Riêng Phật giáo vào Đông Nam Á vừa “hòa đồng” với các tín ngưỡng bản địa vừa dung hợp với hàng loạt các tôn giáo khác đã và đang tồn tại ở các quốc gia này nên có sự đóng góp không nhỏ trong việc làm cho bức tranh văn hóa các nước Đông Nam Á đa dạng, phong phú, giàu có.

Tác giả: TS.Hà Thị Đan Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024

Tóm tắt: Cùng với Kito giáo, Hồi giáo, Bà la môn giáo…, Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn của thế giới. Ra đời ở Ấn Độ khoảng thế kỷ VI TCN, sau khi du nhập vào các nước Đông Nam Á lục địa, Phật giáo đã hòa vào dòng chảy lịch sử nơi đây và có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống.

Ở góc độ văn hóa, sự có mặt của Phật giáo đã làm cho bức tranh văn hóa ở Đông Nam Á trở nên phong phú, giàu có hơn. Sự phong phú, giàu có ấy thể hiện ở nhiều khía cạnh từ văn học, nghệ thuật đến phong tục, tập quán, lễ hội... Từ khóa: Phật giáo, văn hóa, Đông Nam Á

1. Khái quát về Phật giáo ở các nước Đông Nam Á lục địa

Các nước Đông Nam Á lục địa như Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan đều có sự đa dạng về tôn giáo. Do nằm ở vị trí “ngã tư đường” nên Đông Nam Á là nơi giao lưu, gặp gỡ của nhiều luồng văn hóa đến từ các quốc gia thuộc Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập và phương Tây. Kết quả là, cùng với văn hóa, hầu hết các tôn giáo lớn đều có mặt ở đây bao gồm: Bà la môn giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo… Ở các nước nói trên, tuy có sự đa dạng về tôn giáo nhưng Phật giáo là tôn giáo chính.

Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa Phật giáo và văn hóa. Theo kết quả khảo sát này thì giới Phật tử ở Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đã coi đạo  Phật không chỉ là “một tôn giáo họ chọn theo” mà còn là “một nền văn hóa mà họ thuộc về”(1).

Không phải ngẫu nhiên, nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á lục địa coi Phật giáo là quốc giáo.

Ở Campuchia hiện nay, số người theoPhật giáo chiếm khoảng 90% dân số (2). Trong lịch sử hơn 2.000 năm kể từ khi du nhập vào đất nước này, tuy có lúc thăng lúc trầm nhưng với triết lý mang tính khoa học và nội dung nhân văn sâu sắc, Phật giáo vẫn luôn khẳng định được vai trò, vị trí và sức sống trong lòng người Khmer và luôn đồng hành cùng xứ sở chùa tháp trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa, hội nhập khu vực và quốc tế.

Nói về tầm quan trọng của Phật giáo tại đất nước này, nhà nghiên cứu Thích Nữ Diệu Thuận nhận định: “Phật giáo đã gắn liền với sự hưng vong của vương quốc Campuchia, khi quốc gia cường thịnh, Phật giáo được phát triển đến đỉnh cao, còn khi độc lập chủ quyền đã bị mất thì Phật giáo cũng chịu chung số phận với đất nước. Sự có mặt của Phật giáo Campuchia đã góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa riêng của nước nhà. Ngày nay, Phật giáo vẫn là nền tảng văn hóa - xã hội của đất nước Campuchia” (3).

Ở Lào hiện Lào có bốn tôn giáo lớn được nhà nước công nhận và cho phép hoạt động gồm Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo và đạo Bahái - trong đó đạo Phật là tôn giáo chính (số tín đồ chiếm khoảng 65% dân số) và cũng là tôn giáo tồn tại lâu nhất ở xứ sở này từ trước đến nay. Đối với người Lào, đạo Phật không chỉ là tôn giáo mà còn là lẽ sống. Người dân Lào thấm nhuần trong mình những lời Phật dạy, tin vào luật nhân quả với triết lý: Ở hiền gặp lành, Ác giả ác báo...

Ở Myanmar, Phật giáo du nhập khoảng thế kỷ III TCN và cho đến nay, mấy nghìn năm đã trôi qua, tôn giáo này vẫn có sức sống trong lòng dân tộc, trở thành yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa của người dân nơi đây. Hiện tín đồ Phật giáo ở Myanmar chiếm khoảng 90% dân số.

Ở Thái Lan, Phật giáo vào đây từ thế kỷ III TCN, nhanh chóng hòa nhập với nền văn hóa bản địa, phát triển một cách mạnh mẽ trong suốt tiến trình lịch sử. Từ trước khi thành lập nhà nước Thái cho đến nay, trải qua các triều đại phong kiến cho đến khi Thái Lan chuyển mình từ nền quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến, Phật giáo thực sự trở thành nhân tố quan trọng chi phối nhiều lĩnh vực của đời sống.

Chẳng thế mà Thái Lan được mệnh danh là “đất nước của áo cà sa vàng”. Điều đó cho thấy, Phật giáo là nhân tố cấu thành bản sắc dân tộc. Nói cách khác, Phật giáo và đất nước Thái Lan có mối quan hệ khăng khít. Muốn tìm hiểu về Thái Lan, không thể bỏ qua vai trò của Phật giáo. Các bản Hiến pháp Thái Lan (1932, 1946, 1968, 1978, 1991, 1997, 2007) dẫu luôn công nhận quyền tự do tôn giáo thì vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của Phật giáo.

Thống kê cho biết: 4 quốc gia trên nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ người theo Phật giáo đông nhất thế giới (cùng với Bhutan, Sri Lanka, Mông Cổ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc)(4). Vì là tôn giáo chính nên Phật giáo luôn song hành cùng người dân các nước trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; trong đó có văn hóa.

2. Phật giáo góp phần làm phong phú, giàu có cho nền văn hóa Đông Nam Á lục địa

Trước khi Phật giáo có mặt tại Đông Nam Á, văn hóa nơi đây chỉ có các tín ngưỡng bản địa như tín ngưỡng đa thần giáo, tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và một số nghi lễ liên quan đến nông nghiệp như nghi lễ cầu mưa, nghi lễ cúng thần lúa, nghi lễ cầu mùa.

Song khi có sự du nhập của các tôn giáo lớn như Nho giáo, Đạo giáo của Trung Hoa; Phật giáo, Bà la môn giáo từ Ấn Độ; Công giáo và đạo Tin lành từ châu Ấu; Hồi giáo (Islam giáo) từ thế giới Ả Rập thì khu vực này trở nên phong phú, đa dạng về sắc màu văn hóa.

Riêng Phật giáo vào Đông Nam Á vừa “hòa đồng” với các tín ngưỡng bản địa vừa dung hợp với hàng loạt các tôn giáo khác đã và đang tồn tại ở các quốc gia này nên có sự đóng góp không nhỏ trong việc làm cho bức tranh văn hóa các nước Đông Nam Á đa dạng, phong phú, giàu có.

Sự phong phú, giàu có ấy thể hiện trước hết ở cấp độ khu vực: Ngày nay, khi đề cập đến văn hóa Đông Nam Á, người ta thường nghĩ ngay đến một khu vực “thống nhất trong đa dạng” hay “tương đồng trong dị biệt”. Sự đa dạng ấy là kết quả một quá trình cộng sinh của các yếu tố thuộc về địa lý, lịch sử và cả các lần giao lưu, tiếp xúc tiếp văn hóa với bên ngoài.

Có thể nhận ra điều này qua bảng thống kê dưới đây:

Quan sát bảng thống kê trên thấy rõ yếu tố tôn giáo góp phần tạo ra sắc màu văn hóa theo nhóm các nước. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Ninh căn cứ vào sự hiện diện và tỷ lệ phần trăm số người theo các tôn giáo khác nhau chia thành các sắc màu văn hóa(6) như sau:

Sắc màu văn hóa Hồi giáo ở quần đảo Malaysia, Indonesia, Brunei: đây là ba quốc gia có cộng đồng cư dân theo Hồi giáo chiếm tỷ lệ cao và Hồi giáo trở thành hệ tư tưởng chi phối đời sống văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, dấu ấn của Hồi giáo trong từng nước cũng không giống nhau. Ví dụ: ở Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới nhưng các công trình kiến trúc nối tiếng hơn cả được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới lại thuộc về các tôn giáo khác như Đền Borobudur hoặc Prambanan là thành tựu của nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc Phật giáo và Hindu giáo.

Trong khi đó, ở Malaysia, Hồi giáo là tôn giáo quốc gia song vẫn có sự tồn tại của các tôn giáo khác. Trên cùng một khu phố ở Malaysia, chúng ta có thể bắt gặp một nhà thờ Công giáo, một ngôi chùa đậm chất Phật giáo, một công trình kiến trúc mang phong cách độc đáo của đạo Hindu hay một ngôi đền đạo Hồi tráng lệ, uy nghi. Tất cả tạo nên sự đa dạng nhưng lại rất hài hòa khiến cho Malaysia được mệnh danh là một “châu Á thu nhỏ”.

Sắc màu văn hóa Phật giáo ở các quốc gia Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar. Hệ tư tưởng Phật giáo chi phối đời sống văn hóa - xã hội.

Sắc màu văn hóa Philippines: Philipines là một trong hai nước tại châu Á (cùng với Đông Timor) có cộng đồng Công giáo La Mã chiếm đa số dân và là một trong những nước chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây sớm hơn cả. Trong suốt hơn 350 năm là thuộc địa của Tây Ban Nha và gần 50 năm là thuộc địa của Hoa Kỳ, văn hóa Philippines chịu ảnh hưởng lớn từ hai quốc gia này, đặc biệt là Công giáo. Công giáo du nhập vào đây từ thế kỷ XVI và cho đến nay vẫn là tôn giáo chi phối nhiều mặt trong đời sống người dân Philippines (7).

Văn hóa Việt Nam là một sắc màu riêng. Có thể nói, trong 11 quốc gia ở Đông Nam Á, văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo trong nhiều thế kỷ trở thành nhân tố chi phối đời sống văn hóa - xã hội (thi cử, chữ viết, tổ chức bộ máy hành chính).

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam là quốc gia đa dạng về tôn giáo. Trong 16 tôn giáo và tín ngưỡng được nhà nước công nhận thì Phật giáo vẫn được phần lớn dân số tin theo (8).

Như vậy, sự đa dạng văn hóa ở Đông Nam Á từ góc độ tôn giáo thể hiện qua sự phân chia thành 4 sắc màu. Sự đa dạng ấy không chỉ biểu hiện trong bức tranh tổng thể của cả khu vực mà mỗi nước trong từng nhóm được phân chia cũng không “đồng nhất” về văn hóa.

Sự phong phú, giàu có ấy thể hiện trước hết ở cấp độ quốc gia (từng nước) thông qua ảnh hưởng của Phật giáo lên các phương diện của đời sống văn hóa, cụ thể:

Về phương diện văn học: Trước khi Phật giáo du nhập, văn học dân gian các nước Đông Nam Á nổi trội với hệ thống thần thoại về các thần linh, các anh hùng văn  hóa, truyền thuyết về nguồn gốc tộc người, về huyền thoại lập quốc buổi hồng hoang của lịch sử. Khi đạo Phật được truyền bá vào các nước Đông Nam Á lục địa, rất nhiều vương triều trong buổi đầu lập quốc đã vay mượn chữ viết Ấn Độ (Sankrit hoặc Pali) để văn bản hóa.

Do đó, bên cạnh dòng văn học dân gian có từ trước, dòng văn học viết đã ra đời và có nhiều giai đoạn phát triển đỉnh cao đạt được những thành tựu rực rỡ. Nhiều tác phẩm mang đậm sắc màu Phật giáo như “Tum Tiêu” của Campuchia, “Xỉn Xay” của Lào...

Bên cạnh đó, các nước Đông   Nam Á lục địa có thêm thành tựu mới về thể loại văn học, tác gia văn học, tác phẩm văn học, đặc biệt là truyện thơ Đông Nam Á với những danh tác còn mãi với thời gian. Phật giáo còn tạo ra một đội ngũ sáng tác dồi dào. Trong số đó, có sự đóng góp không nhỏ của các nhà sư.

Chùa Wat Pho (Thái Lan) - Ảnh: St

Về phương diện lễ hội: Các lễ hội chịu ảnh hưởng của Phật giáo như lễ hội mừng năm mới của Campuchia; lễ hội Bun Phạ Vệt của Lào; lễ hội té nước Songkran của Thái Lan đã góp phần tạo nên diện mạo phong phú cho đời sống văn hóa ở các nước Đông Nam Á lục địa. Trước khi Phật giao du nhập, Đông Nam Á chỉ có các lễ hội nông nghiệp, lễ hội mùa, lễ hội cầu mưa… nhưng khi có Phật giáo thì Phật giáo đã hòa vào lễ hội bản địa, trở thành hình thức sinh hoạt vừa mang tính giải trí, vừa mang tính tâm linh.

Về phương diện kiến trúc, điêu khắc: Nhờ có sự say mê và mộ đạo mà các dân tộc ở Đông Nam Á đã tạo ra hệ thống chùa chiền/đền tháp thật sự là những kiệt tác nghệ thuật còn mãi với thời gian.

Không phải ngẫu nhiên mà Campuchia được mệnh danh là “xứ sở chùa tháp”; Myanmar được mệnh danh là “xứ sở chùa Vàng”. Các nước đều có hàng nghìn ngôi chùa, hàng vạn đền tháp và rất nhiều trong số đó trở thành niềm kiêu hãnh tự hào, biểu tượng cho đời sống văn hóa tinh thần đẹp đẽ của cư dân bản địa.

Chính vì sự ảnh hưởng của Phật giáo là mạnh mẽ, sâu sắc và bao trùm lên nhiều phương diện của đời sống văn hóa Đông Nam Á lục địa mà tôn giáo này đã để lại một di sản văn hóa giá trị, đóng góp phần không nhỏ cho cho sự phát triển của mỗi đất nước.

3. Đóng góp của di sản văn hóa Phật giáo với sự phát triển đất nước

3.1. Phát triển du lịch tâm linh

Nhiều năm trở lại đây, du lịch tâm linh đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới.

Đây là loại hình du lịch không chỉ khám phá văn hóa, lịch sử mà còn chạm đến sự sâu thẳm trong tâm thức mỗi con người. Mỗi địa điểm du lịch tâm linh là một câu chuyện riêng, mở ra không gian để khám phá và hiểu sâu hơn về lịch sử và văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc cũng như chính thế giới bên trong mỗi con người.

Du khách đến với du lịch tâm linh thường là du khách hành hương, tức những chuyến đi chỉ vì mục đích tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Lượng du khách thứ hai là những người cũng có nhu cầu đến thăm các địa điểm tôn giáo nhưng với mục đích chính là để chiêm bái các công trình kiến trúc, di sản, tìm hiểu văn hóa, trau dồi kiến thức hoặc đi tìm trải nghiệm mới mẻ.

Nói đến Thái Lan là nói đến đất nước của đền chùa, đình tháp với những sắc màu Phật giáo khác nhau. Chính Phật giáo đã góp phần tạo ra những tác phẩm điêu khắc và kiến trúc tuyệt vời của Thái Lan mà khi bước chân đến mảnh đất này, du khách không khỏi ngỡ  ngàng  và kinh ngạc. Thái Lan nhờ những di sản Phật giáo khổng lồ, hệ thống đền đài quy mô, hoành tráng (riêng ở thu đô Bangkok có khoảng hơn 4.000 ngôi chùa) đã trở thành trung tâm du lịch tâm linh, một điểm đến hấp dẫn với khách quốc tế.

Trong hàng ngàn vạn ngôi chùa ở Thái Lan thì chùa Wat Pho được cho là một trong 7 kỳ quan Phật giáo của thế giới9). Chùa Wat Pho có tên đầy đủ là Wat Phra Chetuphon, còn được nhiều du khách biết tới với cái tên Chùa Phật Nằm. Ngay sát công công trình này là ngôi chùa cũng rất nổi tiếng: Chùa Phật Ngọc.

Ngôi chùa luôn được rất nhiều du khách lựa chọn khi tới Thái Lan. Ngoài ra, còn nhiều chùa Phật giáo khác như chùa Wat Yai là ngôi chùa “đẹp và thiêng nhất” Thái Lan - thờ ngôi tượng Phật làm bằng đồng, được xây dựng vào năm 1357, dưới sự  bảo trợ của vua Mahatammaracha triều đại Sukhothai. Với hệ thống đền chùa đình miếu quy mô và hoành tráng như trên, Thái Lan là quốc gia có sự phát triển du lịch tâm linh mạnh ở khu vực Đông Nam Á.

Ngoài Thái Lan thì  Myanmar  cũng  là  nơi rất phát triển du lịch tâm linh nhờ di sản Phật giáo. Trong hệ thống chùa chiền khổng lồ tại Myanmar, cụm đền chùa Bagan được UNESCO rất quan tâm và đã là Di sản thế giới nếu như không xảy ra sự việc trùng tu, xây mới tại khu vực. Cụm đền chùa tại Bagan có niên đại từ hàng trăm năm trước.

Cho đến nay, nơi đây vẫn còn lưu giữ được hơn 2.000 ngôi đền, chùa với những  nền kiến trúc độc đáo khác nhau. Những di tích đền chùa còn sót lại ở Bagan có thể sánh ngang với hai quần thể đền tháp nổi tiếng của Campuchia và Indonesia đó là đền Angkor Wat và đền Borobodur.

Chùa Shwedagon (Myanma) - Ảnh: St

Du khách khi đặt chân đến đây sẽ hiểu biết về một trong những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Myanmar: triều đại Bagan (1044 - 1287). Vào thời kỳ rực rỡ nhất của mình (giữa thế kỷ 11 - thế kỷ 13), các nhà lãnh đạo Myanmar thời đó đã cho xây dựng hàng ngàn ngôi đền ở các vùng đồng bằng Bagan. Những đền, chùa được xây dựng trong thời đại này đánh dấu sự khởi đầu của truyền thống Phật giáo mới ở Myanmar.

Một hệ thống đền đài quy mô, hoành tráng như vậy còn tồn tại đến ngày nay quả là hiếm, đủ sức biến Myanmar trở thành một trung tâm du lịch tâm linh. Dù không phải là một trong bảy quốc gia có được “Bảy kỳ quan của thế giới Phật giáo” (Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Hong Kong, Mỹ) nhưng Myanmar được cả thế giới biết đến như là một vùng đất vàng, đất Phật.

Myanmar nằm không xa Việt Nam, với hơn 2.500 năm Phật giáo Theravada ngự trị, luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế nhờ có những tháp chùa lấp lánh ánh vàng. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nền nghệ thuật Myanmar dường như chỉ dành riêng cho những công trình tôn giáo hoặc xoay quanh đề tài tôn giáo.

3.2. Quảng bá đi sản ra thế giới bên ngoài

Sự ảnh hưởng và thâm nhập của Phật giáo vào Đông Nam Á lục địa đã để lại trong lòng mỗi dân tộc ở các quốc gia Đông Nam á lục địa di sản độc đáo; trong top 12 công trình tôn giáo nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á, không thiếu công trình liên quan đến kiến trúc Phật giáo ở các nước Đông Nam Á lục địa như: đền Angkor Wat (Campuchia); Đền Wat Rong Khun và đền Wat Arun (Thái Lan); Tháp Thạt Luổng (Lào); Chùa Shwedagon  (Myanmar)(10) …

Chùa That Luang (Lào) - Ảnh: St

Về Thạt Luổng của Lào: Thạt Luổng/ That Luang (Lào) được xây dựng giữa thế kỷ XVI (năm 1566) do vua Xệttharthilat đề xuất - sau khi rời đô từ Luangprabang về Vientiane. Tương truyền, Thạt Luổng là một trong số ít những ngôi chùa Phật trên giới được lưu giữ xá lợi của Thích Ca Mâu Ni khi người nhập Niết bàn.

Theo truyền thuyết, nơi đây Đức Phật đã gửi lại một sợi tóc. Truyền thuyết này làm cho Thạt Luổng lung linh sắc màu Phật giáo. Trong tiếng Lào, “Thạt Luổng” có nghĩa là Tháp lớn. Tháp mang hình nậm rượu được đặt trên đế hoa sen. Thạt Luổng “có một cấu trúc truyền thống gồm ba bộ phận: hồi lang lao quanh - dành cho nghi lễ chạy đàn, vòm thân hình tháp.

Cho đến thời điểm Thạt Luổng ra đời thì kiểu kiến trúc tháp Phật đã có một lịch sử phát triển liên tục gần 2.000 năm. Qua 2.000 năm, kiểu kiến trúc này đã ngày càng hoàn thiện và biến hóa ra muôn hình vạn trạng ở các nước tiếp thu văn hóa Phật giáo”(11).

Về Chùa Shwedagon ở Myanmar: Myanmar được thế giới biết đến nhờ những di sản Phật giáo. Trong số đó, nhiều công trình có thể trở thành Di sản thế giới như Chùa Shwedagon (chùa Vàng) ở Yangon - ngôi chùa tháp lớn nhất, đẹp nhất Myanmar, hình thành từ 2.500 năm trước, từng nhiều lần được các triều đại phong kiến tu bổ, mở rộng.

Ở Yangon còn có chùa Phật nằm, chùa Phật ngọc, chùa tóc Phật, chùa răng Phật… rất độc đáo. Chùa Kyaikhtyo ở bang Mon là kỳ quan có một không hai trên thế giới. Chùa được xây trên tảng đá lớn màu vàng chênh vênh trên vách núi cao, trông rất ngoạn mục.

Về quần thể Angkor của Campuchia: Nhắc đến Campuchia không thể không nhắc tới Angkor. Năm 1992, tổ chức UNESCO đã công nhận quần thể di tích Angkor là Di sản văn hóa thế giới - trong đó, nổi bật là hai công trình lớn là Angkor Wat và Angkor Thom.

Angkor Wat: Là một trong những niềm kiêu hãnh và tự hào của người dân Campuchia. Vào những thế kỷ trước, nhà nghiên cứu phương Tây Henri Mouthot - khi phát hiện ra quần thể này đã phải kinh ngạc thốt lên: “Có lẽ không bao giờ có công trình nào sánh ngang với nó ở trên mặt quả địa cầu này”(12).

Angkor Thom: Được vua Jayavacmar VII khởi công xây dựng vào thế kỷ thứ XII. Sức hấp dẫn của đền này nằm ở tháp Bayon, Bayon là biểu tưởng cho sức mạnh nội sinh của người dân Campuchia.

Chùa Trấn Quốc (Việt Nam) - Ảnh: Minh Khang

Kết luận

Do nằm ở cửa ngõ quốc tế nên ngay từ xa xưa, Đông Nam Á nói chung, Đông Nam Á lục địa nói riêng đã trở thành nơi giao thoa của các nền văn hóa trong khu vực và trên thế giới.

Việc tiếp thu chọn lọc tinh hóa văn hóa nước ngoài (trong đó có đạo Phật) như chúng tôi đã trình bày ở trên với những đóng góp của nó trong đời sống văn hóa các nước Đông Nam Á lục địa đã một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí của Phật giáo tại Đông Nam Á lục địa.

Tác giả: TS.Hà Thị Đan Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

***

CHÚ THÍCH:

(1) Jonathan Evans – Kelsey Jo Starr – Manolo Corichi and William Miner, Buddhism, Islam and Religious Pluralism in South and Southeast Asia, https://www.pewresearch.org/religion/2023/09/12/buddhism-islam-and-religious-pluralism-in-south-andsoutheast-asia/, cập nhật ngày 01/06/2024.

(2) Theo https://www.embassyofcambodiadc.org/culture-religion.html, cập nhật ngày 01/06/2024

(3) Thích Nữ Diệu Thuận, Phật giáo Campuchia, https://phatgiaobaclieu.com/phat-giao-campuchia-thich-nu-dieu-thuan/, cập nhật ngày 25/05/2024

(4) Pew Research (2020), Top 10 Countries with the Highest Percentage of Buddhists, https://worldpopulationreview.com/countryrankings/buddhist-countries

(5) https://www.cia.gov/library/pulications/the-world-factbook/fields/2122.html,cập nhật ngày 30/05.2024

(6) Nguyễn Đức Ninh (Chủ biên, 2013), Xây dựng cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN, Nxb Khoa học Xã hội, tr. 51 - 52

(7) Nhiều tác giả, Tìm hiểu lịch sử văn hóa Philipines, Nxb , tr. 33

(8) Tổng quan về Tôn giáo ở Việt Nam, https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/overview-of-religions-in-vietnam/, cập nhật ngày 29/05/2024

(9) https://tuongphattrangia.com/7-ky-quan-phat-giao-the-gioi-4-thanh-dia-phat-giao/, cập nhật ngày 25/05/2024

(10) Văn Công Hưng, 12 kiến trúc chùa tuyệt đẹp ở Đông Nam Á, https://giacngo.vn/12-kien-truc-chua-tuyet-dep-o-dong-nam-apost26330.html, cập nhật ngày 28.05.2024

(11) Ngô Văn Doanh - Cao Xuân Phổ - Trần Thị Lý (2000), Nghệ thuật Đông Nam Á, Nxb Lao động, Hà Nội, 2000, tr. 287

(12) Nhiều tác giả (2018), Đông Nam Á - Các di tích lịch sử, danh thắng và công trình kiến trúc tiêu biểu, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lương Ninh (chủ biên, 2018), Đông Nam Á lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

2. Mai Ngọc Chừ (1999), Văn hóa Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội

3. Pháp sư Thánh Nghiêm - Pháp sư Tịnh Hải (2008), Lịch sử Phật giáo thế giới, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

4. Trần Quang Thuận (2008), Phật giáo Nam Tông tại Đông Nam Á, Nxb Tôn giáo

5. Trương Sỹ Hùng (2010), Tôn giáo trong đời sống văn hóa Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa

6. Donald K. Swearer (2010), The Buddhist World of Southeast Asia, Suny Press