Mỗi con người dù là nữ hay nam, đời sống đạo đức luôn là thước đo giá trị nhất, bởi: “Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh chỗ đó có trí tuệ. Chỗ nào có trí tuệ chỗ ấy có giới hạnh - giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời.”
Tác giả: Thích nữ Chơn Thùy
Trong nhiều thế kỷ qua, bình đẳng giới luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Đã có nhiều cuộc khảo cứu, tranh luận về những đề tài liên quan đến người nữ, các tôn giáo cũng không ngoại lệ. Tại một xã hội phân biệt nặng nề cả về giai cấp lẫn giới tính như Ấn Độ, Phật giáo đã ra đời ở đó. Dưới góc nhìn của bậc Đại giác, đức Phật chưa bao giờ hạ thấp vai trò của người nữ, ngược lại, Ngài luôn khích lệ, nâng tầm địa vị của nữ giới. Thông qua nhiều bài kinh được ghi lại, đức Thế Tôn chỉ rõ các chướng ngại cũng như những vai trò, giá trị của người nữ đối với xã hội và trong tu hành là sự tu tập chứng đạt bình đẳng như nam giới. Đức Phật tuyên bố lộ trình giác ngộ của con người không phụ thuộc vào giới tính, tăng đoàn là nơi sống đời giới hạnh và chính điều đó đưa đến chân lý, giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Phụ nữ trong xã hội Ấn Độ
Xã hội luôn tồn tại sự phân chia nam, nữ bởi những khác biệt về sinh lý và tâm lý. Tính mềm yếu về thân thể, nhút nhát về tính cách của người nữ khác hoàn toàn với cơ thể cường tráng, tinh thần mạnh mẽ của người nam. Như vậy, nếu nói bình đẳng là nói đến khía cạnh nào của con người? Đây là vấn đề rất nặng nề, đau đầu nhất đối với các nhà xã hội học. Đôi khi người ta có đề cập đến nữ quyền, hay nói đến vấn đề người nữ cầm quyền nhưng chế độ này rất ít có trên thế giới, dù có nhưng nhanh chóng đi vào lịch sử bởi vì sự phân biệt giới tính đã in sâu vào tâm trí loài người, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt, ở Ấn Độ, luật Manu và các kinh Veda đã gò ép người nữ vào một không gian chật hẹp quanh quẩn trong gia đình, lo việc nơi xó bếp, bé gái được sinh ra bị xem là nỗi đau khổ, bất hạnh của gia đình. Cụ thể, bộ luật Manu ghi rằng: “Đối với một bé gái, một phụ nữ trẻ, hoặc thậm chí một bà lão, không được tự mình làm bất cứ việc gì, kể cả trong nhà của mình. Thuở còn con gái phải phục tùng cha, tuổi trẻ phải phục tùng chồng, khi chồng chết thì phục tùng con; một người phụ nữ không bao giờ được độc lập.”[1] Chính những quy định hà khắc này khiến người phụ nữ bị mất quyền hạn, mất tiếng nói, mất tự do, không còn tự chủ, không được là chính mình.
Nữ giới theo tinh thần Phật giáo
Nếu xã hội truyền thống Ấn Độ lấy kinh Veda, luật Manu để sắp xếp trật tự xã hội, đàn áp phụ nữ về tinh thần và thể chất thì Phật giáo không như vậy, đức Phật chủ trương: "Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt với những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Ðạo sư của mình.”[2] Khác với các tôn giáo đương thời cũng như văn hóa của một số nước Đông phương về người nữ như “Tam tòng tứ đức”, Phật giáo chủ trương bình đẳng, không phân biệt giới tính. Như khi vua Pasenadi được hạ sinh một công chúa, vua buồn rầu đến gặp Phật được đức Phật dạy: “Có một số thiếu nữ thưa đức vua, đôi khi còn tốt hơn con trai. Vì thiếu nữ ấy khi trưởng thành có trí tuệ và đức hạnh được cha mẹ chồng vị nể. Rồi sinh được con trai là anh hùng quốc chủ của một quốc gia.”[3] Tầm nhìn của một nhân cách vĩ đại làm lu mờ định kiến xã hội. Dù là người nam hay người nữ, đời sống đạo đức, trí tuệ vẫn được nêu cao, là nguồn gốc hình thành xã hội chứ không phụ thuộc vào giới tính, đó là quan điểm rất mới của đức Phật.
Về các chướng ngại ngăn chặn người nữ đến với quả vị bậc Thánh, đức Thế Tôn cho rằng:
- Người đàn bà khi còn trẻ đi đến nhà chồng, không có bà con.
- Người đàn bà có kinh nguyệt.
- Người đàn bà phải mang thai.
- Người đàn bà phải sinh con.
- Người đàn bà hầu hạ đàn ông.[4]
Đức Phật nói lên những điều trên theo cái nhìn khách quan, không phải vì lạm dụng để chèn ép nữ giới. Trong các chướng ngại này, có những yếu tố thuộc về sinh lý, là chức năng của người phụ nữ. Người nữ tới tháng hành kinh nhưng nếu người nữ sạch sẽ, tự chăm sóc bản thân không để chuyện hành kinh ảnh hưởng đến trạng thái của tâm thì không thể coi đó là chướng ngại. Đối với việc sinh con, đó là thiên chức của người phụ nữ, nếu người nam có sức mạnh chịu đựng làm những việc khó khăn thì người nữ mang thai chín tháng mười ngày, phần chịu đựng của người nữ cũng không kém, chịu sự nghén, chịu mang một bụng to, chịu rạn da,… đặc biệt hơn là trong lúc sinh nguy hiểm vô cùng. Nếu coi đó là một chướng ngại thì tại sao không coi đó là một điều cao thượng đáng trân trọng mà lại chỉ nhìn vấn đề một cách sai trái, cố chấp. Những chướng ngại còn lại phần lớn là do phong tục tập quán của con người tạo ra, như ngày nay, rất nhiều người nữ có thể tự chi trả cho cuộc sống trong gia đình, không còn phải phục tùng, hầu hạ đàn ông. Phong tục tập quán do con người tạo ra và có thể thay đổi, chủ yếu là có chịu nhìn nhận và thay đổi hay không. Nếu cho rằng: “Nữ nhân không thỏa mãn với ba việc ân ái, nữ trang và sinh con”[5], nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu xã hội thiếu đi giá trị tình thương, đặc biệt là tình mẫu tử. Hơn nữa, dục tính không phải chỉ xuất hiện ở người nữ, người nam cũng có, bất kì ai chịu sự chi phối của dục tính đều đưa đến đau khổ lâu dài cho người đó.
Bậc Đạo sư từng nói người nữ là bẫy mồi của ma: “Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một tiếng nào khác... một hương nào khác... một vị nào khác... một xúc nào khác lại khả ái như vậy, đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, trói buộc như vậy, say sưa như vậy, chướng ngại như vậy cho sự đạt đến an ổn khỏi các khổ ách, tức là, này các Tỷ-kheo, cảm xúc của nữ nhân. Và này các Tỷ-kheo, loài hữu tình nào ái nhiễm, tham luyến, tham đắm, say đắm, say mê cảm xúc nữ nhân, chúng sẽ bị sầu ưu lâu dài, vì bị rơi vào uy lực của nữ xúc. Nữ nhân, khi đang đi, sẽ đứng lại để chinh phục tâm người đàn ông; khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi cười, khi nói, khi hát, khi khóc, khi bất tỉnh, khi chết, sẽ đứng lại để chinh phục tâm người đàn ông.”[6] Người nữ là bẫy mồi khi nào người nam không tự kiềm chế được lòng tham dục, nhưng đã sập bẫy vẫn chưa chắc sẽ bị đau khổ, khi nào người đó tự cắn mồi mới dẫn đến khổ đau. Người nam ưa thích mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của người nữ thì ngược lại người nữ cũng ưa thích mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của người nam. Nếu người nữ là bẫy mồi của người nam thì người nam cũng là bẫy mồi của người nữ, con người chỉ vì ngu si nên không thấy được bản chất, nếu dùng chính kiến thấy rõ bản chất sự vật thì không gì có thể làm hại được. Khi đức Phật sắp thành đạo, Ngài cũng bị ma vương quấy phá với các ma nữ là bẫy mồi. Đó chính là hình ảnh của Yasodhara hiện ra trong tâm, nhưng với chính kiến Thế Tôn đã không bị sập bẫy. Đức Phật dạy với chính kiến vị ấy quán sát: “Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sinh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc"[7], nhờ quán sát như vậy nên thấy rõ: “Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn”[8]. Người đó không tham đắm vào sắc pháp của ta và sắc pháp của người, chính không tham đắm đó vẫn có thể thoát ra được dù cho có bị mắc bẫy.
Sự phân biệt đối với người nữ không chỉ xuất hiện bên ngoài xã hội Ấn Độ, trong tăng đoàn cũng có. Tại buổi kết tập kinh điển lần đầu tiên, Ca Diếp cử tội A Nan, trong đó có tội: “Cho phép người nữ đãnh lễ nhục thân của Đức Thế Tôn trước tiên; trong khi họ khóc lóc, nhục thân của ĐứcThế Tôn đã bị lấm lem bởi nước mắt” và thứ hai là “nỗ lực cho sự xuất gia của phụ nữ trong Pháp và Luật đã được Đức Như Lai công bố”.[9] Với hai tội này, Anan lần lượt giải thích rằng vì không thể cho người nữ ở lại ban đêm nên cho vào đảnh lễ Phật trước và bà Mahapajapati Gotami là dì ruột của đức Phật, là người chăm sóc nuôi dưỡng, là người cho sữa khi mẹ ruột qua đời, do đó Anan mới cầu xin cho người nữ được xuất gia.
Ngoài ra có một số ý kiến cho rằng do người nữ xuất gia, chính pháp bị giảm đi 500 năm hay quan niệm người nữ nghiệp nặng. Đó là quan điểm sai lầm bởi đức Phật sẽ không vì 500 năm đó mà ngăn cản khả năng chứng thánh quả của người nữ, không cho phép người nữ xuất gia. Với trí tuệ và lòng từ bi, bậc Đại giác đã cho phép thiết lập ni đoàn. Khi nào tăng chúng thực hành chính pháp theo 7 pháp diệt tránh mà đức Phật đã dạy,[10] tăng đoàn sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm, nhờ đó, chính pháp cũng sẽ được tồn tại lâu dài. Đó là trách nhiệm của người đệ tử Phật bảo vệ chính pháp trường tồn, phụ thuộc vào ý thức và trách nhiệm của chung chứ không vì ai mà chính pháp bị suy giảm. Mặt khác, chưa có kinh điển nào ghi chép rằng nghiệp của người nữ nặng hơn người nam. Đây là một lối tư duy phân biệt giới tính rõ rệt, bởi Thế Tôn từng nói: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa.”[11] Nghiệp là kết quả tư duy và hành động, hoàn toàn không phải do giới tính quyết định. Thái độ phân biệt, cố chấp không phải xuất phát từ đức Phật, do chính con người tạo ra, gây khổ đau cho chính mình và cho người khác. Tính yếu mềm khiến dễ người nữ dễ bị xiêu lòng nhưng không có nghĩa là nữ giới không nỗ lực tu tập để bản thân đạt được giác ngộ. Bằng chứng là thập đại đệ tử ni tương đương với thập đại đệ tử tăng được ghi lại trong kinh điển. Nếu nữ giới yếu kém thì Ni đoàn có lẽ không thể tồn tại cho đến ngày nay. Để khắc chế bản tính yếu đuối của người nữ, đức Phật đã chế các giới như phải đến tăng để cầu pháp trong các đại giới đàn, hay nương tựa tăng trong các tháng an cư. Qua đó, chúng ta phải nhìn nhận rằng trách nhiệm của vị tăng cũng không thể xem nhẹ, cần nên có những cách hướng dẫn sao cho hợp lý theo thời đại.
Đức Phật khi gặp một người nữ Ngài không trốn chạy, Ngài nhìn trực diện vào vấn đề với chính niệm, không tham đắm, không cố chấp. Thực hành chính niệm để nhận thức được bản thân đang sống ở thực tại không bị mơ hồ để chấp nhận mọi vấn đề xảy ra, không phán xét đánh giá, không đam mê tham đắm hay không cố gắng loại trừ xua đuổi. Đức Phật từng nói về 5 đức tính của người nữ: “Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, lanh lợi không biếng nhác, có khả năng sinh con”[12] hay bài kệ: “Nữ tính chướng ngại gì/ Khi tâm khéo thiền định/ Khi trí tuệ triển khai/ Chính pháp quán vi diệu/ Ai tự mình tìm hỏi:/ Ta nữ nhân, nam nhân.”[13] Qua đó, Đức Phật khẳng định người nữ cũng có khả năng chứng các Thánh quả nếu vượt qua các tham luyến với sự tinh cần nỗ lực, sống trong sức mạnh của giới hạnh. Nữ nhân hay nam nhân chỉ là một cách gọi để phân biệt giới tính trong xã hội. Nếu từ bỏ các tập khí, vượt qua các giới hạn về tính yếu đuối, người nữ có thể thành bậc chân nhân theo lời Phật dạy. Chỉ cần bản thân cố gắng tự tạo và phát huy năng lực làm lợi ích cho đời, làm đẹp cho đạo, hướng về các thiện pháp thì người nữ xứng đáng được trân trọng.
Tóm lại, sự phân biệt giới tính bất cứ thời gian nào, thời đại nào cũng tồn tại, con người muốn được tôn vinh hay bị hạ thấp đều do cách sống, suy nghĩ và hành động. Mỗi con người dù là nữ hay nam, đời sống đạo đức luôn là thước đo giá trị nhất, bởi: “Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh chỗ đó có trí tuệ. Chỗ nào có trí tuệ chỗ ấy có giới hạnh… giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời.”[14] Vì vậy, người nữ hay một tỳ kheo ni có quyền tự tin vào bản thân có thể làm nên những điều quan trọng, đáng được tôn kính, khi sống trong ngôi nhà trí tuệ, giới đức.
Mỗi người sinh ra trong cuộc đời, họ không được lựa chọn nơi bắt đầu nhưng chính họ là người quyết định cách sống của mình. Giá trị của một con người nằm ở ý thức và trách nhiệm. Người nữ từ xưa đã bị tư tưởng trọng nam khinh nữ phân biệt đối xử nhưng khi xã hội phát triển, đời sống nhân văn được nêu cao thì những điều bất công đối với người nữ sẽ dần bị loại trừ. Với trí tuệ sáng suốt, Thế Tôn đã dùng nhiều phương tiện thiện xảo để khích lệ tinh thần của người nữ, giáo dục và hướng nữ giới thoát khỏi những đối xử hà khắc, giá trị của người nữ lần đầu tiên được nêu lên, được quan tâm ở Ấn Độ. Đức Phật không phải là người giải phóng phụ nữ, không phải là một nhà cách mạng văn hóa tư tưởng. Đối với vấn đề kỳ thị nữ giới trong xã hội, Đức Thế Tôn không chống đối cũng không tán đồng, Ngài chỉ đưa ra quan điểm giải thích về những ưu khuyết điểm của người nữ, hướng con người đi đến đạo đức, công bằng. Nhờ đó, bức tường uy quyền tục lệ trong xã hội dần bị xóa bỏ, các giá trị nhân bản được nâng cao giúp con người tôn trọng, thấu hiểu và yêu thương lẫn nhau bằng đôi mắt trí tuệ chân chính.
Tác giả: Thích nữ Chơn Thuỳ
*** Chú thích [1] F. Max Muller (1886), The Sacred of The East, Publisher Oxford, Claredon press, p. 195. [2] Thích Minh Châu (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập I, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 219. [3] Sđd, tr. 554. [4] Thích Minh Châu (2018), Kinh Tương Ưng Bộ, tập II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 304. [5] Thích Minh Châu (2017), Kinh Tiểu Bộ, tập IV, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 606. [6] Thích Minh Châu (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập I, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 668. [7] Thích Minh Châu (2018), Kinh Trường Bộ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 161. [8] Thích Minh Châu (2018), Kinh Trung Bộ, tập I, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 175. [9] Indacanda (2017), Bộ Luật, Bộ hợp phần Tiểu phẩm, tập II, Nbx Tôn giáo, Hà Nội, tr. 405. [10] Thích Minh Châu (2018), Kinh Trường Bộ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 280-284. [11] Thích Minh Châu (2018), Kinh Trung Bộ, tập I, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 239-240. [12] Thích Minh Châu (2018), Kinh Tương Ưng Bộ, tập II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 303. [13] Thích Minh Châu (2018), Kinh Tương Ưng Bộ, tập I, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 210-211. [14] Thích Minh Châu (2018), Kinh Trường Bộ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 120.
Bình luận (0)