Hỏi: Thế nào là người trộm tăng tướng và tặc trụ theo giới luật được Phật quy định?

Đáp: Người trộm tăng tướng trong Luật Phật giáo gọi là “theyyasaṃvāsaka” thường được dịch trong Hán cổ là “tặc trụ” (賊住) nghĩa là “giặc đang ở trong “Phật giáo]”.

Đây là thuật ngữ chỉ những người có ý đồ bất chính, tự ý cạo đầu, tự đắp ba y (y thượng, y trung, y hạ), tự mang bình bát (paṭṭa) với hình tướng người xuất gia (saṃvāsaka) tức cạo đầu, đắp y, cầm bát mà không trải qua nghi thức xuất gia, nghi thức thọ giới hợp pháp theo quy định của Luật Phật.

Họ mạo nhận mình là Tỳ-kheo để tự nuôi sống bằng khất thực hay trục lợi cá nhân. Để ngăn chặn tình trạng này, Phật giáo chủ trương:

(1) Tăng đoàn không công nhận người trộm tăng tướng là Tỳ-kheo hợp pháp;

(2) Người trộm tăng tướng không được thọ đại giới, tức không được trở thành Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thực thụ;

(3) Mọi hành động của người trộm tăng tướng đều vô hiệu bao gồm không được khất thực, thuyết pháp, làm phật sự.

Tăng đoàn cần cảnh giác và ngăn chặn hành vi của người trộm tăng tướng để bảo vệ sự thanh tịnh của Tăng đoàn. Việc ban hành điều luật này nhằm giải quyết vấn đề những người mạo nhận mình là Tỳ-kheo để trục lợi cá nhân, gây tổn hại đến danh tiếng của Tăng đoàn và làm ảnh hưởng đến sự thanh tịnh của Phật giáo.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: St

Hỏi: Xin cho biết thuật ngữ “người trộm tăng tướng” trong Pali và quy định cụ thể của Luật Phật?

Đáp: Trong Luật Phật bằng tiếng Pali, khái niệm người trộm tăng tướng là “theyyasaṃvāsaka” có nghĩa đen là “kẻ sống chung [tăng đoàn] theo lối trộm cắp.”

Chú Giải Luật tạng Phật giáo Nguyên thủy (VinA. v, 1016-1017) đề cập 3 loại người trộm tăng tướng như sau:

(1) kẻ trộm tướng mạo tăng sĩ (liṅgatthenaka) nghĩa là kẻ tự mình cạo đầu, tự mình xuất gia (dù ở nhà, đi ngoài đường, hay ở tu viện; có biết hay không biết gì về các điều quy định của Luật Phật;

(2) kẻ trộm tăng tướng về cộng trú (saṃvāsatthenaka) giả dạng làm tu sĩ, nói dối mình là tỳ-kheo, vào chùa ở; dù có biết chút ít về Luật Phật;

(3) kẻ trộm tăng tướng theo hai cách (ubhayatthenaka) nghĩa là người tự cạo đầu, tự xuất gia, tự xưng là tỳ-kheo, vào chùa ở, có biết chút ít về Luật Phật.

Hỏi: Xin cho biết người tự cạo đầu, tự đắp y, tự xưng là tăng sĩ Phật giáo, khi vi phạm “ăn trộm tăng tướng” thì Luật Phật quy định thế nào?

Đáp: Trong tụng phẩm thứ chín, thuộc Đại phẩm của Luật tạng Phật giáo nguyên thủy có kể câu chuyện do tôn giả Upāli hỏi đức Phật về việc một cư sĩ nam, tự cạo đầu, tự đắp y, tự khất thực. Đức Phật đưa ra quy định không cho người trộm tăng tướng làm tăng sĩ trọn đời. Nghĩa là phạm tội tẫn xuất, không được làm tăng sĩ. Bản dịch của thầy Indacanda như sau: https://www.tamtangpaliviet.net/VHoc/04/04_03.html

“9. Sau đó, người con trai của gia đình bị khánh tận không còn gia quyến ấy đã tự mình chuẩn bị y bát, cạo bỏ râu tóc, khoác lên các mảnh vải màu ca-sa, đi đến tu viện, và đảnh lễ các vị tỳ khưu.

Các vị tỳ khưu đã nói như vầy: - “Này đại đức, đại đức được bao nhiêu năm?” - “Được bao nhiêu năm? Này các đại đức, điều ấy là gì vậy?” - “Này đại đức, ai là thầy tế độ của đại đức?” - “Thầy tế độ? Này các đại đức, điều ấy là gì vậy?” Các vị tỳ khưu đã nói với đại đức Upāli điều này: “ - “Này đại đức Upāli, hãy thẩm tra người đã xuất gia này đi.”

“10. Sau đó, trong khi được đại đức Upāli thẩm tra người con trai của gia đình bị khánh tận không còn gia quyến ấy đã kể lại sự việc ấy. Đại đức Upāli đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu.

Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu)[5] chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất. Này các tỳ khưu, kẻ đã đi theo ngoại đạo chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất".

NGUỒN TƯ LIỆU HỎI – ĐÁP DO VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM CUNG CẤP