trên bình diện quốc gia, Phật giáo đã và đang tác động sâu sắc vào tất các lĩnh vực của đời sống xã hội đã đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý hoạt động của Phật giáo ở Việt Nam nơi mà tôn giáo này hiện diện.
II. NỘI DUNG
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) là tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam, tăng ni, phật tử trong và ngoài nước; hoạt động tuân thủ Hiến pháp và Pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, theo tôn chỉ “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội”; trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Như lai và Hiến chương của GHPGVN. Về phương diện lịch sử, Hiến chương GHPGVN ra đời năm 1981, đây là Luật đạo, những chế định do Trung ương GHPGVN ban hành, được sửa đổi lần thứ VII năm 2023.
Thống kê của GHPGVN tỉnh Đồng Nai, năm 2020. GHPGVN tỉnh Đồng Nai có 489 cơ sở tự, viện; 6.077 tu sĩ, trong đó có 500 tu sĩ hàng giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư và 11.11 đơn vị Hành chính Đạo cấp huyện; tổ chức theo 3 cấp (cấp tỉnh; cấp huyện, cấp cơ sở tự viện). Trụ sở GHPGVN tỉnh Đồng Nai đặt tại chùa Tỉnh Hội, địa chỉ: ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Trong bối cảnh tôn giáo hội nhập quốc tế và sự thay đổi liên tục của đời sống xã hội; vai trò lãnh đạo của người đứng đầu một tổ chức của GHPGVN cần có tầm nhìn, bản lĩnh vững vàng, có năng lực hoạt động Phật sự và phẩm chất đạo hạnh uy nghi. Hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai những năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định. Vấn đề đặt ra là hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai cả về lý luận và thực tiễn đòi hỏi phải được nghiên cứu một cách có hệ thống để tìm ra phương thức hoạt động trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với đặc điểm tình hình Phật giáo ở Đồng Nai phát triển trong lòng dân tộc, hội nhập cùng cộng đồng Phật giáo thế giới.
Để giải quyết được những vấn đề trên nên chúng ta cùng nhau tìm hiểu, thực hiện đánh giá hoạt động của Hành chính đạo GHPG Tỉnh Đồng Nai và đề xuất kiến nghị giải pháp để GHPGVN Tỉnh Đồng Nai ngày 1 tốt đẹp và phát triển hơn cho nên trong từng chương chúng ta sẽ nói rõ hơn về hoạt động của GHPGVN cấp tỉnh.
Chương 1: Hoạt động hành chính đạo của giáo hội phật giáo Việt Nam cấp Tỉnh – cơ sở khoa học và thực tiễn
1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh
Theo Điều 33, Hiến Chương GHPGVN, sửa đổi lần thứ VII năm 2022 (có hiệu lực ban hành năm 2023): “mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo địa giới hành chính, được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì được thành lập tổ chức Giáo hội cấp tỉnh với danh xưng là GHPGVN tỉnh, thành phố”. Phật giáo ở địa phương đại diện tăng, ni, tín đồ Phật tử ở địa phương trực thuộc Trung ương GHPGVN.
2. Tiêu chí đánh giá hoạt động hành chính đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh
Xây dựng tiêu chí đánh giá hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN cấp tỉnh phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh quy định tại Hiến chương GHPGVN và Quy chế hoạt động Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ IX (2022-2027). Mục đích, yêu cầu của việc đánh giá hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN cấp tỉnh với 5 nội dung cụ thể như sau:
Một là, đánh giá đúng hoạt động hành chính đạo của GHPGVN cấp tỉnh là chủ trương xây dựng củng cố, phát triển GHPGVN, lãnh đạo GHPGVN cấp tỉnh đề ra mục tiêu giải pháp quản lý, điều hành GHPGVN cấp tỉnh.
Hai là, việc đánh giá hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN cấp tỉnh phải căn cứ vào xác định chức năng, nhiệm vụ của Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, phản ánh đúng và phù hợp với tình hình địa phương.
Ba là, nội dung đánh giá hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN cấp tỉnh căn cứ vào kết quả thực hiện 03 nhiệm vụ: 1- Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh đặt ra; 2- Lãnh đạo quản lý hoạt động của tăng, ni, tín đồ Phật giáo; 3- Lãnh đạo xây dựng GHPGVN cấp tỉnh phát triển bền vững.
Bốn là, kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động hành chính đạo các đơn vị, các cấp để kịp thời có định hướng, giải pháp chấn chỉnh hỗ trợ hoạt động hành chính đạo hiệu quả đạt mục tiêu đặt ra trong mỗi thời ký, trong từng hoạt động. Có thể bằng phương pháp phân loại, chấm điểm thi đua trong các đơn vị GHPGVN các cấp; tổng số điểm để đánh giá hoạt động hành chính đạo của GHPGVN cấp tỉnh là 100 điểm.
Năm là, xếp loại hoạt động hành chính đạo của GHPGVN cấp tỉnh theo 4 mức: 1- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 2- Hoàn thành tốt nhiệm vụ; 3- Hoàn thành nhiệm vụ; 4- Chưa hoàn thành nhiệm vụ. Theo đó, kết quả thực hiện nhiệm vụ, sự hài lòng của các Ban Trị sự trực thuộc và tu sĩ, tín đồ Phật giáo ở cơ sở đối với GHPGVN cấp tỉnh là sự phản ánh kết quả hoạt động hành chính đạo; là tiêu chí cuối cùng phản ánh đích thực hiệu quả hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN cấp tỉnh.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động hành chính đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tác động đến hiệu quả hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN cấp tỉnh; có thể phân nhóm thành: các yếu tố bên trong và bên ngoài; các yếu tố trực tiếp và gián tiếp; các yếu tố chủ yếu và thứ yếu… Trong điều kiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của GHPGVN cấp tỉnh, có 03 yếu tố chủ yếu tác động đến hoạt động Hành chính Đạo:
Thứ nhất, sự kết hợp hài hòa cách thức quản lý, điều hành, định hướng sự phát triển của GHPGVN cấp tỉnh; tổ chức bộ máy GHPGVN cấp tỉnh; đội ngũ chức sắc làm công tác Hành chính Đạo.
Thứ hai, hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy GHPGVN cấp tỉnh phụ thuộc vào phương thức lãnh đạo của người đứng đầu GHPGVN cấp tỉnh; sự phối hợp giữa GHPGVN cấp tỉnh với các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền ở địa phương; kiểm tra, kiểm soát và sự phân công công việc các thành viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh.
Thứ ba, sự tham gia của các Ban Trị sự cấp huyện, tự viện thuộc GHPGVN cấp tỉnh và chức sắc, tu sĩ, tín đồ Phật giáo đối với Giáo hội nói chung và bộ máy GHPGVN cấp tỉnh nói riêng. Ngoài ra còn có các nhân tố khác như văn hóa, phong tục tập, quán dân cư ở địa phương, sự phát triển của khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế…
4. Kinh nghiệm hoạt động hành chính đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh ở 1 số địa phương
Kinh nghiệm Hoạt động hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong 03 tỉnh, thành thuộc miền Đông Nam Bộ có số lượng tăng ni, cơ sở tự viện nhiều nhất trong cả nước. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã vận dụng nguồn trí tuệ tập thể của hơn 500 tăng ni được bổ nhiệm ở các Ban chuyên môn và 156 tăng ni hoạt động ở Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện, đây là những nguồn lực chủ chốt giúp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu triển khai các hoạt động Phật sự kịp thời đến tu sĩ, tín đồ, tự viện Phật giáo ở cơ sở.
GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu luôn quan tâm, tuyển chọn giới thiệu những người ưu tú vào “tứ trụ” Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh, gồm các chức danh: Trưởng ban / Phó Trưởng ban Thường trực, Chánh Thư ký / Phó Thư ký Chánh Văn phòng chọn đúng người, giao đúng việc, trao đúng quyền. Thực hiện từng bước trẻ hóa đội ngũ nhân sự hoạt động Hành chính Đạo ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, cơ sở) để củng cố năng lực nội tại của Ban Trị sự cấp tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện quán triệt các Ban chuyên môn triển khai Đề án 06 của Chính phủ, ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số vào công tác quản lý hành chính Giáo hội, giải quyết công việc, tra cứu cơ sở dữ liệu về tu sĩ, tự viện nhanh chóng, kịp thời.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ bộ máy Hành chính Đạo đáp ứng nhu cầu phụng sự Đạo pháp theo xu hướng phát triển của thời đại, GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ Trụ trì, nghiệp vụ Hành chính văn phòng, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, văn thư lưu trữ; cử chức sắc, tu sĩ đi học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Phật học ở các Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, TPHCM, Huế, Cần Thơ hoặc tại Trường Đại học Xã hội Nhân văn TPHCM tạo nguồn thế hệ kế thừa
Tóm lại, qua chương 1 chúng ta trình bày những khái niệm; mô hình, quy chế hoạt động của các ban chuyên môn của Trung ương, trên cơ sở Hiến chương GHPGVN Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh có liên quan đến đề tài trong chương 1. Xây dựng các tiêu chí, nêu các yếu tố, đánh giá hoạt động hành chính đạo của GHPGVN cấp tỉnh; một số hoạt động hành chính đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai giai đoạn tiếp theo 2022-2027.
Chương 2: Thực trạng hoạt động hành chính đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017- 2022
1. Khái quát về Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai
Phật giáo được hình thành vào thế kỷ VI trước Công nguyên tại Ấn Độ. Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên, được người Việt Nam tiếp nhận và bổ sung vào đó những nét văn hóa dân tộc. Qua chiều dài lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam xem Phật giáo như một trong những công cụ để chống lại sự đồng hóa văn hóa của quân xâm lược phương Bắc.
Thế kỷ thứ XVI, với sự phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài giữa hai họ Trịnh và họ Nguyễn ghi dấu mốc quan trọng có ảnh hưởng đến lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo được du nhập vào khu vực Nam Bộ theo 4 hướng, trong đó hai hướng chính là:
Hướng thứ nhất, Phật giáo do những người di dân từ miền Thuận - Quảng vào định cư tại Nam Bộ theo hướng đường bộ và đường thủy từ Đồng Nai xuống Gia Định vào thế kỷ XVII, XVIII, XIX (trong đó có cả những nhà sư người Việt và người Hoa) đã mang theo tín ngưỡng, tôn giáo sẵn có từ quê hương vốn đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo Đại thừa trong sự dung hợp tam giáo là Nho, Phật, Lão.
Hướng thứ hai, Phật giáo đã được các nhà sư Trung Quốc đến vùng đất Đồng Nai, Gia Định, Mỹ Tho truyền đạo năm 1679 theo hướng đường thủy, đem lại cho Phật giáo Nam Bộ một nét mới mẻ 17 . Trong quá trình truyền giáo vào Việt Nam, Phật giáo được chia tách ra thành nhiều hệ phái và không được tổ chức thành một Giáo hội chặt chẽ trên toàn thế giới như Công giáo. Phật giáo Nam Bộ đã hình thành 3 hệ phái chính: Bắc tông, Nam tông và hệ phái Khất Sĩ (hệ phái này thành lập năm 1944 do nhà sư Minh Đăng Quang khai sáng tại Nam Bộ). Ngày nay, ở Nam Bộ, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ, cơ sở thờ tự, chức sắc và chức việc nhiều nhất. Trong toàn vùng Nam bộ, số lượng tín đồ Phật giáo là 3,52 triệu người, chiếm 54,7% số lượng tín đồ tôn giáo; số lượng cơ sở thờ tự là 2.670 cơ sở, chiếm 54,2% số lượng cơ sở thờ tự; cùng với số lượng chức sắc là 8.441 người, chiếm 44,48% số lượng chức sắc.
PGS.TS.Nguyễn Đức Lữ nhận định chung về Phật giáo: “về cơ bản, Phật giáo Việt Nam vẫn luôn giữ được truyền thống gắn bó với dân tộc, hoạt động theo tôn chỉ đề ra; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”18. Cùng với hành trình trên, Phật giáo ở Đồng Nai cũng có truyền thống lịch sử lâu đời, từ năm 1616, thời kỳ đầu Phật giáo hiện diện nơi vùng đất Trấn Biên, dọc theo bờ sông Đồng Nai, cách đây trên 400 năm, hiện diện những ngôi chùa cổ Bửu Phong, Long Thiền, Đại Giác. Sau Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ I (năm 1981); Hòa thượng Thích Huệ Thành, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai (năm 1982), với chủ trương “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì truyền thống các hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp”. Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai lần thứ I nhiệm kỳ (1982-1985) được tổ chức thành công từ ngày 27 đến ngày 29/10/1982 tại rạp hát Lido, phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa với 250 đại biểu tham dự; Hòa thượng Thích Huệ Thành được suy tôn làm Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ I, với 25 thành viên, 175 Tự, Viện, 337 tăng, ni tu sĩ [89], ghi dấu mốc son lịch sử Phật giáo ở Đồng Nai từ sau năm 1975.
Hiện nay Phật giáo ở Đồng Nai là một tôn giáo lớn, có quy mô tín đồ đứng thứ hai, sau Công giáo với 950.000 tín đồ, phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh và chủ yếu tập trung ở huyện Long Thành, Vĩnh Cửu và thành phố Biên Hòa, chiếm 42,87 % tổng số tín đồ các tôn giáo ở Đồng Nai; 596 chức sắc, 5,171 tu sĩ sinh hoạt tôn giáo tại 498 cơ sở thờ tự. Có ba hệ phái chính là Bắc tông, Nam tôngvà hệ phái Khất Sĩ [06]. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai đặt tại chùa Tỉnh Hội, địa chỉ: ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
2. Phân tích thực trạng hoạt động Hành chính Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017-2022
Hệ thống tổ chức của GHPGVN tỉnh Đồng Nai giai đoạn nhiệm kỳ 2017-2022:
1- Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai giai đoạn nhiệm kỳ 2017-2022 gồm 03 chư tôn đức: HT. Thích Thanh Từ, Thiền viện Thường Chiếu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; HT. Thích Minh Chánh, chùa Quốc Ân Kim Cang, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; HT. Thích Quang Đạo, chùa Phước Viên, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa
2- Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai giai đoạn nhiệm kỳ 2017-2022 gồm có 72 thành viên là các chư tôn đức, chức sắc Phật giáo, trong đó bao gồm các chức danh: Trưởng Ban Trị sự, Phó Trường ban Thường trực, Phó Trưởng ban chuyên trách, các Trưởng ban chuyên môn, Chánh Thư ký, Phó Chánh Thư ký, Thủ quỹ, ủy viên Thường trực và ủy viên. [xem phụ lục 2].
- Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai điều hành tất cả Hoạt động Phật sự, Hội nghị, Đại hội của Phật giáo tỉnh Đồng Nai là Hòa thượng Thích Nhật Quang trụ trì Thiền viện Thường chiếu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng là người phát ngôn của GHPGVN tỉnh Đồng Nai trong nhiệm kỳ 2017-2022. Tham mưu, giúp việc Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai có Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai gồm có 23 thành viên.
- Phó Trưởng ban: TT. Thích Huệ Khai, chùa Long Thiền, TP. Biên Hòa.
- Phó Trưởng ban, kiêm Chánh Thư ký: TT. Thích Bửu Chánh, Thiền viện Phước Sơn, phường Phước Tân, TP.Biên Hòa.
- Ở cấp tỉnh, Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, đặt tại ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đồng Nai là tỉnh đầu tiên so với cả nước xây dựng Văn phòng Ban Trị sự, cơ quan điều hành, quản lý hành chính Đạo cấp tỉnh của GHPGVN độc lập với cơ sở thờ tự của tôn giáo.
3- Các cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo thống kê của Ban Tăng sựGHPGVN tỉnh Đồng Nai, tính đến tháng 11/2022 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 539 tự viện đã được công nhận chính thức chủ yếu tại huyện Long Thành, Xuân Lộc, Long Khánh, TP.Biên Hòa, 675 am, thất nằm trong khuôn viên cơ sở thờ tự của Phật giáo chưa được công nhận.
4- 11 Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện (cơ quan hành chính của tổ chức Phật giáo, cấp huyện) trực thuộc GHPGVN tỉnh Đồng Nai, điều hành quản lý trực tiếp các hoạt động Phật sự của Giáo hội tại các huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.Ban Trị sự GHPGVN TP. Biên Hòa. Ban Trị sự GHPGVN TP. Long Khánh. Ban Trị sự GHPGVN huyện Tân Phú. Ban Trị sự GHPGVN huyện Định Quán. Ban Trị sự GHPGVN huyện Xuân Lộc. Ban Trị sự GHPGVN huyện Cẩm Mỹ. Ban Trị sự GHPGVN huyện Trảng Bom. Ban Trị sự GHPGVN huyện Thống Nhất. Ban Trị sự GHPGVN huyện Vĩnh Cửu. Ban Trị sự GHPGVN huyện Long Thành. Ban Trị sự GHPGVN huyện Nhơn Trạch.
Ở cấp huyện, có 02/11 Ban Tri sự cấp huyện có văn phòng Ban Trị sự độc lập, không phụ thuộc vào cơ sở thờ tự đó là (Ban Trị sự GHPGVN huyện Long Thành, huyện Xuân Lộc) và 02 đơn vị cấp huyện (Ban Trị sự GHPGVN huyện Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh) đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ về thủ tục đất đai để xin thành lập văn phòng trụ sở Ban Trị sự độc lập với cơ sở thờ tự của Phật giáo. Văn phòng Ban Trị sự các huyện còn lại hầu hết đều đặt tại tự viện riêng của Trưởng ban Ban Trị sự.
Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ VIII giai đoạn 2017-2022 đã suy cử thành viên Ban Thường trực Ban Trị sự và các chức danh Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ VIII giai đoạn 2017-2022; suy cử Hòa thượng Thích Nhật Quang, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017-2022.
Đồng Nai là tỉnh có nhiều tôn giáo, các tôn giáo ở Đồng Nai, trong đó có Phật giáo, mặc dù có nguồn gốc, số lượng tín đồ, phạm vi ảnh hưởng, tác động chính trị - xã hội khác nhau nhưng đều chung đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; cùng đan xen, tồn tại và phát triển hòa đồng với nhau. Những năm qua, Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai đã chủ động hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thực hiện đường hướng hành đạo, hoạt động tôn giáo, hoạt động xã hội theo quy định của pháp luật.
Các lễ nghi, lễ hội của các tôn giáo đều được lãnh đạo Tỉnh ủy, chính quyền các cấp quan tâm đến dự và chúc mừng. Qua đó, đã khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, củng cố niềm tin và những giá trị tích cực của tôn giáo, thể hiện rõ nét trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG): “các tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan”33 . Đây là hướng phát huy nguồn lực tôn giáo đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ đổi mới. Đồng thời, Nhà nước cũng huy động được sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực quốc gia, trong đó có nguồn lực tôn giáo vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế. Thực tiễn đời sống tôn giáo nói chung ở Đồng Nai cho thấy, các tôn giáo có vai trò không chỉ về giá trị giáo dục đạo đức, giá trị văn hóa mà còn có nhiều giá trị tích cực trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện xã hội…Do đó, xem xét tôn giáo với tư cách là một nguồn lực góp phần vào việc xây dựng và phát triển xã hội là một hướng đi đúng, thiết thực trong giai đoạn hiện nay.
3. Đánh giá hoạt động Hành chính Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017-2022
Theo dòng lịch sử GHPGVN, tính đến nay GHPGVN tỉnh Đồng Nai cũng đã trải qua 8 kỳ đại hội. Hệ thống tổ chức, bộ máy điều hành hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai ngày càng hoàn thiện cả về tổ chức và hoạt động, tập hợp đông đảo tăng ni, cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh tham gia sinh hoạt với tinh thần đoàn kết hoà hợp, vận dụng trí tuệ của tập thể để thực hiện đổi mới đường hướng Hoạt động Hành chính Đạo. Đồng Nai cũng là địa phương đầu tiên xây dựng trụ sở làm việc của Ban Trị sự, Ban Thường trực GHPGVN tỉnh Đồng Nai, độc lập với cơ sở thờ tự tôn giáo, gọi chung là cơ quan quản lý hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai (tên gọi khác là chùa Tỉnh hội). Cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai được củng cố, kiện toàn, hoạt động theo Hiến chương GHPGVN và các văn bản Trung ương GHPGVN ban hành; giữ mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên với Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện đàm bảo triển khai, thực hiện thông tin, Nghị quyết, văn bản chỉ đạo, quản lý điều hành của lãnh đạo GHPGVN cấp tỉnh, cấp Trung ương được thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở tự viện.
Bằng sự vận dụng trí tuệ tập thể, tinh thẩn hòa hợp, đoàn kết, phát huy tính sáng tạo, giữ vững niềm tin tôn giáo của các chức sắc, tu sĩ, tín đồ Phật giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, GHPGVN tỉnh Đồng Nai đã tổ chức thành công 3 kỳ Đại Giới đàn để truyền trao giới pháp, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc, thành lập nhiều tự viện.
GHPGVN tỉnh Đồng Nai hàng năm đã bám sát các nội dung, kế hoạch hoạt động Hành chính Đạo, quán triệt 12 Trưởng ban chuyên môn và 11 Ban Trị sự cấp huyện thuộc Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm theo Quy chế tổ chức và hoạt động do Trung ương GHPGVN ban hành; sau quán triệt các Ban chuyên môn và Ban Trị sự GHPGVN các huyện, thành phố trực thuộc GHPGVN tỉnh Đồng Nai có nhiều chuyển biển tích cực trong hoạt động Hành chính Đạo; kịp thời nắm bắt, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý tăng ni, tự viện và hoạt động Phật sự
Dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn ở chương 1; trong chương 2 luận văn, chúng ta đã hệ thống tổ chức bộ máy của GHPGVN tỉnh Đồng Nai gồm: Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, 12 Ban chuyên môn thuộc Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai và 11 Ban Trị sự cấp huyện theo địa giới hành chính, được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; phân làm 03 cấp: Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện và Ban Quản trị tự viện ở cơ sở.
Để đánh giá đúng tình hình thực tiễn hoạt động của Phật giáo ở Đồng Nai nơi duy trì mạng mạch của GHPGVN; bước đầu chúng ta lược sử Phật giáo tỉnh Đồng Nai để thấy được đặc điểm của Phật giáo ở cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và phân tích thực trạng hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai theo khung lý thuyết đã xây dựng ở chương 1; để từ đó chúng ta lựa chọn những giải pháp phù hợp trước xu thế phát triển của tôn giáo và xã hội thời hiện đại
Chương 3: Giải pháp hoàn thiện hoạt động hành chính đạo của giáo hội phật giáo việt nam tỉnh đồng nai đến năm 2030
1. Mục tiêu, phương hướng hoàn thiện hoạt động Hành chính Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai
GHPGVN tỉnh Đồng Nai hoạt động theo phương châm của GHPGVN “Đạo Pháp Dân tộc Chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành giáo pháp, giới luật Phật chế và tuân thủ pháp luật Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”35.
Phát huy trí tuệ tập thể, nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, phát triển Phật giáo Đồng Nai vững mạnh hội nhập quốc tế trong thời đại công nghệ số. Từ những mục tiêu chung này, căn cứ vào thực trạng hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017-2022. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai lần thứ IX (nhiệm kỳ 2022 - 2027) đã xác định mục tiêu và nhiệm vụ của Ban Trị sự
GHPGVN tỉnh Đồng Nai trong những năm tiếp theo, những nội dung cụ thể như sau:
Triển khai, thực hiện Đề án 06 của Chính Phủ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, xây dựng cổng thông tin văn phòng Hành chính Đạo điện tử của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai liên thông từ cơ sở đến cấp tỉnh và Trung ương GHPGVN; không ngừng nâng cấp, cập nhật các tiện ích trên trang www.phatgiaodongnai.org, kênh youtube Phật giáo Đồng Nai và tập san Phật giáo Đồng Nai để truyền tải những giá trị văn hóa Phật giáo, những gương sáng giữa đời thường góp phần vào việc hoằng pháp, lợi đạo ích đời.
Phát huy có hiệu quả nguồn lực tôn giáo trong triển khai, thực hiện kế hoạch, chương trình hoạt động Phật sự của GHPGVN tỉnh và Trung ương; các chương trình hoạt động xã hội của tôn giáo đóng góp cho sự phát triển của Đồng Nai. Thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ X về công tác tôn giáo và Hiến chương của GHPGVN trong hoạt động tôn giáo tham gia các phong trào an ninh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường.
Hoạt động Hành chính Đạo của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai tuân thủ nguyên tắc hoạt động theo Hiến chương GHPGVN và pháp luật của Nhà nước, căn cứ vào thực tiễn, tình hình hoạt động tôn giáo ở Đồng Nai, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai lần thứ IX (nhiệm kỳ 2022 - 2027) đã xác định mục tiêu, phương hướng hoạt động của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai trong những năm tiếp theo, những nội dung cụ thể như sau:
Nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai trong việc triển khai, thực hiện chương trình, kế hoạch trọng tâm công tác Phật sự nhiệm kỳ 2022-2027. Từng thành viên Ban Trị sự tập trung tư duy trí tuệ, chủ động trong công tác Phật sự của GHPGVN tỉnh, đặc biệt là công tác Hành chính Đạo. Chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ Hành chính Đạo cho các thành viên Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện và các Ban chuyên môn thuộc GHPGVN tỉnh, nhất là đối với các chức danh Chánh Thư ký, Phó Chánh Thư ký; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng; cơ cấu, bổ sung nhân sự Văn phòng Ban Trị sự tỉnh có năng lực chuyên môn, đúng người đúng việc; khen thưởng, biểu dương, động viên các thành viên tích cực trong công tác Hành chính Đạo kịp thời. Và trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế, tôn giáo đang có ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; nhiều vấn đề mới đang đặt ra cho GHPGVN nói chung, Phật giáo Đồng Nai nói riêng hiện đang đứng trước một số khó khăn cần giải quyết như vấn đề hiện đại hóa Phật giáo hay tình trạng sa sút đạo hạnh của một số tăng ni; lối sống hưởng thụ của thế tục, nương nhờ Phật giáo đã và đang xuất hiện trong một số tu sĩ không chịu rèn luyện, tu dưỡng Phật pháp. Bên cạnh đó, một bộ phận tín đồ của Phật giáo vẫn còn mê tín dị đoan, thậm chí cuồng tín dễ bị các phần tử thiếu thiện chí với Việt Nam lôi kéo, lợi dụng tôn giáo để thực hiện ý đồ chính trị hay là việc thống kê chính xác số lượng tín đồ Phật giáo để quản lý đã trở thành một vấn đề cấp thiết không chỉ đối với cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo mà còn đối với cả GHPGVN
2. Những giải pháp hoàn thiện hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai đến năm 2030
Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Bởi vì nhận thức chỉ đạo hành động; chỉ có nhận thức đúng trên tinh thần hòa hợp thì hành động mới đúng. Bàn về giới trong hoạt động tăng sự, Đức Phật có những lời dạy cuối cùng “…này chư Tỳ kheo ngày nào các vị còn giữ gìn đoàn kết và thường xuyên hội họp để học hỏi lẫn nhau, ngày ấy Tăng đoàn còn tiếp tục phát triển và hưng thịnh…; ngày nào các vị còn giữ sự thống nhất và hòa thuận khi hội tụ với nhau hay khi cùng thảo luận những quyết định quan trọng, ngày nào các vị còn triệt để tôn trọng và tuân thủ những giới luật mà Như Lai đã ban hành để giúp đỡ và bảo hộ các vị, không bày thêm những giới luật mới khó khăn và áp đặt, ngày ấy Tăng đoàn không bị suy thoái…” [76, tr.05]. Chất lượng hoạt động Hành chính Đạo bắt đầu từ nhận thức trách nhiệm của các thành viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai trong hoạt động quản lý, điều hành GHPGVN tỉnh Đồng Nai. Nhận thức đúng, trách nhiệm cao là cơ sở để Ban Trị sự cấp tỉnh, cấp huyện xác định mục tiêu, phương hướng hoạt động Phật sự hàng năm. Thực tiễn hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua cho thấy, Ban Trị sự cấp nào thường xuyên quan tâm đến hoạt động Hành chính Đạo thì nơi đó hoạt động Phật sự đạt kết quả cao. Vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các thành viên Thường trực Ban Trị sự về công tác Phật sự; theo đó cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Một là, công tác Phật sự, hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai phụ thuộc nhiều vào việc thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động Phật sự của các Ban chuyên môn và Ban Trị sự GHPGVN các huyện, các cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Vì vậy, các Ban chuyên môn và Ban Trị sự GHPGVN các huyện cần thường xuyên đổi mới các hình thức sinh hoạt và hoạt động tôn giáo, phát huy vai trò, trách nhiệm, quyền làm chủ của các chức sắc, tu sĩ Phật giáo; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, theo tinh thần đoàn kết hòa hợp nội bộ tôn giáo.
Hai là, định kỳ tổ chức, thực hiện các hình thức giao ban, hội nghị triển khai kế hoạch, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm hoạt động Phật sự, hoạt động Hành chính Đạo. Đặc biệt là các Ban Trị sự ở địa phương có đông tín đồ, tu sĩ, tự viện của Phật giáo cần thường xuyên duy trì chế độ nề nếp giao ban, triển khai kế hoạch, chương trình công tác. Thường xuyên nắm bắt, đánh giá đúng tình hình tôn giáo ở địa phương; tình hình hoạt động và thực hiện nhiệm vụ của Ban Trị sự các huyện trực thuộc GHPGVN tỉnh có sự phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; quan tâm xây dựng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân sự kế thừa những nhiệm kỳ tiếp theo
3. Kiến nghị
GHPGVN dù đã trải qua hơn 40 năm thành lập và phát triển, tín đồ Phật giáo là mục tiêu chủ thể trong hoạt động hoằng pháp, truyền bá giáo lý; tăng ni, tín đồ là trung tâm trong hoạt động hướng dẫn sinh hoạt tu học, thực hành niềm tin tôn giáo. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thống kê năm 1999 là 7,1 triệu tín đồ Phật giáo; năm 2009 là 6,8 triệu; năm 2019 là 4,6 triệu tín đồ38 đã cho thấy số lượng tín đồ theo Phật giáo bị giảm, hiện tượng phai nhạt đạo, rời xa đạo, cải đạo và niềm tin của cộng đồng đối với Phật giáo thời hiện đại lại không cao so với những giai đoạn trước, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan đã ảnh hưởng đến hoạt động truyền bá giáo lý, hoằng pháp lợi sinh; vì vậy, GHPGVN cần chỉ đạo GHPGVN các cấp đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động hoằng pháp, hoạt động hướng dẫn Phật tử. Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng bài bản đội ngũ giảng sư trẻ cấp Trung ương và giảng sư đoàn cấp tỉnh, Huynh trưởng Gia đình Phật tử. Xây dựng chương trình hoạt động Phật sự dành riêng cho tín đồ, cư sĩ Phật giáo hướng vào độ tuổi thanh, thiếu niên, nhi đồng, giới trẻ tiềm năng trở thành tín đồ Phật giáo
Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch tạo nguồn trẻ hóa nhân sự Ban Pháp chế GHPGVN cấp tỉnh, hiện nay khó tuyển chọn được đội ngũ nhân sự này; phần lớn thành viên Ban Pháp chế cấp tỉnh hiện nay chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, rất ít thành viên chuyên trách am hiểu văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, có kỹ năng hành chính, kỹ năng soạn thảo văn bản hành chính, kỹ năng tham mưu GHPHVN cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai, cơ sở thờ tự, hoạt động giáo dục, y tế, hoạt động xã hội của Phật giáo. GHPGVN cần quán triệt, chỉ đạo GHPGVN các cấp triển khai, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trong việc số hóa các dữ liệu về tăng ni, tự viện đồng bộ về mặt tổ chức Hành chính Đạo liên thông dữ liệu được thông suốt từ cơ sở về Trung ương GHPGVN; một số thủ tục hành chính đơn giản cho phép đăng ký qua cổng điện tử online Phật giáo, khi thực hiện thủ tục hành chính cần có quy định thời gian hoàn trả hồ sơ bằng giấy hẹn.
GHPGVN quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn GHPHVN các cấp vấn đề trọng dụng, sử dụng tăng ni đã tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ sau khi hoàn tất việc học trở về phục vụ Phật giáo địa phương. Thực tế hiện nay, Phật giáo các tỉnh vẫn chưa quan tâm nhiều đến các tăng ni học tập cấp bậc thạc sĩ, tiến sĩ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân hoặc đi du học các nước, đa phần tăng ni tự túc kinh phí đi học, trải qua quá trình phấn đấu hoàn tất việc học, đạt được văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ khi trở về địa phương tăng ni vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp lãnh đạo Giáo hội, nếu có quan tâm cũng chưa sử dụng đúng năng lực chuyên môn đã được đào tạo, gây lãng phí nguồn lực, vật lực. Nếu được GHPGVN quan tâm thực hiện sẽ tạo ra những bước tiến vượt bậc, không chỉ phục vụ cho sự phát triển của Phật giáo nước nhà, mà còn là nguồn nhân lực chất lượng cao trong công cuộc duy trì mạng mạch Phật giáo tại các địa phương. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hành chính Đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên trong Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ Hành chính Đạo, nghiệp vụ công tác trụ trì cơ sở thờ tự cho tăng, ni phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Định hướng các hệ phái pháp môn tu tập Phật giáo phù hợp với xã hội hiện đại, phù hợp với cộng đồng dân cư. Thống nhất giữa sinh hoạt tôn giáo với việc phát huy vai trò người trụ trì cơ sở thờ tự trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, vật thể của Phật giáo phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh và lợi ích quốc gia, dân tộc; đổi mới phương thức hoằng dương Phật pháp, phương thức hướng dẫn tín đồ Phật tử sinh hoạt thực hành tôn giáo kiên quyết bài trừ các hoạt động mê tín, dị đoan nhất là trong việc tổ chức ma chay, cầu an, cầu siêu…
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình hoạt động tôn giáo ở cơ sở, nắm bắt kịp thời những khó khăn, những vấn đề vượt phạm vi thẩm quyền của Giáo hội báo cáo cơ quan có thẩm quyền phối hợp cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để giải quyết những vấn đề ở cơ sở phòng ngừa các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam lợi dụng tôn giáo xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ảnh hưởng đến an ninh tôn giáo, trật tự an toàn xã hội; có biện pháp giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh mới về tôn giáo.
Trong chương 3 này, từ thực tiễn hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017-2022 đã đặt ra nhiều vấn đề cho GHPGVN tỉnh Đồng Nai trong việc xác định mục tiêu, phương hướng hoạt động Hành chính Đạo giai đoạn 2022-2027.
Theo 04 tiêu chí đã xây dựng ở chương 1 và phân tích thực trạng ở chương 2, học viên đã tập trung nghiên cứu đề xuất 06 nhóm giải pháp hoàn thiện hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai tầm nhìn đến năm 2030: 1-Nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của chức sắc Phật giáo trong hoạt động quản lý, điều hành GHPGVN tỉnh Đồng Nai; 2- Hoạt động Phật sự theo Hiến Chương của GHPGVN và hoạt động Hành chính Đạo theo Luật pháp Việt Nam, Luật pháp quốc tế, đoàn kết tôn giáo theo phương châm Trí huệ, Kỷ cương, Hội nhập, Phát triển; 3- Coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ tăng ni, giảng sư đoàn dành riêng cho hoạt động Hành chính Đạo, đánh giá hàng năm về năng lực quản lý, điều hành của GHPGVN cấp tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; 4- Phát huy vai trò GHPGVN là thành viên khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; 5- Thực hiện kiểm tra, giám sát các Ban chuyên môn, Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện thuộc GHPGVN tỉnh Đồng Nai để có những định hướng hoạt động Hành chính Đạo
III. KÉT LUẬN
Trên 40 năm, kể từ năm 1981, thành lập GHPGVN, Phật giáo Việt Nam với phương châm “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”, hoạt động Hành chính Đạo đã đạt được những kết quả nhất định trong quá trình phụng sự đạo pháp và dân tộc. Cùng chung lo Phật sự trong ngôi nhà chung GHPGVN, hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai giai đoạn (2017 – 2022) được vận hành bởi bộ máy GHPGVN tỉnh Đồng Nai, theo Quy chế hoạt động Ban Trị sự GHPGVN tỉnh. Trên phương diện tôn giáo, GHPGVN tỉnh Đồng Nai cũng có bộ máy quản trị Hành chính Đạo gọi là “Ban Trị sự và Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai”.
Xuất phát từ thực tiễn đối tượng nghiên cứu và yêu cầu của việc hoàn thiện những cơ sở khoa học để đánh giá đúng thực trạng hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN cấp tỉnh, phản ánh trung thực với thực tiễn; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh quy định tại Hiến chương GHPGVN và Quy chế hoạt động Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, học viên đã xây dựng 04 tiêu chí đánh giá:
1)- Tiêu chí lãnh đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của GHPGVN cấp tỉnh quy định tại Hiến chương GHPGVN;
2)- Tiêu chí lãnh đạo công tác giáo dục Tăng, Ni, tín đồ Phật giáo trên địa bàn tỉnh;
3)- Tiêu chí lãnh đạo kết quả hoạt động Phật sự của các Ban chuyên môn thuộc Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh;
4)- Tiêu chí lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ chức sắc chủ chốt GHPGVN cấp tỉnh.
Từ 04 tiêu chí trên, học viên đánh giá thực trạng hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017-2022 ở chương 2 kết quả cho thấy: hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định, phát huy nguồn lực tôn giáo đóng góp cho sự phát triển của Đồng Nai; với phẩm chất đạo hạnh, năng lực và uy tín của các bậc Tôn túc lãnh đạo GHPGVN tỉnh Đồng Nai đã tác động tích cực đến sự phát triển của đạo pháp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tu sĩ, tín đồ Phật giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận khách quan rằng bên cạnh những thành tựu đạt được, do nhiều điều kiện khách quan, chủ quan, còn nhiều vấn đề hạn chế cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thiện hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn tiếp theo; học viên đề xuất 06 nhóm giải pháp:
1)- Nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của Ban Trị sự, Ban Thường trực Ban Trị sự trong hoạt động quản lý, điều hành GHPGVN tỉnh Đồng Nai;
2)- Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, hoạt động theo Hiến Chương của GHPGVN và Luật pháp Việt Nam, Luật pháp quốc tế; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự hoạt động Hành chính Đạo;
3)- Tuyên truyền sâu rộng đường hướng hành đạo theo Hiến chương GHPGVN, Đoàn kết nội bộ, đoàn kết tôn giáo theo phương châm Trí huệ, Kỷ cương, Hội nhập, Phát triển đến các thành viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai và Tăng Ni, tín đồ Phật giáo ở Đồng Nai;
4)- Kết hợp xây dựng, củng cố GHPGVN tỉnh Đồng Nai đồng hành cùng chính quyền, tham gia HĐND, MTTQVN các cấp, phát huy vai trò thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
5)- Coi trọng công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tăng ni, giảng sư dành riêng cho hoạt động Hành chính Đạo; đánh giá hàng năm về năng lực quản lý, điều hành của GHPGVN cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;
6)- Đổi mới, phương thức quản lý, điều hành, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của GHPGVN tỉnh Đồng Nai đối với Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện.
Để đảm bảo tính khả thi, các giải pháp học viên nghiên cứu đề xuất trong luận văn đã được tham vấn những chuyên gia về tôn giáo và các chức sắc quản lý, điều hành GHPGVN ở các cấp để giải quyết thấu đáo những vấn đề đặt ra cho đề tài nhằm tăng độ tin cậy cho những đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện hoạt động Hành chính Đạo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai giai đoạn tiếp theo.
Tác giả: Nguyễn Võ Thị Ánh Tứ (Thích nữ Hòa Thảo) Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội ***IV. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hà Ngọc Anh (2018), Quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Quản lý Hành chính công, Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội. 2. Ban Biên dịch Đạo Uyển (2016), Từ điển Phật học, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.526 3. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 25/NQ-TW Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo. 4. Ban Chấp hành Trung ương, Văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII 5. Ban Tôn giáo Chính phủ (2017), Bài giảng Tôn giáo và công tác Tôn giáo, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội. 6. Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai (2022), Báo cáo tình hình tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2022, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 7. Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai (2023), Phát huy nguồn lực các tôn giáo đóng góp cho sự phát triển của Đồng Nai, Đề tài khoa học cấp tỉnh, Đồng Nai. 8. Bộ Nội vụ, Thông tư 01/2013/TT-BNV ngày 25/3/2013 của Bộ Nội vụ Ban hành và hướng dẫn biểu mẫu thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tín ngưỡng, Tôn giáo. 9. Chính phủ Việt Nam, Nghị định 162/2017/NĐ-CP, Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016. 10. Lê Tâm Đắc (2009), Vấn đề từ thiện xã hội của Phật giáo Việt Nam hiện nay, Tạp chí Công tác Tôn giáo, (9). 11. Vũ Quốc Đạt (2015), Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Luận văn Thạc sĩ Tôn giáo học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội, Hà Nội. 12. Nguyễn Tất Đạt (2011), Mối quan hệ giữa Nhà nước và giáo hội phật giáo Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 13. Thích Thanh Điện (2016) Quá trình hình thành và phát triển của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội. 14. Thích Nữ Như Đức (2009), Lịch sử Ni giới Bắc Tông, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội. 15. Thích Nữ Như Đức (2022), Phật giáo Đồng Nai trong đời sống tu sĩ, Tạp san Phật giáo Đồng Nai số 03/2022, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. tr.62-63 16. Nguyễn Hồng Dương (2012), Quan điểm, đường lối của Đảng về tôn giáo và những vấn đề tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 17. Nguyễn Hồng Dương (2015), Quan điểm, chính sách đối với tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, quá trình 40 năm ‘1975 -2015’, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Hà Nội. 18. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2003), Kinh Trường Bộ tập IV, Nxb. Tôn giáo, tr.167-168. 19. Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội (2016), Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành và phát triển, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 20. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2017), Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017-2022. 21. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tu chỉnh lần thứ VI nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022), Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 22. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Nghị quyết số 269/NQ-HĐTS ngày 17 tháng 7 năm 2018, Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN. 23. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định 103/QĐ-HĐTS ngày 12 tháng 6 năm 2018 về việc ban hành nội quy Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 24. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 091/QĐ-HĐTS ngày 12 tháng 6 năm 2018 về việc ban hành nội quy Phân ban Ni giới Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 25. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 092/QĐ-HĐTS ngày 12 tháng 6 năm 2018 quy định nội quy Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 26. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 093/QĐ-HĐTS ngày 12 tháng 6 năm 2018 quy định nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 27. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 094/QĐ-HĐTS ngày 12 tháng 6 năm 2018 quy định nội quy Ban Hoằng pháp Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 28. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 095/QĐ-HĐTS ngày 12 tháng 6 năm 2018 quy định nội quy Ban Nghi lễ Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 29. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 096/QĐ-HĐTS ngày 12 tháng 6 năm 2018 quy định nội quy Ban Văn hóa Trung ương khóa VIII nhiệm kỳ 2017-2022. 30. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 097/QĐ-HĐTS ngày 12 tháng 6 năm 2018 quy định nội quy Ban Kinh tế Tài chính Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 31. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 098/QĐ-HĐTS ngày 12 tháng 6 năm 2018 quy định nội quy Ban Từ thiện xã hội Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 32. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 099/QĐ-HĐTS ngày 12 tháng 6 năm 2018 quy định nội quy Ban Phật giáo quốc tế Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 33. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 100/QĐ-HĐTS ngày 12 tháng 6 năm 2018 quy định nội quy Ban Thông tin truyền thông Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 34. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 101/QĐ-HĐTS ngày 12 tháng 6 năm 2018 quy định nội quy Ban Pháp chế Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 35. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 102/QĐ-HĐTS ngày 12 tháng 6 năm 2018 quy định nội quy Ban Kiểm soát Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 36. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 164/QĐ-HĐTS ngày 27 tháng 8 năm 2018 quy định về người phát ngôn, chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong Hệ thống tổ chức GHPGVN theo Điều 11 và Điều 57 Hiến chương GHPGVN. 37. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 173/QĐ-HĐTS ngày 05 tháng 9 năm 2018 về việc ban hành quy chế hoạt động Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2017-2022) 38. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 174/QĐ-HĐTS ngày 05 tháng 9 năm 2018 về việc ban hành quy chế hoạt động Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 39. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 175/QĐ-HĐTS ngày 05 tháng 9 năm 2018 về việc ban hành quy chế hoạt động Ban Trị sự GHPGVN quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. 40. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Quyết định số 185/QĐ-HĐTS ngày 18 tháng 9 năm 2018 quy định nội quy Ban Tăng sự Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 41. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2019), Nghị quyết số 271/NQ-HĐTS ngày 12 tháng 7 năm 2019, Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN. 42. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2019), Quyết định số 031/QĐ-HĐTS ngày 15 tháng 01 năm 2019 quy định nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 43. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2023), Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Sửa đổi lần thứ VII nhiệm kỳ IX (2022 – 2027), Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 44. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai (2017), Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ VII (2012-2017) và phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022).
Các Website Ban Tôn giáo Chính phủ: http://btgcp.gov.vn/ Cơ sở dữ liệu số Giáo hội Phật giáo Việt Nam: https://vbgh.vn/ Cổng thông tin điện tử Phật giáo tại Việt Nam: https://phatgiao.org.vn/ Cổng thông tin văn phòng Trung ương GHPGVN: https://www.phatsuonline.com/ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: http://www.hcma.vn/ Học viện Phật giáo Việt Nam tại Cần Thơ: http://phatgiaonamtongkhmer.org/ Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội: www.hvpgvn.edu.vn Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế: http://vba.edu.vn/ Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM: http://www.vbu.edu.vn/ Tạp chí Cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/ Tạp chí nghiên cứu Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.com/ Tạp chí xây dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/ Trang thông tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương: http://hdll.vn/
V/ DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
Viết tắt Viết đầy đủ ĐĐ: Đại đức GHPGVN: Giáo hội Phật giáo Việt Nam HT: Hòa thượng MTTQ: Mặt trận Tổ quốc Nxb: Nhà xuất bản QLNN: Quản lý Nhà nước TNTG: Tín ngưỡng tôn giáo TTTT: Thông tin Truyền thông TT: Thượng tọa UBND: Ủy ban Nhân dân
Bình luận (0)