Thích Nữ Huyền Minh NCS Tiến sĩ Phật học K.III - Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2023
Theo văn hóa dân gian Ấn Độ, nước có khả năng "rửa sạch mọi dục vọng, hướng tới dạng thức cao thượng nhất, đó là lòng nhân từ."(1) Vì vậy, người dân Ấn Độ tin tưởng rằng sông Hằng là dòng sông linh thiêng, nước của nó có thể rửa sạch mọi tội lỗi của con người. Cho nên ai cũng mong ước được một lần tắm gội trên dòng sông Hằng. Tâm nguyện cuối cùng của họ là được chết bên bờ sông Hằng, hoả thiêu và rải tro cốt trên dòng sông ấy với hy vọng chấm dứt cuộc sống khổ đau của kiếp này và sẽ được đời sống tốt đẹp ở kiếp lai sinh. Đó là truyền thống tâm linh của người dân Ấn Độ. Tuy nhiên, đức Phật cho rằng truyền thống này không đúng với sự thật, Ngài không chấp nhận quan điểm nước sông Hằng hay nước của các con sông khác ở Ấn Độ có thể rửa sạch mọi tội lỗi của con người. Nước sông chỉ có thể rửa sạch những vết bẩn bên ngoài trên thân thể, còn những cấu uế trong tâm thì cần phải dùng các pháp lành như giữ gìn giới luật, tu tập trí tuệ để tịnh hóa thân tâm của mỗi người. Người nào muốn rửa sạch tội lỗi, bản thân phải biết thức tỉnh, ăn năn sám hối, bỏ ác làm lành mới có thể hóa giải tội nghiệp của mình. Quan điểm này cũng được đức Phật giải thích rõ với Phạm chí Thủy Tịnh trong kinh Trung A-hàm(2)
Thế nhưng, không thể phủ nhận tính chất thiêng liêng và sự gắn bó sâu sắc của sông Hằng đối với đời sống người dân Ấn Độ. Sông Hằng là một trong những con sông lớn của Ấn Độ, bắt nguồn từ dãy núi Himalaya, chảy về hướng Đông, qua Bangladesh rồi đổ vào vịnh Bengal, tên của con sông được đặt theo tên của vị nữ thần Hindu giáo là Gangā.
Vị trí địa lý đặc biệt của sông Hằng đã tạo ra những ảnh hưởng lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và đời sống của người dân Ấn Độ. Nó được xem là con sông “nắm giữ trái tim của Ấn Độ và thu hút hàng triệu người đến đôi bờ của nó từ buổi bình minh của lịch sử”.(3) Sông Hằng gắn liền với đời sống con người từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi, là nhân chứng của bao lần xã hội đổi thay với những thăng trầm của lịch sử. Vì vậy, trong các pháp thoại đức Phật thường lấy sông Hằng làm thí dụ. Chẳng hạn như khi diễn tả những thứ có số lượng nhiều không thể tính đếm được, đức Phật thường dùng hình ảnh cát sông Hằng để so sánh “nhiều như cát sông Hằng”. Tiêu biểu là trong Kinh Lăng-già, có 9 thí dụ liên quan đến đức Phật và ẩn dụ sông Hằng như:
- “Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai nhiều như số cát sông Hằng”.(4) Đức Phật vì hàng phàm phu ngoại đạo vọng tưởng chấp trước, nuôi dưỡng ác kiến, đọa nơi sinh tử vô cùng vô tận, muốn cho họ nhàm chán sinh tử luân hồi, siêng năng tinh tấn tu hành giải thoát, nên giả lập phương tiện mà nói với họ rằng “Chư Phật dễ thấy, chẳng như hoa Ưu Đàm Bát khó gặp”. Nếu nói chư Phật khó gặp, họ sẽ thối chí và không muốn tu tập nữa. Cho nên dùng phương tiện nói chư Phật ba đời rất nhiều như số cát sông Hằng. Đức Phật còn dạy rằng: “Những ai thấy chư Phật như cát sông Hằng, vốn bất hoại bất biến, thì những người ấy mới thật sự thấy được các đức Như Lai.”(5)
- “Thánh Trí của Như Lai như cát sông Hằng”(6) Cát sông Hằng dù cho tất cả các loài cá, loài ba ba, cho đến sư tử, voi, ngựa, người, thú dẫm đạp, cát ấy cũng chẳng khởi phân biệt, vọng tưởng, nó thường thanh tịnh không bị ô nhiễm. Cho nên nói Thánh Trí của Như Lai như cát sông Hằng.
- “Năng lực thần thông tự tại của Như Lai như cát sông Hằng”,(7) dù bị bọn cá ngoại đạo đến nhiễu loạn cũng không khởi niệm phân biệt. Vì đức Phật dùng tâm từ bi, bình đẳng giáo hóa chúng sinh, nên không khởi phân biệt thương ghét. Do đó, đức Phật nói năng lực thần thông của Phật vô ngại, tự tại, không ai có thể nhiễu hại được.
- “Pháp thân Như Lai như cát sông Hằng”.(8) Cát sông Hằng là tự tính của địa, khi hỏa kiếp đến thiêu hết tất cả địa đại mà địa đại chẳng xả tự tính. Vì địa đại với hỏa đại cùng sinh nơi tứ đại. Cát sông Hằng chẳng hoại, Pháp thân Như Lai cùng khắp hư không, cũng không bị hoại. Nên nói Pháp thân Như Lai không bao giờ hoại diệt như cát sông Hằng không bị thiêu hủy.
- “Ánh sáng (hào quang) của Như Lai như cát sông Hằng”.(9) Cát sông Hằng chẳng có hạn lượng, ánh sáng Như Lai cũng như thế, chẳng có hạn lượng, vì thành tựu cho chúng sinh nên chiếu khắp tất cả đại chúng trong cõi Phật. Vì vậy, đức Phật dùng hình ảnh cát sông Hằng để dụ cho hào quang của chư Phật chiếu sáng vô lượng.
- “Như Lai không sinh không diệt như cát sông Hằng”.(10) Cát sông Hằng ở luôn trong tự tính “cát”, không biến thành các vật khác. Như Lai cũng vậy, ở trong thế gian không sinh không diệt vì đã đoạn dứt nhân duyên sinh diệt.
- “Trí phương tiện của Phật như cát sông Hằng”.
Cát sông Hằng lấy đi hay thêm vào đều chẳng thấy tăng giảm. Trí huệ của Như Lai thành tựu cho chúng sinh chẳng thêm chẳng bớt, vì chẳng phải sắc thân. Sắc thân thì có hoại, mà Pháp thân của Như Lai chẳng phải sắc thân nên chẳng thể hoại. Cho nên nói Trí phương tiện của Phật không tăng không giảm như cát sông Hằng không thêm không bớt.
- “Đức Phật độ chúng sinh không bao giờ nổi sân nhuế như cát sông Hằng ép chẳng bao giờ ra dầu”.(12) Cát sông Hằng đem đi ép chẳng thể ra được dầu. Như Lai độ tất cả chúng sinh, chịu các khổ não bức bách, cũng không bao giờ nổi sân hận. Do Tam muội bản nguyện khởi tâm đại bi, chẳng xả pháp giới, nếu chúng sinh chưa chứng Niết Bàn thì đức Phật không nhập Niết-bàn, dù bức bách Như Lai đến mức nào cũng chẳng nổi sân hận. Do đó, nói đức Phật độ chúng sinh không bao giờ nổi sân như cát sông Hằng ép chẳng có dầu.
- “Pháp Phật hướng về Niết-bàn như cát sông Hằng”.(13) Cát sông Hằng trôi theo dòng nước, cát chẳng thể không có nước mà tự trôi được. Các pháp của Như Lai thuyết trôi theo dòng nước Niết Bàn cũng như thế, pháp chẳng thể lìa Niết Bàn mà tự ra, cũng giống như cát chẳng thể lìa nước mà tự trôi. Cho nên, nói Pháp Phật hướng về Niết-bàn như cát sông Hằng trôi theo dòng nước.
Tóm lại, sông nước là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca, đặc biệt là các triết gia. Nhà triết học Heraclit có một câu nói bất hủ về dòng sông rằng “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Nhìn dòng sông êm ả ngập tràn nước, ít ai nghĩ rằng “dòng sông hôm nay không phải là dòng sông hôm qua”. Các triết gia còn có cái nhìn đúng đắn về bản chất thực tại của dòng sông, huống gì là đức Phật. Ngài nhìn sông Hằng chảy về biển cả, không chỉ dừng lại ở bản chất vận động biến đổi của dòng sông, Ngài còn liên tưởng đến giáo pháp của Ngài luôn hướng về Niết-bàn, mọi người nỗ lực tu tập đều hướng về Niết- bàn: “Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Đông, hướng về phương Đông, xuôi về phương Đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ- kheo tu tập bốn chính cần, làm cho sung mãn bốn chính cần, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, bốn chính cần tu tập làm cho sung mãn như thế nào, lại thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.”(14) Như vậy, trong kinh Lăng-già, đức Phật thường dùng sông Hằng để diễn tả vô số chư Phật đồng thời còn dụ cho thần lực, hào quang và trí huệ của chư Phật vô lượng vô biên bất khả tư nghì.
Thích Nữ Huyền Minh NCS Tiến sĩ Phật học K.III - Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2023 ***CHÚ THÍCH: (1) Jean Chevalier Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng Văn hóa Thế giới, Phạm Vĩnh Cư dịch, NXB. Đà Nẵng, 1997, tr.548. (2) Kinh Trung A-hàm 2, Phẩm uế: Kinh Thủy Tịnh Phạm Chí, Thích Tuệ Sỹ dịch, NXB. Phương Đông, 2009, tr.145. (3) Lê Văn Toan – Nguyễn Thị Mai Liên đồng chủ biên, Ấn Độ đất nước xã hội văn hóa, NXB. Thông Tin & Truyền Thông, 2017, tr.17. (4) Kinh Đại thừa nhập Lăng-già, Thích Nữ Trí Hải dịch, bản pdf, 1997, tr.165. (5) Daisetz Teitaro Suzuki, Nghiên cứu kinh Lăng-già, Thích Chơn Thiện và Trần Tuấn Mẫn dịch, Ban giáo dục Tăng Ni ấn hành, 1992, tr.185. (6) Kinh Đại thừa nhập Lăng-già, Thích Nữ Trí Hải dịch, tr.166. (7) Kinh Đại thừa nhập Lăng-già, Thích Nữ Trí Hải dịch, tr.166. (8) Kinh Đại thừa nhập Lăng-già, Thích Nữ Trí Hải dịch, tr.166. (9) Kinh Đại thừa nhập Lăng-già, Thích Nữ Trí Hải dịch, tr.166. (10) Kinh Đại thừa nhập Lăng-già, Thích Nữ Trí Hải dịch, tr.166. (11) Kinh Đại thừa nhập Lăng-già, Thích Nữ Trí Hải dịch, tr.166. (12) Kinh Đại thừa nhập Lăng-già, Thích Nữ Trí Hải Dịch, tr.166. (13) ) Kinh Đại thừa nhập Lăng-già, Thích Nữ Trí Hải dịch, tr.166. (14) Kinh Tương Ưng Bộ, Phần 49, chương V, Tương Ưng Chánh Cần, Thích Minh Châu dịch, Đại Tạng Kinh VN, 1993, tr. 3961.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Daisetz Teitaro Suzuki, Nghiên cứu kinh Lăng-già, Thích Chơn Thiện và Trần Tuấn Mẫn dịch, Ban giáo dục Tăng Ni ấn hành, 1992. 2. Jean Chevalier Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng Văn hóa Thế giới, Phạm Vĩnh Cư dịch, NXB. Đà Nẵng, 1997. 3. Kinh Đại thừa nhập Lăng-già, Thích Nữ Trí Hải dịch, bản pdf, 1997. 4. Kinh Trung A-hàm 2, Phẩm uế: Kinh Thủy Tịnh Phạm Chí, Thích Tuệ Sỹ dịch, NXB. Phương Đông, 2009. 5. Lê Văn Toan – Nguyễn Thị Mai Liên đồng chủ biên, Ấn Độ đất nước xã hội văn hóa, NXB. Thông Tin & Truyền Thông, 2017.
Bình luận (0)