1. Ba la mật
Đức Phật trong vô lượng kiếp quá khứ, vì để cầu đạo lớn mà chưa từng có một niệm lười mỏi giải đãi, Ngài phát tâm vô thượng, tâm chẳng thối chuyển, tu đầy đủ 6 pháp môn Ba la mật. Ba la mật viết đầy đủ là “Ba la mật đa”.
Ba – la – mật – đa: Phiên âm từ tiếng gốc là “Pāramitā”
Cụm từ này còn được dùng tắt là “Ba – la – mật”, được tạm dịch từ tiếng Phạn ra là “Đáo Bỉ Ngạn”. Nghĩa tạm dịch là “Đạt tới bờ bên kia”, “Công đức”, “Sự cứu cánh”. Từ này muốn ý nói tới công hạnh của một vị Bồ tát, hoặc của một vị thánh nhân.
Thực chất đối với từ này, khi dịch sang các ngôn ngữ khác không thể dịch một cách trọn vẹn, vì không có từ ngữ nào tương đương giải nghĩa hoàn hảo. Những từ ngữ mang tính chất cứng nhắc, cho nên chỉ thay thế tạm thời. Đối với “Ba – la – mật – đa”, các nhà dịch học muốn tôn trọng ý nghĩa to lớn vượt ngoài sự miêu tả của ngôn từ, cho nên sẽ giữ nguyên tiếng Phạn, và phiên âm theo tiếng từng nước chứ không dịch nghĩa với mục đích tôn trọng nội dung truyền tải của từ.
Đối với một vài văn kiện, sách, tài liệu thông dụng, từ này sẽ được dịch tạm đối với tiếng Việt là “Sự cứu cánh”, còn tiếng Anh dịch là “Perfection”. Tuỳ theo ngữ cảnh mà có thể giải nghĩa thêm.
2. Sáu pháp Ba la mật đức Phật hành trì
(1). Bố thí
Ngài siêng cho đi vì lòng thương cảm, tâm chẳng tham lam thứ gì. Khi kiếp làm vua, Phật đem hết châu báu như vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, trân châu, mã não,… bố thí hết cho người nghèo khổ. Ngài thuyết pháp chẳng thoái chuyển cho mọi hạng chúng sinh cùng nghe,…
Vì viên mãn bố thí Ba la mật, nên y báo, chính báo Ngài đều sẵn sàng phá chấp. (Chính báo là thân, y báo là vật dụng, phương tiện, đời sống thế gian cho chính báo nương vào, ví như nhà cửa, xe, quần áo,…)
(2). Trì giới
Tức là không làm ác, ngừa điều sai quấy, gồm có 3 điều ác nơi thân là sát hại, trộm cắp, tà dâm, bốn điều ác nơi miệng là nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, chửi mắng thoá mạ.
(3). Nhẫn nhục
Dù bị chửi mắng, đánh đập vẫn nhẫn được, vẫn bình tĩnh mà không hành động sai lầm.
(4). Tinh tấn
Thân tâm chẳng giải đãi (lười biếng).
(5). Thiền định
Tu tứ thiền bát định, tức là: Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Sơ thiền còn gọi là Ly sinh hy lạc địa, cảnh giới lìa khỏi phiền não mà sinh ra khoái lạc. Nhị thiền là Định sinh hỷ lạc địa, lạc có nhờ định. Tam thiền là Ly hỷ diệu lạc địa, lìa cả hỷ. Tứ thiền là Xả niệm thanh tịnh địa, xả mọi niệm.
Bát định là ngoài tứ thiền ra, còn có: Không vô biên định (định vào không gian vô biên), Thức vô biên định (định vào thức vô biên), Vô sở hữu định (định vào cõi không sở hữu gì), Phi tưởng phi phi tưởng định (định vào nơi không phải tưởng không phải không tưởng).
(6). Bát nhã
Phát ra trí tuệ chân chính, đoạn trừ ba độc tham sân si.
Bát nhã có tiếng Pàli là “Pañña”, Tiếng Sanskrit là “Prajnà”. Từ này cũng không thể giải nghĩa bằng ngôn ngữ giao tiếp thông thường, ý nghĩa của nó ly ngôn ngữ, ly văn tự. Chúng ta chỉ có thể tạm hiểu Bát nhã là “tuệ”, tuệ này không phải là sự thông minh, sáng suốt của ý thức sinh diệt mà có, tuệ này là tuệ của sự tu tập mà hiển lộ, không thể miêu tả, chỉ có thể trực nhận.
3. Đối trị, tương sinh, quả báo của 6 Ba la mật
A. Đối trị
Bố thí đối trị với xan tham.
Trì giới đối trị ô uế phạm hạnh.
Nhẫn nhục đối trị sân hận.
Tinh tấn đối trị giải đãi.
Thiền định đối trị tán loạn.
Bát nhã đối trị ngu si.
B. Tương sinh
Trì giới thì gặp chuyện nhục nhã, sẽ nhẫn được, nhẫn được sẽ tinh tấn được, tinh tấn sẽ điều phục được năm căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Năm căn điều phục rồi, thì nhiếp được vào nơi pháp giới, nhiếp được vào pháp giới, tức là phương pháp làm hiển lộ Bát nhã.
C. Quả báo
Bố thí sẽ được quả báo giàu sang, trì giới sẽ được quả báo các căn đầy đủ, nhẫn nhục sẽ được quả báo tướng mạo đoan chính, tinh tấn sẽ được quả báo uy quyền lớn, thiền định sẽ được quả báo sống lâu, Bát nhã sẽ được quả báo biện tài vô ngại.
Mỗi thứ Ba la mật lại có những điều lợi ích
(1). Bố thí Ba la mật
Hàng phục được phiền não xan tham.
Xả niệm tương tục.
Chân chính hành bố thí.
Bình đẳng với tất cả chúng sinh, chẳng khởi tâm phân biệt.
Sinh vào nhà giàu sang.
Đời đời kiếp kiếp khởi tâm bố thí.
Các loại chúng sinh kính mến.
Vào trong chúng không khiếp sợ, người thiện chẳng sinh tâm sợ hãi.
Danh tốt đồn khắp.
Tay chân mềm mại.
Gặp được thiện tri thức chân chính.
(2). "Trì giới là không làm ác ngừa việc sai quấy"
Không làm ác là không làm điều bất thiện nào hại tới thân, tới người, tới chúng sinh, "ngừa việc quấy" là làm các điều lành. Đừng cho rằng việc lành nhỏ mà không làm, đừng cho rằng điều ác nhỏ làm thì không sao. Phải biết việc lành to lớn, là do việc lành nhỏ tích lũy mà thành. Do đó, trì giới thanh tịnh thì được điều lợi ích là:
Viên mãn nhất thiết trí (Là trí hiểu biết mọi thứ của pháp).
Chẳng hủy báng bậc trí, thân cận được bậc trí.
Thệ nguyện chẳng thối chuyển, phát tâm cầu Phật đạo.
An trụ chính hạnh, chẳng sinh tâm phan duyên, thường lợi ích kẻ khác.
Xả bỏ sinh tử.
Tâm chẳng hà tiện, tâm chẳng bị tham, sân, si, mạn, nghi làm hại.
Chẳng thiếu tín tài, có tín tâm là một thứ tài báu, mới sinh ra tâm bồ đề.
(3). Nhẫn nhục
Nhẫn nhục chẳng dễ gì làm được, nên phải tu trì cố gắng. Từ bờ sinh tử qua dòng phiền não, đến được bờ Niết Bàn bên kia “nhẫn là báu vô giá, mọi người xử không tốt, nếu hay nhẫn nhục được, thì mọi việc đều tốt đẹp". Nhẫn nhục đem lại lợi ích lớn:
Lửa sân không thiêu được
Lời nói như đao kiếm, không giết được.
Tâm địa người khác như nọc độc, không giết được.
Tất cả mọi người đều khâm phục, kính nể.
Ngày đêm an lạc, thân tâm sinh vui mừng.
(4). Tinh tấn
Tinh tấn tức chẳng lười biếng giải đãi, là chẳng tham ngủ, chẳng khởi vọng tưởng, chẳng ham nói chuyện phiếm với kẻ khác, chú ý học pháp, ngày đêm sáu thời chẳng có mệt mỏi, luôn luôn niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, đó là thân tâm tinh tấn. Tinh tấn đem lại lợi ích sau:
Được Phật nhiếp hộ.
Được phi nhân (chẳng phải người) hộ trì
Nghe pháp không quên, chẳng bao giờ mất.
Chưa nghe, được nghe; chẳng có cơ hội được nghe pháp thì có thể sẽ được nghe.
Tăng trưởng biện tài, đắc được biện tài vô ngại, hay khiến cho người nghe pháp hỷ sung mãn.
Ít bệnh ít phiền.
Tâm được khinh an (nhẹ nhàng).
(5). Thiền
Thiền Ba la mật làm nhân duyên tới sự đoạn sạch lòng tư dục, có những lợi ích:
An trụ oai nghi.
Từ bi nhiếp thọ được tất cả chúng sinh.
Chẳng còn phiền não.
Giữ gìn sáu căn, mắt chẳng chạy theo sắc trần, tai chẳng chạy theo thanh trần, mũi chẳng chạy theo hương trần, lưỡi chẳng chạy theo vị trần, thân chẳng chạy theo xúc trần, ý chẳng chạy theo pháp trần.
Thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn. Nghĩa là lấy niềm vui của thiền làm thức ăn, niềm vui của pháp hỷ tràn trề.
Lìa khỏi ái dục, tại sao con người có sinh tử? Vì ái dục chưa đoạn, cho nên luân hồi ở trong sáu nẻo. Nếu đoạn dục khử ái, chẳng đọa vào đường ác nữa.
Giải thoát ma nghiệp: Ma chẳng cách gì gây được chướng ngại.
An trụ cảnh ở cảnh giới của Phật, được pháp thân thanh tịnh.
(6). Bát Nhã
Bát Nhã bao hàm ba ý nghĩa:
A. Văn tự Bát nhã: Tất cả kinh điển của Phật nói, đều thuộc về văn tự Bát nhã.
B. Quán chiếu Bát nhã: Do văn tự Bát nhã, mà khởi quán chiếu Bát nhã, thâm nhập kinh điển Phật giáo, sau đó sinh ra quán chiếu trí tuệ.
C. Do quán chiếu Bát nhã, mà đạt được thật tướng Bát nhã. Thật tướng vốn là vô tướng, song vô tướng bất tướng, nên gọi là thật tướng, tức cũng là phi không phi hữu (chẳng không chẳng có). Văn tự bát nhã tức là có, quán chiếu bát nhã tức là không, nếu từ có mà đạt đến không, thì từ không đạt đến phi không phi hữu, được như thế thì ngộ được cảnh giới chân không diệu hữu, cho nên gọi là thật tướng Bát nhã.
Ai có trí tuệ tức là Bát nhã, ai không có trí huệ thì ngu si. Nếu ai biết mình ngu si, thì bắt đầu có trí tuệ. Vì tự biết mình ngu si, thì trí tuệ quang minh có nhân duyên để dần hiện tiền. Nếu mình tự cho rằng mình đúng, chẳng chịu sửa đổi, thì đó chẳng có Bát nhã trí tuệ.
Bát nhã tức cũng cũng có nghĩa là chẳng chấp trước:
Bố thí chẳng giữ tướng bố thí, chẳng giữ lấy tướng thọ bố thí, chẳng chấp trước, tức cũng là tam luân thể không. Nghĩa là: Người thí, kẻ nhận, vật bố thí, đều không. Nếu chẳng chấp trước về người thí và kẻ nhận, thì gọi là chẳng thủ lấy tướng bố thí.
Chẳng y vào giới: Nếu có người cho rằng mình giữ gìn giới luật là giỏi nhất, mà còn chấp trước thì đó là sai. Vì còn chấp trước vào ngã tướng (tướng ta). Nếu không chấp trước vào trì giới, có thể không trì mà trì, trì mà vô tâm, đó mới là chân chính trì giới.
Không trụ vào sức nhẫn: Chẳng chấp trước mình có sức nhẫn nhục, mới là thật nhẫn. Thật nhẫn thì thì chẳng có tâm hay nhẫn, hay nhẫn mà chẳng nhẫn.
Tinh tấn: Thân tâm đều tinh tấn, song cũng đừng chấp trước mình có hạnh tinh tấn. Nếu có sự chấp trước, thì chẳng phải là Bát Nhã tinh tấn. Bát Nhã tinh tấn là tinh tấn mà chẳng chấp vào sự tinh tấn, chẳng vì tinh tấn mà tinh tấn, quét tất cả pháp, lìa tất cả tướng, hàng phục được tâm.
Thiền vô sở trụ: Tham thiền đến cảnh giới chẳng chấp trước vào đâu, thì phá được ngã (cái ta), pháp hai chấp, được đại giải thoát, cho nên gọi là Bát Nhã thiền.
Ma không thể nhiễu loạn: Ma đến nhiễu loạn, song tâm chẳng dao động, chẳng mất chính tri chính kiến. Lời bàn luận của kẻ khác chẳng động tâm ví như người chẳng có trí tuệ, nghe người khác nói tu như mình là sai, phải tu theo pháp môn khác, bèn chạy theo. Nếu tâm không định, thì rất dễ chạy theo lời lẽ của kẻ khác.
Viên mãn Bát Nhã Ba la mật giúp vượt thoát dòng sinh tử.
Còn nữa...
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
Tài liệu tham khảo: Kinh Diệu pháp Liên Hoa giảng giải (Tập 3), Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập, Hoà thượng Tuyên Hoá giảng giải, Việt dịch: Tỳ kheo Thích Minh Định, NXB Pagode Kim Quang.
Bình luận (0)