Quen biết với gia đình nhà chú, khi gia đình có người thân mất, tôi được giao nhiệm vụ đưa đón và mời nhà sư đến làm lễ.
Trong lúc ngồi uống trà để đợi nhà sư, tại phòng khách của nhà tổ, vừa nhấp từng ngụm trà nóng vừa quan sát bài trí không gian của gian thờ tổ, tôi nhìn thấy một chiếc xe đạp được dựng ngay ngắn, sạch sẽ.
Thầy TBK (tên nhà sư) - người miền Trung, dáng nhỏ bé, nhưng nhanh nhẹn và đặc biệt là đôi mắt to thông minh, tuổi cũng còn trẻ, nhưng tôi thấy ở nhà sư này có sự rắn rỏi, cương nghị của sự trải nghiệm. Có lẽ cuộc đời tu hành cũng có nhiều gian nan thử thách đã đến với nhà sư?
Theo lời kể của nhà sư, cũng do nhân duyên mà vị sư đến trụ trì ngôi chùa nhỏ này ở làng quê, ngôi chùa được lập cũng từ khá lâu, hiện nay vẫn có giữ được các thần phả do các đời vua ban tặng. Chùa được xếp hạng di tích văn hóa của tỉnh.
Vốn là người cũng có sở thích tìm hiểu và sưu tầm những đồ kỷ niệm mang dấu ấn thời gian vì vậy khi nhìn thấy chiếc xe đạp, tôi đã nhận ra ngay đây là một chiếc xe đạp cổ vì kiểu dáng chiếc xe và vẻ bề ngoài cũ kỹ của nó. Tôi lại gần, xem kỹ hơn, các chi tiết bộ phận còn nguyên bản.
Đó là một chiếc xe đạp được sản xuất năm 1901 do hãng Zebrakenko nổi tiếng của Nhật Bản sản xuất.
“Ông đã quyết định hiến tặng nhà sư chiếc xe đạp kèm theo một khoản tiền nhỏ để nhà sư làm một lễ nhỏ kêu cầu trời Phật chứng giám cho ông sự sám hối này”.
Tôi có hỏi nhà sư về chiếc xe đạp này, thầy mỉm cười một cách ý nhị và trả lời “Chiếc xe đạp này, tôi được một phật tử biếu tặng và số phận của chiếc xe đạp này cũng rất hay đấy!”, tôi đề nghị nhà sư hãy kể về lai lịch và số phận chiếc xe đạp này, vì tôi biết nếu một món đồ cổ mà gắn liền với một câu chuyện nào đó có ý nghĩa thì giá trị của món đồ đó càng hấp dẫn những người sưu tầm đồ cổ.
Chiếc xe đạp này do một gia đình xin được tặng nhà sư khi nhà sư đến gia đình làm lễ động thổ làm nhà mới. Theo lời thỉnh cầu của gia chủ, nhà sư đã đến tận nhà để làm lễ.
Sau buổi lễ, trong lúc nói chuyện giữa gia chủ và nhà sư, tình cờ nhà sư ngước nhìn lên phía trên góc nhà, nơi có chiếc xe đạp được treo buộc rất cẩn thận.
Hình ảnh xe đạp được cất giữ bằng cách treo lên xà nhà là một hình ảnh rất quen thuộc của vùng quê bắc bộ của những năm 1960-1970, khi mà cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, chiếc xe đạp là một tài sản cực kỳ quý giá. Nó vừa là tài sản để khẳng định sự thành đạt trong cuộc sống, nó cũng là công cụ sản xuất hiện đại nhất giúp người dân vận chuyển hàng hóa, giao thông đi lại.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, toàn bộ nguồn lực quốc gia được huy động thì chiếc xe đạp là một tài sản quý giá nhất của mỗi gia đình khi mà đất đai có thể xin cho nhau hàng trăm mét vuông đất, nhưng chiếc xe đạp thì phải mua theo tiêu chuẩn, phải đăng ký biển số xe đạp. Và cứ 2 năm, nhà nước phải kiểm tra thống kê toàn bộ số xe đạp đang lưu hành trên toàn miền Bắc.
Nhà sư thấy việc chiếc xe đạp được treo như vậy thì rất lấy làm lạ, liền hỏi gia chủ về chiếc xe đạp này. Gia chủ là một người đàn ông thành đạt, tuổi khoảng gần 70 tuổi, con cháu phương trưởng, đã lập gia đình và đều sinh sống ở Hà Nội. Chỉ có 2 vợ chồng, sau những năm tháng mưu sinh ở Hà Nội, nay trở về quê, với ngôi nhà cũ kỹ ngày xưa để hưởng tuổi già.
Câu chuyện về chiếc xe đạp, được gia chủ bắt đầu kể lại bằng cả nỗi niềm của người đã có những quãng đời tuổi trẻ nhọc nhằn. Gia chủ sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con, bố đi làm thuê, mẹ bán quà vặt ở thị trấn nhỏ bên sông. Khi gia chủ lấy vợ, hai vợ chồng cự kỳ khó khăn về kinh tế, không học hành, không nghề nghiệp, lúc đó chỉ có nghề làm thuê bằng sức lao động như kéo xe bò, xúc cát..., khi những đứa con lần lượt ra đời, thì người đàn ông trụ cột đã không còn đủ sức gồng gánh cả mấy miệng ăn trên vai, sự túng quẫn đã bao trùm lên toàn bộ thân và tâm của người chồng. Trong một đêm định mệnh, ông đã trở thành một tên ăn cắp và chiếc xe đạp là thành quả của vụ trộm đầu tiên và cũng là duy nhất trong cuộc đời người đàn ông này.
Ngay trong đêm hôm đó, ông và người vợ và 2 đứa con nhỏ trên chiếc xe đạp đã vượt hành trình hàng chục cây số về Hà Nội với niềm hy vọng thay đổi cuộc đời.
Ở Hà Nội, nhờ có tài sản là chiếc xe đạp cộng với sự nhanh nhẹn, chịu khó buôn bán làm ăn mà ông đã tạo dựng một cuộc sống khá giả. Lúc đó, với chiếc xe đạp, ông đã sử dụng làm tài sản thế chấp để vay tiền lấy vốn làm ăn, mua từng mảnh đất ruộng rau muống, khi Hà Nội vào giai đoạn phát triển, thì trong tay ông đã có hàng nghìn mét vuông đất.
Người bị mất trộm chiếc xe đạp đêm hôm đó là một gia đình công chức, gia đình đó có nhiều người tham gia cách mạng. Chiếc xe đạp này do ông cụ để lại cho con trai trưởng. Khi bị mất chiếc xe đạp, gia đình đã đi trình báo công an, do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, các vụ trộm cắp thường rất khó tìm ra thủ phạm, hoặc phải mất thời gian khá lâu để truy tìm nhất là tên trộm lại không phải là tên ăn cắp chuyên nghiệp.
“Chiếc xe đạp ăn cắp được đã không bao giờ được sử dụng như phương tiện đi lại mà nó đã được sử dụng để làm công cụ mưu sinh”.
Gia đình bị mất chiếc xe đạp cũng đã có những suy nghĩ nghi ngờ và biết chắc chắn là thủ phạm lấy trộm chiếc xe đạp chỉ có thể là người hàng xóm, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã thực hiện hành vi lấy trộm. Với một tài sản cực kỳ to lớn và là một kỷ vật mà người cha để lại, đáng lẽ ông chủ của chiếc xe đạp này có thể tìm lại chiếc xe đạp quý giá một cách đơn giản là tố cáo tên ăn trộm và công an xã sẽ đến bắt ngay.
Tuy nhiên, việc này đã không xảy ra, và cuộc sống vẫn diễn ra bình thường như không có chuyện gì, hai gia đình vẫn thăm hỏi nhau như những người hàng xóm quen biết, sau mỗi lần về quê.
Tâm từ bi
Có thể vợ chồng người bị mất chiếc xe đạp đã cảm thương cho gia cảnh khó khăn túng quẫn dẫn đến làm liều mà họ đã không tố cáo, họ đã muốn mở con đường để cứu sống những đứa con thơ dại của đôi vợ chồng trẻ. Cuộc đời của tên ăn trộm sẽ bị dập tắt sau cánh cửa nhà tù, vợ và những đứa con của tên trộm sẽ gặp thêm nhiều khó khăn, tương lai mù mịt không nơi nương tựa, nhất là hàng xóm láng giềng sẽ nhìn nhận gia đình tên trộm bằng sự kỳ thị, ghẻ lạnh, ác cảm.
Bằng tình thương yêu, tâm từ bi đã cứu được những số phận con người. Và kết quả cũng rất có hậu đó là người bị mất trộm sau này đã phấn đấu lên được chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh H.Y và con cái cũng rất thành đạt tại Hà Nội.
Sám hối
Nhờ hành động nhân từ và cách ứng xử rộng lượng của gia đình bị mất trộm đã làm cho tên ăn trộm sau này là người đàn ông ăn trộm sự day dứt không nguôi về hành động tội lỗi của mình.
Chiếc xe đạp ăn cắp được đã không bao giờ được sử dụng như phương tiện đi lại mà nó đã được sử dụng để làm công cụ mưu sinh, sau khi đã vượt qua được những khó khăn, tên trộm đã quyết định cất giữ và bảo quản chiếc xe đạp như là một tài sản vô giá.
Đã có những người đến trả giá hàng chục triệu đồng nhưng ông nhất quyết không bán, ông nói rằng nếu có trả hàng tỷ đồng thì ông cũng không bán.
Vì ông biết đây là món nợ của đời ông và ông rất khó trả được nợ này. Khi mà những năm tháng cuối của đời người, nỗi ám ảnh, day dứt lại càng mạnh mẽ khôn nguôi. Ông sẽ không thể nhắm mắt thanh thản ra đi khi mà nỗi niềm day dứt sám hối này chưa được vào miền thanh thản của cõi đời.
Thật là duyên may mắn, ông đã gặp được nhà sư, khi ngài hỏi chuyện về chiếc xe đạp, như một người chết đuối giữa đại dương mênh mông, trong cơn cùng quẫn tuyệt vọng, ông lại gặp được vị ân nhân thứ hai, nhà sư đã cứu vớt ông về mặt tinh thần. Ông đã quyết định hiến tặng nhà sư chiếc xe đạp kèm theo một khoản tiền nhỏ để nhà sư làm một lễ nhỏ kêu cầu trời Phật chứng giám cho ông sự sám hối này.
Chiếc xe đạp do hãng Zebrakenko sản xuất năm 1901 tại Nhật, các chi tiết còn nguyên bản. Người viết bài này đã trao đổi với nhà sư, nếu chiếc xe này được đem bán đấu giá để hỗ trợ vào các chương trình từ thiện là cách làm tốt nhất để làm cho ông bà có chiếc xe đạp bị mất trộm sẽ ấm lòng nơi suối vàng, tên trộm chiếc xe đạp, là người đàn ông sám hối cũng sẽ thanh thản khi mà hành động sám hối của mình sẽ giúp ích cho cộng đồng và xã hội.
Đáng tiếc là nhân vật của câu chuyện, gia đình ông chủ mất xe hai cụ đã mất. Còn người ăn trộm vẫn chưa cho tác giả cung cấp tên thật và địa chỉ, nhưng sẻ chia câu chuyện có thật hy vọng được lan tỏa như là một bài học nhân quả về tình yêu thương con người trong một xã hội hiện đại khi mà giá trị vật chất được xếp trên với các giá trị về văn hóa, về tinh thần.
Nhất là về giá trị tinh thần, nó sẽ còn tồn tại mãi mãi, ngay cả khi thân thể không còn, nó vẫn còn gắn chặt trong tâm thức của con người như một nghiệp lực chi phối và tạo tác quyết định những số phận, kiếp người, những sinh linh trong muôn vạn vật của vũ trụ.
Tác giả: Phạm Tuấn Anh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 1/2018
Bình luận (0)