Tiếp theo: Những lời gốc Phật dạy - Tập 3 - Phần 4Đạo Phật là một tôn giáo tự giác, tự nguyện, nên bạn theo Phật giáo là vì toàn bộ khổ uẩn này đã được tìm ra và đã được đoạn trừ và không còn ý nghĩa ta bị chìm đắm trong những sự khổ đau của kiếp làm người: sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ ưu não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị vây quanh bởi đau khổ.
THẾ GIỚI QUAN CỦA PHẬT GIÁO
LỜI PHẬT DẠY “Này Bà La Môn, năm dục trưởng dưỡng này được gọi là thế giới trong luật của bậc Thánh”. |
CHÚ GIẢI:
Thế giới quan của Phật giáo là năm dục trưởng dưỡng. Vậy năm dục trưởng dưỡng là gì?
Năm dục trưởng dưỡng như trong kinh Tăng Chi Bộ tập 4 trang 184 dạy: “Các sắc do con mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... Các hương do mũi nhận thức... Các vị do lưỡi nhận thức... Các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn”. Thế giới quan của Phật giáo rất thực tế không có mơ hồ trừu tượng. Đó là một thế giới khổ đau, nếu muốn cho thế giới này hết khổ đau thì tu tập từ pháp ly dục ly ác pháp đến pháp Tam Minh thì cả thế giới này mới chấm dứt khổ đau.
Nói nghe đơn giản nhưng tu tập không đơn giản chút nào. Khi nhãn căn tiếp xúc nhãn trần sinh ra cảm thọ, từ cảm thọ sinh ra khả ái, khả lạc. Một thế giới quan hiện bày đầy đủ tính đau khổ. Muốn cho thế giới này không hiện bày thì người tu sĩ phải ngay nơi căn trần xúc chạm sinh ra thọ thì ngay nơi thọ lạc ta không bị lôi cuốn, nhưng khi thọ khổ thì ta đừng sợ hãi, dao động tâm. Chỉ nơi duyên thọ mà tâm ta bất động thì thế giới quan sẽ bị diệt. Thế giới quan sẽ bị diệt thì con đường đau khổ sẽ chấm dứt.
Nói đến: “Năm dục trưởng dưỡng này được gọi là thế giới trong luật của bậc Thánh”. Trong luật của bậc Thánh là 12 nhân duyên, nói đến 12 nhân duyên là nói đến thế giới quan của Phật giáo. Nói đến thế giới quan của Phật giáo là nói đến bậc Thánh Duyên Giác. Bậc Thánh Duyên Giác là người xông thẳng vào cửa THỌ giữ tâm bất động, THỌ LẠC không tham; THỌ KHỔ không sợ. Chỗ tâm bất động này phá vỡ các duyên khác như: ái, hữu, thủ, sanh, ưu, bi, sầu, khổ, bệnh, tử, chấm dứt. Từ đó, thế giới quan đau khổ của Phật giáo bị sụp đổ tan tành. Người ấy chứng Thánh quả Duyên Giác A La Hán đầy đủ Tam Minh, Lục Thông. Cho nên đức Phật gọi: “Năm dục trưởng dưỡng này được gọi là thế giới trong luật của bậc Thánh”.
TÁNH THẲNG THẮN
LỜI PHẬT DẠY “Thấy cái dở mà không dám chê là hèn kém, là nhút nhát, là dua nịnh. Thấy cái hay mà không dám khen là ganh tị, hẹp hòi, cao ngạo”. |
CHÚ GIẢI:
Phật dạy: “Thấy cái dở mà không dám chê là hèn kém, là nhút nhát, là dua nịnh”. Đúng vậy, khi chúng ta biết kinh sách nào Đại Thừa và Thiền Đông Độ là không phải giáo pháp của Phật, mà chính do các Tổ biên soạn theo giáo lý của Bà La Môn, với mục đích là dìm và diệt Phật giáo, mà không dám nói ra, lại còn tán dương, a dua, nịnh bợ theo, thì thật là hèn nhát, những người như vậy không xứng đáng là tín đồ Phật giáo. Người tín đồ Phật giáo phải gan dạ, phải thẳng thắn dám ăn, dám nói, chỉ thẳng những cái sai, cái không phải của Phật giáo. Dựng lại những gì của Phật giáo đang bị ném bỏ. Đừng có a dua theo kinh sách Đại Thừa mà trở thành kẻ hèn nhát các bạn ạ!?
Người có trí mà không thấy cái sai trong kinh sách phát triển Đại Thừa và Thiền Đông Độ thì đâu được gọi là người có trí. Như Phật dạy: “Mình ngu mà biết mình ngu là mình có trí, mình ngu mà không biết mình ngu là mình chí ngu”. Cho nên, mình là những tu sĩ và cư sĩ của Phật giáo mà không thấy cái sai của kinh sách phát triển Đại Thừa thì không thể gọi mình là người có trí. Bởi vì kinh sách phát triển Đại Thừa có rất nhiều cái sai, chứ đâu phải có một hoặc hai. Chắc các bạn đều thấy biết rất rõ, nhưng các bạn quá sợ hãi trước cái khối lực lượng Đại Thừa quá đông đảo. Trước một thế lực đông đảo như Đại Thừa hiện nay, mà dám nói thẳng cái sai của giáo pháp Đại Thừa là một người tốt, nói để sửa sai chứ không phải nói xấu mà sợ. Phải không các bạn?
Ví dụ: Một Quan Gián Nghị Đại Phu dám can ngăn nhà vua, là vì lợi ích hạnh phúc cho toàn dân, cho đất nước đó. Một tu sĩ Phật giáo hay một cư sĩ Phật giáo dám nói cái sai của kinh sách Đại Thừa là vì lợi ích cho Tăng, Ni và tín đồ Phật giáo. Người như vậy mới là người có trí tuệ, người có lòng thương yêu rộng lớn đối với đạo cũng như đời.
Phật dạy: “Thấy cái hay mà không dám khen là ganh tị, hẹp hòi, cao ngạo”. Đúng vậy, là tu sĩ Đại Thừa thấy cái đúng của Phật giáo Nguyên Thủy mà không dám khen, là ganh tị, hẹp hòi, là cố chấp, kiến chấp, là không thấy xa, hiểu rộng. Làm con người thì phải có trí tuệ thông minh, phải nhận biết đâu đúng, đâu sai, chứ đâu phải là người đui, người điếc.
Thấy người khác hay hơn mình, biết rất rõ mà không dám khen đó là do lòng ganh tị, hẹp hòi, cao ngạo; người như vậy là người xấu, người không đáng cho ta kính trọng.
Tóm lại, hai câu trên đây, chúng ta phải hằng ghi nhớ trong lòng, để mình không trở thành người hèn kém, nhút nhát, lúc nào cũng là người dám ăn, dám nói thẳng một sự thật.
KHÔNG THỂ CỨU ĐỘ
LỜI PHẬT DẠY “Không thể rửa nghiệp đen, Của kẻ ác gây tội. Đối kẻ sống thanh tịnh, Ngày nào cũng ngày tốt. Với kẻ sống thanh tịnh Ngày nào cũng ngày lành”. (Kinh Trung bộ tập 1 trang 93). |
CHÚ GIẢI:
Bài kệ trên đây xác định Đạo Phật không cứu khổ cho ai được, nên hai câu kệ đầu Phật dạy: “Không thể rửa nghiệp đen, của kẻ ác gây tội”.
Vì thế đức Phật khuyên rằng: “hằng ngày nên ngăn ngừa các ác pháp, luôn sống trong thiện pháp thì ngày nào cũng là ngày tốt, ngày nào cũng là ngày lành”, không cần cầu ai cứu khổ mình cả. Có đúng vậy không các bạn?
Người theo Phật giáo mà cầu an, cầu siêu là người đã đi sai lời dạy của đức Phật. Phật không cứu khổ cho ai được chỉ có mình tự cứu mình. “Các con tự thắp đuốc lên mà đi, Ta chỉ là người hướng dẫn đường mà thôi”. Lời dạy này không khác bài kệ trên đây.
Tóm lại, Đạo Phật là một tôn giáo dạy mỗi người phải tự cứu mình bằng cách sống trong thiện pháp, thì đó là tự mình xây dựng cho mình cuộc sống Thiên Đàng, Cực Lạc. Phải mạnh dạn đứng trên đôi chân của mình, đừng cầu cạnh Thần, Thánh, Trời, Phật, quỉ ma vô ích.
Chúng ta nên học thuộc lòng những câu kệ này để luôn luôn tác ý, luôn luôn nhớ những lời dạy này đừng quên các bạn ạ! Vì nó là hạnh phúc của các bạn. Vì nó là con đường thoát khổ của các bạn. Các bạn tiến lên đừng chùng bước trước những gian nan thử thách, trước những sự khó khăn vô cùng mà người tu sĩ phải gặp đừng sợ hãi, có Phật và có Thầy đang ở bên các bạn. Khi gặp những điều gì khó khăn các bạn không vượt qua được, thì các bạn hãy gọi tên Thầy và giữ gìn tâm thanh thản, đừng sợ hãi đừng dao động tâm, các bạn sẽ vượt qua được những đoạn đường khó khăn gian hiểm đó.
KẾT QUẢ CỦA LY DỤC LY ÁC PHÁP
LỜI PHẬT DẠY 1- “Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái, tâm được định tỉnh mới ly dục ly ác pháp. 2- Với tâm định tỉnh thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản”. |
CHÚ GIẢI:
Lời dạy trên đây, chúng ta nên chú ý câu một “Quán tự thân đã xả ly”. Vậy quán tự thân xả ly là gì? Quán tự thân xả ly tức là tu tập Tứ Niệm Xứ. Khi nào tu tập Tứ Niệm Xứ mà xả ly các chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm, pháp, thì lúc bấy giờ tâm mới đạt được trạng thái định tỉnh thì đây mới chính là tâm ly dục ly ác pháp hoàn toàn.
Đoạn kinh này xác định cho chúng ta thấy pháp môn Tứ Niệm Xứ là pháp môn tu tập để tâm ly dục ly ác pháp và đạt được trạng thái “Định tỉnh”. Trạng thái định tỉnh là một bí pháp để khởi đầu nhập các định và thực hiện Tam Minh.
Ở đây các bạn nên nhớ Tâm định tỉnh này do ly dục ly ác pháp, chứ không phải do ngồi ức chế tâm cho hết vọng tưởng như Đại Thừa, Thiền Đông Độ và Thiền Minh Sát Tuệ, v.v..
Câu hai Phật dạy: “Với tâm định tỉnh thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản”.
Khi tu tập Tứ Niệm Xứ được sung mãn thì tâm chúng ta đạt được định tỉnh. Khi đạt được định tỉnh thì tâm chúng ta có những kết quả mà câu hai đức Phật đã xác định rất rõ ràng: “Với tâm định tỉnh”, thì phải có thuần tịnh, tâm không còn cấu nhiễm, không còn phiền não, lúc nào cũng nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc và bình thản.
Ở đây các bạn cần lưu ý: phải tu tập Tứ Niệm Xứ được viên mãn thì tâm chúng ta mới đạt được những kết quả như Phật đã dạy trên.
Thưa các bạn! Các bạn đã từng nghe chúng tôi dạy về Tứ Niệm Xứ chưa?
Tứ Niệm Xứ có ba giai đoạn tu tập:
1- Tu tập Tứ Chánh Cần trên Tứ Niệm Xứ. Đó là giai đoạn đầu.
2- Tu tập Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ. Đó là giai đoạn thứ hai.
3- Tu tập Thân Hành Niệm trên Tứ Niệm Xứ. Đó là giai đoạn thứ ba.
Khi tu tập ba giai đoạn này thì mới sung mãn Tứ Niệm Xứ. Sung mãn Tứ Niệm Xứ thì có bảy năng lực Giác Chi xuất hiện. Bảy năng lực Giác Chi xuất hiện tức là “tâm định tỉnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản”.
Trên đây là kết quả, của pháp môn Tứ Niệm Xứ, chúng ta hãy nỗ lực tu tập, nhất là ghi nhớ tâm ĐỊNH TỈNH.
Tâm ĐỊNH TỈNH là năng lực để nhập Bốn Thiền và thực hiện Tam Minh. Nhưng phải hiểu ĐỊNH TỈNH là một trạng thái như thế nào? Nếu không nhận sai không đúng mà chỉ nhận trạng thái không niệm của thiền Đông Độ và Đại Thừa thì nguy hiểm cho đường tu tập.
Trạng thái ĐỊNH TỈNH là trạng thái BẤT ĐỘNG TÂM trước các pháp và các cảm thọ, chớ không phải không niệm suông, các bạn nên lưu ý. Chính nó là TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT.
TỨ NIỆM XỨ
LỜI PHẬT DẠY “1/ Này các Tỳ Kheo, có năm pháp làm suy yếu sự tu tập. Thế nào là năm? Sát sanh, trộm cắp, dâm dục, nói láo, uống rượu. Này các Tỳ Kheo để đoạn tận năm pháp này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập. 2/ Này các Tỳ Kheo có năm triền cái. Thế nào là năm? Dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thùy miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái. Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm triền cái này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập. 3/ Này các Tỳ Kheo có năm dục trưởng dưỡng. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả ý, khả ái liên hệ đến dục, hấp dẫn. Thinh do tai… Hương do mũi… Vị do lưỡi... Xúc do thân... Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm dục trưởng dưỡng này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập. 4/ Này các Tỳ Kheo có năm thủ uẩn. Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm thủ uẩn này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập. 5/ Này các Tỳ Kheo có năm hạ phần kiết sử. Thế nào là năm? Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm hạ phần kiết sử này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập. 6/ Này các Tỳ Kheo có năm sanh thú. Thế nào là năm? Địa ngục, loài bàng sanh, ngạ quỷ, Người, Trời. Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm sanh thú này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập 7/ Này các Tỳ Kheo có năm xan tham. Thế nào là năm? Xan tham trụ xứ, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham dung sắc, xan tham pháp. Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm xan tham này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập. 8/ Này các Tỳ Kheo có năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm? Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm thượng phần kiết sử này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập. 9/ Này các Tỳ Kheo có năm tâm hoang vu. Thế nào là năm? Này các Tỳ Kheo, ở đây vị Tỳ kheo nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không tịnh tín đối với bậc Đạo Sư. Này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo nào nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không tịnh tín đối với bậc Đạo Sư, Tỳ Kheo ấy không hướng về sự nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Khi tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn, như vậy gọi là tâm hoang vu thứ nhất. Này các vị Tỳ Kheo, lại nữa, vị Tỳ Kheo nghi ngờ đối với pháp… (như trên…) đối với Tăng… (như trên… ) đối với Học Pháp… (như trên… ) tức giận đối với các vị đồng Phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao động, trở thành hoang vu. Này Tỳ Kheo, khi một vị Tỳ Kheo phẫn nộ đối với các vị đồng Phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao động trở thành hoang vu, Tỳ Kheo ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Như vậy gọi là tâm hoang vu thứ năm. Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm tâm hoang vu này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập. (Tăng Chi Bộ Kinh tập 4 trang 225 – 230) |
CHÚ GIẢI:
DIỆT NĂM ĐIỀU ÁC
Trên đường tu tập có năm pháp làm cho chúng ta tu tập rất khó khăn, không thể tu tập được. Như các bạn đã biết muốn tu tập để được giải thoát thì phải ly dục và ác pháp, cho nên năm pháp này là pháp cản đường cản lối, khiến cho chúng ta không thực hiện được. Các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, có năm pháp làm suy yếu sự tu tập. Thế nào là năm? Sát sanh, trộm cắp, dâm dục, nói láo, uống rượu”.
Năm pháp làm suy yếu sự tu tập là năm giới của người Sa Di. Như vậy các bạn thấy rất rõ, nếu giới luật không nghiêm chỉnh thì các bạn không bao giờ tu tập ly dục ly ác pháp được. Năm pháp này gồm có như sau:
1- Giết hại chúng sanh, ăn thịt chúng sanh, đó là một pháp cực ác.
2- Tham lam trộm cắp, cướp của, lấy của không cho, đó là một pháp cực ác.
3- Dâm dục là một pháp dục đệ nhất.
4- Nói vọng ngữ là một pháp cực ác không có pháp ác nào không làm.
5- Uống rượu là một pháp cực ác, nó hại người uống rượu không còn trí thông minh, từ đó không có một pháp ác nào mà người uống rượu không làm.
Như trên đức Phật đã dạy. Năm giới này muốn được giữ gìn trọn vẹn nghiêm chỉnh không hề vi phạm thì chúng ta phải tu tập Tứ Niệm Xứ trong giai đoạn đầu tức là tu tập Tứ Chánh Cần, Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu, Định Sáng Suốt và Định Chánh Niệm Tỉnh Giác. Nên kinh dạy: “Này các Tỳ Kheo để đoạn tận năm pháp này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập”.
Theo như lời đức Phật dạy muốn giữ gìn năm giới nghiêm chỉnh từ thân, miệng, ý của mình thì phải tu tập Tứ Niệm Xứ như trên đã nói. Đọc đến bài kinh này chúng ta mới thấy kinh Tứ Niệm Xứ rất quan trọng cho việc giữ gìn giới luật. Từ lâu người ta nghĩ rằng, chỉ học giới rồi giữ giới, chứ đâu ngờ muốn giữ giới luật nghiêm chỉnh thì phải tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ. Đúng là pháp môn Tứ Niệm Xứ tuyệt vời.
NGŨ TRIỀN CÁI
Năm triền cái là năm cái màn ngăn che làm cho các bạn không thấy được tâm mình tham, sân, si, mạn, nghi. Vì thế, khi đứng trước ác pháp các bạn mới thấy tâm tham, sân, si… hiện rõ. Vậy chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo có năm triền cái. Thế nào là năm?
1- Dục tham triền cái; 2- Sân triền cái; 3- Hôn trầm, thùy miên triền cái; 4- Trạo hối triền cái; 5- Nghi triền cái”.
+ Dục tham triền cái: là cái màn ngăn che lòng tham muốn, khiến cho ta không thấy, nhưng nó vẫn còn nguyên.
+ Sân triền cái: là cái màn ngăn che lòng sân giận, khiến cho ta không thấy, nhưng lòng sân giận vẫn còn y nguyên.
+ Hôn trầm, thùy miên triền cái: là cái màn ngăn che hôn trầm, thùy miên khiến cho ta không thấy, nhưng hôn trầm, thuỳ miên vẫn còn y nguyên.
+ Trạo hối triền cái: là cái màn ngăn che trạo hối khiến cho ta không thấy, nhưng trạo hối vẫn còn y nguyên.
+ Nghi triền cái: là cái màn ngăn che nghi khiến cho ta không thấy, nhưng nghi vẫn còn y nguyên.
Năm triền cái này là năm pháp ngăn che làm cho tâm chúng ta không thanh tịnh, tức là không ly dục ly ác pháp hoàn toàn. Do đó, nội tâm ta không đủ nội lực Tứ Như Ý Túc để thực hiện Bốn Thiền và Tam Minh.
Muốn đoạn tận năm triền cái này thì chúng ta hãy tu tập Tứ Niệm Xứ, chỉ có pháp môn Tứ Niệm Xứ mới đoạn tận năm triền cái. Vậy chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm triền cái này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập”.
NĂM DỤC TRƯỞNG DƯỠNG
Muốn tu tập năm dục trưởng dưỡng thì phải hiểu rõ năm dục trưởng dưỡng. Vậy năm dục trưởng dưỡng là gì?
Năm dục trưởng dưỡng là năm thứ nuôi lớn lòng dục. Năm thứ nuôi lớn lòng dục gồm có:
1- Mắt thấy sắc sinh ra dục (ưa thích), càng thấy sinh ra dục càng nhiều nên gọi là trưởng dưỡng.
2- Tai nghe âm thanh sinh ra dục (ưa thích), càng nghe sinh ra dục càng nhiều nên gọi là trưởng dưỡng.
3- Mũi ngửi mùi hương sinh ra dục (ưa thích), càng ngửi mùi hương sinh ra dục càng nhiều nên gọi là trưởng dưỡng.
4- Lưỡi nếm mùi vị sinh ra dục (ưa thích), càng nếm mùi vị sinh ra dục càng nhiều nên gọi là trưởng dưỡng.
5- Thân xúc chạm êm ái sinh ra dục (ưa thích), càng xúc chạm êm ái sinh ra dục càng nhiều nên gọi là trưởng dưỡng.
Người ở đời không biết nên lúc nào cũng trưởng dưỡng năm thứ dục này. Vì thế, sự khổ đau càng chồng chất cho đến khi chết tiếp tục tái sanh càng lớn mạnh hơn nhiều, do đó đời nào cũng khổ và khổ mãi không bao giờ dứt.
Năm dục trưởng dưỡng này chỉ có pháp môn Tứ Niệm Xứ thì mới đoạn diệt, ngoài Tứ Niệm Xứ thì không có pháp diệt nó được. Vậy, chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo có năm dục trưởng dưỡng. Thế nào là năm?
Các sắc do mắt nhận thức, sinh ra khả lạc, khả hỷ, khả ái liên hệ đến dục, hấp dẫn. Thinh do tai… Hương do mũi… Vị do lưỡi… Xúc do thân…
Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm dục trưởng dưỡng này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập”. Đức Phật đã xác định cho các bạn biết pháp nào diệt năm dục trưởng dưỡng rõ ràng. Khi biết rõ như vậy các bạn sẽ không lầm lạc pháp môn giả hiệu. Phải không các bạn?
NĂM THỦ UẨN
Mỗi thân người gồm có đầy đủ năm thủ uẩn. Vậy năm thủ uẩn là gì?
Năm thủ uẩn là năm duyên hợp lại tạo thành thân người:
1- Sắc thủ uẩn: là phần hữu hình của thân ngũ uẩn, nó gồm có bốn đại: đất, nước, gió, lửa. Thân tứ đại sử dụng sáu căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý và sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức tiếp xúc với sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.
2- Thọ uẩn: là phần vô hình của thân ngũ uẩn. Thọ uẩn có ba thọ: thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ. Có ba thức sử dụng thọ này: sắc thức, tưởng thức, thức thức. Thọ là cảm giác nhạn ra: an lạc, mừng vui, đau khổ, phiền não, tức giận v.v..
3- Tưởng uẩn: là phần vô hình của thân ngũ uẩn. Tưởng uẩn hoạt động mà người đời và tất cả tôn giáo đều hiểu lầm lạc, cho sự hoạt động của tưởng là thế giới siêu hình. Chiêm bao cũng là một dạng tưởng uẩn hoạt động, nhưng nó thuộc về ý thức tưởng.
4- Hành uẩn: là phần vô hình của thân ngũ uẩn. Hành uẩn là những hành động của sắc uẩn, tưởng uẩn, thức uẩn. Nếu thân ngũ uẩn không có hành uẩn là không thành thân ngũ uẩn là thành một vật bất động vô tri, vô giác.
5- Thức uẩn: là phần vô hình của thân ngũ uẩn. Thức uẩn là phần hoạt động siêu không gian và thời gian. Nó thuộc về trí tuệ Tam Minh, Lục Thông của những người đã tu chứng quả A La Hán, còn người tu chưa chứng quả A La Hán thì không bao giờ sử dụng được nó. Thức uẩn đối với mọi người bình thường thì nó đang bất động không hề hoạt động một chút nào cả. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo có năm thủ uẩn. Thế nào là năm?
Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn”. Trên đường tu tập theo Phật giáo thì năm thủ uẩn này cần phải đoạn diệt. Muốn đoạn diệt được năm thủ uẩn này thì chỉ có pháp môn Tứ Niệm Xứ. Vì thế đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm thủ uẩn này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập”.
NĂM HẠ PHẦN KIẾT SỬ
Năm hạ phần kiết sử là năm sợi dây trói buộc của phần thấp. Vậy năm sợi dây trói buộc của phần thấp nghĩa là gì?
Năm sợi dây trói buộc của phần thấp nghĩa là năm sợi dây trói buộc của dục giới. Năm sợi dây trói buộc của dục giới gồm có:
1- Tham kiết sử: Phiền não của tham dục tức là do lòng tham muốn không đạt được sinh phiền não.
2- Sân kiết sử: Phiền não của giận dữ tức là giận dữ do lòng tham muốn không đạt được sinh ra phiền não.
3- Thân kiến kiết sử: Phiền não của ngã kiến tức là do chấp ngã mà sinh ra phiền não.
4- Giới cấm thủ kiết sử: Phiền não do giới cấm phi lý của ngoại đạo (ngồi thiền chân đau tê không xả ra), tu đứng, tu ngồi, tu hạnh con bò, tu hạnh con chó, v.v..
5- Nghi kiết sử: Phiền não do lòng nghi hoặc tức là thấy ai nói hay làm một hành động nào đó rồi cho họ nói xấu mình.
Muốn diệt trừ năm hạ phần kiết sử này thì chỉ có tu hành theo pháp môn Tứ Niệm Xứ. Vậy chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo có năm hạ phần kiết sử. Thế nào là năm?
Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân.
Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm hạ phần kiết sử này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập”.
CÓ NĂM TRẠNG THÁI CỦA TÂM
Năm trạng thái của tâm để xác định người ác người thiện gồm có:
1- Địa ngục: Một trạng thái đau khổ như đang cơn bạo bệnh.
2- Loài bàng sanh: Một trạng thái giống như loài bàng sanh.
3- Ngạ quỉ: Một trạng thái đau khổ đang bị đói.
4- Người: Một trạng thái giữ gìn năm giới được trọn vẹn.
5- Trời: Một trạng thái giữ gìn 10 điều thiện được trọn vẹn.
Muốn tu tập để thoát ra những trạng thái đau khổ và chấm dứt tái sanh luân hồi thì chỉ có tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo có năm sanh thú. Thế nào là năm?
Địa ngục, loài bàng sanh, ngạ quỷ, người, Trời.
Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm sanh thú này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập’’.
NĂM XAN THAM
Đời người có một tính xấu xa nhất, đó là tính keo kiệt. Tính keo kiệt gồm có năm:
1- Xan tham trụ xứ: Tâm dính mắc nơi mình ở, không rời bỏ được, nếu ai xâm phạm đến đất đai, nhà cửa chỗ ở là các bạn sẽ ăn thua đủ với họ. Tình trạng kiện thưa đất đai. Ở trên đất người khác mà muốn chiếm luôn, tranh chấp từng tấc đất theo ranh giới, tính keo kiệt về đất đai nơi mình ở. Đó là xan tham trụ xứ.
2- Xan tham gia đình: Tâm dính mắc gia đình, không rời bỏ được gia đình, nếu có sự rời bỏ gia đình là buồn khổ và đau đớn.
Có nhiều người muốn đi tu vì biết đời là khổ, nhưng không rời bỏ gia đình được, luôn luôn viện cớ bằng cách này, bằng cách khác, đó cũng chính là xan tham gia đình. Người quyết tâm đi tu rời bỏ gia đình là người không xan tham gia đình, là người đầy đủ nghị lực, kiên cường và có tính cương quyết, nên mới xả được tâm xan tham.
3- Xan tham lợi dưỡng: Tính ưa ăn ngon mặc đẹp, muốn cho mình sống đầy đủ phủ phê, sung sướng bằng của đàn na thí chủ không phải bỏ sức lao động.
4- Xan tham dung sắc: Tích ưa thích sắc đẹp. Ưa thích sắc đẹp là ưa thích sắc dục, ưa thích tính sắc dục là thân tâm cấu uế, bất tịnh, thân tâm không thanh tịnh.
5- Xan tham pháp: Thấy mọi vật gì cũng sinh tâm ham thích: nhà, cửa, ruộng vườn, đất đai, thú vật, vàng bạc, của báu, xe cộ, đồ đạc, v.v..
Làm một con người mà có đủ năm thứ xan tham này thì cuộc đời rất là đau khổ. Cho nên, muốn thoát khổ không gì hơn là phải đoạn trừ năm xan tham này. Muốn đoạn trừ năm xan tham này thì phải tu tập Tứ Niệm Xứ, ngoài Tứ Niệm Xứ ra thì không có pháp nào diệt trừ được. Chúng ta hãy lắng đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo có năm xan tham. Thế nào là năm?
Xan tham trụ xứ, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham dung sắc, xan tham pháp.
Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm xan tham này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập”.
NĂM THƯỢNG PHẦN KIẾT SỬ
Trong cuộc đời tu hành để tìm cầu sự giải thoát thì năm sợi dây trói buộc phải được bứt sạch. Trước khi muốn bứt sạch năm sợi dây trói buộc này thì phải hiểu nghĩa. Vậy nghĩa của nó là gì?
Năm Thượng Phần Kiết Sử nghĩa là năm sợi dây trói buộc về trạng thái có hình sắc (sắc giới) và trạng thái không hình sắc (vô sắc giới). Năm Thượng Phần Kiết Sử gồm có:
1- Sắc ái: Những vật chất có hình ảnh làm cho chúng ta ưa thích như nhà lầu xe hơi, chùa to Phật lớn, tivi, tủ lạnh, vi tính, v.v..
2- Vô sắc ái: Những vật không hình sắc như các cảm thọ: thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ thường sinh ra ưa thích và không ưa thích; như các hành: Thân hành, khẩu hành, ý hành làm cho chúng ta ưa thích.
3- Mạn: Nói đủ là ngã mạn. Ngã mạn là tính kiêu căng tự đắc xem trời đất không ai bằng mình.
4- Trạo cử: Những phiền não khiến tâm bất an, đó là về tâm. Còn trạo cử về thân thì thân đau nhức chỗ này, chỗ kia hoặc mỏi mệt bất an, lăn qua lộn lại, thân nhút nhít, động đậy không lúc nào yên.
5- Vô minh: Trạng thái hôn trầm, thuỳ miên, vô ký khiến cho thân lười biếng, muốn đi nằm, đi ngủ, nói chung là trạng thái tham ăn tham ngủ, không tinh tấn siêng năng tu tập.
Năm Thượng Phần Kiết Sử trên đây muốn đoạn diệt nó thì duy nhất phải có pháp môn Tứ Niệm Xứ, ngoài pháp môn Tứ Niệm Xứ thì không có pháp nào diệt nó được. Các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, có năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm?
Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm thượng phần kiết sử này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập”.
NĂM TÂM HOANG VU
Có năm tâm hoang vu. Vậy năm tâm hoang vu nghĩa là gì?
Tâm hoang vu tức là tâm rừng rú. Tại sao con người lại có tâm rừng rú?
Tâm rừng rú là tâm chưa được huấn luyện. Tâm chưa được huấn luyện là tâm giống như con dã thú. Tâm chưa được huấn luyện là tâm chưa được tu tập Tứ Niệm Xứ. Tâm rừng rú chỉ có năm:
+ Tâm hoang vu thứ nhất, chúng ta hãy lắng đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo có năm tâm hoang vu. Thế nào là năm?
Này các Tỳ Kheo, ở đây vị Tỳ kheo nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không tịnh tín đối với bậc Đạo Sư. Này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo nào nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không tịnh tín đối với bậc Đạo Sư, Tỳ Kheo ấy không hướng về sự nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Khi tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn, như vậy gọi là tâm hoang vu thứ nhất”. (Tăng Chi Bộ Kinh tập 4 trang 225 – 230). Các bạn có nghe lời dạy này của đức Phật không?
Nếu các bạn về tu viện Chơn Như mà các bạn không tin Thầy, không tin lời dạy của Thầy, không tu tập đúng như lời dạy của Thầy, sống phạm giới, phá giới, đó là tâm rừng rú của các bạn. Tâm đó là tâm không thể huấn luyện được, tâm đó là tâm bỏ đi, tâm đó là tâm không dùng được.
+ Tâm hoang vu thứ hai, các bạn hãy lắng đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, lại nữa, vị Tỳ Kheo nghi ngờ đối với Pháp. Này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo nào nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không tịnh tín đối với Pháp, Tỳ Kheo ấy không hướng về sự nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Khi tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn, như vậy gọi là tâm hoang vu thứ hai”. (Tăng Chi Bộ Kinh tập 4 trang 225 – 230).
Đối với pháp tu các bạn phải nghiên cứu cho thật kỹ, nếu pháp nào đúng là pháp của Phật dạy thì các bạn hãy đặt trọn lòng tin và thực hiện cho bằng được, phải giữ gìn giới luật cho nghiêm chỉnh, phải tu tập cho đúng lời dạy của Thầy. Còn ngược lại là tâm rừng rú của các bạn, các bạn không nên dùng những loại tâm đó mà đi theo con đường chánh pháp của đức Phật được. Vì pháp của Phật là đạo đức nhân bản – nhân quả làm người. Nếu các bạn không tin thì các bạn sẽ sống vô đạo đức, sẽ làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Pháp của Phật dễ nhận ra lắm các bạn ạ! Vì không tu thì thôi mà hễ có tu là có giải thoát ngay liền.
+ Tâm hoang vu thứ ba, các bạn hãy lắng đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, lại nữa, vị Tỳ Kheo nghi ngờ đối với Tăng, Này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo nào nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không tịnh tín đối với Tăng, Tỳ Kheo ấy không hướng về sự nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Khi tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn, như vậy gọi là tâm hoang vu thứ ba”. (Tăng Chi Bộ Kinh tập 4 trang 225 – 230).
Tăng là những người còn đang sống hiện tiền. Họ sống như Phật, ăn như Phật, làm như Phật, đi như Phật, v.v.. Cho nên, Tăng là gương hạnh sống động nhất cho cuộc đời tu hành của các bạn. Họ là giới luật sống mà hằng ngày các bạn gặp. Họ là những cuốn tự điển sống để các bạn tra cứu các pháp hành không bao giờ sai, vậy mà các bạn nghi ngờ là nghi ngờ làm sao?
+ Tâm hoang vu thứ tư, các bạn hãy lắng đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, lại nữa, vị Tỳ Kheo nghi ngờ đối với Học Pháp. Này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo nào nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không tịnh tín đối với Học Pháp, Tỳ Kheo ấy không hướng về sự nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Khi tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn, như vậy gọi là tâm hoang vu thứ tư”. (Tăng Chi Bộ Kinh tập 4 trang 225 – 230)
Học Pháp tức là học và tu tập giới luật và 37 phẩm trợ đạo, nếu các bạn học và tu tập Học Pháp mà không tinh cần thì làm sao các bạn hiểu biết cho rõ ràng và làm sao cho thuần thục và nghiêm trì, nếu các bạn học và tu tập một cách lơ là, cho có hình thức thì đó là tâm rừng rú của các bạn? Tâm đó đối với Học Pháp chẳng có lợi ích gì cả. Muốn xả bỏ tâm rừng rú đó thì các bạn phải tinh tấn siêng năng tu tập Tứ niệm Xứ như đã dạy ở trên.
+ Tâm hoang vu thứ năm, các bạn hãy lắng đức Phật dạy: “Này Tỳ Kheo, khi một vị Tỳ Kheo phẫn nộ đối với các vị đồng Phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao động trở thành hoang vu, Tỳ Kheo ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Như vậy gọi là tâm hoang vu thứ năm.
Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm tâm hoang vu này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập”. (Tăng Chi Bộ Kinh tập 4 trang 225 – 230)
Một vị Tăng mà còn phẫn nộ thì đó là tâm rừng rú các bạn cần phải dẹp bỏ, cần phải xa lìa, cần phải đoạn trừ muốn được vậy thì các bạn phải y theo lời Phật dạy hãy siêng năng tu tập Tứ Niệm Xứ.
Đoạn kinh trên đây đã xác định pháp môn Tứ Niệm Xứ có tầm quan trọng nhất trong sự tu tập ly dục ly ác pháp. Nhất là năm tâm hoang vu mà bài kinh này chỉ rất rõ. Bạn về đây tu tập là tin ai? Có phải tin ở Thầy chăng? Hay về đây để tu thử? Các bạn trả lời đi?
Khi về đây tu hành bạn còn nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín đối với bậc Đạo Sư, đối với pháp của Thầy dạy, đối với chúng ở đây thường đi nói chuyện với họ, tức là thiếu tâm cung kính chúng, không ôm pháp chặt như ôm phao qua biển, tức giận các vị đồng tu, khi không được nói chuyện với họ được. Đó là những tâm hoang vu khiến cho bạn tu hành bỏ cuộc. Bạn đã bỏ tu viện Chơn Như ra đi để tìm con đường giải thoát khác, nhưng đến giờ này đã 10 năm, 20 năm rồi, bạn đã làm chủ thân tâm được những gì chưa? Hay chỉ biết nói lừa đảo người mà thôi. Có bạn đã rời khỏi tu viện Chơn Như để học tập có bằng Tiến sĩ Phật học. Đó là bạn học để nói láo, có ích lợi gì cho bạn? Nhưng điều quyết chắc là bạn cũng vẫn còn trôi lăn trong biển sanh tử luân hồi, chỉ có đạt được danh, lợi dẫy đầy, chùa to, Phật lớn, xe cộ nhiều, máy móc, phòng ốc sang trọng như một nhà giàu tỉ phú không hơn không kém.
Tâm hoang vu của bạn đã hướng dẫn bạn về rừng rú âm u ngu si.
TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT
LỜI PHẬT DẠY “Này các Tỳ Kheo, phàm có những thiện pháp nào, tất cả những pháp ấy lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ, không phóng dật là tối thượng trong các pháp ấy”. |
CHÚ GIẢI:
Một lần nữa đức Phật nói về tâm không phóng dật. Xin các bạn lưu ý: Muốn tâm không phóng dật thì các bạn phải phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Vậy pháp phòng hộ sáu căn là pháp nào?
- Thứ nhất là pháp độc cư.
- Thứ hai là pháp Tứ Chánh Cần.
- Thứ ba là pháp Tứ Niệm Xứ.
- Thứ tư là pháp Thân Hành Niệm.
Biết rõ tâm không phóng dật là pháp tối thượng trong các pháp thiện. Vậy thì muốn ly dục ly ác pháp thì chúng ta phải bằng mọi cách giữ gìn tâm không phóng dật. Phải không các bạn? Bằng mọi cách phải giữ tâm không phóng dật tức là phải biết lấy pháp làm hòn đảo, làm chỗ nương tựa vững chắc cho ta thì tâm sẽ không phóng dật. Cho nên, đức Phật thường nhắc nhở chúng ta: “Hãy lấy giới luật và giáo pháp Ta làm Thầy, làm hòn đảo, làm chỗ nương tựa vững chắc…”. Chính vì chỗ tâm không phóng dật là thiện pháp tối thượng, là sự chuyển hóa nhân quả, là đạo đức không làm khổ mình khổ người, là mục đích tâm bất động của Phật giáo, là Niết Bàn tại thế gian, là tâm thanh thản an lạc và vô sự, là bất động tâm định, là ly dục ly ác pháp...
Cho nên, người tu hành theo Đạo Phật thì phải lấy tâm không phóng dật làm pháp môn tối thượng. Vậy, trên bước đường tu theo Phật giáo thì chúng ta phải khắc ghi trong lòng lời dạy này: “lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ, không phóng dật là tối thượng trong các pháp thiện ấy”.
PHÁP VI DIỆU
LỜI PHẬT DẠY
“Này các Tỳ Kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu chỉ người có trí mới hiểu thấu, còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái dục, ham thích ái dục, khó mà thấy được định lý, sự kiện này thật khó thấy. Tức là sự tịnh chỉ tất cả các hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham đoạn diệt, Niết Bàn”. |
CHÚ GIẢI:
Những lời dạy trên đây, đức Phật đã xác định một cách quả quyết rằng pháp môn của mình đã tìm ra và đã tu chứng là “sâu kín, mầu nhiệm, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận và vi diệu”. Nếu ai đã tu tập đúng những pháp môn “Giới, Định, Tuệ” thì lời ca ngợi này là một sự thật, không có một chút gì dối người.
Khi tu tập xong, chúng tôi mới hiểu rõ lời dạy của Phật thật là “sâu kín, mầu nhiệm, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận và vi diệu”. Cho nên, từ xưa đến nay các nhà học giả tu hành chưa tới nơi, tới chốn, lại đem kinh sách Phật ra giảng thuyết làm sai lệch nghĩa lý của Phật pháp.
Hiểu sai, làm lệch ý Phật, mà còn kết tập thành kinh sách thì kinh sách ấy là một mớ kiến giải chữ nghĩa, chứ tu hành làm sao đạt được cái gì?
Pháp của Phật đâu phải để cho người tâm còn dục mà tu tập. Vì tâm còn dục bạn không thể nào tu theo Phật giáo được. Cho nên đức Phật nói: “quần chúng này thì ưa ái dục, khoái dục, ham thích ái dục, khó mà thấy được định lý, sự kiện này thật khó thấy”.
Thưa bạn! Khi muốn tu theo Phật giáo thì bạn có hiểu biết bạn không? Bởi vì bạn mang tâm dục đến với Đạo Phật, thì bạn chỉ uổng công mà thôi. Nếu bạn xa lìa tâm dục thì sẽ không ưa ái dục, không khoái ái dục, không ham thích ái dục thì bạn mới thấy rõ định lý của Phật giáo rất là mầu nhiệm và sâu kín.
HẠNH ĐỘC CƯ
LỜI PHẬT DẠY
“Thế Tôn nhìn chúng Tỳ Kheo đang yên lặng, hết sức yên lặng, rồi hỏi các Tỳ Kheo: “Ta được thỏa mãn này các Tỳ Kheo, với đạo lộ này tâm Ta được thỏa mãn, này các Tỳ Kheo, với đạo lộ này hãy tinh tấn hơn nữa, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Hội chúng này không có lời thừa thải, không có lời thừa dư đã được an trú trong lõi cây thanh tịnh. Một hội chúng đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời”. |
CHÚ GIẢI:
Nhìn một số chúng đông đảo theo Phật tu hành, giữ hạnh độc cư trọn vẹn, không tụ tập nói chuyện, ai nấy cũng lo giữ gìn phòng hộ sáu căn để ly dục ly ác pháp. Nhìn thấy thế, đức Phật buột miệng ngợi khen: “Một hội chúng đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời”.
Nhìn lại chúng tu hành trong tu viện Chơn Như như thế nào? Chắc các bạn đều biết rất rõ.
Thưa các bạn! Tất cả tu sĩ và cư sĩ được về Chơn Như tu tập đều đến từ các chùa Đại Thừa, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Khất Sĩ, Mật Tông và Nam Tông. Các tu sĩ và những cư sĩ này vốn đã quen với nếp sống tại các chùa, tịnh xá, niệm Phật đường của họ; họ thích hội họp nói chuyện, thích ăn ngủ phi thời, thích tu ức chế tâm. Đến đây tuy có tu tập, nhưng tu tập theo kiểu của họ, phá giới luật Phật và vi phạm nội quy của tu viện Chơn Như. Chúng tôi khuyên dạy hết lời họ vẫn không nghe, chứng nào tật nấy: ăn ngủ phi thời, nhất là nói chuyện, phá hạnh độc cư...
Đem so sánh hai chúng, chúng của tu viện Chơn Như và chúng trong thời đức Phật, thì chúng trong tu viện Chơn Như chỉ là những người quá vô minh, đã vào tu viện mà không chịu bỏ ngũ dục lạc thế gian, thì tu tập có ích lợi gì. Vì thế, chúng tôi biết rằng chúng tu tập tại tu viện Chơn Như chỉ là những tu sĩ và cư sĩ tham ăn, tham ngủ, tham nói chuyện. Vì thế họ tu ăn, tu ngủ, tu nói chuyện, v.v.. mà thôi
Sánh với các tu sĩ và cư sĩ trong thời đức Phật, thì các bạn phải tự rất xấu hổ các bạn chưa thật xứng đáng là những tu sĩ, cư sĩ của Phật giáo. Thích hội họp, thích nói chuyện là những tu sĩ và cư sĩ ngoại đạo của Bà La Môn.
Con đường tu tập theo Phật giáo còn rất xa. Phải trải qua ba giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất: “Để chứng đạt những gì chưa chứng đạt (Ly dục ly ác pháp)’’.
- Giai đoạn thứ hai: “Để chứng đắc những gì chưa chứng đắc (Nhập Bốn Thiền)’’.
- Giai đoạn thứ ba: “Để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ (Thông suốt Tam Minh)’’.
Thời nay, người tu sĩ và người cư sĩ Phật giáo chỉ tu danh, tu lợi, tu tiền, tu bạc, tu chùa to, Phật lớn… Chúng tôi chỉ mong sao tu viện Chơn Như sẽ có những người tu thật, để xác định Phật giáo là ly dục ly ác pháp, chứ không phải tu ức chế tâm hết vọng tưởng như Đại Thừa, Thiền Tông, v.v..
Thưa các bậc tôn túc Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại đức, Tăng, Ni! Sự tu tập của tu sĩ Phật giáo hiện giờ phá giới, phạm giới quá lộ liễu khiến cho người cư sĩ mất hết lòng tin và họ đã cho ra đời những tác phẩm nói lên những tệ nạn rác bẩn trong Phật giáo trong đó có một bộ sách lấy tên là “GIẶC THẦY CHÙA” ghi lại những điều dục lạc của các quí Sư, Thầy trong các hệ phái Phật giáo, thật là trơ trẽn, nhưng các Sư Thầy không biết xấu hổ. Khi được nghe và thấy như vậy không ai mà không đau lòng cho Đạo Phật ngày nay. Kính mong Giáo Hội Phật giáo quan tâm lưu ý để chỉnh đốn lại sự tu học của tu sĩ Phật giáo cho được tốt đẹp hơn. Nhất là giới luật phải chỉnh đốn lại ngay bây giờ.
CÓ AI BẮT BUỘC BẠN TU ĐÂU!?
LỜI PHẬT DẠY “Này các Tỳ Kheo, nghề sinh sống hèn hạ nhất là nghề khất thực (đi xin). Đây là một lời nguyền rủa trong đời. Này các Tỳ Kheo khi nói ông là kẻ khất thực (xin ăn) với cái bát trên bàn tay, ông đi chỗ này chỗ kia và đấy là nghề sinh sống. Này các Tỳ Kheo điều mà các thiện gia nam tử chấp nhận là những vị nào, sống vì lý tưởng, mục đích. Duyên với lý tưởng mục đích, không phải vì ma cưỡng ép, không phải vì trộm cướp cưỡng ép, không phải vì thiếu nợ, không phải vì sợ hãi, không phải vì không có nguồn sinh sống mà với ý nghĩ, ta bị chìm đắm trong sanh già bệnh chết, sầu, bi khổ ưu não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị đoanh vây bởi đau khổ, rất có thể sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này được tìm ra”. (Tương Ưng kinh tập III trang 171, 172, 173) |
CHÚ GIẢI:
Lời Phật dạy trên đây, là khéo nhắc nhở chúng ta: Tu theo Phật giáo không có danh dự gì cả các bạn ạ! Chỉ là một người không tàn tật đi xin ăn. Không tàn tật đi xin ăn, thì hèn hạ lắm các bạn! Nếu bạn sống không đúng Phạm hạnh, người đời sẽ không cung kính và tôn trọng bạn. Do thế, họ sẽ không dâng lên cúng dường những nhu yếu phẩm cần thiết cho sự sống của bạn, thì bạn chỉ còn phải làm cái nghề gì để sống. Nghề làm để sống trong tôn giáo là một nghề mê tín bạn ạ! Nghề lừa đảo. Chính tu sĩ và cư sĩ Phật giáo hiện giờ đang hành nghề mê tín, đang dạy người tu tập thiền định trong ảo tưởng để trao đổi sự sống với tín đồ.
Bạn quá xem thường giới luật, cho nó không phù hợp với thời đại, nên mục đích cao thượng của đời sống Tăng sĩ bạn đã đánh mất. Vì đánh mất đời sống Tăng sĩ, nên bạn đánh mất sự sống của mình. Mất sự sống, lại muốn sống, nên sống một cách thiếu sáng suốt, làm nghề mê tín lừa đảo người. Nếu bạn lìa ngũ dục lạc thế gian, sống đời Phạm hạnh, trở thành bậc Thầy đáng tôn kính của mọi người, thì các bạn đâu cần phải lo về sự sống nữa.
Vì bạn đã thực hành mục đích cao thượng của bạn. Đó là Phạm hạnh ly dục ly ác pháp. Phạm hạnh ly dục ly ác pháp chính là: “Cạo bỏ râu tóc, đắp áo vải bỏ, sống không nhà cửa, không gia đình, thiểu dục tri túc, ba y, một bát, sống độc cư trầm lặng một mình, không thích hội họp, nói chuyện, thường tư duy quán chiếu đạo lý, thấy cái hay thì không khoe khoang, thấy cái lỗi lầm thì mau mau phát lồ, hối cải sửa đổi”.
Tóm lại, bài này để thấy rõ Phật giáo không phải là một tôn giáo mà là đạo đức của loài người. Vì lý tưởng mục đích cao đẹp của nền đạo đức nhân bản – nhân quả, không làm khổ mình, khổ người, bạn tự nguyện, tự giác chấp nhận sống một đời sống lý tưởng ấy, không ai có quyền cưỡng ép, bắt buộc bạn và cũng không phải là những lý do thiếu nợ, sợ hãi điều gì v.v.. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo điều mà các thiện gia nam tử chấp nhận là những vị nào, sống vì lý tưởng, mục đích. Duyên với lý tưởng mục đích, không phải vì ma cưỡng ép, không phải vì trộm cướp cưỡng ép, không phải vì thiếu nợ, không phải vì sợ hãi, không phải vì không có nguồn sinh sống”.
Cho nên, Đạo Phật là một tôn giáo tự giác, tự nguyện, nên bạn theo Phật giáo là vì toàn bộ khổ uẩn này đã được tìm ra và đã được đoạn trừ và không còn ý nghĩa ta bị chìm đắm trong những sự khổ đau của kiếp làm người: sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ ưu não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị vây quanh bởi đau khổ.
(hết tập 3)
Trích từ sách: Những Lời Gốc Phật Dạy - Tác giả: Trưởng lão Thích Thông Lạc
Bình luận (0)