Đặt vấn đề: Trong dòng thời gian biến chuyển, vạn vật luôn đổi thay. Mới ngày nào trăng khuyết, nay đã tròn, ánh trăng rạng tỏ muôn phương. Vào những ngày trăng tròn trong năm, Phật giáo Việt Nam ở khắp các tỉnh thành đều tổ chức lễ sám hối, Phật đản, an cư kiết hạ, tự tứ, Vu Lan, Phật nhập Niết bàn,... kết hợp cùng những lễ hội dân gian như lễ Thượng ngươn, lễ Trung ngươn, Tết Trung thu, lễ Hạ ngươn,… tạo nên nguồn năng lượng tinh thần đậm nét tâm linh gắn kết Phật giáo và dân tộc, hướng con người sống đạo đức, hạnh phúc gia đình và lợi lạc xã hội. Từ khóa: lễ hội Phật giáo, ngày Rằm, trăng tròn.
HÌNH ẢNH TRĂNG TRÒN TRONG KINH TẠNG NIKĀYA
Cảm hứng đêm trăng Rằm tháng Tư, vua A Xà Thế (Ajātasattu) nói rằng: “Thật khả ái thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật diễm lệ thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật mỹ miều thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật êm dịu thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật điềm lành thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Nay chúng ta nên đến chiêm bái vị Sa môn hay Bà la môn nào, nhờ sự chiêm bái này tâm chúng ta được tịnh tín”[1]. Khi đó, sáu vị đại thần lần lượt thỉnh vua đi gặp nhóm lục sư ngoại đạo nhưng vua đều im lặng:
1. Phú Lan Na Ca Diếp (Purāṇa Kassapa): chủ trương vô đạo đức. 2. Mạt Già Lê Câu Xá Lê (Makkhali Gosāla): chủ trương thuyết định mệnh. 3. A Kỳ Đa Sí Xá Khâm Bà La (Ajita Kesakambarin): chủ trương duy vật luận. 4. Ca La Cưu Đà Ca Chiên Diên (Pakudha Kaccāyana): giải thích sự hiện hữu thế giới thông qua bảy yếu tố (đất, nước, gió, lửa, khổ, vui và linh hồn). 5. Tán Nhược Da Tì La Lê Tử (Sañjaya Velaṭṭhiputta): chủ trương hoài nghi luận. 6. Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử (Nigaṇṭha Nātaputta): chủ thuyết tương đối.
Chỉ có thần y Kỳ Bà (Jivaka Komārabhacca) thỉnh vua đến vườn xoài nhà mình để gặp đức Phật. Vua liền đồng ý. Sau khi vua hỏi về hạnh tu của một bậc sa môn và trình bày các cách lý giải của sáu vị luận sư trên, đức Phật đã thuyết cho vua nghe về một số hạnh thiết thực của một sa môn, tiêu biểu như hạnh “sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập trong giới học, thân nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh. Sinh hoạt trong sạch giới hạnh cụ túc, thủ hộ các căn, chính niệm tỉnh giác, và biết tri túc”[2].
Đức Phật cũng đánh giá việc các Bà la môn đảnh lễ mặt trời và mặt trăng cho thanh niên Bà Tất Sá (Vàsettha) biết rằng: “những vị này không có thể thuyết dạy con đường đưa đến sự cộng trú với mặt trăng, mặt trời: Ðây là trực đạo, đây là chính đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với mặt trăng, mặt trời cho những ai thực hành theo”[3]. Nhân đó, đức Phật khuyến tấn Bà Tất Sá không nên đắm nhiễm sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), hãy tháo gỡ năm triền cái (dục, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối và nghi), thực hành đầy đủ giới hạnh, trau dồi bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỷ, xả),… thì có thể cộng trú với Phạm thiên, tự tại và tỏa sáng như mặt trời và mặt trăng.
Ánh sáng đó được diễn tả trong kinh Không phóng dật như sau: “Phàm ánh sáng của loại sao nào, tất cả đều không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Ánh sáng mặt trăng đối với chúng được gọi là tối thượng… Này các Tỳ kheo, vào mùa thu, khi hư không mở rộng, không có mây mù, mặt trời vươn thẳng lên trời, quét sạch mọi tối tăm trên trời, chói sáng, rực sáng, bừng sáng”[4]. Tuy nhiên, ánh sáng của mặt trời và mặt trăng sẽ bị mây, mù, khói bụi, và chúa tể A Tu La làm cho uế nhiễm; còn hào quang của đức Thế Tôn thì không gì cản ngăn được. Để phá trừ những cấu nhiễm đó, Ngài thường cảnh tỉnh hàng đệ tử phải an trú trong các thiện pháp, không phóng dật theo các thứ rượu, dâm dục, tiền bạc và lối sống tà mạng mà hủy phạm đạo hạnh tu tập[5]. Cho nên, thiên tử Màgadha cũng từng nói rằng:
Bốn vật chiếu sáng đời, Thứ năm đây không có, Ngày, mặt trời sáng chói, Ðêm, mặt trăng tỏ rạng, Lửa cháy đỏ đêm ngày, Chói sáng khắp mọi nơi, Chính giác sáng tối thắng, Sáng này sáng vô thượng[6].
Vào đêm trăng Rằm tại khu rừng Gosinga, các tôn giả như A Nan (Ānanda), Ly Bà Đa (Revata), Đại Ca Diếp (Mahā Kassapa), Mục Kiền Liên (Mahā Moggallāna), Xá Lợi Phất (Sāriputta) và A Nậu Lâu Đà (Anuruddha) lý giải về hạng tỳ kheo tu tập có thể làm chói sáng khu rừng Gosinga. Đức Phật đều khen các vị đệ tử khéo trả lời. Sau đó, Ngài nhắc Xá Lợi Phất rằng: “Này Sāriputta, Tỳ kheo sau buổi ăn, sau khi đi khất thực về, ngồi kiết già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt, và nghĩ rằng: Ta sẽ không bỏ ngồi kiết già này cho đến khi tâm của ta được khéo giải thoát các lậu hoặc, không có chấp thủ”[7].
CÁC LỄ HỘI TRĂNG RẰM TRONG NĂM CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Trăng rằm hay còn gọi là trăng tròn (mãn nguyệt), gọi tắt là “vọng” (望). Vào ngày này, mặt trời và mặt trăng đối xứng nhau ở hai cực và thấu suốt ánh sáng cho nhau. Theo Thích Đồng Bổn trong tác phẩm Phong tục dân gian Nam bộ và Phật giáo ghi rằng: “Người ta tin rằng vào ngày này nhờ sự thông suốt của mặt trời và mặt trăng mà thần thánh, ông bà, tổ tiên sẽ thông thương với con người, sự cầu nguyện sẽ đạt tới sự cảm ứng với các cõi khác và sự thông cảm tha thiết sẽ được đáp lại”[8].
Vào ngày 14 và 29 (tháng thiếu là 28) Âm lịch hàng tháng, đa phần các chùa Phật giáo Bắc tông đều tổ chức lễ sám hối theo nghi thức do ngài Bất Động (đời Tống) biên soạn, còn các thiền viện thì tụng nghi thức sám hối sáu căn trích từ Khóa hư lục của Trần Thái Tông, lễ tam thế Phật gồm:
1. Đức Phật Quá Khứ Tỳ Bà Thi. 2. Đức Phật Hiện Tại Thích Ca Mâu Ni. 3. Đức Phật Vị Lai Di Lặc.
Và một số vị Tổ sư Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam như:
1. Tổ Đại Ca Diếp. 2. Tổ A Nan. 3. Tổ Bồ Đề Đạt Ma. 4. Tổ Huệ Khả. 5. Tổ Huệ Năng. 6. Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông. 7. Tổ Pháp Loa. 8. Tổ Huyền Quang.
Ngày hôm sau, các chùa Phật giáo Bắc tông và Nam tông đều tác pháp bố tát thuyết giới nhằm trưởng dưỡng đạo tâm, tăng già hòa hợp và thanh tịnh. Vào các ngày này, nhiều phật tử ăn chay, đến chùa dự lễ sám hối, thọ bát quan trai giới, khóa tu một ngày an lạc, hoặc vấn đạo với chư Tôn đức. Ngoài ra, một số khách vãng lai thì đến chùa lễ Phật, thắp hương, dâng hoa quả cúng dường,... Một số lễ hội Phật giáo vào những ngày rằm trong năm như:
Thứ nhất là ngày 15/01 Âm lịch – Thượng ngươn (Thiên quan tứ phước), các chùa Bắc tông thiết đàn Dược sư cầu an đầu năm, thuyết pháp và tiếp đãi cơm cho mọi người viếng chùa. Ngày 15/02 Âm lịch, theo Phật giáo Bắc tông là ngày Phật Niết Bàn, nhưng chỉ có một số chùa tổ chức với hình thức nhỏ gọn.
Thứ hai là ngày 15/04 Âm lịch, theo Phật giáo Nam tông đây là ngày Đản sinh, thành đạo và Niết bàn của đức Phật (tam hợp). Theo Phật giáo Bắc tông chỉ là lễ Phật đản, tổ chức từ 8/4 đến 15/4 Âm lịch với nhiều tiết mục như văn nghệ, thuyết pháp, lễ mộc dục, thả bồ cầu và phát quà từ thiện. Vào năm 1999, Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận lễ Phật đản là hoạt động văn hóa quốc tế lớn toàn cầu (Đại lễ Vesak). Việt Nam đã ba lần đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak tại miền Bắc: năm 2008 với chủ đề “Sự đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội); năm 2014 với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc” tại chùa Bái Đính (Ninh Bình); năm 2019 với chủ đề “Cách tiếp cận Phật giáo đối với lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm chung đối với xã hội bền vững” tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam). Sau lễ Phật đản (15/04 Âm lịch), chư tăng, ni Phật giáo Bắc tông tác pháp An cư Kiết hạ.
Thứ ba là ngày 15/06 Âm lịch là ngày tăng, ni Phật giáo Nam tông kinh (chùa Bửu Quang ở quận Thủ Đức, Tp.HCM; thiền viện Phước Sơn ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; Thích Ca Phật Đài ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Ni viện Viên Không ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;...) và Khmer (chùa Chandaramsya ở quận 3, Tp.HCM; chùa Ratanaransi-Láng Cát ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang;…) tác pháp an cư.
Thứ tư là ngày 15/07 Âm lịch - Trung ngươn (Địa quan xá tội), chư tăng, ni Phật giáo Bắc tông tác pháp tự tứ và thiết lễ Vu Lan (cúng dường trai tăng, tiếp đãi cơm cho phật tử và khách vãng lai, phát quà từ thiện,…). Trong đại dịch Covid-19 bùng phát, chư tăng, ni tham dự lễ tụng kinh Dược Sư, Vu Lan, tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch, thiết đàn cầu siêu chư vị vong linh tử nạn vì dịch bệnh,…
Thứ năm là ngày 15/08 Âm lịch, với lễ hội Trung thu (Tết thiếu nhi, Tết hoa đăng), nhiều gia đình phật tử và khu vực gần đó dẫn các em nhỏ về chùa lễ Phật. Chư tăng, ni hoặc các huynh trưởng hướng dẫn các em chơi trò chơi, ca hát; rồi sau đó thắp đèn lồng nhiễu quanh chính điện và nhận bánh trung thu.
Thứ sáu là ngày 15/09 Âm lịch, là ngày Phật giáo Nam tông làm lễ Pavāraṇā (thỉnh vị khác chỉ lỗi). Từ ngày 16/09 đến 15/10 Âm lịch, các chùa Phật giáo Nam tông kinh và Khmer thiết lễ dâng y Kathina.
Thứ bảy là ngày 15/10 Âm lịch - Hạ ngươn (Thủy quan giải ách), tức là sau khi thu hoạch vụ mùa, phật tử và người dân địa phương người thì đem gạo, người thì đem đậu, hoa quả, tịnh tài,... về chùa dâng cúng dường Tam bảo; đồng thời họ cũng thiết lễ tạ ơn cửu huyền, thần linh,...
GIÁ TRỊ TINH THẦN QUA NHỮNG LỄ HỘI TRĂNG RẰM TRONG NĂM
Thứ nhất là giữ vững nét đẹp truyền thông tu tập của Tăng đoàn. Ngoài việc cạo tóc, thực hiện lễ nghi sám hối, tụng giới bố tát và tổ chức khóa tu cho phật tử, chư tăng, ni còn tổ chức lễ Phật đản vào ngày rằm tháng tư theo Phật giáo Bắc tông hay lễ Vesak theo tinh thần Phật giáo Nam tông; lễ tự tứ và Vu Lan theo truyền thống Phật giáo Bắc tông hay lễ tự tứ và dâng y Kathina của Phật giáo Nam tông,... tạo hình ảnh tăng đoàn tu tập hòa hợp và phát triển đạo pháp tại Việt Nam.
Thứ hai là thắt chặt sự tu tập giữa tu sĩ và cư sĩ, vào những ngày này, một số nam nữ cư sĩ đến chùa quét dọn, chưng dọn hoa quả, nấu xôi chè,... dâng lên cúng ở các bàn thờ. Vào những buổi tối, tín đồ Phật giáo tham dự cùng chư tăng, ni lễ lạy sám hối, nghe thuyết giảng Phật pháp hoặc sinh hoạt tổ chức Gia đình Phật tử,... Vào những lễ hội lớn trong năm thì các thiện nam tín nữ đến chùa công quả hành đường, đảm nhận một số công việc trong Ban tổ chức, tham dự khóa lễ và thực hiện các chương trình từ thiện như phát quà cho người dân khó khăn tại địa phương, xây cầu đường,...
Thứ ba là hướng mọi người sống đạo đức và lợi lạc tha nhân, đức Phật và chư Tổ sư thường khuyên giới xuất gia và tại gia luôn thực hành các thiện pháp trong đời sống tu học hằng ngày. Các lễ hội vào ngày Rằm tháng Hai, tháng Tư, tháng Bảy,... thể hiện nét đẹp tinh thần tri ân về đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni – bậc thầy đã khai đường dẫn lối cho biết bao con người quay về nẻo thiện, hình ảnh Tôn giả Mục Kiền Liên nhắc nhở hàng cư sĩ nói riêng và mọi người nói chung biết sống hiếu thảo “ở nhà hiếu thảo với mẹ cha, ra đường giúp nước lợi dân, và khi một mình lo tu thân”. Còn các lễ hội Rằm dân gian như lễ Thượng ngươn (15/01), Trung ngươn (15/07), lễ Trung thu (15/08), Hạ ngươn (15/10),… tạo điều kiện cho gia đình nam nữ cư sĩ đến chùa lễ Phật, dùng cơm chay, hoặc cho các em nhỏ chơi các trò chơi, thắp lồng đèn nhiễu quanh chùa và dùng bánh trung thu,…
Tóm lại, qua hình ảnh trăng sáng nhắc nhở mọi hành giả xuất gia lẫn tại gia thuộc các tông phái Phật giáo đều phải an trú trong chính niệm tỉnh giác, thực hành các thiện pháp, đồng thời tẩy trừ những phiền não cấu uế hướng đến thanh tịnh hóa ba nghiệp. Các lễ hội Phật giáo như sám hối, bố tát, an cư kiết hạ, cầu an, cúng dường,… đều hướng đến những pháp lành, trao nhau năng lượng của tình thương và hòa hợp, hoàn thiện đạo đức tự thân trong hiện tại và giải thoát trong tương lai.
Thích Thiện Mãn – Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM ------------------Chú thích: [1] ĐTKVN (2018), kinh Trường bộ, kinh Sa môn quả, Thích Minh Châu (dịch), Nxb Tôn giáo, HN, tr.55. [2] Kinh đã dẫn, tr.69. [3] ĐTKVN (2018), kinh Trường bộ, kinh Tevijja, Thích Minh Châu (dịch), Nxb Tôn giáo, HN, tr.215. [4] ĐTKVN (2018), kinh Tăng chi bộ, tập 2, chương Mười pháp, phẩm Hộ trì, kinh Không phóng dật, Thích Minh Châu (dịch), Nxb Tôn giáo, HN, tr.544. [5] ĐTKVN (2018), kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương Bốn pháp, phẩm Rohitassa, kinh Các uế nhiễm, Thích Minh Châu (dịch), Nxb Tôn giáo, HN, tr.394-395. [6] ĐTKVN (2018), kinh Tương ưng bộ, tập 1, chương Tương ưng thiên tử, phẩm thứ nhất, kinh Màgadha, Thích Minh Châu (dịch), Nxb Tôn giáo, HN, tr.101. [7] ĐTKVN (2017), kinh Trung bộ, tập 1, Đại kinh rừng sừng bò, Thích Minh Châu (dịch), Nxb Tôn giáo, HN, tr.274. [8] Thích Đồng Bổn (2013), Phong tục dân gian Nam bộ và Phật giáo, Nxb Hồng Đức, HN, tr.131.
Bình luận (0)