Vậy là lại sắp đến ngày Đại lễ Tam Hợp Vesākhapūjā. Nhân dịp này, xin được chia sẻ nội dung về ý nghĩa ngày Đại lễ Tam Hợp Vesakhapūjā (3 sự kiện quan trọng trong 1 ngày) - giúp mọi người cùng trao đổi và tìm hiểu tư liệu.
Đức Bồ Tát Chính đẳng giác Đản sinh kiếp chót vào ngày Rằm tháng Vesakhamasa
Vậy là lại sắp đến ngày Đại lễ Tam Hợp Vesākhapūjā. Nhân dịp này, xin được chia sẻ nội dung về ý nghĩa ngày Đại lễ Tam Hợp Vesakhapūjā (3 sự kiện quan trọng trong 1 ngày) - Ngày vô cùng trọng đại của đạo Phật lên đây để mọi người tìm hiểu được ý nghĩa chính xác và chân thực nhằm giúp quý vị tăng trưởng đức tin nơi Tam Bảo và hiểu biết về Đấng Đạo Sư cũng như đạo Phật cao cả.
Ðã từ lâu bộ phái Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo phát triển có sự khác biệt về ngày sinh của đức Phật Gotama. Ở Việt Nam trước năm 1963, Phật giáo phát triển sử dụng ngày mồng 8 tháng Tư là ngày Đản sinh của đức Bồ Tát Chính đẳng giác, nhưng sau đó y cứ theo Ðại hội Phật giáo thế giới điều chỉnh lại để thống nhất là ngày 15 tháng Tư Âm lịch là ngày sinh của Ngài. Mặc dù vậy nhưng một vài nơi vẫn còn có quan niệm cho rằng từ mồng 8 tháng Tư đến ngày Rằm tháng Tư gọi là tuần lễ Phật đản.
Theo kinh điển nguyên thủy, sự kiện đức Bồ Tát đản sinh, đức Bồ Tát thành Ðạo và đức Phật nhập Niết-bàn đều diễn ra vào ngày trăng tròn tháng Vesakhamāsa (tháng Tư Âm lịch của Việt Nam). Sử dụng danh từ "Bồ Tát đản sinh và thành đạo” ở đây do bởi giáo lý Phật giáo nguyên thủy có sự khác biệt với Phật giáo phát triển về sự thị hiện của đức Phật Gotama ở cõi Ta-bà để tế độ chúng sinh.
Kinh điển nguyên thủy cho rằng vì Ngài là vị Bồ Tát đã thành tựu các pháp hạnh Ba-la-mật trong quá khứ nên kiếp này Ngài mới trở thành đức Phật Chính-Đẳng-Giác để tế độ chúng sinh. Vì vậy, không có đức Phật Đản sinh mà chỉ có Bồ Tát Đản sinh và Bồ Tát thành đạo.
Kinh điển nguyên thủy Pāḷi không cho rằng người giải thoát khỏi sinh tử luân hồi (bậc thánh Arahán, Phật Ðộc-giác, và bậc Chính-Ðẳng-Giác) lại còn sinh trở lại tam giới này. Kiếp tái sinh trở lại tam giới chỉ dành cho những hạng phàm phu. Cho nên, chúng ta cần phải nghiên cứu và tìm hiểu lại cho chính xác danh từ “thị hiện" trong kinh điển hiện đại. Bằng không, chúng ta dễ bị ngoại giáo đồng hóa về mặt nhận thức.
Tuy điểm mâu thuẫn đó có vẻ nhỏ nhặt, nhưng có thể tạo sai lầm lớn về mục đích, và nếu không khéo thông hiểu, sẽ làm tri kiến của phật tử hiểu sai khác về quả vị Phật và đạo quả Niết-bàn. Cần biết rằng bậc thánh đã giải thoát và nhập Niết-bàn thì vắng lặng phiền não, không còn tham sân si.
Các bài kinh trong Trung Bộ thường có ghi về các vị đã giác ngộ: "Các Ngài đã đặt gánh nặng xuống, chuyện nên làm đã làm, sau kiếp sống này không còn tái sinh nữa". Căn cứ vào câu kinh nguyên thủy trên thì việc thị hiện của chư vị Phật trong quá khứ theo quan niệm của kinh điển hiện đại là một chuyện không thể xảy ra.
Do đó, ngày trăng tròn tháng Vesakhamāsa (tháng Tư Âm lịch của Việt Nam) là ngày lịch sử trọng đại của Phật giáo Việt Nam cũng như trong các cộng đồng Phật giáo thế giới, kỷ niệm một lúc ba sự kiện (Tam hợp): Đức Bồ Tát đản sinh, đức Bồ Tát thành đạo và đức Phật nhập Niết-bàn.
Đức Bồ Tát đản sinh kiếp chót
Hàng năm, vào ngày Rằm tháng Tư Âm lịch (tháng Vesakhamāsa lịch mặt trăng), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều thống nhất biểu ngữ KÍNH MỪNG PHẬT ÐẢN. Ðứng trên phương diện hành chính, biểu ngữ đó để thống nhất từ bắc chí nam là một nghĩa cử rất đẹp, đáng được duy trì, nói lên một tinh thần đoàn kết các bộ phái Phật giáo. Tuy nhiên đứng trên phương diện giáo lý nguyên thủy, chúng ta cần phải xét lại từ ngữ đó.
Về giáo lý thì đức Phật không Đản sinh mà chỉ có đức Bồ Tát Đản sinh. Nếu nói rằng đức Phật Đản sinh thì có người sẽ hiểu đức Phật đã thành đạo từ nhiều kiếp trước, kiếp này chỉ là thị hiện lại. Nhưng nếu đã là đức Phật rồi Đản sinh thì tại sao đến năm 35 tuổi Ngài còn phải chiến thắng Ma vương và thành đạo dưới cội Bồ-đề?
Theo Kinh điển Pāḷi, bộ Phật Sử (Buddhavaṁsa) giải thích có ba hạng Bồ Tát tu tập 10 pháp hạnh (Ba-la-mật): Bố thí, Trì giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh tấn, Nhẫn nại, Chân thật, Quyết định, Tâm từ và Tâm xả. Mỗi pháp độ chia làm ba cấp: bậc hạ, bậc trung và bậc thượng.
Ví dụ như Bố thí độ bậc hạ là bố thí ngoại thân như tài sản, của cải, sự nghiệp, vợ và con. Bố thí bậc trung là bố thí 1 phần các bộ phận cơ thể như mắt và tứ chi, tim, gan... Bố thí bậc thượng là bố thí đến tính mạng. Cho nên đức Bồ Tát tu hạnh Chính-Đẳng-Giác phải thực hành 10 x 3= 30 pháp hạnh.
Thế nào là ba hạng Bồ Tát? Đó là Bồ Tát tu hạnh Trí tuệ, Ðức tin, và Tinh tấn.
Vị tu hạnh Trí tuệ từ lúc phát nguyện thành Bồ Tát tu tập pháp độ đến lúc thành đạo dưới cội Bồ-đề có thời gian 20 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.
A-tăng-kỳ ở đây là một đơn vị thời gian không thể tính được mà trong kinh chỉ cho một hình tượng ví dụ vuông vức 16 cây số trong đó đựng đầy hạt cải, một trăm năm một vị trời xuống nhặt một hạt và cứ thế nhặt đến khi nào hết những hạt cải trong đó thì mới gọi là 1 A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) theo thời gian mà đức Bồ Tát tạo ba-la-mật có nghĩa không thể tính bằng số (vô số) ví dụ 4 a-tăng-kỳ với 100 ngàn đại kiếp.
Tuy nhiên, trong bộ Padarūpusaddhi, phần Saṅkhyātaddhika giải thích: A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya), là đơn vị số lượng số 1 đứng trước 140 số không (0), viết tắt là 10 mũ 140). Còn 100 ngàn đại kiếp, kiếp ở đây là kiếp của quả địa cầu chứ không phải là kiếp người. (Đại kiếp: Thời gian trái đất trải qua 4 a-tăng-kỳ thành-trụ-hoại-không là thời gian quá lâu.
Đức Phật lấy ví dụ: Một hòn núi đặc hình khối, mỗi chiều một do tuần (khoảng 20 km), cứ 100 năm một chư thiên lấy tấm vải mịn và mỏng quét nhẹ qua một lần cho đến khi mòn hết hòn núi ấy, thế mà thời gian ấy, chưa kể được một đại kiếp). Vị tu hạnh Ðức Tin phải thực hành pháp độ mất 40 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.
Vị tu hạnh Tinh tấn thực hành pháp độ mất thời gian 80 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Trong kinh đó có ghi nhận đức Phật Gotama tu hạnh Bồ Tát Trí tuệ và Đức Phật Metteya (Di Lặc) tu hạnh Bồ Tát Tinh tấn.
Chú giải bộ Phật Sử (Buddhavamsa) có ghi rằng khi tiền thân của đức Phật Gotama hoàn thành pháp độ, Ngài hóa sinh trên cõi Trời Ðẩu-Xuất-Đà (Tusita), có tên là Setaketu. Vào một ngày duyên lành hội đủ, Chư Thiên và Phạm thiên trong 10 ngàn thế giới đồng hội lại cung thỉnh Ngài giáng phàm xuất gia tu tập thành chính quả để tế độ chúng sinh. Ngài quan sát năm điều kiện Đản sinh theo thông lệ của chư Phật, như sau:
1. Thời kỳ: Chư Phật Chính-Đẳng-Giác không xuất hiện trên thế gian trong thời kỳ con người có tuổi thọ trên 100 ngàn năm và trong thời kỳ con người có tuổi thọ dưới 100 năm. Bởi vì, nếu con người có tuổi thọ sống lâu trên 100 ngàn năm, thì mỗi khi đức Phật thuyết pháp rằng:
“Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ; hoặc ngũ uẩn có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã...”, thì họ không hiểu rõ chính pháp, phát sinh tâm hoài nghi. Do đó, đức Phật Chính-Đẳng-Giác không xuất hiện trên thế gian vào trong thời kỳ ấy.
Và nếu con người có tuổi thọ ngắn ngủi dưới 100 năm, thời kỳ ấy con người có phiền não nặng nề, làm cho tâm tư ô nhiễm tối tăm, thì mỗi khi đức Phật thuyết giảng chính pháp vi tế cao siêu, họ khó hiểu rõ được chính pháp ấy. Do đó, đức Phật Chính-Đẳng-Giác cũng không xuất hiện trên thế gian vào trong thời kỳ ấy.
Trong quá khứ, Chư Phật thường xuất hiện trên thế gian, trong thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 100 ngàn năm đến 100 năm. Khi ấy, con người có trí tuệ sáng suốt, nếu lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, thì có thể hiểu rõ được chính pháp, rồi thực hành theo chính pháp dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu quán xét thấy rằng: Khi ấy, thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 100 năm, đó là thời kỳ thích hợp cho đức Phật Chính-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian.
2. Quốc độ: Trong cõi Nam-Thiện-Bộ châu rộng lớn mênh mông, trong quá khứ, đức Phật chỉ xuất hiện trong Trung xứ (Majjhimapadesa) mà thôi, không xuất hiện ở nơi xứ biên địa. Do đó đức Bồ Tát thiên nam Setaketu quyết định tái sinh nơi Trung xứ vùng Sakka kinh thành Kapilavatthu., ở đó có nhiều sự bất đồng về giai cấp, nghèo khổ, bệnh hoạn, nhờ thế loài người dễ hướng thiện.
3. Dòng dõi: Trong quá khứ, chư Bồ Tát kiếp chót trở thành đức Phật Chính-Đẳng-Giác không sinh trong dòng họ hạ tiện, nghèo khổ, mà chỉ sinh một trong hai dòng dõi là dòng dõi vua chúa hoặc dòng dõi Bà-la-môn. Nếu thời kỳ ấy, tất cả mọi người kính trọng dòng dõi Bà-la-môn, thì đức Bồ Tát kiếp chót sẽ tái sinh vào trong dòng dõi Bà-la-môn; hoặc nếu thời kỳ ấy, tất cả mọi người kính trọng dòng dõi vua chúa, thì đức Bồ Tát sẽ tái sinh vào trong dòng dõi vua chúa.
Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu quán xét thấy thời kỳ ấy, tất cả mọi người đều kính trọng dòng dõi vua chúa hơn dòng dõi Bà-la-môn, nên Ngài quyết định sinh vào dòng dõi vua Sakya. Đức vua Suddhodana trải qua nhiều đời vua tinh khiết (không lẫn lộn với dòng khác).
4. Châu: Ngài chọn cõi Nam-Thiện-Bộ Châu (cõi người) vì ở châu này loài người không quá thiện cũng không quá ác, nên dễ dàng liễu ngộ khi nghe Phật giảng.
5. Cha mẹ: Ngài chọn vua Suddhodana và chính hậu Mahāmayādevī vì hai vị này đã từng là cha mẹ của ngài trong nhiều ngàn kiếp và có nhiều phúc đức. Mẫu thân của đức Bồ Tát Chính-Đẳng-Giác trong kiếp chót phải là người đã từng tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất và được đức Phật Chính-Đẳng-Giác trong quá khứ thọ ký rằng bà sẽ là mẫu thân của đức Phật trong thời vị lai.
Mẫu thân của đức Bồ Tát ấy phải là người có ngũ giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, không hề bị phạm giới nào; ngoài ngũ giới ra, bà còn phải thọ trì 8 giới (Uposathasīla) trong những ngày giới hàng tháng. Đức Bồ Tát quán xét thấy bà Mahāmayādevī, chính cung Hoàng hậu của đức vua Suddhodana, có đầy đủ những tiêu chuẩn trên và tuổi thọ của bà Mahāmayādevī còn đúng 10 tháng lẻ 7 ngày, nên đức Bồ Tát chọn bà Mahāmayādevī làm mẫu thân của Ngài.
Sau khi quán xét đầy đủ 5 điều rồi, đức Bồ Tát thiên nam Setaketu quyết định tái sinh xuống làm người, để trở thành một đức Phật Chính-Đẳng-Giác.
Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu truyền dạy rằng:
“Này chư thiên, chư phạm thiên, ta đồng ý nhận lời thỉnh cầu của các ngươi. Ta sẽ tái sinh xuống làm người trong cõi Nam-Thiện-Bộ châu, Trung xứ, kinh thành Kapilavatthu, trong dòng vua Sakya, đức vua Suddhodana là phụ thân và bà Mahāmayādevī, chính cung hoàng hậu của đức vua Suddhodana, làm mẫu thân của ta”.
Sau khi lắng nghe lời truyền dạy của đức Bồ Tát thiên nam Setaketu, tất cả chư thiên, và chư phạm thiên vô cùng hoan hỷ cùng nhau tán dương ca tụng đức Bồ Tát thiên nam Setaketu. Sau đó, đều cùng nhau xin phép trở về cảnh giới của mình. Chư thiên, chư phạm thiên loan báo cho khắp toàn thế giới chúng sinh biết rằng:
“Đức Phật sẽ xuất hiện trên thế gian!”
Theo truyền thống của chư Phật, có những điều cơ bản hoàn toàn giống nhau. Chư Phật Chính-Đẳng-Giác trong quá khứ như thế nào, thì đức Phật Chính-Đẳng -Giác trong hiện tại cũng như thế ấy, và chư Phật Chính-Đẳng-Giác trong vị lai cũng như thế ấy. Nếu có điều khác nhau, thì chỉ khác nhau những điều chi tiết như thời gian tạo 30 pháp hạnh ba-la-mật, tuổi thọ, v.v...
Khi thấy đầy đủ nhân duyên, Ngài nhận lời giáng trần đúng vào rằm tháng Sáu âm lịch và đúng ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch năm sau Ngài đản sinh ở vườn Lumbīnī, vào ngày thứ sáu, rằm tháng tư năm tuất, được đặt tên là Siddhattha. Khi bà chính cung hoàng hậu Mahāmayādevī ngự vào vườn Lumbīnī, hôm ấy chư thiên, chư phạm thiên tụ hội tại khu vườn, và cả vạn thế giới chúng sinh vui mừng reo hò rằng:
- “Hôm nay, tại khu vườn Lumbīnī này, đức Bồ Tát sẽ đản sinh ra khỏi lòng bà chính cung Hoàng hậu Mahāmayādevī”.
Chư thiên, chư phạm thiên, tay cầm những món quà từ cõi trời như vật thơm trời, những đóa hoa trời, nhạc trời trổi lên để cúng dường đức Bồ Tát cùng với những chiếc lọng trắng che phủ khắp không gian.
Bà chính cung Hoàng hậu Mahāmayādevī ngự đến một cây Sālā có thân to, cành cây đầy hoa đang nở rộ; khi bà đứng đưa cánh tay phải lên, thì cành cây tự nhiên sà xuống, bà đưa tay nắm lấy cành cây với tư thế dáng đứng rất đẹp. Đức Bồ Tát cao thượng sẽ đản sinh ra đời trong tư thế dáng đứng này; cho nên các quan, các cung nữ che màn xung quanh nơi bà đang đứng. Bà chính cung hoàng hậu Mahāmayādevī đứng trong tư thế dáng đứng vững vàng.
Khi ấy, đức Bồ Tát cao thượng đản sinh ra đời khỏi lòng bà chính cung Hoàng hậu Mahāmayādevī bằng đôi chân ra trước, rồi xuôi hai tay, toàn thân mình sạch sẽ ra sau, một cách suôn sẻ an lành cả đức Bồ Tát lẫn mẫu thân của Ngài. Lúc đó, vào ban ngày của ngày thứ 6, nhằm ngày rằm tháng Vesakhamāsa (tháng Tư âm lịch của Việt Nam). Khi ấy, hai dòng nước ấm và lạnh từ trên hư không chảy xuống làm cho sạch sẽ thân hình của đức Bồ Tát và mẫu thân của Ngài.
Khi đức Bồ Tát cao thượng vừa ra khỏi lòng bà chính cung Hoàng hậu Mahāmayādevī, trước tiên 4 vị Đại Phạm Thiên có thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, mỗi vị cầm mỗi chéo tấm lưới bằng vàng đón nhận đức Bồ Tát xong, rồi đặt trước mặt bà chính cung Hoàng hậu Mahāmayādevī và tâu rằng:
- Muôn tâu chính cung Hoàng hậu, xin bà phát sinh tâm hoan hỷ ! Đây là Thái tử của bà, cũng là đức Bồ Tát kiếp chót cao thượng. Ngài là Bậc đại phước có nhiều oai lực nhất trong tất cả chúng sinh trong tam giới.
Sau đó, đức Bồ Tát từ trên tay 4 vị Đại Phạm Thiên được trao sang cho 4 vị Tứ Đại Thiên Vương đón tiếp bằng tấm da mềm mại; một lần nữa, đức Bồ Tát từ tay 4 vị Tứ Đại Thiên Vương được trao sang cho các quan đón tiếp bằng tấm vải trắng tinh.
Khi ấy, đức Bồ Tát từ trên tay các quan, bước xuống đạp trên mặt đất bằng đôi bàn chân bằng phẳng của Ngài, đức Bồ Tát đứng quay mặt nhìn về hướng Đông, chư thiên và nhân loại dâng hoa cúng dường đức Bồ Tát, rồi tán dương ca tụng rằng:
- Kính bạch đức Đại nhân, tất cả chúng sinh trong hướng này, Ngài là Bậc cao thượng nhất, không có một ai cao thượng hơn Ngài.
Tiếp đến, đức Bồ Tát quay mặt nhìn về hướng Nam... hướng Tây... hướng Bắc... hướng Đông Nam... hướng Tây Nam... hướng Tây Bắc... hướng Đông Bắc trong tám hướng, mỗi hướng chư thiên và nhân loại đều dâng hoa cúng dường đức Bồ Tát, rồi tán dương ca tụng rằng:
- Kính bạch đức Đại nhân, tất cả chúng sinh trong hướng này, Ngài là Bậc cao thượng nhất, không có một ai cao thượng hơn Ngài.
Đức Bồ Tát cúi mặt nhìn xuống hướng dưới, rồi ngẩng mặt nhìn lên hướng trên, chư thiên, chư phạm thiên đều dâng hoa tán dương và ca tụng rằng:
- Kính bạch đức Đại nhân, chư thiên, chư phạm thiên hướng trên này, Ngài là Bậc cao thượng nhất, không có chư thiên, chư phạm thiên nào cao thượng hơn Ngài.
Đức Bồ Tát đứng nhìn về hướng Bắc rồi bước đi 7 bước, bước đầu tiên Ngài bước bằng chân phải. Khi đức Bồ Tát bước đi, Vua trời phạm thiên cầm chiếc lọng màu trắng che cho Ngài, đức vua Suyāma cầm quạt lông, còn 3 thứ khác là đôi hia, gươm báu, vương miện, mỗi vị Vua trời cầm mỗi thứ đi theo sau đức Bồ Tát. Đó là 5 bảo vật của lễ phong vương.
Đức Bồ Tát dừng lại ở bước chân thứ 7. Khi ấy tất cả chư thiên, chư phạm thiên đều bảo với nhau rằng:
“Bây giờ, đức Bồ Tát cao thượng sẽ truyền dạy những lời tối quan trọng”.
Tất cả đều im lặng, chờ lắng nghe, đức Bồ Tát dõng dạc truyền dạy rằng:
"Aggo ham asmi lokassa! Jeṭṭho ham asmi lokassa! Seṭṭho ham asmi lokassa! Ayamantimā jāti Natthi dāni punabbhavo”.
Ta là Bậc cao cả nhất, trong toàn cõi thế giới chúng sinh!
Ta là Bậc vĩ đại nhất, trong toàn cõi thế giới chúng sinh!
Ta là Bậc Tối Thượng nhất, trong toàn cõi thế giới chúng sinh!
Kiếp này là kiếp chót của ta
Ta không còn tái sinh kiếp nào khác nữa!
Sau khi ấy, ánh sáng rực rỡ, trời đất rung chuyển, hoa Ưu đàm nở, chim hót líu lo, núi Tu-di dường như cúi đầu để tiếp đón bậc thầy của nhân thiên. Kinh có ghi sau khi ứng khẩu xong Ngài trở lại trạng thái bình thường như bao hài nhi khác.
*Bảy người và vật đồng sinh với đức Bồ Tát
Đức Bồ Tát đản sinh ra đời, đồng thời có 7 người và vật cùng sinh với đức Bồ Tát:
1 - Công chúa Bhaddakaccānā gọi là Yassodharā (là công chúa của đức vua Suppabuddha và chính cung hoàng hậu Amittādevī xứ Vedeha).
2 - Hoàng tử Ānanda (Hoàng tử của ông hoàng Amittodana dòng Sakya là hoàng đệ của đức vua Suddhodana).
3 - Channa (quan giữ ngựa).
4 - Kāḷudāyī (vị quan cận thần).
5 - Ngựa báu Kaṇḍaka.
6 - Cây Mahābodhi (cây Assattha mọc trong rừng Uruvela sau này trở thành cây Mahābodhi của Đức Phật Gotama).
7 - Bốn hầm vàng, kho báu trong kinh thành Kapilavatthu. Chính cung hoàng hậu Mahāmayādevī cùng thái tử ngự trở về lại kinh thành Kapilavatthu.
*Đầu thai sinh làm người có 4 hạng người
Sự tái sinh đầu thai sinh làm người có 4 hạng người, và có sự hiểu biết qua ba thời kỳ khác nhau như sau:
1 - Hạng người thường và chư Bồ Tát Thanh Văn hạng thường: khi tái sinh đầu thai sinh làm người, hoàn toàn không biết cả ba thời kỳ:
- Không biết thời kỳ tái sinh đầu thai vào lòng mẹ.
- Không biết thời kỳ đang ở trong lòng mẹ.
- Không biết thời kỳ sinh ra đời khỏi lòng mẹ.
2 - Chư Bồ Tát Đại Thanh Văn: khi tái sinh đầu thai sinh làm người kiếp chót, chỉ biết một thời kỳ và không biết hai thời kỳ:
- Trí tuệ biết thời kỳ tái sinh đầu thai vào lòng mẹ.
- Không biết thời kỳ đang ở trong lòng mẹ.
- Không biết thời kỳ sinh ra đời khỏi lòng mẹ.
3 - Chư Bồ Tát tối thượng Thanh Văn và chư Bồ Tát Độc Giác: khi tái sinh đầu thai làm người kiếp chót, biết được hai thời kỳ và không biết một thời kỳ:
- Trí tuệ biết thời kỳ tái sinh đầu thai vào lòng mẹ.
- Trí tuệ biết thời kỳ đang ở trong lòng mẹ.
- Không biết thời kỳ sinh ra đời khỏi lòng mẹ.
4 - Chư Bồ Tát Chính-Đẳng-Giác: khi tái sinh đầu thai làm người kiếp chót, biết rõ cả ba thời kỳ:
- Trí tuệ biết rõ thời kỳ tái sinh đầu thai vào lòng mẹ.
- Trí tuệ biết rõ thời kỳ đang ở trong lòng mẹ.
- Trí tuệ biết rõ thời kỳ đản sinh ra đời khỏi lòng mẹ.
Như trường hợp thái tử Siddhatta là đức Bồ Tát Chính-Đẳng-Giác tái sinh đầu thai sinh làm người kiếp chót sẽ trở thành đức Phật Gotama, Ngài có trí tuệ biết rõ cả ba thời kỳ:
- Ngài có trí tuệ biết rõ thời kỳ tái sinh đầu thai vào lòng mẫu thân là chính cung hoàng hậu Mahāmayādevī.
- Ngài có trí tuệ biết rõ thời kỳ đang ở trong lòng mẫu thân, như ở trong căn phòng sạch sẽ sang trọng, đức Bồ Tát ngồi kiết già, như một vị pháp sư ngồi trên pháp tòa và mẫu thân của Ngài cũng biết được Ngài nữa.
- Ngài có trí tuệ biết rõ thời kỳ đản sinh, mẫu thân đứng trong tư thế vững vàng, đức Bồ Tát sinh ra bằng đôi chân ra trước, xuôi hai tay toàn thân mình ra sau một cách suôn sẻ an toàn, như vị pháp sư bước xuống pháp tòa.
Đó là trường hợp đặc biệt của đức Bồ Tát Chính đẳng giác kiếp chót sẽ trở thành đức Phật Chính đẳng giác.
Còn các hạng người khác như: Hạng người thường, chư Bồ Tát Thanh Văn, chư Bồ Tát đại Thanh Văn, chư Bồ Tát tối thượng Thanh Văn, chư Bồ Tát Độc Giác không biết thời kỳ sinh ra đời khỏi lòng mẹ; bởi vì, khi sắp sinh ra, thai nhi bị nhào lộn quay đầu xuống dưới, để cái đầu ra trước, thân mình ra sau, cửa ra chật hẹp còn chịu đau đớn sợ hãi, tâm không còn bình tĩnh.
Do đó, những hạng người ấy không biết thời kỳ sinh ra đời khỏi lòng mẹ
Còn nữa....
Paññavara Tuệ Ân tổng hợp
Bình luận (0)