Đọc qua các bản Nôm thì thấy các trường hợp chữ dị bản của tác phẩm Uy Nghi Quốc Ngữ không nhiều, và câu từ cũng na ná nhau chứ không gây sai lệch nhiều về ngữ nghĩa.

NNC Phan Anh Dũng Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024

Tóm tắt: Giới thiệu các bản Nôm Uy Nghi Quốc Ngữ và thực hiện khảo chú dị bản, ngoài ra có khảo chú ngắn gọn về từ cổ, chữ húy và cung cách viết chữ Nôm.

Từ khóa: Uy Nghi Quốc Ngữ, Chân Nguyên, Như Thị, Như Như, Thanh Chấn

A. Giới thiệu:

Uy Nghi Quốc Ngữ Diễn Nôm là một trong số ít những tác phẩm văn học Phật giáo giai đoạn thế kỉ 17 - 18 được viết bằng chữ Nôm còn sót lại cho đến ngày nay nên rất đáng quý. Hai câu mở đầu cho biết người soạn là Như Thị, Thượng tọa Thích Tiến Đạt trong sách “Những điều căn bản dành cho người mới xuất gia” chú rằng Như Thị là đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên, thông tin trên có vẻ hợp lý vì các vị đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên đều thuộc hàng chữ “Như”.

Trong bộ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (2012) của Nguyễn Lang (thiền sư Thích Nhất Hạnh), có phần nói về thiền sư Chân Nguyên và các đệ tử của Ngài như sau: “Ông (thiền sư Chân Nguyên) còn hiệu đính và trùng khắc Thánh Đăng Lục, các thế hệ sau ông được phú chúc sự nghiệp phục hồi nền văn học Phật giáo nước nhà. Như Trí trùng san Thiền Uyển Tập Anh (1715). Như Sơn soạn Kế Đăng Lục (1734). Như Trừng và Như Hiện chuyển ra văn Nôm những văn bản về giới luật như Sa Di Thập Giới, Hai Mươi Bốn Thiên Uy Nghi...”. Nếu thông tin này đúng thì Uy Nghi Quốc Ngữ (tức Hai Mươi Bốn Thiên Uy Nghi) do tổ Như Trừng và Như Hiện cùng tham gia diễn Nôm(1), vậy phải chăng Như Hiện cũng là Như Thị? Ngoài ra còn có một số thông tin khác, chẳng hạn chùa Bổ Đà nhận Như Thị là thiền sư Tính Ánh, tổ khai phái chùa Bổ Đà(2), thông tin này chúng tôi có từ thầy Thích Đồng Dưỡng, tuy nhiên chính thầy Thích Đồng Dưỡng cũng cho là còn chưa chắc chắn.

Về văn bản gốc, chúng tôi hiện có các bản Nôm sau:

1. Bản trong sách Lễ tụng hành trì tập yếu chư nghi tàng bản của chùa Vĩnh Khánh (Yên Ninh, Hải Dương, thường gọi là chùa Trăm Gian), sau sẽ ký kiệu là bản A, đây là cuốn sách rất phổ thông nhiều chùa có và in lại.

2. Bản Nôm in phụ phía sau cuốn Tịnh độ sám nguyện, khắc năm Thành Thái Đinh Dậu (1897), ở phần Uy nghi quốc ngữ ghi là tì khưu Thanh Chấn trụ trì chùa Đại Tâm, xã Nhị Châu, tổng Trác Châu, huyện Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương trùng san, mộc bản cũng lưu tại chùa này, thợ khắc chính là Phó Châu. Chúng tôi hiện có một bản do Trung tâm Tư liệu Phật giáo mới sao chụp được ở chùa Đồng Đắc huyện Kim Sơn, Ninh Bình, có trang ghi là do một số tín chủ ở Ninh Bình xin trang ấn lại để cúng dường nên có thể in sau năm khắc 1897 (lấy ván cũ in lại), sách in khổ 31,5x20,5cm, khung in kích thước 17x24 cm chia 10 cột, mỗi cột 20 chữ, tuy nhiên do tình trạng văn bản này mục nát khá nhiều, mất một số chữ ở mép ngoài và góc dưới, nên chúng tôi đã liên hệ với thầy Thích Đồng Dưỡng để thỉnh một bản ảnh chụp khác rõ và đầy đủ hơn để thực hiện việc khảo chú dị bản, sau sẽ ký hiệu đây là bản B.

3. Bản in lại từ bộ ván hiện còn lưu ở chùa Bổ Đà, sau sẽ ký hiệu là bản C, khả năng đây là một bản khắc sớm đầu đời Nguyễn vì không húy chữ Thì (tên vua Tự Đức). Bản này có lẽ được khắc lại từ một bản cuối đời Lê nên còn giữ được một số lưu tích từ cổ và cách viết chữ Nôm cổ.

4. Bản Nôm chùa Sùng Phúc-Tam Huyền(3) in kèm sau cuốn “Nhật tụng”, do thầy Thích Đồng Dưỡng cung cấp, ký hiệu là bản D.

Đọc qua các bản Nôm thì thấy các trường hợp chữ dị bản của tác phẩm Uy Nghi Quốc Ngữ không nhiều, và câu từ cũng na ná nhau chứ không gây sai lệch nhiều về ngữ nghĩa. Tuy nhiên cũng nên thực hiện so sánh, hiệu khảo để lưu truyền lâu dài, tránh sai lệch thêm, ngoài ra còn góp phần tìm hiểu hệ thống chữ Nôm và tiếng Việt cổ khoảng thế kỷ 17-18, đó là mục đích của bài viết này.

Qua đối chiếu sơ bộ thì bản D gần như trùng hoàn toàn bản B, có khả năng là khắc lại của nhau, vì vậy để tránh rườm rà không cần thiết chúng tôi chỉ tập trung khảo dị trên 3 bản A, B và C, khi phiên âm và khảo dị có tham khảo bản quốc ngữ của thầy Thích Tiến Đạt in trong sách “Những điều căn bản dành cho người mới xuất gia”, ký hiệu là bản QN.

Trang đầu bản A (trong bộ Lễ tụng Hành trì tập yếu chư nghi)

B. Phiên âm và chú giải:

Như Thị cũng dòng Chân Nguyên(4) Lịch triều pháp sự quốc ban rõ ràng Cổ kim nay cũng đảm(5) đang Theo đòi dấu trước, mở mang kim thì(6) Giải hai mươi bốn uy nghi Để cho hậu học biết thì kính tôn. Một(7) rằng: kính đại Sa môn Chẳng được hô hoán húy ngôn tên người Chẳng được đạo thính(8) chê cười

10. Chẳng được đem nói sự người thị phi Dù thấy sa môn bước đi Khởi thân hành lễ(9) một khi tôn nhường Trừ khi đang tụng kinh đường Bệnh cùng thế phát(10), thời thường bữa ăn. Thấy(11) trong Hành Hộ Luật vân: Năm hạ về trước ấy phần Xà Lê(12) Năm hạ về sau kể đi Ấy ngôi Hòa Thượng(13) Sa Di biết tường Hai rằng: sự sư tại đường

20. Hễ là đệ tử xem tường luật nghi Hầu thầy dậy sớm nằm khuya Học hành kinh giáo cứ y đạo truyền Nhược bằng nhầm lỗi chưa nên Bản sư giáo giới tâm yên nhĩ đề(14) Chẳng được nghịch ngữ lại chi Hợp chưởng hồ quỳ(15) sám hối từ nay. Thị sư chẳng được sánh bày? Đứng ngồi chẳng được cao rầy(16) hơn sư Ví dù khiến việc tạp dơ

30. Chẳng được khạc nhổ thờ ơ ngại phiền Dù khi có khách đến chiền Phải ra tiếp đãi, đứng bên hầu thầy Để cho khinh trọng biết hay Lĩnh ý nhời thầy dậy bảo làm sao Hễ là đệ tử cần lao Chẳng được trì hoãn, rêu rao công trình Sư dù khí cảm bệnh sinh(17) Sửa sang phòng thất, sự tình hẳn hoi Thuốc thang, cơm cháo dưỡng nuôi

40. Ấy là đệ tử thực người hiếu trung. Giường thầy chẳng được nằm chung Áo thầy chẳng được mặc cùng ướm chơi Cửu cửu thân cận chớ(18) rời Khẩu truyền tâm thụ những nhời cơ quan(19) Nghĩ thầy đức chửa cao nhàn Đạo còn thiếu thốn, hãy toan đi tìm Học được lại về viếng thăm Tưởng ngày nhất tự sơ tâm đến người. Vỗ về(20) giáo huấn hôm mai

50. Chẳng nhiều thì ít vì người mới nên. Đừng lòng được cá bỏ nơm Giáo đa(21) thành oán sao nên đạo tình. Ba rằng: Tùy sư xuất hành Cúi đầu thui thủi lộ trình theo sau. Chẳng được tả hữu trông đâu Chẳng được trò chuyện cùng nhau bên đường. Chẳng được thăm viếng người làng Chẳng được vào chốn họ hàng quen nay. Dù khi đàn việt đám chay

60. Chờ cho thầy dạy(22) thì nay sẽ ngồi. Hoặc thầy ngoạn cảnh vào chơi Dù khi lễ Phật, chớ hồi khánh xôn(23). Hoặc là thầy muốn đăng sơn Mang chiếu Bồ Đoàn(24) theo kíp cho nhanh(25). Bằng khi thầy có viễn hành Bất ly tất hạ thân tình chớ xa. Giữa đường khe suối thăm qua Tay cầm con gậy biết hòa sâu nông. Mọi đồ phó thác giữ dùng

70. Phải xem cho cẩn(26) thủy chung mựa(27) rời. Phải khi có việc phân sai Hẹn chờ đâu phải, cứ nhời đinh ninh. Trai thời thị lập xuất sinh Chờ cho thực ngật= thời mình sắp(29) thu. Bốn rằng: Nhập chúng đồng trò Cùng nhau huynh đệ ở cho lục hòa. Chẳng được tranh cạnh huyên hoa Cậy tài, cậy trí mình ta hỗn hào. Chẳng được khoe có công lao

Trang đầu bản B (in kèm sau sách Tịnh độ sám nguyện)

80. Mà khinh đại chúng, tu sao cho tuyền (toàn). Nằm thời chẳng được nằm tiên (trước) Dậy thời chẳng được khiên diên sau người. Xỉa răng, xúc miệng rửa môi Từ từ nhổ nước chớ bồi tiếp(30) nhân. Cùng nơi điện tháp thanh tân Chẳng được khạc nhổ, hình thân lõa lồ. Chẳng được đa tiếu sô bồ Cùng nhau cợt nhiễu những trò hý ngôn. Minh đăng thường cúng Phật tiền Chẳng được tự tiện đem chuyên ra ngoài. Hoa thời lấy thuở còn tươi Cúng rồi chẳng được bỏ nơi đất dày(31)

Nghe gọi thời phải thưa ngay Lấy nhời niệm Phật chúng rày hiểu tri. Chớ bạn niên thiếu Sa Di Ngây thơ nào biết phép thì làm sao? Chẳng được nhàn tẩu ra vào Khi dỗi tập viết dồi dào bút nghiên(32). Chẳng được tỵ lãn(33) thâu an Chốn tránh việc chiền đại chúng cười chê. Mặc thời cứ đủ tam y Dư chẳng được để, trao cho bạn hiền(34). Hễ là mỗi nhật lên chiền Sửa sang cẩn thận vững bền áo xiêm. Rửa tay, rửa mặt tinh nghiêm Đèn hương, chuông mõ(35) rồi liền tụng kinh. Chẳng được đàm thuyết triều đình Việc trong chính sự vô tình biết chi. Năm rằng: Tùy chúng thực thì(36) Nghe tiếng kiền trùy kíp phải chỉnh y Ngồi xuống thong thả một khi

Tay nâng(37) ứng khí niệm thì xuất sinh. Cháo cơm bẩy hạt cho tinh Bún bánh một tấc, tày hình móng tay Trao cho đồng tử tống ngay Hoặc là lại muốn tưởng rày ngũ quan (quán) Chẳng được đàm tiếu loạn ngôn Chẳng được thái tốc cùng cơn thái trì(38) Chẳng được lộ sự sinh nghi Chẳng được khua kháo bát thì tác thanh Chẳng được ăn trước một mình Chờ cho có đệ có huynh đồng thì Chẳng được mặn nhạt khen chê

Rồi thời chẳng được dậy đi trước người. Đũa cầm dìu dặt khuyên mời Đồng bàn thực tất, cùng dời bước ra. Sáu rằng: Lễ Phật chiền già Hai bên thì được, giữa tòa trụ Tăng. Thấy trong pháp có dậy rằng:

130. Khi người lễ Phật thì đừng bước(39) qua. Chắp tay chẳng được cao giơ Bằng(40) nhau mười ngón cứ hòa tề(41) hung(42) Kính thầy lễ trước thung dung Sau ta sẽ lễ chớ cùng lễ đua. Hoặc khi sãi vãi đến chùa Có thầy ngồi đấy, chớ cho lễ mình. Khách dù quan chức triều đình Đang trì kinh tượng chớ khuynh(43) vái người. Bảy rằng: Thính pháp chẳng chơi

140. Nghe hiệu mộc bài pháp phục sửa sang Kíp lên cho sớm tòa đường Ngồi thì nghiêm túc, tai tường dạ ôn. Chẳng được chuyên ký danh ngôn, Chẳng được thêm, bớt khéo khôn khoe tài, Đạo còn phảng phất bên ngoài Chưa ngộ rằng ngộ vào tai ra mồm Thiếu niên tài đức chưa gồm Xá tua học luật chớ nom giảng đình. Tám rằng: Tập học điển kinh

150. Luật nghi học trước kinh dành học sau. Học hành săn sắn(44) cho mau Luật kinh tôn trọng mới hầu nên thân. Chẳng được miệng thổi kinh trần(45) Chẳng được tạp vật để gần án kinh. Kinh dù tổn hoại chẳng lành

Kíp toan tu bổ, chớ đành(46) tạ lang(47). Chẳng được tập học(48) ngoại chương Thần kỳ qủy quái những đường tà sư, Chẳng được học tập binh thư Sấm ngôn nhâm độn cùng chư hoang đường. Viết thời cứ lấy rõ ràng Ngang bằng sổ thẳng chẳng màng cầu công. Chín rằng: Nhập tự viện trung

Chẳng được cửa giữa thẳng(49) xông bước vào Hoặc là tả hữu bên nào. Tả thời tả chuyển, hữu vào hữu biên Chẳng được vô cớ đăng đền Vô cớ đăng tháp, chẳng nên đâu là Khạc nhổ thời lánh cho xa Chẳng được gần tòa điện tháp chung quanh. Nhiễu tháp thời nhiễu mấy vòng?

Hoặc ba, hoặc bẩy, kể trình biến tri Nhiễu thời chuyển hữu mà đi Chẳng được chuyển tả lỗi khi(50) pháp mầu Gậy cầm cùng nón đội đầu Điện tháp chẳng được dựng đâu mặc lòng. Mười rằng: Vào chốn Tăng phòng Chớ mê thế sự, chớ lòng nguyệt hoa Đêm ngày cư xử vào ra Nhất phân khổ hạnh chí ta vững bền. Học hành kinh giáo bút nghiên Cứ việc chùa chiền(51) thầy dậy phải nghe.

Chẳng được gian đảng bạn bè Ăn cùng xúp xoáp nữa thì làm sao? Chẳng được húng hính(52) tiếng cao Chẳng được trang điểm khác nào thế gian Chẳng được mặt mũi châu chan(53) Chẳng được giận dữ nói càn nói dông Mười một: Chấp tác việc trong Thổi cơm, ghín(54) nước một lòng kính tin. Rửa chi cứ đủ ba phen Nước thời phải lọc, chẳng nên dối người. Củi đun chẳng được dông dài Nước sôi chẳng được đổ ngoài đường đi.

Dù có nước nóng một khi Chớ đổ xuống đất, nữa thì tổn sinh. Nhất thiết quả, thái(55) trọng khinh Hễ thấy lang tạ thời mình cất thu(56). Móng tay dài phải cắt đi Để lâu cấu uế giắt thì vào trong. Quét chùa chẳng được nghịch phong Rác chẳng được để tích chưng trong chùa Nghị, trùng, tước, thử(57) thời xua Chẳng được cố sát tăng tu thất nghì. Mười hai: vào nhà dục nghi(58) Trước thì rửa mặt, sau thì giội lưng

Chẳng được hý tiếu nói năng Chẳng được mượn gáo, tắm chưng hai người Tắm mau(59) cho chóng tỵ hồi (Đi ra) Chẳng được trì hoãn còn người tắm sau Mười ba: Nhập xí cho mau Chớ khi nội bức mới hầu thung dung Áo quần giải cởi cho xong(60) Dặng(61) lên xem thử có trong chăng là Để cho biết ý người ra Chẳng được trực nhập, phải(62) hòa đương khi. Chẳng được đê thủ thị chi(63) Chẳng được vẽ(64) vách cùng thì nói năng Chẳng được khạc nhổ phi phăng

Khi mà chưa rửa lánh chưng xa người Rửa tay thời dùng thổ khôi(65) Bồ hòn, bồ kết những lời dậy khuyên. Mười bốn: Phép dậy thụy miên (Ngủ nghỉ) Nằm thời hữu hiếp(66) cho(67) yên cát tường Chẳng được nằm ngửa thanh giang(68), Chẳng được đồng sập đồng sàng cùng sư, Chẳng được nằm ngửa đọc thư, Dép giầy chẳng được trưng(69) hư đầu giường. Vị cư thánh tượng pháp đường Răn các tiểu sàng huề niệu chớ qua(70). Mười lăm: Phép dạy vây lò (sưởi lò) Đông thời(71), rét mướt thướt tha lạnh lùng Củi đun nhàn nhạt chớ nồng Chẳng được sưởi mãi, nhường cùng(72) hậu nhân

Ví dù muốn học kinh văn Nhất cử lưỡng tiện(73) mặc phần chúng tăng. Chẳng được nhức lác nói năng Chẳng được ngờ vực thuyết thăng(74) sự người. Mười sáu: Vào phòng nghỉ ngơi Hỏi han đại, tiểu cho người biết thay Dù muốn đem lửa vào nay Dặng lên cho biết, chúng rày(75) sửa sang Bước vào xem sóc(76) cho tường Hỏi han phòng nội còn phương việc gì Đoạn rồi đèn sẽ tắt đi Chẳng được lấy miệng mà suy đèn tàn Phòng người chẳng khá vào càn Đứng ngoài ra tiếng hỏi han trình bày Mười bảy: Đến chùa ni nay Ngồi cho biệt tịch chớ bày(77) hý ngôn

Dù họa(78) ni có khéo khôn Chẳng được thư sớ tiếng đồn thị phi. Chẳng được mượn mõ việc chi Chẳng được thanh vắng thù(79) thì cùng nhau Chẳng được tống lễ đi sau Chẳng được hãnh cầu sám hối tụng kinh.

Mười tám: Chí nhân gia đình(80) Ngồi thì một mình chớ có lẫn ai. Hỏi đâu nói đấy chớ sai Chẳng được vọng ngữ lỡ người cười ta Chủ nhân thiết đãi thang trà Tuy phi pháp hội lễ hòa tòng nghi. Ngũ quán niệm thực một khi Để cho lợi(81) lạc người thì kính tin. Chẳng được cửu tọa liên miên Chẳng được hỏi sự thế duyên làm gì. Mười chín: khất thực ra đi Tìm người tuổi tác một khi bạn cùng.

Tờ đầu bản C (in từ ván lưu ở chùa Bổ Đà)

270. Sắp(82) đến môn nhân dự phòng(83) Thăm xem cho hẳn vân mòng(84) làm sao. Gia vô nam tử chớ vào Hoặc thấy phụ nữ xôn xao(85) thắm hồng Đừng vào chốn ấy là xong(86) Chẳng được đàm thuyết “Khổ”, “Không” cùng người Chẳng được dịu tiếng cầu ai, Nhiều ít chớ nài, phiền não sinh tâm(87) Chẳng được quen thuộc tri âm Cùng ni am viện, sách tầm kiếm ăn.

280. Hai mươi: vào chốn thôn dân Hễ là chẳng thiết, chẳng thân chớ vào. Tìm nơi(88) đức trọng công cao Trai diên là chốn vườn đào đến(89) chơi Đi thời tiêu sái(90) khoan thai Chẳng được nói cười cùng tiểu Sa Di, Giữ cầm(91) kẻo thất uy nghi Túy cuồng, phụ nữ chớ khi đồng hành Dù gặp quan chức triều đình, Nghiêng mình sẽ lánh lộ trình chớ chen

290. Dù về đến chốn già chiền Chẳng khoe(92) hoa mỹ thế duyên trang hoàng Hai mươi mốt : Thị vật tràng(93) Chớ tranh quý tiện, phô(94) hàng bán mua Của trước lên giá đã chu Dù sau có rẻ(95), chớ mua mất lòng. Chợ dù cả họp phiên đông Đường quang thời tránh, chớ xông chen vào(96). Thấy hàng con gái chớ ngồi

Chúng nhân phỉ báng, chê cười nọ(97) khinh. Hai mươi hai: Đệ(98) thi hành Hễ là xuất nhập tiên trình bạch Sư Học hành các việc như như Chẳng được tự tiện, hữu từ bạch(99) qua. Tham phương thứ hai mươi ba: Viễn hành ắt giã(100) bạn hòa mới đi Xa xôi cũng chẳng ngại chi Chớ cho niên thiếu theo đi đồng hành. Chẳng nên kết lũ gian manh Hễ là những đứng hiền lành cùng đi

Du sơn du thủy mựa(101) hề Học hành phỉ chí nam nhi mới mầu Tìm cho đắc ý nơi đâu, Bấy giờ chúng sẽ rủ nhau mà vào. Giãi lòng bạch thực thấp cao, Trông ơn Đại Đức hạnh nào rộng dung. Y bát hai mươi bốn chung: Năm điều với bẩy, liền cùng hai lăm(102) Thuộc lòng ba chú nhập tâm, Bát cùng toạ cụ chớ nhầm làm chi. Cứ y giới luật thụ trì, Sơ tâm học lấy uy nghi làm đầu.

Như Như(103) tổ diễn đã lâu, Như Thị lại giải nối(104) sau để truyền. Tất. (Theo bản A và C đến đây là hết, đoạn dưới là ở bản B do người sau thêm vào. Có thể người thêm là sư Thanh Chấn, trú trì chùa Đại Tâm xã Nhị Châu tổng Trác Châu huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương, vì cuối bản này có ghi sư Thanh Chấn đứng san khắc và tàng bản ở chùa mình)

Tăng gia còn lắm nghĩa huyền, Cần lao phải biết chân thuyên mà cầu. Đã mang tiếng học đạọ mầu, Ba nghìn pháp luật làu làu không quên. Chữ rằng: Hiển thực khai quyền, Hai mươi bốn tắc thuộc liền mới nên. Đến khi đi trước ngồi trên, Hỏi đâu nói đấy chớ nên vọng bình. Có người đến chốn đạo tràng, Nói năng phi lý nhỡ nhàng trước sau. Xem cho rõ bạc cùng thau, Lông rùa sừng thỏ, thiên thu thọ trường.

o0o

C. Sơ khảo về văn từ và chữ nôm

Một số từ cổ trong bản Nôm này:

- Phủ ma撫摩: nghĩa là vỗ về, động viên, có khả năng “phủ ma” chính là dạng cổ, từ nguyên của từ vỗ về

- Mựa: là chớ.

- Bồi tiết 泄: cách nói cổ sử dụng từ Hán Việt, về sau không thấy dùng.

- Dấy: nghĩa trong bài là bước qua.

- Chớ tình: nghĩa cổ như đành.

- Ghín 挸: có thể đọc kín hay ghín (gánh nước)

- Xem sTraanfcachs nói cổ nghĩa là xem xét, coi sóc.

- Vân mòng: nghĩa là “tin tức”, nhưng trong bài nghĩa hơi khác.

- Đon rao/xôn xao 噋哰: khả năng đây là một từ cổ

- Làm xong: nghĩa như “vậy là xong”

- Đệ (biến âm lệ): trật tự thi hành việc

- Chữ Nôm cổ 借 và (才+借): có thể đọc là tách, tếch, rã, rủ?

Trang đầu bản D (của chùa Sùng Phúc-Tam Huyền in kèm sau bộ Nhật Tụng)

Về cách viết chữ Nôm:

Các bản về cơ bản đều theo cách viết chữ Nôm đời Nguyễn, nhưng đôi chỗ còn dấu vết cách viết của bản cổ đời Lê, chẳng hạn chữ một viết bằng chữ Hán miệt 蔑 chứ không dùng chữ Hán một 沒 vừa đúng âm vừa đúng nghĩa lại đơn giản ít nét hơn.

Về chữ húy:

Chữ thì 時 là chữ húy vua Tự Đức đời Nguyễn, bản B, D viết húy đảo bộ nhật lên đầu do đó khả năng gốc của B,D cùng là một bản khắc thời Tự Đức.

Chữ Đảm 擔 các bản B,C,D đều viết担 là dạng viết húy tên vua Minh Mạng, ước đoán khả năng bản C khắc vào đời Minh Mạng, các bản B,D là kế thừa từ một bản có trước, còn bản A đã viết dạng bình thường là 擔, không kỵ húy.

Một số trường hợp gieo vần ở chữ thứ 4 câu 8:

Đây là dấu tích của kiểu thơ lục bát cổ thường gặp trước TK18, còn khoảng cuối TK18 về sau là giai đoạn của Truyện Kiều thì thơ lục bát đã gieo vần ổn định ở chữ thứ 6 của câu 8. … Hoặc là thầy muốn đăng sơn Mang chiếu Bồ Đoàn* theo kíp cho nhanh … Học hành kinh giáo bút nghiên Cứ việc chùa chiền* thầy dậy phải nghe … Chẳng được dịu tiếng cầu ai, Nhiều ít chớ nài* phiền não sinh tâm … So sánh về văn phong với các bản Nôm khác:

So với các bản Nôm Ngũ Giới Quốc Âm, Thập giới Quốc Âm… đã xác định rõ là của tổ Như Như (Như Trừng Lân Giác) soạn thì bản Nôm này văn chương có phần kém hơn, lại sử sụng nhiều từ Hán Việt chứ không diễn Nôm triệt để, ví dụ như thực ngật, tác thanh là các từ khá bình thường xét ra diễn nôm không có gì khó nhưng vẫn để nguyên chữ Hán. Trong các bản của tổ Như Như thường có nhiều câu dùng thủ pháp ví von, thể hiện những tư tưởng có vẻ trừu tượng qua những sự vật khá cụ thể và sử dụng ngôn ngữ bình dân như “Bẻ sào nhân ngã, rửa thành mạn nghi” hay “Cắp non nhảy bể mới tài, Dùng Ba La Mật chứng ngoài tam không” .v.v. trong khi ở bản Nôm này rất ít các câu dạng đó.

Vì vậy chúng tôi xác định văn bản này là của ngài Như Thị soạn, đúng như đoạn đầu đã nói. Còn hai câu cuối “Như Như tổ diễn đã lâu, Như Thị lại giải nối sau để truyền có thể hiểu là tổ Như Như là người mở đầu công việc diễn Nôm loạt văn bản luật nghi này, còn Như Thị là người kế tục truyền thống đó, đã trực tiếp diễn Nôm bản này chứ phải tổ Như Như.

Nhận xét: bản Nôm vày văn chương tuy không thực sự xuất sắc nhưng cũng trôi chảy, có lưu tích một số từ cổ và cách gieo vần cổ nên cũng là một tài liệu quý để nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt giai đoạn giữa thế kỷ 18.

NNC Phan Anh Dũng Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024 ***

CHÚ THÍCH:

(1) Có tác giả đưa ra cách giải thích rằng Như Thị 如 是 không phải tên riêng mà vốn là 如 氏 chỉ chung dòng phái có chữ “Như”, xem link: http://phatgiaoquangnam.vn/Nghien-cuu/phap-luan-dich-thuat/luan-ban-hai-chu--nhu-thi-trong-cau-mo-dau-uynghi-quoc-ngu-dien-nom.html?yy=2021&mm=8 . Nhưng xét hai câu cuối “Như Như tổ diễn đã lâu. Như Thị lại giải trước sau để truyền” thì Như Thị rõ ràng là một tên riêng.

(2) Thầy Thích Đồng Dưỡng chú về sư Tính Ánh: “Sư họ Nguyễn, người làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, Sơn Nam. Xuất gia và đắc pháp với thiền sư Như Chiêu, chùa Kim Liên, Hà Nội. Sau về kiến lập chùa Bổ Đà ở Bắc Giang. Như Chiêu là pháp tử của Chân Nguyên nên Như Thị mới nói mình thuộc môn phái Chân Nguyên”, tuy nhiên việc đã có pháp hiệu chữ “Tính” lại còn có pháp hiệu hàng chữ “Như” có vẻ không hợp lý, thầy Đồng Dưỡng cũng nghi vấn thuyết này.

(3) Chùa Sùng Phúc thường gọi là chùa Tam Huyền ở làng Nhân Mục tức làng Mọc, chùa này thờ Từ Vinh, cha của Từ Đạo Hạnh, nơi đây vốn là lăng của Từ Vinh với ngôi đền thờ có từ thời Lý, sau này sư Tính Tuyền, đệ tử của tổ Như Trừng Lân Giác tới trụ trì và trùng tu chùa, vì vậy việc ở đây có tàng trữ tác phẩm Uy Nghi Quốc Ngữ của một vị hàng chữ “Như” tức hàng sư phụ của Tính Tuyền có vẻ là điều tự nhiên.

(4) Thiền sư Chân Nguyên, pháp danh Tuệ Đăng (1647-1726) đời thứ 36 dòng Lâm Tế. Sư họ Nguyễn, tên Nghiêm quê ở làng Tiền Liệt, Huyện Thanh Hà, Tỉnh Hải Dương. Ngài xuất gia năm 16 tuổi. Ngài đắc pháp ở thiền sư Minh Lương là đệ tử của thiền sư Chuyết Chuyết thuộc dòng Lâm Tế. Ngài trụ trì chùa Long Động và Quỳnh Lâm là 2 chùa lớn của phái Trúc Lâm. Năm 1692 sư được vua Lê Hy Tông triệu vào cung để tham vấn Phật pháp. Vua khâm phục tài đức ban hiệu Ngài là : Vô Thượng Công.

Năm 1722 Ngài được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống và ban hiệu: Chính Giác Hoà Thượng. Ngài Viên Tịch ngày 28 thọ 80 tuổi. Ngài là người khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm. - Trích lược trong “Thiền sư Việt Nam”.

(5) Chữ đảm hai bản B,C viết 担 là dạng viết húy tên vua Minh Mạng, nên ước đoán khả năng bản B khắc vào đời Minh Mạng, sau này bản C do sư Thanh Chấn khắc đời Thành Thái đã theo bản B. Còn bản A viết dạng bình thường là 擔, không kỵ húy.

(6) Chữ thì 時là chữ húy vua Tự Đức đời Nguyễn, các bản B, D viết húy, đảo bộ nhật lên đầu.

(7) Chữ một các bản B, C, D đều viết bằng chữ miệt 蔑 là dạng viết cổ, chỉ có bản A viết dạng mới là 沒.

(8) Đạo thính là nghe trộm.

(9) Bản A,C : đứng dậy. Chọn hành lễ theo bản B, D vì dùng từ Hán Việt có sắc thái trang trọng hơn.

(10) Thế phát: cạo tóc

(11) Bản QN : cứ.

(12) Xà Lê: Nói đủ là A Xà Lê, Đời Đường dịch là “Quỹ Phạm sư” nghĩa là bậc có thể làm khuôn mẫu cho kẻ hậu học.

(13) Hoà thượng là tiếng nước Hồ, Trung Quốc dịch là “Lực Sinh” nghĩa là người đệ tử do nương vào thầy tu học có thể sinh trưởng Giới Định Tuệ

(14) Tâm yên nhĩ đề: yên tâm lắng nghe.

(15) Hợp chưởng hồ quì: chắp tay, quì xuống

(16) Cả ba bản Nôm đều là rầy (rày) ?, bản QN phiên ra tầy chưa rõ theo nguồn nào hay là lỗi đánh máy ?

(17) Bản A : Thầy dù thân thể thiểu ninh.

(18) Bản A và C: chớ, bản B: chẳng. Chọn chớ theo A,C vì có ý nhắc nhở, còn chẳng thì không.

(19) Nhời cơ quan: Nhời then chốt, cốt yếu.

(20) Các bản Nôm đều viết phủ ma 撫摩 nghĩa là vỗ về, động viên. Chúng tôi phiên thẳng ra là vỗ về vì có khả năng “phủ ma” là dạng cổ của từ vỗ về, do phụ âm đầu v- của tiếng Việt hình thành khá muộn, nguồn gốc xa xưa là phụ âm b- hay m- hay ph- hay w- …

(21) Các bản Nôm đều viết giáo đa 教多. Có thể cả câu này là một thành ngữ ý là “nói nhiều quá thì người ta ghét”, hoặc gần với nghĩa “làm ơn mắc oán”.

(22) Nếu phiên là dậy thì dễ hiểu lầm ra nghĩa “đứng dậy”, vì vậy ở đây phiên âm dạy là “dạy bảo”.

(23) Xôn theo bản C của chùa Bổ Đà, nghĩa là xôn xao, làm động, khá hợp ý nghĩa trong văn cảnh này. Bản A là chớ hồi khánh ran, còn bản B là chớ trùy khánh ran, bản QN phiên là chờ trùy khánh ran.

(24) Chú ý vần gieo ở chữ thứ 4 câu 8 (đoàn), là kiểu thơ lục bát cổ.

(25) Bản A dùng chữ đanh biểu âm thì có lẽ phiên lanh sát hơn nhanh.

(26) Bản A 謹: cẩn, kín, ghín. Bản B 罕: hẳn. Bản C 慎: thận. Xin theo bản A.

(27) Các bản Nôm là mựa (từ cổ), bản QN sửa là mới.

(28) Thực ngật : ăn xong.

(29) A: nhiếp thu hoặc xếp thu 攝收. B: tiếp thu 接收 C: sắp thu 插收 . Xin theo bản C.

(30) Các bản Nôm đều viết chữ tiết 泄, trong văn cảnh câu này thì là nhổ ra hay hở ra cho người ta thấy, nhưng cách nói này có vẻ cổ e người thời nay không hiểu, nên theo chữ tiếp của bản QN.

(31) Dày: đạp lên

(32) A: lúc nào cũng chuyên.

(33) Các bản Nôm đều là tỵ lãn 避懶 cũng đọc tỵ lại. Tỵ lãn thâu an là lười nhác, trốn tránh việc, cốt cho an thân. Bản QN sửa là : tỵ nạnh .

(34) A: cứ y luật truyền.

(35) A: chuông trống. B, C: chung cổ. Bản QN sửa là mõ, xin theo bản QN.

(36) Tùy chúng thực thì: Khi ăn theo chúng.

(37) Các bản Nôm đều là cầm. Bản QN sửa là nâng.

(38) Chẳng được ăn quá nhanh, chẳng được ăn quá chậm

(39) A: chạy, B,C: dấy (cách nói cổ). Bản QN sửa là bước.

(40) Các bản Nôm đếu là tày . Bản QN sửa là bằng.

(41) Bản C: bằng.

(42) Tề hung: Chắp tay phải ngang bằng ngực.

(43) A: nghênh. B,C: khuynh

(44) A: 甥? săn sắn (sân sấn) . B,C: 生趂 sanh sấn (cũng phiên ra săn sắn được).

(45) Kinh trần: bụi bám ở sách kinh (thì chớ dùng miệng thổi)

(46) Các bản Nôm đều ghi là chớ tình (kiểu nói cổ). Bản QN sửa là đành.

(47) Tạ lang: bỏ rơi rớt, rách nát.

(48) Các bản Nôm là tập học, bản QN đảo là học tập.

(49) Các bản Nôm: đi giữa trực xông. Bản QN sửa là cửa giữa thẳng xông.

(50) Khi tức là khinh .

(51) Chú ý chữ chiền này gieo vần ở chữ thứ 4 là kiểu lục bát cổ.

(52) Bản B, C viết 吼(口+馨) thì nên phiên là húng hính vì phần biểu âm là chữ hinh馨, cũng có thể là húng hắng vì biểu âm của hinh lại là chữ hương 香. Bản A là hống hát 吼喝. Các bản quốc ngữ thường phiên là hống hách.

(53) Mặt mũi châu chan: Mặt mà y xị xuống, thể hiện dáng buồn

(54) Bản A viết chữ gánh 挭 . Các bản B, C viết chữ kén 挸có thể đọc kín nước hay ghín nước. Đây là một từ cổ, bài Thự Thán 1 của Nguyễn Trãi có câu “Chè thuở tiên thì mình ghín nước, Cầm khi đàn khiến thiếp thiêu hương” .

(55) Quả, thái: Rau, quả

(56) A: đi

(57) Nghị, trùng, tước, thử: Kiến, trùng, chim, chuột.

(58) Vào nhà dục nghi: Phép tắc vào nhà tắm

(59) A: thì

(60) A: vén cởi đã xong

(61) Dặng hắng, đánh tiếng.

(62) A: vậy

(63) Chẳng được đê thủ thị chi: Chẳng được cúi đầu nhìn gì

(64) A: nhổ. B,C: vẽ.

(65) Thổ khôi: Tro, ngày xưa để tẩy tịnh người ta dùng tro, quả bồ hòn, quả bồ kết để thay cho xà phòng, vì tro có tính kềm như xà phòng.

(66) Hữu hiếp: Nằm nghiêng sườn về bên tay phải

(67) A, C: thân.

(68) A: thanh giang là cái đòn gánh. “Ngửa đòn gánh” là cách nói ví von bằng hình ảnh chỉ kiểu nằm ngửa tênh hênh, bản QN sửa ra nghênh ngang cho nôm na dễ hiểu.

(69) Trưng hay trương là bày ra, không phải chưng.

(70) Theo B và C. Bản A sửa là Chẳng được thị thường niệu khí mang qua. Chữ nịch 溺 khi đọc âm niệu thì là nước giải, nghĩa là không được đem đồ dơ như nước giải, ống nhổ ... đi qua nơi thờ tự

(71) A: mùa đông

(72) B và bản QN: rầy (rày), bị mất vần của câu bát ở chữ thứ 6.

(73) Nhất cử lưỡng tiện: Làm một công đôi việc, vừa sưởi, vừa xem sách nên mất chỗ ngồi của người sau đến sưởi.

(74) A: nói nhăng.

(75) A: rày

(76) Các bản Nôm đều viết xem sóc, là cách nói cổ, bản QN sửa là xem xét.

(77) A, C: bày. B và bản QN : lời/nhời .

(78) Các bản Nôm đều viết họa 和, bản QN sửa là cho.

(79) Các bản Nôm đều là: thù thì (có lẽ là biến âm của thủ thỉ ?). Bản QN sửa là thầm thì.

(80) Chí nhân gia đình: Đến nhà người tại gia

(81) A,C: lợi lạc (đúng nghĩa). B có lẽ khắc nhầm chữ lợi利 thành chữ hòa 和 nhưng cũng có nghĩa (hòa lạc).

(82) A viết chữ tốt卒. B,C viết chữ suất 率 . Có lẽ là cách nói cổ, tạm phiên sắp như bản QN.

(83) Sực đến cửa nên dự phòng

(84) Vân mòng: Xem xét sự việc cho tường tận. Từ cổ: vân là mây, mòng hay mồng là đám sương mù, trong Truyện Kiều từ này dùng với nghĩa “tin tức”, ở đây nghĩa hơi khác.

(85) Các bản Nôm đều viết 噋哰, bản QN phiên là xôn xao khá hợp lý. Tuy nhiên xét tự dạng chữ Nôm thì có khả năng đây là từ cổ đon rao với chữ đon có nghĩa như trong từ “đon đả” nghĩa là cất tiếng đon đả chào mời.

(86) Các bản Nôm đều viết làm xong (kiểu nói cổ). Xin theo bản QN phiên “là xong” cho ý rõ ràng dứt khoát.

(87) Chú ý câu gieo vần lưng ở chữ thứ 4, kiểu lục bát cổ.

(88) A: mình tìm. B,C: tìm nơi.

(89) A: chớ. B,C: đến.

(90) A,C: tiêu sái. B khắc lầm chữ tiêu 瀟 thành chữ bồ 蒲 .

(91) Các bản Nôm là Giữ cầm. Bản QN sửa là Gìn giữ.

(92) A,B và bản QN : chẳng được. Riêng bản C : chẳng khoe.

(93) Thị vật trường: nôm na là nơi chợ búa.

(94) A: 鋪行có thể đọc “phô hàng” 鋪行 là bày hàng hay “phố hàng” là cửa hàng. Bản B, C viết chữ bộ 哺 cũng đọc phô được. Bản QN phiên bỏ hàng.

(95) B,C,QN: có lấy. A: Có rẻ, đúng nghĩa hơn.

(96) A: người, thì mới đúng vần.

(97) Các bản Nôm奴: nó, nọ. Bản QN: lỡn .

(98) A: việc. B,C: đệ. Chữ đệ (có thể đọc lệ) chỉ trật tự thi hành, là cách nói cổ.

(99) A: trình. B,C : bạch.

(100) Bản QN là rủ. Bản B viết chữ giã啫có thể hiểu là từ giã, chia tay. Bản C ghi bằng chữ tá 借, là một từ cổ nên A thêm bộ thủ cho rõ nghĩa (才+借), có thể đọc là tách/tếch (rẽ ra, rời ra, nghĩa gần với giã).

(101) Các bản Nôm đều là mựa. Bản QN sửa là chớ cho dễ hiểu.

(102) Năm điều với bảy liền cùng hai nhăm: Y năm điều, y bảy điều, y hai nhăm điều: đây là ba y của Tỷ khiêu.

(103) Như Như là Thiền Sư Như Trừng Lân Giác (1696-1733). Sư tên Trịnh Thập, em trai của chúa Trịnh Cương, con của Tấn Quang Vương. Trên trán sư có góc hình chữ nhật nên có hiệu Lân Giác. Sống trong lầu son gác tía mà tâm thường gửi gắm nơi cửa thiền.

Sư có dinh tại huyện Thọ Xương ở phường Bạch Mai-Hà nội, đất vườn ao sáu mẫu, ở sau vườn có gò đất cao chừng tám thước, một hôm sai gia nhân đào ao thả cá vàng chợt thấy một cọng sen lớn. Sư cho là điềm đi xuất gia đã đến, sư liền cải gia vi tự (đổi nhà làm chùa), đặt tên là Liên Tông, viện tên Ly Cấu sau đổi Ly Trần. Từ đây sư quyết chí tham thiền. Một hôm, sư dâng sớ xin xả tục xuất gia, được vua chấp thuận.

Ngày ấy sư đi thẳng đến huyện Đông Triều, lên chùa Long Động trên núi Yên Tử đỉnh lễ Thiền Sư Chân Nguyên làm thầy. Sau khi thụ giới Tỷ khiêu, được tổ sư truyền Tâm pháp rồi, sư trở về trụ trì chùa Liên Tông (Tức chùa Liên Phái - Hà nội ngày nay) đồ chúng tham học rất đông do đó lập một phái hiệu là Liên Tông. Ngài còn chọn được Giác Sơn ở Quế Dương tỉnh Bắc Ninh tạo ngôi Đại già lam chùa hiệu là Hàm Long. Năm 37 tuổi, sư không bệnh mà viên tịch.

(104) A: trước sau