Yếu tố phạm hạnh toát ra từ tâm người nữ tu Phật giáo không chỉ quyết định tư cách của một người con gái đức Phật mà còn trở thành một hình tượng đẹp vô cùng quan trọng góp phần nuôi dưỡng tâm linh và xây dựng lòng tin của mọi người đối với Phật pháp
Thích nữ Như Nghiêm Học viên Cao học Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023
Dẫn nhập: Đức Phật đã nhập Niết bàn hơn 2500 năm nhưng đời sống phạm hạnh của Ngài vẫn còn truyền lưu mãi ở thế gian. Đời sống ấy được xông ướp bằng hương thơm của Giới – Định – Tuệ, trở thành dòng chảy đạo hạnh miên viễn trong đời sống tăng đoàn. Trải qua một thời gian hoà nhập phát triển cùng xã hội, hương thơm đức hạnh ấy tuy có nhiều đổi thay về tướng trạng, nhưng bản chất vẫn giữ nguyên như phương châm ‘tùy duyên bất biến’ của nhà Phật.
1. Giới phẩm và tuổi tác nói lên phẩm hạnh của một Tỳ-kheo-ni?
Vào thời đức Phật, tôn giả Mahāpajāpatī Gotamī được Thế Tôn khen ngợi là “tỳ-kheo-ni đệ nhất trong hàng Thanh văn, xuất gia học đạo lâu, được quốc vương cung kính.”(1) Mahāpajāpatī được tôn kính không phải bởi bà là hoàng hậu của vương quốc Sakya hay di mẫu của đức Phật mà chính vì đức hạnh của bà. Không những thế, di mẫu còn là người có công lớn trong việc thành lập ni đoàn, giúp người nữ được xuất gia và khẳng định vị thế của mình trong đạo giải thoát. Cullavagga II mô tả di mẫu sau ba lần thỉnh Phật cho người nữ xuất gia nhưng không được chấp thuận, bà đã “nhờ người cạo tóc, khoác y ca-sa cùng nhiều người nữ dòng Sakya ... đi đến Vesāli ... với hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm”(2). Đáng quý hơn, di mẫu đã cùng các vị thuộc dòng dõi hoàng tộc thọ nhận Bát kỉnh pháp như một loại phục sức để trang nghiêm pháp thân khi đứng trong hàng ngũ tăng già, Ngài hoan hỉ thốt lên rằng: “Ví như một người đàn bà..., còn đang tuổi trẻ, tính ưa trang sức, sau khi gội đầu xong, sau khi được một vòng hoa sen xanh..., dùng hai tay cầm lấy vòng hoa và đặt lên đỉnh đầu(3). Như vậy, tôn kính giới luật, hoan hỉ thọ giới và nghiêm trì giữ giới là trang sức quý giá giúp người nữ tô vẽ phẩm hạnh của mình. Bởi vì:
“Giới như đèn sáng lớn. Soi sáng đêm tối tăm. Giới như gương báu sáng. Chiếu rõ tất cả pháp”(4).
Việc thọ nhận và hành trì giới luật một cách nghiêm mật giúp các tỳ-kheo-ni buông bỏ tự ngã để sống đời xuất gia phạm hạnh giản dị. Từ đó có thể thấy, giới phẩm và tuổi tác chỉ tạo nên phẩm hạnh của một tỳ-kheo-ni khi vị ấy không ngừng tu tập, sửa đổi bản thân; nỗ lực từ bỏ những tập khí bất thiện tham, sân, si để phát huy những đức hạnh cao quý như bố thí, trì giới, thiền định.
Đặc biệt, trong kinh Tạp A-hàm, kinh 547 đức Phật khẳng định: “Nếu có người nào già cả đến 80 - 90 tuổi, tóc bạc, răng rụng, mà chỉ thành tựu được pháp thiếu niên, người này chẳng phải là bậc tôn túc. Ngược lại, tuy là người tuổi trẻ khoảng 25, da trắng, tóc đen, khỏe mạnh, hoàn toàn đẹp đẽ, mà thành tựu được pháp của bậc cao niên, thì được kể vào hàng tôn túc”(5). Như thế, một người xứng đáng được gọi là bậc tôn túc khi và chỉ khi người ấy “ở trong năm phẩm chất của dục (bao gồm sắc, thanh,… xúc được nhận thức bởi mắt, tai,… thân, đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ nghĩ) mà lìa tham, lìa ái, lìa niệm tưởng, lìa khát vọng”(6) mới được gọi là thành tựu pháp của bậc chân nhân và được kể vào hàng tôn túc.
Như vậy, tuổi tác và giới phẩm có làm nên phẩm hạnh của một vị tỳ- kheo-ni hay không, phụ thuộc vào việc vị ấy đã tu tập, sửa đổi bản thân mình như thế nào trong giáo pháp Như Lai. Một tỳ-kheo-ni phạm hạnh không những sống đời an lạc giải thoát mà còn trở thành bậc mô phạm cho người khác quy hướng và kính ngưỡng.
2. Ảnh hưởng của đời sống vật chất đến phạm hạnh Tỳ-kheo-ni
Trong kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, đức Phật dạy hai loại chướng ngại mà một người xuất gia phải từ bỏ: “Một là tâm đắm trước vào cảnh dục, khó thoát ly vì cảnh này không phải là cảnh mà bậc Thánh để mắt, không phải là nhân giải thoát, không mang lại sự ly dục, cũng chẳng dẫn đến Niết-bàn; Hai là người không chân chính tư duy sẽ mang lại khổ não tự thân, không những khổ trong quá khứ mà còn chịu khổ quả ở hiện tại và tương lai.”(7) Người tham đắm ngũ dục được đức Phật ví như con chó đói mà gặm xương khô, như kẻ cầm lửa đi ngược gió. “Người mê ngũ dục như nhốt con rắn độc, như giọt mật ngọt trên đầu lưỡi dao bén nhọn.”(8) Quả thực, đời sống xuất gia ngày nay chịu sự ảnh hưởng của vật chất khá nặng, có khi chúng ta không nhận ra. Việc lạm chiếm của thường trụ, tiêu sài của tín thí không đúng pháp, không đúng mục đích; lấy của chung làm của riêng,... vì lợi ích cá nhân đâu đó vô tình vẫn còn tồn tại. Nó được ẩn hình dưới nhiều lí do mà người hành đạo thường cho là phương tiện. Đây thật sự là hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi người xuất gia trên con đường hoằng pháp, lợi sinh. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do lòng tham dục trói buộc con người. Kinh Tạp A-hàm nói: “Chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, ...cho đến chẳng phải ý kết buộc pháp, hay pháp kết buộc ý, mà ở giữa hai cái đó, cái gì là dục tham thì cái đó là kết buộc.”(9) Cho nên, Thế Tôn dạy mọi người kiến lập phạm hạnh để đoạn tận khổ, làm sao để khi mắt thấy sắc,... không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, dù tốt hay xấu đều không khởi dục tham. Hay nói cách khác, khi “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhận thức pháp, phát sinh hỷ. Nếu hỷ này được đoạn tận, vô dục, tịch diệt sẽ đạt đến rốt ráo vô cấu, cứu cánh thanh tịnh.”(10) Đây là đạo lộ tu tập mà mỗi tỳ-kheo-ni phải luôn hướng đến trên con đường tiêu trừ nghiệp chướng, thể chứng Niết-bàn, sống giải thoát, xứng đáng làm bậc thầy mô phạm về đạo đức, phẩm hạnh cho tín đồ.
3. Tài sản một vị Tỳ-kheo-ni nên thừa tự và giá trị của phẩm hạnh
Người xuất gia tuy không trực tiếp làm ra của cải vật chất nhưng bằng việc trang nghiêm tự thân, chúng ta đã góp phần gìn giữ giềng mối đạo đức và trở thành ruộng phước tối thắng cho phật tử. Trong kinh Tăng Chi Bộ 3, đức Phật dạy bảy loại tài sản khiến những ai có được không nghèo khổ gồm: “Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài và tuệ tài.”(11) Bảy loại này không bị lửa, nước, vua chúa, kẻ ăn trộm, thù địch chi phối. Ai có tài sản này, người ấy là đại phú, thiên nhân giới khó thắng được.(12) Đối với các tỳ-kheo-ni, việc tích lũy bảy loại tài sản xuất thế gian không những giúp họ phát triển niềm tin, trau dồi giới hạnh, đạo đức của một người nữ mà còn giúp họ phát huy khả năng học tập chính pháp, chứng đắc các cảnh giới giải thoát để thực hành hạnh lợi tha, mang đạo vào đời cứu giúp chúng sinh đồng chứng Niết-bàn.
Mặt khác, bởi lẽ tâm sinh lý của người nữ quá yếu mềm, tính tình dễ thay đổi, lại có 84 thói mê hoặc người khiến họ khó đắc đạo như “ưa thích trang điểm sắc đẹp; thích son phấn để mê hoặc người nam;... khinh thường người cô độc, yếu đuối, thích tỏ ra hơn người; đặc biệt là thích tham dâm, luôn ganh ghét, nghi nhiều tin ít.”(13) Cho nên, để có niềm tin kiên cố với chính pháp, tỳ-kheo-ni phải luôn củng cố và thành tựu Tứ bất hoại tín vì những ai “thành tựu lòng tin tịnh tín bất động đối với Phật, Pháp, Tăng và Giới được gọi là giàu, rất giàu, có tài sản lớn, có danh xưng lớn.”(14) Đây sẽ là tài sản vô giá đối với các tỳ-kheo-ni bởi thành tựu bốn lòng tin này giúp “một nữ Thánh đệ tử được tăng trưởng trong Thánh tăng trưởng, nắm giữ được những lõi cây (căn bản, tinh vi) và những điểm tốt đẹp nhất về thân.”(15) Nhờ vậy các tỳ-kheo-ni thẳng tiến đến quả vị giải thoát như lời khẳng định của đức Phật: “Không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm… mà còn nhiều hơn thế nữa những Tỳ kheo ni, đệ tử của Ta đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát”(16).
Trong kinh Thừa tự pháp, đức Phật còn dạy các đệ tử “hãy thừa tự pháp của Ta, đừng thừa tự tài vật”(17). Bởi lẽ, những khổ đau trong tam giới này chỉ có phật pháp mới có thể chuyển hóa và cứu độ. Người nữ mang trên mình nhiều nghiệp chướng sâu nặng, nếu không có chính pháp sẽ chẳng có pháp nào khác có thể giải thoát họ ra khỏi vòng túng quẩn khổ ách của tham ái. Chỉ khi nào từ bỏ sợi dây tham ái, dùng chính pháp chuyển hóa những phiền não, nghiệp chướng sâu dày từ vô thỉ kiếp, xa lìa các dục lạc thế gian, người nữ mới mong chứng quả Chính đẳng giác như lời tuyên bố của đức Phật: “Sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong pháp và luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được quả Dự lưu, Nhất lai, Bất lai hay quả A-la-hán.”(18) Vì thế, là người xuất gia, đặc biệt là những tỳ-kheo-ni cần phải thành tựu chính kiến để thừa kế gia tài pháp bảo của Như Lai.
Có thể nói, tài sản chính pháp là thứ tài sản bền vững nhất, cũng là chất liệu quý giá làm nên phẩm hạnh, giá trị đạo đức, tư cách chân chính của một tỳ-kheo-ni trong sự tu tập và hoằng pháp. Nhận thức tầm quan trọng của việc huân tu tam vô lậu học trên lộ trình tu tập, các tỳ-kheo-ni phải luôn lấy giới làm nền tảng để xây dựng và kiện toàn đạo đức, phẩm hạnh của mình trên con đường thể nhập Phật tính và giữ gìn phẩm chất của tự thân khi hành đạo, xứng đáng là bậc thầy mô phạm của chúng sinh, là con gái của đức Phật và xứng đáng với sự tin tưởng của Thế Tôn dành cho người nữ khi Ngài vượt qua mọi sự phản ứng gay gắt của xã hội Ấn Độ để cho phép người nữ gia nhập vào tăng đoàn Phật giáo với tuyên bố hùng hồn: “Dầu cho loài hữu tình nào, không chân hay hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hay phi tưởng phi phi tưởng, Thế Tôn bậc A La Hán, Chính đẳng giác được xem là tối thượng. Những ai đặt lòng tin vào đức Phật, đặt lòng tin vào tối thượng sẽ chứng được quả dị thục tối thượng.”(19) Ngay trong lời tuyên bố này, đức Phật đã thiết lập lại quan niệm bình đẳng giới tính, bình đẳng quả vị tu chứng; đồng thời khẳng định vị trí, khả năng chứng đắc, giác ngộ chân lý tối thượng của nữ giới trong mọi thời đại.
Kết luận
Có thể nói, dẫu vào thời kỳ Phật giáo nào, yếu tố phạm hạnh vẫn luôn là điều kiện tiên quyết hình thành nên tư cách, đạo đức, phẩm chất của một vị xuất gia đặc biệt là người nữ. Chính vì thế yếu tố phạm hạnh toát ra từ tâm người nữ tu Phật giáo không chỉ quyết định tư cách của một người con gái đức Phật mà còn trở thành một hình tượng đẹp vô cùng quan trọng góp phần nuôi dưỡng tâm linh và xây dựng lòng tin của mọi người đối với Phật pháp. Ý thức được điều đó, chư tỳ-kheo- ni phải luôn hướng tâm vào sự tu tập, thừa tự chính pháp và xây dựng đời sống tâm linh hướng thượng không những là cách để thể nhập vào nguồn tâm vô tận và diện kiến Phật tính nơi chính mình mà còn góp phần xây dựng một tăng đoàn hòa hợp, thanh tịnh, giải thoát; trở thành chứng nhân đầy sức thuyết phục về đời sống phạm hạnh của Thế Tôn từ xưa đến nay và mãi về sau.
Thích nữ Như Nghiêm Học viên Cao học Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023 ***CHÚ THÍCH: (1) Thích Đức Thắng (Việt dịch), kinh Tăng nhất A-hàm 1, 5. Phẩm Tỳ-kheo-ni, kinh số 1, Nxb Phương Đông, TP. HCM, 2011, tr. 78. (2) Tỳ-kheo Indacanda, Tạng Luật – Tiểu Phẩm 2, Chương Tỳ Khưu Ni, Nxb Tôn Giáo, 2010, tr. 471. (3)《中阿含經》卷28〈林品 5〉:「中阿含林品[5]瞿曇彌經第十」(CBETA, T01, no. 26, p. 605, a8) (4) HT. Thích Trí Tịnh (Việt dịch), Kinh Phạm Võng, Nxb Tôn Giáo, 1997, tr.6. (5) Thích Đức Thắng (Việt dịch), kinh Tạp A-hàm, quyển số 20, Kinh 547. Túc sĩ, Nxb Phương Đông, 2010, tr. 679. (6) Sđd, tr. 680. (7)《方廣大莊嚴經》卷11〈26 轉法輪品〉:「佛告諸比丘...汝等應知,出家之人有二種障。何等為二 ? 一者、心著欲境而 不能離,是下劣人,無識凡愚,非聖所行,不應道理,非解脫因,非離欲因,非神通因,非成佛因 ,非涅槃因。二者、不 正思惟自苦其身而求出離過現未來皆受苦報。比丘汝等當捨如是二邊。」(CBETA, T03, no. 187, p. 607, b13-24). (8) HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 22. Kinh Ví Dụ Con Rắn, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 174. (9) Thích Đức Thắng dịch, Kinh Tạp A hàm, kinh 250. Câuhila (2), HVHGDLSĐB xuất bản, 2000, tr. 291. (10) Thích Đức Thắng dịch, Kinh Trung A-hàm 3, kinh 163. Kinh Phân biệt lục xứ, HVHGDLSĐB xuất bản, 2000, tr. 427. (11) ĐTKVN, Tăng Chi Bộ 3, chương 7, phẩm Tài sản, phần Các tài sản rộng thuyết, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.280 (12) ĐTKVN, kinh Tăng Chi Bộ III, chương Bảy pháp, phẩm Tài sản, (7) Ugga, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr. 283 (13) Linh sơn Pháp bảo Đại tạng kinh, Bộ luật kinh số 1478, Kinh Đại Ái Đạo Tỳ-kheo-ni, quyển hạ, 84 tánh xấu của nữ nhân, tr. 26-28. (14)《雜阿含經》卷30:「若聖弟子成就四不壞淨者,不於人中貧活而活,不寒乞,自然富足。何等為四?謂於佛不壞淨成 就,法、僧、聖戒不壞淨成就。是故,比丘!當如是學:『我當成就於佛不壞淨,法、僧不壞淨,聖戒成就。』」(CBETA, T02, no. 99, p. 214, a15-20) (15) Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng Bộ 4, Tương Ưng Nữ Nhân, Phẩm Các Sức Mạnh, Phần Tăng Trưởng, VNCPHVN ấn hành, 1991, tr. 394. (16) Thích Đức Thắng dịch, Kinh Tạp A-hàm, quyển 34, kinh 964. Xuất gia, HVHGDLSĐB xuất bản, 2000, tr. 3613. (17) Tuệ Sỹ (Việt dịch), Kinh Trung A-Hàm 2, phẩm 9: phẩm Uế, kinh 88. Kinh Cầu Pháp, Nxb Phương Đông, 2010, tr. 718-719. (18) Tuệ Sỹ (Việt dịch), Kinh Trung A-Hàm 2, phẩm 11. Lâm, kinh 116. Cù-đàm-di, Nxb Phương Đông, 2010, tr. 315. Tương đương với kinh Tăng Chi Bộ 3, phẩm Gotami. (19) HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương IV Bốn Pháp, IV. Phẩm Bánh Xe, VNCPHVN, TP. HCM, 1996, tr. 614.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1.《中阿含經》卷28〈林品 5〉 (CBETA, T01, no. 26) 2.《雜阿含經》卷30 (CBETA, T02, no. 99) 3.《緇門警訓》卷1 (CBETA, T48, no. 2023) 4.《方廣大莊嚴經》卷11〈26 轉法輪品〉 (CBETA, T03, no. 187) 5. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1, VNCPHVN, TP. HCM, 1996. 6. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng Bộ 4, VNCPHVN ấn hành, 1991. 7. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 8. ĐTKVN, Tăng Chi Bộ 3, VNCPHVN ấn hành, 1996. 9. ĐTKVN, kinh Tăng Chi Bộ III, VNCPHVN ấn hành, 1996. 10. Linh sơn Pháp bảo Đại tạng kinh, Bộ luật kinh số 1478, Kinh Đại Ái Đạo Tỳ-kheo-ni. 11. Tuệ Sỹ dịch, Kinh Trung A-Hàm 2, Nxb Phương Đông, 2010. 12. Thích Đức Thắng dịch, kinh Tăng nhất A-hàm 1, Nxb Phương Đông, TP. HCM, 2011. 13. Thích Đức Thắng dịch, Kinh Trung A-hàm 3, HVHGDLSĐB xuất bản, 2000. 14. Thích Đức Thắng dịch, kinh Tạp A-hàm, Nxb Phương Đông, 2010. 15. HT. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Phạm Võng, Nxb Tôn Giáo, 1997. 16. Tỳ-kheo Indacanda, Tạng Luật – Tiểu Phẩm 2, Nxb Tôn Giáo, 2010.
Bình luận (0)