Thích Nữ Thánh Nhã Ni sinh Ths Phật học Khóa V tại Thiền viện Vạn Hạnh, Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2023
Tiếp theo Số tháng 1-2023 (178)
Theo kinh nghiệm dân gian việc có mưa, có điện hay có sấm đều bắt nguồn từ mây; do đó, trong tư duy của người Việt lúc bấy giờ xem Phật Pháp Vân chính là nhân tố lãnh đạo Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi, Phật Pháp Điện.
Ngay từ thời nhà Lý thì lễ rước Phật Pháp Vân không ngừng diễn ra, Phật Pháp Vân thường được các vua Lý rước về kinh đô để cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đến thế kỷ XVI, Việt Sử Diễn Âm cũng ghi nhận vị trí của hệ tư tưởng Tứ Pháp trong tâm thức người Việt đã tạo dấu ấn, đặc trưng riêng của Phật giáo Việt Nam trong việc phục hưng và phát triển truyền thống văn hóa nước nhà. Đặc biệt, sự xuất hiện của dòng thiền đầu tiên tại Việt Nam gọi là dòng thiền Pháp Vân vừa có vai trò là nơi sinh hoạt tâm linh của Phật giáo, vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng.
Tín ngưỡng Tứ Pháp là sự kết hợp giữa tín ngưỡng bản địa của người Việt và nền triết lý Phật giáo sâu sắc mà vùng đất Dâu được xem là hệ quả tất yếu của sự giao thoa của hai nền văn hóa, một là tín ngưỡng dân gian lâu đời của người Việt và một tôn giáo mới từ nền văn hóa lớn Ấn Đô(̣24). Phật Điện lúc này được xem là một nhánh tôn giáo quan trọng của Phật giáo Việt Nam; khi hệ thống giáo lý kinh điển của Phật truyền vào được tiếp nhận đã tạo cho các vị thần vốn có của người dân bản địa một hình thái mới. Hay nói cách khác thì những vị thần Tứ Pháp được thổi vào linh hồn triết lý của Phật giáo và ngược lại, hình dáng các vị Phật mang nét đặc trưng của thẩm mỹ tín ngưỡng người Việt(25). Điển hình như việc ngoài thờ Tứ Pháp thì việc thờ Phật Thạch Quang cũng được xem là dung hòa giữa Phật giáo với tục lệ thờ đá của người Việt cô(̉26).
Hiện nay các tư liệu văn bản liên quan đến hệ tín ngưỡng Tứ Pháp vẫn còn lưu trữ tại chùa Dâu nổi tiếng như Cổ Châu Lục được khắc trên ván gỗ bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm có giá trị đặc biệt về nguồn gốc cũng như sự linh thiêng ứng nhiệm của Tứ Pháp suốt hàng ngàn năm lịch sử từ thời Bắc thuộc cho đến thời Lê Sơ và kéo dài cho đến tận ngày nay. Bởi sự ứng nhiệm linh thiêng của tín ngưỡng Tứ Pháp không chỉ thuyết phục người dân Việt mà các Thứ sử Giao Châu khi đó ngoài Sỹ Nhiếp ra còn có Đôn Hoàng (thời Tam Quốc) hay Lưu Phương (thời Tùy) cũng bị thuyết phục bởi sự linh nhiệm của Phật Pháp Vân mà yết bái rồi sai canh tượng và trùng tu cả thảy là bốn ngôi chùa ở Luy Lâu.
Đến thời Tấn Minh Đế còn cho quân kéo tượng Pháp Vân về Kiến Khang nhưng chẳng những không được mà số quân lính lực sĩ còn bị thương; phải thắp hương cúng vái xin trả tượng về chỗ cũ mới hết. Vì vậy, danh tiếng về sự nhiệm mầu của Tứ Pháp càng vang xa hơn nữa; cổ vũ tinh thần cho người dân Việt tin vào sức mạnh che chở của các vị thần nơi họ sinh sống. Chính nhờ niềm tin vào hệ tín ngưỡng Tứ Pháp này mà nước ta trải qua bao phen sóng gió xâm lược của kẻ thù vẫn không chùng bước. Từ đó tiếng linh thiêng càng lừng lẫy.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư(28) cũng nhắc nhiều lần đến Tứ Pháp, ghi lại những lần cầu đảo của các vị vua; bắt đầu từ nhà Lý như: Năm 1073, vua Lý Nhân Tông đã đưa tượng Pháp Vân về triều đình để cầu mưa tạnh; vua Lý Thần Tông thì sai đưa Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên để cầu mưa v.v. Tục rước tượng Phật về Kinh để cầu mưa được xem như một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt kéo dài cho đến tận hôm nay mà nhân dân vùng lúa nước hết lòng tín ngưỡng; đặc biệt là nhân dân miền Bắc nước ta nhất mực sùng bái. Rõ ràng từ vua cho đến dân đều thể hiện rõ niềm tin mãnh liệt vào sự ứng nhiệm của Phật Pháp Vân, không chỉ phát triển ở thời đại Lê Sơ hay thời đại nhà Trần mà trải qua bao thời đại sau này; lúc thịnh cũng như lúc suy, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc mà minh chứng rõ nhất chính là hệ tín ngưỡng Tứ Pháp mang đậm nét đặc trưng của dân tộc Việt, có vai trò quan trọng trong việc đối kháng lại nền Phật giáo của nhà Minh đưa sang(29).
Như đã nói, Phật Pháp Vân linh ứng phò trì cho cả dân tộc được mô tả khá kỹ lưỡng và các cuộc lễ rước Phật Pháp Vân, đại diện cho cả 3 vị Phật còn lại được tổ chức hoành tráng. Theo tư duy của người Việt thì 3 vị Phật: Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện phải tùy thuộc vào Phật Pháp Vân, do đó sự hình thành bốn vị Phật này, Phật Pháp Vân được xem là nhân tố lãnh đạo của ba vị Phật còn lại (có mây mới có mưa, sấm và chớp). Thế nên, nhà Lý, các vua không ngừng tổ chức Lễ hội rước Phật Pháp Vân ở cấp Quốc gia về kinh đô Thăng Long để cầu quốc thái dân an, mưa gió thuận hòa, nhà nhà thịnh vượng mà Quốc sử đã ghi. Sang đời Trần, hệ Tứ Pháp lại càng được phát huy khá mạnh mẽ, cùng với chùa Dâu và một loạt hệ thống chùa thờ Tứ Phật Pháp ở vùng chùa Dâu, được trùng tu như chùa Cổ Châu, chùa Thành Đạo, chùa Bình Văn, Linh Thông, chùa Trí Quả, chùa Phúc Nghiệm, nhằm phục vụ cho vai trò kết nối tinh thần đoàn kết dân tộc, lấy hệ tư tưởng Phật giáo, cùng với tinh thần yêu nước để đánh tan quân Nguyên Mông, phục hưng văn hóa Đại Việt.
Trong nền văn hiến Kinh Bắc thì chùa Dâu được xem như chùa cổ linh thiêng bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc, trong đó phải kể đến nhất chính là lễ hội chùa Dâu cùng hệ tín ngưỡng thờ Tứ Pháp độc đáo. Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện có ảnh hưởng quyết định đến sản xuất nông nghiệp của người Việt Nam mà từ bao đời nay đã trở nên rất quan trọng trong tâm thức của người dân Việt. Vùng đất Bắc Ninh là vùng đất có nhiều lễ hội, văn hóa đặc sắc; Dù trong nước hay khách nước ngoài biết đến vùng đất này nhờ sự nổi tiếng của chùa Dâu, trung tâm Phật giáo đầu tiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Hằng năm từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng 4 Âm lịch, người dân ba xã: Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh lại náo nức mở hội chùa Dâu; đây là một trong những lễ hội lớn và lâu đời nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những nghi lễ được diễn ra rất trang trọng nhằm phản ánh ước nguyện của con người về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt v.v. Từ lâu nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng này đã đi vào trong câu ca dân gian quen thuộc:
“Dù ai buôn bán trăm nghề Tháng Tư, ngày Tám thì về hội Dâu”.
Hội chùa Dâu nức tiếng gần xa với lễ hội độc đáo thu hút rất đông quần chúng tham dự, vào ngày chính hội (mồng Tám tháng Tư Âm lịch) nhân dân trong vùng rước tượng Phật Tứ Pháp từ chùa làng về hội tụ tại chùa Dâu. Đây được xem là tín ngưỡng cầu thần nước đặc trưng của người nông dân đồng bằng Bắc bộ xưa. Lễ hội rước Tứ Pháp mang ý nghĩa cầu mưa nên từ lâu đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân vùng Dâu. Đây không chỉ là nhu cầu tìm về với các mẹ Phật mà còn là nơi gửi gắm những mong ước ngàn đời về một cuộc sống tốt lành của cư dân đất nước nông nghiệp.
Trong tập thơ Hồng Đức quốc âm thi tập xuất hiện hàng loạt các bài thơ, vịnh mô tả lại cảnh rước Phật Pháp Vân dưới thời Lê Thánh Tông rất sống động như:
“Đến đời Hồng Đức niên gian Dựng làm lễ hội đưa con lên chùa … Việt Nam đón hội chùa Dâu dậy dàng”(30)
Bên cạnh đó còn có bài thơ Ngự đề Pháp Vân tự thi được cho là của chúa Trịnh Căn thủ bút(31). Do đó, nói đến tục thờ Tứ Pháp không ai không nhắc đến truyền thống rước Tứ pháp với các nghi lễ độc đáo thể hiện văn hóa sinh hoạt của người dân Việt xưa cũng như nay. Thông qua thơ vịnh ta có thể thấy rằng từ vua quan cho đến nhân dân đều đặt niềm tin vào sự linh ứng nhiệm mầu của hệ Tứ Pháp. Từ đây cho thấy vị trí Phật giáo vào thời Lê Sơ đã phát triển mạnh mẽ, thể hiện rõ nét tính dân tộc cũng như lòng tự tôn về nền văn hiến ngàn đời; đủ sức đối kháng lại nền văn hóa ngoại lai, âm mưu đồng hóa dân tộc Việt của kẻ thù phương Bắc, trong đó có cả nền Phật giáo của nhà Minh đưa sang.
Đúng như nhận định rằng: “Bình minh lịch sử Việt Nam gắn liền lịch sử Phật giáo Việt Nam”(32), không phải ngẫu nhiên mà tín ngưỡng Tứ Pháp sớm được định hình và nhanh chóng trở thành cơ sở lý luận thực thi sứ mệnh bảo vệ lòng tự tôn của dân tộc cũng như phát huy nội lực chống lại sự nô dịch của các thế lực xâm lược phương Bắc. Các vua nhà Lý là những vị phật tử thuần thành đã tiếp thu cội nguồn văn hóa dân tộc, đồng thời thực thi quá trình bản địa hóa Phật giáo Đại Việt, mang bản sắc dân tộc riêng biệt dưới sự dạy dỗ và đào tạo của các thiền sư. Việc khai sáng ra triều đại nhà Lý (544) trở về sau, vấn đề độc lập tự chủ không còn nằm trong phạm vi biên cương lãnh thổ mà còn được xác định trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa, tín ngưỡng; hay nói cách khác thì các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phục hưng bắt đầu từ thời nhà Lý.
Cùng với quá trình vận động và đấu tranh lâu dài giành độc lập của dân tộc, Phật giáo được xem là nhân tố quan trọng góp phần đào tạo nên một vị vua anh minh đầu tiên của nhà Lý và các thế nên ngay từ khi lên ngôi, Lý Nam Đế đã lấy niên hiệu cho mình là Lý Phật Tử (571-603) và công việc đầu tiên của vua chính là xây dựng Khai Quốc Tự (chùa Mở Nước) thể hiện ý thức về văn hóa, chính trị sâu sắc đồng thời khẳng định bản chất của nhà nước Vạn Xuân lúc bấy giờ là nhà nước Phật giáo. Thời gian tồn tại của nhà nước Vạn Xuân là sự ra đời của dòng thiền Tỳ-Ni-Đa- Lưu-Chi hay còn gọi là dòng thiền Pháp Vân, một dòng thiền đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước ta ở thế kỷ thứ VI đóng góp nguồn nhân tài cho đất nước như: Pháp Hiền, Huệ Nghiêm, Thanh Biện v.v; trong đó, thiền sư Vạn Hạnh được tôn xưng là “Trụ tích trần vương kì” khi vừa là thiền sư, vừa là quốc sư để cố vấn cho vua trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Như vậy, có thể nói rằng; dưới sự bảo trợ của nhà Lý thì việc phục hưng các giá trị văn hóa truyền thống được đặt lên hàng đầu bao gồm cả hệ tín ngưỡng Tứ Pháp được xiển dương một cách mạnh mẽ trong đời sống sinh hoạt tâm linh của người Việt, đáp ứng nhu cầu tất yếu của lịch sử. Bởi khi đất nước hưng thịnh thì đạo pháp có khả năng xiển dương, thể nhập vào đời sống tâm linh quần chúng. Sự tác động qua lại này cho ta thấy tiến trình bản địa hóa đạo Phật Việt Nam diễn tiến song hành trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Hay nói cách khác, trong buổi đầu đạo Phật mới du nhập vào nước ta thì Phật giáo đã tiếp thu những yếu tố văn hóa Việt để có thể hòa nhập, tồn tại, sau đó đi sâu vào đời sống xã hội.
Nhìn lại lịch sử ta thấy sau khi nhà Lý rời khỏi vũ đài chính trị thì nhà Trần lại càng phát huy hơn nữa, ngoài hệ thống thờ Tứ Pháp ở vùng chùa Dâu thì việc tín ngưỡng thờ cúng Tứ Pháp còn ảnh hưởng đến các vùng lân cận và phát triển khắp cả miền Bắc. Việc phát triển xây dựng hệ tín ngưỡng một cách phát triển như vậy ở nhà Trần không chỉ nhằm mục đích phục vụ tín ngưỡng tâm linh của người dân mà hệ Tứ Pháp có vai trò kết nối tinh thần đoàn kết dân tộc trên nhiều phương diện, tạo cơ hội thuận tiện đưa tư tưởng Phật giáo đi sâu vào tâm thức người Việt. Dòng chảy văn hóa Phật giáo từ thời Lý-Trần đến thời Lê-Nguyễn vẫn được duy trì, dù chính quyền có xiển dương Nho giáo thì vẫn không thể ngừng hình thái đào tạo “cư Nho mộ Thích” trong giới trí thức. Do đó có thể nói rằng: “Ứng xử nhân sinh Phật giáo đã là nguồn gốc mở văn hóa cho các loại hình khai phóng tư tưởng, để các tư tưởng khác soi chiếu khi đã bộc lộ hết những tính chất giáo điều, cực đoan của mình”(33).
Nghệ thuật tạc tượng Tứ Pháp vùng Dâu: Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Điện, Phật Pháp Lôi được tạc theo tư thế tọa thiền trên hoa sen, nhân tướng thẩm mỹ theo người Việt dựa trên cách tạo hình của Phật giáo nguyên thủy Ấn Độ đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang màu sắc văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Thông qua đó thấy được quá trình phát triển của Phật giáo Đông Nam Á và điều cần nhấn mạnh chính là việc các tượng Tứ Pháp mang dấu ấn của Phật giáo Ấn Độ đã chứng minh rằng: trung tâm Phật giáo Luy Lâu được bắt nguồn từ Ấn Độ chứ không phải từ Trung Hoa như nhiều người lầm tưởng. Khi Phật giáo du nhập vào nước ta thì bước chân đầu tiên của các nhà sư là xuống vùng đất Luy Lâu để dần phát triển thành trung tâm Phật giáo của Giao Châu. Thế nên, ta thấy việc chọn Luy Lâu làm nơi thờ Tứ Pháp không chỉ về vị trí địa lý thuận lợi là trung tâm hành chính kinh tế mà còn bởi con người nơi đây vốn mang một triết lý sống phóng khoáng, không câu nệ giáo điều, cố chấp hay chủ trương loại trừ các tôn giáo khác. Từ tầm nhìn mang tính chiến lược này mà nước ta không những nhanh chóng phát triển bản sắc dân tộc, đánh tan các luận điệu âm mưu xâm lược của kẻ thù mà còn góp phần vào thắng lợi chống giặc ngoại xâm; cụ thể là niềm tự hào dân tộc về ba lần chiến thắng quân Mông Nguyên đời nhà Trần.
Không chỉ nhà Trần mà các vị vua của các triều đại sau như thời Hậu Lê, ngay khi giành lại nền độc lập; các nhà lãnh đạo đã khẳng định tính tự tôn của nền văn hiến lâu đời trước sự xâm thực của nền văn hóa ngoại lai của nhà Minh đưa sang bằng việc đưa hệ Tứ Pháp trở thành đối tượng tôn thờ và kết nối truyền thông tính tự chủ, độc lập dân tộc. Biểu hiện rõ ràng cụ thể nhất chính là sự ra đời của các tác phẩm nghệ thuật như: Hồng Đức Quốc âm thi tập, Cổ Châu Pháp Vân bản hạnh, Pháp Vân cổ tự bi ký v.v... nhằm ca ngợi sự linh ứng của Phật Pháp Vân không chỉ trong nhà Phật mà còn là của cả dân tộc. Do đó, các tác phẩm này cho đến ngày nay có giá trị vô cùng cao quý vì được xem là chứng tích đánh dấu vai trò quan trọng của Tứ Pháp trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông từ ngàn xưa.
Từ nội dung các tác phẩm nghệ thuật, văn bản trên, ta thấy văn hóa Việt Nam luôn có bản sắc riêng vô cùng độc đáo; từ bốn vị thần trong tín ngưỡng người Việt trở thành bốn vị Phật mà không có bất kì sự mâu thuẫn hay xung đột giữa nền văn hóa bản địa với một nền văn hóa khác từ bên ngoài. Không những thế, chính sự pha trộn hài hòa giữa các nền văn hóa mà qua từng giai đoạn lịch sử; hệ Tứ Pháp luôn được tôn thờ và phát huy nội lực của người Việt trong các cuộc kháng chiến giữ nước, cũng như xây dựng đất nước mở mang bờ cõi. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo quốc gia đã thể hiện tính nhất quán tư tưởng thiền, kết hợp yếu tố mật giáo với hình thức tu tập “Tổng trì Tam ma địa” của dòng Thiền này để thể nhập sâu vào Hệ Tứ Pháp để thu phục nhân tâm người dân Đại Việt trong tinh thần đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động để kiến thiết đất nước(34). Sự phục hưng và phát triển hệ Tứ Pháp không chỉ dừng lại ở các triều đại Lý, Trần, Lê mà cho các triều nhà Nguyễn vẫn hết mực tôn kính nhằm phát huy các giá trị tâm linh, cũng những giá trị văn hóa nghệ thuật nước nhà. Do đó, có thể nói rằng: “Nếu nói tinh thần dân tộc mạnh mẽ và đức nhân ái truyền thống đã giúp cho các vị vua của buổi đầu kỷ nguyên tự chủ đạt thành sự nghiệp lớn lao, lưu danh muôn thuở thì cũng không thể không kể đến ảnh hưởng của triết học Phật giáo đã thấm nhuần một cách tự nhiên của những con người thời đại ấy, như hơi thở hằng ngày”(35)
3. Một vài nhận định về sự ra đời của hệ Tứ Pháp trong xã hội hiện nay.
Những chứng tích lịch sử của dân tộc ta từ trước thế kỷ XV hiện còn rất ít do sự tàn phá của chiến tranh, nhất là giai đoạn nước ta bị các triều đình phương Bắc đô hộ. Thế nên, hiện tượng thờ Tứ pháp của dân tộc, đặc biệt là vùng Dâu mang giá trị, ý nghĩa vô cùng to lớn, không những cho phép chúng ta truy về tình hình văn hóa, học thuật, tư tưởng, chính trị của đất nước ở thế kỷ II sau tây lịch, mà còn cho biết vị trí của Phật giáo trong nền văn hóa dân tộc. Qua đó, thấy được sức mạnh của nền văn hóa Việt Nam vào những thế kỷ đầu của kỷ nguyên tây lịch mà Phật giáo là nhân tố nuôi dưỡng và giữ gìn.
Đúng như nhận định rằng: “Đạọ Phật trên tinh thần giác ngộ và giải thoát, từ xa xưa, khi vừa truyền bá vào nước ta, đã không tách rời khỏi thế sự mà nhập thế tích cực phục vụ chúng sinh”(36). Hệ tín ngưỡng Tứ pháp là chứng tích của nền văn minh lúa nước, thể hiện rõ nét những tín ngưỡng đặc thù cổ xưa còn lưu lại trong Phật điện đến tận ngày nay; và đặc biệt, nền văn hóa bản địa của dân tộc Việt có đủ sức tiếp thu và chủ động bản địa hóa Phật giáo để tạo ra một vũ khí sắc bén và uy vũ đối kháng lại âm mưu đồng hóa và nô dịch về văn hóa Phương Bắc. Bên cạnh đó, sự ra đời của Phật Pháp Vân còn phản ánh quá trình hội nhập giữa Phật giáo và nền văn hóa bản địa không có sự chống đối hay bất cứ phản kháng nào. Bởi, từ xưa đến nay, văn hóa Phật giáo luôn thích ứng với những ứng xử trong đời sống của người Việt; và các di sản văn hóa chính là hình thức phản ứng nội dung của những giá trị ăn sâu vào tâm thức của người Việt. Điều này không chỉ đúng vào thời Lý-Trần mà dưới thời Lê-Nguyễn, những ứng xử Phật giáo đã mở nguồn cho các tư tưởng mang tính chất giáo điều, cực đoan được soi chiếu.
Khi nhìn lại lịch sử hào hùng của dân tộc cùng với những đóng góp to lớn của Phật giáo, ta luôn tự hào về một nền văn hóa Thăng Long; trong đó, hệ tín ngưỡng Tứ pháp có đầy đủ yếu tố cơ bản để thuyết phục cả thế hệ trẻ ngày nay nêu cao ý thức tự chủ của dân tộc bằng cách tạo ra nhiều cơ hội giao lưu văn hóa cũng như khai thác các giá trị tâm linh để đủ sức đối thoại trong quá trình hội nhập với các nền văn hóa trên thế giới. Như vậy, “Văn hóa Phật giáo, cần phải được đặt trong những ứng xử đạo đức, luân lý chuẩn mực trong xã hội. Nhìn vào đó là nhìn vào những giá trị soi chiếu hành vi. Sự giáo dục cao cả và tinh tế về những chuẩn mực làm người cơ bản đã là những hình thức và nội dung để nói đến những ứng xử vượt trội về một thế đứng vững vàng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo”(37). Đây được xem là câu trả lời rằng tại sao ở nước ta, trong khi các tôn giáo vẫn phát triển thì các tín ngưỡng dân gian vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân.
KẾT BÀI
Hệ tín ngưỡng Tứ pháp là một minh chứng khẳng định người Việt không dễ dàng tiếp nhận một cách thu động các tôn giáo ngoại lai, mà luôn có sự cải biến sao cho phù hợp với tư tưởng của người dân bản địa. Hay nói cách khác, Phật giáo được tiếp biến trên nền tảng cơ sở văn hóa của người Việt. Sự ra đời của tín ngưỡng Phật điện, tiêu biểu là Phật Pháp Vân đã phản ánh quá trình bản địa hóa Phật giáo, và ngược lại, Phật giáo hóa tín ngưỡng bản địa. Các vị thần của cư dân nông nghiệp thờ tự nhanh chóng được Phật hóa đã khẳng định rằng tư tưởng khoang dung, trí tuệ của giáo lý Phật ngay từ ban đầu không hề có sự chống đối với nền văn hóa bản địa, và nền văn hóa với triết lý phóng khoáng, không câu nệ giáo điều hay cố chấp cũng không có dấu hiệu phản kháng với hệ thống triết lý Phật giáo.
Và trong suốt hai ngàn năm lịch sử, Phật giáo vẫn luôn đồng cam cộng khổ với vận mệnh thăng trầm của xứ sở người Việt. Tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc được thể hiện qua tín ngưỡng thờ Tứ Pháp có vai trò rất to lớn trong việc phát huy nội lực, đề cao ý thức độc lập tự chủ, giữ gìn và phục hưng các giá trị văn hóa, tín ngưỡng trong công cuộc đập tan mọi âm mưu nô dịch văn hóa của thế lực phương Bắc; cũng như phá vỡ mọi luận điệu tự tôn và giấc mơ bành trướng của chính quyền Trung Hoa. Do đó, có thể nói rằng tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc là cốt lõi làm nên một đất nước Việt Nam kiên cường trong mọi khó khăn; khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thế giới.
Là thế hệ kế thừa và tiếp nối những giá trị văn hóa tổ tiên để lại, chúng ta cần có ý thức trách nhiệm hơn nữa trong việc giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập toàn cầu hóa hiện nay, bên cạnh những thách thức đặt ra thì có nhiều cơ hội để khai thác các giá trị văn hóa tâm linh nói chung và hệ Tứ Pháp nói riêng cần được nắm bắt để có thể chủ động đối thoại, hội nhập với các nền văn hóa khác trên thế giới.
Thích Nữ Thánh Nhã Ni sinh Ths Phật học Khóa V tại Thiền viện Vạn Hạnh, Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2023 ***CHÚ THÍCH: (23) Phước Đạt, Giác Ngộ online, Tín ngưỡng tứ Pháp trong vai trò chấn hưng văn hóa Đại Việt. Nguồn: https://giacngo.vn. Truy câp ngày 09/11/2022. (24) Nguyễn Quang Hà (2004), Tìm hiểu thêm về lịch sử chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), Viện nghiên cứu Hán Nôm, tr.181-201. (25) Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Hà Nội, tr.171. (26) Đỗ Thị Thanh Hương (2020), Tín ngưỡng tứ vị thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay, Học viện chính trị Quốc gia Tp. HCM, Tp.HCM. (27) Nho Thuận (2017), Chùa Tổ-Phúc Nghiêm Tự: huyền thoại về lịch sử Tứ Pháp vùng Dâu-Luy Lâu, Thuận Thành. (28) Ngô Sĩ Liên (1967), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. (29) Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế. (30) Lê Mạnh Thát (2003), Viên Thái và đức Phật Pháp Vân thời Lê, Nxb. Tp.HCM, Tp.HCM, tr.163-165. (31) Trịnh Khắc Mạnh-Trương Đức Quá (1994), Về những thác bản văn khắc chữ Nôm ở thư viện, Tạp chí Hán Nôm, số 2, Hà Nội, tr. 80. (32) TT. TS. Thích Phước Đạt (2017), Tài liệu giảng dạy Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Phù Đổng Thiên Vương trong vai trò hộ quốc an dân, tr.45. (33) Thích Thanh Thắng (2011), Về một thế đứng văn hóa, Tạp chí Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, tr.23. (34) Thích Phước Đạt, Giác Ngộ online, Tín ngưỡng tứ Pháp trong vai trò chấn hưng văn hóa Đại Việt, [https://giacngo.vn/ printview.aspx?Language=vi&ID=73D252] (35) Nguyễn Nhân (2010), Một thời đại thuần từ, Tạp chí Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Nxb. Văn hóa-Văn Nghệ. (36) Nguyễn Hữu Oanh (2015), Bảo về và phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Nxb. Văn hóa-Văn Nghệ, tr.119. (37) Thích Thanh Thắng (2011), Về một thế đứng văn hóa, Tạp chí Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, tr.23.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Thích Phước Đạt (2019), Trần Thái Tông và Khóa Hư Lục nhìn từ góc độ văn học, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 2. Thích Phước Đạt (2016), Giá trị văn học trong tác phẩm của thiền phái TrúDcuLâkmhá,ch thập phương hành hương - Ảnh: Minh Anh Nxb. Hông Đức, Sài Gòn. 3. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 4. Nguyễn Lang (2018), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội. 5. Ngô Sĩ Liên (1967), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 6. Ngô Đức Thọ (1990), Thiền Uyển Tập Anh, Nguyễn Thúy Nga (dịch và chú giải), Nxb. Văn Học, Hà Nội. 7. Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Tp. HCM. 8. Lê Mạnh Thát (2001), Tổng quan văn học Phật giáo Việt Nam, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. HCM. 9. Lê Mạnh Thát (2008), Nghiên cứu về Mâu Tử, Nxb. VHSG, Sài Gòn. 10. Thích Phước Đạt (2017), Tài liệu giảng dạy “Tư tưởng Phật giáo Việt Nam”. 11. Thích Phước Đạt (2018), Phật tại thế gian thường cứu khổ, tuyển tập tri thức Phật giáo, số 23, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 12. Lê Trần Thế Pháp, Lê Hữu Mục (1961), Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Khai Trí, Tp.HCM. 13. Nguyễn Hạnh (2019), Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nxb. Trẻ, Tp. HCM. 14. Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng (1995), Các triều đại Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội. 15. Trần Lâm Biền (2020), Văn hóa-Nghệ thuật chùa Việt: Vài nét cơ bản, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 16. Trần Văn Giáp (1996), Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thể kỷ 13, Nxb. KHXH, Hà Nội. 17. Thích Thánh Nghiêm, Tôn giáo học so sánh, Thích Chân Tính dịch, Taiwan. 18. Ngọc Thuận (1987), Xung quanh một số tài liệu liên quan đến Lý Tử Tấn và văn bản, Tạp chí Hán Nôm, số 1, Hà Nội. 19. Quảng Tuệ (2007), Chùa Tổ – Phúc Nghiêm Tự: Huyền thoại và lịch sử Tứ pháp vùng Dâu - Luy Lâu, Tạp chí Khuông Việt, số 1, Hà Nội. 20. Nguyễn Hữu Oanh (2015), Bảo về và phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Nxb. Văn hóa-Văn Nghệ. 21. Thích Thanh Thắng (2011), Về một thế đứng văn hóa, Tạp chí Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM. 22. Thích Phước Đạt, Giác Ngộ online, Tín ngưỡng tứ Pháp trong vai trò chấn hưng văn hóa Đại Việt. Nguồn: https://giacngo.vn.
Bình luận (0)