VIỆC LẬP BAN CHUYÊN TRÁCH ĐỜI SỐNG TÂM LINH, TÍN NGƯỠNG, ĐẶC BIỆT CHĂM LO ĐỜI SỐNG ĐẠO PHẬT CHO THẤY TINH THẦN PHẬT GIÁO ANH MINH CỦA VUA LÝ THÁI TỔ: BỔ NHIỆM CHUYÊN TRÁCH, ĐÚNG NGƯỜI, ĐÚNG VIỆC, RẤT RÕ RÀNG MINH TRIẾT. KHÔNG CÓ CHUYỆN “BỔ NHIỆM CHO CÓ RỒI KHÓ BỀ QUẢN COI”, ĐẶC BIỆT TRONG KHU CHUẨN TĂNG GIÁO PHẬT SỰ.
Nơi Thềm Rồng điện Kính Thiên, Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội, trong tiết trời một sáng tháng Tư thanh mát an lành đã trang nghiêm diễn ra lễ dâng hương tưởng nhớ và kỷ niệm 990 năm (1028 - 2018) ngày mất của đức vua Lý Thái Tổ, vị vua đầu tiên của Vương triều Lý đã quyết định dời đô và tạo dựng kinh đô mới ở Thăng Long.
Đây là dịp để hàng hậu thế ôn lại truyền thống văn hiến, lịch sử hào hùng, dịp những thế hệ ngày nay tưởng niệm sâu sắc, tri ân công đức tiền nhân đã khai mở nền văn hiến Thăng Long, khai sáng văn minh Đại Việt.
Lý Thái Tổ (974 - 1028) là vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028. Đức vua có tên húy là Lý Công Uẩn, sinh ngày 12/02/Giáp Tuất (08/03/974) tại hương Diên Uẩn, Châu Cổ Pháp (nay là Từ Sơn - Bắc Ninh). Ông vốn là người con tinh thần của Phật giáo. Lúc mới ba tuổi được mẹ là bà Phạm Thị Bế đến chùa Lục Tổ nhờ nhà sư Lý Khánh Văn nuôi dạy. Sau đó ông được cha nuôi gửi cho một người bạn là Thiền sư Vạn Hạnh dạy dỗ. Thiền sư Vạn Hạnh sớm nhận thấy: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”.
Được sự giúp đỡ của Thiền sư Vạn Hạnh, Lý Thái Tổ được vua Lê Đại Hành tin dùng và đưa lên các chức vụ quan trọng trong triều đình Hoa Lư. Năm 1005, ông được giữ chức Điện tiền quân đời Lê Trung Tông và sau được thăng lên Tứ sương quân Phó chỉ huy sứ, rồi Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ đời Lê Ngọa Triều (1005 - 1009).
Ngày 02/11/Kỷ Dậu (21/11/1009) tại Kinh đô Hoa Lư, Lý Công Uẩn được triều thần suy tôn lên ngôi vua, lập ra Vương triều Lý.
Sau khi lên ngôi, nhà vua quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Chiếu dời đô có đoạn viết: “…Thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế nhìn sông dựa núi. Vùng này mặt đất rộng mà bằng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”.
Quyết định dời đô và tạo dựng kinh đô mới ở Thăng Long là sự kiện trọng đại, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của vương triều Lý và quốc gia Đại Việt.
Khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ cho dựng rất nhiều chùa và độ diệp cho hàng vạn vị sư. Thực ra lúc bấy giờ, chùa là trường học, các sư là thầy giáo của một đường hướng giáo dục. Các phật tử đến chùa trước lễ Phật, sau nghe thuyết pháp để trí tuệ được mở mang mà lòng thiện cũng được xiển dương.
Bên cạnh những quyết sách mang tính lịch sử mà tiêu biểu là việc dời đô ra Đại La, đặt tên mới cho kinh đô là Thăng Long thì việc ứng xử với Phật giáo của vua Lý Thái Tổ cũng có thể coi là một việc làm mang tính chiến lược.
Ở triều đình, đức vua đặt ra Tăng ban, bên cạnh Văn ban, Võ ban, Thái giám ban. Đây là ban đặc biệt, giúp vua chuyên trông coi các hoạt động của đời sống tâm linh, chịu trách nhiệm truyền giảng kinh sách. Thiền sư Vạn Hạnh được sắc phong là Quốc sư thời đó.
Việc lập Ban chuyên trách đời sống tâm linh, tín ngưỡng, đặc biệt chăm lo đời sống đạo Phật cho thấy tinh thần Phật giáo anh minh của vua Lý Công Uẩn: Bổ nhiệm chuyên trách, đúng người, đúng việc, rất rõ ràng minh triết. Không có chuyện “bổ nhiệm cho có rồi khó bề quản coi”, đặc biệt trong khu chuẩn tăng giáo phật sự.
Nước Đại Việt thời Lý nhanh chóng trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất và cường thịnh ở Đông Nam Á, trong đó Thăng Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất của đất nước, nơi hội tụ và kết tinh văn hóa dân tộc.
Qua thời gian trị vì anh minh, thịnh quốc an dân, năm Mậu Thìn 1028 (Thuận Thiên thứ 19), sức khỏe nhà vua không được tốt. Vua băng hà ở điện Long An vào ngày Mậu Tuất, tháng 3 (31/03/1028), tại vị 19 năm, hưởng thọ năm mươi lăm tuổi. Nhà vua được an táng ở Thọ Lăng, Thiên Đức phủ, miếu hiệu là Thái Tổ, thụy hiệu là Thần Vũ Hoàng đế.
Thành kính dâng hương tưởng nhớ đức Thái Tổ triều Lý là dịp để con cháu tri ân công đức của các bậc tiền nhân, giáo dục truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn các thế hệ đi trước đã xây đắp và gìn giữ quốc gia vững bền.
***
Những thành tựu Phật giáo thời vua Lý Thái Tổ: Đáp ứng nhu cầu của đời sống tâm linh, nhu cầu về tôn giáo tín ngưỡng của bách dân trăm họ, ngay sau khi dời đô về Đại La, vua Lý Thái Tổ cho xây dựng nhiều chùa, đúc chuông, thỉnh kinh và độ tăng xuất gia tu học theo Phật pháp.
Tháng 07/1010, vua cho phát hai vạn quan tiền, dựng tám cảnh chùa, đều lập bia ghi công đức. Trong thành Thăng Long, dựng chùa Hưng Thiên ngự tự, cung Thái Thanh và chùa Vạn Tuế; ở ngoài thành dựng chùa Thắng Nghiêm, chùa Thiên Vương, chùa Cẩm Y, chùa Long Hưng, chùa Thái Thọ, chùa Thiên Quang và chùa Thiên Đức, những đền chùa ở các làng mạc, có ngôi nào đổ nát, đều được sắc chỉ trùng tu, sửa.
Tháng 05/1014, đức vua cho mở đàn chay tại chùa Vạn Tuế, thành Nội để độ chúng tăng đồ thụ giới. Đến tháng 9, lại xuống chiếu phát 310 lạng vàng trong kho để đúc chuông ở chùa Hưng Thiên. Tháng 10, xuống chiếu phát trăm lạng bạc trong kho để đúc hai quả chuông ở chùa Thắng Nghiêm và tinh lâu Ngũ Phượng.
Năm 1018, mùa Hạ, tháng 6, đức vua cử Viên ngoại lang là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin thỉnh Tam Tạng kinh.
Năm 1019, xuống chiếu độ dân trong nước làm tăng, lập đàn giới ở chùa Vạn Thọ, khuyến tấn các tăng đồ đến thụ giới. Phát vàng đúc chuông lớn để ở các chùa Hưng Thiên, Đại Giáo và Thắng Nghiêm.
Tiết Thu tháng 09/1024, Ngài hạ chỉ cho xây chùa Chân Giáo ở trong thành để nhà tiện ngự đọc tụng kinh kệ.
Năm 1027, vua Lý Thái Tổ cho sao chép Đại Tạng Kinh làm nhiều bản để phổ biến cho dân chúng nghiên cứu, tu học.
Tác giả: Thường Nguyên Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 5/2018
Bình luận (0)