Đạo Phật đã có lịch sử hơn 2500 năm, ngày nay trong xã hội phát triển, tiến bộ về mọi mặt đã nâng cao đời sống con người, thế giới ngày càng văn minh hơn. Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển đã nảy sinh những mặt trái của xã hội. Đứng trước những thách thức đó giáo lý Phật giáo cần phải tiếp cận vấn đề như thế nào, ở góc độ tôn giáo - giáo lý đạo Phật sẽ giúp được gì trong việc giải quyết những thách thức của nhân loại trong xã hội đương đại?
CÁCH TIẾP CẬN CỦA PHẬT GIÁO QUA GÓC NHÌN VỀ NHỮNG MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN THIÊN NIÊN KỶ CỦA LHQ
Những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ chứng minh rằng Liên Hiệp Quốc đang đặt tầm quan trọng tinh tế cho sự phát triển tương lai bền vững. Mục tiêu đầu trong tám mục tiêu là xóa đói, giảm nghèo. Nghèo khổ là khổ thân, khổ tâm, nên đời sống sẽ không thể an lạc và hạnh phúc. Khi hiểu được điều này theo lăng kính Phật giáo phải hiểu đúng và không nên bị nhầm lẫn với sự giản dị và tiết kiệm, vốn là những lựa chọn có mục đích theo như cách sống “biết đủ” của đạo Phật.
Mục tiêu thứ hai là hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học toàn cầu. Từ thời của đức Phật, Giáo pháp đã đóng vai trò là sự giáo dục phổ cập, nó là một trong ba báu vật của Phật giáo đảm bảo những phương thức đúng đắn và kiến thức căn bản dành cho các tín đồ đạo Phật.
Mục tiêu thứ ba là thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Mục tiêu thứ tư là giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em. Mục tiêu thứ năm là cải thiện sức khỏe của bà mẹ. Mục tiêu thứ sáu là chiến đấu chống lại bệnh HIV/AIDS, bệnh sốt rét và những căn bệnh khác.
Mục tiêu thứ bảy là bảo đảm sự bền vững môi trường. Trong thời đại của đức Phật, hoạt động của con người ít ảnh hưởng hơn đến sự suy thoái môi trường, đa dạng sinh học và tính nguyên vẹn của hệ sinh thái.
Mục tiêu thứ tám là phát triển của quan hệ đối tác toàn cầu. Tinh thần của mối quan hệ đối tác có thể tìm thấy trong những cộng đồng Phật giáo.
TẤT CẢ CÁC MỤC TIÊU VÀ CÁCH TIẾP CẬN CỦA PHẬT GIÁO ĐỀU VÌ HẠNH PHÚC CỦA CON NGƯỜI
Mục tiêu cao nhất của Phật giáo là để chấm dứt đau khổ, Tứ diệu đế đề cập đến việc chấm dứt đau khổ bằng đời sống Trung đạo, là công cụ thanh lọc tâm tính của con người. Tám phần của phương pháp này có thể được gộp thành ba nhóm: (i) trí tuệ (bao gồm Chính kiến và Chính tư duy); (ii) đức hạnh (bao gồm Chính ngữ, Chính nghiệp và Chính mạng); và (iii) sự tập trung (bao gồm Chính tinh tấn, Chính niệm và Chính định). Lối sống của Phật giáo nhằm vào việc hoàn thiện ba khả năng hỗ trợ này để đạt được sự hoàn hảo bằng việc thực hành liên tục, vốn là một quá trình phát triển. Tuy nhiên, trong trường hợp này, sự phát triển chỉ là một sản phẩm của việc thực hành giáo pháp, không phải là mục tiêu trực tiếp cần phải đạt được. Quá trình phát triển là một sự tiến bộ về tinh thần bên trong, được thể hiện bởi việc thực hành liên tục, để đưa tới sự giải phóng (giải thoát).
Quan niệm về sự phát triển được đề cập trong Phật pháp, nhưng với ba sự khác biệt chính, bởi vì nó được diễn giải theo xu hướng tiếp cận: Quá trình phát triển là sự tiến bộ về tinh thần, ở bên trong (loại trừ sự phát triển về vật chất không được ca ngợi và chỉ quan trọng ở mức đủ để phục vụ cho sự tiến bộ bên trong của con người); Quá trình phát triển chính nó không phải là mục tiêu trực tiếp, nhưng là kết quả trực tiếp của việc thanh lọc tâm tính của con người; Sự thanh lọc tâm chính là sự phát triển bền vững.
MỘT SỐ CÁCH TIẾP CẬN CỦA PHẬT GIÁO
Phật giáo với tư cách là một tôn giáo sẽ tiếp cận với các vấn đề xã hội mang tính toàn cầu như thế nào?. Tham luận này sẽ nêu qua một số ví dụ tiêu biểu hy vọng phần nào sẽ trả lời được câu hỏi trên.
Phật giáo đã có mặt trên quả địa cầu trên 2500 năm, trải qua thời gian Phật giáo với nền giáo dục đạo đức, hướng thượng đã sớm nhận thức được sứ mệnh truyền bá chính pháp và nhanh chóng trở thành tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống tôn giáo toàn cầu.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, qua mỗi giai đoạn Phật giáo có những đóng góp giá trị trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, ở các vai trò, vị trí và cấp độ khác nhau. Tư tưởng nhập thế của Phật giáo đã đem lại hạnh phúc, an vui đến cho vạn loại chúng sinh, giáo lý đức Phật chỉ dạy cách đây hơn 2500 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị, dù chân lý đó được diễn giải theo nhiều cách khác nhau thì mục đích cuối cùng vẫn giúp con người trở về với bản tính “chân – thiện – mỹ”.
Tiếp cận qua tư tưởng và nhận thức
Một khi nói đến tính nhập thế của Phật giáo đối với xã hội đương đại,là chúng ta đang nói đến tính ứng dụng của giáo pháp Phật giáo trong cuộc sống, mục đích ra đời của đạo Phật là để khơi nguồn tuệ giác trong đời sống nhân gian, đem lại ánh sáng giác ngộ và tinh thần giải thoát cho vạn loại chúng sinh.
Chính vì vậy mà ngay từ khi mới du nhập vào nước ta, thông qua nguồn tuệ giác, tâm từ bi, vị tha, vô ngã và nhất là hạnh nguyện độ sinh của các bậc chân tu hoằng pháp, Phật giáo đã sớm hòa hợp, dung thông với văn hóa các dân tộc chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nhờ đó mà Phật giáo đã nhập thế độ sinh, gieo mầm đạo đức, nhân quả, ban rải tâm từ bi, yêu thương soi rọi ánh sáng Phật pháp thấm nhuần sâu rộng trong đời sống nhân loại.
Tiếp cận qua các vấn đề giáo dục
Giáo dục là một trong những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm trong bất kỳ thời đại nào, bởi vì giáo dục là nền tảng để xây dựng đời sống hạnh phúc, xây dựng xã hội hòa bình, xây dựng nhân gian tịnh lạc.
Trải qua hơn 2500 năm nhìn lại, những quan điểm về giáo dục Phật giáo đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay giáo dục Phật giáo không những tập trung ở Tăng đoàn mà còn phát triển ra ngoài cộng đồng xã hội ở các tầng lớp từ các em thiếu niên nhi đồng đến tầng lớp thanh thiếu niên, người trung tuổi và người cao tuổi, có xu hướng tìm hiểu Phật giáo ngày càng tăng.
Đường hướng giáo dục Phật giáo không đề cao, cổ vũ niềm tin mù quáng, ngược lại lấy chính trí, chính kiến làm nền tảng cho giác ngộ giải thoát, làm động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, cũng là nền móng cho sự thương yêu, cảm thông. Vì chỉ có trí tuệ và từ bi mới đẩy lùi những hành vi bất chính như các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, gia đình; tranh dành quyền lợi…vốn xuất phát từ vô minh.
Giáo dục Phật giáo rất giàu nhân bản, nhân quả luôn luôn nhắm đến mục tiêu đào tạo con người hướng thiện, có niềm tin chân chính, đem đến lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội, cùng cộng đồng chung tay xây dựng nền hòa bình, thịnh vượng.
Giáo dục Phật giáo có thành công hay không chính là dựa vào đội ngũ tăng, ni phải ra sức học tập, rèn luyện, trao dồi “giới – định – tuệ” để trở thành một vị tu sĩ có phẩm chất, đạo hạnh chân chính thì mới đem lại niềm hạnh phúc, an lạc cho mình và cho xã hội.
Phật giáo có thể đưa ra các nguyên nhân căn bản làm suy thoái đạo đức chính là bởi lòng “tham – sân – si”. Ba nguồn độc này đã dẫn các em đi vào các con đường sai lạc trong hành vi đạo đức. Vì vậy, ngoài việc giảng dạy chữ nghĩa ra, nhà trường cần phải dạy các em con đường đạo đức“tiên học lễ, hậu học văn”. Bằng cách đưa vào nhà trường những bài học hiếu thảo đối với cha mẹ, biết kính trọng thầy cô giáo, và cần hun đúc cho tâm linh các em bằng những phương pháp giáo dục của Phật giáo để đánh thức thiện tâm của các em.
Bản chất của nền giáo dục Phật giáo là từ bi hỷ xả, tất cả vì con người, vì hòa bình và an lạc cho mọi chúng sinh. Nói về giáo dục có thể hiểu thành hai phần đó là giáo dục về chuyên ngành và giáo dục về đạo đức.
Giáo dục về kỹ năng, giáo dục về chuyên ngành, giáo dục về kiến thức khoa học thì phải cần giáo dục về đạo đức, khơi gợi tinh thần sáng tạo, khoa học, tư duy độc lập, thích nghi được với cuộc sống hiện đại, làm được như vậy chính là đang áp dụng chính kiến, chính tư duy vào việc giáo dục.
Tiếp cận qua đời sống gia đình và xã hội; tương tự như vậy, Phật giáo có thể đến với xã hội thông qua các phương pháp tiếp cận các việc từ thiện, nhân đạo; Tiếp cận qua vấn đề xây dựng và phát triển kinh tế: Với những tín đồ có niềm tin chính tín vào Phật giáo họ sẵn sàng đóng góp một phần kinh phí vào các công trình phúc lợi xã hội như xây chùa, xây trường học, xây nhà tình nghĩa, xây cầu đường và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác đã thực hiện mỗi năm.
Ngược lại, sự suy giảm đạo đức trong xã hội là nguyên nhân kinh tế phát triển không bền vững, khi đó sẽ xảy ra hiện tượng tham nhũng, cạnh tranh không lành mạnh, các nhà kinh doanh tìm đủ mọi cách để thu hồi lợi nhuận, bất chấp thủ đoạn như khai thác tài nguyên bừa bãi, làm ăn dối trá, tạo ra hàng nhái, hàng kém chất lượng, họ bất chất để đạt được mục đích mà bỏ qua tác động xấu trong tương lai.
Tiếp cận phát huy Giáo lý Phật giáo trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, biến đổi khí và các thảm họa thiên tai
Chúng ta đang đứng trước nhiều thảm họa thiên tai, sự nóng lên của trái đất, môi trường ô nhiễm xảy ra liên tục trong những năm gần đây, hàng trăm người bị cướp đi sinh mạng do bão lũ, sạt lở đất, chất thải ngành công nghiệp hủy hoại hệ sinh thái trên diện rộng.
Lý thuyết duyên khởi trong Phật giáo cho rằng sự sống là sự hỗ tương giữa các loài và vạn vật, thiên nhiên chính là một bộ phận cơ thể của con người, con người không thể tồn tại được nếu không có môi trường. Nếu môi trường bị ô nhiễm trầm trọng thì cơ thể vật lý của con người, hay đời sống của con người sẽ bị hủy diệt. Việc bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sự sống của con người.Phật giáo tôn trọng sự sống của muôn loại chúng sinh, khuyến khích việc giữ gìn mối quan hệ thân thiện, sống hoà hợp bền vững giữa con người với vạn vật, với tự nhiên và vũ trụ là điều kiện để bảo vệ sự sống.
Phật giáo đã và đang làm hết sức mình để cùng cộng đồng xây dựng một xã hội an lành, con người được hưởng sự thanh bình và hạnh phúc, xây dựng một cõi cực lạc thực sự tại thế gian.
Tiếp cận đạo đức Phật giáo về vấn đề phát triển khoa học công nghệ
Trong thời buổi công nghệ phát triển như hiện nay, các nhà khoa học phải thừa nhận rằng Phật giáo đã trước khoa học cách đây mấy nghìn năm, những gì đức Phật thuyết chưa bao giờ lạc hậu mà vẫn còn nguyên giá trị trong xã hội hiện đại. Trong thời đại công nghiệp 4.0, thời đại công nghệ số phát triển trong các lĩnh vực của đời sống, con người đang chạm tới sự văn mình của thời đại mới,…bên cạnh đó những hậu quả của sự phát triển khoa học công nghệ để lại cho toàn nhân loại cũng rất nghiêm trọng như: vấn đề vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học là sức mạnh tiềm ẩn của quốc gia này nhưng lại đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của quốc gia khác, và một khi con người mất kiểm soát sẽ có nguy cơ hủy diệt toàn bộ Trái đất.
Ngoài ra, những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp như bệnh stress, trầm cảm, nghiện game online, thích sống trong thế giới ảo và công nghệ số đã kết nối con người một cách nhanh chóng nhưng đồng thời cũng đưa con người xa nhau hơn trong thế giới thực.
Đó là vấn đề mà khoa học phát triển nhưng chưa giải quyết được, thực tế dù khoa học có phát triển đến đâu thì cũng không ngoài mục đích đưa con người đến cuộc sống hòa bình và hạnh phúc.
Những giá trị đạo đức Phật giáo luôn luôn song hành cùng sự phát triển của con người, con người không thể đánh mất những giá trị đạo đức đó, bởi đó là nền tảng để xây dựng đời sống hạnh phúc, xây dựng xã hội hòa bình và phát triển bền vững.
Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc đồng hành cùng con người trong thời đại cách mạng công nghiệp kỹ thuật số đúng như lời của Nhà khoa học Albert Einstein đã nói: “Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ những quan điểm của mình để chấp nhận khoa học, bởi vì Phật giáo bao gồm khoa học, đồng thời cũng vượt qua khoa học. Phật giáo là một chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Chiếc cầu Phật giáo đã kích thích con người khám phá ra những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính con người và trong môi trường sống chung quanh. Phật giáo siêu việt thời gian và mãi mãi có giá trị.”
Lời kết
Trong bối cảnh sự phát triển của thế giới, các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau nên việc giải quyết các vấn đề quốc tế và của mỗi quốc gia nó phụ thuộc vào mối quan hệ tương hỗ và nhân quả liên hoàn, không một quốc gia nào phát triển mà không phụ thuộc vào quốc gia khác.
Tóm lại, Phật giáo thông qua cơ chế toàn cầu cần phải đưa ra những vấn đề chọn lọc, giải quyết được bài toán thực tiễn trong đời sống của xã hội loài người. Bằng tinh thần nhập thế của Phật giáo qua giáo lý Bát chính đạo trong Tứ diệu đế và giáo lý Duyên khởi nhất định nhân loại sẽ có được cuộc sống an lạc và hạnh phúc bền vững.
Tác giả: Hòa thượng TS Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 3/2019
----------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=166250 2. https://thuvienhoasen.org/images/file/P9nlqZtG0QgQAGgR/114-muctieuphattrientrongthiennienkymoi.pdf 3. https://quangduc.com/a28599/giao-duc-phat-giao 4. https://phatgiao.org.vn/quan-diem-giao-duc-cua-phat-giao-d29059.html 5. https://thuvienhoasen.org/a28247/nhung-gia-tri-nen-tang-cua-triet-hoc-phat-giao 6. https://phatgiao.org.vn/nhung-gia-tri-phat-giao-can-duoc-phat-huy-trong-thoi-dai-ngay-nay-d13343.html 7. http://doc.edu.vn/tai-lieu/tieu-luan-gia-tri-va-han-che-cua-phat-giao-anh-huong-cua-phat-giao-den-viet-nam-35427/ 8. http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/25296-suy-ngam-doi-dieu-ve-su-tiep-can-giao-ly-dao-phat-trong-gioi-tre- duong-dai-hien-nay.html 9. https://thuvienhoasen.org/a15790/phat-giao-va-thoi-dai 10. http://www.daophatngaynay.com/vn/tu-sach-dao-phat-ngay-nay/5634-Phat-giao-va-khoa-hoc.html
Bình luận (0)