Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy rằng cái tính thấy (ở đây dại diện cho tính biết) không lay động, nhưng không trực nhận được mà chỉ nhận cảnh thay đổi để coi là cái thấy, cái biết.

Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang

1. Nền tảng ý nghĩa kinh Thủ Lăng Nghiêm

Kinh Thủ Lăng Nghiêm khẳng định do không thể trực nhận chân tâm thường trụ, bị vô minh che mờ, mải miết đi theo các vọng tưởng, tạo nghiệp do phiền não u mê. Các vọng tưởng vốn hư ảo, thay đổi sắc tướng không ngừng nghỉ, chính sự thay đổi này tạo nên sự luân chuyển, sự luân chuyển này khiến chúng sinh không có định lực trước tội lỗi, vì gây tội lỗi nên phải luân hồi thọ quả.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ một điểm tương đồng cùng với nền tảng giáo lý của Duy Thức học đó là tâm tính biết suy xét, phân biệt không phải chân tâm. Điều này khiến không chỉ ông A – nan, mà cả đại chúng lẫn nhiều học giả không khỏi giật mình.

Hằng ngày chúng ta sinh sống, sinh hoạt sử dụng dòng chảy suy nghĩ, cái tâm phân biệt để nhận định, so sánh, tiếp nhận, phản bác, ghi nhớ,… và vô hình chung đều coi đó là tâm của mình, nay đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm, lại thấy nói rằng đó không phải là tâm.

Cái tâm ấy, thực chất là cái tưởng tượng, cái gắn với tiền trần giả tạm, làm mê mờ chân tính, vì chúng sinh cứ mãi nhận lầm cái dòng suy nghĩ đó là tâm, nên mới đi theo sự luân chuyển đó trong vòng luân hồi. Sự bác bỏ của kinh Thủ Lăng Nghiêm là bác bỏ cái quan điểm "ý thức nhận biết suy xét đó là tâm", chứ không bảo chúng sinh bác bỏ hẳn cái bản tính đó.

Đoạn này chúng ta phải hết sức lưu ý. Ý thức nhận biết, suy xét đi theo tiền trần, giả tướng thay đổi thì nhận thức cũng đi theo. Sự chỉ ra cái ý thức đó không phải là tâm, là sự bác bỏ về nhận định sai lầm, chứ không phải là sự phủ nhận tồn tại của ý thức đó.

Ví dụ như thuỷ tinh, khi ở nhiệt độ cao thì dẻo, dai, có thể uốn theo hình mà mình muốn, nhưng khi làm nguội dần, thì thuỷ tinh lại trở nên cứng và dễ vỡ. Những tính chất dẻo, dai, cứng, dễ, vỡ là tính chất đi theo hình tướng giả tạm có điều kiện phù hợp, chứ không phải bản chất thật của thuỷ tinh. Nếu ai nói thuỷ tinh là uốn được, tức là chưa đầy đủ, mà phải nói là thuỷ tinh ở nhiệt độ cao. Chứ vốn dĩ, thuỷ tinh không có bản chất dễ uốn hay dễ vỡ.

Tất cả sự vật, như thuỷ tinh, có danh tướng đều là sự giả tảm, do nhận thức mà đặt tên, do nhận thức phân biệt nương theo tiền trần mà phân loại, mà đi theo đánh giá, so sánh,… Nhưng khi cái tiền trần không còn, thì nhận thức theo tiền trần cũ đó cũng không còn. Như thế thì nhận thức đó là có hiện hữu, nhưng không phải là chân tâm.

Ý thức không phải chân tâm

Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói rằng nếu chấp theo ý thức là tâm của mình, thì tiền trần không còn, tâm cũng đi theo, lấy gì để tu chứng ngộ ? Chân tâm duyên khởi trùng trùng biến hiện sự vật, cùng tâm phan duyên phân biệt sự vật vốn không hai, không khác, nhưng chỉ nhận cái tâm phân biệt là chân tâm mà bỏ cái tâm duyên khởi thì là vô minh.

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có một phân đoạn cực kỳ giá trị khi khẳng định rằng:

Đức Phật không muốn thấy chúng sinh khổ đau trong luân hồi nên chỉ bày phương pháp thoát khỏi khổ đau, chứng ngộ an lạc, chứ không thể ban phát sự giải thoát, ban phát sự an lạc.

Phật giảng dạy, nhưng chính chúng sinh là những người lựa chọn tiếp nhận hay là không.

2. Tính thấy không phải là con mắt từ góc độ kinh Thủ Lăng Nghiêm

Kinh Thủ Lăng Nghiêm làm rõ vấn đề này bằng việc tiếp tục đoạn hội thoại giữa Đức Phật và ông A – nan, Đức Phật hỏi ông A – nan:

“Ví như không có bàn tay ông, thì không có cái nắm tay của ông. Mặt khác, nếu không có con mắt của ông, thì không có cái thấy của ông”. Sau đó, Phật bảo ông A – nan đem 2 vế đó so sánh với nhau xem có cân nghĩa hay không thì ông A – nan đáp rằng 2 vế đó cân nghĩa nhau.

Phật bác giống nhau là không đúng. Người không có bàn tay, tuyệt nhiên không thể nắm tay, nhưng người không có con mắt, thì vẫn thấy.

Ví như một người mù, họ nhìn thấy tối đen, như vậy, tối đen là cái bị thấy, chứ đâu phải không thấy.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói rằng nếu đã không thấy, thì sao biết tối đen, không có cái tối đen làm đối tượng thấy, thì sao biết nó tối đen ? Vốn dĩ, không có con mắt, thì cái không thấy là không thấy tiền trần, cảnh vật do con mắt thu nạp.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng đoạn này rất kỹ, dạy chúng sinh về tính thấy là không thêm, không bớt, không sinh, không diệt ở bất kì ai, chỉ khác nhau về thấy “cái gì”. Thứ mà chúng sinh thấy hàng ngày được quy định là “một cái gì đó” thuộc về trần cảnh, nên khi không thấy tiền trần, thì mặc định coi là “không thấy”, thực chất đó chỉ là cái không thấy cảnh vật của con mắt.

Khi chúng sinh thấy tiền trần mất đi, thì cũng cho rằng tính thấy mất đi. Đó là một trong những điểm mê và ngộ. Cũng giống như khi ông A – nan nghe Đức Phật giảng pháp, khi bài giảng kết thúc thì tính nghe của ông A – nan chẳng hề mất đi, thứ mất đi là cái nghe phân biệt, nhận thức về bài giảng.

Tính thấy, hay tính nghe chỉ là ví dụ là biểu tượng đại diện cho “tính biết”; ở đây chúng ta sẽ bàn luận về "tính thấy". Kinh Thủ Lăng Nghiêm chủ yếu muốn khai thị về ý niệm chân tâm ngay tại nơi ngũ căn: tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, vốn không dao động. Còn 6 thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức thì chỉ nương theo tiền trần mà có thôi, nên các thức ấy là dao động.

3. Hình ảnh ẩn dụ trong kinh Thủ Lăng Nghiêm (Hết quyển 1)

Kinh Thủ Lăng Nghiêm ví phiền não như vị khách thuê trọ, thuê trọ xong thì đi, không ở mãi, còn chủ trọ thì chẳng đi đâu. Khách thuê trọ như tâm phân biệt, đến thuê trọ, tức mượn tạm nhân của căn, gặp cảnh vật thì khởi sinh. Cảnh duyên không còn, tâm phân biệt như khách thuê trọ, rời đi khỏi chỗ đó.

Chủ trọ như chân tâm thường trụ, vốn đã ở đó, và khi khách đi thì cũng vẫn ở đó chứ không đi theo.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm sử dụng hình ảnh Phật đưa bàn tay sang trái, đưa bàn tay sang phải, hỏi ông A – nan thấy không. Mục đích của đoạn này chính là chỉ cho ông A – nan cùng đại chúng biết rằng tính thấy lặng yên, tính thấy không lay động, không đi theo gì cả, mà chỉ có cái đầu của ông A – nan đi theo cảnh vật. Cái tính thấy không lay động, nhưng không trực nhận được mà chỉ nhận cảnh thay đổi để coi là cái thấy, cái biết.

Nên nhận rõ rằng nếu không có chủ trọ, thì không có khách trọ, là đại diện biểu tượng cho nếu không có tĩnh, chẳng thể có động, nếu không có bên trên, không có bên dưới, nếu không có bên trái, chẳng thể có bên phải, nhờ đó mà biết nhờ cảnh trần lay động, để trực nhận được chân tâm thường trụ.

4. Kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ rõ tính thấy: Không sinh, không diệt (Thuộc quyển 2)

Bối cảnh đoạn này của kinh Thủ Lăng Nghiêm dựa vào việc vua Ba – tư – nặc lúc đó 62 tuổi, vì nghe ngoại đạo nói rằng chết rồi là hết, sinh tâm hoang mang, nhờ đó mà Phật giảng nghĩa lý về tính thấy không sinh, không diệt.

Nương nơi già yếu mà Phật hỏi đại chúng rằng thân xác vua có già đi không ? Vì thân xác thay đổi theo từng sát na, già đi theo thời gian thì hiển nhiên sẽ đến lúc phải hư hoại, phải chết đi. Phật hỏi vua Ba – tư – nặc khi còn trẻ nhìn sông Hằng và bây giờ nhìn sông Hằng, có thấy sông Hằng khác đi, thành con sông khác không.

Câu hỏi này kinh Thủ Lăng Nghiệm nhận định mục đích của chúng sinh thấy rõ thân xác thì già đi, còn tính thấy vẫn vậy. Việc nhận định rõ ngay trong chính mình có tính không sinh, không diệt là một điều trọng yếu đối với người học đạo. Lúc nhỏ, nhắm mắt thấy tối đen, về già, nhắm mắt lại vẫn thấy tối đen, chứ không khác.

Chúng sinh nhận tâm phân biệt làm tâm thật tính của mình, cái tâm này công năng lớn bao trùm đời sống nhưng lại dời đổi không ngừng, không cần đợi tới lúc chết, tâm phân biệt này mới mất, mà ngay khi ngủ, khi bất tỉnh, thì tâm này cũng không có. Nếu nương theo cái tâm này để tu hành thì kết quả cũng sinh diệt mà thôi.

5. Kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ chỗ trái ngược

Ông A – nan sau khi nghe Phật giảng thì thắc mắc nếu tính biết không sinh, không diệt, còn mãi ở đó thì sao Phật bảo ông A – nan lại bỏ quên chân tính của mình, làm việc trái ngược.

Phật đưa cánh tay chỉ lên, rồi hạ cánh tay chỉ xuống, bảo ông A – nan đồng là một cánh tay, đồng là một khoảng không, nhưng lại thấy có xuôi có ngược, lấy một đầu khi coi là đầu, khi coi là đuôi. Khi coi đầu này là đầu, thì đầu kia là đuôi, khi coi đầu này là đuôi, thì đầu kia lại là đầu. Thực chất phân đoạn này của Kinh Thủ Lăng Nghiêm là một biểu tượng ví dụ lớn, người học kinh phải nắm vào cốt lõi, chớ đọc mỗi câu từ cho rằng phân đoạn này ngớ ngẩn.

Việc sử dụng cánh tay, chỉ lên, chỉ xuống, là việc làm theo tục đế, phân ra hướng trên dưới là việc làm của thế gian đời thường, không có vấn đề gì, mà ở đây kinh Thủ Lăng Nghiêm mượn đó để làm ví dụ.

Trong đời sống con người, việc làm trái ngược thì nhiều vô kể. Đồng một cánh tay, đồng một khoảng không mà lại phân ra có trên có dưới, cũng giống như đồng là con người, đồng cùng nhau sống trên Trái đất, lại phân ra người da trắng, người da màu, hành xử phân biệt chủng tộc cùng một giống loài con người với nhau, đem đến khổ đau cho chính loài người.

Đồng một cánh tay, đồng một khoảng không mà lại phân ra có trên có dưới, cũng giống như đồng là con người, đồng cùng nhau sống trên Trái đất, lại phân ra người thượng đẳng, người hạ đẳng, hành xử chê bai, coi khinh khi cùng một giống loài con người với nhau, đem đến khổ đau cho chính loài người.

Hình ảnh cánh tay đưa lên, đưa xuống chỉ mang tính chất của sự đại diện biểu tượng cho muôn vàn hành xử trái ngược của con người. Nếu xét theo tục đế, con người phân loại hình hài theo đặc điểm lãnh thổ, hoặc đặc tính quốc gia, đó là lẽ không sai, nhưng lại từ đó mà phân biệt cực đoan, chê bai,… thì thật sự là việc làm trái ngược.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm khẳng định thân, cảnh đối đãi với nhau mà tâm phân biệt lay động, đi theo cảnh, theo danh tướng mà suy nghĩ, dẫn tới hành động, rồi nhận tâm phân biệt làm tâm mình. Khi đã nhận lầm ý thức làm tâm, thì chắc chắn chấp kiến tâm ở trong thân mình, không biết được vạn pháp là trùng trùng duyên khởi, vạn vật giả tướng là tâm tính biến hiện như bọt nước.

Bỏ cả tâm tính thường trụ bao la, chỉ nhận thân xác này của mình, nhận ý thức của cái thân xác đó là tâm mình, thì cũng như chỉ nhận ngọn sóng mà bỏ cả đại dương bên dưới ngọn sóng.

Phật dùng ngón tay, chỉ mặt trăng dạy rằng đó là mặt trăng, rồi hỏi ông A – nan có thấy không, cốt để nương nhờ ngón tay mà nhìn thấy mặt trăng. Cũng giống như cách nương nhờ lời dạy mà trực nhận pháp giới tuyệt đối. Nhưng nếu lại cho rằng ngón tay chỉ là mặt trăng, thì ta vừa không biết mặt trăng là gì, vừa nhận nhầm ngón tay thành mặt trăng; tượng trưng cho không biết chân tâm là gì, và nhận nhầm tâm ý thức thành chân tâm.

6. Lựa bỏ ý thức, kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ tính thấy không có chỗ trả về

Trong phân đoạn này, kinh Thủ Lăng Nghiêm sử dụng hình ảnh của ông A – nan để nói lên được cảm nhận chung của đại chúng, chính là thấu hiểu lời dạy của Đức Phật, hiểu rõ chân tâm thường trụ không sinh, diệt, nhưng cái hiểu rõ này vẫn chỉ là cách mà ý thức nương theo lời dạy mà tưởng tượng mà thôi.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ dạy tâm tính cần trực nhận, nhưng sự trực nhận thì cần thời gian tu tập giới hạnh, nếu chỉ nói một vài câu thì sự trực nhận đó là của ý thức vọng tưởng vi tế tạo thành. Cái ý thức phân biệt tiền trần, theo tiền trần mà diệt, dù có bỏ hết đi sự không phân biệt, riêng giữ một cái không phân biệt ấy, thì cũng chỉ là sự đối đãi với thứ gọi là “phân biệt” mà thành lập, không có tự thể.

Tính thấy là một công năng của tâm tính, chứ chưa thật là tâm tính. Ví như con người nhìn thấy bóng trăng dưới mặt hồ, nếu hôm đó trăng khuyết thì bóng khuyết, nếu hôm đó trăng tròn thì bóng tròn, đó là phản ánh sự thật chứ chưa thật là mặt trăng, tuy nhiên tính thấy (hay tính biết) là chân tính của mỗi người, chẳng thể trả đi đâu, còn tất cả mọi thứ trên đời này đều có chỗ để trả về.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy rằng cái sáng thì có thể trả về cho mặt trời, cái tối trả về cho màn đêm, cái thông suốt trả về cho hư không, cái ngăn cách trả về cho các tường, vách, cái tướng giả tạm trả về cho phân biệt,… ý kinh Thủ Lăng Nghiêm muốn nói rằng, trên thế gian đời thường, mọi thứ đều có thể trả về cho nơi chủ nhân của nó.

Riêng có tính thấy, hay đại diện cho tính biết, thì chúng ta liệu có thể trả đi về đâu được ? Chẳng thể trả về đâu. Ví như trả tính thấy về cho ánh sáng, thì đáng lẽ không thể thấy tối đen. Tính thấy chẳng thể trả về cho mắt, vì mắt là cái thấy sắc tướng, còn tính thấy thì chẳng thể mất đi đâu được, chẳng thể trả về đâu được cả; ngay cả người mù khi thấy tối đen, thì vẫn phải thấy mới biết tối đen, nếu không thể thấy thì lấy gì làm đối mà để biết là tối đen ?

Kinh Thủ Lăng Nghiêm khẳng định chúng sinh đều bị trói buộc bởi hai thứ chướng ngại.

  • Thứ nhất là phiền não chướng: Chướng ngại của phiền não
  • Thứ hai là sở tri chướng: Chướng ngại của hiểu biết

Phiền não chướng sinh khởi do chấp ngã. Sở tri chướng sinh khởi do chấp pháp. Chúng sinh học kinh điển ở mặt giáo lý từ ngữ, cho rằng mình biết rất nhiều thì đó là một chướng ngại. Càng học nhiều thì lại càng bị chướng ngại bởi những gì mà chúng ta biết.

Vì sao mà kiến thức là chướng ngại? Vì nó làm cho chúng sinh kiêu ngạo. Ngay khi tâm kiêu mạn này trỗi dậy thì đó chính là sở tri chướng. Khi chấp ngã, sẽ làm sinh khởi nên phiền não chướng. Một khi sự vướng mắc sinh khởi, thì phiền não chướng theo sau.

7. Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng về “tính thấy”

(1) Tính thấy là tính thấy sáng suốt, không phải là vật

Tất cả sự vật, có hình tướng sai khác, có kích cỡ khác biệt, còn tính thấy thì thật không có sai khác. Nếu tính thấy cũng là vật, thì người này thấy chung cái thấy với người khác, như thế một người quay ra hướng Đông, và một người nhắm mắt lại thấy chung cùng một thứ, rõ ràng điều này không đúng. Vì thế mà tính thấy hiển nhiên không phải là tiền trần cảnh vật.

Đối tượng là vật không biết, tính thấy là tính có biết, nếu hai cái này là một thì còn biết đâu được là vật, đâu là tính thấy nữa. Kinh Thủ Lăng Nghiêm kết luận, khi chúng ta thấy, thì đó là cái thấy chân thật, sáng suốt của chúng ta, là sự thấy sáng suốt không lay động, không sinh diệt.

(2) Tính thấy không có tính chất lớn, nhỏ, đứt đoạn

Ông A – nan cho rằng tính thấy không bao trùm vạn pháp, vì khi nhìn lên trời thì thấy vô biên, nhưng khi ở trong giảng đường thì có giới hạn ngăn cách.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy không nên lấy vật làm mình, lấy vật để phủ lên tính thấy. Tất cả những thứ như trời, căn phòng, tường, xa, gần, lớn, nhỏ,… đều là trần cảnh, đâu phải là tính thấy mở to ra, hay thu nhỏ lại. Ví như hư không trong cái hộp hình vuông thì thấy có vẻ là vuông, còn hư không bên ngoài có vẻ rộng lớn,… đó là do hư không bị gán vào với vật tiền cảnh, chứ hư không đâu có thể tính hình dạng.

Tính thấy cũng vậy, lớn nhỏ là thuộc về tiền cảnh, chứ tính thấy thì đâu có lớn, có nhỏ.

(3) Không có cái gì ra ngoài “tính thấy”

Phật bảo ông A – nan và đại chúng hãy tìm thử xem có cái gì ra ngoài tính thấy. Ông A – nan cho rằng không có sự vật nào là ra ngoài tính thấy cả, vì nếu có sự vật nào ra ngoài tính thấy, thì làm sao biết để mà nhận định là ra ngoài tính thấy ? Kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng đồng tình với luận điểm này và tiếp tục chỉ tính thấy không đi kèm các nghĩa “bên trong tính thấy” và “bên ngoài tính thấy”.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy rằng người chứng ngộ được Pháp giới tính thì biết tất cả sự sự vật vật dù là tâm hay cảnh, dù là năng kiến (chủ thể thấy) hay sở kiến (đối tượng bị thấy) đều theo duyên biến hiện, không có tự tính. Tất cả đều là Pháp giới tính, như thế thì làm gì phân ra bên trong, bên ngoài được, nếu như thế tức bên ngoài chân tâm nhiệm màu lại có một cái khác hay sao ?

Đức Phật hỏi ngài Văn Thù rằng, toàn thân ngài Văn Thù là “Văn Thù”, vậy trong ấy có con mắt, cái mũi, ngón tay, cái chân,… có cái gì, tức là Văn Thù ? Hay không có vật gì là Văn Thù ? Ngài Văn Thù trả lời toàn thân ngài là Văn Thù, nhưng nơi thân thì thật chẳng thể chỉ ra cái gì là Văn Thù, vì nếu có vật ấy, thì thành ra có hai Văn Thù, nhưng trong toàn thân ngài Văn Thù, thì lại chẳng có cái gì ra ngoài Văn Thù.

Đoạn này, kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ muốn giảng giải rằng tính thấy vốn đã thanh tịnh sáng suốt, không có cái gì gọi là bên trong, hay ra ngoài tính thấy, chỉ có cái thấy nơi mắt và ý thức phân biệt cảnh vật mới có ý niệm bên trong, hay bên ngoài. Tâm tính biến hiện vạn vật cũng vậy, đồng là Pháp giới tính, chỉ do nhận thức sai lầm nên mới có bên năng, bên sở (tức bên chủ thể và bên đối tượng bị phân biệt) mà thôi.

Năng sở vốn không thật có, tâm tính tuyệt đối vốn không thể chỉ, kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ phương tiện, ví dụ, tượng trưng, hỏi đáp để trực nhận, học giả nên suy xét chỗ kinh muốn chỉ, chứ không nên áp đặt câu từ, lệ thuộc vào danh từ mà lại lầm đường lạc lối.

Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm, biên dịch: Cư sỹ Tâm Minh – Lê Đình Thám (1897 – 1969), NXB Tôn Giáo, 2021
  2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Hoà Thượng Tuyên Hoá giảng thuật, NXB Tôn Giáo, 2006