3.2. Một số hình thức đối thoại liên tôn giáo
Như phân tích ở trên, không gian công nếu tư nhân hóa sẽ là nguy cơ gây xung đột giữa các cá nhân, cộng đồng với nhau. Vậy nên cần phải đối thoại để giảm đi sự xung đột, tạo sự hòa bình, yên lành trong cộng đồng chung cho toàn xã hội. Để thúc đẩy việc đối thoại liên tôn, người ta thường dẫn lời của tiến sĩ Hans Küng, giáo sư về Thần học Hợp Nhất và là chủ tịch một Quỹ phát triển về Đạo đức Toàn cầu, rằng: “Sẽ không có hòa bình giữa các quốc gia nếu không có hòa bình giữa các tôn giáo. Sẽ không có hòa bình giữa các tôn giáo nếu không có sự đối thoại giữa các tôn giáo”. Ngày nay, việc đối thoại giữa các tôn giáo là một chủ đề quan trọng trong việc nghiên cứu về tôn giáo và xây dựng hòa bình trên toàn cầu.
Các hình thức cơ bản của đối thoại liên tôn giáo thường diễn ra(1):
a- Đối thoại bằng diễn từ hay lý thuyết: trước hết là đối thoại giữa các nhà chuyên môn, các chức sắc tôn giáo, những người hiểu biết chuyên sâu về đạo của mình và hiểu biết tối thiểu về đạo của người khác.
b- Đối thoại bằng trải nghiệm tâm linh: đối thoại giữa những người đi vào cảm nghiệm tâm linh, gọi là đối thoại tâm linh. Đối thoại đó có thể gọi là đối thoại trong thinh lặng, tức là chia sẻ nếp sống đan tu của người kia trong một thời gian nhất định mà vẫn giữ bản sắc của mình.
c- Đối thoại cuộc sống: Hình thức đối thoại phổ thông nhất là đối thoại trong cuộc sống giữa những tín đồ của các tôn giáo trong cuộc sống hằng ngày.
d- Đối thoại bằng hành động: Đối thoại qua việc hợp tác trong những công trình phục vụ công ích, chung tay cùng làm tốt công tác xã hội: bệnh Aids, tệ nạn xì ke ma túy, hiện tượng mãi dâm, lao động thiếu nhi, nạn mù chữ, nạn ô nhiễm môi trường, tác hại của toàn cầu hóa...
3.3. Một số biểu hiện của đối thoại liên tôn giáo
Trong một nghiên cứu gần đây(2) về quan điểm của Habermas về vai trò của tôn giáo trong các lĩnh vực công cộng được xem như là một xu hướng chung để công nhận vai trò của tôn giáo trong các lĩnh vực công cộng bắt đầu vào đầu những năm 1990. Để hiểu được vai trò của tôn giáo trong lĩnh vực công cộng (chính trị), chúng ta cần phải lưu ý sự phân biệt rất quan trọng mà Habermas coi đó là công cộng chính trị phi chính thức và các lĩnh vực công cộng chính trị chính thức. Nói về vai trò của tôn giáo trong các lĩnh vực công cộng, ông luôn coi tôn giáo là một nguồn lực quan trọng của đạo đức. Quan điểm về tôn giáo trong không gian công của Habermas được hình thành dựa trên những ý niệm về các lĩnh vực không phải tôn giáo, giữa những công dân tôn giáo và môi trường thế tục. Sự quan tâm của ông về tôn giáo trong không gian công không phải xem tôn giáo như là một hiện tượng, nhưng những đóng góp của tôn giáo có thể sẽ tạo thành dư luận và công chúng. Hơn nữa, Habermas đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực công cộng chính trị có những định chế khác nhau đặc biệt là trong môi trường các nhà nước lập hiến như quốc hội, chính phủ, các cơ quan hành chính nhà nước… Có thể thấy, quan điểm của J. Habermas về tôn giáo trong không gian công đã góp phần quan trọng trong việc nhìn nhận lại vai trò của tôn giáo trong bối cảnh xã hội có nhiều chuyển biến, biến động mới. Những nhìn nhận về quá trình hợp lý hóa và đa nguyên về tôn giáo và văn hóa là một trong những nhân tố quan trọng hình thành tư tưởng của ông về vấn đề này. Nó đã khẳng định sự dịch chuyển của ngôn ngữ tôn giáo trong các hoạt động giao tiếp xã hội (không gian chính trị chính thức) nhằm truyền đạt những ý nghĩa, mục đích tôn giáo bằng ngôn ngữ thế tục. Trên thế giới, việc đối thoại liên tôn giáo tại các không gian công cả chung, lẫn riêng, cả “vật thể” lẫn “phi vật thể” đã diễn ra và đã đạt được những kết quả khả quan mà chúng ta đã được chứng kiến qua truyền thông.Trong khi đó, ở Việt Nam, đối với 2 thể loại không gian công thì dường như chỉ có lác đác các địa phương, hay các tín đồ tôn giáo tự đối thoại, trao đổi các kinh nghiệm sống cho nhau giữa các tín đồ trong một cộng đồng tôn giáo.Vậy các cuộc đối thoại đó diễn ra trong không gian công nào?
Có thể nhận thấy các hình thức đối thoại liên tôn giáo ở Việt Nam trong những năm gần đây chủ yếu là đối thoại cuộc sống và đối thoại hành động.
Đối với thể loại không gian công "vật thể" theo đúng nghĩa không gian công/chung thì cần có nhà nước đứng ra làm trung gian cho những cuộc đối thoại đó, nội dung những cuộc đối thoại này sẽ do các cấp chính quyền chủ động, lúc này sẽ là đối thoại trực tiếp giữa các bên. Đối thoại giữa các tôn giáo trong không gian này dường như ở Việt Nam là chưa có nhiều, chỉ có ít địa phương có thể thực hiện được những cuộc đối thoại như vậy: Ban tôn giáo Cần Thơ, Ban Tôn giáo Đà Nẵng đã nhiều năm họp giao ban định kỳ (1 năm/lần) giữa chính quyền địa phương với các tổ chức tôn giáo để nhằm điều hòa giữa các tôn giáo, tháo gỡ những hiểu lầm và cộng cảm với nhau, gần đây Ban Tôn giáo Đăk Lăk cũng đã bắt đầu có những cuộc đối thoại trong phạm vi nhỏ (định kỳ 6 tháng/ lần, trực tiếp đối thoại với từng tôn giáo- Thông tin điền dã do cán bộ Ban tôn giáo các tỉnh cung cấp năm 2015). Bên cạnh đó còn là những cuộc trao đổi mà Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đứng ra làm trung gian cho các buổi gặp gỡ, hay trong những ngày lễ tế, các tôn giáo cũng đều đến chào hỏi thăm lẫn nhau. Và không gian riêng của cộng đồng tôn giáo (cơ sở thờ tự của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo: nhà thờ, chùa, đình, đền…) với loại đối thoại này, các tín đồ tôn giáo tự tìm đến nhau để cùng đối thoại về những chủ đề cuộc sống hay đời sống Đạo. Với loại đối thoại này thì đơn giản và thường xuyên được thực hiện trong mỗi tôn giáo qua các buổi sinh hoạt nhóm của các tôn giáo và lúc này họ có quyền trao đổi những gì họ muốn. Về phương thức này thì Công giáo, Phật giáo hay Tin Lành đều thường xuyên có các sinh hoạt tôn giáo gắn với những vấn đề của cuộc sống thường nhật. Đó là những hình thức đối thoại kinh nghiệm, đối thoại cuộc sống và cuộc đối thoại liên tôn không chỉ là việc của các chức sắc tôn giáo, mà còn là việc củatừng tín đồ trong cuộc sống đời thường, từ gia đình, công sở, đến trường học.
Song song với hình thức đối thoại cuộc sống là đối thoại hành động cũng được diễn ra trong thời gian qua. Có thể kể đến như Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài,…
Thực tế trong nhiều năm qua, người Công giáo Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong hoạt động từ thiện nhân đạo, góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Từ lĩnh vực trật tự trị an, xây dựng khu dân cư an toàn, không có tệ nạn xã hội, nhiều giáo họ, giáo xứ được công nhận là khu dân cư văn hoá, sống tốt đời đẹp đạo, đến những hoạt động từ thiện nhân đạo trong giáo dục, y tế mà đối tượng được quan tâm là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn không phân biệt tôn giáo. Rất nhiều người Công giáo có những đóp góp quan trọng trong các mặt của đời sống xã hội ở khắp mọi nơi, trong đó có nhiều tấm gương tiêu biểu được Nhà nước ghi nhận và tôn vinh như: Nữ tu Nguyễn Thị Mậu (Dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn) hơn 40 năm gắn bó với bệnh nhân phong tại Trại phong Di Linh, Đà Lạt đã được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lao động. Cũng tại huyện Di Linh, sư cô Phổ Tuệ tạo chùa Thanh Sơn, Lâm Đồng đã có nhiều đợt cùng với các nữ tu tại Trại phong tham gia các công tác từ thiện, bác ái, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Di Linh. Cảm nhận của sư cô khi nói về vấn đề này: “Chúng tôi là Tu sĩ Phật giáo cùng đồng hành với các Dì, Marsơ, Công giáo trong trại Phong huyện Di Linh chăm lo kinh tế, sức khỏe, điều trị bệnh cho những bệnh nhân bất hạnh. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện các công tác vận động các nhà mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài nước, hướng dẫn đoàn từ thiện đến thăm và chia sẻ vật chất đến tinh thần. Mối quan hệ giữa Công giáo và Phật giáo đối với người làm công tác từ thiện xã hội như chúng tôi đều đặt phục vụ nhân loại lên hàng đầu, tình cảm vẫn gắn bó cùng liên hệ chia sẻ công tác phục vụ xã hội, phục vụ chúng sinh trong địa phương giữa Tu sĩ Phật giáo và các Dì, MarSơ trong nhà thờ...”(3).
Tại Huế, các nữ tu dòng con Đức Mẹ Vô Nhiễm, dòng Thăm Viếng, dòng Saint Paul cộng tác với các tăng ni Phật tử ở thành phố Huế để chăm sóc cho các bệnh nhân Sida và HIV tại phòng khám từ thiện Kim Long. Trước đây khi có dịp thăm Việt Nam, Đức Hồng y Crescenzio Sepe đã đến tiếp xúc với những người thiện nguyện của hai tôn giáo tại phòng khám Kim Long. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn cũng trợ giúp một số cơ sở từ thiện nuôi trẻ mồ côi, hoặc cơ sở y tế từ thiện của các tôn giáo khác. Một số người công giáo cũng làm việc trong một số cơ sở từ thiện của các tôn giáo khác. Để gia tăng hiểu biết lẫn nhau, chúng tôi cùng thực hiện tập san Nhịp cầu Tâm giao tạo diễn đàn để trình bày về niềm tin và chứng nhân của mỗi tôn giáo.
Trong thể loại Không gian "phi vật thể" như: các diễn đàn trên mạng internet, các cuộc tranh luận trên báo, đài…, không gian chung (đó là các báo, chí, trang mạng internet đã được Nhà nước công nhận và trực tiếp quản lý mà ở đó mọi công dân có thể trao đổi tranh luận…) và không gian riêng của cộng đồng tôn giáo (đó là các trang webside của các tôn giáo có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mà số lượng người dân tham gia không đáng kể). Đối thoại lúc này sẽ là đối thoại gián tiếp giữa các bên. Ví dụ một trong những dạng đối thoại này như sau: trên báo Công giáo và Dân tộc có bài: Trao đổi của báo Công giáo và Dân tộc với linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Trưởng ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn, Tổng Giáo phận TP.HCM về vấn đề đối thoại. Hay Đạo hữu Huệ Khải thường xuyên có những bài trao đổi về các vấn đề của Cao Đài và Công giáo trên báo Công giáo và Dân tộc. Ngày nay,với công nghệ truyền thông hiện đại, mọi thông tin đều được chia sẻ kịp thời trên các trang face book của các cá nhân của người có tôn giáo hay không có tôn giáo rất bình đẳng, bàn luận về các vấn đề của Đạo và Đời. Ngoài ra, còn có hình thức phát thanh tại các họ đạo miền quê. Tuy nhiên hình thức này cũng sẽ gây những khó khăn trong công tác an ninh trật tự.
4. Nhận xét rút ra
Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính cho đến nay, ở Việt Nam có khoảng trên 25 triệu tín đồ của 14 tôn giáo (chiếm 27% dân số), gồm: Phật giáo, Công giáo, Islam giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, tôn giáo Baha'i, đạo Bửu sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Minh sư đạo, Minh lý đạo, Bà la môn giáo và Mormon. Song có đến hơn 90% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, chủ yếu ảnh hưởng từ Phật giáo. Như vậy xu thế đa dạng tôn giáo như hiện nay, ngày càng có nhiều các tôn giáo có nhu cầu cần địa điểm hành lễ công cộng lộ thiên, nơi có thể tập trung hàng chục ngàn người hành lễ là nhu cầu của các tôn giáo lớn, như: Đạo Cao Đài đã có một quảng trường lớn trước tòa thánh Tây Ninh, sức chứa lên đến hàng trăm ngàn người. Tại TP.HCM, quảng trường trước nhà thờ Đức Bà được thiết kế như một địa điểm hành lễ lộ thiên của Công giáo từ lâu. Từ thực tế đó, thiết nghĩ, cần có những điều kiện và phương thức cho những cuộc đối thoại liên tôn giáo trong không gian công tại Việt Nam hiện nay:
1. Về điều kiện, thái độ cần có: Trước hết, bản thân các tôn giáo cần có nhu cầu và nội dung đối thoại. Thứ hai, cần phải loại bỏ cái tôi trong đối thoại, cần nhìn nhận nhau, tin tưởng nhau và chân thành. Thứ ba, cần loại bỏ định kiến, rào cản và cần sự cảm thông.
2. Về mục đích: Mọi cuộc đối thoại đều nhằm mục đích hiểu nhau và yêu thương nhau, để hòa giải những mâu thuẫn, bất đồng trong quá khứ. Đối thoại để triển khai chính sách, pháp luật cho chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo. Đối thoại để nhận biết những yếu tố tiến bộ, tích cực, văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo để khuyến khích, phát huy giá trị tôn giáo. Bên cạnh đó, giản tải những thành kiến sai lạc, kỳ thị hoặc phân rẽ mà hiện nay một số tôn giáo lại đang có chiều hướng gia tăng?
3. Về không gian cần có: Về không gian công/chung (cả vật chất và phi vật chất), mọi hình thức đối thoại đều phải tuân thủ đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước qui định về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo và được diễn ra trên tinh thần tự chủ - bình đẳng - dân chủ - thẳng thắn. Với không gian này, rất cần vai trò trung gian của nhà nước để kết quả đối thoại được thành công. Về không gian riêng (cả vật chất và phi vật chất), cũng như mọi cuộc đối thoại khác, trong không gian riêng cũng cần có tinh thần bình đẳng - dân chủ - thẳng thắn, đồng thời trong không gian riêng (linh thiêng) sẽ có những hình thức hay nội dung tùy thuộc vào từng chủ thể đối thoại và phụ thuộc vào sự hợp tác của khách thể để kết quả đối thoại được thành công. Cuối cùng, khi có đủ 3 tiêu chí trên, mọi cuộc đối thoại liên tôn giáo diễn ra trên mọi phương thức nào đều có được kết quả mong muốn. Và mỗi chúng ta, trong cuộc sống trước hết hãy tự đối thoại với chính bản thân để có được kinh nghiệm khi đối thoại với bên ngoài - đó là giá trị cuộc sống.
5. Kết luận
Nghiên cứu, tìm hiểu về không gian công, kể cả không gian “vật thể” hay “Phi vật thể”, chúng ta thấy rõ tính đoàn kết trong cộng đồng (tính cộng đồng), sự tự do phát triển khả năng con người, tự do ngôn luận, bình đẳng, dân chủ, v.v..., đó là những giá trị khác nhau về các mặt, đem lại cho con người giá trị lớn và quan trọng nhất là yêu thương người, đây cũng là nơi thể hiện tính đa dạng văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo trong xã hội Việt Nam. Việc sử dụng không gian công cộng cần phải theo đúng nghĩa là không gian của cộng đồng, như thế sẽ làm sống động không gian công, tạo nên những không gian cho các hoạt động văn hóa, giải trí, hoạt động từ thiện, nhân văn… góp phần làm phong phú cuộc sống của người dân, tuy nhiên, cần có chính sách cho việc sử dụng những không gian công, tránh việc không gian công bị thu hẹp và dần dần sẽ trở thành không gian riêng của cá nhân nào đó?.
Vậy, khi đã hội tụ đủ các tiêu chí về đối thoại trong không gian công thì mọi cuộc đối thoại sẽ thành công đạt được mục đích nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh phúc đích thực của con người và tôi cũng đồng tình với tác giả Khải Huệ khi ông bàn về đối thoại, rằng đối thoại với các tôn giáo không chỉ là yêu cầu của riêng cộng đồng Dân Chúa, mà còn là yêu cầu lâu dài của mọi tôn giáo của toàn xã hội và theo tôi cần có thêm trách nhiệm của nhà nước của mọi tổ chức đoàn thể trong mọi cuộc đối thoại liên tôn giáo. Như vậy, đối thoại để chúng ta tìm đến điểm tương đồng, điểm chung của cộng đồng, của nhân loại, đối thoại để nhận biết những điểm tiến bộ, tích cực, văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, để phát huy giá trị tôn giáo, góp phần xây dựng hòa bình trên thế giới ngày một phát triển bền vững.
(Tiếp theo Tạp chí NCPH số 167 và hết) Nguyễn Thị Quế Hương* Nguyễn Thị Hoà** Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2021 ---------------------CHÚ THÍCH: * TS, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXHVN. ** Khoa Khoa học chính trị, Đại học Nội vụ Hà Nội. (1) Tuần báo Công giáo và Dân tộc, số 1808, ngày 20-5-2011. (2) Nguyễn Thị Quế Hương. Không gian công và quan điểm của J.Habermas về tôn giáo trong không gian công, trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Nghiên cứu và giảng dạy tư tưởng Đức ở các trường đại học, Trường ĐHKHXH&NV, Hà Nội, tháng 11/2015; tr227 - tr 236. (3) Thích nữ Phổ Tuệ. Từ bi và công bằng xã hội của Phật giáo tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng; Trong Kỷ yếu hội thảo: “Đối thoại liên tôn giáo trong điều kiện mới”Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 2015, tr 208-212. Lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
Bình luận (0)