Ấy là sự chứng nghiệm của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã trong thể cách thi nhân đi tìm thơ từ cỗi nguồn tự tính chính mình.
Tác giả: Trịnh Chu
Tất nhiên, vì khởi sự từ tự tính nên đóa hoa buồn kia cần được hiểu là một đối tượng thẩm mỹ, một tham chiếu nghệ thuật của thi nhân, chứ không phải một trạng thái tâm lý ủ dột, ẩm héo. Bởi sống trong tự tính, tác giả đã thủ đắc bí quyết vượt thoát nỗi đau bằng cảm thức bay lên:
“Đã có lần
nhìn chim vỗ cánh
Tôi học cách bay
từ những muộn phiền”.
Nhờ tâm thế đó mà Nguyễn Thánh Ngã đạt được sự sự vô ngại, và anh luôn biết cách hóa giải những phiền muộn của mình để cho thơ tiêu dao, tự tại:
“Đã có lần
nhìn dơi treo ngược
Tôi treo nỗi đau
ngược với phận mình”.
Trên hành trình tìm kiếm triết mỹ nhân sinh để tồn tại, Nguyễn Thánh Ngã bắt gặp không ít những khuôn mặt tha nhân đầy phản trắc:
“Họ là những nhà thơ đục khoét nỗi buồn của kẻ khác
Họ kéo lê chiếc thùng rỗng trên đời
chỉ để gõ vào những thây ma
khiến cho bầy quạ đen tìm tới”.
Nhận diện rõ khuôn mặt của tha nhân nhưng anh tuyệt nhiên không có sự tuyệt vọng hay thù ghét cuộc đời. Thẳm sâu trong trái tim Nguyễn Thánh Ngã, nó được soi chiếu như cách tự tỉnh thức, níu giữ mình khỏi những trượt ngã, đớn hèn:
“Ta ơi,
… hãy bám gốc rạ mình
gieo những hạt lành thơm
học bùn đen chẳng biết khoe khoang
tự cô đọng
tự lắng”.
Bởi vậy, những câu thơ của anh rất gần những dụ ngôn, chuyên chở ý niệm. Nói cách khác, Nguyễn Thánh Ngã đã mượn thơ để tự thức ngộ, cũng là để khẳng định cốt cách:
“Ta bám rễ sâu vào góc ruộng nhà mình
nghe đất thở
những mùa trăn trở
hạt đất, hạt bùn dạy nhau: im lặng... xanh!”.
Im lặng xanh và gieo những hạt lành thơm chính là ánh sáng sự thấu triệt, một kiểu tâm kinh của anh, minh định cho những miền xanh nhân tâm, khi con người chưa bị ảo vọng đẳng cấp rượt đuổi:
“Tôi lớn lên
cỏ dại giữa cỏ dại
ngậm sương khuya ứa giọt đầu hè”.
Bằng cách thế ấy, Nguyễn Thánh Ngã đã tạo được cho thơ mình một con đường riêng, từ mồ hôi của đời sống lao động. Ngôn ngữ thơ chắt lọc, nhiều trải nghiệm, thi tứ sâu, thi ảnh gợi, đầy suy tưởng ẩn tàng phong vị thiền:
“Tôi leo lên ngọn đồi
như leo lên ý tưởng của tôi”.
Trên ngọn đồi ý tưởng đó, anh nhìn thấy những hàng cây tư duy, những tảng đá tư duy, cả:
“Những bãi cỏ xếp bằng
Những gốc cây thiền định
Đóa hoa nào nghe pháp nở hương thơm”.
Nó là đóa hoa tâm của Nguyễn Thánh Ngã nở giữa tự tính xanh rờn trắc ẩn:
“Nở như không hề nở
Hoa như không hề hoa”.
Tâm hoa nở từ diệu pháp, tâm hoa lặng lẽ dâng hương, đó là bởi sự thức ngộ của thi nhân trong đồng vọng tha nhân: mỗi bước một chính niệm, mỗi bước một hoa sen.
Bình luận (0)