Tác giả: TL.Thích Thông Lạc

Này các Thầy, các Thầy là những người từ bốn phương, kẻ ở tỉnh này, người ở tỉnh khác khắp cùng trong đất nước về đây tu học theo Thầy, cùng một giáo pháp của đức Phật, cớ sao các Thầy lại tị hiềm, ganh ghét nhau, tranh tụng mạ lị nhau không kể gì đến anh lớn, em nhỏ? Lại luôn luôn tìm những khuyết điểm của nhau thay vì chỉ dạy cho nhau lại đem ra bêu xấu với người này, người khác thì còn gì đạo nghĩa con người? Thì còn gì là anh em một Thầy? Đánh nhau bằng kiếm lưỡi, miệng gươm, chẳng biết thương xót nhau chút nào.
Ảnh: St
Người xưa nói “Thố tử hồ bi”, con thỏ chết con chồn còn đau đớn khóc thương, huống chi chúng ta là những con người học đạo cùng Thầy, cùng đạo từ bi của đức Phật, thế sao chúng ta không từ bi chút nào cả. “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.” Này quý Thầy, tuy quý Thầy không cùng một cha mẹ sinh ra nhưng quý Thầy sống chung dưới cùng một mái chùa, học chung cùng đạo đức, cớ sao quý Thầy lại không thương mà nỡ tâm đem chuyện xấu bêu nhau cho người khác cười chê. Xấu lá xấu nem, xấu anh, xấu em, vô tình mà quý Thầy đã hại lẫn nhau làm tai tiếng khắp vùng. Rồi người ta tự hỏi tại sao những người tu sĩ Phật giáo lại đấu tranh nhau, lại bêu xấu nhau. Họ phân ra nhiều giáo phái, họ phân ra nhiều tư tưởng, họ phân ra nhiều pháp môn để rồi họ bài xích nhau, họ chống đối nhau chẳng tiếc lời, họ luôn luôn chà đạp lên nhau, giày xéo lên nhau. Họ bất đồng ý kiến; họ cho rằng chỉ có ta biết được điều này, còn người không biết; điều ta nói là đúng, điều người nói là sai; pháp môn ta tu hành là đúng, pháp môn người tu hành là sai; điều ta hiểu là chân chính, điều người hiểu là không chân chính; pháp môn này tu trước người lại tu sau, pháp môn kia tu sau người lại tu trước; sai lầm rối loạn, đảo lộn tất cả, không có phép tắt. Điều ta làm tốt, điều người làm không tốt đẹp. Những điều tự suy luận trên đây là kiến chấp. Đó là những cái kiến chấp, chấp sự hiểu biết của mình, mà có kiến chấp thì có ngã chấp, có ngã chấp thì có hơn thua, tị hiềm. Chúng ta biết được cái gốc của nó thì chúng ta hãy cố gắng tu Định Vô Lậu để diệt ngã, xả tâm để chúng ta được giải thoát mà không còn hơn thua nhau nữa. Có hơn thua, ganh tị thì phải có nói qua nói lại, nói tốt nói xấu, đó cũng chỉ vì danh khen - chê của mọi người mà anh em cùng một nhà xâu xé nhau, từ đó tăng đoàn bị phân hóa, thiếu đoàn kết. Anh em cùng một thầy, một tôn giáo mà chia rẽ nhau! Bằng chứng như chúng ta đã thấy tôn giáo của chúng ta thiệt là tan nát, không còn một chút nào hết. Cùng trong Phật giáo mà kẻ đứng pháp môn này, người đứng pháp môn kia, rồi chỉ trích, bài xích nhau. Thầy thấy mọi pháp môn của Phật dạy không có pháp môn nào xấu hết: người tu Đại Thừa cũng tốt, mà người tu Tiểu Thừa cũng tốt; người tu thiền Đông Độ cũng quý, người tu Tịnh Độ cũng quý; người tụng niệm, cúng cầu an cầu siêu cũng tốt. Tại sao vậy? Tại vì mọi pháp môn đều là an ủi cho những người đau khổ, cho đời và cho chính mình nữa. Cho nên tất cả những pháp môn này không nên bài bác làm gì, vì tùy mỗi góc độ, tùy mỗi phước duyên của con người mà đứng trong góc độ đó để thực hiện những điều tốt cho Phật giáo. Cho nên chúng ta có đủ duyên tu tập đúng Giới luật, nhập Thiền định làm chủ sinh tử, chấm dứt luân hồi thì đó là phước duyên của chúng ta ở góc độ sâu hơn, cao hơn một chút. Chứ chúng ta có hơn gì họ, vì chúng ta cũng là con người. Họ chưa đủ duyên, chưa gặp được những bậc Minh sư, Thiền đức, cho nên họ tu còn ở ngoài. Tuy vậy, họ vẫn làm được những điều lợi ích cho xã hội. Chúng ta nên nghĩ rằng vì cái tâm danh lợi của họ còn, cho nên họ vẫn còn ham thích, se sua. Sắm xe này, nhà kia, chùa lớn, tháp to, nhưng họ cũng giảm bớt biết bao nhiêu sự ham muốn của họ và họ cũng giảm bớt biết bao nhiêu sự ác của họ. Họ nghĩ làm cái chùa lớn là để cho mọi người đến chiêm ngưỡng, vẫn thấy được Phật giáo còn mãi, dạy cho mọi người những bài kinh này bài kinh khác, viết ra những cuốn sách này, những bài này nói Phật dạy như thế này như thế khác là để mọi người hiểu để mọi người làm lành, lánh những điều dữ. Tất cả những điều mà quý thầy đang làm đều có lợi ích cho xã hội, đều có lợi ích cho mọi người; giảm được góc độ này thì lợi ích được góc độ này, rồi ngày mai đủ duyên, quý thầy đi sâu hơn trên con đường của đạo Phật để chấm dứt sinh tử luân hồi.
Ảnh: St
Cho nên chúng ta không nói xấu một người nào, không chê một pháp môn nào mà chúng ta nên thấy rằng những pháp môn của mọi người đều tốt cả, đều là của Phật giáo cả. Vì vậy mà chúng ta đoàn kết được trong huynh đệ của chúng ta, từ một ông thầy tụng niệm cúng bái cho đến một ông thầy học thức đỗ tiến sĩ, cho đến một người tu thiền định trong rừng núi, cho đến một người tu Tịnh Độ niệm Phật suốt ngày, đều là anh em của chúng ta cả, không có gì mà chúng ta chia rẽ họ. Chúng ta hãy thương họ, chúng ta hãy giúp đỡ họ khi chúng ta có đủ khả năng giúp đỡ họ. Cho họ thực hiện những gì họ mong muốn. Đừng bài bác họ, cũng như chúng ta thấy họ tu như vậy mà giữ gìn giới đức chưa được thì đó là cái phước của họ, không nên lấy chỗ sai giới đức đó mà chỉ trích họ, làm cho họ buồn khổ hoặc là làm cho họ căm tức để rồi sinh ra chia rẽ, chẳng ích lợi gì cho Phật pháp. Nếu mình nói thế này thế khác thì ngoài mặt họ tùy thuận theo mình nhưng trong tâm họ chẳng mến phục mình, họ còn thầm khinh bỉ anh em trong nhà mình nữa. Nghĩa là mình nói ra thế này thế khác hoặc chê cười pháp môn này pháp môn khác, tuy ngoài mặt họ tùy theo mình, họ ừ ừ hữ hữ cho qua, hoặc họ luận theo cái chiều hướng của mình theo trong kinh điển của Phật dạy. Những người không ngăn chặn những điều xấu của mình mà họ cứ tùy theo mình, ừ hữ theo mình, để cho mình bộc lộ những điều xấu của mình thì những người bạn đó là những người xấu. Như Thầy đã giảng rồi các thầy thấy những người ngăn chặn mình là những người tốt, mà những người để cho mình nói xấu người khác điều này thế kia họ cứ làm thinh hoặc là họ ừ hữ làm như họ theo mình, đó là những người xấu. Vì vậy mà mình lầm lạc từ cái này đến cái khác, để rồi mình chỉ trích pháp môn này, trỉ trích pháp môn khác, rồi luận thế này luận thế khác. Qua những lời Phật dạy: Những người chê pháp môn này, chê pháp môn khác đó là những người xấu chứ không phải người tốt. Họ xấu là vì họ muốn ca ngợi cái danh của họ, họ muốn ca ngợi pháp môn tu của họ hay cho nên họ dìm các pháp môn của người khác xuống để cho họ trở thành những giáo chủ có đường lối pháp môn tuyệt vời để mình tin, mình theo. Khi người ta mở miệng ca ngợi pháp môn của người ta thì chúng ta biết rằng những người đó là những người không tốt, là những người xấu. Như vậy chúng ta rất sáng suốt qua bài học này, chúng ta đã nhận được những cái đúng, cái sai cho nên chúng ta chỉ biết âm thầm làm thinh không phê phán ai cả. Xưa đức Phật đã một lần vào rừng ẩn bóng cũng chỉ vì chúng tăng chia rẽ, thiếu đoàn kết. Nghĩa là trong thời đức Phật có một lần trong mùa hạ, đức Phật phải vào rừng ẩn bóng vì chúng Tỳ kheo lúc bấy giờ đấu tranh nhau bằng miệng lưỡi, họ không có đoàn kết nữa, cho nên đức Phật bỏ đi vào rừng để An cư mùa hạ năm đó. Sau đó nhờ quý thầy lớn giải quyết làm cho đoàn kết trở lại, rồi họ đến xin đức Phật trở về vì chúng tăng đã đoàn kết. Cho nên Thầy nghĩ rằng cái duyên để Thầy ẩn bóng cũng có một điều đau khổ cho đệ tử của Thầy. Thầy không muốn ở đây để người ta tạo thêm những cái tội. Khi nghe một người khác nói tốt về Thầy bằng cách này, bằng cách khác, thì người ta phỉ nhổ lên Thầy. Thầy là người tu hành có giới đức thanh tịnh mà họ phỉ nhổ lên thì họ phải chịu lấy cái hậu quả đó, cho nên rất là đau khổ. Khi Thầy ẩn bóng thì họ lấy đâu mà phỉ nhổ thầy, cho nên họ thoát khỏi tội lỗi. Và người đệ tử theo Thầy mà nói tốt điều này điều kia, thì họ thấy Thầy đã ẩn bóng rồi thì có nói Thầy thế nào Thầy cũng không còn để đón danh, đón lợi gì hết. Bởi vì khi ẩn bóng thì Thầy đâu có chường mặt ra gặp ai đâu, Thầy có còn tiếp với tiền, với bạc, với danh, với lợi nữa đâu. Cho nên dù vi tế hay không vi tế, đều là bỏ sạch xuống.
Ảnh: St
Đương nhiên coi Thầy ẩn bóng là đã bỏ hết như người đã chết. Vì vậy mà danh lợi đối với Thầy không còn nữa. Khi đã ẩn bóng thì không còn giáp mặt với danh, với lợi, với một cái gì dù rất nhỏ mọn. Cũng như đức Phật đã thị tịch cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, bây giờ người ta có ca ngợi đức Phật cách gì thì đức Phật cũng đâu còn đón nhận những điều đó nữa. Hoàn toàn đức Phật đã trả lại cho tất cả mọi người. Vì thế, hôm nay Thầy ẩn bóng là do những ý nghĩ các đệ tử của Thầy. Thầy đã thấy nó không hợp thời, không đúng lúc, Thầy đã làm biết bao nhiêu người tội lỗi khi họ không hiểu, họ phỉ báng, họ chê bai, hoặc họ ca ngợi Thầy một cách không đúng cách. Thầy sẽ đọc lại bài kệ mà đức Phật đã dạy chúng Tỳ kheo trong thời đó:

“Các thầy phải kính thuận

Kiến lập về Phật pháp”

Nghĩa là Thầy đã dạy những điều đức hạnh về Phật pháp thì quý thầy phải kiến lập nó thành một đường lối, đường lối lớn để cho mình bước đi ở trên đó.

“Phải diệt chúng ma này”

Chúng ma tức là chúng ma tranh chấp nhau, chúng ma bêu xấu nhau đó. Phật gọi đó là chúng ma.

“Phải diệt chúng ma này

Như voi phá rừng lau”

Sức con voi thì các con biết rừng lau có nhằm nhò gì, phải chi cái cây lớn thì nó nhọc nhằn, còn đối với voi khi nó đi ngang qua rừng lau thì nó quét sạch hết. Đức Phật ví chúng ta phải quét sạch những cái bất hòa, những cái chấp kiến, những cái chấp ngã khiến chúng ta hoàn toàn đi lệch lạc, đi sai lạc làm chúng ta đau khổ, làm chúng ta chia rẽ. Chúng ta phải dùng chính sức của mình mà phá nó như voi phá rừng lau.

“Chuyên niệm chớ buông lung”

Nghĩa là lúc bấy giờ chúng ta đặt niệm luôn luôn ở trong thân và tâm của mình, để giữ tâm không cho buông lung ra, không cho theo cái chiều ham muốn danh lợi khen chê đó nữa. Không có theo tình đời nữa mà phải là tình đạo.

“Đầy đủ về tịnh giới”

Tức là lấy giới luật của mình làm cho thân tâm mình thanh tịnh.

“Tâm tịnh tự suy niệm”

Tâm mà định được thì mình cố gắng suy niệm để quét sạch những điều sai đó.

“Khéo giữ ý chí mình”

Luôn luôn lúc nào mình cũng phải lập trường, ý chí mình rất vững vàng, không có để cho tâm buông lung, không để cho mất đoàn kết, phải thương yêu nhau, phải giúp đỡ nhau. Đó là bài kệ thứ nhất. Bài kệ thứ hai:

Nếu ở trong Chính pháp

Những ai không buông lung

Thoát khỏi thân già chết

Dứt hẳn các gốc khổ

Nghe rồi phải siêng năng

Đó, bốn câu kệ trước thì đức Phật nói nếu mình thường sống ở trong Chính pháp, tâm mình không buông lung thì mình sẽ thoát khỏi thân già chết của mình. Rồi dứt hẳn các gốc khổ. Đó là bốn câu kệ để chỉ định chúng ta phải sống đúng như vậy hoặc sống hòa hợp như vậy, an vui như vậy thì gốc khổ bị diệt mất và già chết chúng ta cũng thoát khỏi. Nghe rồi phải siêng năng, đức Phật căn dặn chúng ta đây.

Anh em phải hòa thuận

Như con cùng cha mẹ

Tránh xa lòng tỵ hiềm

Tránh xa nói xấu nhau

***

Để rồi thiên hạ cười

Anh em cùng một nhà

Tiếng tăm xấu vang xa

Anh xấu em cũng xấu

***

Chính mình tự giết mình

Chính mình làm suy đồi

Phật pháp không cửu trụ

Mất đi nguồn đạo đức

Thế gian sinh rối loạn

Nghĩa là mình làm như vậy là đạo Phật sẽ bị mất đi, sẽ không còn mãi mãi, ba ngôi Tam Bảo sẽ mất đi thì thế gian này lấy đâu mà nương tựa để thực hiện đạo đức Nhân Quả, đạo đức không làm khổ mình khổ người. Cho nên chúng ta vô tình làm Chính pháp mất đi. Vì sự như vậy mà người ta nhìn vào Tăng đoàn chúng ta chia rẽ nhau. Người học trò nói xấu thầy, người thầy nói xấu học trò thì đó là cái điều không phải. Cho nên ở đây tất cả chúng ta phải cảnh giác và thấy cho đúng, để chúng ta sống cho đúng cái đạo thì chúng ta mới thấy được sự tu hành của chúng ta. Còn nếu không sáng suốt mà vì cái lòng nhỏ mọn của chúng ta, vì những sự xúc chạm về cái ngã, cái tự ái của chúng ta mà chúng ta làm suy đồi Phật pháp. Đến đây các thầy cần phải suy ngẫm những lời dạy này để thực hiện đời đạo đức cho đúng cách. Dù là người Cư sĩ hay là Tu sĩ cũng phải siêng năng khắc kỷ mình, sống đúng Phạm hạnh của đạo Phật. Đó mới làm vẻ vang cho đạo. Thầy nhắc lại để quý thầy nhớ. Đây quý thầy cần phải suy ngẫm những lời dạy này để thực hiện đời - đạo cho đúng cách: Là đệ tử của đức Phật, dù Cư sĩ hay Tu sĩ, cũng phải khắc kỷ mình sống đúng Phạm hạnh của đạo Phật. Đó mới làm vẻ vang cho đạo.

Tác giả: TL.Thích Thông Lạc

(Trích Giáo Án Tu Tập)

Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2019