Nhiệm vụ chính của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM tập trung vào bốn lãnh vực là giảng dạy (teaching), nghiên cứu khoa học (scholarly research), truyền thông học thuật (academic communication) và thực hành (practice). Thông qua chương trình của các khoá học, Học viện đào tạo từ căn bản đến chuyên sâu các nguyên lý triết học và ứng dụng hành trì của Phật giáo

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Tên Học viện

- Tên tiếng Việt: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh, viết tắt là HVPGVN tại TP.HCM.

- Tên tiếng Anh: Vietnam Buddhist University, HCM City, viết tắt là VBU.

2. Tên trước đây

- Trường Cao Cấp Phật học Việt Nam (1983-1997).

3. Địa chỉ trường

- Cơ sở 1: 750 Nguyễn Kiệm, P.4. Q. Phú Nhuận, TP. HCM. Điện thoại: - Điện thoại: (+84) 028.38478779 (Hành chánh); (+84) 028. 36206085 (Đào tạo); (+84) 028. 3845 2707 (Phòng Sau Đại học)

Website: http://vbu.edu.vn

Email: vp@vbu.edu.vn

- Cơ sở 2: A13/14 Mai Bá Hương, ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Điện thoại: (08)-3620-2071, 6680-7938.

II. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM là trường đại học Phật giáo đầu tiên đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ Phật học cho Tăng, Ni, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh. Quá trình phát triển của HVPGVN tại TP.HCM có thể được tóm tắt qua các giai đoạn sau đây:

Giai đoạn 1 (1983-1997): Kế thừa Đại học Vạn Hạnh (1964-1975), trường Đại học tổng hợp đào tạo đa ngành khoa học và nhiều thành phần xã hội, HVPGVN tại TP.HCM được khai sinh với tên gọi là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, do UBND TP.HCM cấp giấy phép hoạt động số 160/QĐ-UB ngày 17/10/1983. HVPGVN tại TP.HCM đào tạo chuyên ngành Phật học cho Tăng, Ni sinh, tuyển sinh 4 năm một lần với số lượng Tăng, Ni sinh giới hạn. Quan hệ hợp tác chủ yếu của HVPGVN tại TP.HCM trong giai đoạn này là liên kết giáo sư và giảng viên với các trường đại học Tổng hợp TP.HCM, đại học Sư Phạm về một số môn học được các bên quan tâm. Nhiều cựu Tăng, Ni sinh khoá I, khoá II, khóa III của HVPGVN tại TP.HCM hiện là trong Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các ban ngành trung ương và các Ban trị sự GHPGVN trên toàn quốc.

Giai đoạn 2 (1997-2005): Từ năm 1997, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại TP.HCM chính thức đổi tên thành “Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.” Trong giai đoạn này, HVPGVN tại TP.HCM đào tạo được 2 khoá Cử nhân Phật học. Quan hệ ngoại giao quốc tế và quốc nội của HVPGVN tại TP.HCM ngày càng đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và đào tạo ở quy mô của một trường Đại học Phật giáo.

Giai đoạn 3 (2005-2009): Kể từ niên học 2006 của khoá VI trở đi, HVPGVN tại TP.HCM thay đổi chương trình học niên chế thành tín chỉ (course-credit/ unit) theo hệ thống giáo dục tiên tiến và phổ quát trên thế giới.

Bắt đầu từ khóa IV, từ năm 2005, HVPGVN tại TP.HCM tuyển sinh 2 năm một lần. Đến năm 2017, tuyển sinh mỗi năm một lần. Khóa VII (2007-2011) có sinh viên đời học chính quy, cùng với Tăng, Ni sinh. Từ năm 2009, HVPGVN tại TP.HCM mở cử nhân Phật học hệ đào tạo từ xa, hai năm một lần. Từ năm 2012, HVPGVN tại TP.HCM lần đầu tiên đào tạo Thạc sĩ Phật học. Đến năm 2019 chính thức được phép đào tạo Tiến sĩ Phật học. Năm 2016, cơ sở 2 tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM với diện tích 23,8 ha được khánh thành giai đoạn I, HVPGVN tại TP.HCM tổ chức tu học nội trú bắt buộc cho 750-850 Tăng, Ni sinh mỗi năm. Sau mỗi khoá, số lượng sinh viên và học viên ghi danh thi tuyển sinh và theo học ngày càng nhiều. Hiện tại, HVPGVN tại TP.HCM là trung tâm thu hút các học giả và các nhà nghiên cứu từ nhiều nơi trên thế giới.

Đến 2020, HVPGVN tại TP.HCM đã và đang đào tạo 15 khoá cử nhân, có 4720/12,785 sinh viên hệ chính quy và 1404/3060 sinh viên hệ ĐTTX đã tốt nghiệp cử nhân, số còn lại đang bổ túc các tín chỉ còn lại để hoàn tất chương trình cử nhân.

◘ Khóa I (1984-1988) có 53/60 SV tốt nghiệp.

◘ Khóa II (1988-1992) có 100/101 SV tốt nghiệp.

◘ Khóa III (1993-1997) có 239/258 SV tốt nghiệp.

◘ Khóa IV (1997-2001) có 283/295 SV tốt nghiệp.

◘ Khóa V (2001-2005) có 343/350 SV tốt nghiệp.

◘ Khóa VI (2005-2009) có 454/638 SV tốt nghiệp.

◘ Khóa VII (2007-2011) có 810/1018 SV tốt nghiệp.

◘ Khóa VIII (2009-2013) có 500/529 SV chính quy và 162/327 SV ĐTTX tốt nghiệp.

◘ Khóa IX (2011-2015) có 553/577 SV chính quy và 161/175 SV ĐTTX tốt nghiệp.

◘ Khóa X (2013-2017) có 405/602 SV chính quy và 162/232 SV ĐTTX tốt nghiệp.

◘ Khóa XI (2015-2019) có 385/510 SV chính quy và và 217/493 SV ĐTTX tốt nghiệp.

◘ Khóa XII (2017-2020) có 504/638 SV chính quy và 540 SV ĐTTX đang học.

◘ Khóa XIII (2018-2021) có 272 SV đang học

◘ Khóa XIV (2019-2023) có 404 SV chính quy và 568 SV ĐTTX đang học.

◘ Khóa XV (2020-2024) có 501 SV đang học.

HVPGVN tại TP.HCM đang đào tạo nội trú hệ cao đẳng Phật học cho 77 SV (năm 2019) và 53 SV (năm 2020). Từ năm 2018, Học viện đã ký kết đào tạo cao đẳng liên thông với 03 Trường Trung cấp Phật học: Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang và Cần Thơ.

HVPGVN tại TP.HCM đào tạo thí điểm khóa Thạc sĩ Phật học (2012-2017) có 22/50 học viên tốt nghiệp; khóa 2017-2019 có 58/171 học viên tốt nghiệp; khóa 2018-2020 có 35/48 chuẩn bị tốt ng hiệp và khóa 2019-2021 có 54 học viên đang học. Năm 2019 đến nay, HVPGVN tại TP.HCM chính thức đào tạo Tiến sĩ Phật học.

Hiện nay, HVPGVN tại TP.HCM là trường đại học đầu tiên trong Phật giáo có 13 khoa. Nỗ lực của HVPGVN tại TP.HCM là nhằm xây dựng và phát huy truyền thống đào tạo các thế hệ Tăng, Ni tài cho Phật giáo Việt Nam, đáp ứng các nhu cầu Phật sự, giải quyết các vấn nạn của thời đại. Hằng trăm sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp HVPGVN tại TP.HCM đã du học nhiều nước, tốt nghiệp Thạc sĩ, Phó tiến sĩ và Tiến sĩ của nhiều Khoa và chuyên ngành khác nhau.

III. CHỨC NĂNG - NHIỆM VỤ

Mục tiêu của HVPGVN tại TP.HCM là nhằm đào tạo một thế hệ công dân đức trí song toàn để kế thừa, phát triển đạo Phật và con đường giáo dục Phật giáo. HVPGVN tại TP.HCM nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục Phật học tiên tiến và nhiều ngành học khác, góp sức thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, gắn kết việc ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, giải quyết các vấn nạn khổ đau của con người.

HVPGVN tại TP.HCM cổ vũ, khuyến khích và chăm lo đào tạo đội ngũ giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức, phẩm chất và nhân cách, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đất nước nói chung và sự nghiệp phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Nhiệm vụ chính của HVPGVN tại TP.HCM tập trung vào bốn lãnh vực là giảng dạy (teaching), nghiên cứu khoa học (scholarly research), truyền thông học thuật (academic communication) và thực hành (practice). Thông qua chương trình của các khoá học, HVPGVN tại TP.HCM đào tạo từ căn bản đến chuyên sâu các nguyên lý triết học và ứng dụng hành trì của Phật giáo, thông qua các truyền thống Nam tông với văn hệ Pali, Bắc tông với văn hệ Sanskrit, Tây Tạng ngữ và Hán ngữ.

HVPGVN tại TP.HCM chú trọng sự thực tập tâm linh song song với nghiên cứu học thuật, thực hiện các nhiệm vụ về giáo dục và đào tạo nhằm phục vụ các vấn đề thực tiễn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước. Qua đó, gắn kết chặt chẽ HVPGVN tại TP.HCM với xã hội, với quá trình phát triển kinh tế, xã hội theo các chủ trương đổi mới của đất nước.

IV. MỤC ĐÍCH

◘ Đào tạo giới tri thức trẻ Phật giáo về các phương diện lịch sử, triết thuyết, tôn giáo, văn hoá và hành trì của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.

◘ Hỗ trợ ứng dụng các nguyên lý triết học và đạo đức Phật giáo trong cuộc sống.

◘ Hỗ trợ phát triển đời sống tâm linh cá nhân cũng như cộng đồng thông qua việc ứng dụng đạo đức Phật giáo và hành trì thiền định trong cuộc sống.

◘ Tăng cường ý thức cộng đồng về các nguyên lý và các giải pháp Phật giáo đối với các vấn nạn toàn cầu.

◘ Đáp ứng các nhu cầu giáo dục và nghiên cứu về Phật giáo thế giới và Phật giáo Việt Nam.

◘ Đóng góp vào sự phát triển đất nước Việt Nam thanh bình, thịnh trị và phát triễn bền vững.

◘ Từng bước trở thành trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu Phật học và hành trì Phật giáo.