A. DẪN NHẬP

Phật giáo du nhập vào Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ công nguyên, bén rễ và phát triển ngày càng rõ nét trong lòng dân tộc qua tín ngưỡng dân gian. Từ đó, các ngôi chùa lần lượt được xây dựng trải dài từ Bắc, Trung, Nam bộ. Đặc biệt vùng Nam bộ, chùa Giác Lâm được xem là một trong những ngôi chùa cổ (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh). Theo như sách Gia Định thông chí chép: “Ở trên gò Cẩm Sơn, cách phía tây lũy Bán Bích 3 dặm, đột khởi 1 kim đôi (gò đất hình tròn) như bức bình phong, như cái nón, như cái màn, tấm nệm, rộng 3 dặm, cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà có nhã thú. Mùa xuân năm Giáp Tý (1744), đời vua Thế Tôn thứ 7, người xã Minh Hương là Lý Thụy Long quyên của xây dựng nhà chùa trang nghiêm, cửa thiền u tịch”[1] (Trịnh Hoàng Đức 1972: 89)

Nhắc đến chùa Giác Lâm, ít nhiều gì cũng lưu lại với những ai đã từng ghé thăm dù chỉ đôi lần, bởi ngôi chùa có tuổi thọ lên đến gần 300 năm, bên cạnh đó kiến trúc chùa mang nghệ thuật độc đáo theo kiểu Mandala. Về nội thất, chùa lưu giữ các vật thể qua các hình ảnh như pho tượng cổ, bao lam, hoành phi, câu liễn đối,... đã tạo điểm nhấn cho du khách thăm quan lẫn những học giả nghiên cứu khảo sát thực tế.

Qủa thật ngôi chùa đã giúp các nhà nghiên cứu tìm được giá trị mang tính lịch sử văn hóa lẫn tư tưởng rất cao, cụ thể qua lời nhận định của Hà Văn Tấn cùng các cộng sự rằng: “Khảo sát những ngôi chùa đó, không những thấy được đặc điểm của Phật giáo Việt Nam, đặc điểm của tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam mà còn giúp hiểu được một mặt quan trọng của lịch sử văn hóa và tư tưởng Việt Nam”[2]

“Tìm hiểu giá trị câu đối chùa Giác Lâm” để nhận ra giá trị cao quý mà các vị tiền bối dày công nhằm giáo dục thế hệ sau, thứ hai- nhắc nhở các bậc tu hành lấy hạnh nguyện Bồ tát phục vụ chúng sinh đúng như phương châm “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”.

Tag: chùa Giác Lâm, câu đối, chùa cổ Nam bộ, phật giáo Việt Nam, lịch sử, khảo cổ, đối liễn, …

B. NỘI DUNG

Chương 1. Giới thiệu đôi nét về chùa Giác Lâm

1.1. Bối cảnh lịch sử chùa Giác Lâm

Vào khoảng thế kỷ XVI, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, là tiền đề cho người Việt dần dần di dân về phương Nam khai hoang vùng đất mới. Trong đoàn người di dân vào Trung Bộ và Nam bộ có cả nhà sư người Việt lẫn Trung Hoa cùng đi. Từ cuộc di dân này, Phật giáo đã lan tỏa đến Biên Hòa, Gia Định, Mỹ Tho,...

Vùng đất Đồng Nai, Gia Định thuộc vùng Nam bộ, bấy giờ mới di dân lập nghiệp khai phá vùng đất mới, người dân gặp không ít khó khăn về khí hậu, môi trường,...

Về sau khoảng năm 1698 Nguyễn Hữu Cảnh đã chọn xứ Sài Gòn làm dinh Phiên Trấn, cụ thể theo sách Đại Nam nhất thống chí viết về vùng Gia Định: “Có lẽ, từ những thế kỷ XV hay XVI đã có những lưu dân Việt Nam tới khẩn hoang lập ấp trên những đồng bằng sông Đồng Nai và Cửu Long. Năm 1698 (Mậu Dần), Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược đất ấy, đặt phủ Gia Định và lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, đồng thời dựng dinh Phiên Trấn”[3]

Cũng từ đó, vào thế kỷ XVII dân cư xứ Gia Định-Tân Bình ngày cùng phát triển đông đúc hơn, dần trở thành trung tâm trù phú sầm uất hơn xưa, với số lượng lên đến 200.000 dân[4]. Có lẽ do số lượng dân cư ngày một nhiều nên Nguyễn Hữu Cảnh đã phân chia Đồng Nai và Gia Định làm hai huyện riêng biệt nhau, cụ thể Đồng Nai thuộc huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên, Gia Định thuộc huyên Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn.

Thế nên, với sự nhập cư của người Việt tại vùng đất mới Gia Định, “Tân Bình đã trở thành trung tâm thương mại, là đầu mối giao thông qua các cửa sông Sài Gòn, kéo theo sự tụ cư của nhiều dân tộc các nước cùng với cư dân bản địa Khmer”[5]. Để hiểu rõ hơn về sự phát triển vùng đất Gia Định, chúng ta sẽ tìm hiểu định vị văn hóa theo vùng Nam bộ như sau: “Về không gian văn hóa, vùng văn hóa này bao gồm 19 tỉnh thành: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh,... Cà Mau. Đặc trưng cơ bản của không gian văn hóa vùng này là địa hình đồng bằng châu thổ và thềm cao nguyên rộng lớn, có biển bao quanh ba phía, tạo thành ba loại cảnh quan sinh thái thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và ngư nghiệp”[6].

Điều đó đã giúp vùng đất Gia Định phát triển về kinh tế, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,... Khi đời sống kinh tế của nhân dân phát triển, đồng nghĩa tín ngưỡng tâm linh không thể thiếu với họ, dần dần các ngôi chùa được hình thành và phát triển ở các ngôi làng mạc, thôn quê. Hiển nhiên khi nhắc đến Phật giáo tồn tại trong lòng dân tộc, chúng ta không thể bỏ qua những thiền sư Trung Hoa vào những buổi đầu theo đoàn di dân, điển hình thiền sư Bổn Quả đời thứ 32, thiền sư Nguyên Thiều đời thứ 33. Là một trong những vị đem Phật giáo truyền vào xứ Đàng Trong.

Đó được xem là tiền đề để các đệ tử về sau tiếp nối gót chân Thầy mình nhằm phát triển Phật giáo như: Đồng Nai có chùa Phổ Quang, Đại Giác, Bửu Phong,...; Gia Định có chùa Từ Ân, Khải Tường, Kim Cương,... Đặc biệt, “chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa có tiếng của vùng đất Gia Định được hình thành trong bối cảnh này”[7]

Ảnh: St

1.2. Lịch sử hình thành và phát triển chùa Giác Lâm

Chùa được cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương[8], quyên tiền xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744) đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ban đầu chùa có tên là Sơn Can, về sau còn được gọi là Cẩm Sơn do chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn. Ngoài ra, chùa còn có tên là Cẩm Đệm[9]

Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc (trụ trì chùa Từ Ân) đã cử thiền sư Viên Quang (tức đệ tử của mình) về trụ trì, khi về đảm nhận trụ trì, thiền sư Viên Quang đổi lại tên chùa thành Giác Lâm, về sau trở thành một trung tâm đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho chư tăng ở Gia Định và cả Nam Bộ. Đến năm 1873, dưới sự trụ trì của Thiền sư Minh Khiêm, chùa còn là nơi in ấn, sao chép kinh sách, khắc bản gỗ kinh, luật và diễn Nôm một số sách Phật giáo.

Chùa đã được trùng tu lớn ba lần vào năm 1798–1804, năm 1906–1909 và đầu năm 1999, chùa hoàn thành đợt trùng tu lần thứ ba. Điều quan trọng, tuy có trùng tu lại nhưng không làm thay đổi những di tích lịch sử cũng như văn hóa qua các pho tượng Phật, hoành phi, câu liễn đối,... điều đó càng tôn lên được giá trị cả vật thể lẫn phi vật thể về ngôi chùa.

Chùa Giác Lâm được xem là một trong những ngôi chùa lâu năm nhất ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Việt Nam vào năm 1988.

Chương 2. Đặc điểm một số câu đối tiêu biểu chùa Giác Lâm

2.1. Một số câu đối tiêu biểu

Nếu nói về câu đối, chùa có tất cả 86 câu đối, nhưng một trong những câu đối khiến nhiều nhà nghiên cứu Hán nôm lẫn du khách tham quan thu hút

Câu thứ nhất: 朝 朝 朝 朝 朝 拜朝 朝 朝 拜 齊 齊 齋 齊 齊 戒 齊 齊 齋 戒 Phiên âm: Triêu triêu triêu triêu triêu bái, triêu triêu triêu bái Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới Dịch nghĩa: Người người chầu, người người bái, người người chầu bái Thảy thảy trai, thảy thảy giới, thảy thảy trai giới[10] (Cao Tự Thanh dịch)

Theo như tác giả Cao Phi Hồng giải thích câu đối lặp lại 6 chữ triêu, 6 chữ tề, 2 chữ trai, 2 chữ giới. Đây là câu đối mang hai ý nghĩa: thứ nhất-nhấn mạnh giới luật đối với tu sĩ trong chùa; thứ hai-mang ý nghĩa chơi chữ tự hình[11]

Thật may mắn trong lần đi khảo sát thực tế, người viết được Giảng viên bộ môn “Khảo cổ học” giới thiệu về câu đối này, câu đối nằm vị trí đường vào trong Chính điện. Đây là nơi đặt câu đối lý tưởng nhất, bởi đối với bậc xuất gia tu hành, ngày ngày đều quang lâm lên đại hùng bảo điện đồng nghĩa như nhắc nhở hành giả nghiêm trì giới luật chuẩn mực, trai giới cho thanh tịnh. Bởi sau khi đức Phật không còn ở đời, Ngài luôn dạy đệ tử nên lấy giới luật làm Thầy: “Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo sư của các Ngươi” [12]. Mặc dù không còn Thầy ở đời nhưng Ngài dạy đệ tử nương vào giới luật và lấy giới luật làm ngọn đèn soi sáng con đường mình đi.

Chính giới luật là chuẩn mực đạo đức giúp con người hoàn thiện về nhân cách cũng như phẩm hạnh của người xuất gia. Do đó, câu đối được treo trong Chính điện chùa Giác Lâm mang ý nghĩa nhắc nhở tất cả mọi người dù là xuất gia hay tại gia dựa vào đó thực hành để sống đúng đạo đức, bởi giới chính là đạo đức, người sống có đạo đức là người thật sự hạnh phúc, bởi Aristoste từng nhận định: “Mục đích trực tiếp của con người không phải là cái hay, cái đẹp mà chính là hạnh phúc. Hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ đức tính của một con người... hạnh phúc đồng nghĩa với đạo đức”[13]

Câu thứ 2: 大雄殿上三乘祝皇王聖壽願 國泰民安 萬法 臺中宣四 諦報佛祖洪恩其風調雨順 Phiên âm: Đại hùng điện thượng diễn tam thừa, chúc hoàng vương thánh thọ, nguyện quốc thái dân an Vạn pháp đài trung tuyên tứ đế, báo Phật Tổ hồng ân kỳ phong điều vũ thuận Dịch nghĩa: Trên điện đại hùng nói ba thừa giáo, chúc tuổi thọ quân vương, cầu dân an nước thịnh. Trong đài vạn pháp thuyết tứ đế lý, đáp ân thâm Phật Tổ, nguyện mưa thuận gió hòa (Huệ Chí dịch)

Vị trí câu đối này ở hai hàng cột hai bên tiền đường và thiêu hương. Câu đối này vô cùng đặc sắc, nói lên hạnh nguyện độ sinh không giới hạn đối với tất cả chúng sinh. Người xuất gia tu hành được yên ổn là nhờ ơn của quốc gia, đã tạo đầy đủ thuận duyên tu tập, do đó câu đối nhắc nhở tâm nguyện độ sinh và báo ơn đất nước. Cầu cho vị vua của đất nước được sức khỏe, tuổi thọ. Cầu cho nhân dân được bình an, đất nước được thạnh trị. Thứ hai, đem sự am hiểu của mình về lời Phật dạy để giảng dạy cho mọi người hiểu rõ được “pháp Tứ Đế”[14]. Làm được như vậy tức là đệ tử Phật đã đáp đền ơn đức của quốc gia, của Phật Tổ vậy.

Câu thứ 3:

寺古僧閒常引煙 霞爲伴侶 山深世咯只馮草木旣 春秋 Phiên âm: Tự cổ Tăng nhà thường dẫn yên hà vi bạn lữ Sơn thâm thế cách chỉ bằng thảo mộc ký xuân thu Dịch nghĩa Chùa cổ Tăng thiền thường với khói mây làm bầu bạn Non thâm đời cách chỉ nhìn cây cỏ định thời gian

Vị trí câu đối ở nhà trai, hai bên bnaf Chuẩn Đề, câu đối gợi lên vẻ thong dong tự tại của tăng sĩ tu hành, không vướn bận bụi trần, lấy cảnh thiên nhiên cỏ cây làm bầu bạn. Đây quả thật là chốn thiền môn đầy ấp an lạc. Qua câu đối này, như tái hiện lại tư tưởng “Vô Trụ” của Trần Nhân Tông về bài thơ “Cư trần lạc đạo phú”, dù ngoại cảnh xung quanh có thế nào nhưng không chi phối tâm thanh tịnh chứng đạo của Ông.

Câu thứ 4:

Vị trí ở nhà trai, hai bên bàn Chuẩn Đề, cặp đối cho biết sự việc khai mở trường kỳ tại chùa vào năm 1922, sự tham gia giới đàn của Hội Lục Hòa Liên xã và chữ đầu của pháp danh 3 vị Tổ trong giới đàn:

慈 海 圓 通 三 煌 光 輝 周 法 ???? 清 風 弘 道 開 七 聚 普 施 度 人 間 Phiên âm: Từ Hải viên thông khai tam hoàng quang huy châu pháp giới Thanh phong Hoằng đạo khai thất tụ phổ thí độ nhân gian

Phần lạc khoảng ghi: 1922 Liên xã Lục Hòa Phụng Sơn tự, Bửu Lâm tự, Tứ Phước tự thủ tọa đồng khể thủ

Ba chữ “Từ; Thanh; Hoằng”, chính là chữ đầu pháp danh của 3 vị: Từ Phong (chùa Giác Hải); Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên); Thanh Ấn (chùa Từ Ân). Chư tăng và phật tử Gia Định, Chợ Lớn, Lục tỉnh tôn xưng các Ngài là tam hoàng

Cặp đối do Hội Lục Hòa Liên xã tặng[15].

2.2. Đặc điểm các câu liễn đối

Toàn bộ chùa có 86 câu đối được treo dưới dạng liễn hoặc khắc hẳn vào cột gỗ, làm nền trang hoàng cho phần bên trong chùa. Ngoài ra tại cổng tam quan cũng có hai câu đối đắp nổi trên nền xi măng, do ông Huệ Chí đặt

Số lượng câu đối được phân chia theo nơi trong chùa như sau: Hành lang 4 câu liễn, chính điện 16 câu đối khắc chìm và nổi (trong đó có 4 dạng liễn, gồm 2 khắc chìm, 2 khắc nổi, còn lại 12 câu đối khắc chìm vào cột), nhà Tổ 22 câu đối (8 câu đối khắc chìm vào cột, 14 liễn khắc chìm), nhà trai 20 câu (12 liễn khắc chìm, 8 câu đối khắc chìm vào cột), nhà giảng giáo lý: 24 câu đối (4 liễn khắc chìm, 4 câu đối khắc nổi vào cột ở hành lang, 16 câu liễn khắc chìm).

Chất liệu: Câu đối dạng liễn thường khắc chìm trên bảng gỗ, nền đỏ, thếp chữ vàng. Câu đối khắc trên cột thường là dạng gỗ sao.

Kỹ thuật chạm khắc: Các câu đối được chạm khắc theo nhiều cách khác nhau. Tuy được khắc trên gỗ nhưng nét khắc tinh xảo, nét móc mảnh dẻ, sắc. Lối khắc chìm đa số trên cột và liễn. Ngoài ra còn có lối khắc nổi trên cột và liễn. Cột liễn có dạng mặt bằng, khắc chìm trên liễn dạng cong treo vào cột

Niên đại câu đối

Các câu đối có niên đại rất khác nhau, do được hiến tặng nhân dịp chùa có các đại lễ: Trường hương, Trường kỳ... Căn cứ vào phần lạc khoản, có thể đoán định niên đại các câu đối này.

Các câu đối ở chính điện được dựng nhân kỷ niệm ngày lạc thành, kết thúc đợt trùng tu chùa lần thứ 2 năm Kỷ Dậu (1909)

Các câu đối ở nhà Tổ được Lục Hòa Liên xã tặng nhân dịp lễ Trường kỳ-năm Nhâm Tuất (1922)

Các câu đối ở nhà Trai cũng do Lục Hòa Liên xã gửi tặng nhân dịp Trường kỳ năm 1922 do chùa Giác Lâm khai mở

Các câu đối ở hành lang và giảng đường thường do Phật tử đem gửi, giai đoạn có chiến tranh chống Pháp, Mỹ.

Phong cách nghệ thuật

Thể hiện phong cách nghệ thuật Trung Hoa. Ảnh hưởng này nằm ngay trong bản thân chữ viết cũng như qua màu sắc làm nền của câu đối. Đối với người Hoa, màu đỏ là màu của sự may mắn, màu đen là màu của sự trang trọng. Hai màu sắc đen, đỏ là hai màu chủ đạo, làm nền cho toàn bộ các câu đối. Một số câu đối treo tại các hàng cột chủ yếu gần nơi thờ tự chính, trang trí thêm bằng những phù điêu làm đường viền.

Lối trang trí này vừa làm tôn lên nội dung câu đối vừa thể hiện một số chủ đề quen thuộc trong Phật giáo; như đề tài Thập bát La Hán xen lẫn đề tài Khổng giáo: bát tiên, tứ linh, tứ quý... Một đôi liễn cẩn ốc xà cừ thể hiện phong cách nghệ thuật phổ biến ở triều Nguyễn. Ngoài những dạng phong cách chạm khắc kết hợp với phù điêu và khắc chìm, nổi, nghệ nhân còn thể hiện lối sáng tạo bằng cách trang trí thêm hoa văn ngay trên câu đối hoặc câu liễn, tạo nét vui tươi, bớt đi vẻ khô cứng[16].

Ảnh: St

Chương 3. Giá trị lịch sử - văn hóa các câu đối chùa Giác Lâm

3.1. Giá trị lịch sử

Qua nội dung các câu đối được phân bố trong chùa Giác Lâm mang giá trị lịch sử vô cùng to lớn. Thứ nhất- để người sau nhìn vào các câu liễn đối nhận biết vào giai đoạn đó hoạt động của tăng sĩ vào thời đó ra sao, cách thức sinh hoạt là thế nào,... thứ hai - giúp người sau có thể xác định được niên đại về một số Trường hương, Trường kỳ khai mở tại chùa; biết được một số nhân vật chủ trì trong buổi lễ đó... Thế nên, xét về mặt khoa học quả là các câu đối là một sử liệu vô cùng quý giá về các giai đoạn lịch sử khác nhau, có liên quan đến con người, sự kiện, tổ chức Hội Phật giáo. Thứ ba - các câu đối bên trong chính điện như: “phong điều vũ thuận”, “quốc thái dân an”,... để góp phần lớn đem lại cho các câu đối một giá trị lịch sử về mối quan hệ gắn bó giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian bản địa (thờ cúng Thần Nông, cầu mong mưa thuận gió hòa,...), đồng thời cũng là một sự kiện cho thấy đặc điểm của Phật giáo Nam bộ là một trong những bộ phận và đặc điểm của Phật giáo Đông Nam Á.

3.2. Giá trị văn hóa

Các câu đối trên ngoài giá trị lịch sử, bên cạnh đó còn mang tính giáo dục con người qua việc thực hành giới luật trang nghiêm, trai thanh cho rốt ráo, sự cầu nguyện cho đất nước thái bình, nhân dân được an lạc thể hiện tấm lòng từ bi, nhân hậu của người Việt qua lối sống tâm linh. Chính cách đó, đã tạo nên nét đặc trưng riêng đối với dân tộc Việt Nam, đó là nét văn hóa không thể lẫn lộn vào đâu được.

Từ những giai đoạn lịch sử qua bao thời kỳ, cho thấy vấn đề văn hóa giáo dục con người thành nhân chi mỹ luôn cần thiết. Dù là thời đại nào chăng nữa, Phật giáo luôn gắn liền tín ngưỡng dân gian, đem màu sắc Phật giáo hòa quyện vào nhau hướng đến chân-thiện-mỹ, đồng thời các con cháu thế hệ sau nhìn vào tấm gương xưa soi rọi lại đời sống bây giờ mà có lối ứng xử hợp lý đạo, hợp lòng người. Đó chính là giá trị văn hóa mà các câu đối mang lại ý nghĩa tích cực cho con người.

Câu đối là một thể loại văn học rất đơn giản về nguyên tắc sáng tác, song chính nhờ vậy lại có phạm vi ứng dụng rất lớn. Sự xuất hiện rộng rãi của nó trong mọi tình huống giao tiếp, ở mọi tầng lớp xã hội hay sự tồn tại của nó cho đến hiện nay mặc dù nhiều thể loại ra đời sau nó (như thơ Đường luật, phú...) đang dần dần vắng bóng là những ví dụ. Cho nên, kho tàng câu đối trong văn học viết Việt Nam vẫn còn có khả năng được bổ sung thêm nhiều tác phẩm đặc sắc. Tuy nhiên, với những nét đặc sắc về cả chữ viết, âm đọc và ý nghĩa như nó có, đôi câu đối ở chùa Giác Lâm nói trên vẫn vĩnh viễn là một trong những câu đối độc đáo bậc nhất trong kho tàng câu đối Việt Nam

Chương 4. Bảo tồn và phát huy di sản lịch sử văn hóa câu đối chùa Giác Lâm

4.1. Bảo tồn và phát huy

Di sản văn hóa được áp dụng “Khi đất nước dành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký và công bố sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn cổ tích trên toàn cõi việt Nam. Năm 1957, Nghị định số 519/TTg về bảo vệ di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh do Thủ tướng chính phủ công bố ngày 29/10/1957 đã tạo điều kiện cho ngành văn hóa thông tin tiến hành kiểm kê các di tích; bảo vệ những di tích quan trọng của đất nước”[17]

Thế nên, di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Vật thể được thể hiện qua các pho tượng, kiến trúc, chùa chiền, bao lam, câu liễn đối,... phi vật thể thuộc về đời sống tâm linh (tinh thần) là nơi để người dân nương tựa, đồng thời mang tính giáo dục con người theo chiều hướng tích cực hơn và có cái nhìn lạc quan yêu đời hơn. Dù là vật thể hay phi vật thể đều mang một giá trị nhất định trong giai đoạn lịch sử thời kỳ đó.

Nhận chân được giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quan thiết, cần nêu cao tinh thần bảo tồn và phát huy rộng rãi. Có như thế, chúng ta mới thực hành nét đẹp văn hóa dân tộc Việt. Những nét đẹp mang tính lịch sử và văn hóa, chúng ta nên bảo tồn giữ gìn. Bởi gía trị lịch sử và văn hóa nào cũng gắn liền và đồng hành với thời đại đó. Tuy nhiên, khi bảo tồn là chúng ta phải phát huy bằng cách quảng bá giới thiệu cho thế hệ sau biết đến giá trị lịch sử.

Ngược lại, nếu chúng ta chỉ phát huy mà không bảo tồn cũng không được, việc phát huy để nhiều người biết đến, nếu không giữ gìn bảo tồn thì sẽ bị hư hại. Do đó, bảo tồn và phát huy có sự hỗ tương qua lại với nhau. Vấn đề đặt ra là chúng ta bảo tồn như thế nào, và phát huy sao? Và có những biện pháp nào để sự bảo tồn và phát huy mang lại hiệu quả tốt nhất về di tích lịch sử cũng như văn hóa của ông cha ta để lại.

Bởi Đảng Cộng sản Việt Nam xác định quan điểm xem “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, khẳng định chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”[18]. Nên vấn đề bảo tồn và phát huy đồng nghĩa chúng ta đang thể hiện tinh thần trách nhiệm cao về việc bảo vệ di sản chung của Quốc gia chứ không mang hình thức cá nhân.

4.2. Một số giải pháp về bảo tồn phát huy di tích lịch sử chùa Giác Lâm

+ Đối với người trực tiếp trong coi

Thứ nhất - Đào tạo hoặc mở lớp về “khảo cổ học” để nâng tầm kiến thức, có như thế việc trông coi cũng như bảo vệ khu di tích lịch sử mới hiểu rốt ráo về giá trị vật thể cần gìn giữ cẩn thận hơn.

Thứ hai - giữa người trực tiếp chịu trách nhiệm nơi trông coi di tích lịch sử cần có sự kết nối thường với các cấp chính quyền, để khi có sự cố về mất cắp hay xuống cấp theo thời gian thì kịp thời trùng tu lại.

+ Đối với cấp chính quyền địa phương

Thứ nhất - Tạo điều kiện để sửa chữa trùng tu lại các di tích lịch sử quý hiếm, không để mai một đi. Tuy nhiên, trong quá trình trùng tu cần giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa không để thay đổi hay biến chất làm mất giá trị vật thể.

Thứ hai - Cần khuyến khích đào tạo nhân lực chuyên về hướng dẫn, giới thiệu đến du khách đến tham quan, nhằm giúp du khách hiểu cũng như biết trân trọng di tích lịch sử văn hóa từ xa xưa.

Thứ ba - Cần chú trọng về mĩ quan cũng như phong cảnh sạch đẹp để người đến có cảm giác thoải mái và thích thú với địa điểm mình muốn đến tìm hiểu cũng như nghiên cứu lịch sử.

KẾT LUẬN

Thời gian có thể bào mòn đi tất cả, có thể làm nhạt nhòa đi những di tích xa xưa, nhưng với Giác Lâm, ngôi chùa đã tồn tại gần 300 năm tuổi không phải là dễ. Đặc biệt, trong giữa lòng thành Phố với cuộc sống nhộn nhịp, ồn náo, đầy hối hả xô bồ của cuộc sống, chùa Giác Lâm một lần nữa thể hiện vai trò tâm linh, xoa dịu đi những căng thẳng, mệt nhọc, những được mất hơn thua với đời. Đến với Giác Lâm, ý nghĩa của các câu liễn đối giúp con người ta có hướng suy nghĩ tích cực hơn, những hình ảnh cổ kính kia giúp con người ta tìm về bến đỗ bình an trong nội tâm, sâu lắng trong ý nghĩ.

Thế nên, 300 năm tuổi Giác Lâm chưa từng ngừng nghĩ đổi mới trong từng suy nghĩ của các học giả nghiên cứu cũng như các du khách tò mò khám phá. Với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo tạo nên ngôi chùa mang riêng bản chất Nam bộ, nét văn hóa bình dị, gần gũi, tạo nên vẻ ấm áp tình người. Những hình ảnh gắn liền thiên nhiên qua các bao lam: “Các bao lam ở chính điện chùa Giác Lâm cũng hết sức độc đáo. Tính từ trong ra thì bao lam đầu tiên chạm hoa sala công (cây sala ở Kushinagar- Ấn Độ là nơi Phật nhập Niết-bàn và chim công). Bao lam thứ hai chạm cửu long (chín rồng tắm cho Phật, gán liền với nơi đức Phật đản sinh ở Lumbini-Nepal). Bao lam thứ ba chạm mai điều (hoa mai và cim- đề tài mùa xuân) và chim được thể hiện theo dạng bách điểu (nhiều chim), giữa bao lam có khắc chữ Kỷ Dậu niên ((1849), trên có bức hoành phi giác Lâm tự. Bên trái và bên phải bức bao lam thứ ba là hai bao lam mẫu đơn trĩ (hoa mẫu đơn và chim trĩ là loài hoa và loài chim đẹp nhất)”[19] , những hình ảnh thiên nhiên hòa điệu vào chốn thiền môn, tạo nên vẻ đẹp tinh khiết.

Các pho tượng cổ lên đến hàng thế kỷ làm nổi bật giá trị qua mọi biến cố thời gian. Những câu đối được các nghệ nhân điêu khắc từng nét chữ, từng đường cong hài hòa khéo léo cho thấy một kiệt tác nghệ thuật ẩn tàng sâu bên trong,... tất cả tạo nên một bức tranh Giác Lâm hữu tình, một bức màn nhung xoa dịu đi những phiền toái trong đời.

Thích Nữ Diệu Huệ - Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

---------------------------

CHÚ THÍCH

[1] Đặng Văn Thắng (số 4, 2017), Khảo cổ học, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện khảo cổ học, tr. 66 [2] Đặng Văn Thắng (số 4, 2017), Khảo cổ học, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện khảo cổ học. [3] Đại Nam nhất thống chí (1973), tập Thượng, Biên Hòa-Gia Đinh, Nguyễn Tạo dịch, Nhà văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, tr. 58-59 [4] Huỳnh Lứa (1987) chủ biên, Lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, tr. 49 [5] Trần Hồng Liên (2019), Di tích lịch sử-văn hóa chùa Giác Lâm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nôi, tr.8 [6] Theo Lý Tùng Hiếu (2019), Giao lưu tiếp biến văn hóa và sự biến đổi văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 244 [7] Trần Hồng Liên (2019), Di tích lịch sử-văn hóa chùa Giác Lâm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nôi, tr.9 [8] Theo Lý Tùng Hiếu (2019), Giao lưu tiếp biến văn hóa và sự biến đổi văn hóa Việt Nam, Nxb. kKhoa học xã hội, tr. 245, có đề cập “Minh Hương” là người Hoa đến vùng Nam bộ vào hai thế kỷ từ thế kỷ XVII-XVIII được gọi là người “Minh Hương”. [9] Cẩm Đệm: Theo sử liệu “khảo cổ học” của PGS. TS. Đặng Văn Thắng sở dĩ tên Cẩm Đệm vì người trụ trì tên là Lê Văn Cẩm, làm nghề thầu đệm (tức phân phát đệm đi các chợ) [10] Trần Hồng Liên (2019), Di tích lịch sử-văn hóa chùa Giác Lâm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 139 [11] Cao Phi Hồng (1993), Về một câu đối độc đáo ở chùa Giác Lâm, tập số 27, tr. 74-75 [12] Kinh Trường Bộ (1991), tập 1, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Đại Bát Niết Bàn, VnPhVN ấn hành, tr. 662-663 [13] Durant, Will (2014), Câu chuyện Triết học, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 81 [14]Tứ Đế là gọi tắt của Tứ Diệu Đế (chữ Nho: 四妙諦, tiếng Bắc Phạn catvāry āryasatyāni, tiếng Nam Phạn cattāri ariya-saccāni, tiếng Tây Tạng bden pa bzhi བདེན་པ་བཞི་), cũng gọi là Tứ thánh đế (zh. 四聖諦), là bốn chân lý cao cả, là gốc cơ bản của Phật giáo. Tứ diệu đế là nội dung của kinh nghiệm giác ngộ của Phật Thích-ca Mâu-ni, và cũng là nội dung chính của bài kinh đầu tiên, kinh Chuyển Pháp Luân. Tứ Đế có nghĩa là gồm bốn đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế. Đây là giáo lý căn bản và cốt lõi mà đức Phật đã giảng dạy được ghi chép và lưu truyền lại trong kinh điển. Khổ đế-nghia xlaf chỉ cho con người nhận chân được cái khổ trong hiện tại. Tập đế- nghãi là tìm ra nguyên nhân đưa đến khổ đau là gì. Diệt đế-khi tìm được nguyên nhân vì đâu mình khổ, từ đó cố gắng diệt trừ bằng cách dập tắt phiền não, đoạn khổ. Đạo đế-là con đường là phương pháp giúp con người đoạn trừ mọi phiền não đau khổ ở đời, đồng thời vạch ra con đường tươi sáng hơn, giúp con người lìa khổ được vui. [15] Trần Hồng Liên (2019), Di tích lịch sư-văn hóa chùa Gác Lâm, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 142 [16]Trần Hồng Liên (2019), Di tích lịch sư-văn hóa chùa Gác Lâm, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 143-144 [17]Nguyễn Viết Vinh (2017), Đình Tân Lân kiến trúc và mỹ thuật, Nxb. Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh, tr. 75 [18] Lý Tùng Hiếu (2019), Giao lưu tiếp biến văn hóa và sự biến đổi văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr. 199 [19] Đặng Văn Thắng (số 4, 2017), Khảo cổ học, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện khảo cổ học, tr. 67

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Cao Phi Hồng (1993), Về một câu đối độc đáo ở chùa Giác Lâm, tập số 27 Cẩm Đệm: Theo sử liệu “khảo cổ học” của PGS. TS. Đặng Văn Thắng sở dĩ tên Cẩm Đệm vì người trụ trì tên là Lê Văn Cẩm, làm nghề thầu đệm (tức phân phát đệm đi các chợ) 2. Durant, Will (2014), Câu chuyện Triết học, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội 3. Đại Nam nhất thống chí (1973), tập Thượng, Biên Hòa-Gia Đinh, Nguyễn Tạo dịch, Nhà văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn 4. Đặng Văn Thắng (số 4, 2017), Khảo cổ học, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện khảo cổ học 5. Huỳnh Lứa (1987) chủ biên, Lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh 6. Kinh Trường Bộ (1991), tập 1, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Đại Bát Niết Bàn, VnPhVN ấn hành 7. Lý Tùng Hiếu (2019), Giao lưu tiếp biến văn hóa và sự biến đổi văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 8. Nguyễn Viết Vinh (2017), Đình Tân Lân kiến trúc và mỹ thuật, Nxb. Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh 9. Lý Tùng Hiếu (2019), Giao lưu tiếp biến văn hóa và sự biến đổi văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội 10. Trần Hồng Liên (2019), Di tích lịch sư-văn hóa chùa Gác Lâm, Nxb. Khoa học xã hội.