MỞ ĐẦU

Văn học Phật giáo Lý - Trần nói riêng và văn học Phật giáo Việt Nam nói chung đều là một bộ phận của văn học Phật giáo trung đại. Trong đó, các tác phẩm của văn học Phật giáo Lý - Trần do những Thiền sư làm lực lượng nòng cốt, bên cạnh còn có vua chúa, quý tộc, quan lại, nho sĩ (có tu thiền) chịu ảnh hưởng của tư tưởng đạo Phật và ít nhiều mang cảm quan Phật học, Thiền học trước tác. Các tác phẩm xoay quanh những đề tài về thiên nhiên, con người hay cuộc sống trần thế, những dạng đề tài này người đọc, người nghe thường bắt gặp trong các thể loại: kệ, thơ Thiền, ngữ lục, các bài kệ trong luận thuyết tôn giáo, trong niêm tụng kệ và tụng cổ, tạo nên dấu ấn riêng biệt của văn học Phật giáo Lý - Trần trong quá trình phát triển và hội nhập.

Với nguồn cảm hứng sáng tác và tựu thành những tác phẩm văn học tuyệt tác thì nền văn học Phật giáo đa dạng phong phú về nội dung phản ánh và phương thức truyền đạt nghệ thuật ngôn ngữ. Xuất phát từ sự trải nghiệm tâm linh thăng chứng tuệ giác trong tiến trình nhận chân sự thật khổ đau và con đường dẫn đến sự diệt khổ, các Thiền sư đã xem tất cả hiện thực của thế giới khách quan là không có thật như nó vốn có, cũng cùng chung quan điểm nhất nguyên khi bàn về bản thể, nguồn gốc sinh tử, nguồn gốc vạn sự, vạn vật. Các vị cũng bàn đến sinh tử và xem đó là chuyện vô thường sinh hóa của chư pháp, là một lẽ tự nhiên của tuần hoàn, nhiều khi các Thiền sư còn kiến giải vấn đề theo chỗ tỏ ngộ của mình.

Để hiểu rõ và làm sáng tỏ những vấn đề mà các vị Thiền sư đề cập ở trên thì chúng ta sẽ tìm hiểu trong thơ văn Lý - Trần truyền lại, phần lớn chỉ ghi lại trong Thiền Uyển Tập Anh. Trong đó ghi chép lại rất nhiều bài kệ bàn về những vấn đề trên nhưng nổi bật nhất có bài của Thiền sư Mãn Giác có tựa đề là “Cáo Tật Thị Chúng”. Bài kệ đã trở thành những lời dạy cuối cùng ân cần, cảm động và ý nghĩa nhất của Thiền sư để lại cho đệ tử. Và ngôn ngữ của một người giác ngộ, đứng trên đỉnh cao chót vót của trí tuệ, dù không đẽo gọt, uốn nắn, tìm chữ, sắp đặt ý lời, đã vô tình trở nên thơ kệ sâu sắc.

Tag: Thiền sư Mãn Giác, Cáo Tật Thị Chúng, văn học Phật giáo, thơ văn Lý – Trần, Thiền Uyển tập anh, văn học, thiền sư, Phật giáo

1. Tác giả, tác phẩm

Mãn Giác Thiền sư họ Lý tên Trường, sinh năm 1052, người đất Lũng Triền, hương An Cách, con viên Trung thư ngoại lang Lý Hoài Tố. Sư là người ham học, thông hiểu cả Nho và Phật nên được vua Lý Nhân Tông tuyển vào cung và đặt cho tên là Hoài Tín.

Sau đó sư xuất gia học đạo với sư Quảng Tín và vân du khắp nơi. Sư có học trò rất đông, trở thành nhân vật nổi tiếng trong thế hệ thứ 8, dòng thiền Quan Bích (Vô Ngôn Thông). Sư được vua Lý Nhân Tông và hoàng hậu trọng đãi, dựng chùa Giáo Nguyên bên cạnh cung Cảnh Hưng mời sư làm trụ trì để tiện hỏi han về đạo Phật và bàn bạc việc nước. Vua còn phong sư làm Nhập nội đạo tràng tử y đại sa môn.

Một hôm, nhà vua bảo sư:

Bậc chí nhân thị hiện, cốt cứu vớt chúng sinh, không hạnh nào chẳng đủ, không việc nào chẳng tu, chẳng phải sức định huệ, mà cũng có công giúp ích, nên phải kính nhận đó.

Bèn phong hiệu Giáo Nguyên Thiền viện, Hoài Tín đại sư truyền Tổ Vô Tu Chứng Tâm Ấn. Sư phụng chiếu nhận chức Nhập Nội Đạo Tràng, Tứ Tử Đại Sa-môn, Đồng Tam Ty Công Sự, được quyên 50 hộ.

Niên hiệu Hội Phong thứ năm (1096), cuối tháng 11, Sư cáo bệnh để kệ dạy chúng:

告疾示眾 春去百花落, 春到百花開。 事逐眼前過, 老從頭上來。 莫謂春殘花落盡, 庭前昨夜一枝梅。 - Cáo tật thị chúng - Xuân khứ bách hoa lạc, Xuân đáo bách hoa khai. Sự trục nhãn tiền quá, Lão tùng đầu thượng lai. Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. Dịch nghĩa CÁO BỆNH DẠY ĐỆ TỬ. Xuân đi trăm hoa rụng Xuân đến trăm hoa nở . Việc trước mắt qua mãi Trên đầu già đến rồi. Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua sân trước một nhành mai [1].

Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già thị tịch, thọ 45 tuổi, được 19 tuổi hạ. Vua kính lễ rất hậu, khi làm lễ hỏa táng thu xá lợi xây tháp thờ tại chùa Sùng Nghiêm làng An Cách. Vua ban thụy là Mãn Giác.

Theo Thiền Uyển Tập Anh, hai cha con của Thiền sư Mãn Giác là họ Nguyễn. Trong Tục tư trị thông giám trường biên, Hoàng Xuân Hãn cho biết: cha của Lý Trường là Lý Hoài Tố, là người đi sứ cho Tống năm 1073 để báo tin Lý Thánh Tông mất. Vì đời Trần kiêng húy chữ Lý nên sách Thiền Uyển Tập Anh viết trong thời kỳ này đổi họ Lý thành họ Nguyễn.

Bài “Cáo Tật Thị Chúng” của thiền sư Mãn Giác lâu nay được xem như một bài thơ độc lập. Nhưng thực ra nó chỉ là một bộ phận cơ hữu của một tác phẩm Ngữ lục hoàn chỉnh.

Tác phẩm “Cáo tật thị chúng” giữ vai trò vị trí lời đáp của Thiền sư Mãn Giác với vua Lý Nhân Tông trong tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh ngữ lục. Ngay nhan đề đã chỉ rõ cho ta biết thể loại của nó - thể Ngữ lục. Đây cũng là một điểm đặc biệt chung khá nổi bật của văn học Việt Nam thời trung đại.

“Cáo tật thị chúng” thực ra không phải tên bài kệ, mà là phần nêu lên hoàn cảnh đọc bài kệ. Nguyên văn như sau: “Hội Phong ngũ niên, thập nhất nguyệt, hối nhật, Cáo tật thị chúng kệ vân:

春去百花落, 春到百花開。 事逐眼前過, 老從頭上來。 莫謂春殘花落盡, 庭前昨夜一枝梅。 Xuân khứ bách hoa lạc, Xuân đáo bách hoa khai. Sự trục nhãn tiền quá, Lão tùng đầu thượng lai. Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”[2].

Như vậy, nhan đề bài kệ này là do người soạn sách đời sau đặt, chứ không phải tác giả Ngữ lục hay Thiền sư Mãn Giác đặt.

2. Giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Cáo Tật Thị Chúng

2.1. Giá trị nội dung

Đọc thơ Thiền không phải chỉ đọc những gì ở ý nghĩa của ngôn ngữ thông thường mà là lĩnh hội trực tiếp thông điệp bằng cách “dĩ tâm truyền tâm” có nghĩa là lấy tâm mình hội tâm người bằng phương tiện ngôn ngữ. Bằng phương tiện ngôn ngữ, chúng ta cùng nhau tìm hiểu, phân tích giá trị tư tưởng của tác phẩm và thông điệp của Thiền sư muốn gửi gắm đến cho hàng đệ tử. Với tinh thần “bất chấp bất xả” của nhà Thiền tức là dùng ngôn ngữ để chỉ bày thật tương ứng mà không chấp vào ngôn ngữ. Ngôn ngữ ở đây như “ngón tay chỉ mặt trăng”. Thông điệp mà Thiền sư muốn gửi lại như là mặt trăng, không phải là ngón tay, nhưng phải nương ngón tay thì mới thấy được mặt trăng cho nên gọi là “không lấy không bỏ”[3].

2.2.1. Quy luật vô thường của thiên nhiên vạn vật (sinh, trụ, dị, diệt; thành, trụ, hoại, không)

Mở đầu bài thơ, tác giả viết: Xuân khứ bách hoa lạc, Xuân đáo bách hoa khai. (Xuân đi trăm hoa rụng, Xuân đến trăm hoa nở).

Đó là quy luật của tạo hóa. Nó như một chân lý hiển nhiên mà vạn vật, vạn sự đều phải tuân theo. Vạn vật, vạn sự đều vận hành theo một quy luật: hết nắng là mưa, hết ngày là đêm, trăng khuyết lại tròn, hết mùa đông băng giá là đến mùa xuân ấm áp, cây cối xanh tươi, trăm hoa đua nở. Thiền sư mượn hình ảnh sinh động của thiên nhiên để đưa ra một ý niệm triết học sâu sắc.

Mùa xuân là thời gian tràn đầy nhựa sống của cây cối muôn vật, trăm hoa đua nở, vạn vật sinh sôi nảy nở, là thời gian làm cho con người vui vẻ, hoan ca. Khi mùa xuân đến, Thiền sư lặng lẽ nhìn thế cuộc trôi qua, hoa rơi, hoa nở, sinh, trụ, hoại, diệt... bao biến dịch, đổi thay, vùn vụt kéo qua trước mắt.

Xuân đi trăm hoa rụng, Xuân đến trăm hoa nở.

Điều này không phải chỉ mới xảy ra vào mùa xuân năm ấy. Điều này không phải Thiền sư mới biết, mới thấy lần đầu. Thiền sư đã từng lặng ngắm thế sự phù hư trôi qua như vậy từ nhiều năm. Nhưng bây giờ, vào lúc tuổi xế chiều, đứng ở khoảng giữa hai bờ sinh diệt còn mất, Thiền sư trực nhận một cách triệt để hơn về tính cách bất biến vô sinh của chân tâm, thấy được bản thể mình vốn tịch nhiên, vắng lặng và bất sinh bất diệt như vậy từ xưa đến nay, và mãi mãi về sau. Trong tâm thái an nhiên đó, Thiền sư viết nên bài kệ, qua đó bóng dáng của khổ đau, của sợ hãi lo âu đều vắng bặt. Thiền sư không băn khoăn về sự còn mất, thăng trầm của bản thân, của vạn hữu vì chính trong sự biến thiên ấy ông đã trực ngộ cái trường cửu bất diệt. Không phải một thế giới hay một cái gì bất diệt ở ngoài cuộc đời hay bên kia cuộc đời mà chính ngay trong cuộc đời này.

Sinh diệt là một trong những quy luật của thế gian, có sinh thì có diệt và diệt để sinh sôi nảy nở phát triển. Điều ý nghĩa nhất là khi Thiền sư nói với mọi người điều này trước khi sắp viên tịch. Ngài muốn nhắn nhủ rằng: không có gì phải trăn trở và đau buồn vì sự sinh diệt là lẽ tất nhiên chẳng qua là sớm hay muộn mà thôi.

2.2.2. Quy luật vô thường ở con người (sinh, lão, bệnh, tử)

Khi thấy mùa xuân sắp qua, hoa rụng, người ta sẽ nghĩ rằng mùa xuân sẽ hết. Cũng như vậy, mọi người sẽ nghĩ rằng tuổi già sức yếu, sức cùng lực tận con người sẽ chết và mọi sự sẽ chấm dứt vĩnh viễn. Còn đối với Thiền sư Mãn Giác thì không như vậy. Thiền sư bình thản chỉ ra mọi việc đang diễn ra trước mắt:

“Sự trục nhãn tiền qua Lão tùng đầu thượng lai”. (Việc trước mắt qua mãi Trên đầu già đến rồi).

Quy luật tuần hoàn, luân hồi ở vạn vật là “sinh, trụ, dị, diệt”, còn quy luật luân hồi ở người là “sinh, lão, bệnh, tử”, tức là có sinh ra, phải đến lúc tóc bạc, da nhăn, bệnh tật, cuối cùng là lìa khỏi trần thế. Thiền sư đã nói về vạn vật đang diễn ra xung quanh và tuổi già đang đến rất gần. Thiền sư cảm nhận được sự đổi thay của thiên nhiên vạn vật xung quanh và chính mình cũng đang vận hành theo quy luật của trời đất. Biết rõ điều này, Thiền sư chấp nhận và hòa mình vào nó trên lộ trình biến diệt vô thường. Cũng như Viên Chiếu than rằng:

Thân như tường bích dĩ đồi thì, Cử thế thông thông thục bất bi. (Thân như tường vách đã lung lay, Lật đật đời người những xót thay)[4].

Mọi sự đều vô thường, tất cả đều biến dịch. Xuân đến rồi xuân đi, mọi việc đều diễn ra trước mắt theo chu kỳ của thời gian. Thời gian là biểu trưng cho sự sống bất diệt, an nhiên tự tại và bình tĩnh vượt qua mọi chướng ngại tinh thần khi đối diện với sinh - trụ - dị - diệt. Với nhãn quan thiền học, thiền sư Mãn Giác đã nhìn vạn vật bằng tri kiến, tâm không bị chi phối do chấp vào những giới hạn của thời gian và không gian. Thiền sư đã thấy sự vô thường của vạn vật. Thân xác của con người, cuộc sống hiện hữu hay tất cả vạn vật trong vũ trụ đều là vô thường. Quy luật sinh - lão - bệnh - tử bao trùm tất cả. Do đó, Thiền sư muốn nói với mọi người rằng nên hiểu cái chết không phải là cái mất hẳn cũng không phải là sự chấm dứt mà là sự chuyển hóa của cuộc sống này sang cuộc sống khác mà thôi.

2.2.3. Thông điệp về chân thân bất sinh, bất diệt

Bốn câu trên tác giả đã ngầm nêu lên một câu hỏi lớn về số phận, tương lai và giá trị chân thực của cuộc đời con người. Hai câu cuối tác giả trả lời cho câu hỏi đó, câu trả lời thật là độc đáo, diệu kỳ:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. (Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua sân trước một nhành mai).

Cành mai vẫn nở hoa tỏa hương trong buổi xuân tàn hoa rụng là hình ảnh thiên nhiên được dùng để ngụ ý tư tưởng uyên nguyên của thiền học: trong cái tàn lụi vẫn nảy sinh cái mầm của sự sống mùa xuân bất tận. Xác thân của Thiền sư dù phải chịu quy luật sinh tử hoại diệt của vạn pháp nhưng cái chân tâm tự tính mà Thiền sư đã giác ngộ thì trường tồn vĩnh hằng. Hình ảnh ấy là sự kết hợp hài hòa giữa giáo lý đã lãnh thọ với sự chứng nghiệm trực cảm-đốn ngộ của thiền sư. Như Trần Thánh Tông cũng đã phát biểu chuyện sinh tử của con người trong bài Sinh tử:

Sinh như trước sam, Tử như thoát khố. Tự cổ cập kim, Cánh vô dị lộ. (Sống như mặc áo, Chết tựa trút ra. Xưa nay chẳng qua, Một con đường ấy)[5].

Để kết thúc lời dặn dò, Thiền sư chỉ cho mọi người cành mai đang nở trước sân vào đêm qua. Nhành mai đây là nhành mai của sự ngộ đạo bất sinh bất diệt của Thiền sư. Với hình ảnh “nhất chi mai”, Thiền sư gợi nhắc cho mọi người là cái chết không phải là điểm tận cùng mà là điểm chuyển tiếp giữa hai giai đoạn, giữa hai khoảng thời gian, không gian được con người quy ước là sự bắt đầu và sự kết thúc của đời người. Cành mai của Thiền sư có một sức sống mãnh liệt và trường tồn của vòng thời gian vô tận, biểu hiện cho một chân tâm bất sinh bất diệt. Chân tâm, một khi đã chứng ngộ, không bao giờ có thể mất, tàn, phai, héo, úa, chết đi được nữa.

Thiền sư Mãn Giác đã nhìn thấy được quy luật, chấp nhận được quy luật không còn sợ hãi, lo lắng nên Ngài đã bình thản ra đi và luôn thấy mùa xuân với nhành mai tươi tắn đang nở bông. Đó là trạng thái, là cảnh giới của những người đã giác ngộ, đã nếm được vị giải thoát và đang sống trong niềm hạnh phúc vô biên, là sự vĩnh hằng bất diệt, vượt ra khỏi ý niệm về không gian và thời gian. Lặng lẽ nhìn thế cuộc trôi qua, hoa rơi, hoa rụng, xuân đến rồi xuân lại đi, sinh, trụ, dị, diệt,... bao biến dịch, đổi thay vùn vụt ngay trước mắt. Ngài đã thấu rõ một cách triệt để hơn về tính cách bất biến vô sinh của chân tâm, thấy được bản thể mình vốn tịch nhiên, vắng lặng và bất sinh bất diệt. Trong tâm thái an nhiên đó, Thiền sư không băn khoăn về sự còn, mất, thăng trầm của bản thân, của vạn hữu vì chính trong sự biến thiên ấy, Ngài đã trực ngộ cái trường cửu bất diệt, không phải một thế giới hay một cái gì bất diệt ở ngoài cuộc đời hay bên kia cuộc đời, mà chính ngay trong cuộc đời này.

2.2. Giá trị nghệ thuật

Tông chỉ chính yếu của Thiền tông là “trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật, bất lập văn tự” bắt nguồn từ công án “Niêm hoa vi tiếu”, với tâm chỉ “bất chấp bất xả” nên các tác giả dùng ngôn ngữ chỉ bày sự thật tương ứng mà không chấp vào ngôn ngữ. Với hai câu đầu, mười chữ (xuân khứ bách hoa lạc; xuân đáo bách hoa khai), tác giả đã lặp lại hai lần từ xuân, bách, hoa đã tạo ấn tượng và nhấn mạnh rằng thời gian qua nhanh, không thể nắm bắt, đã khái quát toàn bộ quy luật “sinh, trụ, dị, diệt” của vạn vật và quy luật “sinh, già, bệnh, chết” của con người bằng hình tượng sinh động giàu chất thi ca. Đó là quy luật tuần hoàn của vũ trụ, bất di bất dịch. Quy luật này như bánh xe luân hồi không dứt chi phối toàn bộ giới tự nhiên không thể nào tránh khỏi.

Thiền sư đã sử dụng hình ảnh hoa rụng trước, hoa nở sau để dẫn ra những vòng đời tiếp theo của hoa (xuân đi trăm hoa rụng; xuân đến trăm hoa nở). Các cặp ngữ động từ đối nhau: “khứ - đáo; lạc - khai; nhãn tiền quá - đầu thượng lai” để chỉ ra quy luật này như bánh xe luân hồi tuần hoàn mãi không dứt. Chữ “bách” được lặp lại không còn chỉ cho số lượng mà là hàm ý vũ trụ vạn vật muôn loài kể cả con người, không loài nào thoát ra ngoài quy luật đó được.

Với hình ảnh “nhất chi mai” (một cành mai) chỉ là một biểu trưng nghệ thuật mang tính triết lý Thiền sâu sắc, bởi nhành mai là biểu hiện của sự trường tồn, là cội nguồn để ươm chồi cho những mùa mai nở. Mặc cho xuân đến xuân đi, hoa tàn hoa nở, nhành mai vẫn nảy nở, vẫn vươn lên, mang trong mình sức sống bất diệt trước mọi đổi thay. Và đó chính là câu trả lời đầy triết lý Thiền học với vua Nhân Tông. Vua dạy: khi xuất hiện thì phải cứu đời, Thiền sư thì nói: có xuất hiện hay không, dẫu còn dẫu mất thì vẫn cứu đời, như nhành mai kia luôn luôn hiện hữu, xuân đến hoa nở, xuân đi hoa rụng, song vẫn còn đó nhành mai âm thầm lặng lẽ cho những mùa xuân sau lại có những mùa hoa mới đẹp tươi.

KẾT LUẬN

Mai là hoa của mùa xuân. Một cánh mai vàng mang xuân đến. Người ta từ ngàn xưa yêu quý mai, thì ngàn sau cũng vậy. Người xưa xem mai là bạn tâm giao, người nay xem hoa là người tri kỷ. Đóa mai vàng tươi tinh khiết, nhành mai cứng cỏi hao gầy vẫn luôn là cảm hứng cho bao thế hệ thi nhân, là đề tài quan trọng trong thơ ca viết về mùa xuân. Ngày xuân mai nở, dạo quanh vườn thơ xưa, để thấy trong văn học nước ta thời trung đại có biết bao đóa mai vàng. Đó là những người bạn tinh thần tin cậy, nơi gởi gắm nhiều quan niệm nhân sinh tốt đẹp của cha ông ta, là những đóa mai lung linh, đẹp đẽ, tươi mãi muôn đời.

Từ một nhành mai, tác giả đã đưa cảm nhận của mình với mai vào thơ bằng nhiều hình ảnh rất đặc sắc. Cánh mai luôn là biểu tượng của niềm vui, của sự tốt đẹp, thanh khiết, tao nhã trong cuộc sống. Hoa mai nở rộ, còn là biểu hiện của điềm tốt lành cho năm mới, tượng trưng cho sự đầy đủ, trọn vẹn của cuộc sống mà người chơi mai trong ngày xuân luôn ước nguyện mọi việc sẽ tốt lành. Cành mai trong thơ chính là chất liệu của nhân thế, là hơi thở, là tiếng lòng của nhà thơ miêu tả cái vui được cảm nhận bằng hình ảnh cành mai mùa xuân. Còn với Thiền sư Mãn Giác “cành mai” không tàn, không thể bảo rằng, “xuân tàn hoa rụng hết”. Vì Ngài đã thể nhập được chân lý của vũ trụ, bản thể của vạn vật trong cuộc đời, thấy được mặt thật của chính mình, nên Ngài không còn bị sắc hương lôi cuốn, tâm hồn Ngài lắng trong tự tại, lặng lẽ nhìn hoa “nở, rụng” một cách tự nhiên. Chuyện hoa nở, hoa tàn không còn là hình ảnh khiến người Tăng sĩ buồn vui. Dưới mắt người đạt đạo, có một điều thoát ra ngoài quy luật sinh diệt của thời gian, đó là “chân tâm bất diệt”. Dù thời gian có biến đổi, thân tứ đại có đổi thay, nhưng cái chân tâm không bao giờ mất, như cành mai vẫn còn đó mặc dù mùa xuân đã đi qua “Đêm qua sân trước một cành mai”.

Thích Nữ Huệ Đàm – Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

------------------

CHÚ THÍCH:

[1] Viện văn học, Thơ văn Lý-Trần, tập 1, Nxb.KHXN, Hà Nội, 1977, tr.298. [2] Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2, Nxb.KHXH, Hà Nội, tr.610. [3] Thích Hạnh Tuệ, Văn học Phật giáo Việt Nam-một hướng tiếp cận, Nxb. KHXH, 2018, tr.45. [4] Viện văn học, Thơ Lý-Trần, tập 1, Nxb.KHXH, Hà Nội, tr.293. [5] Viện văn học, Thơ Lý-Trần, tập 2, Nxb.KHXH, Hà Nội,1988, tr.416.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Xuân Nam, thơ thiền Lý-Trần tinh tuyển và chú giải, Nxb.Văn học, 2015. 2. Nguyễn Công Lý, Văn học Phật giáo thời Lý-Trần: Diện mạo và đặc điểm, Đại học quốc gia Tp.HCM, 2017. 3. Thích Hạnh Tuệ, Văn học Phật giáo Việt Nam một hướng tiếp cận, Khoa học xã hội, 2018. 4. Kiều Thu Hoạch, “Tìm hiểu thơ văn của các nhà sư Lý – Trần”, Tạp chí văn học, số 6 - 1965. 5. Nguyễn Phạm Hùng, Văn học Lý - Trần nhìn từ thể loại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996. 6. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận (Tập I), Nxb Văn học, Hà Nội, 2000. 7. Nguyễn Hữu Sơn, Tìm hiểu đặc trưng “lạ hóa” về sự ra đời của các Thiền sư trong Thiền uyển tập anh, Nghiên cứu Phật học, số 4, 1994. 8. Trần Đình Sử, Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999. 9. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2016.