Tác giả: Thích Nữ Hạnh Từ Chùa Vương Xá, Đà Lạt, Lâm Đồng

Từ ngàn xưa, Ấn Độ vốn là một quốc gia đa thần giáo với một hệ thống tín ngưỡng phức tạp, tư tưởng sai lệch đã không đưa con người đến một hạnh phúc thực sự như họ hằng mong muốn. Thật không khó để bắt gặp những đạo sĩ tu hành khổ hạnh ép xác, chỉ còn da bọc xương với vô số lối hành xác vô cùng khắc nghiệt trên đất nước này.

Chính đức Từ Phụ của chúng ta trước khi giác ngộ Ngài cũng đã trải qua sáu năm ròng tu hành theo lối khổ hạnh, quá đỗi suýt nữa mất mạng nhưng rốt cuộc chẳng đem lại kết qủa gì. Qua đó ngài tự chiêm nghiệm nếu như con người quá hưởng thụ vật chất, điều kiện quá sung túc thì rất dễ chìm đắm trong dục lạc mà mất tự chủ, quên đi chính bản thân mình. Từ đó con đường Trung đạo đã được Ngài khai sáng và tự thân chứng nghiệm, Ngài chính là nhân chứng sống cho việc áp dụng giáo lý này có thể mang lại hạnh phúc đích thực. Trung đạo không chỉ là quan điểm sống của Phật giáo, biểu hiện tinh thần trung dung cởi mở không cố chấp, nó còn là một hệ thống triết học thâm sâu của Phật giáo Đại thừa. Trung đạo cũng được dùng để chỉ giáo pháp Trung quán của ngài Long Thọ, Trung đạo ở đây là thái độ từ bỏ hai quan điểm cực đoan thế giới là trường tồn hay hoại diệt, thế giới là có (hữu) hay không có (vô). Vậy giữa Trung đạo của đức Phật và Trung Quán của Ngài Long Thọ có những điểm gì giống và khác nhau chúng ta hãy cùng phân tích.

Long Thọ là một luận sư vĩ đại nhất của lịch sử Phật giáo Đại thừa, giới nghiên cứu Phật giáo Đại thừa xem sự xuất hiện của ngài là lần chuyển pháp luân thứ hai của Phật giáo. Phật giáo Đại thừa Ấn độ xếp ngài vào "Sáu Bảo Trang của Ấn Độ". Trong tranh tượng, ngài là vị Bồ tát duy nhất sau Phật Thích Ca được trình bày với chóp trên đỉnh đầu, một dấu hiệu của một vị đại giác. Mặc dù Long Thọ không sáng lập tông môn và dường như chỉ có một đệ tử là Thánh Thiên nhưng ngài được đời sau cho là vị sáng lập Trung Quán tông và tám tông phái Đại thừa từ Mật Tông, Thiền Tông… đều tôn xưng ngài tổ.

Ngài rất tôn kính đức Phật nên đã học theo tư tưởng của đức Phật trong kinh tạng Đại thừa cụ thể là văn học Bát nhã Ba la mật, cho nên tư tưởng Đại thừa của Long Thọ lấy từ kinh điển nguyên thuỷ vì thế giáo lý này có những điểm tương đồng. Học thuyết Trung đạo được đức Phật đề cập đến trên thực tế là con đường Bát chánh đạo, và ứng dụng của Bát chánh đạo là xa lìa tất cả những gì thuộc về hai thái cực đối lập nhau. Cặp phạm trù đối lập mang tính thái cực được đức Phật nêu ra trong Kinh Chuyển Pháp Luân: “Này các Tỳ kheo, có hai điều thái quá, người xuất gia không nên theo. Thế nào là hai? một là mê đắm dục lạc, hạ liệt, phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Hai là tu khổ hạnh, khổ đau, không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Này các Tỳ kheo, chính nhờ từ bỏ hai điều thái quá này, Như Lai giác ngộ trung đạo, con đường đem đến pháp nhãn, trí huệ đưa lại an tịnh, thượng trí, chứng Niết bàn”. Chính hai cực đoan này là những gốc rễ của tư duy sai lầm khiến con người mãi chìm đắm trong đau khổ, trong đạo Phật cực đoan là chướng ngaị lớn nhất ngăn che chúng ta tiếp cận giáo pháp.

Những gì thuộc về phương pháp tu tập vượt lên trên hai thái cực vừa nêu và các thái cực đối lập khác thì đều được gọi chung là Trung đạo. Còn diễn đạt một cách cụ thể con đường trung đạo mà đức Phật nêu ra là Bát Chánh Đạo. Khi con người sống bằng chánh kiến thì người ấy có sự suy nghĩ chân chính; vì có suy nghĩ chân chính cho nên nói lời chân chính và việc làm cũng chân chính, mạng sống cũng được chân chính; cũng nhờ chính kiến chính tư duy này, cho nên sự nổ lực cố gắng của vị ấy cũng chân chính, niệm cũng được chân chính, do niệm đã chân chính, cho nên vị ấy sống và làm việc trong định; ai sống trong định thì người ấy có trí tuệ; người có trí tuệ là người biết việc đúng việc sai, việc thiện việc bất thiện, việc lợi mình lợi người, việc hại mình hại người, nhờ biết như vậy cho nên vị ấy không rơi vào hai cực đoan này. Đây chính là ý nghĩa được đức Phật định nghĩa Trung đạo là con đường Bát Chánh Đạo.

Long Thọ chủ trương trung đạo khác với đức Phật về phương diện khái niệm. Con đường Trung đạo được ngài Long Thọ nêu ra đồng nghĩa với duyên khởi, giả danh, không tính. Khái niệm Trung đạo của ngài Long Thọ xoay quanh bốn khái niệm vừa nêu. Trong kinh tạng Pali được đức Phật triển khai đầy đủ, đến văn học Đại thừa thì những tư tưởng này được triển khai rộng mở, thuyết phục những giới tri thức đặt nặng về triết học, giới tri thức đặt nặng về tôn giáo học. Như vậy, nói về nội hàm của Trung đạo mà Long Thọ chủ trương thì nó có nội dung rất khác với nội dung trung đạo của đức Phật.

Nếu đi vào bốn phương diện trung đạo mà Long Thọ nêu ra thì những thứ này đức Phật đã nói trong kinh tạng Pali rất nhiều. Nhưng những thứ này đức Phật không gọi là Trung đạo mà Ngài gọi là chính tri kiến và thực tập theo đó thì ứng dụng có được như lý tác ý, nhận thức như thật và theo đuổi các học thuyết này ứng dụng trong đời sống thực tiễn về phương diện nhận thức thì người đó sẽ đạt được trí tuệ. Các kinh điển Đại Thừa về sau như kinh Pháp Hoa gọi đó là tri kiến Phật, kinh Lăng Già gọi nó là Như Lai Tạng, một số kinh khác gọi là trí tuệ Ba la mật.

Ngài Long Thọ đã bày tỏ quan điểm của mình trong hai bài tụng Trung Luận XXIV, 18 và 19 để nói về trung đạo và được các luận sư xem hai bài tụng này như thiết lập nền tảng của triết học Trung Quán:

18.“Chúng nhân duyên sinh pháp Ngã thuyết tức thị vô Diệc vi thị giả danh Diệc thị trung đạo nghĩa.

19. Vị tằng hữu nhất pháp Bất tùng nhân duyên sinh Thị cố nhất thiết pháp Vô bất thị không giả”.

Bồ tát Long Thọ xác quyết mối quan hệ đồng nhất giữa ba phương pháp mô tả duyên khởi: Không, Giả danh, và Trung Ðạo. Xét riêng biệt thời vấn đề duyên khởi xem như thuộc phạm vi bản thể luận và nguyên nhân luận. Giả danh là vấn đề của nhận thức luận liên quan ngôn ngữ và tư duy. Trung đạo liên hệ với vấn đề tu dưỡng. "Không" chỉ vào một tư tưởng căn bản của Phật giáo Ðại thừa bao gồm hết thảy mọi phạm trù triết học và tôn giáo.

Tất cả mọi sự vật trên đời hình thành đều nhờ nhân duyên, cái mà nhân duyên đó gọi là giả danh, đây cũng chính là con đường Trung đạo.

Từ trước đến nay không có cái nào không phát xuất từ nhân duyên, từ giả danh, từ Trung đạo, chính cái này gọi là tính Không.

Vạn sự vạn vật trong cuộc sống này, tất cả đều do nhân duyên mà thành, hơn nữa nhân và duyên của từng vấn đề lại khác nhau, không thể giải quyết vấn đề một cách rập khuôn, lấy lý lẽ này giải quyết cho vấn đề khác, lấy vấn đề hôm nay giải quyết cho vấn đề mai sau. Đây chính là lý do tại sao trong giáo lý Phật giáo Đại thừa thường phản bác thái độ cố chấp, hay lấy phương pháp phủ định để giải thích vấn đề. Đây cũng chính là đạo lý mà Long Thọ chủ trương Duyên khởi tính Không hay lý thuyết Trung đạo của mình. Đóng góp to lớn về phương diện triết học mà ngài Long Thọ đã đạt được trong lịch sử triết học Phật giáo đó là chứng minh được tính Không, nhân duyên, giả danh và trung đạo nó là một. Theo ngài Long Thọ trung đạo của ngài cũng là học thuyết nhân duyên, cũng là học thuyết tính Không, cũng là học thuyết giả danh. Đây là điều khác biệt căn bản giữa ngài Long Thọ và đức Phật.

Nói về chữ Trung đạo như chúng ta vừa nêu giữa đức Phật và Long Thọ là khác nhau, vì đức Phật chưa bao giờ nói bát chánh đạo đồng nghĩa với duyên khởi, đồng nghĩa với thuyết tương đối, tính không. Bát chánh đạo của đức Phật là ba phương diện về đạo đức, thiền định, trí tuệ mà ai đi trên con đường đó thì đạt được con đường trung đạo, mà đích đến là sự giác ngộ.

Từ ý nghĩa Trung đạo được định nghĩa là tránh xa hai cực đoan: Hưởng thụ dục lạc và tu tập khổ hạnh, dần dần diễn biến phát triển thành tránh hai cực đoan: chấp hữu và chấp vô, chấp đoạn chấp thường, bất nhị, nói chung là phủ nhận thái độ cố chấp bảo thủ, dù là bên này hay bên kia. Từ ý nghĩa vô chấp này dẫn đến định nghĩa Trung đạo là con đường Bát chánh đạo, trung đạo là lý thuyết Duyên khởi, trung đạo là đệ nhất nghĩa không. Lẽ tất nhiên mỗi khái niệm Trung đạo của mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, dù ít hay nhiều chúng cũng mang ý nghĩa khác nhau, cách giải thích phân tích cũng có sự dị biệt, nhất là đến thời kỳ Phật giáo Đại thừa phát triển về sau, khái niệm này được phân tích triết học rất chi ly.

Tóm lại con đường Trung đạo là một trong những giáo lý cốt lõi của Phật giáo, là nên tảng của hệ thống giáo lý đồ sộ sau này. Con đường này đã được đức Từ Phụ tự thân trải nghiệm và thực chứng, không dừng lại ở đó giáo lý này đã được các học giả nghiên cứu và truyền bá rộng rãi. Qua đó ta thấy rằng dù tên gọi hay cách diễn đạt bất nhất nhưng tựu trung lại vẫn là con đường Trung đạo tránh xa hai cực đoan mà Thế Tôn đã chứng nghiệm.

Trong cuộc sống này, bất cứ một việc gì, vấn đề gì chúng ta cũng nên cân nhắc hành động và phải giữ một trạng thái quân bình, cái gì “quá” cũng không tốt. Cho nên nghiệm lại lời xưa Thế Tôn chỉ dạy không sai một mảy may nào, điều quan trọng là chúng ta phải áp dụng và tự chiêm nghiệm để mang lại an lạc hạnh phúc thật sự cho bản thân mình và góp phần làm lợi lạc quần sinh.

Tác giả: Thích Nữ Hạnh Từ - Chùa Vương Xá, Đà Lạt, Lâm Đồng Ghi chú: Bài viết thể hiện cách hành văn, quan điểm, lập luận và góc nhìn riêng của tác giả