Phật Đản - được xem là ngày gieo trồng “Chân - Thiện - Mỹ” trong mỗi con người, góp phần mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng xã hội, từ đó giúp chữa lành những đau khổ, biến động đầy căng thẳng toàn cầu, thúc đẩy xây dựng môi trường sống lành mạnh, lan tỏa tình yêu thương và mong một đời sống an lạc, hạnh phúc.
Thượng toạ Thích Thiện Hạnh Trưởng ban Hoằng Pháp Phật giáo tỉnh Bắc Ninh
Lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày Rằm tháng Tư, để kỷ niệm ngày Thái tử Tất Đạt Đa ra đời, ngài sinh vào ngày Rằm tháng Tư năm 623 năm Tây lịch kỷ nguyên năm đó.
Tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ, thuộc vương quốc Ấn Độ cổ xưa, dưới chân ngọn núi Himalaya hùng vĩ, trong vườn Lâm Tỳ Ni đã giáng sinh một vị Thái tử mà sau này đã trở thành giáo chủ của những giáo chủ, đạo sư của những đạo sư vĩ đại nhất trên thế gian, trong lịch sử loài người, đó chính là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Gotama, vua cha là Tịnh Phạn, mẫu hậu là Ma Da.
Thái tử, ra đời như một con người bình thường, sinh ra trong bào thai nhờ tinh cha huyết mẹ hợp lại mà thành. Ngài cũng có cha có mẹ, có vợ và có con, ngài cũng đã cảm nhận được biết bao nhiêu sự khổ đau trong kiếp nhân sinh, vì thương tưởng chúng sinh đắm chìm trong biển khổ, cho nên Ngài đã trải qua các a tăng kỳ kiếp, phát nguyện trong tâm, phát nguyện thành lời và tu tập, hành trì rốt ráo viên mãn biết bao nhiêu pháp ba la mật…
Kiếp đó, khi còn là một vị Đại Bô Tát Hộ Minh, trên cung trời Đâu suất. Chờ nhân duyên đầy đủ, Ngài hạ sinh xuống cõi người để tu hành thành bậc Chính Đẳng Chính Giác, trở thành một vị Phật, tìm ra đường giải thoát đau khổ, đưa đến hạnh phúc vĩnh hằng cho chúng sinh.
Nhân mùa Phật đản về trong tâm người con Phật, trên khắp năm châu bốn biển, rung lên theo nhịp thở, với mong ước tất cả mọi loài chúng sinh, sớm được an vui giải thoát, như tâm nguyện thiết tha của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế.
Với lòng thành vô biên hướng về Đức Thế Tôn, những người con Phật bằng nhiều cách thức khác nhau, đã thể hiện sự tôn kính của mình đối với đấng cha lành của nhân loại. Trên tinh thần hướng đến tuần lễ kỷ niệm Phật đản, chúng ta là người con Phật, hãy hưởng ứng và lan tỏa thông điệp ngày đại lễ thiêng liêng của Phật giáo đến cộng đồng, góp phần tôn vinh ngày Đại lễ, dâng lên cúng dường Đức Phật, bằng nhiều hình thức.
Nhưng tất cả đều thể hiện sự tôn kính và biết ơn Bậc Đại Giác Ngộ đã chỉ đường lành, khai thị cho chúng sinh vượt thoát mê lầm, bước ra khỏi con đường sinh tử, nhờ ánh sáng Diệu Pháp do Ngài đã chứng ngộ mà được chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau thành hạnh phúc, an lạc.
Trải qua suốt hơn 2600 năm, giáo lý đạo Phật đã và đang cứu khổ cho chúng sinh, là một nền giáo lý thơm ngát hương hoa giác ngộ, là một nguồn suối vi diệu cho con người, trở về tự tính thanh tịnh của chính mình, Đức Phật là một minh chứng vô cùng sinh động và hùng hồn cho một chân lý lớn: con người hoàn toàn có khả năng đoạn trừ hết mọi khổ đau, đạt được an vui hạnh phúc mãi mãi.
Ngài là người duy nhất thấy rõ nguồn gốc khổ đau của tất cả chúng sinh nói chung, con người nói riêng. Ngài cũng chính là người duy nhất, biết được con đường dẫn chúng sinh thoát khỏi biển khổ trầm luân, đến bến bờ an vui giải thoát. Trừ Đức Phật ra, không một ai thấu rõ được những chân lý này.
Chúng ta là những người con Phật, được thừa hưởng ân đức từ nơi Thế Tôn và được sự giáo dưỡng trực tiếp của chư tôn đức, trao tuyền giảng dạy những ý niệm và giáo lý sâu sắc của Ngài, giúp cho chúng ta có đời sống an lạc, lương thiện và tinh tấn.
Từ ý nghĩa này, ngày Khánh Đản đức Từ Phụ được xem là ngày gieo trồng “Chân - Thiện - Mỹ” trong mỗi con người, góp phần mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng xã hội, từ đó giúp chữa lành những đau khổ, biến động đầy căng thẳng toàn cầu, thúc đẩy xây dựng môi trường sống lành mạnh, lan tỏa tình yêu thương và mong một đời sống an lạc, hạnh phúc.
Ngài đã khai mở cho chúng sinh những giá trị đẹp đẽ trong chính bản thân, nếu có chính niệm, con người sẽ được khai sáng trí tuệ, từ đó sẽ có một đời sống an lạc vững bền, từ đó góp phần xây dựng xã hội thiện lành an vui và hạnh phúc, chắc hẳn trong lòng mỗi người chúng ta đều dâng lên lòng biết ơn vô biên và sự tôn kính đối với Ngài.
Nếu không có đức Thế Tôn ra đời, không có nguyện độ sinh vĩ đại của Ngài, có lẽ chúng ta vẫn còn là những kẻ cơ cực, mãi mãi đắm chìm trong đau khổ và đọa lạc trong ba đường ác không lối thoát, cho nên trong kinh Pháp Cú, phẩm Phật Đà, câu 182 nói rằng:
"Khó thay được làm người
Khó thay được sống còn
Khó thay nghe Diệu Pháp
Khó thay Phật ra đời".
Cho nên chúng ta phải nên tự hào và hãnh diện, vì chúng ta là người đệ tử, người con, người học trò của bậc Đại giác ngộ. Không những thế, chúng ta còn phải giờ giờ khắc khắc nghĩ nhớ đến Phật, nghĩ đến công ơn cao dày của Đức Phật, và mong mỏi làm được một việc gì đó thiết thực, để đền đáp ơn sâu của Ngài, chúng ta luôn luôn phát nguyện bằng sự thật học, thật tu của chính mình, cho nên sau mỗi thời tụng kinh và hồi hướng, người đệ tử Phật (xuất gia- tại gia) thường nguyện “Phật nhật tăng huy, Pháp luân thường chuyển”.
Nguyện cho ánh sáng Phật pháp thường chiếu rọi soi sáng thế gian. Nguyện cho bánh xe Chính pháp quay hoài, để lời Phật được lưu chuyển cùng khắp. Chính pháp của Thế Tôn hiện còn lưu giữ trong Tam tạng, đang được Tăng Ni và Phật tử tìm hiểu, nghiên cứu, tụng đọc và ứng dụng thực hành trong đời sống tu tập hàng ngày, “Chuyển Tải Phật Pháp; Rộng Khắp Thế Gian”. Đây là tâm nguyện, là việc làm hàng ngày, là di huấn của Đức Thế Tôn.
Dù trải qua hiện thực lịch sử thăng trầm, thịnh suy đã hàng nghìn năm, lời giáo huấn của Đức Phật vẫn còn đồng vọng, nhắc nhở và thôi thúc hàng đệ tử hoằng truyền Chính pháp, không để cho Phật pháp bị mai một.
Đức Thế Tôn còn tại thế, công việc chính yếu của một Tỳ-kheo là thiền định, khất thực và thuyết pháp. Ngày nay học pháp, hành pháp và thuyết pháp vẫn là nhiệm vụ căn bản của Tăng Ni và Phật tử bốn chúng. Phật pháp là công truyền, không hề bí truyền. Như mặt trời và mặt trăng, càng sáng tỏ thì càng hay. Sau khi Thành đạo, Thế Tôn đã liên tục du hành và hoằng truyền Chính pháp không mệt mỏi, đến lúc sắp vào Niết-bàn Ngài vẫn còn di huấn sau cùng.
Tiếp nối công cuộc hoằng pháp của Thế Tôn, các bậc Thánh đệ tử, chư vị Tổ sư, các Phật tử thiện hữu tri thức, vẫn miệt mài vận chuyển bánh xe Pháp cho đến ngày nay. Ngài nói với các Thầy Tỳ kheo rằng: “Này các Thầy! các Thầy hãy đi các nơi để truyền bá Chính pháp của Như Lai, các Thầy không được đi nhiều người một hướng, một nơi, một ngả, mà hãy chia ra mỗi người đi mỗi hướng khác nhau”.
Điều đó chúng ta có thể nhận thấy đức Phật muốn gửi thông điệp đến các đệ tử của Ngài, hãy đem giáo lý của Ngài mà truyền bá rộng khắp để đem lại lợi ích cho chúng sinh, đó là nhiệm vụ chính. Đây là dịp cho tất cả chúng ta cùng ôn lại lịch sử của đức Phật Bản sư Thích Ca Mâu Ni, là cơ hội để mọi người chiêm nghiệm, sống theo lời dạy chân thực, có giá trị vượt thời gian của ngài.
Những lời dạy đó gợi ý các giải pháp xây dựng nền hòa bình thế giới, hạnh phúc thực sự cho con người và sự phát triển bền vững cho xã hội”, tích cực trong việc xây dựng một nền tảng đạo đức hướng thiện, từ bi cho xã hội, trên cơ sở kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống đã được đặt ra, khuyên con người những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, đóng góp những giá trị văn hóa tích cực, vào việc xây dựng đạo đức lối sống, nhất là cho tầng lớp trẻ hiện nay.
Không chỉ nhắc nhở mỗi người con Phật có trách nhiệm hơn với xã hội, mà còn góp phần giúp con người đi đúng hướng, tìm thấy phương châm sống tích cực theo đúng phương châm của đạo Phật “sống tốt đời, đẹp đạo”.
Trong suốt 49 năm kể từ ngày thành đạo đến ngày nhập niết bàn. Đức Phật chỉ làm một việc duy nhất đó là: “Hoằng pháp, độ sinh” đem giáo lý của ngài đi vào cuộc sống, ích lợi cho cuộc đời. Tiếp nối sự nghiệp “Hoằng pháp, độ sinh” của Đức Phật mà lớp lớp các đệ tử của Ngài, trải qua bao thế hệ đã không từ mọi gian lao, khó nhọc, kể cả tính mạng để đem “Giáo pháp” của Đức Như Lai truyền bá khắp năm châu để “độ sinh”.
Cho nên đức Phật đã khuyến khích các Tỳ kheo: “Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”[1].
Từ nhận thức này chúng ta thấy: Công tác hướng dẫn Phật tử không chỉ là nhiệm vụ của Ban Hướng dẫn Phật tử mà của mọi đệ tử Phật xuất gia và tại gia phải có trách nhiệm, bổn phận để làm một công việc truyền bá Chính pháp, phổ độ quần sinh, làm cho ánh sáng của đạo Phật lan tỏa khắp nơi, đúng như câu mà Chư Tổ thường nói: “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức” hay “Người đi trước, rước người đi sau.”
Nhưng hiện thực hoằng pháp hiện nay ở nước ta, dù Giáo hội đã có Ban Hoằng pháp nhưng xem ra, chỉ có giảng sư trong Ban Hoằng pháp thôi thì chưa đủ mà mỗi vị trụ trì, mỗi người con Phật đều có trách nhiệm chung tay hoằng pháp.
Bởi vì, Hoằng dương Chính pháp của Như Lai là nối dài mạng mạch Phật Pháp, đây là nhiệm vụ thiết yếu của Tăng Ni. Trong thời đại ngày nay, vấn đề đưa Phật Pháp vào cuộc sống cần phải có sư hội nhập, thích nghi với hoàn cảnh cũng như sự phát triển chung của xã hội. Cho nên mỗi một tăng ni khi dấn thân phụng sự, đều có ý tưởng và những sáng tạo riêng của mình với công việc hoằng pháp. Tuy nhiên, tất cả vẫn không ngoài mục đích: “xiển dương chính pháp, lợi lạc quần sinh”.
Có thể nói rằng: Đạo Phật là xương tủy , cốt lõi của đời sống tốt đẹp, vai trò của nó cực kỳ quan trọng. Chính Phật giáo đã làm đẹp cuộc đời và hiển bày cho nhân loại hướng đi giác ngộ giải thoát. Tinh thần Phật giáo là: “Bình đẳng”, “Tất cả chúng sinh đều có Phật Tính”. Cho nên giữa Phật pháp và thế gian tuy hai mà một không hề có ranh giới cách biệt. Nó được thể hiện rất đẹp ở mỗi tăng ni.
Ngày nay, người đệ tử của Phật, ngoài nghe pháp, tụng đọc kinh sách trực tiếp, chúng ta còn có thể nghe pháp, đọc kinh, thảo luận Phật pháp thông qua phương tiện internet. Dĩ nhiên, không hẳn ai cũng có phước báo và năng khiếu về thuyết giảng. Nhưng ngoài thuyết giảng, chúng ta còn có thể dùng vô số phương tiện khác để đem Phật pháp vào đời, chia sẻ Phật pháp với mọi người.
Quan trọng là mỗi người con Phật biết nuôi dưỡng tâm nguyện làm sao cho “Pháp ngữ của Như Lai lộ bày”. Có tâm nguyện này rồi thì tìm mọi cách để phát huy. Pháp ngữ của Như Lai là quà tặng cho nhân loại, giúp chúng sinh thoát khổ, cho nên cần được sẻ chia, được phổ biến rộng rãi.
Bởi vì, Phật pháp là nghệ thuật sống, là tinh thần nhân văn, là minh triết của cuộc đời.
Đem Tư tưởng Phật giáo về đạo đức, lối sống. Học tập từ bi, thực hành hỷ xả của Phật giáo hướng con người đến việc xây dựng nếp sống trong sáng, lành mạnh, lương thiện, giản dị, chân thành, vị tha. Sống hướng tới cái đúng, cái đẹp, cái tốt, cái mới, cái sáng tạo đó chính là lối sống Phật Pháp.
Một tinh thần hướng thiện thực sự, nhưng hiện nay có không ít chùa, vị trụ trì không thuyết pháp, không chủ trương thỉnh tăng, ni và phật tử đến thuyết pháp, trong chùa không có kinh sách (văn hóa phẩm Phật giáo) hoặc nếu có thì bị khóa chặt trong tủ kính (dường như để trưng bày là chính). Đây là một hạn chế lớn trong việc hoằng pháp, Phật tử chịu thiệt thòi vì mất cơ hội học pháp mỗi khi có duyên đến chùa.
Trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng số lượng Phật tử Việt Nam và trên thế giới suy giảm. Những thống kê ấy chưa chính xác nhưng cũng gây ảnh hưởng đến trong nhận thức của người con Phật. Thực tế không phải xây dựng chùa to Phật lớn hay đông đúc Phật tử mới gọi là Phật pháp hưng thịnh. Mà ở nơi nào, người con Phật thực tu, thực học và có sự chứng ngộ tâm linh thì nơi đó Chính pháp hưng thịnh, khiến cho mọi người nhận được sự lợi ích an lạc thật sự, khi tu tập giáo lý Phật Đà.
Phật giáo là độ sinh, mục tiêu của Phật Giáo là nhắm vào đối tượng con người, để hướng dẫn họ có một cuộc sống hoàn toàn chơn thiện mỹ, và trở thành người có nhân cách đạo đức hoàn thiện. Nó được chứng minh qua lời dạy của đức Phật như sau: “Tránh làm các điều ác, tu tập các việc lành, giữ tâm ý trong sạch”. Khi chúng ta làm được như vậy thì chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc.
Vì vậy, sứ mạng của người hoằng pháp Phật giáo là mang đến cho quần chúng những thông điệp về niềm tin và thực hành theo giáo lý Phật giáo, giá trị của Phật giáo, cũng như thông tin về cộng đồng Phật giáo, triển khai một cách thích hợp để mọi người có thể nắm bắt được ý nghĩa, áp dụng thực hành trong đời sống bằng cách giảng giải về phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ.
Trải qua hai mươi sáu thế kỷ, lời dạy của Ngài vẫn còn nguyên giá trị và là lời khích lệ lớn lao nhất cho hàng sứ giả Như Lai thực hiện hạnh nguyện độ sinh đem giáo pháp đi vào đời. Do đó, nhiệm vụ của người hoằng pháp là truyền bá lời Phật dạy, đến với mọi tầng lớp trong xã hội. Để thực hiện được mục tiêu của mình, người hoằng pháp cần phải trang bị đầy đủ kiến thức Phật học cũng như thế học, phải có kiến thức chuyên môn về nội điển, phát triển kỷ năng hành đạo và lòng nhiệt thành với sứ mạng hoằng pháp[2].
Vì vậy người hoằng pháp lấy chúng sinh làm đối tượng giáo hóa, lấy chí nguyện làm lợi ích nhân gian để hòa nhập vào đời. Hình ảnh đức Phật du phương hóa độ suốt 49 năm không ngừng nghỉ. Hình ảnh tôn giả Phú Lâu Na[3] và chúng Tỳ kheo dấn thân hành đạo không sợ nguy nan, đã cho chúng ta những bài học quý giá.
Vì vậy, vị trụ trì là sứ giả trong việc hoằng dương Phật pháp, bởi lẽ, ngôi chùa là nơi quy tụ quần chúng phật tử, gắn bó với mọi hoạt động của con người và xã hội. Ở góc độ thực tế, vai trò của vị trụ trì đã trở thành tác nhân trung tâm của mọi vận động Phật sự và chuyển tải nội dung Phật pháp vào xã hội, giúp cho giáo pháp của đức Phật được lan tỏa khắp nơi, đến với nhiều đối tượng khác nhau.
Vị trụ trì cũng đóng vai trò chính yếu trong việc tạo lập niềm tin nơi quần chúng để mọi người có cái nhìn tốt đẹp về đạo Phật, góp phần gìn giữ và phát triển Phật giáo tại địa phương. Khả năng hướng dẫn, chuyển hóa những người chưa hiểu đạo vào đạo là một vấn đề quan trọng trong sứ mạng hoằng pháp thông qua nghệ thuật giáo hóa và công năng tu tập của vị trụ trì. Trụ trì là người có điều kiện thường xuyên tiếp cận phật tử, giải quyết những vấn đề vướng mắc trong tu học và định hướng một đời sống đạo đức tâm linh cho họ.
Do vậy, vai trò của vị trụ trì trở thành trung tâm chuyển tải nội dung phật pháp, khơi nguồn tuệ giác trong mỗi người và cũng là trung tâm vận động mọi Phật sự nơi địa phương. Do đó, Phật giáo muốn đồng hành lâu dài với con người trong xã hội, Phật giáo cần tích cực tham gia vào những hoạt động xã hội, trở về với hiện thực cuộc sống và cố gắng giải quyết những vấn đề của nhân gian, mà Phật giáo không là một ngoại lệ.
Ngôi nhà Phật pháp bền vững theo thời gian hay không là trách nhiệm của tứ chúng. Vai trò cư sĩ là một trong những hàng ngũ đệ tử của Phật, ngoài việc bản thân tu học, còn phải biết hộ pháp đúng, hộ trì Tăng Ni vững tiến, đúng hướng, an định trong sứ mệnh phụng sự chúng sinh, đưa đạo Phật trí tuệ, từ bi được tỏa sáng.
Từ đó, người con Phật hãy vững tâm an định không lung lay trước sự thịnh suy của cuộc đời. “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy; Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”. Nghĩa là: Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy, đừng sợ hãi. Vì sự thịnh suy cũng mong manh, như giọt sương đầu ngọn cỏ (Thiền sư Vạn Hạnh - Thơ văn Lý-Trần).
Cho nên, vị trụ trì đóng một vai trò quan trọng trong sứ mệnh hoằng pháp độ sinh. Trụ trì là chủ thể, là linh hồn của ngôi tự viện, giữ vai trò lãnh đạo, tiếp Tăng độ chúng, là nhà giáo dục tâm linh dẫn dắt tín đồ hướng đến đời sống thuần lương đạo đức, tu tập giải thoát theo giáo lý đức Phật. Sự thịnh suy của ngôi chùa, ở mặt nào đó, cho thấy sự thịnh suy của đạo Phật tại địa phương và ảnh hưởng đến sự thịnh suy chung của Phật giáo nước nhà.
Với tâm nguyện “Trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”, chư tăng, ni ngày đêm tu tập tinh nghiêm, giữ gìn giới Pháp của Phật và chuyển tải Phật Pháp qua các hoạt động ích đạo lợi đời, đồng hành cùng dân tộc. Để thích nghi với sự phát triển của xã hội hiện đại.
Trước hết mỗi tự viện, tịnh xá, niệm Phật đường … các vị trụ trì, các ban hộ trì Tam bảo, cần phải có sự thay đổi về nội dung lẫn hình thức tu tập, tích cực mở các khóa tu, cho mọi tầng lớp, lứa tuổi; tổ chức các hoạt động an sinh xã hộ, điều quan trọng trong đó có thuyết giảng, hội họa, âm nhạc… hướng dẫn mọi người sống “lạc quan” - “năng động” - “hướng thiện” và “hạnh phúc”. Hạnh phúc là niềm mơ ước muôn thuở của con người. Không ai sống trên trái đất này mà không có ước mơ được hạnh phúc.
Vì vậy Hoằng pháp không chỉ có giảng kinh thuyết pháp thuần túy như xưa nay, mà còn phải có tu tập và hành trì ngay trong đời sống hàng ngày. Để hòa nhập với các sinh hoạt cộng đồng như văn hóa nghệ thuật, báo chí điện ảnh, triển lãm hội họa, từ thiện xã hội vv… rất cần đến sự đóng góp tham gia của Hoằng pháp viên cư sĩ. vì họ là những người gắn liền các hoạt động giữa đạo và đời, giữa Phật giáo và xã hội.
Với tinh thần nhập thế “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian giác...”, qua quá trình tiếp xúc với nền văn hoá bản địa, Phật giáo đã hòa mình vào nền văn hóa truyền thống dân tộc, đồng hành và cùng phát triển.
Đây cũng là dịp các Giáo hội Phật giáo tăng cường tình đoàn kết hòa hợp, củng cố và trang nghiêm giáo hội theo phương châm đạo pháp dân tộc, đóng góp tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cũng là dịp chuyển tải giá trị đạo đức nhân bản Phật giáo để phật tử thể hiện sự tôn kính đức Phật, lan tỏa thông điệp yêu thương, giúp cho mỗi người thấy được giá trị cao quý của Pháp Phật và tinh thần gìn giữ, hoằng bá giáo Pháp của chư tăng, ni, mong muốn ánh sáng Phật Pháp sẽ được lan tỏa rộng rãi tới thật nhiều người hơn nữa.
Để người người được kết duyên với chính Pháp, có một cuộc sống nhiều niềm vui, hạnh phúc và nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống, để mỗi người con Phật nhận diện về vai trò của mình đối với trách nhiệm xây dựng xã hội, xây dựng đất nước, xây dựng gia đình hạnh phúc, cá nhân an lạc.
Thượng toạ Thích Thiện Hạnh Trưởng ban Hoằng Pháp Phật giáo tỉnh Bắc Ninh ***
[1] Đại tạng kinh Việt Nam, Trường Bộ kinh I, Kinh Đại Bổn, VNCPHVN, 1991, tr.502
[2] Đại tạng kinh Việt Nam, Trường Bộ kinh I, Kinh Sonadanda, VNCPHVN, ấn hành 1991, tr.222
[3] Thích Minh Tuệ, Phật và Thánh Chúng, THPGTPHCM ấn hành 1991, tr 171
Bình luận (0)