Hoà thượng, TS Thích Thanh Điện Phó Tổng Thư ký - Chánh Văn phòng TWGHPGVN Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX
Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thực tiễn lịch sử đã xác nhận Phật giáo Việt Nam (PGVN) là một tôn giáo mà từ bản chất, bản sắc từ trong thực tiễn hoạt động của mình đã biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc, với Nhân dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có lịch sử thống nhất vẻ vang, đang trên đà phát triển và hội nhập, Giáo hội có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
1. Vai trò của GHPGVN trong quá trình thống nhất, phát triển và hội nhập.
Lịch sử hơn 2000 năm đã minh chứng PGVN luôn gắn bó bền chặt, đồng hành cùng dân tộc. Phật giáo đã hòa quyện với văn hóa dân tộc góp phần bảo vệ văn hóa Việt Nam trước các cuộc xâm lăng, đồng hóa văn hóa từ phương Bắc và góp phần làm dày thêm, sâu sắc thêm nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, vì thế Phật giáo trở thành thành tố văn hóa của dân tộc. Trong giai đoạn Lý - Trần Phật giáo được coi là quốc giáo - đã góp phần định hình Quốc gia dân tộc, định đô Thăng Long và đóng góp quan trọng vào mối quan hệ bang giao, hữu hảo với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập có thể nói là sự thống nhất các hệ phái đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, tạo ra những giá trị vô cùng to lớn đối với sự phát triển của xã hội và đối với đời sống sinh hoạt của Nhân dân.
Việt Nam trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với tinh thần nhập thế, GHPGVN đã đóng góp công sức làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử đấu tranh giải phóng đất nước, giành độc lập của dân tộc. Sau ngày 30/4/1975, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, là yếu tố thuận lợi, là động lực để chư Tôn Giáo phẩm, Tăng Ni, Phật tử các tổ chức Giáo hội, Hệ phái thực hiện nguyện vọng, tâm huyết thống nhất Phật giáo mà các thế hệ tiền bối đã dày công tạo dựng. Đây chính là duyên khởi của sự thành lập GHPGVN.
Sự ra đời của tổ chức GHPGVN (1981), tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), là dấu son lịch sử quan trọng, kết quả của toàn bộ trí tuệ, công sức của Tăng Ni và tín đồ Phật tử cả nước, của 09 Sơn môn, Hệ phái chính của Phật giáo Việt Nam là Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, của những người con Phật ở trong nước và hàng chục vạn Phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Việc thành lập GHPGVN năm 1981 đã đáp ứng yêu cầu tất yếu của lịch sử và hợp quy luật khách quan. Bởi lẽ, thứ nhất, mục tiêu thống nhất Phật giáo có từ rất sớm, các hệ phái luôn khao khát xây dựng một tổ chức Phật giáo Việt Nam thống nhất trên toàn quốc; thứ hai, Tổ quốc thống nhất và sự trợ duyên của Đảng, Nhà nước là cơ duyên thuận lợi thúc đẩy quá trình thống nhất các hệ phái PGVN; thứ ba, thống nhất PGVN để trao đổi, tiếp thu, lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của PGVN và hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới.
Quá trình vận động thành lập GHPGVN diễn ra khá lâu dài, trải qua ba cuộc vận động vào các năm: Cuộc vận động thống nhất Phật giáo lần thứ nhất (1951); Cuộc vận động thống nhất Phật giáo lần thứ hai (1958); Cuộc vận động thống nhất Phật giáo lần thứ ba (1964). Cuộc vận động thống nhất Phật giáo vào năm 1981 được diễn ra thành công trên nền tảng hội tụ đầy đủ duyên lành và thuận lợi khi Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam gọi tắt là Ban Vận động gồm các vị cao Tăng đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo[1]. Đại hội Đại biểu thống nhất PGVN đã được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981, mang những giá trị lịch sử vô cùng lớn lao và ý nghĩa. Sự kiện trọng đó đã khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong Phật giáo, tạo ra cơ duyên để các Tăng Ni, tín đồ Phật tử người Việt và các Hội Phật tử người Việt Nam ở nước ngoài chung tay xây dựng đất nước; tạo ra luồng sinh khí mới trong đời sống sinh hoạt của Tăng Ni và tín đồ Phật tử Việt Nam; và góp phần cải thiện mối quan hệ giữa Phật giáo và chính quyền; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng.
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, văn hóa, xã hội, sự du nhập của nhiều nền văn hóa trên thế giới, giới trẻ, thanh thiếu niên của Việt Nam cũng chịu sự tác động, ảnh hưởng lớn. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực giúp thế hệ trẻ tiếp cận nhanh với tri thức nhân loại, tiếp cận với những phát triển của khoa học, công nghệ hiện đại, thế hệ trẻ hiện nay còn chịu sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự ảnh hưởng từ những thói hư, tật xấu, đua đòi, rời xa những giá trị đạo đức truyền thống, coi nhẹ việc học tập hay sự nhìn nhận lệch lạc về giá trị cuộc sống đã và đang tạo ra các nguy cơ, ảnh hưởng xấu tới sự hình thành nhân cách, chuẩn mực đạo đức, lối sống. Trước những yếu tố đó, GHPGVN đã tổ chức nhiều lớp học, khóa tu mùa hè,… thông qua mạng internet, truyền thông đến với quần chúng Nhân dân nhằm thu hút giới trẻ, thanh thiếu niên tham gia với tinh thần cứu giúp chúng sinh, đưa những giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc, đưa những tinh hoa nhiệm mầu của Phật pháp đến với thế hệ trẻ, hướng họ đến với những chuẩn mực, giá trị Chân, Thiện, Mỹ trong cuộc sống. Đây chính là sự khẳng định về vai trò của GHPGVN góp phần xây dựng văn hóa, đạo đức, lối sống con người Việt Nam hướng đến các giá trị “Chân, Thiện, Mỹ”, hướng đến những việc làm có ích cho xã hội, có ích cho đất nước.
2. Thành tựu của GHPGVN trong quá trình thống nhất, phát triển và hội nhập.
Phật giáo Việt Nam có quá trình du nhập, phát triển hơn 2000 năm, gắn bó cùng dân tộc trải qua những thăng trầm của lịch sử, trở thành một thành tố quan trọng của văn hóa. Những giá trị, thành tựu của PGVN đạt được trong suốt chiều dài lịch sử là không thể kể hết, ngày nay vị thế, uy tín của PGVN ngày càng được khẳng định không chỉ trong nước mà còn cả trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt trong gần 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, trong quá trình thống nhất, phát triển và hội nhập của PGVN, Giáo hội đã có những thành tựu, sự đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của xã hội, vào việc thực hiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần của Nhân dân.
2.1. Công tác Tăng sự đạt được những kết quả quan trọng.
Trước năm 1981, PGVN chưa có sự thống nhất về mặt tổ chức, hoạt động theo các khu vực và trường phái khác nhau, mang những nét đặc trưng về tổ chức, quan điểm sinh hoạt, tu tập, đồng thời mang những nét riêng về phong tục, tập quán lâu đời của người dân Việt Nam. Vì vậy, hoạt động Tăng sự của PGVN trước khi thống nhất vẫn được tiến hành và đảm bảo hoạt động truyền bá Phật pháp được đẩy mạnh, phát triển mạnh mẽ, thời Lý - Trần, Phật giáo còn trở thành Quốc giáo. Đây là sự khẳng định quan trọng nhất đối với quá trình xây dựng và phát triển PGVN, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ hoạt động Tăng sự. Tăng sự là hoạt động trọng tâm của Giáo hội, Phật sự nổi bật của Ban Tăng sự Trung ương trong thời gian qua là tổ chức, quản lý tốt công tác Tăng Ni, tự viện. Hướng dẫn thống kê Tăng Ni, tự viện; thực hiện việc cấp giấy chứng nhận Tăng Ni, An cư kết hạ, thuyên chuyển vùng tu học và sinh hoạt Phật sự, bổ nhiệm trụ trì các tự viện trên cả nước. Hướng dẫn Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố tổ chức hàng trăm Đại Giới đàn, truyền giới cho hàng chục ngàn giới tử.
Ban Tăng sự Trung ương đã tổ chức các Hội nghị Tăng sự toàn quốc và các hội thảo khoa học chuyên ngành nhằm đáp ứng được việc quản lý, chấn chỉnh sinh hoạt Tăng Ni, tự viện trong thời kỳ mới. Đặc biệt là Hội nghị Tăng sự với chủ đề: Thống kê Tăng Ni, Phật tử ở Việt Nam: Lý luận và Thực tiễn. Hội nghị được sự quan tâm đóng góp ý kiến của chư Tôn đức, các Giáo sư, học giả trí thức, các nhà nghiên cứu, đã nêu được những vấn đề cơ bản để giúp cho GHPGVN phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế và giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo, các nhà hoạch định chính sách xã hội trong định hướng phát triển đất nước. Trong Báo cáo Sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2022 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ rõ: “Tăng Ni: 54.973 Tăng Ni, gồm 40.807 Bắc tông; 7.028 Nam tông Khmer, 1.754 Nam tông kinh (1.100 chư Tăng, 654 Tu nữ); 5.384 Khất sĩ. Tín đồ Phật tử khoảng 60%/93.000.000 dân số. 18.491 Tự viện, gồm 15.871 tự viện Bắc tông; 454 chùa Nam tông Khmer; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 Tịnh xá, 467 Tịnh thất, 998 Niệm Phật đường, 54 Tự viện Phật giáo người Hoa; Ban Tăng sự Trung ương đã duyệt cấp 489 giấy chứng nhận Tăng Ni; 16 Giấy chứng nhận Tu sĩ Nam tông Khmer… Theo báo cáo có 32.699 Tăng Ni an cư và 200 Phật tử thực tập an cư…[2].
2.2. Công tác Giáo dục đào tạo Phật học được chú trọng quan tâm và đạt nhiều kết quả khá quan trọng.
Giáo dục trong các tôn giáo nói chung và giáo dục của Phật giáo nói riêng có một vị trí quan trọng. Trong suốt tiến trình hình thành và phát triển của PGVN, mạch nguồn giáo dục Phật giáo luôn phát triển, góp phần đào tạo Tăng tài, phục vụ hoằng dương chính pháp, lợi lạc nhân sinh, “hộ quốc, an dân” và phát triển xã hội. Năm 1981, ngay khi thống nhất, Giáo hội đã thành lập Ban Giáo dục Tăng Ni nhằm chuyên trách các hoạt động giáo dục, đào tạo Tăng, Ni. Công tác Giáo dục đào tạo đội ngũ Tăng, Ni có kiến thức và đạo đức toàn diện để có thể truyền trì mạng mạch Phật giáo được Giáo hội quan tâm ngay từ khi mới thành lập và được coi là nhiệm vụ quan trọng của Ban Giáo dục Tăng Ni. Đến nay, hệ thống Giáo dục PGVN đã hoàn thiện từ Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng, Cử nhân và Sau đại học. Chính các Tăng, Ni sinh được đào tạo từ các Học viện Phật giáo Việt Nam, Cao đẳng và Trung cấp đã góp phần hình thành và hoạt động ở Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành trong cả nước. Trong Báo cáo Sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2022 của GHPGVN chỉ rõ: Công tác đào tạo, về chương trình Tiến sĩ Phật học hiện đang đào tạo 37, Thạc sĩ Phật học đang đào tạo 235 và đang tiếp tục chiêu sinh; về Chương trình Cử nhân Phật học 4.112 và đang tiếp tục chiêu sinh; về Cao đẳng Phật học: các lớp Cao đẳng Phật học Thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Quảng Nam, Tiền Giang… tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo của Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương; Về Sơ cấp Phật học có khoảng trên 3000 Tăng Ni sinh theo học các lớp Sơ cấp Phật học tại các cơ sở đào tạo trực thuộc các trường Trung cấp Phật học; về Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer đã có hàng ngàn vị Sư sãi, thanh thiếu niên dân tộc Khmer theo học Trường Trung cấp Pali Nam bộ tại tỉnh Sóc Trăng, các lớp Vini, Pali Trung cấp, Sơ cấp , Khmer ngữ và bổ túc văn hóa cấp 1,2,3 lớp dạy Anh văn, tin học… Về Tăng Ni sinh du học: Giáo hội tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện cho Tăng Ni sinh du học ở nước ngoài. Hiện có 250 Tăng Ni sinh đang du học tại các nước với chương trình Củ nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học[3].
Công tác Giáo dục đào tạo Phật giáo do tình hình dịch bệnh nên tạm nghỉ trong một thời gian. Học viện Phật giáo tại Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công kỳ tuyển sinh Thạc sỹ Phật học khóa IV (2021-2023) với 39 Tăng, Ni và đã khai giảng khóa đầu tiên tại Tu viện Vĩnh Nghiêm. Các Học viện Phật giáo tiếp tục chiêu sinh các khóa Cử nhân, Thạc sỹ và Tiến sỹ Phật học theo chương trình,…[4].
2.3. Công tác hoằng pháp được triển khai hiệu quả trong điều kiện mới.
Công tác hoằng pháp được triển khai hiệu quả trong điều kiện mới: Hầu hết các Tăng, Ni, cơ sở tự viện trong cả nước đã nghiêm chỉnh thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và công văn chỉ đạo của Hội đồng Trị sự về việc tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, các sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người. Do vậy, công tác hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử đã chuyển hình thức sinh hoạt từ các pháp hội, khóa tu, trại hè tập trung đông người sang hình thức thuyết giảng, tụng kinh, chia sẻ Phật pháp trực tuyến online qua các phương tiện truyền thông, hệ sinh thái số như Facebook, Youtube, Zalo, mạng xã hội Phật giáo Butta, Trang Phật sự Online, Giáo Ngộ Online,… Những hình thức sinh hoạt Phật sự, hoằng pháp trên đây được coi là xu thế phát triển và được đưa vào chương trình hoạt động Phật sự của nhiệm kỳ VIII của Giáo hội[5].
Theo Báo cáo Sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2022 của GHPGVN: Trong bản tin thời sự hàng ngày của Phật sự Online, Phân ban Thông tin Truyền thông kết hợp với Phật sự Online đã thực hiện chương trình Hoằng pháp Online với hơn 170 sự kiện truyền hình trực tiếp Đại hội Đại biểu Phật giáo các tỉnh, thành trong cả nước, cũng như các buổi thuyết giảng và hàng trăm clip ghi hình đưa tin video các chương trình thuyết giảng. Về công tác đào tạo Giảng sư, Lớp đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc đã tổ chức trao bằng tốt nghiệp khóa I cho 69 Tăng Ni sinh và 07 vị nhận Giấy chứng nhận tham gia lớp học chính thức trở thành Giảng sư ngành Hoằng pháp, đồng thời đã khai giảng Khóa II (2022-2025) với 99 Tăng Ni sinh Giảng sinh tham dự khóa học. Lớp đào tạo Cao - Trung cấp Giảng sư tại chùa Hòa Khánh, Tp. Hồ Chí Minh đang đào tạo các khóa: Khóa X (2019-2022) với 51 Tăng Ni Giảng sinh Lớp Cao cấp Giảng sư và 37 Tăng Ni lớp Trung cấp Giảng sư; Khóa XI (2020-2023) có 94 Tăng Ni sinh lớp Cao cấp và 33 Tăng Ni sinh lớp Trung cấp Giảng sư với hình thức dạy trực tuyến… Với hàng ngàn Tăng Ni Giảng sư được Giáo hội đào tạo, công tác thuyết giảng tại các Đạo tràng, hướng dẫn Phật tử tu tập Bát Quan trai, các lớp giáo lý tại địa phương như Thành phố Hà Nội, Thanh hóa, Nam Định, Ninh Bình, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… đều đạt được nhiều thành tựu, chuyển tải được nội dung giáo lý, những lời Phật dạy đến các đồng bào, Phật tử[6].
2.4. Công tác hướng dẫn Phật tử đóng góp vào sự phát triển chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Những hoạt động Phật sự của Ban Hướng dẫn Phật tử đã có ngay từ khi Phật giáo vào Việt Nam và gắn liền với sự ra đời của GHPGVN năm 1981. Trong quá trình thống nhất, phát triển và hội nhập của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cơ cấu tổ chức của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương ngày càng hoàn thiện và đáp ứng tốt hơn các hoạt động Phật sự trong bối cảnh đất nước và thế giới có nhiều chuyển biến mạnh mẽ.
Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã góp phần hoàn thiện cơ cấu tổ chức Giáo hội: Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương là một trong 13 Ban, Viện thành viên của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần hoàn thiện cơ cấu Giáo hội. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương góp phần ổn định đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của Phật tử: Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tuy không đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương như các ngành nghề sản xuất khác, song có tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều tầng lớp nhân dân. Trước hết là ảnh hưởng của giáo lý và triết lý Phật giáo đến nhận thức chung của đồng bào Phật tử để họ có cách sống thay đổi, phá bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, quan tâm nhiều đến việc làm ăn phát triển sản xuất, kinh doanh vùng miền; một trong những mặt ảnh hưởng trực tiếp nhất là ổn định đời sống tâm linh, tâm lý yên tâm, an lạc để thực hiện các công việc xây dựng và chăm lo cho đời sống kinh tế gia đình, sau đó lưu thông buôn bán hàng hóa đến các vùng lân cận.
Đồng thời, Ban Hướng dẫn Phật tử góp phần ổn định xã hội, nhất là vấn đề an sinh xã hội cho tín đồ Phật tử và Nhân dân: Trên thực tế, Phật giáo luôn tiên phong gương mẫu trong các sinh hoạt đời sống tinh thần. Phật giáo là tôn giáo vì hạnh phúc và an lạc, có truyền thống đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi có sự định hướng dẫn dắt, tinh thần Phật giáo đã tác động vào tư tưởng, nhận thức của bà con qua các sinh hoạt đời sống thường ngày và trong cả các nghi lễ tôn giáo như ăn chay, phóng sinh, bố thí, tục cúng Rằm, đi lễ chùa, các nghi thức như ma chay, cưới hỏi,… Vì vậy, Ban Hướng dẫn Phật tử đã góp phần làm chuyển hóa các tập tục truyền thống như tục đốt vàng mã, xin xăm - bói quẻ, tục cúng bái đa thần linh giáo,… thành những tư tưởng và phương cách tu tập lành mạnh, thiết thực hơn. Đó còn là sự định hướng đồng bào tin theo chính pháp của đạo Phật, khẳng định vai trò của Phật giáo trong việc giảm thiểu các hành vi hủ tục mê tín trong đời sống văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh của đồng bào địa phương trước sự biến động nhiều mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị hiện nay ở các tỉnh vùng miền có đời sống kinh tế phần lớn còn nhiều khó khăn, chậm phát triển Hướng dẫn Phật tử tu học Phật pháp, các hoạt động Khóa tu mùa hè, tiếp sức mùa thi và sinh hoạt các Đạo tràng, hội trại, hội thi giáo lý, hướng dẫn Phật tử tham gia công tác xã hội.
Những năm qua, Giáo hội đã chú trọng công tác xây dựng các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh, từ đó xây dựng các cơ sở thờ tự trực thuộc Giáo hội, hướng dẫn Phật tử tin theo và thực hành theo triết lý nhân sinh của đạo Phật, nhất là xây dựng, chăm lo cho đời sống kinh tế gia đình. Khi đồng bào hiểu và thấm nhuần những triết lý, giáo lý của đạo Phật sẽ hạn chế dần việc chi phí cho các nghi lễ, phong tục tập quán tốn kém như đám ma, cúng giỗ, cầu cúng thần linh, chữa bệnh, phá rừng làm nương rẫy, du canh, du cư,… Thay vào đó, bà con Phật tử vùng dân tộc ít người biết tiết kiệm, cần cù, chịu khó và biết cách khắc phục khó khăn để chăm lo xây dựng đời sống kinh tế, ổn định sản xuất, giảm bớt kinh phí cho các tục lệ, hủ tục rườm rà, tốn kém, tiến tới xóa đói, giảm nghèo, tập trung phát triển kinh tế. Đồng bào dân tộc nhiều nơi có các chương trình tương trợ vốn, hùn vốn giúp nhau sản xuất và buôn bán nông sản,… Những nghĩa cử cao đẹp đó của Tăng Ni và tín đồ Phật tử các tỉnh miền núi phía Bắc toát lên ý thức yêu thương, tinh thần đùm bọc lẫn nhau, tạo sức lan tỏa, làm cho Phật giáo ngày càng được in đậm trong đạo lý tình người của dân tộc. Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo cấp tỉnh kết hợp với các cấp chính quyền, các ban ngành các tỉnh quan tâm đến công tác giáo dục, hoàn cảnh sống, học tập của học sinh. Phật giáo tham gia vào công tác giáo dục nhằm giúp đỡ các tín đồ Phật tử, các trẻ em nghèo, khó khăn[7].
2.5. Hoạt động từ thiện xã hội, trợ cấp, trợ giúp xã hội có nhiều khởi sắc, đi vào đời sống thực tế của Nhân dân.
Giáo hội và đông đảo Tăng Ni, Phật tử đã có nhiều hoạt động trợ giúp kịp thời tới cộng đồng thiết thực, hiệu quả, chung tay cùng các cấp chính quyền và các đoàn thể chăm lo, chia sẻ, giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn, người khuyết tật, neo đơn, người nghèo, người lao động bị mất việc làm,… Phong trào “Cởi áo Ca sa khoác áo Blouse trắng” tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 do Giáo hội phát động được Tăng, Ni, Phật tử trên cả nước hưởng ứng. Hàng trăm Tăng Ni sinh thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã làm đơn tình nguyện vào miền Nam chống dịch: Cả nước có 1.000 Tăng, Ni, Cư sỹ, Phật tử tham gia tuyến đầu chống dịch,… Phong trào Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch với hàng chục nghìn suất của các nhà chùa đã mang tới phục vụ các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly chống dịch Covid-19,… trong đó có chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Tường Nguyên mỗi ngày phục vụ từ 10.000 đến 20.000 suất cơm,… Phong trào tự nguyện dùng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly phòng chống dịch Covid-19 nhằm làm giảm áp lực cho các bệnh viện, trung tâm điều trị được các chùa hưởng ứng mạnh mẽ… Các chùa, cơ sở tự viện nhận đăng ký tro cốt của người mất do dịch Covid-19 và tổ chức cầu siêu cho các vong linh tử vong do Đại dịch Covid-19,… Giáo hội Phật giáo các cấp đã vận động ủng hộ hơn 3.000 tấn nông sản, 200.000 phần quà với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng,…; 170 máy thở và tạo oxy, hàng trăm nghìn khẩu trang y tế, nước khử khuẩn cho ngành Y tế, góp phần thiết thực cùng Đảng, Nhà nước phòng, chống dịch Covid-19[8]. Mặc dù những năm gần đây, chịu ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 nhưng công tác từ thiện của Giáo hội đã có bước khởi sắc, đạt được nhiều kết quả. “Tổng số tiền từ thiện xã hội toàn Giáo hội thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022 là 657,517,093,000 đồng. Trong đó Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương 26,334,036 đồng, các Phân ban Từ thiện xã hội Trung ương 33,965,823,000 đồng”[9].
2.6. Hoạt động của Ban Nghi lễ và Ban Văn hóa có những bước tiến mới.
Kể từ khi xuất hiện và đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam đến nay, PGVN nói chung và nghi lễ Phật giáo đã hội nhập, giao lưu, tiếp biến nhưng luôn gắn liền với nền văn hóa dân tộc Việt Nam một cách hài hòa, bền chặt. Kể từ khi chính thức được thống nhất với tên gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1981 đến nay, Ban Nghi lễ Trung ương là một trong 13 Ban, Viện chính, trụ cột trong Giáo hội. Đóng vai trò quan trọng trong tổ chức các đại lễ thường niên của Phật giáo, Ban Nghi lễ Trung ương và Ban Nghi lễ tại các tỉnh, thành đã phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các Ban liên quan như Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Truyền thông,... cùng thực hiện các đại lễ Phật giáo như Phật Đản, An cư kiết hạ, Giới đàn,... Đặc biệt, ngày 02/7/2022 Ban Nghi lễ Trung ương đã tổ chức thành công Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc năm 2022 với chủ đề “Kế thừa, bảo tồn và phát huy truyền thống Nghi lễ PGVN trong thời kỳ hội nhập”[10].
Để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xuất phát từ vai trò giá trị văn hóa Phật giáo trong đời sống của những người yêu mến Phật giáo nói riêng, người dân Việt Nam nói chung, GHPGVN đã đặc biệt quan tâm đến các hoạt động văn hóa. Ban Văn hóa Trung ương đã tổ chức thành công nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học chuyên ngành. Trong đó, đáng chú ý là: Hội thảo khoa học “Văn hóa Phật giáo toàn quốc và triển lãm Văn hóa Phật giáo” tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa); Tọa đàm khoa học quốc tế “Truyền thống Văn hoá Phật giáo Việt Nam - Hàn Quốc”; Hội thảo khoa học “Phật giáo Quảng Bình xưa và nay” tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình); Hội thảo khoa học “Bác Hồ với Phật giáo”; Ban Văn hóa Trung ương còn tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Đạo pháp với dân tộc” tại Nghệ An;… Thực hiện bốn đề án: Pháp phục Phật giáo Việt Nam, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam và Di sản Văn hóa Phật giáo Việt Nam đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự phê duyệt, ngày 20/6/2022… Ban Văn hóa tiếp tục in ấn phát hành hàng triệu cuốn kinh Chuyển Pháp Luân và khóa tụng thống nhất để lan tỏa sâu rộng đến Chư tôn đức Tăng Ni và quần chúng Phật tử[11].
2.7. Hoạt động của Viện và Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam là một cơ sở Nghiên cứu rất đặc thù, có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Nhà nước, Giáo hội với Tăng, Ni và tín đồ Phật tử Phật giáo Việt Nam, thể hiện ở việc thông qua các hoạt động của các Phân viện, Trung tâm (Hội nghị, hội thảo, quan hệ quốc tế,…). Thông qua các bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học, trang thông tin điện tử Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã thể hiện, đăng tải những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, triển khai những chủ trương, chính sách của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo vào cuộc sống, để Tăng, Ni và tín đồ Phật tử biết, ủng hộ và nghiêm túc thực hiện. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cũng thể hiện được các hoạt động tôn giáo chính đáng ở Việt Nam luôn được Nhà nước bảo đảm, tôn trọng và tạo điều kiện, qua đó đấu tranh với các thế lực thiếu thiện chí xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do nhân quyền tôn giáo.
Về công tác nghiên cứu biên soạn và phiên dịch các tác phẩm văn hóa, lịch sử Phật giáo: Với mục đích cung cấp nguồn tài liệu, kinh điển của các nền Phật học nổi tiếng trên thế giới, ngay từ khi thành lập, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã rất chú trọng tới công tác biên soạn, phiên dịch các tác phẩm văn hóa, lịch sử Phật giáo bằng các thứ tiếng Phạn, tiếng Pali, tiếng Hán, tiếng Anh… Những năm gần đây, số lượng Kinh điển Phật học được biên soạn, phiên dịch, xuất bản, ấn hành ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của Tăng, Ni sinh và tín đồ Phật tử. Công tác biên soạn, phiên dịch được chú trọng, chất lượng ngày càng được nâng cao, nhiều tác phẩm được xuất bản, ấn hành như bộ Đại Từ điển Phật học Hán - Việt, phiên dịch Bộ Tứ phân Luật, kinh Trường bộ, kinh Trung bộ, kinh Tương Ưng bộ, kinh Tăng Chi bộ,… Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam chú trọng đến công tác tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học nhằm trao đổi thông tin và hợp tác nghiên cứu với một số Viện và Trường Đại học ở trong và ngoài nước, thông qua đó kết hợp tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần khẳngđịnh chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời đấu tranh với các thế lực thù địch và các đối tượng thiếu thiện chí vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm tự do và nhân quyền liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo. Từ khi thành lập đến nay, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức rất nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học cả trong nước và quốc tế.
Về công tác đào tạo và các Phật sự khác, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam chỉ đạo toàn thể các Phân viện và Trung tâm tiến hành tổ chức chiêu sinh, huấn luyện phiên dịch, đào tạo các chuyên ngành phù hợp. Trong Báo cáo Sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2022 của GHPGVN, Viện và Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã chỉ thêm về công tác biên tập, ấn hành, cụ thể: Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam: Viện đã hoàn tất việc biên tập và ấn hành 5 bộ Nikaya, đã gửi cúng dường đến chư Tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, chư Tôn đức các Ban, Viện Trung ương và Ban Trị sự tỉnh/thành. Hoàn tất việc biên tập và in ấn Luật tạng Theravada: Viện đã in 5 cuốn Luật Theravada do Thượng tọa Chánh Thân dịch, được phân bổ thành 2 tập. Hoàn tất việc biên tập 4 bộ A-hàm (phiên bản cũ) và phiên dịch 4 bộ A-hàm do Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh đảm trách: Bốn bộ A-hàm gồm Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm, Tăng nhất A-hàm[12].
2.8. Công tác xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc luôn được quan tâm, chú trọng.
Thấm nhuần truyền thống văn hóa dân tộc, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc, các thành viên của GHPGVN, Tăng Ni, Phật tử cả nước đã tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi cho xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nếp sống mới trên địa bàn khu dân cư, ủng hộ quốc phòng, biên giới, hải đảo, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tích cực trong các hoạt động từ thiện xã hội, xá đói giảm nghèo, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương… tham gia ủng hộ công tác xây dựng trường học, lớp học tại các vùg sâu, vùng xa, vùng có điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Nổi bật nhất là bếp ăn từ thiện, nồi cháo tình thương giúp đỡ cho những bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện được các tự viện, nhóm Phật tử thực hiện thường xuyên, hiệu quả… Mặt khác, Tăng Ni, Phật tử trong toàn Giáo hội còn tích cực tham gia vào các tổ chức, đoàn thể xã hội. Một số chư Tôn đức đã tham gia Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến địa phương, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng dân chủ, phản ánh tâm tư nguyện vọng của các cử tri Tăng Ni, Phật tử; bàn bạc cùng các cơ quan chức năng liên hệ, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng liên quan đến tôn giáo, tạo sự hài hòa cảm thông đoàn kết giữa chính quyền các cấp và Giáo hội; giữ vững lập trường, phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, độc lập dân tộc, theo hướng đi lên của thời đại, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam văn minh, tiến bộ, giàu mạnh[13].
Bên cạnh những kết quả đạt được trong hoạt động Phật sự của GHPGVN như đã nêu trên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, từ đây đặt ra một số vấn đề cần giải quyết để góp phần hướng phát triển GHPGVN, thực hiện phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Bộ máy trong Giáo hội đã có sự thống nhất, ngày càng hoàn thiện về tổ chức, cơ cấu, chiến lược nguồn lực cho Giáo hội nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, theo chủ đề “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển” được Đại hội Giáo hội nhiệm kỳ 2017-2022 nêu ra, nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ ngay trong lòng Phật giáo đe dọa sự phát triển, chính là yếu tố con người, chưa đạt tâm và tầm, song vẫn còn tình trạng bất cập, thừa thiếu nhân sự trong bộ máy Giáo hội.
Trong những năm gần đây, Giáo hội đã có sự phối hợp với chính quyền các cấp trong công tác xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và quản lý đối với các hoạt động Phật sự đúng Hiến chương, Hiến pháp và pháp luật, song sự phối hợp này ở một số nơi, trên một số mặt còn hình thức hành chính, chưa thực sự chủ động. Hoạt động phật sự có nhiều bước tiến, song còn mang tính thời vụ, chưa thực sự có hiệu quả bền vững. Công tác giáo dục Phật giáo đạt hiệu quả tốt, song còn thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đào tạo đội ngũ Tăng, Ni cho Giáo hội. Về cơ sở vật chất, cơ sở thờ tự đã được Giáo hội quan tâm đầu tư xây dựng, song điều kiện, nguồn lực vẫn còn khó khăn, hạn chế. Nguồn lực tài chính đảm bảo duy trì hoạt động Phật sự hiện nay còn eo hẹp, mang tính bị động, chủ yếu từ nguồn kinh phí cúng dường Tam bảo của tín đồ Phật tử, từ các nhà hảo tâm. Trước xu hướng hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực, Giáo hội có sự phối hợp với Phật giáo quốc tế, nhưng có lĩnh vực, tại thời điểm nhất định, quan hệ thiếu chủ động, chưa đi vào thực chất, chưa thực sự thiết thực và hiệu quả. Giáo hội củng cố và giữ vững khối đoàn kết các tổ chức, hệ phái, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, song cần chú ý tới nguy cơ chống phá từ phía các thế lực bên ngoài, có thâm ý chia rẽ khối đoàn kết, lợi dụng hòng phá hoại chế độ.
Trong Báo cáo Sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2022 của GHPGVN cũng chỉ rõ: một số hạn chế cũng đã bộ lộ ra trong thời gian vừa quan trong công tác điều hành Phật sự tại một vài địa phương. Cá biệt có một vài Tăng Ni chưa thực sự chấp hành nghiêm Hiến chương, Nội quy Tăng sự của Giáo hội và pháp luật Nhà nước[14].
3. Giải pháp tiếp tục phát triển Giáo hội Việt Nam trong thời đại mới.
Trên cơ sở đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được và một số tồn tại hạn chế của Giáo hội trong quá trình thống nhất, phát triển và hội nhập. Để công tác Phật sự của Giáo hội được tiếp tục phát huy những thành tựu, đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới, Giáo hội cần thực hiện đồng bộ những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Phật sự của Giáo hội đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh phát triển và hội nhập như sau.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp vững mạnh; coi trọng công tác giáo dục trong Giáo hội đi đôi với chấn chỉnh kỷ cương; kiên quyết bài trừ các hành vi mê tín, mượn danh Phật pháp vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín của GHPGVN.
Giáo hội Phật giáo các cấp thường xuyên rà soát, sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình thực trạng, rút ra những nhận xét, đánh giá về hoạt động của Ban Trị sự các cấp, nhất là cấp quận, huyện, thị xã; kịp thời bổ sung, kiện toàn vị trí chức danh các ban chuyên môn, đảm bảo các hoạt động được lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, luôn có sự quản lý, giám sát về mọi mặt hoạt động. Trung ương GHPGVN tiếp tục nghiên cứu tình hình, đặc điểm để xây dựng tổng thể chương trình “Hoằng dương Phật pháp” đến mọi miền biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn của đất nước. Coi trọng đầu tư xây dựng Tự Viện, khuyến khích, phân công những Tăng, Ni có kinh nghiệm, trình độ, năng lực chuyên môn, thấm nhuần Phật pháp, đủ uy tín để dẫn dắt tín đồ Phật tử tham gia vào chương trình “Hoằng dương Phật pháp” đến các vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.
Tiếp tục mở rộng hoạt động của Viện Nghiên cứu Phật học, các cơ sở giáo dục Phật giáo trên cả nước, đẩy mạnh biên soạn hệ thống sách nâng cao, giáo trình Phật học các cấp phù hợp với việc bồi dưỡng kiến thức Phật pháp cho Tăng, Ni ở các cấp khác nhau. Khuyến khích Tăng, Ni tham gia nghiên cứu, bồi dưỡng, học tập các ngành, lĩnh vực bên ngoài xã hội. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đối với các ngành, lĩnh vực có thể hỗ trợ, phục vụ, đóng góp cho các hoạt động Phật sự của Giáo hội. Trong bối cảnh hiện nay, Giáo hội phải chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giảng đạo, dạy pháp, truyền bá Phật pháp đến tới tín đồ Phật tử và nhân dân, đảm bảo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của xã hội và Giáo hội. GHPGVN các cấp thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước, cơ quan truyền thông, báo chí chủ động nắm tình hình, xác minh thông tin, ngăn chặn kịp thời các hành vi chưa phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong một bộ phận Tăng Ni; không để các thế lực xấu bôi nhọ, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Giáo hội trong cộng đồng xã hội.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội với tinh thần “hộ quốc, an dân” nhằm khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của GHPGVN trong xây dựng, phát triển đất nước trước bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế.
Tích cực hưởng ứng thực hiện các quan điểm, chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Giáo hội xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của chính quyền địa phương và các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm trong xã hội tổ chức các chương trình, hoạt động đảm bảo an sinh xã hội như: giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, giáo dục,... đảm bảo được thực hiện theo pháp luật, đúng mục đích, có hiệu quả. Đội ngũ Tăng, Ni chủ động tổ chức các hoạt động thuyết giảng đạo Pháp cho tín đồ Phật tử và người dân hướng sâu về quan điểm, giá trị nhân văn, đạo đức, về tính hướng thiện trong Phật giáo nhằm khuyến khích, vận động mọi người có trách nhiệm, tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, với tinh thần giúp đỡ người khác chính là giúp mình hoàn thiện nếp sống hướng thiện, làm hiển lộ giá trị yêu thương cuộc sống theo tinh thần từ, bi, hỷ, xả, hạnh nguyện Bồ Tát là hành Bố thí của bản thân.
Xây dựng các mô hình, cách làm, biện pháp tích cực, hiệu quả nhằm huy động rộng rãi các nguồn lực trong xã hội để tạo điều kiện giúp đỡ nhiều mảnh đời cơ cực, bất hạnh trong xã hội. Duy trì các cơ sở đảm bảo an sinh xã hội cho tín đồ Phật tử và người dân trên các lĩnh vực đang được thực hiện hiệu quả như: hệ thống các Tuệ Tĩnh đường, phòng khám đa khoa, các trung tâm chăm sóc sức khỏe, chăm sóc người già, người neo đơn, các trung tâm bảo trợ, chăm sóc trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi, khó khăn, các trung tâm tư vấn, hỗ trợ giải quyết việc làm, các trường nghề, trung tâm tham vấn tâm lý,... Chú trọng đến hoạt động huy động các nguồn lực tài chính nhằm thực hiện duy trì, đảm bảo các hoạt động thay thế, sửa chữa cơ sở vật chất tại các trung tâm của Giáo hội. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thành lập các cơ sở hoạt động đảm bảo an sinh xã hội của Giáo hội ở các vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng đặc biệt khó khăn.
Thứ ba, tích cực, chủ động tăng cường sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện lý luận và thực tiễn về các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Công tác sơ kết, tổng kết các hoạt động Phật sự của Giáo hội cần có sự tham gia của tất cả các Ban, Viện, Trung ương GHPGVN và Giáo hội Phật giáo ở các địa phương. Sơ kết, tổng kết tập trung vào đánh giá kết quả các hoạt động Phật sự đảm bảo khách quan, dựa trên đặc điểm, tình hình, tác động, ảnh hưởng từ những yếu tố bên trong và bên ngoài Giáo hội; chỉ rõ những thành tựu đã đạt được và một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức các hoạt động Phật sự, bằng những kết quả thực tiễn và đánh giá khách quan đưa ra những kinh nghiệm trong hoạt động đối với từng lĩnh vực, từng Ban, Viện và Giáo hội ở địa phương trong tổ chức các hoạt động Phật sự.
Đưa ra những định hướng, giải pháp phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng Ban, Viện và Giáo hội Phật giáo ở từng địa phương nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, giải quyết những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động Phật sự, nhất là đối với các hoạt động Phật sự ở cấp cơ sở. Bên cạnh đó, cần phải chỉ ra những kiến nghị, đề xuất giải pháp phù hợp, cần thiết để nâng cao hiệu quả các hoạt động Phật sự ở Giáo hội các cấp. Chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các Ban, Viện và Giáo hội Phật giáo ở các địa phương trong tổ chức các hoạt động Phật sự quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế, đặc biệt là trong tổ chức các hoạt động hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động Phật sự của Giáo hội.
Thứ tư, đa dạng các hình thức “Hoằng truyền Phật pháp” đến đông đảo Nhân dân, nhất là thu hút giới trẻ tham gia vào các hoạt động Phật sự, trong đó chú trọng ứng dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại. Giáo hội chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch mang tính chiến lược, song cũng có biện pháp cụ thể ngắn hạn về hoạt động truyền bá Phật pháp phù hợp với điều kiện, bối cảnh lịch sử của đất nước và của Giáo hội. Giáo hội tiếp tục đẩy mạnh, duy trì và lan tỏa các hoạt động sinh hoạt Phật pháp theo các đạo tràng và câu lạc bộ của tín đồ Phật tử. Tín đồ Phật tử của Giáo hội tham gia hoạt động tu tập và các hoạt động Phật sự của Giáo hội và tham gia vào các hoạt động từ thiện, đảm bảo an sinh xã hội theo hình thức hội, nhóm, câu lạc bộ. Giáo hội cần xác định rõ trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động nhằm thu hút giới trẻ, thanh thiếu niên tham gia với tinh thần cứu giúp chúng sinh, đưa những giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc, đưa những tinh hoa nhiệm mầu của Phật pháp đến với thế hệ trẻ, hướng họ đến với những chuẩn mực, giá trị Chân, Thiện, Mỹ trong cuộc sống.
Thứ năm, tích cực đẩy mạnh số hóa tài liệu Phật giáo, xây dựng mô hình thư viện Phật giáo điện tử, thống nhất hệ thống thông tin trong Giáo hội, tăng cường hoạt động truyền bá Phật pháp qua mạng Internet, chủ động đấu tranh, tẩy chay với hoạt động lợi dụng đạo Phật để truyền bá tà đạo, hoạt động mê tín và âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Giáo hội cần phải xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, vừa có biện pháp cụ thể nhằm mục đích theo kịp sự tiến bộ của nhân loại, vừa hướng đến đưa các giá trị tích cực của Phật pháp gần gũi với đời sống hàng ngày của người dân. Đồng thời, sử dụng những thiết bị khoa học, công nghệ hiện đại để số hóa hệ thống tài liệu trong toàn Giáo hội, từ đó có thể xây dựng thư viện Phật giáo điện tử với những ứng dụng công nghệ và kinh nghiệm từ các mô hình thư viện điện tử hiện nay đang được vận hành. Giáo hội cần tăng cường hoạt động thông tin trên mạng Internet, công khai bài trừ trong hoạt động truyền giảng đạo Pháp và chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Nhà nước xác minh, làm rõ và kiên quyết đề nghị xử lý nghiêm đối với những hành vi trên.
Thứ sáu, tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ở các Tự Viện của GHPGVN, chú trọng phát triển văn hóa hành hương trong tín đồ Phật tử và Nhân dân.
Giáo hội phối hợp với các viện nghiên cứu lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, Hán Nôm để tổ chức nghiên cứu, làm rõ những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của các cơ sở thờ tự trong Phật giáo, chú trọng đến những ngôi chùa cổ có lịch sử hàng trăm năm, hàng ngàn năm. Phối hợp với chính quyền địa phương trong việc gìn giữ, bảo tồn hệ thống cơ sở vật chất; đánh giá mức độ hư hỏng, dấu hiệu xuống cấp của các cơ sở thờ tự để sửa chữa, khắc phục kịp thời. Xây dựng mới những cơ sở thờ tự dựa trên lịch sử tồn tại của tự viện cần khôi phục để minh chứng lịch sử, bảo tồn giá trị văn hóa, tâm linh và phục vụ nhu cầu tu tập của Tăng Ni, tín đồ Phật tử.
Tăng cường tổ chức các hoạt động Phật sự nhằm thu hút đông đảo Tăng, Ni, tín đồ Phật tử và quần chúng nhân dân tham gia, góp phần tôn vinh giá trị của các Tự Viện, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền bá Phật pháp. Tiếp tục tổ chức các hoạt động của các câu lạc bộ, hội, nhóm tín đồ Phật tử trong công tác đảm bảo an sinh xã hội gắn với các Tự Viện, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Giáo hội và các Tự Viện nói riêng. Giáo hội cần phải duy trì và phát huy văn hóa hành hương trong các câu lạc bộ, hội, nhóm tín đồ Phật tử, nhất là các gia đình Phật tử; trong đó, cần phải phát huy vai trò quan trọng của tín đồ Phật tử, để các hoạt động hành hương được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng xã hội.
Thứ bảy, tích cực chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức các hoạt động “Hoằng dương Phật pháp” đến mọi miền Tổ quốc, nhất là các vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng đặc biệt khó khăn.
Giáo hội chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch định hướng hoạt động “Hoằng dương Phật pháp” đến những vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng đặc biệt khó khăn dựa trên những điều kiện, yêu cầu, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, miền. Bên cạnh đó, Trung ương Giáo hội cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo hoạt động của các Tự Viện ở vùng biên giới đảm bảo được thực hiện thường xuyên, liên tục, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng thiếu người quản lý, bê trễ sinh hoạt Hoằng pháp. GHPGVN các cấp cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với công tác lựa chọn Tăng, Ni, có đủ năng lực, phẩm chất, kiến thức Phật pháp và có kinh nghiệm, khả năng dẫn dắt đại chúng để thực hiện hoạt động “Hoằng dương Phật pháp” ở những vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng đặc biệt khó khăn; cần tăng cường quản lý hoạt động Phật sự tại các vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng đặc biệt khó khăn, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong đội ngũ Tăng Ni và tín đồ Phật tử ở các địa phương.
Đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, đảm bảo an sinh xã hội cho tín đồ Phật tử và người dân ở các vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng đặc biệt khó khăn nhằm xây dựng tình cảm của người dân ở những vùng này đối với Phật giáo. GHPGVN các cấp chủ động trao đổi thông tin kịp thời đối với những hoàn cảnh khó khăn, để tổ chức kịp thời các chương trình từ thiện xã hội, góp phần ổn định đời sống vật chất của đồng bào dân tộc ít người.
Thứ tám, tiếp tục tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ Tăng Ni và tín đồ Phật tử trong tổ chức và tham gia các hoạt động Phật sự của Giáo hội.
Nghiên cứu các đề án, chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động Phật sự của Giáo hội, trong đó cần phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và quan trọng là phải có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các Tăng Ni, tín đồ Phật tử tham gia. Tiếp tục tăng cường kỷ cương trong Giáo hội, đưa các hoạt động hoằng pháp đi vào nề nếp; đẩy mạnh rèn luyện đội ngũ Tăng Ni, tín đồ Phật tử tham gia vào các hoạt động Phật sự của Giáo hội với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Đồng thời, thường xuyên giáo dục lý tưởng, đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ Tăng, Ni đối với những thành tựu của các hoạt động Phật sự trong công cuộc xây dựng và phát triển Phật giáo.
Ban Tăng sự Trung ương và Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cần phát huy hơn nữa vai trò trong công tác quản lý đội ngũ Tăng Ni, tín đồ Phật tử khi tham gia vào các hoạt động Phật sự. Kịp thời động viên, giúp đỡ Tăng Ni, tín đồ Phật tử gặp khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, GHPGVN các cấp nghiên cứu phân công những Tăng Ni, tín đồ Phật tử có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn tham gia quản lý, hỗ trợ và hướng dẫn với mục tiêu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Phật sự của Giáo hội. Nghiên cứu, tổ chức một số hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm đối với các tổ chức Phật giáo thế giới và Phật giáo ở một số nước trong khu vực về các hoạt động Phật sự của Giáo hội như: hoạt động đào tạo Tăng tài, hoạt động Hướng dẫn Phật tử, hoạt động Nghiên cứu khoa học, hoạt động Tăng sự,...
Thứ chín, tích cực, chủ động đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực
Các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực của Phật giáo và các vấn đề liên quan, Giáo hội chủ động cử các Tăng, Ni trẻ có kiến thức chuyên sâu về Phật pháp, thông thạo ngoại ngữ, có kinh nghiệm làm khoa học tham dự vào các chương trình tọa đàm, hội thảo khoa học quốc tế nhằm từng bước đào tạo các thế hệ kế thừa và phát triển Giáo hội trong tương lai. Đối với hoạt động giáo dục, đào tạo Giáo hội chủ trương phát triển và mở rộng mối quan hệ hợp tác đối với một số quốc gia có nền văn hóa phát triển trong các Học viện, Trường Đại học Phật giáo trên thế giới trong đào tạo, giảng dạy, quản lý giáo dục. Tiến hành trao đổi qua lại thường xuyên giữa đội ngũ Tăng, Ni sinh du học, giảng sư giảng dạy nhằm nâng cao kiến thức Phật học và đào tạo đội ngũ Tăng, Ni có tài đức cho GHPGVN.
Chủ động nắm thông tin về tổ chức hoạt động Hội thảo quốc tế trên những lĩnh vực về Phật pháp, lịch sử Phật giáo, hoạt động Phật sự của Phật giáo và những đóng góp của Phật giáo đối với sự phát triển của văn hóa, kinh tế, xã hội, tinh thần và đời sống nhân dân... Cùng với những hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực, Giáo hội cần phải có những hoạt động tiếp xúc, thăm hỏi, khảo sát, tiếp xúc đồng bào tín đồ Phật tử Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại các quốc gia trên thế giới.
Có thể thấy, nhìn lại chặng đường thống nhất, phát triển và hội nhập của GHPGVN đã cho thấy, những cống hiến quan trọng đối với đất nước và thế giới trên tinh thần hộ quốc an dân, Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1981, tất cả các hệ phái Phật giáo Việt Nam thống nhất trong ngôi nhà chung là GHPGVN, mở ra sự phát triển và lớn mạnh về mọi mặt của PGVN. Đến năm 2022, Giáo hội trải qua 8 kỳ Đại hội, mỗi kỳ đại hội đều được kiện toàn về cơ cấu tổ chức và nhân sự để đáp ứng nhu cầu hoạt động Phật sự trong tình hình mới. Từ 6 ban khi mới thống nhất, đến nay, Giáo hội đã có 13 Ban, Ngành, Viện, luôn nỗ lực hoạt động và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hoạt động Tăng sự ổn định và mở rộng trên 63 tỉnh, thành phố có tổ chức của Giáo hội. Công tác Phật giáo quốc tế không ngừng được mở rộng nhằm thắt chặt tình hữu nghị hợp tác giữa GHPGVN và các tổ chức Phật giáo trong nước và trên thế giới. Giáo hội ngày càng có nhiều hoạt động tham gia vào xây dựng và phát triển đất nước, mở rộng hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên thế giới thông qua tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo quốc tế, các Đại lễ Phật Đản, Đại lễ Vesak,… GHPGVN đã trở thành tôn giáo có đông tín đồ nhất trong các tôn giáo tại Việt Nam và cũng là tôn giáo có lịch sử phát triển lâu đời nhất so với các tôn giáo khác, có nhiều cống hiến quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh. GHPGVN được Nhà nước trao tặng 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 4 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 8 Huân chương Độc lập hạng Ba, 2 Huân chương Lao động hạng Ba; 15 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; được Chính phủ tặng 16 Bằng khen; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng 41 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu Phật sự trong nhiệm kỳ qua. Các thành tựu Phật sự đã đem lại niềm tin mạnh mẽ cho toàn xã hội đối với Phật giáo Việt Nam.
Hoà thượng, TS Thích Thanh Điện Phó Tổng Thư ký - Chánh Văn phòng TWGHPGVN Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX
***
Chú thích: [1] Xem Thích Thanh Điện (2021), 40 Năm chặng đường lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2021), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 152: 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo bao gồm: (1) Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang), (2) Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, (3) Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, (4) Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, (5) Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, (6) Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam bộ, (7) Giáo phái Khất sĩ Việt Nam, (8) Giáo hội Thiên Thai giáo quán tông, (9) Hội Phật học Nam Việt. [2] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2022), Tài liệu hội nghị Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/7/2022, tr. 3-4. [3] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2022), Tài liệu hội nghị Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/7/2022, tr. 5-6. [4] Thích Thanh Điện (2021), 40 Năm chặng đường lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2021), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 239. [5] Thích Thanh Điện (2021), 40 Năm chặng đường lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2021), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 239-240. [6] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2022), Tài liệu hội nghị Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/7/2022, tr. 6-7. [7] Thích Thanh Điện (2021), 40 Năm chặng đường lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2021), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 343-344. [8] Thích Thanh Điện (2021), 40 Năm chặng đường lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2021), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 240-241. [9] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2022), Tài liệu hội nghị Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/7/2022, tr. 15. [10] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2022), Tài liệu hội nghị Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/7/2022, tr. 10. [11] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2022), Tài liệu hội nghị Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/7/2022, tr. 10. [12] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2022), Tài liệu hội nghị Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/7/2022, tr. 18. [13] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2022), Tài liệu hội nghị Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/7/2022, tr. 20. [14] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2022), Tài liệu hội nghị Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/7/2022, tr. 20.
Danh mục tài liệu tham khảo 1. Thích Thanh Điện (2021), 40 Năm chặng đường lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2021), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội. 2. Đăng Huy (2021), Chính thức suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lên Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, https://ghpgvn.vn/chinh-thuc-suy-ton-truong-lao-hoa-thuong-thich-tri-quang-len-quyen-phap-chu-ghpgvn/. 3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2022), Tài liệu hội nghị Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/7/2022. 4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2022), Toàn văn báo cáo thành tựu của GHPGVN trong 40 năm kể từ ngày thành lập, https://phatgiao.org.vn/toan-van-bao-cao-thanh-tuu-cua-ghpgvn-trong-40-nam-ke-tu-ngay-thanh-lap-d49563.html.
Bình luận (0)