Canh chót đêm rằm tháng Vesakhamāsa cách đây 2.613 năm, tại Đại cội Bồ Đề trong khu rừng Uruvela (nay gọi là Bodh Gaya xứ Ấn Độ), tỉnh Senanigama, đức Bồ Tát Siddhattha chứng đắc thành Đức Phật Chính đẳng giác có danh hiệu là đức Phật Gotama.
Đêm của bình mình - Đêm đức Bồ Tát chứng quả vị Phật Chính giác
Đức Bồ Tát chứng quả vị Phật Chính đẳng giác vào canh chót đêm Rằm tháng Vesakhamasa
Đêm Rằm nào cũng là đêm trăng tròn. nhưng đêm Rằm tháng Vesakhamāsa lại có ý nghĩa đặc biệt như sau: Canh chót đêm Rằm tháng Vesakhamāsa cách đây 2.613 năm, tại Đại cội Bồ Đề trong khu rừng Uruvela (nay gọi là Bodh Gaya xứ Ấn Độ), tỉnh Senanigama, đức Bồ Tát Siddhattha chứng đắc thành đức Phật Chính đẳng giác có danh hiệu là đức Phật Gotama. Chuyện được kể chi tiết như sau: Mặc dù Ngài sinh trưởng trong một gia đình vua chúa và thụ hưởng tất cả những hương vị của cuộc đời, nhưng đối với Ngài tất cả chỉ là bóng mờ sương đêm. Ðể rồi một ngày kia trong chuyến đi du ngoạn bốn cửa thành, Ngài nhìn tận mắt cảnh tượng già, bệnh, chết và một vị tu sĩ. Chính nhờ cuộc vân du đó giúp cho Ngài phát huy được hạt giống giác ngộ mà Ngài huân tập từ muôn vạn triệu kiếp qua. Từ ngày hạnh ngộ bốn cảnh động tâm trên, đêm ngày tâm trí miên man nghĩ đến việc thoát ly gia đình để tìm chân lý giác ngộ. Ngày mà công chúa Yasodharā, người vợ từ nhiều tiền kiếp của Ngài hạ sinh một người con tên Rahula, đêm đó là đêm Ngài vượt cửa thành xuất gia tầm đạo. Ngài ra đi bỏ lại tất cả: cung vàng điện ngọc, vợ hiền con thơ, cung phi mỹ nữ kiều diễm, cha già... Nhưng bỏ tất cả mà Ngài được tất cả: an lạc, bình yên, ung dung, không dính mắc, tĩnh lặng và Niết bàn. Có người sẽ hỏi Ngài đi như vậy là thiếu trách nhiệm đối với người con, người cha, người chồng. Câu trả lời là không phải như vậy, Ngài ra đi để tìm một con đường giúp chúng sinh thoát khổ vĩnh viễn, đạt được hạnh phúc tối thượng là Niết Bàn. Sau khi thành đạo, Ngài đã trở về để tế độ vợ con và gia đình dòng họ, để họ cũng đạt được sự hạnh phúc vĩnh hằng như thế. Có thể nghĩ đơn giản là Ngài có tất cả như vậy mà từ bỏ không bị dính mắc đấy mới là tâm hồn vĩ đại, một lý tưởng phi thường. Cũng có thể giải thích rằng phải trải qua một đời sống như vậy thì mới thấy rõ được sự vô vọng và ràng buộc của lòng tham ái trong tâm mỗi người. Khi bỏ tất cả để xuất gia, Ngài tầm sư học đạo, nghe nơi nào có vị thầy trứ danh Ngài liền tìm đến tham vấn. Tất cả những vị thầy trứ danh thời đó Ngài đều đến học và thành công tất cả những sở đắc của họ. Thậm chí Ngài khổ hạnh sáu năm, có lúc chỉ còn ăn ngày một hạt mè để cầm hơi, đến mức độ chỉ còn da bọc xương. Cuối cùng Ngài nghiệm ra một điều là pháp mà Ngài muốn tu chứng không có ở những vị thầy đã dạy Ngài. Quyết chí bỏ khổ hạnh, ăn ngày một bữa và bắt đầu tham thiền nhập định dưới cội Bồ-đề. Ðúng vào ngày thứ Tư, của ngày Rằm tháng Vesakhamāsa, Ngài hoàn toàn giác ngộ. Chư Thiên ,Phạm thiên đồng nhau ca tụng Ngài với 9 hồng danh: Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ - Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.. Sau khi đức Bồ Tát đã toàn thắng Ác Ma Thiên, vào canh đầu đêm Rằm tháng Vesakhamāsa, Ngài tiến hành thiền định (samathabhāvanā) với đề mục niệm hơi thở vào - hơi thở ra (Anāpānassati) tuần tự chứng đắc 4 bậc thiền hữu sắc như sau: - Đệ nhất thiền hữu sắc: Có 5 chi thiền (hướng tâm, quan sát, hỷ, lạc, định), do chế ngự được 5 pháp chướng ngại (tham dục, sân hận, buồn chán-buồn ngủ, phóng tâm-hối hận, hoài nghi). - Đệ nhị thiền hữu sắc: Có 3 chi thiền (hỷ, lạc, định), do chế ngự được 2 chi thiền (hướng tâm, quan sát). - Đệ tam thiền hữu sắc: Có 2 chi thiền (lạc, định), do chế ngự được 1 chi thiền (hỷ). - Đệ tứ thiền hữu sắc: Có 2 chi thiền (xả, định), do chế ngự được 1 chi thiền (lạc, thay bằng chi thiền xả). Đó là 4 bậc thiền hữu sắc làm nền tảng để chứng đắc Tam Minh.
Tam minh (TEVIJJA)
1 - Túc mạng minh (Pubbenivāsānussatināna) Đức Bồ Tát có đệ tứ thiền hữu sắc, định tâm trong sáng thanh tịnh, thiền tâm không lay động, làm nền tảng để Ngài hướng tâm đến chứng đắc túc mạng minh: Trí tuệ nhớ rõ lại tiền kiếp, từ 1 kiếp đến hàng trăm kiếp, hàng ngàn kiếp, hàng vạn kiếp, hàng triệu kiếp, hàng triệu triệu kiếp... cho đến vô lượng kiếp không giới hạn . Túc mạng minh là trí tuệ nhớ rõ tiền kiếp thuộc loại chúng sinh nào, tên gì, thuộc dòng dõi nào, tạo thiện nghiệp, bất thiện nghiệp, ba-la-mật, thọ lạc, thọ khổ, tuổi thọ... đều ghi nhớ rõ ràng mọi chi tiết. Túc mạng minh là minh thứ nhất mà đức Bồ Tát đã chứng đắc vào canh đầu đêm rằm tháng Vesakhamāsa (tháng Tư âm lịch). 2 - Thiên nhãn minh (Dibbacakkhunāna) Đức Bồ Tát có đệ tứ thiền hữu sắc, định tâm trong sáng thanh tịnh, thiền tâm không lay động, làm nền tảng để Ngài hướng tâm đến chứng đắc thiên nhãn minh: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ kiếp quá khứ, kiếp vị lai của tất cả chúng sinh như mắt của chư thiên, phạm thiên. Thiên nhãn minh có 2 loại: - Tử sinh minh: Trí tuệ thấy rõ biết rõ sự tử, sự tái sinh của tất cả chúng sinh sau khi chết, do nghiệp nào cho quả tái sinh cảnh giới nào, thọ khổ, thọ lạc như thế nào... - Vị lai kiến minh: Trí tuệ thấy rõ những kiếp vị lai của tất cả chúng sinh. Chư Phật dùng vị lai kiến minh này để thọ ký chúng sinh trong những kiếp vị lai xa xăm, còn thời gian bao nhiêu đại kiếp trái đất này sẽ trở thành đức Phật Chính đẳng giác, hoặc đức Phật Độc-Giác, hoặc bậc Thánh Thanh-Văn-Giác... Thiên nhãn minh là minh thứ nhì mà đức Bồ Tát đã chứng đắc vào lúc canh giữa đêm rằm tháng Vesakhamāsa (tháng Tư Âm lịch). 3 - Lậu tận minh (Āsavakkhayanāna) Đức Bồ Tát dùng đệ tứ thiền hữu sắc làm nền tảng, để tiến hành thiền tuệ, quán xét thập nhị duyên sinh (Paticcasamuppāda) là đối tượng thiền tuệ của chư Bồ Tát. Ngài quán xét để chứng đắc thành đức Phật Chínhđẳng giác. Đức Bồ Tát quán xét thập nhị duyên sinh theo chiều thuận như sau: Do vô minh làm duyên, nên hành sinh. (Avijjāpaccayā saṅkhārā) Do hành làm duyên, nên thức sinh. (Saṅkhārapaccayā vinnānam) Do thức làm duyên, nên danh sắc sinh. (Vinnānapaccayā nāmarūpam) Do danh sắc làm duyên, nên lục nhập sinh. (Nāmarūpapaccayā salāyatanam) Do lục nhập làm duyên, nên lục xúc sinh. (Salāyatanapaccayā phasso) Do lục xúc làm duyên, nên lục thọ sinh. (Phassapaccayā vedanā) Do lục thọ làm duyên, nên lục ái sinh. (Vedanāpaccayā tanhā) Do lục ái làm duyên, nên tứ thủ sinh. (Tanhāpaccayā upādānam) Do tứ thủ làm duyên, nên nhị hữu sinh. (Upādānapaccayā bhavo) Do nhị hữu làm duyên, nên tái sinh sinh. (Bhavapaccayā jāti) Do tái sinh làm duyên, nên lão tử... sinh. (Jātipaccayā jarāmaranam...) Đức Bồ Tát quán xét thập nhị duyên sinh theo chiều thuận, chiều sinh, để trí tuệ thiền tuệ thấy ro, biết rõ “sự sinh” của mỗi pháp, trí tuệ thiền tuệ chứng ngộ chân lý Khổ Thánh Đế và Nhân sinh Khổ Thánh Đế hay Tập Thánh Đế. Đức Bồ Tát quán xét thập nhị duyên diệt theo chiều nghịch, chiều diệt như sau: Do diệt tận vô minh, nên diệt hành. (Avijjāyatveva asesavirāganirodhā saṅkhāranirodho) Do diệt hành, nên diệt thức. (Saṅkhāranirodhā vinnananirodho) Do diệt thức, nên diệt danh sắc. (Vinnānanirodhā nāmarūpanirodho) Do diệt danh sắc, nên diệt lục nhập. (Nāmarūpanirodhā salāyatananirodho) Do diệt lục nhập, nên diệt lục xúc. (Salāyatananirodhā phassanirodho) Do diệt lục xúc, nên diệt lục thọ. (Phassanirodhā vedanānirodho) Do diệt lục thọ, nên diệt lục ái. (Vedanānirodhā tanhānirodho) Do diệt lục ái, nên diệt tứ thủ. (Tanhānirodhā upādānanirodho) Do diệt tứ thủ, nên diệt nhị hữu. (Upādānanirodhā bhavanirodho) Do diệt nhị hữu, nên diệt tái sinh. (Bhavanirodhā jātinirodho) Do diệt tái sinh, nên diệt lão tử... (Jātinirodhā jarāmarana... nirodho) Đức Bồ Tát quán xét thập nhị duyên diệt theo chiều nghịch, chiều diệt, để trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ “sự diệt” của mỗi pháp, trí tuệ thiền tuệ chứng ngộ chân lý: Diệt Khổ Thánh Đế và Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế hay Đạo Thánh Đế. Đức Bồ Tát quán xét thập nhị duyên sinh - thập nhị duyên diệt theo chiều thuận - chiều nghịch, chiều sinh - chiều diệt, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ sự sinh - sự diệt của mỗi pháp, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết bàn, diệt đoạn tuyệt 4 pháp trầm luân (āsava) bằng 4 Thánh Đạo Tuệ tuần tự như sau: - Nhập-Lưu Thánh Đạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được 1 pháp là tà kiến trầm luân (ditthāsava), đồng thời các tà kiến khác. - Nhất-Lai Thánh Đạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được 1 pháp là tham dục trầm luân (kāmāsava) trong ngũ trần loại thô (còn loại vi tế chưa diệt được), đồng thời các tâm tham loại thô khác. - Bất-Lai Thánh Đạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được 1 pháp là tham dục trầm luân (kāmāsava) trong ngũ trần loại vi tế không còn dư sót, đồng thời các tâm tham loại vi tế khác. - A-la-hán Thánh Đạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được 2 pháp là kiếp trầm luân (Bhavāsava) và vô minh trầm luân (Avijjāsava), đồng thời diệt đoạn tuyệt được hoàn toàn mọi tham ái, phiền não, và các ác pháp không còn dư sót. Đặc biệt diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi tiền khiên tật (Vāsanā) tích lũy từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ. Như vậy, đức Bồ Tát đã tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng đầu tiên trên thế gian. Do đó, Ngài có danh hiệu là “Sammāsambuddha: Đức Phật Chính đẳng giác”. Lậu tận minh là minh thứ 3 mà đức Bồ Tát đã chứng đắc vào canh chót của đêm rằm tháng Vesakhamāsa, vào lúc rạng đông. Ngài đã trở thành đức Phật Chính đẳng giác tối thượng trong toàn cõi thế giới chúng sinh, tại cội cây Assattha. Do đó, cây Assattha này gọi là Bodhirukkha (cây Bồ-đề), đối với đức Phật Gotama. *Phật ngôn đầu tiên của đáng đạo sư: Khi ấy, đức Phật tự thuyết ở trong tâm bằng 2 bài kệ rằng: 153 - “Anekajātisamsāram Sandhāvissam anibbisam Gahakāram gavesanto Dukkhājāti punappunam. 154 - Gahakāraka! Dittho’si Puna geham na kāhasi Sabbā te phāsukā bhaggā Gahakūtam visaṅkhatam Visaṅkhāram gatam cittam Tanhānam khayamajjhagā” . 153 - Này người thợ “tham ái” xây nhà “thân” Như-lai cố tìm ngươi mà chưa gặp, Nên tử sinh luân hồi vô số kiếp Tái sinh mãi trong tam giới là khổ, 154 - Này “tham ái”, người thợ xây nhà “thân”! Bây giờ Như-lai đã gặp ngươi rồi! Tất cả sườn nhà, “phiền não” của ngươi, Như-lai đã hủy hoại sạch cả rồi Đỉnh nhà “vô minh”, cũng bị tiêu diệt, Nay ngươi không còn xây nhà Như-lai Tâm Như-lai đã chứng ngộ Niết bàn Diệt đoạn tuyệt tất cả mọi “tham ái” Như-lai đã chứng đắc A-ra-hán. Hai bài kệ cảm ứng tự thuyết ở trong tâm, đó là Phật ngôn đầu tiên của đức Phật (Paṭhamabuddhavacana). Qua lời trên, chúng ta thấy rằng đức Phật đã nói lên nỗi niềm của Ngài trong vòng sinh tử luân hồi. Bài học kinh nghiệm của đức Phật ngày xưa cũng là bài học cho chúng ta ngày nay. Sự sinh đó chính là sợi dây tham ái trong tài sắc lợi danh, dính mắc, ích kỷ, tham lam bỏn xẻn. Ngài nhận ra một điều là tất cả chúng sinh hiện trầm luân đau khổ là vì những pháp trên. Nay Ngài đã đoạn diệt chúng rồi và Ngài diệt luôn cả khối tiền khiên tật, là những tật xấu huân tập nhiều đời, nhiều kiếp, bậc thánh Thanh-văn không đạt được điều này. Còn đối với bậc thánh A-ra-hán Chính đẳng giác thì thân khẩu ý của Ngài thật trọn vẹn. Mười ngàn thế giới chúng sinh từ mặt đất lên đến cõi sắc giới phạm thiên tột đỉnh, điều phi thường chưa từng có đã xuất hiện trên thế gian này là: - Tất cả các loài hoa đều đua nhau nở để cúng dường đến đức Phật. - Tất cả các loại cây ăn trái đều cho quả ngon ngọt. - Tất cả những người mù từ lúc đầu thai, khi sinh ra không thấy được gì, thì nay có đôi mắt sáng, có thể nhìn thấy mọi vật trên đời. - Tất cả những người điếc từ lúc đầu thai, khi sinh ra không nghe được âm thanh gì, thì nay hai tai có thể nghe rõ mọi thứ âm thanh. - Tất cả những người què, bại liệt từ lúc đầu thai, khi sinh ra không đi lại được, thì nay có thể đi lại dễ dàng. - Đặc biệt nhất, ở địa ngục Lokantarika rộng lớn tối tăm, nơi giáp ranh với 3 thế giới, dành cho những chúng sinh có tà kiến cố định (niyatamicchāditthi) hoàn toàn không tin nghiệp - quả. Ở địa ngục rất tối tăm đó, dầu ánh sáng của 7 mặt trời mọc lên cùng một lúc, cũng không thể chiếu thấu đến tận nơi; nhưng ánh sáng hào quang của đức Phật tỏa khắp 10 ngàn thế giới, chiếu sáng đến tận địa ngục Lokantarika. Cho nên, những chúng sinh ở nơi đó có thể nhìn thấy lẫn nhau. Toàn thể mười ngàn thế giới, chư thiên, phạm thiên đem những phẩm vật cao quý và những đóa hoa xinh đẹp cúng dường đến đức Phật và tán dương ca tụng đức Phật bằng hàng ngàn bài kệ. Chư thiên, phạm thiên vô cùng vui mừng hoan hỷ thốt lên lời: - Sādhu! Sādhu! (Lành thay! Lành thay!) - Buddho uppanno! (Đức Phật xuất hiện trên thế gian rồi!). - Dhammo uppanno! (Đức Pháp xuất hiện trên thế gian rồi!) - Samgho uppanno! (Đức Tăng cũng sẽ xuất hiện trên thế gian này!) Tiếng tung hô vang dội khắp toàn cõi 10 ngàn thế giới chúng sinh. Còn nữa... Paññavara Tuệ Ân tổng hợp
Bình luận (0)