Tác giả: Trịnh Chu Số 188 Yersin, Đà Lạt, Lâm Đồng

Nương sắc tướng thế tục để tìm về miền thanh cao ngộ đạo, ấy là sự thức niệm có chủ đích của nhạc sĩ Đình Nghĩ khi thiết lập một tâm trạng mới: An tĩnh, thành kính, đậm chất điệu tâm linh nơi ca khúc Bốn mùa mặc niệm.

49 ngày mất nhà báo Nguyễn Thanh Đạm, nguyên Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng, Thượng tọa Thích Vạn Trí, trụ trì chùa Vạn Đức (xã Tà Nung, Tp.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), sáng tác hai bài thơ tưởng nhớ cố nhà báo Nguyễn Thanh Đạm. “Nó là thứ tình yêu không hình tướng, một thứ tình cảm tràn ngập ánh đạo vàng, không bị vương víu bởi bất cứ thứ gì sinh bi lụy, sân hận”, Thượng tọa Thích Vạn Trí chia sẻ. “Một linh nghiệm nào đó, tôi đã viết Bốn mùa mặc niệm, từ ý thơ của Thượng tọa Thích Vạn Trí: Suối đá hát những gì/Lời cỏ cây bốn mùa/Khẽ lùa vào hơi thở sớm trưa/Nhớ mắt lá xưa tràn/Ngả nghiêng soi nắng vàng/Tìm về đường tịnh lạc lắng nghe”, Nhạc sĩ Đình Nghĩ, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc Việt Nam tại Lâm Đồng, cho biết.

Nhạc sĩ Đình Nghĩ (thứ hai, từ trái qua phải) và Thượng tọa Thích Vạn Trí (thứ tư, cùng hướng)

Trên nền giai điệu dịu nhẹ, mềm mượt của dân ca Bắc bộ, cụ thể ở đây là bài hát Gió đánh đò đưa: Gió đánh ố mấy đưa đò đưa/Gió đập ố mấy đưa đò đưa, nhạc sĩ Đình Nghĩ sử dụng những thủ thức như đảo quãng, tạo những note treo cao vút, mạnh mẽ đan xen những note rất trầm, cùng việc thay đổi tiết tấu liên tục... và vì thế giai điệu của ca khúc Bốn mùa mặc niệm mang âm hưởng dân gian nhưng tiết điệu phù hợp với đương thời mơ mơ, thực thực, hư hư: “Gió cứ thế ru hời/Tình đầy vơi bốn mùa/Chợt vỡ từng hơi thở lãng phiêu/Có chút rét cong chiều/Chạm liêu xiêu núi đồi/Rồi thật thà độ lượng chúng sinh/Lung linh cõi vô thường”.

Cũng vẫn là những đường nét giai điệu dân gian, kết hợp với ngôn ngữ vừa mang yếu tố thế tục, vừa mang bóng chiếu của đạo, nhưng chuyển sang đoạn nhạc hai, chất liệu âm nhạc ngũ cung Tây Nguyên đã xuất hiện: “Mặc niệm mùa xuân an nhiên câu hát thánh thoát/Ngày hè mưa gieo neo trong veo tiếng chuông chùa/ Mặc niệm triền thu xua đi bão tố sóng cuốn/Giọt từ bi đêm đông quang minh đỉnh trời hoang”. Ở đây, nhạc sĩ Đình Nghĩ tạo quãng rất rộng, cộng thêm bè phức điệu, bè đuổi rất dày, rồi hòa âm phối khí nhiều quãng chồng, khiến cho ngôn ngữ tự sự trong âm nhạc ngũ cung Tây Nguyên: Yal yau, Tăm pớt, Đơs crih... trình hiện và hiện hữu như một bản hữu: “Mặc niệm trần gian tan trong sương trắng sám hối/Nhẹ lòng trôi muôn phương thơm hương ánh đạo vàng/Mặc niệm tử sinh phong linh giây phút hóa kiếp/Tựa ngàn sau chiêm bao miền thành kính”.

Qua âm hưởng âm nhạc ngũ cung Tây Nguyên, nhạc sĩ Đình Nghĩ tạo nên những liên kết đa màu, đa diện, đa nghĩa, thiêng liêng trong phần Coda, với 11 note đồng âm. Nhờ những liên kết này, nhạc sĩ Đình Nghĩ và người nghe đã đi trọn một vòng, từ hữu ngã đến vô ngã, từ ngũ dục đến vô dục, từ tạp niệm đến vô niệm, từ thế tục đến tôn giáo, từ tính chúng sinh sang Phật tính. Dẫu rằng, cái cảm thức “tựa ngàn sau”, và “mơ tâm kinh” vẫn là một ray rứt ám ảnh.

Tác giả: Trịnh Chu Số 188 Yersin, Đà Lạt, Lâm Đồng