Nguyễn Đại Đồng Phó Giám đốc TTNCLSPGVN phía Bắc, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội năm châu bốn biển, ngày 8 tháng 5 năm 1954 (Giáp Ngọ), Hội nghị Giơ ne vơ bắt đầu thảo luận về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đêm ngày 21 tháng 7 năm 1954 Hội nghị kết thúc, các bên tham gia Hội nghị đã ký kết Hiệp định ngừng bắn và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Theo Hiệp định, Việt Nam bị chia đôi bởi vĩ tuyến 17, miền Bắc từ sông Bến Hải trở ra; phần còn lại là miền Nam và qui định năm 1956, hai miền Nam - Bắc mở cuộc Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Chùa Thanh Hà, Thanh Hóa - Ảnh: Trần Sơn

1. Từ 1954 đến 1964

Những năm này, nhân dân miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam tiến hành các nhiệm vụ “Khôi phục kinh tế” từ 1954-1957; “cải tạo và phát triển kinh tế” từ 1958-1960 và thực hiện “Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965)” xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, đồng thời tiếp tục đấu tranh đòi thực hiện triệt để Hiệp định Giơ ne vơ, củng cố hòa bình và tiến tới thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử; ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm.

Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước

Ngày 17 tháng 9 năm 1954, Hội đồng Chính phủ ban hành 8 chính sách đối với các thành phố mới giải phóng. Những chính sách này nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của toàn thể nhân dân, bảo vệ công thương nghiệp tư doanh, bảo hộ tính mạng và tài sản của mọi người, thực hiện tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng của nhân dân. Ngày 21 tháng 9, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Chỉ thị số 94-CT/TƯ về “Thi hành chính sách tôn giáo ở vùng mới giải phóng”.

Ngày 14 tháng 6 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 234/SL, ban hành chính sách tôn giáo nhằm bảo đảm tự do tín ngưỡng. Đây là văn bản qui định khá chi tiết về quyền tự do tín ngưỡng của công dân.

Ngày 2 tháng 8 năm 1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 566 - TTg về việc thành lập các Ban Tôn giáo ở Trung ương (Phủ Thủ tướng), khu, tỉnh. Ban Tôn giáo Phủ Thủ tướng (nay là Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ) có nhiệm vụ: “Nghiên cứu kế hoạch thi hành những chủ trương chính sách của chính phủ về vấn đề tôn giáo, giúp Thủ tướng phối hợp với các ngành ở Trung ương và theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong việc thực hiện những chính sách của Chính phủ về vấn đề tôn giáo và liên hệ với các tổ chức tôn giáo”. Theo đó, Ban Tôn giáo các tỉnh được thành lập. Ban Tôn giáo các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Thái Bình, Hà Tĩnh được biên chế mỗi tỉnh 10 người. Tuy nhiên do nhận thức, do phải tập trung cho nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến… nên từ khi có quyết định thành lập đến năm 1975 Ban Tôn giáo tỉnh luôn không đủ biên chế…

Trong những năm 1954-1956, nhất là từ khi Chính phủ ban hành Sắc lệnh bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng (14-6-1955), ở miền Bắc đã có 25 nhà thờ và 6 ngôi chùa đền lớn được trùng tu. Các chùa có chùa Một Cột (Hà Nội), Hương Tích (Hà Đông), Cổ Lễ (Nam Định), đền Sòng (Thanh Hóa), đền Hùng (Phú Thọ).

Lúc bấy giờ trong CCRĐ(1) việc chấp hành chính sách tôn giáo đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng, xúc phạm đến tín ngưỡng các tôn giáo như lấy cả ao vườn nội tự chia cho nông dân, có nơi cán bộ đã quy kết tội gây oan trái cho các nhà tu hành…

Những sai lầm trên đã khiến cho đồng bào các tôn giáo thắc mắc một cách chính đáng và thiết tha mong đợi việc sửa chữa các sai lầm. Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức có nhấn mạnh:

“Từ Trung ương đến xã, cơ quan phụ trách phải đặc biệt coi trọng việc sửa sai ở vùng tôn giáo, đảm bảo chính sách đối với tôn giáo được thi hành đúng đắn”. Bản Nghị quyết nêu rõ những điểm sau đây: “Nơi nào để lại ruộng đất cho nhà chung, nhà chùa, miếu mạo, từ đường họ chưa đúng chính sách qui định thì phải điều chỉnh lại cho đủ dùng vào việc đèn hương thờ cúng và đủ sinh sống cho những người làm nghề tôn giáo. Nơi nào đã trưng thu, trưng mua sai nhà, vườn, ao trong khu nội tự thì phải trả lại. Không được dùng nhà thờ, chùa, thánh thất, miếu mạo và từ đường họ làm kho tàng hay trụ sở cơ quan, nơi nào đang dùng thì phải chuyển đi nơi khác, cơ quan nào đã dùng mà làm hư hỏng thì phải sửa chữa... những người làm nghề tôn giáo nếu bị qui sai là địa chủ, bị qui kết tội oan thì được trả lại tự do, danh dự, tài sản bị tịch thu trưng thu trưng mua thì được đền bù như những người khác bị quy oan… việc sửa chữa phải có kế hoạch từng bước… đồng bào và tín đồ các tôn giáo cần nhìn rõ những quyền lợi vì ruộng đất và địa vị chính trị của mình do cải cách ruộng đất đã mang lại và tin tưởng vào sự quyết tâm sửa chữa sai lầm của Đảng. Chính phủ và Mặt trận, ra sức đoàn kết giúp đỡ chính quyền, giúp đỡ cán bộ tiến hành sửa chữa cho được kết quả tốt”.

Tính đúng đắn và kịp thời của Nghị quyết đã động viên khích lệ bà con rất nhiều.

Tháng 7 năm 1956, sau 5 đợt tiến hành, công cuộc CCRĐ đã hoàn thành ở miền Bắc. Đối với nhân dân miền Bắc nói chung và Thanh Hóa nói riêng, cải cách ruộng đất đã đem lại ruộng đất cho nhân dân lao động, chấm dứt tình trạng túng đói trong nông dân kéo dài nhiều năm nay. Tăng ni, phật tử xứ Thanh nhiệt liệt hoan nghênh cuộc cải cách này vì nó thích hợp với tinh thần từ bi và ý nghĩa Lợi hòa đồng quần của đạo Phật. Tuy có nơi vì chấp hành chính sách chưa được nghiêm chỉnh đã phạm một số sai lầm, nhưng những sai lầm ấy chỉ là tạm thời và đã được sửa chữa. Thắng lợi của cuộc CCRĐ vẫn là căn bản. Vì nó đã xóa bỏ tận gốc chế độ bóc lột phong kiến và đã đem lại đời sống no ấm cho nhân dân lao động.

Ngày 31 tháng 12 năm 1959, Quốc hội thông qua Hiến pháp mới. Toàn bộ chương III của Hiến pháp, gồm 21 điều nói về “Quyền lợi và nghĩa vụ của công dân” trong đó có 11 điều nói về quyền công dân. Quyền tự do tín ngưỡng được đề cập trong Điều 26 “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.

Quyền tự do tín ngưỡng tiếp tục được khẳng định, nhưng tại Hiến pháp này, quyền đó đã được mở rộng hơn khi đưa ra qui định là quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào, thể hiện quyền đầy đủ của con người về phương diện tín ngưỡng, tôn giáo. Trong thực tiễn, có người có tôn giáo đã không chú ý đến một thực tiễn là, trong xã hội còn có những người không theo tôn giáo, nên trong hoạt động tôn giáo của mình, họ làm ảnh hưởng đến những người không có tôn giáo. Thậm chí có người còn có thái độ, hành vi áp đặt, cưỡng ép người khác đi theo tôn giáo. Như thế họ đã vi phạm quyền tự do không theo tôn giáo của người khác. Nhưng cũng có trường hợp ngược lại, có người không có tôn giáo thiếu tôn trọng người có tôn giáo, ảnh hưởng đến quyền tự do tín ngưỡng của họ và như thế cũng vi phạm đến quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của họ.

Như vậy khi đưa ra chế định về quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào đã làm mở rộng hơn, sâu sắc hơn về quyền tự do tín ngưỡng, mặt khác là cơ sở pháp lý nhằm tạo ra sự bình đẳng, đoàn kết giữa người có và người không có tôn giáo với nhau trong khối đoàn kết dân tộc.

Chùa Tiên, Mậu Nam, Thanh Hóa - Ảnh: Trần Sơn

Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam

Từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 9 năm 1955, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất đã họp tại Hà Nội quyết định thành lập MTTQ Việt Nam tiếp tục sự nghiệp đoàn kết toàn dân của Mặt trận Liên Việt. MTTQ Việt Nam đã mở rộng và củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết của toàn dân, trong đó có tăng, ni, phật tử. Họ càng tích cực vận động thành lập một tổ chức Phật giáo duy nhất, tiêu biểu cho tinh thần Lục hòa của đức Phật.

Hòa bình lập lại, Pháp sư Thích Trí Độ từ vùng tự do Thanh Hóa trở lại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Hòa thượng Tố Liên tiếp tục giảng kinh thuyết pháp cho tín đồ Phật giáo, phụng đạo, yêu nước đến tháng Tư năm Mậu Tuất (1958) mới nghỉ. Ngài cùng quý ngài trong Hội Phật giáo Cứu quốc và Hội Việt Nam Phật giáo như: Kim Cương Tử, Thích Thanh Chân, Lê Phúc Tiến, Giám Sinh… tham gia vận động thành lập Ban Đại diện Phật giáo Thủ đô.

Năm 1956, Ban Đại diện Phật giáo Thủ đô đã được thành lập và trên cơ sở đó ngày 14 tháng 9 năm 1957, một số vị Hòa thượng và cư sĩ đã đệ đơn lên Chính phủ xin phép thành lập Ban Vận động, tiến tới triệu tập đại hội đại biểu Phật giáo, thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Ban Vận động do Pháp sư Thích Trí Độ làm Trưởng ban.

Sau một thời gian chuẩn bị, bàn bạc, trao đổi giữa Ban Vận động Thống nhất Phật giáo với bốn tổ chức Phật giáo (Hội Việt Nam Phật giáo, Giáo hội Tăng già Bắc Việt, Hội Phật giáo Cứu quốc, Hội Phật tử Việt Nam) Đại hội đại biểu thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam đã diễn ra từ ngày 16/3 -18/3/1958, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Hơn 200 vị Hòa thượng tôn túc tăng, ni và cư sĩ tiêu biểu trong Phật giáo đã tham dự Đại hội. Đại hội đã mời cụ Tôn Đức Thắng Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cụ Bùi Kỷ - nguyên sáng lập viên Hội Phật giáo Bắc Kỳ (tức Hội Việt Nam Phật giáo sau tháng 5 năm 1945) và Chủ tịch MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Doãn Kế Thiện tham gia. Chủ tịch đoàn gồm 22 vị Hòa thượng tôn túc. Hội nghị dành riêng một ghế Chủ tịch đoàn danh dự dâng Hồ Chủ tịch và hai ghế dành cho đại biểu miền Nam. Đại hội đã bầu Ban Trị sự Trung ương Hội gồm 45 vị trong đó có 2 ghế dành cho các hội viên sau này công tác tiến bộ được đề bạt; và 10 ghế dành các đại biểu Phật giáo miền Nam. Thực tế gồm 33 vị, Ban Trị sự đã bầu Ban Thường trực do Hòa thượng Thích Trí Độ làm Hội trưởng, Hòa thượng Tuệ Tạng - Thích Tâm Thi (Trần Thanh Thuyên), Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Thượng tọa Lê Đức Chính, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám được bầu làm Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Đại hội quyết nghị đặt trụ sở Hội tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Đại hội đã đề ra 4 nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ 1958 – 1960.

Đại hội bế mạc hồi 5 giờ chiều ngày 18 tháng 3 năm 1958, sau đó Ban Thường trực họp riêng phân công(2).

Ngày 28 tháng 4 năm 1958, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 147 – NV, cho phép Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được “hoạt động trong phạm vi luật lệ hiện hành và Điều lệ của Hội đã được duyệt, đính theo Nghị định này”. Điều lệ Hội có 14 mục với 23 điều, quy định Hội có hai cấp: Ban Trị sự Trung ương và Ban Trị sự các tỉnh thành (chi hội). Nhiệm kỳ Ban Trị sự Trung ương là ba năm, Ban Trị sự chi hội là hai năm. Ban Trị sự Trung ương có ba Tiểu ban là Tiểu ban Tuyên giáo, Tiểu ban Nghi lễ và Tiểu ban Từ thiện xã hội.

Tháng 3 năm 1961, Đại hội đại biểu Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam lần thứ 2 diễn ra tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Đại hội đã lưu nhiệm Pháp sư Thích Trí Độ làm Hội trưởng.

Hoạt động của Chi hội Phật giáo Thống nhất Thanh Hóa

Sau khi Hội PGTN Việt Nam được thành lập tại Hà Nội, các Chi hội PGTN Việt Nam (gọi tắt là Chi hội) lần lượt được thành lập ở các tỉnh. Chi hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa do Hòa thượng Thích Thanh Trình (Đinh Thanh Trình) làm Chi hội trưởng.

Ngày 10 tháng 2 năm 1959 (Kỷ Hợi), các tăng, ni và tín đồ Phật giáo tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức 2 lễ cầu siêu độ tại chùa Quảng Thọ và chùa Thanh Hà ở thành phố Thanh Hóa nhân vụ chính quyền Sài Gòn tàn sát đồng bào ta ở nhà tù Phú Lợi, tỉnh Thủ Dầu Một.

Năm 1961, nhân dân Thanh Hóa cùng cả nước bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Theo chủ trương của trên, những chùa có diện tích đất canh tác (do các tín chủ cúng tiến cho chùa trước đây gọi là ruộng phúc) đều gia nhập hợp tác xã nông nghiệp(3).

Phật giáo Thanh Hóa đã tích cực hưởng ứng phong trào này. Nhiều chùa đã trả lại ruộng cho chính quyền và tham gia xây dựng hợp tác xã như sư Đàm Nẫm ở chùa Long Yên huyện Hà Trung, chùa Mật Đa, chùa Tăng Phúc ở xã Đông Cương, thành phố Thanh Hóa đã chủ động hiến đất để hưởng ứng phong trào “Ba lá cờ hồng”.

Đại biểu Phật giáo Thanh Hóa tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo Thống nhất Việt Nam lần thứ 3. Năm 1964, Hòa thượng Thích Thanh Trình, sư ông Thích Thanh Cầm và sư thầy Thích Đàm Dung là đại biểu Phật giáo Thanh Hóa tham dự Đại hội đại biểu PGTN Việt Nam lần thứ 3. Đại hội diễn ra từ ngày 28 tháng 9 đến ngày 1 tháng 10 năm 1964, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội với sự có mặt của 200 đại biểu tăng, ni, cư sĩ và tín đồ, thể hiện tinh thần đại hòa hợp phấn khởi, tin tưởng. Đại hội vinh dự được Hồ Chủ tịch viết thư thăm hỏi, căn dặn và Phó Chủ tịch nước - Chủ tịch Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tôn Đức Thắng đến thăm và nói chuyện. Ngoài ra, Đại hội cũng nhận được hàng trăm bức thư, bức điện, thơ ca, tặng phẩm từ các địa phương gửi về chào mừng Đại hội. Trong những bức thư, thơ ca của các địa phương chào mừng Đại hội đều nhắc tới tình ruột thịt Bắc - Nam.

Tăng, ni xứ Thanh đã đem tặng Đại hội những quả dừa tươi kèm theo bức thư có những câu thể hiện ước mong thống nhất đất nước cháy bỏng(4).

Hàng dừa miền Bắc xinh tươi, Trặng dừa Nam Bộ bùi ngùi đứng trông. Trái, cây, dừa một giống dòng, Đôi nơi cách trở cho lòng dừa đau.!!!

Sau 3 ngày làm việc tích cực, Đại hội đã suy cử 27 Hòa thượng vào Ban Chứng minh Đạo sư, bầu Ban Trị sự mới gồm 37 vị trong đó có 27 vị tăng, 7 vị ni và 3 cư sĩ. Suy bầu 10 vị vào Ban Thường trực Trung ương Hội, trong đó:

1) Pháp sư Thích Trí Độ - Hội trưởng; 2) Hòa thượng Trần Quảng Dung - Phó Hội trưởng; 3) Bác sĩ Lê Đình Thám - Phó Hội trưởng; 4) Hòa thượng Thích Đức Nhuận - Phó Hội trưởng; 5) Hòa thượng Tâm An - Phó Hội trưởng; 6) Hòa thượng Thái Hòa - Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký;

Ban Trị sự có 3 Tiểu ban: 1) Tiểu ban Tuyên giáo; 2) Tiểu ban Nghi lễ; 3) Tiểu ban Từ thiện xã hội.

Ngay sau khi rời Hà Nội về Thanh Hóa, theo hướng dẫn của Ban Trị sự Trung ương Hội PGTN Việt Nam, Ban Trị sự Chi hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tại chùa Thanh Hà nghe Hòa thượng Thích Thanh Trình báo cáo tóm tắt kết quả Đại hội, phổ biến Nghị quyết Đại hội. Thành viên Ban Trị sự Chi hội Phật giáo tỉnh và chư vị tăng, ni các chùa ở thị xã Thanh Hóa đã đến dự.

Bế mạc phiên họp, Hòa thượng Thích Thanh Trình đề nghị các vị tham dự hội nghị trở về địa phương mình tuyên truyền vận động các chùa và các tăng, ni, phật tử thực hiện tốt lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”, “góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Nhìn chung, trong những năm 1954-1964, mùa An cư kiết Hạ, các ngày lễ Phật đản, đức Phật thành đạo, ngày vía đức A Di Đà... vẫn được các chùa ở Thanh Hóa tổ chức. Sau Đại hội thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (3-1958), Chi hội PGTN Việt Nam tỉnh Thanh Hóa được thành lập do Hòa thượng Thích Thanh Trình làm Chi hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Thanh Hà, thành phố Thanh Hóa. Chi hội đã hướng dẫn tăng, ni, phật tử tích cực chấp hành các chính sách của Chính phủ, hăng hái tham gia CCRĐ, ủng hộ các phong trào hợp tác xã, học tập văn hóa, bài trừ mê tín dị đoan. Tăng, ni, phật tử ngày càng hòa hợp, đoàn kết rộng rãi trong Chi hội, tích cực xây dựng Chi hội thành một tổ chức tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của Phật giáo Thanh Hóa, hoạt động theo lời dạy của đức Phật “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Ít lâu sau Chi hội trở thành thành viên của MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, hướng dẫn tăng, ni, phật tử thực hiện cương lĩnh của Mặt trận.

2. Từ 1965 đến 1981

a) Phật giáo Thanh Hóa góp phần đánh bại hai lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ

Kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965) xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội đang thực hiện thì từ ngày 7 tháng 2 năm 1965, đế quốc Mĩ bắt đầu tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc Việt Nam nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Lúc này chống Mĩ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc, của nhân dân từ Bắc chí Nam.

Ngày 3 và ngày 4 tháng 4 năm 1965, giặc Mĩ cho hàng trăm lượt máy bay đánh phá Thanh Hóa mà trọng điểm là đánh phá cầu Lèn và cầu Hàm Rồng. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, trong hai ngày quân dân Thanh Hóa - Hàm Rồng đã bắn rơi 47 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái. Cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững hiên ngang soi bóng trên dòng sông Mã anh hùng(5).

Phật giáo Thanh Hóa đã góp phần cùng quân và dân toàn tỉnh đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ. Nhiều chùa trở thành nơi sơ tán của các cơ quan nhà nước, nơi trú ẩn của nhân dân. Một số nhà sư trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ các trọng điểm giao thông.

Huyện Cẩm Thủy

Chùa Mổng, nằm trong hang núi xã Cẩm Tú, trong kháng chiến chống Mĩ là nơi cất giấu lương thực, vũ khí đạn dược cho chiến trường miền Nam.

Huyện Hà Trung

Chùa Long Yên, làng Yên Thôn, xã Hà Hải, là nơi lánh nạn của các gia đình ở xã Hà Phú, bị bom Mĩ đánh phá và trong giai đoạn này chùa trở thành trường học tạm của xã Hà Phú(6).

Chùa Quảng Phúc, xã Hà Sơn, trong những năm kháng chiến chống Mĩ, chùa nằm gần bến đò Châu Tử, khi Cầu Lèn bị máy bay Mĩ đánh phá ác liệt, những đoàn quân vào Nam phải qua đò Châu Tử. Khuôn viên bóng mát chùa Quảng Phúc là nơi che chở, nghỉ chân chờ đò của đoàn quân. Những chiến sĩ đi B(7), khi sang đò đều ghi nhớ ở nơi đây tấm lòng thơm thảo của người dân Hà Sơn, trong đó có các sư Đàm Duyên, Đàm Xứng và bà con phật tử ở chùa Quảng Phúc với tình quân dân thắm thiết đậm đà.

Chùa Cao Lũng (Thiên Khánh tự) ở làng Cao Lũng, xã Hà Dương, diện tích đất đai rộng tới 3 mẫu. Những năm cuối thập niên 1950 chùa bị phá dỡ, đất đai chia cho nhà máy đường xây dựng nhà xưởng. Trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đất chùa xây nhà máy xay xát gạo và là kho lương thực để tiếp viện cho chiến trường miền Nam, sau khi hoà bình lập lại, khu nhà kho này bỏ hoang phế. Nay UBND xã cho san núi, cắt 1000m2 để khôi phục lại chùa.

Huyện Hậu Lộc

Chùa Tam Giáo (chùa Đồng) ở làng Du Trung, thị trấn Hậu Lộc trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước là nơi trú ẩn, nơi cất giữ lương thực, đạn dược của chính quyền(8).

Huyện Hoằng Hoá

Chùa Vĩnh Phúc (chùa Gia), xã Hoằng Phượng, những năm kháng chiến chống Mĩ, chùa là trạm xá cứu thương, trạm trung chuyển bộ đội và thương binh ngoài tiền tuyến về chữa bệnh dưỡng thương. Chùa là nơi tiếp tế cho bộ đội và dân quân Thanh Hoá chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, là trường học, là trụ sở của UBND xã Hoằng Phượng. Ngày 21 tháng 4 năm 1972 máy bay Mĩ đã bắn phá làm ngôi chùa sụp đổ, tượng Phật gãy vỡ, các bức đại tự, đối liễn cửa võng, các đồ tự khí, kinh sách trong chùa bị hư hỏng nhiều.

Chùa Phúc Hưng, ở làng Phượng Đình, phường Tào Xuyên, thành phố Thanh Hoá, nằm giữa hai mục tiêu đánh phá quan trọng của máy bay Mĩ là cầu Hàm Rồng và cầu Tào Xuyên, nên Phượng Đình trở thành toạ độ lửa. Ngày mùng 3 và 4 tháng 4 năm 1965 và ngày 12, ngày 22-23 năm 1966 là những ngày ác liệt và đau thương nhất. Mặt đất làng Phượng Đình như võng xuống vì bom đạn giặc Mĩ. Sử sách đã ghi nơi đây có 147 trận mưa bom làm 148 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, chùa bị xiêu vẹo, ngói bay tơi tả, nghè Hạ bị trúng chùm bom B52, tường đổ nát, làng có 56 người chết, 6 người mang thương tật cả đời. Trong hoàn cảnh đó, chùa là nơi tập kết cứu chữa cho thương binh và bộ đội cao xạ phòng không Đồng Đá. Chùa cũng là nơi cung cấp đạn dược, lương thực, thuốc men. Tại đây đã chứng kiến hình ảnh dân quân du kích tình nguyện tiếp máu cứu sống bộ đội. Tấm gương của 7 cô gái làng Phượng Đình vượt qua mưa bom, bão đạn, cấp cứu thương binh về nơi an toàn, phục vụ bộ đội không rời mâm pháo còn lưu truyền trong bao lớp người ở Phượng Đình. Lịch sử của làng còn ghi nhận tấm gương xã đội trưởng Nguyễn Viết Dua, chỉ huy dân quân bám trụ, cùng bộ đội dũng cảm, gan dạ bắn rơi nhiều máy bay Mĩ trên bầu trời Hàm Rồng.

Chùa Trào Âm (chùa Trào), xã Hoằng Lưu từ 1965 đến 1972, chùa là kho lương thực của Nhà nước và là nơi tập trung thanh niên lên đường nhập ngũ.

Chùa Bái Ninh (chùa Trù Ninh), xã Hoằng Đạt, trong những năm kháng chiến chống Mĩ, vì tọa lạc ở gần cầu Hàm Rồng - trọng điểm máy bay Mĩ đánh phá, nên ngôi chùa bị hư hại nhiều. Ngày 16 tháng 8 năm 1972, không quân Mĩ đã ném bom khu vực này, chùa Bái Ninh bị sập đổ tan hoang.

Chùa Thiên Phúc (chùa Đức Giáo), làng Đức Giáo, xã Hoằng Hợp. Nơi đây gần cầu Tào, cầu Hàm Rồng là con đường giao thông huyết mạch Bắc - Nam bị máy bay Mĩ đánh phá ác liệt trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại 1964 - 1973. Chùa có thời gian làm kho tàng, nơi trú quân của đơn vị Thanh niên xung phong(9).

Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa đã hướng dẫn các chùa trong tỉnh học tập chùa Kim Quy (còn gọi là chùa Yên Hạnh), thị trấn Nga Sơn trong thời kỳ này vẫn duy trì đèn hương lễ bái nhưng không mở lễ hội nhiều để tránh sự bắn phá của pháo và máy bay giặc(10).

Huyện Nông Cống

Chùa Vĩnh Thái, xã Hoằng Giang: Ga Yên Thái và trục đường 45, giao lộ giữa đường sắt và đường bộ, nơi ngày đêm có các chuyến tàu chuyển hàng vào Nam ra Bắc đã trở thành toạ độ lửa của bom đạn. Chùa bị bom Mĩ san phẳng toàn bộ. Chùa được công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá và cách mạng ngày 1 tháng 4 năm 1999 QĐ số 56/VHTT.

Chùa Khánh Long, làng Cung Điền, xã Minh Nghĩa, dựng từ thời Lê Sơ. Trong những năm kháng chiến chống Mĩ, khu đất chùa trở thành trại chăn nuôi của hợp tác xã và sau này đất được giao cho các đoàn thể và các cụ phụ lão trồng cây lâm nghiệp.

Thành phố Sầm Sơn

Trong những năm máy bay Mĩ đánh phá ác liệt, các cây cổ thụ, Tam quan, nhà Tả vu, tường rào… của chùa Khải Nam, làng Cá Lập, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn đã được trưng dụng phục vụ cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đến năm Đinh Tỵ (1977) chùa bị tháo dỡ hoàn toàn, trên nền chùa cũ nay xây trường Tiểu học, còn một cây si già 300 năm tuổi hình thù rất đẹp, dân làng coi như bảo vật linh thiêng, được chăm sóc giữ gìn chu đáo.

Chùa Đót Tiên, Thanh Hóa - Ảnh: Trần Sơn
Thành phố Thanh Hóa

Chùa Mật Đa, phường Nam Ngạn, là di tích Lịch sử văn hoá cấp quốc gia (QĐ số 1821 ngày 16 tháng 11 năm 1989).

Trong những năm 1965 - 1971 chùa là chỉ huy sở, là nơi tập kết lương thực, thực phẩm, đạn dược, nơi cấp cứu và nuôi dưỡng ban đầu cho bộ đội và dân quân bị thương. Sư thầy Thích Đàm Xuân đã không quản ngại gian khổ, dành trọn tình thương và lòng nhiệt tình chăm sóc anh em bộ đội, dân quân. Sư đã dỡ nhà làm hầm cho bộ đội, dân quân trú ẩn; lấy cánh cửa chùa để làm cáng cứu thương. Thương bộ đội trực chiến máy bay Mĩ tại trận địa nắng khát sư đã chặt dừa ở vườn chùa mang cho bộ đội uống, chặt lá dừa cho bộ đội nguỵ trang. Việc làm của Ni sư Đàm Xuân đã để lại tiếng thơm cho đời mà các thế hệ tiếp sau.

Những năm 1965 - 1972 máy bay Mĩ ngày đêm điên cuồng trút hàng tấn bom xuống chiến tuyến Hàm Rồng nhằm ngăn chặn con đường huyết mạch tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn, làng Hạc Oa và xã Đông Cương bị bắn phá ác liệt nhất. Để tiếp ứng cho cầu Hàm Rồng, nhà chùa giao lại chùa Tăng Phúc (Hạc Oa), cho Trung đoàn Phòng không 228 làm trạm phẫu thuật sơ cứu ban đầu và làm khu vực hậu cần. Nhờ vậy mà hàng trăm thương binh, công nhân Đội cầu và dân quân phục vụ chiến đấu đã được các tăng, ni, phật tử chăm sóc tận tình, chu đáo. Tại chùa có 4 thanh niên hiến máu cứu các thương binh từ trận địa đưa về điều trị. Nhiều chiến sĩ hy sinh được nhân dân và nhà chùa đưa về an táng chu đáo (hiện nay chùa Tăng Phúc vẫn thờ các liệt sĩ như liệt sĩ Nguyễn Thạc Mười sinh năm 1940, hy sinh ngày 1 tháng 6 năm 1967, người làng Vĩ, Tiên Sơn, huyện Đình Bảng, tỉnh Hà Nam). Chính trong thời kỳ này, tháng 4 năm 1972 chùa Tăng Phúc đã bị máy bay Mĩ đánh sập. Từ đó chùa bị hoang phế(11).

Chùa Long Nhương (chùa Đông Tác) ở làng Đông Tác, phường Đông Thọ trong những năm không quân Mĩ đánh phá thành phố Thanh Hóa, chùa là địa điểm sơ tán của Ga đường sắt Thanh Hoá. Từ chùa chính đến nhà Tổ, nhà Khách và phủ Mẫu trở thành kho cất giữ hàng hoá, lương thực thực phẩm và vũ khí cho nhà nước. Năm 1975, toàn bộ kiến trúc của chùa và đền Mẫu bị phá dỡ. Sau đó, đất chùa lại được chia cho một số hộ dân nên chỉ còn ao chùa, giếng chùa và đất phủ Mẫu(12).

Chùa Hưng Phúc (Tu Ba cổ tự) ở phường Đông Hương, thành phố Thanh Hoá. Trên nền đất xưa của chùa là trận địa trực chiến của dân quân xã Đông Hương canh giữ bầu trời, bắn máy bay Mĩ bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Chùa Quy Cốc (Núi Đọ), ở thôn Phú Ân, xã Thiệu Khánh. Năm 1959, bia đá, khánh đá, các cột đá của chùa bị phá huỷ để sử dụng vào mục đích khác. Năm 1960, chùa được sử dụng làm nơi học của học sinh khối 7 cụm Thiệu Hoá gồm 6 xã. Năm 1963, chùa bị tháo dỡ để lấy vật liệu xây các công trình dân sinh(13).

Nguyễn Đại Đồng Phó Giám đốc TTNCLSPGVN phía Bắc, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022

(còn tiếp)

CHÚ THÍCH: (1) Cuộc phát động cải cách ruộng đất đợt I được tiến hành ở 47 xã thuộc các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình (Thái Nguyên) và 6 xã thuộc huyện Nông Cống (Thanh Hóa) từ ngày 25 ngày 5 năm 1954, kết thúc vào ngày 20 tháng 9 năm 1954. (Viện Sử học, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1945-1975), Nxb Giáo dục, 2006, tr.136. Đợt V là đợt cuối cùng, tổng kết vào tháng 7 năm 1956 (sách dẫn trên, tr.159). (2) Kỷ yếu Hội nghị thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam từ 16-18/3/1958, tr. 8-11. (3) Cuối năm 1955, bắt đầu xây dựng thí điểm 8 Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp (gồm 106 hộ) trong đó có 1 Hợp tác xã bậc cao tại các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Tới cuối tháng 9 năm 1959, cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp bậc thấp ở miền Bắc căn bản hoàn thành. (Viện Sử học, Việt Nam những sự kiện lịch sử từ 1945-1975, Nxb Giáo dục, 2006, tr. 201). (4) Đặc san Phật giáo Đại hội đại biểu lần thứ ba Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam do Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam xuất bản tháng 10 năm 1964, tr.40. (5) Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Nguồn:http://baothanhhoa.vn/news/63186.bth (6) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Hành trạng chư Tăng Ni Thanh Hóa, tập 1, Nxb Thanh Hóa, tr.171. (7) Đi B: tức đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam. (8) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 2, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.244. (9) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 3, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.327. (10) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.126. (11) Đỗ Hoài Tuyên (chủ biên), Chùa Việt Nam tiêu biểu, Nxb Tôn giáo, 2011, tr.250. (12) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 2, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.127-130. (13) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 4, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.234.