Năm 1873, thực dân Pháp đánh chiếm Hải Dương và sau 10 năm (1883) chúng hoàn thành ách cai trị trên toàn tỉnh. Dưới ách cai trị của thực dân Pháp, tài nguyên bị vơ vét, đất đai bị tước đoạt, người lao động trở thành nô lệ trong các đồn điền, nhà máy, hầm mỏ của chúng. Không chịu cảnh lầm than và nỗi nhục làm nô lệ, nhân dân Hải Dương đã nhiều lần nổi lên chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai, nhưng đều bị thất bại, vì không có đường lối đúng đắn và chưa có một chính đảng tiên phong lãnh đạo.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Chưa đầy một tháng sau, 2 chi bộ Đảng được thành lập tại Mạo Khê (lúc đó thuộc tỉnh Hải Dương) và Đọ Xá (huyện Chí Linh) đã tích cực vận động quần chúng đấu tranh, hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (9-1930)

1. Từ 1930 đến 1945

Vào những năm đầu thập niên 1930, các tổ chức Phật học lần lượt ra đời tiến hành công cuộc chấn hưng Phật giáo trên cả 3 kỳ. Đầu tiên là Hội Nghiên cứu Phật học Nam Kỳ (1931), sau đó là An Nam Phật học Hội (Trung Kỳ, 1932) và tháng 11 năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Đông Dương về phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trong Nghị quyết Đại hội lần I họp ở Ma Cao, Trung Quốc từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935. Nghị quyết cho rằng, đây là những mưu mô của đế quốc lấy mê tín che lấp tư tưởng đấu tranh giai cấp, để kéo quần chúng ra khỏi con đường đấu tranh cách mạng.(1) Trong Nghị quyết Trung ương lần thứ 6 (tháng 11-1939), phần nói về Các đảng phái và xu hướng chính trị (mục 6), Đảng Cộng sản Đông Dương nhận định: “Đ. Đạo Cao Đài và Phật giáo: Quần chúng có ít nhiều tinh thần phản đế theo đạo Cao Đài và Phật giáo khá nhiều, nhất là sau những năm khủng bố 1930-1931, đạo Cao Đài ở Nam kỳ kéo được số đông tín đồ đó, nhưng nhờ thực tiễn thức tỉnh và nhờ phong trào dội lướt nên có một số quần chúng theo các đạo ấy đã dần dần nhận rõ con đường đoàn kết tranh đấu để đòi quyền lợi, đã có một số ra khỏi đạo Cao Đài. Đế quốc chủ nghĩa Pháp rất xảo quyệt, đã tìm cách lợi dụng những trào lưu tôn giáo để mê hoặc quần chúng. Những hội chấn hưng Phật giáo ở khắp Bắc - Nam - Trung do bọn hưu quan và địa chủ cầm đầu có kế hoạch của Sở Mật thám chính trị bày vẽ”.(2) Đây là những quan điểm mang tính “tả” khuynh phổ biến trong các đảng cách mạng nặng về cái nhín chính trị theo Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ về tôn giáo.(3)

Ngay từ khi trở về nước, trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với nhãn quan chính trị sáng suốt đã có những điều chỉnh đáng kể quan điểm nói trên của Đảng đối với tôn giáo. Sau khi phân tích tình hình quốc tế và Đông Dương, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5 năm 1941 đã rất đúng đắn khi đề ra nhiệm vụ trước mắt là giải phóng các dân tộc ở Đông Dương ra khỏi ách thống trị của Pháp - Nhật. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, công việc cốt yếu của Đảng là liên minh tất cả các lực lượng của các giai cấp, đảng phái, các nhóm cách mạng cứu nước, các tôn giáo, các dân tộc kháng Nhật(4). Đây là một bước tiến so với Nghị quyết Trung ương 6, nhờ vậy đã đoàn kết được mọi lực lượng, tôn giáo tham gia phong trào cứu nước.

Ngày 19 tháng 5 năm 1941, Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) được thành lập thay cho Mặt trận Dân tộc phản đế Đông Dương. Việt Minh tập hợp lực lượng toàn dân thực hiện hai điều mà nhân dân ta mong ước:

- Đánh Pháp đuổi Nhật làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập;

- Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do.

Chương trình cứu nước của Việt Minh được đúc kết thành 10 chính sách lớn.

Kể từ đây trở đi, Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Hải Dương nói riêng đã có nhiều đóng góp cho cách mạng giải phóng dân tộc.

Từ năm 1939 đến 1941 ông Đào Văn Trường, tức Thành Ngọc Quản nguyên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Liên tỉnh uỷ B5 qua lại nhiều lần chùa Mạn Đê (Phúc Minh tự, thôn Mạn Đê, xã Nam Trung, huyện Nam Sách). Tỷ khiêu Thanh Chí (người được ông Trường giác ngộ cách mạng), từng tham gia phong trào Mặt trận Dân tộc phản đế, được tổ chức vào chi bộ Đảng ở Mạn Đê. Sư cụ trụ trì chùa đã già, biết sư Chí hoạt động cách mạng, biết cán bộ hoạt động bí mật qua lại chùa nhiều lần có khi ngủ lại chùa nhưng ngài không hề ngăn cản, ngấm ngầm ủng hộ. Chính vì đây là cơ sở an toàn nên năm 1940 Liên tỉnh ủy B đã đặt bộ phận in ấn, cất giấu tài liệu cách mạng. Từ đây, nhiều sách báo, tài liệu tuyên truyền cách mạng được gửi đi các nơi trong Liên tỉnh ủy khơi dậy lòng yêu nước căm thù giặc, ý chí đấu tranh chống áp bức bóc lột của dân ta. Giữa năm 1941, địch khủng bố gắt gao, cơ sở chùa Mạn Đê cũng bị thiệt hại nặng: sư Thanh Chí bị bắt tù. Ít lâu sau, mật thám Pháp bất thần ập đến khám xét chùa Mạn Đê, bắt sư cụ trụ trì ra tra khảo rồi bắn chết ngay cổng chùa (6).

Tháng 2 năm 1942, một số cán bộ Việt Minh của Liên tỉnh ủy B như các ông Đôi, Nghĩa, Trần Ngôn Chi (tức sư Thanh Định) đã được phân công về huyện Kim Thành, Hải Dương xây dựng và củng cố lại cơ sở, chùa Dưỡng Thái trở thành nơi liên lạc của phong trào.(7)

Tháng 4 năm 1943, sư Thanh Cầu và sư Thanh Định cán bộ Việt Minh huyện Kim Thành, bị mật thám Hải Dương bắt và tra tấn dã man. Họ đều dũng cảm chịu đựng, kiên quyết không khai. Nhờ vậy các cơ sở Việt Minh trong huyện được giữ vững.(8)

Vào tháng 5 năm 1945, tại chùa Sùng Nghiêm, huyện Chí Linh, một tổ chức riêng rẽ của một số thanh niên Phật tử được hình thành. Họ tự động làm công tác giữ gìn trật tự, tuyên truyền cứu tế, chống trộm cướp. Mặt trận Việt Minh huyện đã tuyên truyền giác ngộ được họ và cử ông Nguyễn Văn Tất phụ trách. Các hoạt động tự vệ vũ trang được tăng cường, nạn trộm cắp trong vùng giảm hẳn, tình hình trật tự trị an được bảo đảm. Sau đó các thành viên trong tổ chức Sùng Nghiêm được phân công phân tán về các cơ sở tham gia phong trào(9).

Tối 25 tháng 5 năm 1945 tại chùa Vạn Tuế ở xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, ông Trần Cung thay mặt tỉnh uỷ Hải Dương tổ chức kết nạp 3 quần chúng Ngô Xuân Lựu, Nguyễn Duy Thú, Ngô Xuân Dụ vào Đảng Cộng sản Đông Dương - chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Thanh Hà và tuyên bố thành lập chi bộ do Ngô Xuân Lựu làm bí thư.(10)

Chùa Muống ở thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, Trước năm 1945 các ông Trần Huy Liệu, Dương Văn Mã, Tăng Văn Tối và nhiều cán bộ của Đảng đã về chùa lập cơ sở hoạt động. Các ông còn vận động một số vị tu hành tham gia cách mạng như sư Trạch Lâm, Hai Nhiễu và sư bác Tĩnh. Từ đó chùa trở thành cơ sở của Đảng. Chùa ở nơi thuận tiện giao thông thủy, bộ nên cuối năm 1943 đầu năm 1944 quân Nhật đã chiếm một số gian chứa thóc do chúng vơ vét của nhân dân, phục vụ cho chiến tranh.

Năm 1945, khi cao trào cách mạng lên cao, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, nhân dân đã phá kho thóc chia cho dân nghèo. Trong nạn đói năm Ất Dậu, dưới sự chỉ đạo của Đảng, các tăng ni Phật tử đã tổ chức Hội Từ thiện nuôi và giáo dục gần 100 thanh, thiếu niên đói khổ. Hội Từ thiện của chùa tồn tại cho tới khi quân Pháp tấn công về vùng này mới tạm ngừng. Được sự giáo dục và nuôi dưỡng của Hội, nhiều người đã trở thành Đảng viên, chiến sĩ tích cực phục vụ cách mạng, kháng chiến chống Pháp.(11)

Đầu tháng 6 năm 1945, sư ông Giác Thuyên, trụ trì chùa Bác Mã, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) thành lập Trung đội Tăng già khoảng trên 30 vị, do ông làm Trung đội trưởng. Họ mặc trang phục mầu đen, hàm ý sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Hàng ngày ngoài việc hành đạo, họ còn học quân sự, luyện tập côn quyền và làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ Việt Minh về vùng đó hoạt động. Sau ngày địch chiếm Hải Phòng, Trung đội Tăng già bổ sung vào Vệ quốc đoàn chiến đấu ở các đơn vị chủ lực.

Đầu tháng 7 năm 1945, chi bộ Đảng và huyện bộ Việt Minh Thanh Hà họp ở chùa Tiên Tảo quyết định: “Tước vũ khí của lính ở phủ lỵ trang bị cho lực lượng vũ trang... tổ chức đội tự vệ vũ trang của huyện”(12). Cũng đầu tháng 7 năm 1945, tỉnh uỷ Hải Dương quyết định thành lập căn cứ địa cách mạng tại Đông Triều lấy chùa Bác Mã làm nơi hội họp. Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, đêm 15 tháng 7 năm 1945 lực lượng khởi nghĩa từ các địa phương bí mật tập trung ở chùa Bác Mã.

Chiều ngày 16 tháng 7 năm 1945, đông đảo nhân dân đã tập trung tại chùa Bác Mã mít tinh mừng thắng lợi. Tại đây Đệ Tứ chiến khu được chính thức thành lập. Uỷ ban quân sự cách mạng chính thức ra mắt gồm: Nguyễn Bình, Trần Cung, Hải Thanh, Nguyễn Hiền13. Ngày 25 tháng 7 năm 1945, theo sự chỉ đạo của Đệ Tứ chiến khu, tại chùa Doãn Lại, Uỷ ban Dân tộc giải phóng huyện Thuỷ Nguyên - Kinh Môn được thành lập do sư ông hoạt động cách mạng Hoàng Ngọc Lương làm Chủ tịch, đóng trụ sở tại làng Phù Liệt, lấy đình Pháp Cổ làm nơi tiếp dân.

Tại Hà Nội, ngay sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), không khí cách mạng càng thêm sôi động. Các tầng lớp nhân dân hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc, các đội tự vệ chiến đấu. Các đoàn thể Tăng già Cứu quốc và Phật giáo Cứu quốc được thành lập khắp nơi.

Ngày 17 tháng 8, huyện Cẩm Giàng giành chính quyền; Ngày 18 tháng 8 tỉnh lị Hải Dương và đến ngày 20 tháng 8 tất cả các huyện lỵ đều do lực lượng cách mạng kiểm soát. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, quần chúng mít tinh và Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời Hải Dương ra mắt.

Tại Hải Dương, nhiều chùa là địa điểm nhân dân tham gia mít tinh ủng hộ cách mạng tháng 8 như chùa Ngọc Lộ thuộc xã Tân Việt, huyện Thanh Hà.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ngày 11 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi và phát động Tuần Lễ Vàng bắt đầu từ ngày 17 đến 24-9-1945: “Nước mất, dân tộc sẽ tiêu diệt, chẳng còn ai đem được vàng bạc theo mình về chín suối lại thêm cái nhục vong quốc.

Hỡi đồng bào! Để tăng việc quốc phòng, để củng cố nền độc lập, bổn phận nhân dân phải đem vàng bạc giúp Chính phủ”.

Ngày 14 tháng 9 năm 1945, Chính phủ Lâm thời lập Quĩ Độc lập ra sắc lệnh lập Quĩ Độc lập và Tuần Lễ Vàng. Phật giáó Hải Dương cùng Phật giáo cả nước đã sôi nổi hưởng ứng phong trào Bình dân học vụ xóa nạn mù chữ ở địa phương mình; các mảnh đất trong chùa, ruộng của nhà chùa được tận dụng trồng lúa, khoai và rau xanh góp phần chống giặc đói.

Tam quan chùa Châu Khê ở xã Huỳnh Thúc Kháng. huyện Bình Giang có quả chuông đồng nặng 1300 kg, tiếng chuông sớm chiều âm vang đã đi vào tâm khảm mỗi người dân thời đó với câu thành ngữ: "Chuông Châu, trống Ủng, mõ Đầu" (chuông làng Châu, trống làng Ủng, mõ làng Đầu (Đào Xá)). Làm theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân đã tự tháo dỡ hiến quả chuông này cho công binh xưởng đúc vũ khí đánh Pháp, chùa còn là cơ sở cất dấu cán bộ cách mạng của vùng, sư Thanh Đức trụ trì chùa lúc đó sau trở thành Thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Giang, cán bộ lão thành cách mạng.

2. Từ 1946 – 1954

Ngày 6 tháng 1 năm 1946 (Bính Tuất), tăng ni, phật tử Hải Dương lại hòa vào dòng người với các khẩu hiệu “Ủng hộ Tổng tuyển cử”, “Đoàn kết chống xâm lăng”, nô nức cầm lá phiếu đi bầu những đại biểu chân chính của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.

Sau ngày bầu cử quốc hội, phật tử khắp các địa phương tỉnh Hải Dương lại tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Thắng lợi của hai cuộc bầu cử đã khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý thức làm chủ và nghĩa vụ của mỗi người công dân (trong đó có Phật tử) đối với Nhà nước cách mạng.

Trên báo Cứu Quốc ra ngày 14-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công giáo hay không công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo đều phải nên nỗ lực đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà. Nhiệm vụ của đoàn thể chúng ta là phải giữ vững nền độc lập. Trong công giáo có câu “Tam vị nhất thể”, nhà Phật có câu: “Vạn chúng nhất linh” nên chúng ta phải hy sinh cho nhân loại và chúng sinh”.

Người nhận xét: “Đạo Phật nhằm xây dựng cuộc sống thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui, no ấm”(14).

Ngày 6 tháng 4 năm 1946, các đại biểu Tăng già Cứu quốc 13 phủ, huyện tỉnh Hải Dương đã hợp nhất cùng theo nội qui; Ban chấp hành tỉnh do sư cụ Giác Lai làm chủ tịch. Toàn tỉnh chia làm 4 khu, mỗi khu có một vị đại biểu liên lạc 3 phủ huyện.

Về việc xã hội: đã mở được 2 nhà tuất cô: 1 ở chùa Nhân Lý, Nam Sách; 1 ở chùa Muống huyện Kim Thành. 2 trường Phật học: 1 tại chốn Tổ Rừa, huyện Tứ Kỳ, 1 tại chốn Tổ Yên Ninh, huyện Nam Sách và nhiều trường Bình dân học vụ.

Về việc giáo dục công dân: hiện đang lập các đoàn thiện tín trong toàn tỉnh, mục đích để khuyến khích các tín đồ Phật giáo biết bổn phận làm công dân đối với Tổ quốc độc lập. Mỗi tháng 2 tuần ra chùa lễ Phật nghe giảng giáo dục công dân.

Ngày 31 tháng 5 năm 1946 là Ngày Nam Bộ, tại chùa Đông Thuần, Hội quán Chi hội Phật giáo Hải Dương các đoàn thể tổ chức đại lễ cầu nguyện cho cụ Hồ Chí Minh và phái đoàn sang Paris (Pháp) thượng lộ được bình an, thu được nhiều thắng lợi. Tiếp theo là lễ truy điệu các chiến sĩ Nam Bộ. Sau đó có cuộc thuyết pháp về tôn giáo và cách mạng, diễn giả là Thượng tọa Thái Hòa.

Ngày 13 tháng 7 năm 1946 báo Cứu quốc số 291 cho biết: Ủy ban Hành chính huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương “xin trân trọng hoan nghênh tinh thần các vị Tăng già trong toàn hạt Cẩm Giàng đã có lòng sốt sắng ủng hộ vào quỹ “Đảm Phụ quốc phòng” số tiền là 300$.

Chúng tôi rất cảm tạ các vị hảo tâm gửi đến ủng hộ anh em bộ đội Tăng già như sau: Hòa thượng Đỗ Văn Hỷ chùa Bà Đá, Hà Nội: 100$00. Uỷ ban Tăng già Hải Dương: 150$, Liên đoàn Tăng già Nội ngoại thành (một bộ phận của Phật giáo Cứu quốc Trung ương): 300$ cộng là 550$. Trung đội Tăng già pháo đài Hưng Ký Bạch Mai nhận.

Ngày 2 tháng 8 năm 1946, đại biểu Tăng già tỉnh Hải Dương đã họp kỳ hội đồng tại chùa Đông Thuần - trụ sở Hội Phật giáo tỉnh, thông qua Biên bản:

“Toàn thể đại biểu đã chuẩn y bản chương trình nghị sự như sau:

1) Lý do khai hội. 2) Bầu Chủ tịch và Thư ký lâm thời. 3) Kiểm điểm số đại biểu. 4) Ban chấp hành báo cáo công tác. 5) Các đại biểu báo cáo. 6) Bầu Ban chấp hành. 7) Kết toán chi thu. 8) Định ngày khai hội của Ban chấp hành đại biểu hội nghị. 9) Phê duyệt.

Hội nghị đã bầu Chủ tịch Lâm thời là sư cụ Nguyễn Văn Học. Thư ký: anh Nguyễn Quang Minh.

Kiểm điểm các đại biểu: Cẩm Giàng 4, Thanh Miện 4, Gia Lộc 3, Nam Sách 2, Đông Triều 1, Kim Thành 3, Thanh Hà 4.

Tổng số đại biểu có mặt: 23 vị và 2 dự thính.

Vắng đại biểu các địa phương: Tứ Kỳ, Vĩnh Bảo, Kinh Môn, Ninh Giang.

Báo cáo của đại biểu chi hội Phật giáo các huyện cho biết: huyện Cẩm Giàng có 24 tăng, ni 43 vị, tài chính quĩ còn 200$00; Bình Giang 14 tăng, 53 ni, tài chính hết; Thanh Hà: 64 tăng, 10 ni, quĩ hết, mở được lớp chính trị Bình dân học vụ; Gia Lộc: có17 tăng, 17 ni, quĩ hết; Tứ Kỳ: 58 vị tăng ni, quĩ còn 200 thúng thóc, tổ chức viện phát thuốc cho người già yếu và mở 2 trường Phật học tăng, ni; Nam Sách: 40 tăng, 6 ni, quĩ có 500$00 và 1 viện tuất cô, và hơn 2000 tín đồ Phật giáo Cứu quốc; Vĩnh Bảo: 66 tăng, 8 ni; Ninh Giang: 38 tăng, 38 ni; Chí Linh: 33 tăng, 6 ni, quĩ hết; Đông Triều: 17 tăng, 3 ni, tài chính hết; Kim Thành: 27 tăng, 6 ni.

Hội nghị đã bầu Ban chấp hành Tăng già Cứu quốc tỉnh:

Chánh Chủ tịch: sư cụ Thái Hòa(15);

Phó Chủ tịch: sư cụ Mạnh Danh;

Thư ký: ông Quảng Thuận;

Thủ quĩ: sư cụ Giác Lai;

Ủy viên Giám sát: ông Vũ Đình Ứng(16), sư cụ Bùi Như Lạc, sư ông Tuệ Văn.

Kết toán chi tiêu: quĩ của toàn tỉnh Tăng già hết;

Hội nghị nhất trí:

Mỗi tháng có 2 giờ ngày mồng 10 âm lịch thì khai hội; mỗi phủ huyện cử 1 vị đại biểu lên dự, tiền phí tổn do quĩ địa phương chịu;

Vấn đề tài chính: mỗi phủ huyện đến mồng 10 tháng 7 âm lịch phải ủng hộ quĩ tỉnh là 50$00, để qũi chung cho toàn tỉnh;

Các phủ huyện ký tên sau: Cẩm Giàng, Kim Thành, Thanh Hà, Chí Linh, Đông Triều, Thanh Miện, Vĩnh Bảo, Ninh Giang, Gia Lộc, Kinh Môn, Tứ Kỳ, Nam Sách, Bình Giang”(17).

Như vậy, tới năm 1946 trong 11 huyện, thị tỉnh Hải Dương có 588 vị tu sĩ Phật giáo (380 sư tăng, 208 sư ni).

Còn tiếp…

NNC Nguyễn Đại Đồng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2021

-----------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc t1f 1920-1954, Nxb Tôn giáo, 2009. 2. Nguyễn Đại Đồng-Thích Quảng Tiếp, Phật giáo Hải Dương những chặng đường, Nxb Tôn giáo, 2015

Chú thích

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, 2000. 2. Sách đã dẫn. 3. Đỗ Quang Hưng, Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam – Lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia, 2005, tr 234-236. 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7 (1940-1945), Nxb Chính trị Quốc gia, 2000. 5. Năm 1940, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Liên tỉnh ủy B gồm 6 tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai. 6. Theo Hồ Duy Khuông, tạp chí Xưa và Nay, số 134, II-2003. 7. Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ huyện Kim Thành (1945-1975), Nxb Quân đội Nhân dân, 2004. 8. Sách đã dẫn. 9. Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội địa chí văn hóa, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội xuất bản 1991. 10. Hải Như, Sau một cửa Thiền, báo Cứu quốc số ra tháng 3 năm 1969. 11. Tăng Bá Hoành (chủ biên), Hải Dương di tích và danh thắng, tập 1, Sở Văn hóa Thông tin xuất bản, 1999. 12. Lịch sử đấu tranh vũ trang huyện Thanh Hà, Hải Dương (1945-1975), Nxb Quân đội Nhân dân, 2003. 13. Quảng Ninh-lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Nxb Quân đội Nhân dân, 1991. 14. Báo Cứu Quốc số ra ngày 15-1-1946. 15. Thượng tọa Thái Hòa tên thật là Đỗ Trân Bảo, xuất gia từ nhỏ, thuộc sơn môn Tế Xuyên, Hà Nam. Những năm 1925-1929 tu ở Yên Tử, tích cực hưởng ứng lời kêu gọi chấn hưng Phật giáo của sư Tâm Lai trụ trì chùa Hang (Tiên Lữ động tự) huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Sau sư về Hà Nam, trụ chùa Tú Yên, huyện Lý Nhân, tham gia nhóm Phật học tùng thư và là một trong những sáng lập viên Hội Phật giáo Bắc Kỳ…rồi tham gia hoạt động Việt Minh từ năm 1943… 16. Vũ Đình Ứng tức sư Tâm Ứng (Hải Châu) xuất gia tại chùa Dư Hàng, Hải Phòng, thuộc sơn môn Linh Quang (Bà Đá, Hà Nội), từng bị Đương gia Dư Hàng Phúc Lâm tự “buộc phải xuất viện ra ở ngoài 1 tháng và không được tham dự đến việc chùa nữa” vì viết bài ủng hộ lời kêu gọi chấn hưng Phật giáo của sư Tâm Lai năm 1927. Sau, sư Tâm Ứng về tu ở sơn môn Yên Ninh, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Đông với tên hiệu Hải Châu, rồi tham gia nhóm Phật học tùng thư gồm Thượng tọa Thái Hòa, sư ông Trí Hải và Hải Châu, các cư sĩ Trần Văn Giác, Lê Toại, Nguyễn Hữu Kha…thu hút nhiều trí thức tân học và cựu học cùng nhiều doanh nhân…tiến tới thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ vào tháng 11 năm 1934. Ít năm sau ông Vũ Đình Ứng tham gia hoạt động cách mạng vùng Hải Dương. 17. Nguyệt san Diệu âm, số ra tháng 9 năm 1946.