Thích Nữ Thánh Nhã Ni sinh Ths Phật học khóa V tại Thiền viện Vạn Hạnh, Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023

DẪN NHẬP: Phật giáo Việt Nam (PGVN) có lịch sử hơn 2000 năm hình thành và phát triển. Ngay từ rất sớm, Phật giáo đã được tiếp nhận và trở thành một trong những tư tưởng chủ đạo của nền văn hóa dân tộc. Trong những chứng tích văn hóa sống động nhất về công cuộc chống lại âm mưu đồng hóa, không thể không nói đến hệ Tín ngưỡng Tứ pháp gồm: Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi và Phật Pháp Điện. Không phải ngẫu nhiên mà hệ tín ngưỡng thờ Tứ Pháp của người Việt sớm được định hình, phát triển và trở thành một nhân tố quan trọng của nền văn hóa Việt Nam; đằng sau câu chuyện Man Nương khi nói về nguồn gốc Tứ Pháp là cả một thành quả của quá trình hòa nhập, tiếp biến giữa nền minh triết Phật giáo vào văn hóa bản địa của người Việt đã tạo ra những nét đặc sắc riêng của nền văn minh lúa nước. Qua đó, khơi gợi ý thức độc lập, tự chủ trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, tinh thần đoàn kết nhân dân trong công cuộc chống lại sự đồng hóa của các thế lực ngoại bang. Không riêng gì thời Lý- Trần, cho đến nay hệ tín ngưỡng Tứ Pháp vẫn luôn được duy trì, phát triển; trở thành niềm tự hào của nền văn hóa Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng Bắc bộ nói riêng. Từ khóa: Tứ pháp, phật giáo, văn hóa Việt Nam, Man Nương, Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi, Phật Pháp Điện.

Tượng Man Nương tại chùa Tổ Tứ Pháp (Bắc Ninh) - Ảnh: Minh Khang

1. Từ tín ngưỡng đa thần đến hệ Phật Tứ Pháp của người Việt

Trước khi Phật giáo du nhập đến nước ta, tại đây đã có một nền văn hóa phát triển rực rỡ với hệ thống các quan niệm đặc thù trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Do vị trí địa lý nằm ngay trung tâm khu vực nhiệt đới ẩm gió, thiên nhiên đa dạng phong phú nên từ thời xa xưa; người Việt sống chủ yếu dựa vào việc khai thác tự nhiên, sinh sống bằng săn bắt hái lượm. Sau khi chuyển sang mưu sinh bằng cách trồng trọt chăn nuôi thì việc đương đầu với tự nhiên là điều tất yếu. Lúc bấy giờ với trình độ hiểu biết còn đơn giản chưa thể lý giải được các hiện tượng tự nhiên đã hình thành nên tín ngưỡng thờ nhiên thần (thần tự nhiên) của người Việt cổ như: thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp, ... cùng với các nghi lễ cầu khấn chỉ để mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống được ấm no.

Như một triết gia người Anh Thomas Hobbes (1588-1679) cho rằng: “Các vị thần đầu tiên được tạo ra từ nỗi sợ hãi”(1); do tâm lý sợ hãi sự tàn phá khó lường của thiên nhiên mà con người tưởng rằng luôn có những vị thần tuy vô hình nhưng đầy quyền năng có thể kiểm soát đời sống con người thông qua việc tạo mưa gió, bão lụt cho nên nhiên thần (thần tự nhiên) không bao giờ là một mà là có rất nhiều vị thần khác nhau.

Ngay từ buổi đầu người Việt đã mang tín ngưỡng đa thần. Hay nói cách khác, chính vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đã hình thành cho dân tộc Việt một tín ngưỡng đa thần vô cùng phong phú và đa dạng bởi sự giao thoa giữa các nền văn minh lớn của nhân loại.

Tín ngưỡng đa thần biểu hiện ở số lượng nhiều các vị thần từ thần đất, thần nước, thần sông ngòi, ao rạch, … các vị thần ấy luôn đồng hành trong tâm thức người Việt cho đến tận ngày nay. Đặc biệt, bốn vị thần gồm: thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp được Phật hóa thành “Phật Pháp Vân”, “Phật Pháp Vũ”, “Phật Pháp Lôi”, “Phật Pháp Điện”. Chính điều này đã khẳng định tính hỗn dung tôn giáo của người Việt trong việc tiếp thu các tôn giáo ngoại lai , trong đó có Phật giáo. Nói như nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát: Người Việt luôn chủ động trong việc cãi biến các tôn giáo sao phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo bản địa(2).

Như vậy, trước khi Phật giáo du nhập vào nước ta thì tại đây đã có nền văn hóa bản địa với đời sống tín ngưỡng đa thần vô cùng phong phú, đa dạng; căn bản của nền văn hóa rực rỡ này được xây dựng trên nền văn minh nông nghiệp với hệ thống các quan niệm đặc thù trong đời sống văn hóa tinh thần. Theo một số nghiên cứu thì trước khi Phật giáo có mặt, sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt cổ; đặc biệt ở vùng Dâu, Bắc Bộ nước ta bấy giờ mang đậm tính chất Mẫu hệ(3).

Theo Thiền Uyển tập anh(4), Phật giáo được truyền vào nước ta trực tiếp từ Ấn Độ bằng đường thủy, trước cả Trung Quốc như lời của pháp sư Đàm Thiên trình với Hán Cao Tổ có chi tiết rằng: “Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn hai mươi ngôi, độ Tăng hơn năm trăm người, kinh dịch 15 quyển”(5). Thông qua việc hệ thống những cứ liệu về số lượng chùa, số lượng Tăng sĩ, cũng như thành quả dịch thuật trên, ta có thể khẳng định rằng; khoảng thế kỷ thứ II Tây lịch, Phật giáo đã phát triển một cách sinh động và là kết quả của một quá trình đâm chồi nẩy lộc trước nước ta khá lâu. Như vậy, tư tưởng Phật giáo truyền vào nước ta trong buổi đầu là gì? Tại sao không có dấu hiệu gì phản kháng với hệ thống giáo lý của Phật giáo từ nền văn hóa bản địa?

Từ những tín ngưỡng đặc thù cổ xưa còn lưu lại trong tín ngưỡng đa thần mang màu sắc quyền năng của người dân Việt mà hình ảnh một đức Phật quyền năng được hình thành. Hay nói cách khác, người Việt định nghĩa đức Phật lúc bấy giờ là con người siêu nhiên, được xem như vị thần có khả năng biến hóa hơn người và làm mọi điều mình muốn như trong Lục độ tập kinh truyện ghi lại như sau: “Tâm tịnh đắc bỉ tứ thiền, tại ý sở do, khinh cử thắng phi, đạp thủy nhi hành, phân thân tán thể, biến hóa vạn đoan, xuất nhập vô gián, tồn vong tự do, mạc nhật nguyệt, động thiên địa, động đổ triệt thính mỵ bất văn kiến, tâm tịnh quán minh, đắc nhất thiết trí” (Lòng sạch, được bốn thiền kia, theo ý tự do, nhẹ nhàng bay nhảy, đạp nước mà đi, phân thân tán thể, biến hóa muôn hình, ra vào không hở, còn mất tự do, rờ mó tới trăng, chấn động đất trời, trông suốt che khắp, không đâu là không thấy nghe, lòng sạch thấy sáng, được nhất thiết trí)(6). Việc định nghĩa về một vị Phật quyền nằng, biến hóa như vậy rất tương thích với tín ngưỡng đã thần của người Việt lúc bấy giờ.

Bộ tượng Phật Tứ Pháp vùng Dâu (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới): Pháp Vân (Bà Dâu), Pháp Vũ (Bà Đậu), Pháp Điện (Bà Dàn), Pháp Lôi (Bà Tướng)

Thông qua truyền thuyết Chữ Đồng Tử(7) được xem là người Phật tử Việt Nam đầu tiên học đạo với nhà sư Phật Quang tại núi Quỳnh Quang và việc các tu sĩ đi theo thuyền buôn Ấn Độ là những người đầu tiên truyền đạo Phật vào nước ta với tín ngưỡng đơn sơ như: Giữ tam quy ngũ giới, tin thuyết nhân quả, cúng dường, thờ phụng xá lợi Phật, đốt hương, kể chuyện tiền thân đức Phật v.v đã xác đinh rằng: Từ buổi đầu, Phật giáo đến với nước ta được định hình bằng một Phật giáo chức năng(8). Điều này đã giúp Phật giáo nhanh chóng bén rễ và phát triển mạnh mẽ trên mảnh đất trù phú của người dân Việt. Hình ảnh Bụt được xuất hiện và nhìn nhận như là ông Trời có phép thần thông, nghe biết hết mọi chuyện trên thế gian nhưng không ở trên cao như ông Trời mà rất thân cận với con người. Bụt có thể hiện ra dưới hình thức để cứu người và đặc biệt; Bụt khác với ông trời là Bụt không trừng trị ai bao giờ mà chỉ khuyến khích con người làm lành, tránh dữ. Mâu Tử, một trong những cư sĩ là nhà truyền giáo đầu tiên của Phật giáo nước ta(9); trong tác phẩm nổi tiếng Lý hoặc Luận(10) cũng đã đưa ra nhận định mạnh mẽ rằng: “Phật là nguyên tổ của đạo đức, đầu mối của thần minh hoặc còn hoặc mất, nhỏ được, lớn được, tròn được, vuông được… muốn đi thì đi, ngồi thì lóe sáng, nên gọi là Phật”(11). Mâu Tử xác định hình ảnh đức Phật là bậc Giác Ngộ giữa đời; được ghi nhận và mô tả theo tâm thức tín ngưỡng người Việt bằng các yếu tố mang tính huyền sử.

Quá trình tiếp biến các yếu tố quyền năng không chỉ dừng lại ở việc tín ngưỡng đa thần của người Việt mà còn được bản địa hóa hoàn toàn khi người Việt sinh sống dựa trên nền tảng của xã hội nông nghiệp trồng lúa nước. Và với quan niệm đặc thù trong đời sống văn hóa tinh thần bao gồm cả tín ngưỡng sùng bái các vị thần là biểu tượng cho các yếu tố tự nhiên có ý nghĩa sống còn đối với một nền nông nghiệp cùng một lối sống phóng khoáng, không cố chấp hay câu nệ giáo điều chỉ trong thời gian lưu trú tạm thời để buôn bán, trao đổi hàng hóa mà sinh hoạt của các thương nhân Phật tử, cách cầu nguyện của Tăng sĩ Ấn Độ đã ảnh hưởng vào đời sống tín ngưỡng của người dân bản địa. Chính điều này cho ta thấy, ngay từ buổi đầu Phật giáo không hề có sự chống đối với nền văn hóa bản địa; đồng thời, nền văn hóa bản địa cũng không có dấu hiệu gì phản kháng với hệ thống triết lý này. Đặc biệt, sự ra đời của tín ngưỡng Tứ pháp (Phật điện) đã thể hiện sự hòa nhập của Phật giáo vào nền văn hóa vốn có của bản địa người Việt. Và, trong tâm thức của người Việt khi quan sát các hiện tượng tự nhiên lúc bấy giờ cho rằng: Nhờ mây (vân) mới có mưa (vũ), sau đó mới có sấm (lôi) và cuối cùng là chớp (điện) nên trong điện thờ các vị Tứ pháp thì người Việt luôn có trước nhất là thần mây, tiếp đến là thần mưa, thần sấm và cuối cùng là thần chớp. Đến khi Phật giáo du nhập thì các vị thần trên được cụ thể hóa thành Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi, Phật Pháp Điện.

Từ truyền thuyết Chữ Đồng Tử cho ta biết đạo Phật mà Chữ Đồng Tử cùng với vợ mình là Tiên Dung được xem như những người phật tử đầu tiên thọ lãnh ở nơi nhà sư Phật Quang còn mang nặng tính chất Ấn Độ thì sau khi trải qua quá trình Phật Quang bản địa hóa giáo lý; đến người Phật tử tiếp theo là Man Nương (vị Phật Mẫu trong tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam). Sự xuất hiện của Man Nương cùng với sự ra đời của hệ tín ngưỡng Tứ pháp đã phản ánh một quá trình bản địa hóa Phật giáo và ngược lại, Phật giáo hóa tín ngưỡng bản địa; Có thể nói sự tiếp biến giữa Phật giáo và nền văn hóa bản địa đã diễn ra một cách vô cùng hòa bình và tự nhiên. Từ nhận định trên ta thấy, sau khi Phật giáo truyền vào nước ta không lâu thì quá trình Phật Quang bản địa hóa giáo lý đã xảy ra; và chính sự xuất hiện các vị Phật Tứ pháp ở điện thờ trong tín ngưỡng người Việt chính là minh chứng cụ thể, sống động, rõ ràng nhất trong việc chống lại âm mưu nô dịch của thế lực ngoại bang. Đồng thời, hệ thống tín ngưỡng Tứ pháp còn là nhân tố quan trọng trong việc phục hưng văn hóa bắt đầu từ thời Lý và phát triển kéo dài cho đến tận ngày nay.

2. Sự dung hội các yếu tố Phật giáo trong hệ tín ngưỡng Tứ pháp

Một trong những người Phật tử tiêu biểu xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam chính là Man Nương (sống khoảng 175-225). Sự xuất hiện của Man Nương trong Cổ châu Pháp Vân Phật bản hành ngữ lục(12), văn bản được xem là sớm nhất ghi nhận về cội rễ hình thành hệ Tứ Pháp còn lưu truyền cho đến ngày nay cùng bài kệ rằng: “Hình hài như nghịch lữ, Tâm không cảnh cũng không. Quấn quýt một mùi đạo, Đáp vật muôn duyên cùng”(13). Một hệ tín ngưỡng Tứ Pháp ra đời xung quanh câu chuyện của Man Nương còn được nhắc đến chi tiết trong các tác phẩm như: Lĩnh Nam Chích Quái(14). Hay Ván khắc Cổ Châu Phật bản hạnh và cả bài thơ Trường thiên Pháp Vân cổ tự bi ký của Lý Tử Tấn được chép lại trong Toàn Việt thi lục và Kiến văn tiểu lục, cả hai đều do Lê Quý Đôn biên soạn(15). Theo như sự ghi nhận của nhà sử học Lê Mạnh Thát khẳng định thì dù có khác nhau về tên gọi thì nội dung chính của truyện Man Nương là tương đối giống nhau(16); tất cả nội dung trong các tác phẩm đều cùng một ý nghĩa là giải thích nguồn gốc ra đời của hệ tín ngưỡng Tứ Pháp và mang đậm tính thần bí của thể loại truyện thần thoại nước ta. Quan trọng hơn, chuyện Man Nương cùng hệ tín ngưỡng Tứ Pháp vùng Dâu là câu chuyện cổ về Phật giáo thời kỳ đầu du nhập nước ta nhưng đã có đầy đủ cả hai màu sắc về tín ngưỡng dân gian lẫn yếu tố Phật giáo hòa trộn vào nhau, điều này càng khẳng định Phật giáo đã đồng hành và dung hòa với đời sống của Việt từ rất sớm.

Khi tình hình Phật giáo trong đời sống dân tộc Việt đã được bản địa hóa rõ ràng cụ thể, lúc này vai trò của bốn vị Phật không chỉ là che chở phù hộ cho nhân dân được mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no hạnh phúc nữa mà còn có vai trò to lớn trong công cuộc bảo vệ nền văn hóa nước nhà trước âm mưu đồng hóa của kẻ thù xâm lước. Việc định nghĩa rằng: Phật là nguyên tổ của đạo đức, là đầu mối của thần minh, có khả năng phi thân tán thể v.v; cũng như câu chuyện về Chữ Đồng Tử - Tiên Dung học đạo với nhà sư Phật Quang, rồi đến câu chuyện của Man Nương với vị cao tăng Khâu Đà La. Tất cả những câu truyện kể trên đều cho thấy rằng đức Phật khi đó có quyền biến như ông Trời nhưng khác với ông Trời là Bụt luôn gần gũi thân thương luôn bên cạnh giúp đỡ con người; đặc biệt, Bụt không trừng phạt con người chỉ khuyên con người bỏ ác làm thiện. Đây được xem là thành tố quan trọng giúp đạo Phật nhanh chóng bén rễ sâu vào lòng dân tộc bởi một nền triết học đầy tính nhân văn cùng với phương tiện truyền đạo nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người. Nói cách khác thì thông qua nguồn gốc ra đời của hệ tín ngưỡng Tứ pháp thì một Phật giáo quyền năng ở giai đoạn đầu có vai trò thiết thực là tiếp cận và giao thoa với tín ngưỡng đa thần của người Việt.

Khi cư dân còn thưa thớt thì người dân đã đoàn kết để khắc phục thiên tai và lễ hội rước Tứ Pháp về Thăng Long để cầu đảo đã thể hiện nét đặc thù riêng của Phật giáo Việt Nam về vấn đề đoàn kết, xây dựng cuộc sống hòa bình hạnh phúc; cũng như khơi nguồn tâm linh tạo nên năng lượng có thể xoay chuyển thiên tai thành mưa thuận gió hòa. Trong tín ngưỡng sứ Kinh Bắc thì Chùa Dâu thờ Phật Pháp Vân, bà tượng trưng cho thần mây theo tương truyền rằng đây là chị cả trong các Phật Tứ Pháp. Tượng bà được bài trí ngay giữa với gương mặt đẹp gợi liên tưởng đến những nàng vũ nữ Ấn Độ. Tại đây, còn thờ cả bà Đậu hay còn gọi là Phật Pháp Vũ tượng trưng cho thần mưa, do chùa bà là chùa Đậu đã bị phá hủy nên tượng bà cũng được đưa về phối thờ ở chùa Dâu. Tiếp theo trong các chùa thờ Tứ Pháp là Phi tướng Đại Thiền Tự hay còn gọi là chùa Tướng thờ Phật pháp Lôi hay còn gọi là bà Tướng, tượng trưng cho thần Sấm; và Phật Pháp Điện được xem là nhỏ nhất trong Tứ Pháp hiện được thờ ở chùa Hương Quang hay còn gọi là chùa Giàng. Hệ thống Tứ Pháp này được truyền rộng ra các tỉnh thành trong nước như tỉnh Hưng Yên, chùa Keo ở Gia Lâm thờ Pháp Vân, chùa Đanh ở Hà Nam thờ Pháp Vũ, chùa Bầu thờ Pháp Vân v.v; có thể nói đây là bản sao của các vị Phật Tứ Pháp ở chùa Dâu. Qua đó, thấy được hệ thống Tứ Pháp được phát triển rất sâu rộng, đáp ứng nhu cầu cư dân nông nghiệp cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thịnh vương. Tín ngưỡng Tứ Pháp có vai trò là chỗ dựa tâm linh của người Việt qua nhiều thời đại và tồn tai cho đến tận ngày nay.

Chùa Phi Tướng (Bắc Ninh) - Ảnh: St

Nếu ở giai đoạn đầu vai trò Phật giáo quyền năng được định hình và trải qua quá trình tiếp biến, bản địa hóa Phật giáo để tạo một vị thế vững chắc trong lòng người Việt; cũng như góp phần tạo nên sắc thái riêng, một diện mạo mới của nền văn hóa Việt Nam thì sau biến cố thời Hai Bà Trưng (năm 43), hệ Phật Tứ Pháp ra đời được xem là quy luật lịch sử. Hệ Tứ Pháp lúc này chính là cơ sở lý luận để phát huy các yếu tố cơ bản nhằm nêu cao ý thức tự chủ của dân tộc trước sự xâm lăng của giặc phương Bắc mà nguy hiểm hơn chính là âm mưu đồng hóa dân tộc ta. Song song với việc xây dựng các hình tượng Phật cho phù hợp với đặc trưng tín ngưỡng của dân tộc thì cộng đồng người Việt nói chung, giới Tăng Sĩ và Phật tử nói riêng đã ra sức bản địa hóa các giáo lý nền tảng của Phật giáo như: Luật nhân quả, nghiệp báo v.v bằng lối diễn đạt vô cùng gần gũi, dễ tiếp cận với số đông quần chúng nhằm mục đích chuyển hóa thân tâm. Và sự chuyển hóa đó không những giúp con người vượt được những khó khăn mà còn thánh hóa đời sống của chính mình, bắt đầu bằng sự tu thân, hiếu thảo cha mẹ như: “ở nhà có thể dùng thờ cha mẹ, làm chủ nước có thể dùng trị dân, đứng một mình có thể dùng sửa thân.”(cư gia khả dĩ sự thân, tể quốc khả dĩ trị dân, độc lập khả dĩ trị thân)(17).

Phật giáo du nhập chưa đầy hai thế kỷ nhưng sớm được định hình và nhanh chóng trở thành cơ sở lý luận thực thi sứ mệnh bảo vệ lòng tự tôn của dân tộc cũng như phát huy nội lực chống lại sự nô dịch của các thế lực xâm lược phương Bắc. Từ thời nhà Lý (544) trở về sau, vấn đề độc lập tự chủ không còn nằm trong phạm vi biên cương lãnh thổ mà còn được xác định trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa, tín ngưỡng; hay nói cách khác thì các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phục hưng bắt đầu từ thời nhà Lý. Cùng với quá trình vận động và đấu tranh lâu dài giành độc lập của dân tộc, Phật giáo được xem là nhân tố quan trọng góp phần đào tạo nên một vị vua anh minh đầu tiên của nhà Lý(18); thế nên ngay khi vừa lên ngôi, Lý Nam Đế đã lấy niên hiệu cho mình là Lý Phật Tử (571-603) và công việc đầu tiên của vua chính là xây dựng Khai Quốc Tự (chùa Mở Nước) thể hiện ý thức về văn hóa, chính trị sâu sắc đồng thời khẳng định bản chất của nhà nước Vạn Xuân lúc bấy giờ là nhà nước Phật giáo. Thời gian tồn tại của nhà nước Vạn Xuân là sự ra đời của dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi(19) hay còn gọi là dòng thiền Pháp Vân, một dòng thiền đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước ta ở thế kỷ thứ VI đóng góp nguồn nhân tài cho đất nước; trong đó, thiền sư Vạn Hạnh cùng với được xem là linh hồn của dòng thiền này. Như vậy, có thể nói rằng; dưới sự bảo trợ của nhà Lý thì việc phục hưng các giá trị văn hóa truyền thống được đặt lên hàng đầu bao gồm cả hệ tín ngưỡng Tứ Pháp được xiển dương một cách mạnh mẽ trong đời sống sinh hoạt tâm linh của người Việt, đáp ứng nhu cầu tất yếu của lịch sử.

Bắt đầu từ nhà Lý chủ động trùng tu các chùa, đưa hệ thống Tứ Pháp ăn sâu vào tâm thức người Việt qua việc tôn trí từ tượng Phật cho đến các vị Thánh, thần hoàng hay anh hùng có công với nước đều theo thẩm mỹ của người Việt. Bên cạnh đó, còn sử dụng các yếu tố thần linh trong nhân gian như: Thần chú, ấn quyết v.v mà các vị cao Tăng là Phật Quang, Khâu Đà La làm phương tiện truyền đạo. Lúc này“bóng dáng của thiền tông, và nhất là yếu tố Mật tông đã theo các vị đại sư này mà tỏa sáng trên đất Việt”(20). Nhờ vậy, Phật giáo nhanh chóng trở thành một nhu cầu tín ngưỡng tâm linh không thể thiếu trong quần chúng; Tứ Pháp không những có vai trò giúp nhân dân vùng nông nghiệp được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt mà về mặt văn hóa tư tưởng, việc thờ cúng bốn vị Phật còn có vai trò phát huy nội lực mạnh mẽ của dân tộc trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của nhà Lý là nhà Trần và nhà Lê đã tái lập lại nền độc lập dân tộc song song với việc đưa các thành tố văn hóa không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của người Việt. Đồng thời để chống lại âm mưu đồng hóa dân tộc của các thế lực thù địch khi đưa các văn hóa ngoại lai kể cả tư tưởng Phật giáo của nhà Minh truyền sang thì giới lãnh đạo của đất nước đã nhanh chóng nhấn mạnh Phật giáo chùa Dâu hay hệ thống, tư tưởng Phật Pháp Vân trở thành đối tượng tôn thờ và kết nối truyền thông tính tự chủ, độc lập dân tộc.

Tượng Pháp Vân tại chùa Keo (Hà Nội) - Ảnh: St

Từ các yếu tố trên ta thấy việc tín ngưỡng bốn vị Phật gồm: Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi, Phật Pháp Điện ngoài vai trò bảo trợ và che chở cho đời sống người Việt với nền nông nghiệp lúa nước lâu đời thì Tứ Pháp còn phát huy nội lực để toàn dân chung tay chấn hưng đất nước và là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh để phản kháng với văn hóa phương Bắc. Thông qua đó ta thấy, nhà Lý đã xây dựng một nền tảng vững chắc cho nền “Văn hóa Thăng Long”(21) mà con cháu đời sau đã kế thừa và phát triển.

Phật giáo không tách rời khỏi tín ngưỡng dân gian bởi muốn truyền tải giáo lý cao siêu của nhà Phật thì yếu tố về tín ngưỡng tâm linh chính là phương tiện hiệu quả nhất, nhanh nhất đến với con người như một nhận định rằng: “Văn hóa tín ngưỡng là hệ thống giá trị về những cách ứng xử của con người đối với khách thể siêu nhiên và đời sống xã hội. Những cách ứng xử đó phải thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội của cộng đồng dân cư”(22). Trong tín ngưỡng người Việt từ thời xa xưa đã xem Tứ Pháp (mây, mưa, sấm, chớp) có vai trò quan trọng trong xã hội, đặc biệt là một dân tộc có một nền văn minh lúa nước lâu đời thì việc tín ngưỡng sùng bái các vị thần biểu tượng cho các yếu tố tự nhiên mang ý nghĩa sống còn. Nên ngay khi Phật giáo du nhập, với sự “tùy duyên hóa độ”, đã tự dung hòa các dòng tư tưởng và sự sùng bái Tứ Pháp tự nhiên của người Việt trở thành Phật Mẫu mà không làm biến dạng các giá trị đặc trưng vốn có. Ngược lại, chính sự dung hòa các triết lý của nhà Phật đã làm cho hệ tín ngưỡng Tứ Pháp trở thành một nhân tố quan trọng, góp phần đẩy nhanh sự phát triển của nền văn hóa bản địa. Từ cội rễ của nền văn hóa nước nhà, nhân dân đã gửi gắm nguyện vọng của mình vào các vị Phật mang dáng hình và nét đặc trưng của người Việt. Về phương diện này, ngay từ thời nhà Lý đã đưa ra đầy đủ hình dáng đầy đủ những hảo tướng về một vị Phật theo thầm mỹ của người Việt; không những vậy các vị vua còn xây dựng tiền Phật, hậu thần hay hậu mẫu trong chùa để ngưỡng bái. Song song đó, các yếu tố thần linh trong nhân gian như những câu thần chú, ấn quyết v.v được xem như phương tiện hỗ trợ việc tu tập cũng như trong việc truyền đạo. Và như một lẽ tất nhiên thì hệ Tứ Pháp nhanh chóng đi vào trong sinh hoạt tâm linh của quần chúng, trở thành một thành tố có khả năng huy động mọi thành phần vào khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển nền văn hóa nước nhà. Sự tín ngưỡng về Phật Pháp Vân không chỉ phổ biến trong quần chúng nhân gian mà trong giới lãnh đạo lúc bấy giờ cũng vô cùng tín ngưỡng. Vì sự linh ứng trong việc hộ quốc an dân của các vị Phật này mà các cuộc lễ rước diễn ra vô cùng trọng thể, cẩn trọng. Tất cả đều được thể hiện trong Cổ châu Pháp Vân Phật bản hành ngữ lục(23) rất chi tiết.

Thích Nữ Thánh Nhã Ni sinh Ths Phật học khóa V tại Thiền viện Vạn Hạnh, Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023 Còn tiếp…

***

CHÚ THÍCH: (1) 1 Thích Thánh Nghiêm, Tôn giáo học so sánh, Thích Chân Tính dịch, Taiwan, tr.18. (2) Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.36. (3) Quảng Tuệ (2007), Chùa Tổ – Phúc Nghiêm Tự: Huyền thoại và lịch sử Tứ pháp vùng Dâu - Luy Lâu, Tạp chí Khuông Việt, số 1, tr.55. (4) Ngô Đức Thọ (1990), Thiền Uyển Tập Anh, Nguyễn Thúy Nga (dịch và chú giải), Nxb. Văn Học, Hà Nội. (5) Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Tp. HCM, tr. 203-204. (6) Lê Mạnh Thát (2001), Tổng quan văn học Phật giáo Việt Nam, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. HCM, tr.541. (7) Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập1, Nxb. Thuận Hóa, tr.23-27. (8) TT.TS. Thích Phước Đạt (2017), Tài liệu giảng dạy Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, “Từ hình ảnh Bụt đến hình tượng đức Phật Đản sinh trong tâm thức người Việt”, tr.11. (9) Trần Văn Giáp (1996), Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thể kỷ 13, Nxb. KHXH, Hà Nội 10牟子理惑論: một bộ luận do ngài Mâu Tử trước tác, để “xử lý các sai lầm” của một số người theo đạo Nho, đạo Lão khi hiểu sai về đạo Phật. (11) Lê Mạnh Thát (2008), Nghiên cứu về Mâu Tử, tập 2, Nxb. VHSG, Sài Gòn. (13) Thích Phước Đạt, Giác Ngộ online, Tín ngưỡ tứ Pháp trong vai trò chấn hưng văn hóa Đại Việt. Nguồn: https://giacngo. vn. Truy câp ngày 09/11/2022. (14) Trần Thế Pháp, Lê Hữu Mục (1961), Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Khai Trí, Tp. HCM. (15) Ngọc Thuận (1987), Xung quanh một số tài liệu liên quan đến Lý Tử Tấn và văn bản, Tạp chí Hán Nôm, số 1, Hà Nội. (16) Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập1, Nxb. Thuận Hóa, tr.141. (17)居家可以事親,宰國可以治民,獨立可以治身; 《釋文紀》卷2 (CBETA, B33, no. 192, p. 17, b4). (18) Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng (1995), Các triều đại Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội tr. 46 (19) Ngô Đức Thọ (1990), Thiền Uyển Tập Anh, Nguyễn Thúy Nga (dịch và chú giải), Nxb. Văn Học, Hà Nội. (20) Trần Lâm Biền (2020), Văn hóa-Nghệ thuật chùa Việt: Vài nét cơ bản, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 21 Thích Phước Đạt (2019), Trần Thái Tông và Khóa Hư Lục nhìn từ góc độ văn học, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.33. (22) Nguyễn Hạnh (2019), Văn hóa tín ngưỡ Việt Nam, Nxb. Trẻ, Tp. HCM, tr.15. (23) Phước Đạt, Giác Ngộ online, Tín ngưỡng tứ Pháp trong vai trò chấn hưng văn hóa Đại Việt. Nguồn: https://giacngo.vn. Truy câp ngày 09/11/2022.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Thích Phước Đạt (2019), Trần Thái Tông và Khóa Hư Lục nhìn từ góc độ văn học, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 2. Thích Phước Đạt (2016), Giá trị văn học trong tác phẩm của thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hông Đức, Sài Gòn. 3. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 4. Nguyễn Lang (2018), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội. 5. Ngô Sĩ Liên (1967), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 6. Ngô Đức Thọ (1990), Thiền Uyển Tập Anh, Nguyễn Thúy Nga (dịch và chú giải), Nxb. Văn Học, Hà Nội. 7. Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Tp. HCM. 8. Lê Mạnh Thát (2001), Tổng quan văn học Phật giáo Việt Nam, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. HCM. 9. Lê Mạnh Thát (2008), Nghiên cứu về Mâu Tử, Nxb. VHSG, Sài Gòn. 10. Thích Phước Đạt (2017), Tài liệu giảng dạy “Tư tưởng Phật giáo Việt Nam”. 11. Thích Phước Đạt (2018), Phật tại thế gian thường cứu khổ, tuyển tập tri thức Phật giáo, số 23, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 12. Lê Trần Thế Pháp, Lê Hữu Mục (1961), Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Khai Trí, Tp.HCM. 13. Nguyễn Hạnh (2019), Văn hóa tín ngưỡ Việt Nam, Nxb. Trẻ, Tp. HCM. 14. Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng (1995), Các triều đại Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội. 15. Trần Lâm Biền (2020), Văn hóa-Nghệ thuật chùa Việt: Vài nét cơ bản, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 16. Trần Văn Giáp (1996), Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thể kỷ 13, Nxb. KHXH, Hà Nội. 17. Thích Thánh Nghiêm, Tôn giáo học so sánh, Thích Chân Tính dịch, Taiwan. 18. Ngọc Thuận (1987), Xung quanh một số tài liệu liên quan đến Lý Tử Tấn và văn bản, Tạp chí Hán Nôm, số 1, Hà Nội. 19. Quảng Tuệ (2007), Chùa Tổ – Phúc Nghiêm Tự: Huyền thoại và lịch sử Tứ pháp vùng Dâu - Luy Lâu, Tạp chí Khuông Việt, số 1, Hà Nội. 20. Nguyễn Hữu Oanh (2015), Bảo về và phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Nxb. Văn hóa-Văn Nghệ. 21. Thích Thanh Thắng (2011), Về một thế đứng văn hóa, Tạp chí Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM. 22. Thích Phước Đạt, Giác Ngộ online, Tín ngưỡng tứ Pháp trong vai trò chấn hưng văn hóa Đại Việt. Nguồn: https://giacngo.vn. Truy cập ngày 09/11/2022.