Cư sĩ Phúc Quang tổng hợp, tóm lược

Dẫn nhập

Trong suốt dòng chảy lịch sử Phật giáo Bắc truyền nói chung, và tín ngưỡng người phật tử Việt Nam nói riêng, hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm đóng vai trò ý nghĩa to lớn đối với đại đa số Phật tử.

Ảnh: St
Ảnh: St

Ở Việt Nam, hình ảnh Quán Thế Âm xuất hiện hầu hết ở các chùa, tự viện, tu viện,… hay thậm chí là lời truyền dạy của bố mẹ tới con cái như một chỗ dựa tinh thần khi khó khăn và hoảng sợ. 

Phần I. Nguồn gốc sinh khởi “Tín ngưỡng Quán Thế Âm”

1. Sơ lược

Bồ tát Quán Thế Âm hay còn gọi là Bồ tát Quán Âm bắt nguồn từ Ấn Độ, có bề dày lịch sử lâu dài nhưng sự thực cho thấy rằng sức ảnh hưởng của hình ảnh biểu tượng này cũng như phát triển thành cả một hệ tín ngưỡng thì không thể bằng Trung Quốc. Hình ảnh ngài Quán Âm Ấn Độ là người nam, nhưng khi được truyền qua Trung Quốc thì được xây dựng dưới hình thái của một người nữ, cụ thể ở đây là để đại diện cho sự từ bi vô biên của người mẹ, và những người con ở đây là chúng sinh thế gian.

Giải nghĩa tên gọi theo ngôn từ thì “Quán” là quán sát, “Thế” là thế gian và “Âm” là âm thanh, ý nói tới sự quán sát âm thanh của thế gian, biểu tượng cho thái độ lắng nghe, thông cảm. 

Khi Phật giáo tới với mảnh đất này, người dân Trung Quốc đã chắt lọc những tinh hoa bao gồm cả hình tượng Quán Thế Âm và chuyển hoá thành một nền tính ngưỡng đậm bản sắc Trung Quốc. Bồ tát là từ viết tắt, tên đầy đủ là Bồ đề Tát đoả (Phiên âm tiếng Phạn là: Bodhisattva), trong đó từ “Bồ đề” đại diện cho ý niệm giác ngộ, “Tát đoả” là nói về loài chúng sinh hữu tình. Cụm Bồ đề Tát đoả hay Bồ tát ý nói tới người đã giác ngộ, và được hình tượng hoá lên với đặc tính của sự từ bi, yêu thương rộng lớn trùm khắp thế gian. Người Trung Quốc lan toả, lưu truyền rất mạnh tín ngưỡng này, và thậm chí nếu nói hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm là một trong những hình ảnh đại diện cho nền Phật giáo Trung Quốc cũng không sai. 

2. Một số quan điểm về nguồn gốc sinh khởi tín ngưỡng Quán Thế Âm

Xét về chi tiết của nguồn gốc về thời gian chính xác ra đời, vị trí ra đời thì cho đến nay vẫn là những sự tranh cãi mà không có một câu trả lời chắc chắn. Các bậc tu sĩ Phật giáo Nam truyền khẳng định rằng khi đức Phật Thích ca Mâu ni đương thời và phổ độ giáo lý thì không có cụ thể một hình tượng về vị Bồ tát này, mà vị này chỉ có thông qua sự sáng tạo về sau thuộc giai đoạn Phật giáo Bắc truyền hình thành (tức là khoảng sau 100 năm đức Phật nhập diệt – khoảng giai đoạn từ 650 – 700 TCN). 

Như vậy dấu mốc đầu tiên mà chúng ta có thể xác định được hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm được sáng tạo ít nhất cũng từ khoảng năm 650 TCN đổ về sau, tức là đâu đó đầu thế kỷ thứ VII TCN đổ đi. Tuy nhiên, khi bàn về vấn đề niên đại, do không có bất kỳ một văn kiện nào lưu truyền cũng như ghi dấu rằng từ thời điểm này, có sự xuất hiện của hình ảnh này, cho nên có nhiều tranh cãi xoay quanh mốc thời gian:

(1). Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự xuất hiện trong giai thoại TCN (nhưng không thể xác định mốc chính xác mà chỉ dao động từ thế kỷ VII TCN tới đầu CN), dựa vào căn cứ một số kinh điển đại thừa xuất hiện tại Trung Quốc mà đề ra luận điểm này. Các nhà nghiên cứu cho rằng Ngài Long Thọ (Tổ Long Thọ, người đời tôn thờ Ngài là Bồ tát. Sinh sau thời điểm đức Phật nhập Niết bàn khoảng 517 năm, ở miền Tây nước Ấn) đã có đề cập tới tín ngưỡng Quán Thế Âm rồi, họ ước tính năm sinh của Ngài vào khoảng năm 150 – 250 SCN, vì lẽ đó, cộng với sự khẳng định của giới tu sĩ Phật giáo Nam truyền, nên hình ảnh Quán Thế Âm chắc chắn phải có trong giai thoại cuối TCN tới gần CN. 

(2): Một số nhà nghiên cứu thì lại cho rằng sự xuất hiện này rơi vào khoảng thế kỷ I, II sau Công nguyên. Những học giả tin theo học thuyết này căn cứ vào sự xuất hiện đầu tiên thông qua kinh Diệu pháp Liên hoa xuất hiện đâu đó khoảng thế kỷ I, II SCN

Điều thú vị nằm ở chỗ, bên cạnh sự mơ hồ về mốc thời gian, các nhà nghiên cứu còn tranh luận địa điểm lưu truyền đầu tiên hình ảnh này. Bên cạnh các nhà tu sĩ Nam truyền và các học giả nghiên cứu, có cả một bộ phận người theo đạo Bà la môn nói rằng hình tượng từ bi Quán Thế Âm là có gốc gác từ đạo của họ, thậm chí có người còn nêu quan điểm nguồn gốc từ người Iran và Pakistan cổ đại.

Vấn đề đáng nói ở chỗ là bên cạnh việc dựa theo các kinh điển Nguyên thuỷ ngày nay, chúng ta có thể tạm căn cứ rằng những bộ kinh trường phái này không có ngài Quán Thế Âm, tất cả chỉ có vậy thôi. Ngoài ra, chúng ta không có bất kỳ một dấu tích lịch sử chính xác nào cho thấy thời gian cụ thể, địa điểm chính xác là ở đâu, tất cả chỉ là những quan điểm cá nhân mà thôi. 

Tuy nhiên, có giả thuyết niềm tin này rất đáng để các học giả lưu tâm. Đó là hình tượng quán sát âm thanh thế gian, lắng nghe, cảm thông và từ bi chỉ đơn giản là những đức tính tốt đẹp không chỉ riêng gì Phật giáo mà bất kể tôn giáo nào cũng đề cao, và vô hình chung hình thành hình tượng đức tính cần thiết cho một con người hoàn mỹ lý tưởng. Hình ảnh này lưu truyền trong tâm thức của con người qua nhiều thế hệ, sau này các trường phái mới, hay các vùng lãnh thổ tiếp cận Phật giáo, họ đề xướng ra hình ảnh của một vị tượng trưng như một cách sử dụng văn học để nhân cách hoá nhân vật, làm biểu tượng cho chúng sinh.

 Xét về mặt địa điểm, Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh, quyền 68 có viết rằng: "Ở nơi phương Nam, có núi tên Potalaka, có vị Bồ tát tên Quán Tự Tại... Nhìn về phía Tây, trong hang núi ấy... Bồ tát Quán Tự Tại ngồi kiết già trên tòa báu Kim cương”. Đời Tấn dịch Hoa nghiêm kinh ý cũng giống như vậy, núi thì tên "Quang Minh Sơn". Quyển 10 trong Đại Đường Tây Vực ký có chép rằng: "Phía Đông núi Malaya, có núi Potalaka. Thế núi nguy hiểm, động đá ngả nghiêng. Ao trên đỉnh núi, nước trong như gương... Cạnh ao có Thạch Thiên cung, Bồ tát Quán Tự Tại thường đến đó trú ngụ. Kẻ nào muốn diện kiến Bồ tát, chẳng ngại hiểm nguy, trèo núi lội suối, quên đi gian nan, đến được nơi ấy, ít ỏi vô cùng".

Một số nghiên cứu lịch sử, vị trí địa lý, vào trong đó có cả sự tư vấn của Hoà thượng Ấn Thuận, Hoà thượng cho rằng: “Potalaka, nơi Quán Âm cư trú tương đồng với Bố Đa La (kinh đô Ásvapura) của nước A Thấp Ba (Ásvaka) thuộc phương Đông, truyền thuyết ấy có liên quan đến khu vực duyên hải Đông Nam Ấn Độ, cho nên hạnh nguyện cứu khổ cứu nạn của Bồ tát Quán Thế Âm rất được những thuỷ thủ hàng hải hoặc ngư dân miền duyên hải sùng bái và tín ngưỡng”. 

Mô hình núi Phổ Đà (Potalaka), st
Mô hình núi Phổ Đà (Potalaka), st

Núi Potalaka, nơi được cho là có sự xuất hiện Tín ngưỡng Quán Thế Âm đầu tiên, được mô tả là có lịch sử rất rất lâu đời, đóng vai trò quan trọng nhất cho nền móng cho tín ngưỡng này. Núi Potalaka có nét huyền bí, và một cảm giác linh thiêng, đường mòn để dẫn lên đỉnh ngọn núi rất gập ghềnh, nguy hiểm. Trên đỉnh núi có một cái hồ, nước trong hồ chảy ra thành nhánh sông bao quanh ngọn núi khoảng hơn 20 vòng rồi chảy ra biển Nam. 

Một số luận điểm cá nhân nói về nguồn gốc hình tượng Quán Âm

(1). Có luận điểm cho rằng Bồ tát Quán Âm bắt nguồn một vị thần Thái Dương trong Bái Hỏa giáo đến từ Iran. Một số học giả nhận định, hình ảnh gốc của Quán Âm đến từ nữ thần Nanania của Iran ở Ardoso.

(2). Rồi có quan điểm khác nói rằng hình ảnh Quán Âm rất giống với Apollo, thần Thái Dương (Mithra), Helios và Hermes.

(3). Quán Âm cũng có mối tương quan với nữ thủy thần Anahita Ba Tư cổ xưa.

(4). Cũng có người nói Quán Âm chính là sự giao thoa kết hợp giữa thần Apollo của Hy Lạp với thần Siva của Ấn Độ. 

(5). Ngoài ra, cũng có học giả nhận định, một vị thần của Bà la môn giáo hóa thân làm cá, rùa, heo rừng, v.v. đương nhiên hóa thân Quán Âm cũng có nguồn gốc như vậy. Hình tượng Quán Âm có mối quan hệ nhất định với Vệ Đà của Bà la môn giáo. 

(6). Thế nhưng, Hoà thượng Ấn Thuận khi truy tìm nguồn gốc của tín ngưỡng Quán Âm từ góc độ nội bộ của Phật giáo, lại cho rằng nguồn gốc đó chẳng qua chính là sự thích ứng của giáo lý Phật giáo từ bi cứu thế đối với chúng sinh trong đời sống thế tục. Đại sư đưa ra hai ví dụ, một là nguồn gốc tín ngưỡng hiển tướng của Quán Âm, hai là nguồn gốc tín ngưỡng Đại bi của Quán Âm. Sự hóa hiện các thân tướng khác nhau để phù hợp cứu độ chúng sinh chính là một trong những tư tưởng quan trọng của tín ngưỡng. Có học giả cho rằng, điều này chịu sự ảnh hưởng từ thần Visnu của Ấn giáo. Và Ngài Ấn Thuận cũng có vẻ đồng tình với khả năng này, vì suy cho cùng đây cũng chỉ là hình ảnh biểu tượng cho lòng đại từ, đại bi của toàn nhân loại, sự từ bi không phải là khái niệm đặc thù hay “độc quyền” của bất kỳ tôn giáo nào.

(7). Có khá nhiều học giả cho rằng, Quán Âm có nguồn gốc từ sự diễn biến của thần Siva trong thần thoại Bà la môn giáo cổ đại

Theo thuyết thần thoại này, sau khi Mahabrahmã sáng tạo ra thế giới, cảm thấy mình cô đơn, bèn từ nơi trái tim, đôi mắt, cái miệng, tai phải, tai trái, lỗ mũi v.v. của mình đồng loạt sinh ra sáu đứa con trai. Đời sau của sáu đứa con này có một vị tên Sürya, do vì dung mạo khó ưa nên bị những người anh của mình đày xuống trần gian, từ đó Sürya trở thành thủy tổ của loài người. Vợ của Sürya là Saranyù vì không muốn sống chung với người chồng phàm tục, bèn hóa thành một con ngựa cái, tung tăng trên thảo nguyên xa xôi nơi phương Bắc. Surya do vì muốn kiếm tìm vợ của mình nên cũng biến thành một con ngựa đực, Saranyu vô cùng cảm động. Từ đó, hai người sống với nhau dưới hình hài loài ngựa. Sau khi bắt đầu cuộc sống chân ái, họ đã hạ sinh một cặp song sinh, đặt tên là Asmaka, nghĩa là "Mã Sinh" hoặc "Song Mã Đồng (Asvin)".

Trong cuộc chiến giữa Deva và Asura, Asvin phát huy uy lực tối ưu của nó, trong đó có khá nhiều đặc trưng rất giống với tín ngưỡng Quán Âm như: từ bi lương thiện, hoan hỷ giúp người, trị bệnh trừ tà, tầm thanh cứu khổ, v.v.  Cặp anh em song sinh này vừa khoẻ mạnh lại thông minh nhanh nhẹn. Năng lực chính của họ là cứu khổ cứu nạn, nhất là trị bệnh, chữa mắt lòa thành sáng, tàn phế thành lành, khiến kẻ vô sinh đậu thai, cứu nạn thuyền buồm nơi biển. Hai anh em họ còn giúp cho lão tiên được hồi phục sức khoẻ, kéo dài mạng sống, trẻ mãi không già, ngoài ra còn trị hết những kẻ già yếu bệnh tật; lại đứng ra mai mối hôn nhân, giúp nhiều chàng trai cưới được vợ, v.v. Ly kỳ hơn, là có một tiên nhân bị kẻ xấu trói lại rồi nhấn chìm vào trong nước, hết chín ngày chín đêm mà vẫn được Asvin cứu sống. Có người bị rơi vào hầm tối (hoặc hầm lửa), cũng được Asvin cứu thoát, uống được giọt nước thanh lương, thoát khỏi mọi tai ương. Trong quyển Từ điển tôn giáo có nói thế này: "Phật giáo Đại thừa chịu sự ảnh hưởng từ đó, nên cũng dựng lên hình tượng Bồ tát Quán Âm đại từ đại bi
Học giả Hàn Bẫm Kiệt cho rằng có lẽ Phật giáo Bắc truyền cũng vay mượn đặc tính của Asvin để tạo dựng hình tượng Bồ tát Quán Âm. Từ Tịnh Ba trong tác phẩm Quán Âm Bồ tát khảo thuật có viết: "Quán Thế Âm là vị Bồ tát được mọi người tôn kính, có lịch sử lâu đời, và rất ly kỳ hấp dẫn. Dựa vào Rigveda ghi chép, ở thế kỷ VII trước Công nguyên, trước khi đạo Phật ra đời, Thiên Trúc (nay thuộc Ấn Độ) cũng từng có Quán Thế Âm. Nhưng lúc ấy, Quán Thế Âm không phải tướng nam cũng chẳng phải tướng nữ, mà là một cặp ngựa song sinh khả ái. Đó là biểu tượng thiên thần của Bà la môn giáo, tượng trưng cho từ bị và lương thiện, uy thần quảng đại”.

Một vài sự nghiên cứu chỉ ra rằng vào khoảng thế kỷ thứ III TCN, Phật giáo Đại thừa xuất hiện, tín đồ Phật giáo nghĩ rằng Phật giáo cần có một vị Bồ tát từ thiện để an tâm chúng sinh, bèn đem Quán Thế Âm Thiện thần của Bà la môn giáo chính thức dung nạp và trở thành một vị Bồ tát từ thiện có tên là Mã Đầu Quán Thế Âm. Hình dáng ban sơ khi ấy của Quán Thế Âm vẫn còn là một con ngựa nhỏ khả ái. Đến đầu Công nguyên, phật tử thấy rằng các vị Bồ tát đều có dáng người, duy chỉ Quán Thế Âm là hình hài con vật, bèn chuyển đổi Mã Đầu Quán Âm thành nam nhân. Từ đó, Bồ tát Quán Thế Âm từ hình hài một chú ngựa non bỗng chốc hóa thành đại trượng phu. Tóm lại, Từ Tịnh Ba cho rằng, Quán Âm ở Ấn Độ có sự chuyển biến từ hình thú sang nam nhân, Asmaka là hình mẫu đầu tiên của tín ngưỡng Quán Âm. 

Tuy nhiên, Asvin thường hay cưỡi chiếc xe ba bánh sắc vàng, đôi khi cưỡi chim ưng hay thiên nga, thường xuất hiện vào lúc bình minh, tựa như vầng thái dương thoắt hiện trên trời. Còn hình tượng Quán Âm không có hình tượng cưỡi xe, cũng không có ghi chép cưỡi chim muông. Asvin đôi khi cũng có nhiều vấn đề không thể giải quyết được, thậm chí vì nữ sắc mà tranh đoạt với kẻ khác, sau cùng chịu sự thất bại thảm hại, những điều này không giống với hình tượng Quán Âm. Asvin chủ yếu dựa vào chú thuật để đạt được mục đích, nhưng trong tín ngưỡng Quán Âm thời kỳ đầu vẫn chưa hề đặt nặng về chú thuật mà chỉ mang tính đại diện tượng trưng cho một hình tượng cụ thể để nương vào. Tóm lại, từ những văn bản cổ về Phật giáo có được hiện nay, chúng ta khó mà tìm được chứng cứ để chứng minh sự liên hệ giữa Asvin với Quán Âm, nhưng cũng không hoàn toàn phủ nhận hết những yếu tố có tính tương đồng.

Các học thuyết và ý kiến bàn luận về nguồn gốc tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm có sự khác nhau cũng chỉ do xuất phát từ sự tiếp cận ở những phương diện khác nhau. Dấu ấn lịch sử là quá dài, các dấu mốc chồng chéo lên nhau, các bản kinh dịch cũng mang tính khái quát, thông thường chỉ tập trung vào yếu tố đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn. 

Tuy nhiên, có điều này mà chúng ta hoàn toàn có thể chắc chắn chính là tư tưởng cứu thế vốn đã tồn tại từ rất xưa, ở bất kỳ thời đại nào cũng rất dễ phát sinh hay cường điệu hóa hệ tư tưởng này. Cho nên, rất khó để chứng minh được khởi nguyên của tín ngưỡng Quán Âm. Về mặt bản chất, hình tượng Quán Âm xây dựng dựa vào yếu tố tiên quyết là sự “từ bi, lắng nghe, cảm thông, cứu rỗi”, thì dù có ở lãnh thổ nào, thời đại nào, hình thức tuy có khác nhau thì về mặt biểu tượng vẫn là tương đồng.

3. Những nơi gần biển, những thuyền lớn ra đại dương, hay thấy thờ hoặc để tượng, ảnh của Hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm nhiều hơn Phật Thích ca Mâu ni, tại sao ?

Chúng ta để ý rằng hình tượng về Bồ tát Quán Thế Âm hay gắn liền với những nơi thường xảy ra bão, mưa lớn, hay các thuyền bè đi đánh bắt xa bờ,… các ngư dân hay để ảnh hoặc tượng Bồ tát Quán Thế Âm như một sự phù hộ. Đặc biệt, ở Việt Nam chúng ta có thể thấy một tấm ảnh rất quen thuộc về Ngài Quán Âm cưỡi rồng trên ngọn sóng lớn, đi trong cơn bão, và bối cảnh bức ảnh đó được giải thích là Ngài đang đi cứu các thuyền dân bị nạn, tại sao lại có sự truyền miệng về nguồn gốc này.

Ảnh: St
Ảnh: St

Người cổ ngày xưa khi gặp các kiểu tai nạn nào, theo thời gian sẽ đều hình thành một tượng trưng cho thần phù hộ kiểu đó, hoặc tín ngưỡng giải cứu tương xứng. Truyện xưa kể rằng ở miền duyên hải cực Bắc của đảo Tích Lan có một con ngựa quý thần thông quảng đại, có thể cứu giúp những kẻ vượt biển tìm châu báu nhưng bị gặp nạn. Nổi tiếng nhất là câu chuyện “Năm trăm thương nhân” xuống biển cầu tìm kho báu, nhưng bị cuồng phong hải nạn (đại khái là gặp bão lớn).

Trong năm trăm thương nhân ấy có một người chỉ huy xuống biển tìm vàng, không may gặp cuồng phong cuốn trôi. Trong giây phút thập tử nhất sinh, người chỉ huy được Bảo mã cứu thoát, nhờ vậy người này quay lại, và những người buôn khác còn sót lại cũng đều được cứu thoát. Bảo mã được xem là biểu tượng cứu nạn, độ người vượt biển an toàn ở eo biển Palk xưa kia. Mô típ câu chuyện này được lặp lại khá nhiều trong các bộ kinh.

Do vậy, chuyển thành tín ngưỡng "Quán Âm" cứu nạn một cách thuận theo tự nhiên, tức một vị quán sát được âm thanh, nghe được tiếng nguy nạn của ngư dân gặp nạn mà tới cứu. Hơn nữa cũng có những ý kiến cho rằng là một nguyên tắc cơ bản như sau, phàm những vị thành Phật thì "Giác" và "Hạnh" đều đã viên mãn tròn đầy, sau khi đem Phật giáo tới cho chúng sinh thì đã nhập thể Niết bàn, cho nên nhiệm vụ cứu nạn do Bồ tát đảm nhiệm để các ngài thực hiện viên mãn công đức đạo quả. Theo thời gian thì quan niệm đó truyền từ đời này sang đời khác, từ vùng này qua vùng kia, vị Bồ tát Quán Thế Âm chính là biểu tượng hộ mệnh, giải cứu ác nạn cuồng phong biển cả.

Khi tín ngưỡng Quán Âm cứu nạn định hình và dần dần phát triển mạnh để trở thành một trào lưu tín ngưỡng cứu nạn cho tới khi hình ảnh Quán Âm thay thế nhân vật Bảo mã sau đó, mối quan hệ giữa hai nhân vật này vẫn chưa được gây dựng một cách hợp lý. Phật giáo Bắc truyền trong quá trình phát triển, đã hoàn thiện luôn hình ảnh về mối quan hệ giữa hai nhân vật này, tới thời kỳ Đại thừa trang nghiêm bảo vương kinh của Mật tông mới có sự giải thích rõ ràng, nói rằng nhân vật Bảo Mã cứu hải nạn đó ở eo biển Palk chính là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm. 

Cũng có giả thuyết cho rằng tín ngưỡng giải cứu "cuồng phong hải nạn" trước giờ được lưu truyền ở cực Nam xứ Ấn, chính là nguồn gốc chủ yếu của tín ngưỡng Quán Âm. Đây là lý do vì sao mà đạo tràng cư trú của Quán Âm nằm ở miền duyên hải thuộc Nam Ấn, vả lại nơi đó vốn là con đường huyết mạch để thông thương qua lại giữa Ấn Độ với Tích Lan.

Thầy Thánh Ấn - tiến sĩ Đại học Đông Phương ở Mỹ cũng nhận định rằng: "Lúc ấy (tức vào thế kỷ V, khi Pháp Hiển du hành xứ Ấn), người Ấn Độ khi giao thương hàng hải, nhất là mua bán trao đổi với nước Sư Tử, cũng chính là nước Tích Lan ngày nay, trên những chiếc thuyền buồm qua lại đều có thờ Quán Thế Âm Bồ tát để cầu nguyện bình an. Người Nam Ấn xem Quán Âm Bồ tát là vị thần bảo hộ trên biển cả, giống hệt với khu vực Phúc Kiến và Đài Loan xem Ma Tổ là thần bảo hộ trên biển".

Bồ tát Quán Thế Âm được xem như một vị thần được người Nam Ấn khi muốn ra biển tìm vàng hay những thương nhân mang nhiều của báu bên mình rất mực sùng bái, tôn thờ. Dần dà trở thành một tín ngưỡng phổ biến trong dân gian. Thầy Thánh Ấn cho rằng: "Tín ngưỡng Quán Âm xuất xứ từ Nam Ấn, sau truyền ngược lên Trung Ấn và Bắc Ấn"

Ngoài ra, quan điểm của học giả Tôn Xương Vũ nhận định rằng: "Với một sự suy luận khá ư thận trọng và logic, khởi nguyên của tín ngưỡng Quán Âm đến từ khu vực duyên hải miền Nam Ấn, vốn là một Bồ tát có công năng như vị thần bảo hộ trên biển cả. Trong vô số truyền thuyết về Ngài, có không ít câu chuyện liên quan đến việc cứu hộ trên biển cả”. Những phẩm giá về sự cứu tế được phổ biến sau này, đại khái được triển khai từ sự cứu độ trên biến cả mà thành.

Phần II. Tín ngưỡng Quán Thế Âm dung hợp với các hệ phái Phật giáo về sau

Các nhà nghiên cứu tin rằng, hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm ra đời với 2 lý do chính yếu nhất:

(1). Biểu tượng của sự quán sát, lắng nghe, cảm thông và từ bi quảng đại. Với sự biểu tượng này thì thời nào cũng tồn tại lý tưởng đó, và giai thoại, lãnh thổ nào cũng mong cầu con người như vậy.

(2). Xuất phát từ niềm tin vững chắc về sự “cứu nạn, giúp đỡ”.

Khi tín ngưỡng này được xây dựng, chúng sinh trông đợi vào uy lực của một vị có thể nghe được âm thanh của toàn thế gian, thấy ai nguy nan, xưng danh Danh hiệu mình, thì sẽ xuất hiện kịp thời để ứng cứu. Trong thời kỳ phát triển cùng hệ giáo lý của Phật giáo Đại thừa, tín ngưỡng Quán Thế Âm gần giống với tư tưởng độ hoá chúng sinh, nhưng mang hơi hướng của sức mạnh bên ngoài (Tha lực), một vị được xưng danh và sẽ tới cứu độ, điểm này thì khác biệt với tư tưởng của Phật giáo Nguyên thuỷ chính là tự lực, chỉ có mình mới cứu độ được chính mình. Nhiều vị học giả gọi hình thức này là Tín ngưỡng Quán Âm xưng danh cứu nạn, và cũng coi đây là một loại tín ngưỡng thuộc vào hệ Phật giáo Đại thừa (Phật giáo Bắc truyền) của Ấn Độ. 

Hình thái này khi lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ, trải qua quá trình hoàn thiện giáo lý Bắc truyền cũng như sự tiếp nhận của nhiều quốc gia lân cận, thì Tín ngưỡng Quán Âm dần dần mở rộng từ sự cứu khổ trên biển cả thành sự phổ độ giúp đỡ cho tất cả khổ nạn trên đời của chúng sinh, theo ghi chép thì Phổ môn phẩm chính là sự tổng kết, hình thành nên một hệ Tín ngưỡng Quán Âm hoàn chỉnh.

Ảnh: St
Bức phù điêu Bồ tát cứu khổ 8 nạn tại hang động, ảnh: St

Sự lưu truyền tín ngưỡng này ở Ấn Độ cổ có thể được chứng minh thông qua những khảo cứu. Vào vương triều Gupta (Thế kỷ IV – VI), có nhiều tượng và hang động thể hiện nội dung Phổ môn phẩm và hình ảnh Quán Âm cứu nạn. Giống như trong các hang động Ajanta, Aurangabad và Kanheri, v.v. , có thể thấy các bức tranh miêu tả về Phổ môn phẩm và hình ảnh cứu nạn của Ngài. Ở các chùa thuộc hang động Nasik, có những phù điêu liên quan đến Quán Âm cứu khổ tám nạn.

Trong 34 động thuộc khu Erola, các động từ 1 đến 12 khắc hình về Phật và Bồ tát. Bức tranh được phát hiện trên bức tường chính trong động thứ 7 thuộc khu thạch hang Aurangabad ở Ấn Độ, thuộc thế kỷ thứ VI. Quán Âm trong bức tranh này, tay trái cầm hoa sen, tay phải bắt ấn (động tác biểu tượng thể hiện cho nguyện lực cứu độ), thể hiện tinh thần "thí vô úy". Thân hình Bồ tát vừa cường tráng lại uy vũ, bên trái thể hiện bốn nạn mà Quán Âm cứu giúp như: hỏa tai, thủy tai, nạn vua, nạn gió. Phía bên phải thêm bốn nạn nữa là: sư tử, rắn, voi và La sát (La sát là một loại quỷ theo thần thoại Ấn Độ, hung dữ, ác độc và thích ăn thịt người). Đây chính là hình tượng tiêu biểu của Quán Âm cứu khổ cứu nạn.

1. Tín ngưỡng Quán Âm vãng sinh Tịnh độ – Sự dung hợp cùng cõi Tây phương cực lạc

Với góc độ của Phật giáo Bắc truyền, chúng ta quá quen thuộc với cõi Tây phương cực lạc, hay biết đến với tên gọi là “Tịnh độ” của đức Phật A Di Đà. Đối với ý tưởng trong thế giới này, hành động cứu khổ cứu nạn chúng sinh của Bồ tát Quán Thế Âm cũng được đưa vào đây mà không hề bị vướng mắc hay cản trở nhau ở điểm giáo lý cao thượng. Nhiều nhà học giả cũng gọi phương diện này là hình thái Tín ngưỡng Quán Âm vãng sinh Tịnh độ.

Hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong phương diện cõi Tịnh độ thể hiện chủ yếu ở 3 yếu tố:

(1). Vị đệ tử lớn của Phật A Di Đà. Trong các bức tượng điêu khắc, hay trong những hình ảnh gần nhất với chúng ta, Phật A Di Đà đứng giữa, bên phải là Bồ tát Đại Thế Chí (tượng trưng ý chí, trí tuệ) cầm cành hoa sen, và đứng bên trái Phật A Di Đà chính là Bồ tát Quán Thế Âm tay cầm bình tịnh thuỷ và cành dương liễu, tạo thành “Tây phương Tam thánh”.

(2). Hạnh nguyện của Bồ tát Quán Âm là trợ lực Phật A Di Đà thuyết pháp, tiếp dẫn chúng sinh.

(3). Thần lực to lớn, lắng nghe được tam cõi, lòng từ bi quảng đại, chỉ cần chúng sinh xưng danh hiệu ngài thì ngài sẽ thị hiện để cứu khổ.

Nhìn chung, hình ảnh của vị Bồ tát Quán Thế Âm trong Tịnh độ được thể hiện vai trò, ý nghĩa rất rõ nét, và cực kỳ to lớn, trở thành một bộ phận quan trọng của hình thái Tây phương cực lạc. Về sau này khi hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm nổi bật quan trọng trong hệ Tịnh độ, điểm đặc biệt là ngài Bồ tát Quán Âm có đội một chiếc mũ báu, ở chính giữa mũ là sự biểu tượng của hoá thân Phật, điểm này dần trở thành một tiêu chí đặc sắc của hình tượng Quán Âm cho tới sau này.

Theo ghi chép, Tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm Tịnh độ sau khi ra đời đã khiến cho một bộ phận nội bộ hệ thống các học giả, tu sĩ xuất hiện nhiều mâu thuẫn về tính biểu tượng. Quán âm xưng danh cứu nạn vốn dĩ ban đầu được hình tượng tại cõi Ta bà này, nhưng sau đó lại thành vị đệ tử của Phật A Di Đà tại cõi Tây phương cực lạc.

Tuy nhiên, những mâu thuẫn này dần dần được xoá bỏ bởi những bộ kinh mới. Đứng về phía lập trường tín ngưỡng Tịnh độ để tiến hành giải thích.

Đầu tiên đặt ngài Quán Âm trong hệ tư tưởng về thế giới Cực lạc, sau đó giải thích cho mọi người, Bồ tát thường từ thế giới Cực lạc đến thế giới Ta bà này để cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh.

Cụ thể có thể nói tới kinh Phật thuyết vô lượng thọ đã dung hòa giữa tín ngưỡng loại hình Tịnh độ với loại hình Xưng danh cứu nạn.

Ở Trung Quốc, bắt đầu từ thời Tây Tấn, sau khi Trúc Pháp Hộ phiên dịch các kinh ra tiếng Hán, tiếp theo là Nhiếp Đạo Chân (đời Tây Tấn), Đàm Vô Kiệt (đời Tống Nam triều), Thí Hộ (Bắc Tống) đều lần lượt nối tiếp sự nghiệp này. Trong bộ kinh còn tường thuật những vấn đề về Quán Âm và Thế Chí ban đầu phát tâm tu hành thế nào và sau cùng lần lượt chứng thành đạo quả như thế nào, tiếp nối đức Phật A Di Đà, làm giáo chủ cõi Tây phương với danh hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Như Lai và Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai.

Thuyết này cũng được phản ánh trong các kinh sách khác nhau như: Quyển 3 của Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh, quyển thượng phần Đại A Di Đà kinh, Bi hoa kinh quyển 3, Đại thừa bi phân đà lợi kinh quyển 3, tuy vẫn tồn tại vài điểm không đồng nhau nhưng tất cả các kinh này đều truyền tải nội dung quan trọng của loại hình tín ngưỡng Quán Âm vãng sinh Tịnh độ.

Xét từ góc độ lý luận tôn giáo, những bộ kinh như Quán Thế Âm Bồ tát thụ ký kinh đã đặt nền móng cơ bản cho sự dung hợp giữa tín ngưỡng Quán Âm loại hình Xưng danh cứu nạn và Tịnh độ. Còn trên thực tiễn tôn giáo, tín ngưỡng Quán Âm Vãng sinh Tịnh độ, một mặt phụ thuộc vào sự truyền bá của tín ngưỡng Phật A Di Đà, mặt khác lại có mối liên hệ chặt chẽ với tín ngưỡng Quán Âm cứu nạn. Cả hai vừa giúp đỡ vừa hỗ trợ tương thích ứng với nhau, hơn nữa làm phong phú hơn tín ngưỡng Quán Âm của Phật giáo Ấn Độ. Mối liên hệ thích ứng giữa hai loại hình được thể hiện chủ yếu ở bốn phương diện:

(1). Nghệ thuật tạo tượng Quán Âm Tịnh độ Tây phương trở thành niềm tin cứu khổ cứu nạn vào hiện đời hoặc là đối tượng sùng bái tôn kính trong thực tiễn đời sống. 

(2). Giải thích những kinh điển thuộc về tín ngưỡng Tịnh độ mang đặc trưng, duyên khởi của Quán Âm Tịnh độ Tây phương. Đồng thời tiến thêm một bước khơi dậy cảm tình tôn giáo của những tín đồ có niềm tin vào sự cứu khổ cứu nạn của Bồ tát Quán Âm. 

(3). Người có niềm tin vào sự cứu nạn luôn nương vào mục đích vãng sinh Tây phương để làm nơi trở về cuối cùng của họ. Nhưng mà điều này không ảnh hưởng đến sự cầu xin Quán Âm giải quyết những vấn đề hiện thực. Do đó, hình thành một cục diện mới như sau: niệm danh hiệu A Di Đà, mong Quán Âm tiếp dẫn, giúp đỡ giải quyết các vấn đề tương lai. Niệm danh hiệu Quán Âm nhằm xoa dịu những khó khăn ở đời này, các pháp tu này có thể tiến hành song song, không ảnh hưởng, mâu thuẫn và xung đột lẫn nhau. 

(4). Hai pháp môn không đồng nhưng thường được áp dụng chung với nhau, tức là người cầu vãng sinh Tây phương Tịnh độ có thể hành trì pháp môn Quán Âm cứu nạn, như niệm danh hiệu Ngài. Còn người mong cầu giải quyết những khổ nạn hiện tiền có thể tu tập pháp môn Tịnh độ để đạt được mục địch của chính mình, như quán tưởng pháp tướng trang nghiêm của Quán Âm ở phương Tây, lễ bái Tây phương tam Thánh, v.v.

Tóm lại, vốn dĩ hai loại tín ngưỡng không hoàn toàn giống nhau nhưng dần dần dung hợp lại, tạo thành hệ thống tín ngưỡng Quán Âm Phật giáo Đại thừa hoàn chỉnh. Mối quan hệ giữa Quán Âm và Tây phương Tịnh độ dưới sự ảnh hưởng của tín ngưỡng Quán Âm cứu nạn, được giảng giải trong Quán Thế Âm thụ ký kinh cũng được xem có sức mạnh thần lực cứu nạn.

2. Tín ngưỡng Quán Âm Bát nhã – Sự dung hợp cùng tư tưởng Trí tuệ Bát nhã

Song hành với nền tảng từ bi như một lẽ dĩ nhiên của đạo Phật, thì tư tưởng căn bản của trí tuệ Bát nhã được thể hiện ở hai phương diện chính là: “tính không” và “vô trụ”. Hai tư tưởng này nghiêng về tính triết học tôn giáo. “Tính” ý nói tới cái thật tính, là thực thể của vạn vật, cũng gọi là "tự tính", là bản chất không bị ảnh hưởng bởi ngoại giới. Đại trí độ luận chuyên giải thích kinh Bát nhã: "Tính vốn tự có, không đợi nhân duyên. Nếu đợi nhân duyên, tức là tác pháp, không gọi là tính". Tướng chỉ cho hình tướng và trạng thái của sự vật. Phật giáo cho rằng, tướng mọi vật là sự tồn tại của hư giả, do vì "tính" của sự vật là không. "Tính Không" trong kinh Bát nhã giải thích tất cả sự vật trong thế gian được tạo thành bởi do nhân duyên hợp lại, các duyên hợp thành những hiện tượng thế gian, chúng vốn không thật sự có và không có tự thể chân thật. Cho nên, tính không trong học thuyết Bát nhã cũng được gọi là "Duyên khởi Bát nhã". Nền tảng lý luận triết lý học tôn giáo của Phật giáo Đại thừa, chính là tư tưởng Bát nhã.

Đại thừa Phật giáo cho rằng, chúng sinh muốn chứng được đạo giải thoát rốt ráo cần phải nắm vững trí tuệ cao nhất của Phật giáo đó là ngộ được lý "tính không", chứng đạt "thực tướng" vũ trụ, thành tựu "thực tướng Niết bàn", đạt cảnh giới tối thượng chứng được Phật quả. Ý nghĩa ban đầu của hai từ Bồ tát chính là nói về “chúng sinh đã giác ngộ". 

Bát nhã, đạt được con đường giải thoát tối hậu và thành Phật quả

Cho nên, dựa vào nghĩa lý của kinh Bát nhã Đại thừa, thực hành hạnh Bồ tát, tất nhiên phải hội đủ hai điều kiện. Một là, trên cầu quả Vô thượng Bồ đề; hai là, dưới hóa độ vô biên chúng sinh. Phát tâm trong Đại thừa Bồ tát đạo chính là chỉ cho lời phát đại nguyện "trên cầu trí tuệ Vô thượng - dưới độ vô biên chúng sinh". Đây chính là bước đầu tiên cho con đường tu tập Đại thừa. Lý luận tu tập của Phật giáo Đại thừa hoàn toàn dựa vào tư tưởng Bát nhã. Do vì mối quan hệ giữa "tính" và "tướng" trong kinh Bát nhã giảng đã đưa ra một nền triết học căn bản trực tiếp nhất cho tín ngưỡng Bồ tát.

"Tính" thì không, "tướng" thì giả; tính không tức là tâm vô sở trụ, nghĩa là không chấp trước vào tất cả các tướng bên ngoài, không có chỗ để trụ, để bám víu. Tinh thần Bồ tát phát tâm thượng cầu Phật đạo và hạ hóa chúng sinh, cứu giúp chúng sinh không mỏi mệt chính là sự biểu hiện của phương diện thực hành lý Bát nhã. Như trong Đại trí luận có chép: “Từ bi là nguồn gốc của con đường Phật đạo”. 

Tóm lại, cốt yếu nhất của Bát nhã, chính là trí tuệ song hành cùng từ bi, muốn có trí tuệ, phải tu tập, phát tâm từ bi với mọi đối tượng, trí tuệ đã có, thì mới hiện hữu ở cả 2 phương diện tính không và vô sở trụ. 

Các nhà nghiên cứu cho rằng, tín ngưỡng Quán Thế Âm và tư tưởng trí tuệ Bát nhã không song hành cùng nhau ở thời điểm kinh điển Bát nhã xuất hiện, mà trải qua một quãng thời gian thì tín ngưỡng này mới dần dần xuất hiện và chảy cùng một dòng với tư tưởng Bát nhã. Cho đến giai đoạn Bát nhã Tâm kinh ra đời, Bồ tát Quán Âm thậm chí đã trở thành hình ảnh tiêu biểu tối cao cho trí tuệ Bát nhã. 

Để chứng minh cho luận điểm này, chúng ta đứng trên dòng chảy thời gian của hệ tư tưởng Bát nhã để nhận định. Chúng ta dựa vào bộ kinh Bát nhã xuất hiện sớm nhất đó là kinh Kim Cương Bát nhã Ba la mật, không hề có sự liên hệ nào giữa Bồ tát Quán Thế Âm với tư tưởng Bát nhã. Khi các nhà nghiên cứu tìm về các bản kinh tiếng Phạn cũng nhận ra chưa xuất hiện hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong đó. Cùng với sự phát triển của hệ tư tưởng trí tuệ này, các bộ Bát nhã tiếp theo lần lượt ra đời, chúng ta tham khảo 7 bộ kinh tiếp theo là: Đạo hạnh Bát nhã kinh, Đại Minh độ vô cực kinh, Ma ha Bát nhã Ba la mật sao kinh, Tiểu phẩm Bát nhã kinh, Bát thiên tụng Bát nhã, Đại Bát nhã kinh, Phật Mẫu xuất sinh Tam pháp tạng Bát nhã Ba la mật đa kinh. Khi tìm tới 7 bộ này, các nhà nghiên cứu cũng chưa thấy sự xuất hiện của hình ảnh “Quán âm”, “Quán Thế Âm” hay “Quán tự tại”. 

Cho đến giai đoạn xuất hiện các bộ kinh như Quang tán Bát nhã kinh, Đại phẩm Bát nhã kinh,… thì hình tượng Quán Âm bắt đầu xuất hiện là một trong những vị Bồ tát tới dự các pháp hội của Phật Thích ca Mâu ni, và cũng được giới thiệu là vị Bồ tát tới từ cõi của đức Phật khác (cụ thể ở đây là đức Phật A Di Đà).

Các kinh về sau, và thời gian sau, Bồ tát Quán Thế Âm được xây dựng như sự đại diện đầy đủ trí tuệ Bát nhã vô thượng, ngài trở thành một vị hoá thân sinh động trong hệ thống Phật giáo của nhiều vùng lãnh thổ, và điều đặc biệt là tín ngưỡng Quán Thế Âm và tư tưởng Bát nhã hợp nhất với nhau một cách rất hài hoà, không bị rào cản, không bị mâu thuẫn, có sự tương thích rất lớn về mặt biểu tượng và ý nghĩa. 

3. Tín ngưỡng Quán Thế Âm dung hợp Mật giáo

Mật giáo thời sơ kỳ chủ yếu biểu hiện qua sự vận dụng phố biến các loại Đà la ni, nghĩa là những mật ngữ này có đầy đủ sự linh ứng đặc thù không thể dùng ngôn ngữ bình thường để giải thích trọn vẹn được, còn gọi là "thần chú", "cấm chú", "mật chú", "chân ngôn". Được sử dụng tụng niệm khi hướng tâm cầu nguyện chư Phật, thần linh, khiến các trở ngại, tai nạn được tiêu trừ, hoặc muốn xin giúp đỡ, cầu được lợi. Chú thuật đã có trong truyền thống Vệ Đà ở Ấn Độ cổ đại.

Ban đầu, đức Thích ca Mâu ni rất mực phản đối việc dùng chú thuật, nhưng sau khi Ngài nhập diệt một thời gian, thì sau này chú thuật dần dần thâm nhập vào Phật giáo. Chú trong thời kỳ Tạp Mật (Mật giáo thời sơ kỳ) chủ yếu dùng để giải quyết những vấn đề cụ thể trong đời sống. Nhưng đến thời kỳ Thuần Mật, chú thuật được dùng để cầu ban cho địa vị cao quý. Người ta cho rằng chú nếu đọc tụng chính xác, quán tưởng tuyệt đối không phóng tâm thì có thể thành Chính giác. 

Vào thế kỷ thứ VII, trước khi Thuần Mật ra đời, cùng với việc chú thuật và ấn khế (thủ ấn) lần lượt đi vào kinh điển Phật giáo, yếu tố Mật giáo cũng bắt đầu xen lẫn vào tín ngưỡng Quán Âm. So với tín ngưỡng Quán Âm Mật giáo sau thế kỷ thứ VII, Mật giáo hóa tín ngưỡng Quán Âm ở thời kỳ này chủ yếu biểu hiện ở sự xuất hiện các câu chú Quán Âm. Trong lịch sử phiên dịch kinh điển Trung Quốc, bộ Đà la ni kinh được phiên dịch thành Hán ngữ sớm nhất là bộ Phật thuyết vô lượng môn vi mật trì kinh do Chi Khiêm phiên dịch tại đất Ngô vào thời Tam Quốc, và sau này được dịch lại nhiều lần. Một điều khá thú vị là hình ảnh Quán Âm chỉ xuất hiện ở các bản dịch sau này, mà không thấy trong bản dịch sớm nhất của Chi Khiêm. 

Trước thế kỷ thứ III, trong kinh điển không thấy hình ảnh Quán Âm, vào khoảng thế kỷ thứ IV, Quán Âm được nhắc đến là một trong những vị Bồ tát được giới thiệu là đến từ một cõi của vị Phật khác vào nghe pháp môn Đà la ni. Từ đó có thể thấy mối quan hệ giữa Quán Âm và Đà la ni bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ IV.

Mối quan hệ này không ngừng phát triển. Trong Phật thuyết lục tự chú vương kinh, không chỉ có Quán Âm là thính chúng nghe Phật thuyết Đà la ni mà còn có các vị Bồ tát khác như: Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc, cũng trở thành những bậc hộ trì Đà la ni. Đến nay vẫn chưa thể xác định được niên đại xuất hiện của bộ kinh này ở Ấn Độ, nhưng có thể khẳng định nó được phiên dịch sớm nhất vào thời Đông Tấn. 

Thời điểm Quán Âm thuyết thần chú, xuất hiện sớm nhất trong Thỉnh Quán Thế Âm Bồ tát tiêu phục độc hại Đà la ni kinh. Bộ kinh này do Trúc Nan Đề (Nandi, đời Tống Nam triều, 420-479) dịch. Từ đó có thể thấy thời gian kinh ra đời vào khoảng đầu thế kỷ thứ V tại Ấn Độ. Kinh tường thuật câu chuyện Bồ tát Quán Âm giải trừ mọi tật bệnh ách nạn cho nhân dân vùng Vesäli, hướng dẫn họ xưng niệm Tam bảo và danh hiệu Quán Âm, đồng thời tuyên thuyết Thập phương chư Phật cứu hộ chúng sinh thần chú. Có nghĩa là, người nào trì tụng chú này thì khỏi tất cả các tật bệnh, tiêu trì ác nghiệp, được Bồ tát cứu giúp, hoá độ và tiếp dẫn.

Trong giai đoạn khoảng thế kỷ VII – VIII, các bài kinh về tín ngưỡng Quán Thế Âm Mật giáo ra đời rất nhiều (Quán Thế Âm sám hối trừ tội chú kinh, Quán Thế Âm Bồ tát tâm Đà la ni, Thỉnh Quán Thế Âm tự hộ hộ tha Đà la ni, Quán Thế Âm thuyết trị ngũ thiệt tắc hầu Đà la ni, Quán Thế Âm thuyết diệt tội đắc nguyện Đà la ni,…). Sự xuất hiện số lượng lớn kinh điển Quán Âm Mật giáo đã thể hiện xây dựng mối quan hệ giữa hình tượng Quán Âm với chú thuật Mật giáo dễ dàng hơn so với những sự dung hợp khác, nguyên nhân được cho là có sự tương thích về mặt biểu tượng, mục đích.

Chú thuật giải quyết các tai ương, khổ tâm cho chúng sinh bằng việc tụng niệm, Quán Âm cứu nạn cũng cần xưng danh. Chú thuật là một loại năng lực thần bí, sự cứu thế và hiện hữu của hình tượng Quán Âm cũng vậy. 

Từ thế kỷ VII trở đi, những kinh điển trọng yếu lần lượt xuất hiện như Đại nhật kinh, Kim cương đỉnh kinh, hình thành nên một hệ thống lý luận và thực tiễn hoàn chỉnh. Trong sự hoàn thiện này, Mật giáo có khái niệm gọi là “Mạn đà la”. Ở đây, tôi chỉ xin giải thích ngắn gọn về khái niệm này.

Mạn đà la là một loại đạo tràng của Mật giáo Tây Tạng. Từ tiếng Hán của nó phiên âm ra là Luân viên cụ túc, nghĩa là một vòng tròn viên mãn.

Trích dẫn trong Đại Nhật Kinh nói về ý nghĩa của đồ hình Mạn-đà-la với việc tu tập: “Mandala là nơi tâm thức của chư đại bồ tát an trụ. Nó cũng là nơi an trụ tâm thức của tất cả hành giả du già. Do biết như vậy, hành giả chứng ngộ toàn giác... Sự quán tưởng mandala trong tâm hành giả lành trị cơn bệnh mê muội. Nó sẽ lập tức lành trị sự mê 4 muội trong tâm chúng sinh, và giải trừ mọi nghi nạn. Mandala không khác gì tâm thức, và tâm thức chẳng khác gì mandala. Vì sao vậy? Vì tâm thức và mandala là một. (Trích Đại Nhật Kinh, Taisho 18:41)”

Mandala trong  Nhà trưng bày Drigung Kagyu Samten Ling với vô số chi tiết phức tạp và tỉ mỉ đều được bố trí đối xứng qua trục, st
Mandala trong Nhà trưng bày Drigung Kagyu Samten Ling với vô số chi tiết phức tạp và tỉ mỉ đều được bố trí đối xứng qua trục, st

Trong cuốn Bóng Trúc Bên Thềm, tác giả Tâm Chơn mô tả Mạn-đà-la như sau:
“Mạn-đà-la là một hình vẽ mang tính nghệ thuật và tâm linh tôn giáo sâu sắc. Nơi đó có sự hợp nhất giữa thế giới bản thể và thế giới hiện tượng, giữa tâm thức và vũ trụ. Trong ý nghĩa thực tiễn, Mạn-đà-la còn là một đạo tràng để hành giả cúng dường, cầu nguyện và tu tập thiền quán. Mạn-đà-la là phiên âm từ chữ Phạn Mandala, có nghĩa là vòng tròn, vòng cung. Trung Hoa dịch là luân viên cụ túc, nghĩa là vòng tròn đầy đủ. Đây là một biểu tượng của sự biến hiện nơi tâm thức của ta mà cũng là biểu thị một vũ trụ thu nhỏ qua cái nhìn của bậc giác ngộ. Theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng, có nhiều loại Mạn-đà-la như Mạn-đà-la bằng cát màu hay bột đá quý màu, Mạn-đà-la bằng tranh vẽ, Mạn-đà-la bằng vật thể ba chiều, thường là kim loại hoặc gỗ và Mạn-đà-la tập trung tinh thần qua sự thiền định. Và chỉ có Mạn-đà-la được làm bằng cát màu là nổi tiếng và phổ biến nhất.”

Trong Mạn đà la của Mật giáo, Quán Âm làm thị giả cho Phật A Di Đà, được xem là nhân quả dị thời với Ngài, tức Bản giác của Quán Âm vốn là Vô Lượng Thọ Phật. Nhưng do lời thề nguyện xưa, nên thị hiện làm một vị Bồ tát với lòng từ bi rộng lớn. 

Bồ tát trở thành một vị thần linh có địa vị tối quan trọng trong hệ thống Mật giáo

Quán Âm có tầm ảnh hưởng và được biết nhiều nhất trong hệ thống Mật giáo là Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm, Mã Đầu Quán Âm, Thập Nhất Diện Quán Âm, Chuẩn Chi Quán Âm, Như Ý Du Quán Âm, Bất Không Quyến Sách Quán Âm, v.v. Những vị Quán Âm khác nhau đều có hình tượng độc đáo, thủ ấn đặc thù và câu thần chú Đà la ni riêng. Những câu thần chú và thủ ấn không giống nhau sẽ chuyên giải quyết những vấn đề khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là "tức thân thành Phật", nhằm đạt được sự giải thoát tối thượng. Phổ biến nhất trong sáu loại hình Quán Âm nói trên là Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và thần chú Đại Bi. 

Nhìn chung, Mật giáo kế thừa nội dung cơ bản của tín ngưỡng Quán Âm. Quán Âm tiếp tục là một vị Bồ tát cứu khổ cứu nạn, vẫn làm thị giả cho đức A Di Đà ở thế giới Tây phương Cực lạc, vẫn là bậc Thánh có đầy đủ trí tuệ Vô thượng, thần lực vô hạn, có thể dùng nhiều phương pháp để cứu độ chúng sinh vô biên. Trong nền tảng hình thái tín ngưỡng Quán Âm cơ bản nhất được giữ gìn, Mật giáo từng bước thần bí hóa, thần thánh hóa hình ảnh Quán Âm thông qua những phương thức tu tập trong tín ngưỡng Quán Âm hiển giáo như: xưng niệm danh hiệu, quán ngộ trí tuệ, niệm Phật vãng sinh, kiền thành quy y biến thành thực hành "tam mật", thân, khẩu, ý tương ưng. 

Do đó, hầu như tất cả nội dung tín ngưỡng Quán Âm Mật giáo đều được khai triển xoay quanh tam mật. Được biểu hiện ở trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, cùng với quá trình tu tập một loạt nghi thức pháp môn bí mật phổ biến như đạo tràng, ấn khế, đã xuất hiện thêm nhiều tôn tượng Quán Âm Mật giáo và các nghi thức lễ lạy, từ đó số lượng chú ngữ Quán Âm thần bí cũng ra đời nhiều hơn. Tóm lại, Bồ tát Quán Âm trong "tam mật" được làm mới so với hình ảnh trước kia, Ngài có thần lực rộng lớn hơn, lòng từ bi bao la hơn và trí tuệ cao sâu hơn, từ đó uy lực càng cao, danh vọng càng lớn và trở thành vị Bồ tát quan trọng nhất trong Mật giáo.

Cùng với danh tiếng được đề cao, mọi người bắt đầu tán tụng danh hiệu Quán Âm mỗi ngày một nhiều. Lịch sử Phật giáo Ấn Độ xuất hiện nhiều bài kệ tán thán Quán Âm, trong đó có một bộ phận được phiên dịch thành Hán ngữ và lưu giữ lại cẩn thận. Bộ kinh Quán Tự Tại Bồ tát nhất bách bát danh chuyên giảng về công đức niệm 108 danh hiệu Quán Âm, viết rằng: "Khi đó, Phật dạy Phạm thiên và Đế Thích rằng: “Nếu có người sáng suốt lặng lẽ phát tâm trì tụng danh hiệu Quán Tự Tại Bồ tát này 108 biến, nên biết người đó trong đời đời kiếp kiếp luôn được chiêm ngưỡng Quán Tự Tại. Nếu thường thụ trì, sẽ được phú quý giàu sang, thông minh trí tuệ, dũng mãnh uy lực, trang nghiêm thân tướng, âm thanh vi diệu, biện tài vô ngại, hằng biết tất cả các pháp nghĩa Mandala. Phàm cầu nguyện gì, tụng các chân ngôn thì nguyện gì cũng đều thành tựu. Sáng sớm tụng niệm, xa lìa các bệnh ghẻ lở phong hàn. Khi sắp lâm chung, sẽ được vãng sinh cõi nước Cực lạc.”,…

Phần III. Tín ngưỡng Quán Âm và những đặc trưng cơ bản 

Sự phổ biến tín ngưỡng Quán Âm Ấn Độ thời cổ đại, một mặt thể hiện qua phần lớn việc giải và chú thích kinh điển thuộc hệ tín ngưỡng này, một mặt được thể hiện qua các câu chuyện linh ứng trong đời sống hiện thực. Sự xuất hiện và phổ biến ngày càng nhiều, điều này đủ để thấy hình ảnh Quán Âm ngày một được đón nhận, và thần lực được nâng cao hơn, góp phần hoàn thiện phẩm hạnh Quán Âm, giúp hình tượng Bồ tát thêm đi sâu vào lòng người.

Câu chuyện về linh ứng Quán Âm trong đời sống hiện thực là tác dụng của các công trình kinh điển Quán Âm không ngừng mở rộng làm phong phú thêm cho pháp môn Quán Âm, đây cũng là thành quả của sự nỗ lực chú giải kinh điển, hết lòng tuyên truyền về thần lực và hạnh nguyện của Ngài, trong đó chứa đựng nhiều hoạt động tôn giáo thực tiễn và trải nghiệm tâm lý sâu sắc của các tín đồ thuần thành.

Sự phổ biến của tín ngưỡng linh ứng này sẽ dẫn đến một loạt phản ứng dây chuyền, không ngừng thúc đẩy việc hoàn thiện và phát triển kinh điển Quán Âm, thậm chí khiến cho tín ngưỡng Quán Âm xuất hiện thêm nội hàm mới, hơn nữa kích thích các hoạt động thực tiễn tôn giáo của tín đồ. 

Sự phổ biến trong việc tạo tượng Quán Âm 

Cùng với dòng truyền bá của tín ngưỡng Quán Âm trong dân gian, để bày tỏ lòng thành kính, các tín đồ dùng nhiều hình thức khác nhau để tạo tượng Quán Âm. Những tượng này cho dù khác nhau về kích thước, hình thể, chất liệu, tư thế, tướng mạo, nhưng tựu chung đều là biểu tượng của Quán Âm.

Những tượng Quán Âm này trở thành linh tượng đều được mọi người chấp nhận, từ đó có tiếng tốt, không ngừng làm tăng thêm tín ngưỡng tôn giáo trong lòng phật tử, thúc đẩy sự phổ biến rộng rãi của tín ngưỡng Quán Âm.

Trong quá trình thực tiễn tín ngưỡng Quán Âm, Ấn Độ thời cổ đại không ngừng xuất hiện việc tạc tượng, đồng thời liên tiếp xuất hiện nhiều tượng Quán Âm được tín đồ xem là rất linh nghiệm. Việc tạo tượng Quán Âm như thế đối với người dân thời xưa cho tới nay ắt phải có một ý nghĩa tượng trưng thần thánh nào đó, mà có thể chỉ có người tạc tượng mới cảm nhận được. 

Thậm chí sự tạo tượng này theo thời gian phát triển, cũng như là sự truyền bá tới từng vùng lãnh thổ, quốc gia, đạt tới mức độ phổ biến và đa dạng cực kỳ rộng lớn cho tới tận ngày nay. Hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm được tạc linh tượng theo bản sắc và niềm tin khác nhau được thể hiện qua hình thái, tư thế theo từng dân tộc, từng quốc gia.

Tượng Nam Sơn Hải Thượng Quán Âm, Trung Quốc, st
Tượng Nam Sơn Hải Thượng Quán Âm, Trung Quốc, st
Ảnh: St
Ảnh: St
Ảnh: St
Ảnh: St
Ảnh: St
Ảnh: St

Một số tín ngưỡng linh ứng về tượng Quán Âm theo quan niệm người dân xưa
(1). Tượng Quán Âm âm thầm phát huy linh ứng, đáp ứng thỉnh cầu, dù không hiện tướng hoặc phản hồi cụ thể.

(2). Sự hiện tướng màu nhiệm, sâu kín, dành cho những người tuyệt đối tín tâm.

(3). “Linh ứng chiếm nghìn dặm, thần lực mãi hiển dương”.

(4). Ứng nghiệm an lạc ngay lập tức, trong tức khắc tri kiến có thể ngập tràn điều đó.

(5). Sự hoá thân vô biên của Quán Âm.

(6). Giúp đỡ những việc mà người phật tử mong muốn nhưng chưa được toại nguyện.

(7).Cứu độ chúng sinh không chỉ ở nhân gian mà còn ở 3 đường ác.

Niềm tin và sự tôn kính của người Ấn Độ thời bấy giờ được thể hiện rất rõ và có sức lan toả mạnh mẽ. Hình tượng này dễ được thấm nhuần tới mức khi truyền sang các vùng lãnh thổ khác, gần như không có sự rào cản lớn nào. 

Cư sĩ Phúc Quang tổng hợp, tóm lược

***
Tài liệu tham khảo

1. Nguồn gốc hình thành và phát triển Tín ngưỡng Quán Âm, tác giả: Lý Lợi An, dịch giả: Thích Nguyên Tú, Thích Nữ Chơn Thuỷ, Trần Huỳnh Tông, NXB Dân Trí, 2021

2. Nguồn gốc và sự phát triển của Phật giáo Đại thừa giai đoạn đầu, tác giả: Hoà thượng Ấn Thuận, NXB Chính Văn, Đài Loan, 07/1994