PHẬT GIÁO CÓ ĐƯỜNG LỐI RIÊNG

Phật giáo có đường lối riêng - Phần 1

THƯ NGỎ

Kính thưa quý phật tử trong nước cũng như ở khắp nơi trên thế giới!

Kính thưa quý vị, chúng tôi viết sách là viết những điều mà mọi người chưa hiểu biết, để giúp cho mọi người hiểu biết thêm một cách tường tận mà không còn hiểu sai lệch.

Chúng tôi không viết sách những điều mà người ta đã hiểu biết. Những điều mọi người đã hiểu biết mà cứ để họ phải đọc đi đọc lại mãi thì rất nhàm chán và phí thời gian vô ích.

Theo chúng tôi hiểu, đọc sách là mở mang kiến thức hiểu biết, cho nên khi đọc những điều chưa hiểu biết làm cho mình hiểu biết thêm những điều mới mẻ, thì đó là bồi dưỡng kiến thức hiểu biết. Còn ngược lại chẳng lợi ích gì, còn mất công sức và làm tốn phí thời gian. Có phải vậy không thưa quý vị?

Vì thế, những người viết sách cần nên lưu ý các vấn đề này, viết sách mà cứ nhai đi nhai lại mãi những điều người khác đã viết rồi thì cuốn sách không có giá trị.

Cho nên viết sách không có đề tài mới mẻ thì không nên viết, vì viết sách không phải cầu danh, cầu lợi (buôn bán sách), mà viết vì lợi ích cho mọi người đọc.

Kinh sách đã bày bán đầy phố, đầy chợ, đầy các vỉa hè. Những loại kinh sách như vậy còn có giá trị gì?

Cầm lên một cuốn sách đọc thử thì thấy văn chương chữ nghĩa toàn là trộm ý, trộm lời của người khác.

Tại sao có rất nhiều đề tài mọi người chưa hiểu sao quý vị không viết, mà lại đi trộm văn, trộm ý của người khác mà viết.

Đề tài thứ nhất: Con người có linh hồn hay không? Với đề tài này sao quý vị không

viết cho mọi người biết?

Đề tài thứ hai: Kinh sách Đại thừa chịu ảnh hưởng tư tưởng nào của người Trung Quốc?

Đề tài thứ ba: Kinh sách Thiền tông chịu ảnh hưởng tư tưởng nào của người Trung Quốc?

Đề tài thứ tư: Những giáo pháp nói trên đưa người tu hành đi đến đâu?

Đề tài thứ năm: Những giáo pháp đó có đúng là của Phật giáo hay không?

Đề tài thứ sáu: Đường lối tu theo Phật giáo như thế nào đúng và như thế nào sai?

Đề tài thứ bảy: Cái gì sinh ra con người và con người chết đi về đâu?

Đề tài thứ tám: Con người chết cái gì tiếp tục đi tái sinh?

Tám câu hỏi trên đây là những đề tài giúp cho quý vị viết những bộ sách có giá trị, mà không phải nhai lại kiến giải của những người khác.

Chúng tôi viết sách thường chọn lựa những đề tài nào mà mọi người chưa hiểu, vì thế chúng tôi đã làm cho quý vị khi đọc sách có một kiến thức hiểu biết rộng hơn. Mọi người thường hiểu con người có linh hồn, cho nên chúng tôi viết sách chỉnh đốn lại sự hiểu như vậy là sai lầm, nhờ đó đề tài viết mới mẻ và phong phú, làm cho người đọc càng say mê trong sự hiểu biết mới mẻ này.

Những đề tài của chúng tôi viết thường vượt lên mọi phong tục tập quán từ xưa đến nay và các triết lý tôn giáo, vì thế làm cho tư tưởng con người bị đảo lộn, không còn đứng vững trên lập trường tư tưởng truyền thống và tôn giáo của họ.

Càng viết, chúng tôi càng cố gắng hơn để lột trần một sự thật, cho mọi người hiểu biết con người không có linh hồn đi tái sinh từ kiếp này đến kiếp khác. Chúng tôi viết sách không có mục đích bài bác linh hồn hay kinh sách phát triển, mà vì một sự thật linh hồn không có và kinh sách phát triển có nhiều cái sai.

Những điều sai đó đã khiến cho mọi người lạc vào ảo tưởng, trở thành những người bệnh thần kinh. Vì thế chúng tôi không thể làm ngơ, cho nên những gì chúng tôi viết trong sách là cố gắng giúp cho mọi người hiểu biết những điều chưa hiểu biết, giúp cho mọi người hiểu biết một sự thật mà không một người nào hay một tôn giáo nào lừa gạt quý vị được.

Kính thưa quý vị! Trong cuộc đời không ai là người thông suốt tất cả trời, đất, vũ trụ và con người. Không có ai là người hoàn toàn đầy đủ tài đức; cũng không có ai là người thông thiên bác cổ, chỗ nào cũng thông suốt.

Vì thế chúng tôi rất hiểu biết mình, nên chúng tôi viết là viết những điều hiểu biết đã cân nhắc kỹ lưỡng. Những điều hiểu biết đó chúng tôi xin góp ý với quý vị, để giúp cho quý vị cùng hiểu biết như chúng tôi, nếu quý vị muốn, còn không thì thôi. Đó cũng là sự chia sẻ hiểu biết cùng quý vị, chớ chúng tôi đâu dám làm thầy quý vị, xin quý vị hiểu và tha thứ.

                                                                                                Kính ghi

                                                                                                      Trưởng lão Thích Thông Lạc

 

BẾN CŨ

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng

Huy Cận

TCNCPH-phatgiaonguyenthuy-phatgiaocoduongloiriengP1-1

LỜI NÓI ĐẦU

Phật giáo có một đường lối tu tập độc lập riêng biệt, không chịu ảnh hưởng bất cứ một giáo pháp nào của các tôn giáo khác. Vì thế, tất cả giáo pháp hiện có trong các kinh sách không có một pháp môn nào tu học như Phật giáo.

Bởi giáo pháp của Phật giáo là chân lí của loài người, nó không phải là triết lý suông hay tưởng giải của con người kiến giải viết ra, nên nó mang tính chất thiết thực, cụ thể chớ không trừu tượng, ảo tưởng, mơ hồ, ảo giác v.v.. như các giáo pháp của ngoại đạo mà từ xưa đến nay chúng ta thường gặp rất nhiều, nhất là trong tam tạng kinh điển chữ Hán của Trung Quốc. Như vậy, những lời dạy thật sự của đức Phật chúng ta phải tìm ở đâu? Muốn tìm những lời dạy chân thật của đức Phật thì chúng ta có hai chỗ dựa để tìm:

- Thứ nhất, nên tìm một người tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Đó là cuốn tự điển sống của đạo Phật.

- Thứ hai, nên tìm đọc bộ kinh Nikaya do Hòa thượng Minh Châu chuyển ngữ từ Pali sang Việt ngữ.

Từ khi biết được Phật giáo và nghiên cứu, chúng tôi mới hiểu rõ bốn chân lý của Phật giáo là một sự thật của kiếp người.

Riêng cá nhân chúng tôi nhận xét và cũng như qua nhiều ý kiến của quý phật tử, người hiểu biết về Phật giáo, họ đều cho rằng trên thế gian này chỉ có giáo pháp của đức Phật độc nhất, vô nhị không có một giáo pháp nào của ngoại đạo so sánh hơn được. Vì giáo pháp của đức Phật là chân lý của nhân loại và những pháp tu hành rất gần gũi với con người, nên được mọi người chấp nhận với lòng tin tuyệt đối.

Cho nên, bài pháp đầu tiên được đức Phật thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như nghe, đó là bài pháp “Tứ Diệu Đế”.

Tứ Diệu Đế là một bài pháp xác định bốn sự thật của loài người rất khoa học. Nhờ đó mà con người mới hiểu rõ: làm người luôn luôn lúc nào cũng thọ khổ. Khổ từ trong bụng mẹ, khổ khi xuất thai ra khỏi bụng mẹ, khổ từ tuổi còn bé thơ, khổ từ tuổi trưởng thành thanh niên, khổ từ tuổi trung niên, khổ từ tuổi già yếu suy nhược, và khổ trước khi chết.

Tuy thọ khổ suốt thời gian dài một kiếp người như vậy, nhưng có mấy ai hiểu biết, vì thế cứ luôn luôn tạo ra biết bao nhiêu hành động ác v  thiện để rồi tất cả hành động ác thiện đó trở thành những từ trường nghiệp.

Những từ trường nghiệp ấy lại tiếp tục tái sinh luân hồi, thành những con người mới. Những con người mới lại tiếp tục thọ khổ và tạo ra những từ trường nghiệp ác và thiện khác nữa, và cứ như vậy tiếp tục tạo nghiệp để rồi tái sinh luân hồi mãi mãi không bao giờ dứt.

Con người sống trên thế gian này không ai hiểu biết qui luật nghiệp tái sinh luân hồi này, nên hằng ngày sống thường tạo ra không biết bao nhiêu từ trường nghiệp khác nữa. Từ trường nghiệp ác của chúng sinh tạo ra và phóng xuất trùng trùng điệp điệp khắp nơi trong vũ trụ.

Có người cho rằng chết là hết, đó là tư tưởng duy vật biện chứng, với tư tưởng hiểu biết như vậy là chấp đoạn, vì thế mặc tình làm ác, thường đem đến sự đau khổ cho mình cho người, thật là một tư tưởng thiếu sáng suốt, thiếu sự hiểu biết nên thường tự mình làm khổ mình và khổ cả thế gian.

Còn những người chấp thường cho con người khi chết thì linh hồn tiếp tục đi tái sinh luân hồi, nhưng hỏi về linh hồn là chất lượng gì, hình dạng ra sao thì không một người nào biết đâu mà trả lời, loanh quanh như những người mù rờ voi, thật là tội nghiệp. Bởi con người thường còn không phải là linh hồn, mà sự thường còn của con người chỉ là những từ trường nghiệp mà thôi.

Bởi vậy, con người trên thế gian này còn nhiều điều chưa thông hiểu mà những điều ấy đang xảy ra xung quanh họ hằng ngày. Thế mà họ cứ tự mãn cho mình đã là người hiểu biết đủ rồi, chẳng cần phải học hỏi gì hơn nữa.

Do sự tự mãn đó mà con người trên thế gian này giống như người mù mà không biết mình mù. Cho nên “người ngu mà biết mình ngu là người có trí tuệ”, đó là tục ngữ của Việt Nam mà ông bà chúng ta thường nhắc đi nhắc lại mãi.

Nếu không nhờ chân lý thứ tư của đạo Phật thì làm sao con người hiểu biết nền đạo đức nhân bản - nhân quả. Nền đạo đức này mang lại cho họ có một phong cách sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Đó là một lối sống hoàn toàn làm chủ mọi sự khổ đau của kiếp người.

Vì thế đạo Phật được gọi là đạo Giải Thoát. Giải thoát bằng tri kiến hiểu biết, nên đạo Phật được gọi là đạo Trí Tuệ.

Thiên đàng, Cực lạc đối với đạo Phật không phải là một thế giới siêu hình mà là một sự sống chung của mọi người trên thế gian này bằng cách đối xử nhau bằng tri kiến đạo đức nhân bản. Nhờ thế đạo Phật mới được gọi là chân lí của loài người. Chân lí của loài người gồm có:

- Chân lí thứ nhất là Khổ đế.

- Chân lí thứ hai là Tập đế.

- Chân lí thứ ba là Diệt đế.

- Chân lí thứ tư là Đạo đế.

Trên thế gian này, tất cả các tôn giáo khác không dám tự nhận giáo pháp của mình là chân lí, chỉ có đạo Phật mới dám dõng dạc tuyên bố bốn sự thật này trước nhân loại.

Do bốn sự thật này đã làm cho các tôn giáo khác đều rúng động, những tư tưởng thế giới siêu hình: Phật, Tiên, Ngọc Hoàng, Thượng Đế, Thái Thượng Lão Quân, Thần, Thánh, Quỉ, Ma, v.v.. đã bị lộn đầu xuống đất.

Chúng ta muốn thông suốt bốn sự thật này, thì nên nghiên cứu và đọc kỹ bộ sách “Đạo Phật có đường lối riêng biệt, không bị ảnh hưởng giáo pháp bất cứ một tôn giáo nào” thì quý vị sẽ rõ, nhất là về bốn Thánh định. Bốn Thánh định nào của đạo Phật và bốn Thánh định nào không phải của đạo Phật mà của ngoại đạo.

Thường các nhà học giả nghiên cứu Phật giáo không thể nào phân biệt được Tứ Thánh Định nào của Phật và Tứ Thánh Định nào của ngoại đạo. Nhất là kinh sách nào của Phật giáo và kinh sách nào của ngoại đạo.

Cho nên bộ sách này sẽ làm kim chỉ nam, giúp họ tham khảo khiến họ hiểu biết không còn lệch lạc lời dạy của đức Phật nữa.

Sau cùng, tôi xin cảm ơn quý vị đã chịu khó đọc bộ sách này, mong rằng nó sẽ đem lại sự lợi ích cho quý vị trên đường nghiên cứu và tu tập theo Phật giáo.

                                                                                                Kính ghi

                                                                                                      Trưởng lão Thích Thông Lạc

BỐN SỰ THẬT CỦA LOÀI NGƯỜI

Khi nghiên cứu về đạo Phật, các nhà học giả phần đông ai cũng ra công tìm hiểu TỨ DIỆU ĐẾ. TỨ DIỆU ĐẾ là pháp môn đầu tiên của đức Phật, từ khi tu chứng đạo và đem pháp môn này ra dạy cho năm anh em Kiều Trần Như. Đó là chuyển pháp môn lần đầu tiên trong lịch sử của Phật giáo. Pháp môn này không có một tôn giáo nào trên hành tinh này có được. Ngài dám khẳng định về con người có bốn sự thật cần phải hiểu rõ. Nếu không hiểu rõ bốn sự thật này thì con người không bao giờ thoát ra mọi sự đau khổ của cuộc đời.

Trước khi đem giáo pháp này ra dạy, thì Ngài đã chọn những người xứng đáng được nghe bài pháp đầu tiên nói về chân lí của con người.

Sau khi quan sát, Ngài thấy có năm anh em Kiều Trần Như đang tu hành trong núi gần bên Ngài. Vì thế, bài pháp đầu tiên của Ngài được thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như nghe.

Bốn sự thật của con người mà đức Phật giảng dạy là bốn điều rất cần thiết cho con người. Vì vậy mọi người ai cũng cần phải thấu hiểu.

Từ xưa đến nay, biết bao nhiêu người chưa hiểu biết giáo pháp này, mặc dù đức Phật đã giảng nói cách đây 2550 năm. Bởi con người mãi chạy theo lòng dục lạc ham danh đắm lợi nên xem thường giáo pháp này, vì thế giáo pháp này đã biến dạng thành một pháp môn tha lực, nên việc cầu cúng bái, tế lễ càng ngày càng nhiều hơn, nên mọi người phải chịu luân hồi trong sáu nẻo khổ đau không sao kể siết. Nếu không thấu hiểu bốn sự thật này thì con người sống trong đau khổ mà cứ mãi chịu trong đau khổ.

Đức Phật là người đã thấy biết bốn sự thật này rất rõ ràng, nên Ngài muốn giúp cho con người thấu hiểu và nhờ đó biết rõ ràng thân phận của mình có bốn sự thật.

Trong bốn sự thật có sự thật thứ tư là phương pháp chỉ thẳng đường lối tu tập làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người là sinh, già, bệnh, chết.

Đạo Phật bắt đầu tu tập từ chỗ khổ đau đến chấm dứt khổ đau; tức là bắt đầu tu tập bằng cách triển khai tri kiến giải thoát. Nhờ có triển khai tri kiến hiểu biết nên mới có cách thức ly dục, ly bất thiện pháp. Hằng ngày dùng tri kiến giải thoát nên việc xả các chướng ngại pháp rất dễ dàng. Chính nhờ xả chướng ngại pháp dễ dàng, nên việc bảo vệ tâm bất động không còn khó khăn nữa.

Sau khi giữ gìn tâm bất động được trọn vẹn thì tâm luôn luôn bám sát trên Tứ Niệm Xứ, thời gian suốt bảy ngày đêm thì tâm có đủ đạo lực làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Khi tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự tức là tâm thanh tịnh. Khi tâm đã thanh tịnh thì tâm nhập Tứ Thánh Định rất dễ dàng, không còn khó khăn và mệt nhọc nữa. Do nhờ tu tập đúng như vậy nên từ phàm phu đến chứng quả Thánh dễ như trở bàn tay.

✿✿✿

Bài học thứ nhất

KHỔ ĐẾ

Khi nghiên cứu, chúng ta phải bắt đầu từ chân lí thứ nhất. Chân lí thứ nhất đã xác định con người là một khối đau khổ, điều này không ai dám phủ nhận được.

Cho nên con người khổ đau từ lúc nằm trong bụng mẹ cho đến khi chết, rồi lại tiếp tục tái sinh vào bụng mẹ nữa và như vậy sự khổ đau mãi mãi không bao giờ dứt, từ đời này kế tiếp đời khác như một vòng tròn khổ đau không có lối thoát ra.

Nhưng may mắn thay chúng ta đã nhờ ơn đức Phật, Người chỉ dạy đường lối tu tập để con người thoát ra khỏi vòng tròn đau khổ này. Nhưng có mấy ai đã hiểu biết như vậy và cố gắng thoát ra khỏi vòng tròn đau khổ. Con người ai cũng sợ khổ, ai cũng muốn thoát khổ, nhưng họ không muốn lìa dục, không muốn xa ác pháp. Vì thế họ luôn luôn cứ làm ác, sống trong ác, thường làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh.

Dục chính là nguyên nhân sinh ra muôn vạn sự đau khổ, vì thế con người tu tập thì có tu tập, mà cứ mải mê ôm dục khư khư trong lòng không muốn lìa dục. Tu như vậy làm sao giải thoát được hỡi quý vị?

Tu mãi không đạt được kết quả giải thoát, rồi cho đó là do con đường của đạo Phật khó tu. Sự thật con đường giải thoát của đạo Phật không phải khó tu, mà khó hay dễ đều là do con người. Nếu những ai muốn thoát khổ thì tu hành rất dễ dàng thoát khổ. Họ chỉ cần ly dục, ly ác pháp trong tâm của mình thì ngay đó là có giải thoát liền, chứ đâu phải ngồi lim dim như con cóc không niệm khởi như Thiền tông Trung Quốc.

Cho nên những ai không muốn sống ly dục, ly ác pháp là những người còn ham muốn sống trong đau khổ. Những người còn ham muốn sống trong dục thì rất khó tu tập theo đường lối của đạo Phật, dù có tu tập cũng không giải thoát. Bởi chính họ còn ưa thích dục.

Chân lí thứ nhất đức Phật đã xác định rõ ràng con người là một khối đau khổ, như trên đã nói. Nếu người nào còn thích sống trong đau khổ, không muốn buông bỏ mọi sự đau khổ thì con đường đạo Phật họ không thể đi được. Và như vậy dù đạo Phật có đến với họ vẫn là vô ích.

Có người hỏi:

- Con người là một khối khổ như thế nào, xin chỉ rõ cho chúng con hiểu?

Xin quý vị hãy lắng nghe:

- Cái khổ thứ nhất: Thân con người là một khối khổ. Khổ từ khi còn nằm trong bụng mẹ, còn là một bào thai.

Bụng mẹ giống như một nhà tù và chỗ thai nhi nằm như một chuồng cọp trong nhà tù rất chật chội, vì vậy thai nhi xoay trở rất khó khăn, nhất là nơi thai nhi nằm toàn là nước nhờn nhớt bẩn thỉu uế trược. Đó là nơi bất tịnh nhất trên trần gian này. Thế mà con người trước khi sinh ra không ai tránh khỏi bị giam mình trong ao tù bất tịnh này. Đó là cái khổ thứ nhất.

- Cái khổ thứ hai: Khi xuất thai phải chui qua một cái cửa quá chật hẹp, thân người phải kéo nhẳn dài ra và nhờ người đỡ đẻ (bà mụ) kéo ra, cho nên khi qua cửa này đau đớn vô cùng, một còn mười mất. Đó là cái khổ thứ hai.

- Cái khổ thứ ba: Khi ra khỏi bụng mẹ, miệng mũi đều đầy nhớt nhao nên bà đỡ phải móc miệng, mũi làm cho sạch đờm nhớt nên rất đau khổ, thai nhi la khóc thét lên. Đó là cái khổ thứ ba.

- Cái khổ thứ tư: Cơ thể chưa giao tiếp khí hậu bên ngoài nên người lạnh run rất là khổ sở. Đó là cái khổ thứ tư.

- Cái khổ thứ năm: Cơ thể mới sinh ra giống như một cục thịt để đâu nằm đó nên bài tiết một chỗ, cơ thể nằm trên nước tiểu và phân của chính mình rất là hôi thối, vì vậy ngứa ngáy rất khổ sở. Đó là cái khổ thứ năm.

- Cái khổ thứ sáu: Cơ thể mới sinh ra giống như một cục thịt không lăn lộn trườn bò được nên bị mỏi và đau nhức khó chịu. Đó là cái khổ thứ sáu.

- Cái khổ thứ bảy: Khi cơ thể trườn bò được, nếu không người trông nom thì khi trườn bò trên giường ván thường bị rơi xuống đất nên đau đớn vô cùng. Đó là cái khổ thứ bảy.

- Cái khổ thứ tám: Khi cơ thể mới biết đứng thì đứng lên té xuống liên tục mà mỗi lần té là đau đớn. Đó là cái khổ thứ tám.

- Cái khổ thứ chín: Khi cơ thể mới biết đi, đi được vài bước liền té, và mỗi lần té đều bị đau đớn khổ sở. Đó là cái khổ thứ chín.

- Cái khổ thứ mười: Mỗi lần mọc răng là cơ thể bị bệnh nóng sốt bất an khó chịu. Đó là cái khổ thứ mười.

- Cái khổ thứ 11: Cơ thể sinh ra bị tật nguyền, tay chân không bình thường hoặc mù mắt. Đó là cái khổ thứ mười một.

- Cái khổ thứ 12: Trí óc đần độn ngu si, không nhớ, thường quên trước quên sau nên không được đến trường học hành. Đó là cái khổ thứ mười hai.

- Cái khổ thứ 13: Ham chơi không thuộc bài bị thầy cô giáo khiển trách, cha mẹ đánh phạt. Đó là cái khổ thứ mười ba.

- Cái khổ thứ 14: Theo bạn hư thân mất nết sinh ra trộm cắp, đánh nhau nên bị tù tội. Đó là cái khổ thứ mười bốn.

- Cái khổ thứ 15: Khi lập gia đình hai vợ chồng thường hay cãi vã, đánh nhau. Đó là cái khổ thứ mười lăm.

- Cái khổ thứ 16: Vợ chồng sinh con đẻ cái phải nuôi dưỡng, bồng ẵm. Đó là cái khổ thứ mười sáu.

- Cái khổ thứ 17: Khi con cái bệnh đau phải cho uống thuốc, ăn cháo, đi bác sĩ, đôi khi phải ở lại bệnh viện. Đó là cái khổ thứ mười bảy.

- Cái khổ thứ 18: Cơ thể già yếu đi đứng không vững vàng thường run rẩy. Đó là cái khổ thứ mười tám.

- Cái khổ thứ 19: Không tự ăn uống được, con cái phải đút từng muỗng cơm hay cháo. Đó là cái khổ thứ mười chín.

- Cái khổ thứ 20: Khi cơ thể sắp chết không chỗ nào không đau nhức. Đó là cái khổ thứ hai mươi.

Trên đây là 20 cái khổ khi có thân người, cho nên đức Phật dạy làm người khổ, chỉ khi nào chấm dứt không còn làm người, làm chúng sinh nữa thì mới hết khổ.

Nhưng muốn chấm dứt làm người, làm chúng sinh thì phải làm sao?

Phải theo đường lối Bát Chánh Đạo của Phật giáo tu tập thì mới chấm đứt mọi khổ đau này. Vậy xin mời quý vị hãy nghiên cứu tập sách

“PHẬT GIÁO CÓ ĐƯỜNG LỐI RIÊNG, KHÔNG BỊ ẢNH HƯỞNG BẤT CỨ MỘT GIÁO PHÁP NÀO CỦA NGOẠI ĐẠO” thì sẽ rõ.

Tác giả: Trưởng lão Thích Thông Lạc Trích sách: Phật giáo có đường lối riêng  – Nhà xuất bản Tôn giáo