Thích Nữ Hằng Huyền Học viên Thạc sĩ Khóa I, Học viện PGVN tại Huế

An cư kiết hạ là truyền thống đặc sắc, riêng có trong đạo Phật, đó là thời gian tăng, ni tạm dừng công việc hoằng pháp, chuyên tâm vào việc công phu tu học. Hàng ngày, từng giờ, từng phút đều là thời gian mỗi hành giả nhìn lại con đường tu hành của bản than.

Trong 3 tháng an cư, như trong Luật Tứ Phần đã ghi rõ: “Nhân một lần đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng Kỳ Đà, nước Xá Vệ. Bấy giờ nhóm sáu Tỳ kheo trong ba mùa xuân, hạ và đông đều du hành trong nhân gian. Gặp lúc trời mưa vào mùa hạ, y bát, ống đựng kim… của họ bị nước cuốn trôi. Họ lại dẫm đạp lên cỏ non và các loại côn trùng sinh trưởng trong mùa mưa, đoạn diệt đi mạng sống của chúng. Điều này đã bị các cư sĩ chỉ trích, rằng các Sa môn Thích tử không biết hổ thẹn, bên ngoài nói biết chính pháp nhưng thực ra không biết chính pháp. Các tu sĩ ngoại đạo còn có ba tháng an cư, còn các Thích tử trong ba mùa đều du hành trong nhân gian. Ngay cả mùa mưa nước lớn cũng du hành, khiến y bát bị trôi, lại dẫm đạp, hủy hoại cỏ non và các loài khác. Loài chim, côn trùng còn có hang tổ là trú xứ nghỉ ngơi của chúng, còn các Sa môn Thích tử không được như thế.

Những Tỳ kheo sống đời thiểu dục tri túc, có lương tâm, biết hổ thẹn, đã quở trách nhóm sáu Tỳ kheo và đến chỗ đức Thế Tôn bạch đầy đủ sự việc này lên Ngài. Đức Thế Tôn nhân đây tập họp các Tỳ kheo lại, khiển trách nhóm sáu Tỳ kheo thiếu tịnh hạnh, không có hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm để cho thế gian cơ hiềm. Và rồi Ngài chế định: Từ nay về sau cho phép các Tỳ kheo an cư ba tháng mùa hạ”.

Kể từ đó đến nay đã hàng ngàn năm trôi qua, truyền thống đó vẫn được duy trì đối với các tu sĩ đi theo con đường của đức Phật.

Trong quá trình phát triển của Phật giáo, ở mỗi quốc độ, vùng miền khác nhau, có những nét văn hóa đặc sắc riêng. An cư kiết hạ cũng được tổ chức và sinh hoạt sao cho phù hợp với thời tiết, tập quán, lối sống của người dân địa phương. Nhưng phải luôn tuân thủ các giới mà đức Phật đã chế định. Thời gian an cư kiệt hạ được diễn ra sau Rằm tháng Tư một ngày và kết thúc trước Rằm tháng Bảy.

Ở nước ta, với 3 miền Bắc -Trung - Nam, mỗi vùng miền đều có những nét đẹp truyền thống trong văn hóa an cư, đối với truyền thống an cư miền Bắc có 5 nét đặc sắc riêng là hậu an cư, an cư nhị bộ, bình văn, ăn mày công đức chư tăng và hành đạo. Đó là nét truyền thống riêng đối với tu sĩ miền Bắc, truyền thống đó đến nay vẫn được duy trì.

Tag: Phật giáo miền Bắc, an cư kiết hạ, đức Phật, truyền thống Phật giáo, hậu an cư, văn hóa an cư, chư tăng, ni, bắc tông, bắc truyền…

1. Hậu an cư

Tu sĩ miền Bắc gần như tu tập, hành trì theo truyền thống Bắc tông, nhưng thời gian an cư thì lại giống truyền thống Nam tông. Quan điểm tăng, ni thời xưa là “dĩ nông vi thiền” tức là lấy việc cày cấy làm thiền. Làm ruộng không chỉ giúp tu sĩ tự túc về lương thực mà còn là sự tu hành trong khi làm. Bởi vì, có làm ruộng mới thấu hiểu và cảm thông được sự vất vả của nhân dân, từ đó mới cảm hóa được nhân dân quần chúng biết tu tập. Do vào giữa tháng tư là vào mùa lúa nên thời an cư lùi lại chính là hậu an cư miền Bắc. Truyền thống hậu an cư vẫn giữ còn lưu giữ và hình ảnh tăng, ni làm ruộng vẫn còn đâu đó với những ngôi chùa làng ở miền Bắc. Đây cũng chính là sự khác biệt thuận theo tự nhiên, hoàn cảnh cùng lối sống của các cụ từ thời xưa nay vẫn được duy trì.

2. An cư nhị bộ

Trước kia thể theo truyền thống an cư thì tăng, ni miền Bắc mỗi bộ tập trung tại mỗi trú xứ riêng để tác pháp an cư, theo giới luật đức Phật đã chế định. Nhưng cho đến khi Việt Nam thống nhất đất nước sau năm 1945 thì lúc đó, tại miền Bắc chỉ còn một tổ chức là Hội Phật giáo. Tăng, ni còn rất ít nên đã tập trung thành nhị bộ để an cư. Nét riêng đó vẫn được duy trì.

Trong 3 tháng an cư hàng năm chư tăng, ni được học lại các bộ kinh, luật, luận mà đức Pháp Chủ chỉ dạy theo từng năm. Các trường hạ duy trì quy cử thiền môn, các thời khóa tụng niệm hằng ngày theo truyền thống, các thời khóa tụng niệm 6 thời vẫn đều đặn, tụng kinh sám nguyện và tụng giới vào các ngày trưởng tịnh (bá tát) trong tháng.

3. Bình văn

Hàng ngày 5 chúng đều theo thời khóa truyền thống của miền Bắc như là vào buổi khuya chư tăng tụng kinh Lăng Nghiêm, chư ni thì tụng thời khóa cảnh sách. Sau thời tiểu thực là thời khóa Bình Văn hai tạng Kinh, Luật. Bình văn là tôn trong cổ có văn, có cổ có kim. Theo truyền thống, ngày xưa vừa làm vừa học cho nên không có thời gian do vậy nên quý ngài đã dùng nối bình văn cho hàng đệ tử sơ cơ dễ học dễ nhớ, đây gọi là điểm nổi bật riêng của văn hóa an cư ngoài Bắc.

Bình văn là lối dịch kinh ngoài bắc “chúc văn liễu nghĩa”. Trong Trường hạ thường thì Thầy Duy na Người đọc Bình văn, với giọng điệu ngân nga, luyến láy, lưu loát, rõ ràng, từng câu từng chữ, câu cú dứt khoát mạch lạc, hiểu mạch văn… có như vậy người làm nghĩa mới dịch thoát nghĩa.

Sau đó được Ngài Đường Chủ hoặc ngài Luật sư dịch, diễn giải thoát nghĩa cũng như giảng giải tư tưởng cùng đại chúng bàn luận trên tinh thần “kiến hòa đồng giải”.

Ví dụ:

Nội hoài sư tử chi đức/ngoại hiện Tượng vương chi uy í...a. Nhân thiên tán thừa/long thần thán phục í...a. Cố Hoa nghiêm kinh vân í...a. Cụ túc thụ trì/uy nghi giáo pháp/năng linh Tam Bảo bất đoạn/thị dã í...a.

4. Ăn mày công đức của chư tăng

Mùa hạ cũng là thời gian tập sự cho những người mới xuất gia cũng như tân Tỳ kheo 5 hạ trở xuống. Đối với tăng, ni miền Bắc cứ 5 hạ trở xuống đều thắt đai lưng để phân biệt những người lớn hơn mình. Ý nghĩa của “thắt lưng” là để nói rằng người mời tu học cần phải cần kiệm, khiêm cung, kính trọng thầy tổ, để tu hành bớt gặp chướng duyên.

Về thưa gửi (xưng hô) thì người xưa coi việc tu hành là phải hạ mình xuống như người ăn mày đi ăn xin. Bất kể làm việc gì thưa gửi đều phải coi mình như kẻ ăn mày hạ thấp cái tôi của mình xuống thưa gửi. Bất kể việc lên chùa tụng kinh bái sám hay đi ra ngoài đều phải thưa gửi với cái tâm như kể ăn mày rồi sau đó mời được làm như là:

Khi lên chùa đều phải chắp tay thưa “Bạch Thầy bố thí cho con lên chùa” Khi đi ra ngoài hay đi đâu về cũng bạch “Bạch Thầy bố thí con đi…, hay con về ạ”.

Đến giờ cúng trai thì phân chia từ lớn đến nhỏ, khi cúng thì ra giữa nhị bộ tăng tác bạch “A Di Đà Phật, bạch Chư tăng bố thí cho con xin được chấp hiệu hiến cúng ạ”.

Đối với Trường Hạ miền Bắc thì giờ Ngọ trai sau khi Chư tăng hiến cúng xong trong chúng cử vị Sa di hoặc Tỳ kheo sơ hạ ra thỉnh trai, hay còn gọi là tác tịnh cho buổi thọ trai của chư tăng được thanh tịnh viên mãn.

Ví dụ: A Di Đà Phật, thỉnh Chư tăng thọ trai. Đó là nét riêng của miền Bắc.

5. Hành đạo

Trước ngày tự tứ của chư tăng tất cả hành giả an cư đều phải tham gia 3 ngày hành đạo. Trong ba ngày này hành giả phải giữ cho thân, miệng, ý cho thanh tịnh, tha thiết phát lộ sám hối. Đó được gọi là ngày đại sám. Vì một đại tăng ở trong một trụ xứ hành trì lễ niệm trong ba tháng tức là gọi là cấm túc an cư hạ trung tam nguyệt thì công đức đã lớn. Quý ngài đã khai giảng kinh, luật, luận để trau dồi giới thân tuệ mạng cho tăng, ni được tăng trưởng. Đó là thời gian mà tăng, ni được ôn lại giáo lý quý báu của đức Phật. Từ đó phát nguyện hồi hướng nguyện cầu quốc thái dân an chúng sinh trong mười phương được ân chiêm lợi lạc.

Trong Trường hạ giới luật rất nghiêm thời khoá đúng giờ, bốn uy nghi đi đứng nằm ngồi được chúng tăng giữ gìn sống đúng lục hoà trong nếp sống thiền môn như thời của đức Phật. Cho nên 3 ngày đạo này công đức rất lớn vô lượng an lạc, đó là nét đẹp thứ 5 trong 5 nét đặc sắc riêng của miền Bắc.

Trên đây chính là 5 nét đặc sắc riêng của an cư kiết hạ miền Bắc. Tuy rằng thời gian, phong tục, tập quán cũng như thời tiết khác với 2 miền Trung-Nam nhưng an cư kiết hạ miền Bắc vẫn không nằm ngoài giới luật Phật dạy. Mỗi hành giả tu tập đã và đang thực hành tốt trên tinh thần thượng cầu phật đạo, hạ hóa chúng sinh từ đó góp phần làm phong phú các truyền thống Phật giáo trong ngôi nhà đạo Phật.

Thích Nữ Hằng Huyền - Học viên Thạc sĩ Khóa I, Học viện PGVN tại Huế

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ: http://tapchinghiencuuphathoc.vn/nghiem-tri-gioi-luat-la-an-cu-kiet-ha.html http://tapchinghiencuuphathoc.vn/y-nghia-an-cu-kiet-ha.html http://tapchinghiencuuphathoc.vn/an-cu-kiet-ha-thuc-hanh-loi-day-cua-duc-phat.html