Cuộc đời của các vị cao tăng và những cống hiến của họ cho Phật giáo trong Cao tăng truyện đã trở thành các tài liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử phát triển Phật giáo của Việt Nam và Trung Quốc. Do sử liệu Việt Nam thời kì cổ đại vô cùng khan hiếm và thiết sót nên những nội dung trong Cao tăng truyện rất có hữu ích cho các học giả nghiên cứu Phật giáo Việt Nam giai đoạn đầu.
Đinh Tiên Phong - NCS Tiến sĩ, Đại học Sư phạm Bắc Kinh Vũ Minh Thu - NCS Tiến sĩ, Đại học Tứ Xuyên Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023
Tóm tắt: Cao tăng truyện hay còn gọi Lương cao tăng truyện là một bộ Phật giáo sử thư được biên soạn bởi cao tăng Nhà Lương thời Nam Bắc triều tên Huệ Hạo, gồm 14 quyển. Truyện ghi chép lại tên tuổi, hành trạng các vị tăng nhân trong khoảng thời gian 453 năm, từ năm Vĩnh Bình thứ 10 nhà Đông Hán (năm 67) đến năm Thiên Giám thứ 18 Nam triều nhà Lương (năm 519). Sau mỗi quyển đều có phần tổng luận, đề chữ Luận viết hoặc Tán viết, khái quát lại nội dung, ý nghĩa quan trọng của toàn quyển, tất cả đều trở thành tài liệu tham khảo quan trọng của lịch sử Phật giáo Trung Hoa. Những nội dung ghi chép trong Cao tăng truyện không ít lần đề cập đến địa danh Giao Châu hoặc Giao Chỉ, những nội dung này chính là tư liệu quan trọng giúp các học giả nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam giai đoạn đầu. Bài viết này sẽ thông qua việc khảo sát những ghi chép liên quan đến Giao Châu trong Cao tăng truyện để lược thuật lại tình hình Phật giáo Việt Nam từ thế kỉ I đến thế kỉ V. Từ khóa: Cao tăng truyện, Giao Châu, Phật giáo Việt Nam, Thế kỉ I-V
1. Ghi chép về Phật giáo ở Việt Nam giai đoạn trước công nguyên
Một trong những ghi chép đầu tiên nhắc đến Phật giáo Việt Nam chính là câu chuyện Nhất dạ trạch truyền (Sự Tích Đầm Dạ Trạch) trong Lĩnh Nam trích quái. Truyện kể về hai nhân vật Chử Đồng Tử và Công Chúa Tiên Dung, diễn ra vào đời Vua Hùng thứ ba, họ có duyên nên vợ nên chồng. Sau này, hai người buôn bán thuận lợi và biến nơi đây trở thành tấp nập. Nghe lời vợ, Chử Đồng Tử mở rộng buôn bán theo các thương nhân thì hữu duyên gặp một vị sư. Chử Đồng Tử bèn lên núi dạo chơi, thấy trên đó có một cái am nhỏ, trong am có một vị sư tên là Ngưỡng Quang (cũng có văn bản ghi là Đạo Quang, Phật Quang). Sau đó, Chử Đồng Tử kể cho vợ, nàng liền giác ngộ Phật đạo và cùng Chử Đồng Tử đến bái Sư, tu tập[1]. Người ta cho rằng Chử Ðồng Tử và Tiên Dung là những người Phật tử Việt Nam đầu tiên hiện biết được tên tuổi, cũng có nghĩa là xác định được sự hiện diện của Phật giáo đầu tiên trên nước ta.
Theo nhà nghiên cứu Sử học Lê Mạnh Thát “sự tồn tại của nhà sư Phật Quang giữa thế kỉ thứ III hay thứ II TCN có thể chứng thực được[2]”. Theo ông những thương nhân nước ngoài xuất hiện tại khu chợ của Chử Đồng Tử và Tiên Dung rất có thể là từ Ấn sang (họ đã vượt qua biên giới ở Bắc Ấn, sang Miến Điện rồi vào vùng Phù Nam). Phật Quang là vị tăng sĩ Ấn Độ, đồng thời là nhà truyền giáo đầu tiên vào Việt Nam. Chử Đồng tử là người đệ tử tu pháp đầu tiên. Như vậy ta có thể xác định được Phật giáo được du nhập ở nước ta vào niên đại III – I TCN.
Đồng Hồng Hoàn, Trịnh Minh Hiên trong bài viết “Thành Nê Lê – Đồ Sơn thời Asoka” cho rằng vua A Dục (Asoka) (Thế kỉ III TCN) đã cử rất nhiều giáo đoàn đi truyền giáo tại nước ngoài, trong đó có Đông Nam Á, ông còn cho xây dựng rất nhiều bảo tháp ở Mauryan (Ấn Độ) và các nước lân cận, để tưởng nhớ tới Thích ca Mâu Ni, đánh dấu nơi các đoàn Tăng sĩ tới hoằng pháp. Tại Việt Nam tháp Asoka – Thành Nê Lê được xây dựng tại Đồ Sơn Hải Phòng từ thế kỉ III TCN, đồng nghĩa với việc Phật giáo vào nước ta từ thế kỉ III TCN. Trong bài viết này, các tác giả đã chỉ ra cách khu có dấu tích chùa Bần chừng 100m, tìm thấy nhiều tảng đá to, có nhiều vết đục cổ, có thể đây là một phần của dấu tích thành Nê Lê cổ. Theo đó, chùa Bần tức chùa Hang, nơi mà sư Bần (Phật Quang) cùng cư dân ở Đồ Sơn dựng lên. Vậy, căn cứ theo bài viết, Phật Quang dựng chùa thờ Phật ở Đồ Sơn, Hải Phòng nhưng trong Lĩnh Nam trích quái lại chỉ ra rằng Phật Quang cùng Chử Đồng Tử hành đạo tại núi Quỳnh Viên (Cửa Sót, Cửa Nam Giới) nay là huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Hai địa điểm Đồ Sơn và Kỳ Anh cách nhau rất xa về mặt địa lí, vậy nếu Phật Quang đúng là tăng sĩ Ấn Độ, nhà truyền giáo đầu tiên vào Việt Nam thì nơi ông hoằng pháp đầu tiên ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh hay là ở Đồ Sơn, Hải Phòng?
Rất khó để xác định chính xác địa điểm hoằng pháp đầu tiên của các nhà truyền giáo nhưng căn cứ vào một số tài liệu ghi chép về thành Nê Lê liệu chúng ta cũng có thể suy đoán được thời điểm Phật giáo truyền vào Việt Nam là từ thế kỉ 3 TCN như trong Thủy kinh chú sớ trích dẫn Giao Châu kí của Lưu Hân Kì có ghi rằng: “泥黎城在 定安縣東南,隔水七里,阿育王所造塔、講堂尚 在有,採檳者云是金像。[3]”(Thành Lê nê nằm ở phía Đông Nam huyện Định An, cách nguồn nước khoảng bảy dặm, A Dục Vương cho xây dựng tháp mà những người đi hái cau đồn nhau rằng đó là tượng vàng.) Định An là một huyện thuộc tỉnh Hải Nam Trung Quốc, phía Đông Nam huyện Định An phải chăng chính là Đồ Sơn, Hải Phòng.
Cũng theo Thủy kinh chú sớ có đoạn chép như sau:“越人鑄銅為船,在江潮退時見《書鈔》 一百三十七引稱越王銅船。 《御覽》七百六 十九引尤詳。其水又東流,隔水有泥黎城,言 阿育王所築也。[4]”( Người Việt đúc đồng làm thuyền, tại vùng nước thủy triều rút thấy lộ ra 137 quyển “thư sao” của thuyền vua Việt. 769 quyển “ngự lãm” cũng ghi rõ chi tiết này. Nước sông chảy ra phía Đông, cách bờ sông là thành Lê Nê, người ta nói rằng là do A Dục Vương xây nên.) Vua A Dục là một vị quốc vương rất mến mộ Phật giáo, khi ông thấm nhuần triết lý Phật gia liền buông gươm xuống và trở thành đệ tử của đức Phật, là người ủng hộ cho chư tăng kiết tập kinh điển lần thứ ba. Sau đó cử các chư tăng và các phái đoàn đi đến các quốc gia khác để truyền bá giáo lý của đức Phật. Trên con đường hoằng hoá của chư tăng Ấn Độ thời ấy, có thể họ đã từng đến Việt Nam chúng ta vào thế kỉ thứ III như giả thuyết nói trên.
2. Phật giáo Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ I đến thế kỉ III
Phật giáo Việt Nam những năm đầu công nguyên chủ yếu được ghi chép trong Lí hoặc luận và Cao tăng truyện. Nhiều học giả Việt Nam căn cứ vào Lí hoặc luận để đưa ra phán đoán rằng người đầu tiên đưa Phật giáo truyền vào Việt Nam là một người vùng Thương Ngô (Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay) ở khoảng thời gian Sơ Bình đời Hán Hiến đế (190 – 193) tên Mâu Tử. Trong Việt Nam Phật giáo sử lược pháp sư Thánh Nghiêm dẫn giải những ghi chép về Mâu Tử trong Phật tổ thông tải quyển 5:“ 靈帝崩後,天下擾亂,獨交州差安,北方異人咸來在焉,多為神仙辟穀長生 之術,時人多有學者,牟子常以五經難之,道 家術士莫敢對焉。[5]”(Sau khi Hán Linh đế băng hà, thiên hạ loạn lạc chỉ mỗi vùng Giao Châu là còn yên ổn, những người phương Bắc đều tới đây lánh nạn, đa phần là mang theo các phép trường sinh của đạo thần tiên, thời đó có nhiều học giả hiểu biết, Mâu Tử là người thường nhắc đến ngũ kinh, các phương sĩ Đạo giáo không dám đến đối thuyết.) Đây chính là nguyên nhân Lí Hoặc Luận được sáng tác. Duy chỉ có điều, Mâu Tử là người ở thời nào, các học giả thời nay vẫn còn nghi vấn, và vấn đề thật giả của Lí hoặc luận đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi.
Lịch sử ghi chép rõ ràng và đầy đủ chứng cứ nhất về vị tăng nhân, dịch giả đầu tiên của Việt Nam chính là Khương Tăng Hội (? – 280). Ông nổi tiếng với các bản dịch kinh và trước tác như: An Ban thủ ý, Pháp Cảnh kinh, Đức Thọ kinh, Lục độ tập kinh… Trong Cao tăng truyện và Xuất tam tạng kí, đều ghi ông là người nước Khương Cư (tức vùng lãnh thổ Uzbekistan và Tajikistan ngày nay), sau theo chân cha di cư đến Giao Chỉ, 10 tuổi xuất gia tại Giao Chỉ. Theo Cao tăng truyện:“會年 十餘歲。二親並終。至孝服畢出家。勵行甚峻。 為人弘雅有識量。篤至好學。明解三藏。博覽六 經 。[6]”(Khi Hội hơn mười tuổi thì cha mẹ đều mất. Tang chế xong ngài xuất gia tinh cần tu tập. Ngài là người hòa nhã sâu xa, có thức lượng, dốc chí hiếu học, khéo giải Tam tạng, bác lãm cả lục kinh.) Điều này minh chứng ở thời Khương Tăng Hội, Việt Nam đã có Tam tạng giáo điển, để Phật giáo đạt được trình độ phát triển như vậy cũng cần có ít nhất một thế kỉ hình thành, phát triển. Khương Tăng Hội viết trong An ban thủ ý kinh tự:
“余生末蹤,始能負薪,考妣殂落,三師凋喪; 仰瞻雲日,悲無質受。[7]” (Tăng Hội tôi, sinh ra mới tới tuổi vác nổi bó củi thì cha mẹ đã qua đời. Bậc tam sư cũng đã theo nhau khuất núi. Mỗi khi ngước nhìn mây trời thường không khỏi cảm thấy xúc động, buồn thương rơi lệ.) Bậc tam sư mà Tăng Hội nhắc đến gồm: Giới hòa thượng, Yết ma sư, Giáo thụ sư trong Giới đàn truyền thụ Cụ túc giới. Điều này cho biết, Khương Tăng Hội xuất gia, thọ giới cụ túc, học kinh điển ở Giao Châu, cũng có nghĩa là ở thế kỉ thứ II giới đàn truyền giới ở Giao Châu đã tương đối hoàn bị.
Đến năm Vĩnh Bình thứ tư đời Tấn Huệ Đế (năm 294), có vị sa tăng người Thiên Trúc tên Ma Ha Kì Vực đến Lạc Dương, các tài liệu ghi chép đây là một vị dị tăng, như trong quyển 6 Phật tổ thông tái chép rằng:“初域來交廣,並有靈異。[8]”( Ban đầu Kì Vực tới khu vực Giao Châu, Quảng Châu, có những khả năng thần kì quái dị). Cao tăng truyện thuật rằng Kì Vực đến Lạc Dương vào cuối thời Tấn Huệ đế (năm 290 – 306). Sách Cổ kim đồ thư tập thành tuyển tập cho rằng Khâu Đà La và Ma Ha Kì Vực đã cùng nhau đến Luy Lâu vào cuối đời Hán Linh Đế (155 – 189). Thời gian khác nhau nhưng cùng một lộ tuyến: “自發天竺,至於扶南,經諸海濱,爰及交廣……達襄陽……至於 洛陽[9]”(xuất phát từ Thiên Trúc, hướng tới Phù Nam, đi dọc các bờ biển, sau đó đến Giao Châu, Quảng Châu… tới Tương Dương… rồi tới Lạc Dương.) Như vậy, Kì Vực đã từng tới Giao Châu, Quảng Châu hoằng dương Phật pháp. Huệ Hạo lại thuật rằng, Kì Vực là người Tây Trúc, đã vân du khắp các xứ văn minh và mọi rợ. Những nơi mà Ngài đi qua đều lưu lại những sự tích kì lạ. Tất cả những pháp thuật kì dị này cùng đã ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ, mà nhiều học giả gọi bằng cái tên nền tư tưởng Phật giáo quyền năng, sau này các vị thiền sư đã sử dụng những yếu tố li kì huyền ảo để thay triều đổi vận, hoặc để củng cố triều đình, chính sự ổn định, hoặc đem lại cuộc sống an cư lập nghiệp cho người dân.
Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang cho rằng ở thế kỉ I và thế kỉ thứ II, trong hệ thống hành chính của nhà Đông Hán tồn tại ba trung tâm Phật giáo lớn là: Lạc Dương, Bành Thành và Luy Lâu. Trong đó, Luy Lâu là được thành lập sớm nhất và chính trung tâm này đã làm bàn đạp tạo tiền đề cho sự hình thành, phát triển hai trung tâm Bành Thành và Lạc Dương ở Trung Hoa[10]. Căn cứ vào các ghi chép về Khương Tăng Hội, Ma Ha Kì Vực trong Cao tăng truyện thì quan điểm của Nguyễn Lang có phần hợp lí. Ngay từ thế kỉ thứ nhất và thế kỉ thứ II, tại Việt Nam đã hình thành trung tâm Phật giáo quan trọng và phồn thịnh, tức trung tâm Phật giáo Luy Lâu, đây cũng là thời kì phát triển rực rỡ và huy hoàng của Phật giáo Giao Châu. Huyện Luy Lâu, theo sách Tống thư quyển Châu quận, thái thú Giao Chỉ thì Luy Lâu là huyện cũ của nhà Hán, là vùng đất phát triển cả về kinh tế và văn hóa của Giao Chỉ (tương ứng với vùng Tây Bắc nội thành Hà Nội ngày nay), cũng là nơi tụ hội của nhiều luồngẢnthư: Sttưởng đương thời, điều này thúc đẩy Phật giáo đâm chồi nảy lộc ở Việt Nam. Phật giáo thông qua đường bộ lẫn đường thủy, theo chân các tăng lữ, thương nhân người Ấn Độ, Trung Á và Trung Quốc tiến vào Việt Nam. Cũng có những giả thuyết cho rằng Luy Lâu được hình thành từ thời nhà Hán (khoảng những năm đầu thế kỉ I TCN), Giao Châu lúc bấy giờ là vùng đất nằm trên con đường giao lưu mậu dịch trọng yếu giữa Trung Quốc và Ấn Độ, do vậy Giao Châu đương nhiên trở thành điểm dừng chân, tập kết lí tưởng của các nhà truyền giáo Ấn Độ trên con đường xiển dương Phật giáo về phương Bắc (miền Nam Trung Quốc).
3. Phật giáo Việt Nam từ thế kỉ IV đến thế kỉ V
Do vị trí địa lí nằm giữa hai nước lớn của Châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc, giao thông lại vô cùng thuận lợi, có cả đường bộ lẫn đường thủy, nên từ rất sớm các thương nhân Ấn Độ và Trung Á đều thông qua hai con đường này để tiến hành buôn bán từ Giao Châu đến Trung Quốc. Sau đó các tăng nhân Ấn Độ và Trung Á cũng theo các con đường này để truyền đạo tới Trung Quốc, đồng thời tăng lữ Trung Quốc cũng theo hai đường này để tới Ấn Độ cầu pháp, cầu kinh. Trong thế kỉ thứ IV và thế kỉ thứ V, Giao Châu trở thành địa điểm nghỉ chân trên còn đường cầu pháp, truyền pháp của tăng sĩ Trung Quốc lẫn Ấn Độ. Theo Cao tăng truyện, lúc bấy giờ có Phật Đà Bạt Đà La (359 – 429), Cầu Na Bạt Ma (394 – 468) trên con đường cầu pháp có ghé qua Giao Châu. Ngoài ra còn có Vu Pháp Lan, Vu Đạo Thúy đi thỉnh pháp cũng dừng chân Giao Châu, thậm chí hai người này còn lâm trọng bệnh và mất ở Giao Châu.
Các ghi chép trong Cao tăng truyện và Minh tường kí cho thấy hai tăng lữ người Trung Quốc là Vu Pháp Lan, Vu Đạo Thúy trên đường đi Ấn Độ đã dừng lại ở Giao Châu vào khoảng thời gian năm 360. Về Vu Pháp Lan có ghi lại rằng: “Người Cao Dương, từ nhỏ đã có tiết tháo khác thường. Năm 15 tuổi xuất gia, rất đỗi tinh cần, nghiên cứu kinh điển cả ngày lẫn đêm, cầu pháp vấn đạo hơn tất thảy mọi người. Đến tuổi đội mũ (20 tuổi), tinh thần thảnh thơi, đạo phong vang tới ba sông, tiếng tăm lừng khắp bốn xứ. Tính tình yêu thích núi sông, ở tại Trường An sơn tự, ẩn cư cùng với Trúc Pháp Hộ, sau rời đến ở dưới chân núi Thạch Thành…. Rồi Ngài đi sang Tây vực cầu học kinh pháp, khi đến Giao Châu bị bệnh nên mất ở Tượng Lâm.[11]”
Vu Đạo Thúy là đệ tử của Vu Pháp Lan, người Đôn Hoàng, mất cha mẹ từ sớm, được chú đem về nuôi, Thúy hiếu kính hết lòng như thờ cha mẹ mình. Đến năm 16 xuất gia thờ Lan công, xin làm đệ tử. Sau đó hai người đã cùng nhau đi Tây Vực cầu đạo, tới Giao Châu cả hai thầy trò đều mắc bệnh. Lan mất tại Tượng Lâm, tức vùng Nghệ Tĩnh ngày nay của nước ta, còn Thúy mất tại đâu không rõ, chỉ biết lúc đó Ngài 31 tuổi.
Phật Đà Bạt Đà La (359 – 429) Hán dịch là Giác Hiền. Ngài là vị cao tăng Nepal đầu tiên đến Trung Quốc hoằng pháp, theo Cao tăng truyện quyển hai, sư là người nước Bắc Thiên Trúc Ca Tỳ La Vệ (Nepal ngày nay). 17 tuổi xuất gia, tinh thông kinh điển, nổi danh nhờ thiền định và giới luật. Sau đó đi về phía Kế Tân (Tây Vực), học đạo cùng thiền sư đương thời là Phật Đại Tiên. Ở Kế Tân, Ngài gặp tăng nhân Trung Quốc tên Trí Nghiêm, Trí Nghiêm rất khâm phục tài trí và học vấn của Giác Hiền nên đã khẩn cầu Ngài tới Trung Hoa hoằng pháp. Trên đường về Trung Thổ hai người đã từng đặt chân đến Giao Châu, quá trình này được ghi lại trong Cao tăng truyện: “至交趾,乃附舶循海而行,經 一島下[12]” (Khi đến Giao Chỉ Ngài vẫn tiếp tục ngồi thuyền, theo đường biển mà đi tới đảo tiếp theo). Không rõ hòn đảo tiếp theo mà Ngài tới là nơi nào nhưng chắc chắn rằng Ngài đã dừng nghỉ tại Giao Châu. Ngoài Phật Đà Bạt Đà La còn có Cầu Na Bạt Ma cũng ngồi thuyền tới Trung Thổ xiển dương Phật pháp và Giao Châu vẫn là trạm dừng nghỉ trên còn đường truyền giáo thiên lí. Cao tăng truyện quyển 3 ghi rằng, Ðầu niên hiệu Nguyên Gia (424), Tống Văn Ðế nghe danh Ngài, ra chiếu lệnh cho thứ sử Giao Châu, sửa soạn tàu thuyền, cùng Sa môn Pháp Trường Đạo, Sung Đạo Tuấn… đi sang nước Xa Bà cầu thỉnh rước Ngài về, đồng thời viết thư cho Bạt Ma và vua Xà Bà là Bà Đa Già. Ngài Bạt Ma muốn hoằng pháp rộng rãi nên vui vẻ bằng lòng. Ngài không quản đường xá xa xôi tìm đến đất Tống. Ngài theo thuyền của thương nhân Trúc Nan Đề đi đến một tiểu quốc, thuận theo gió thuyền đến Quảng Châu[13].
Cả hai sự kiện Phật Đà Bạt Đà La và Cầu Na Bạt Ma men theo đường biển từ Ấn Độ tới Trung Hoa truyền giáo đều là những sự kiện quan trọng, bởi vì lúc đương thời có rất nhiều tăng sĩ dịch kinh theo con đường tơ lụa đến Trung Quốc nhưng con đường bộ ấy quá gian nan, nguy hiểm khi phải xuyên qua sa mạc, băng qua các ngọn núi hiểm trở, do vậy phần nhiều là các tăng lữ trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết, các lão tăng rất khó để thực hiện hành trình này. Vấn đề là trên đường bộ, dựa vào sức người và lạc đà, thì số lượng kinh điển vận chuyển không được nhiều. Ngược lại, với đường biển có thể mặc sức chất đầy kinh sách, chính vì vậy trong suốt thế kỉ thứ IV và thứ V, Giao Châu chính là địa điểm trung chuyển của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa.
Nếu như từ thế kỉ I đến thế kỉ III Phật giáo Việt Nam mang đậm màu sắc của Phật giáo Nam truyền đã được bản thổ hóa, thì đến thế kỉ thứ IV và thứ V sắc màu của Phật giáo Bắc truyền càng ngày càng sâu đậm. Cũng trong thời gian này, Phật giáo Trung Hoa và Phật giáo Việt Nam càng trở nên mật thiết, tăng nhân giữa hai nước tới lui ngày càng nhiều, trong số đó có hai nhân vật được ghi trong Cao tăng truyện là Thích Tăng Cẩn (không rõ năm sinh và năm mất) và Thích Đàm Hoằng(? – 455). Cao tăng truyện quyển 7 chép rằng: Thích Tăng Cẩn họ Chu, người nước Phái (tỉnh An Huy ngày nay). Thuở nhỏ rất giỏi về Lão Trang và thi lễ. Sau đó đến Quảng Lăng tham kiến Pháp sư Đàm Nhân, rồi đảnh lễ bái thỉnh Ngài học đạo... Sau đó Nghĩa Gia tạo phản và soán ngôi. Lúc đó có người gièm siểm Ngài từng dạy học cho Nghĩa Gia nên lập tức bị tẩn xuất khỏi Giao Châu. Ngài mất vào khoảng thời gian những năm Tống Nguyên Huy (472 – 477), thọ 79 tuổi[14]. Ghi chép này cho thấy Thích Tăng Cẩn từng ở Giao Châu trong một khoảng thời gian mặc dù làm gì và trong khoảng bao lâu thì không ghi rõ.
Cao tăng truyện quyển 12 có nhắc tới Thích Đàm Hoằng, một vị tăng sĩ Trung Hoa tu theo pháp môn Tịnh độ tông đến Việt Nam trú trì tại chùa Tiên Sơn, đồng thời hoằng dương pháp môn này. Cao tăng truyện ghi chép về Ngài không nhiều nhưng đã cung cấp cho sử liệu Việt Nam những thông tin quan trọng: Ngài là người Hoàng Long, từ nhỏ đã tu giới hạnh, chuyên nghiên cứu luật tạng. Giữa niên hiệu Vĩnh Sơ (420 – 422) nhà Tống Ngài về phương Nam ở Đài tự, xứ Phan Ngung (Quảng Châu). Sau đó đến chùa Tiên Sơn ở vùng Giao Chỉ tụng kinh Vô Lượng Thọ và Quán Kinh, phát tâm hồi hướng về Tây phương. Vào năm thứ 2 niên hiệu Hiếu Kiến (455) Ngài lên núi chất củi rồi âm thầm vào trong đó đốt thân, đệ tử vội tìm đến khiêng ngài trở về, nửa thân đã cháy hết, trải qua nửa tháng mới bớt. Sau đó Ngài lại lần nữa vào trong hang thiêu thân thị tịch, thọ bảy mươi mốt tuổi[15]. Nguyễn Duy Hinh cho rằng, tự thiêu là một hiện tượng pháp thí cao nhất đề cập trong kinh Pháp Hoa. Đàm Hoằng là nhà sư Trung Quốc đầu tiên được biết đến sớm nhất ở nước ta song chưa phải Thiền tông mà cũng chưa thật sự là Tịnh độ tông. Với những thông tin ở trên, chúng ta có thể suy đoán rằng, khi Thích Đàm Hoằng tới Giao Châu, Tịnh độ tông chưa phải là một tông phái có tổ chức và truyền thừa nhưng đã ông đã mang đến những hệ tư tưởng manh nha của Tịnh độ tông tới Việt Nam để tới giữa thế kỷ XI trở đi, khuynh hướng Tịnh độ trở nên phổ biến, với sự hình thành của nhiều ngôi Tam bảo, đạo tràng.
4. Kết luận:
Cuộc đời của các vị cao tăng và những cống hiến của họ cho Phật giáo trong Cao tăng truyện đã trở thành các tài liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử phát triển Phật giáo của Việt Nam và Trung Quốc. Do sử liệu Việt Nam thời kì cổ đại vô cùng khan hiếm và thiết sót nên những nội dung trong Cao tăng truyện rất có hữu ích cho các học giả nghiên cứu Phật giáo Việt Nam giai đoạn đầu. Nếu như tình hình Phật giáo Việt Nam giai đoạn trước công nguyên toàn hoàn dựa vào huyền sử, truyền thuyết và các cuộc khai quật khảo cổ ngày nay để phán đoán thì từ thế kỉ thứ nhất trở đi, vì có những ghi chép trong Cao tăng truyện mà các sự kiện trong quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam trở nên rõ ràng và đáng tin cậy hơn.
Đinh Tiên Phong - NCS Tiến sĩ, Đại học Sư phạm Bắc Kinh Vũ Minh Thu - NCS Tiến sĩ, Đại học Tứ Xuyên Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023 ***TÀI LIỆU THAM KHẢO: [1] Nguyễn Khắc Thuần, (2003), Việt Sử Giai Thoại, NXB Giáo Dục Việt Nam, Trang 39~40. [2] Lê Mạnh Thát, (2003), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, NXB Tp.Hồ Chí Minh, Trang 16. [3] Ly Đạo Nguyên soạn, Dương Thủ Kính toản sớ, Thủy kinh chú sớ, quyển 37 (https://guoxue.httpcn.com/html/book/ MEUYKOAZ/CQMETBXVCQCQ.shtml) [4] Ly Đạo Nguyên soạn, Dương Thủ Kính toản sớ, Thủy kinh chú sớ, quyển 37 (https://guoxue.httpcn.com/html/book/ MEUYKOAZ/CQMETBXVCQCQ.shtml) [5] Niệm Thường tập, Phật Tổ thông tải, quyển5, Đại chính tạng, quyển 49, trang 510b. [6] Tuệ Hiệu soạn, Cao tăng truyện, quyển1, Đại chính tạng, quyển 50, trang 325a. [7] An Thế Cao dịch, Phật thuyết Đại an ban thủ ý kinh, quyển 1, Đại chính tạng, quyển 15, trang 163b. [8] Niệm Thường tập, Phật Tổ thông tải, quyển5, Đại chính tạng, quyển 49, trang 518c. [9] Cổ kim đồ thư tập thành tuyển tập, quyển 125, Đại tạng kinh bổ biên, quyển 16, trang 7b. [10] Nguyễn lang, (2008), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, NXb Văn Học, Trang 22. [11] Tuệ Hiệu soạn, Cao tăng truyện, quyển 4, Đại chính tạng, quyển 50, trang 349c. [12] Tuệ Hiệu soạn, Cao tăng truyện, quyển 2, Đại chính tạng, quyển 50, trang 334c. [13] Tuệ Hiệu soạn, Cao tăng truyện, quyển 3, Đại chính tạng, quyển 50, trang 340a. [14] Tuệ Hiệu soạn, Cao tăng truyện, quyển 7, Đại chính tạng, quyển 50, trang 373c. [15] Tuệ Hiệu soạn, Cao tăng truyện, quyển 12, Đại chính tạng, quyển 50, trang 405c.
Bình luận (0)