Về "Phật say Làng Thụy" - một trong 8 cảnh đẹp của Hồ Tây xưa: Làng Thụy đây là làng hay phường Thụy Chương, sau được đổi thành Thụy Khuê từ thời Tự Đức, vì kiêng tên miếu hiệu của vua Thiệu Trị, mất năm 1847 (vua Thiệu Trị là cha của vua Tự Đức, khi mất miếu hiệu là Hiến Tổ Chương Hoàng đế).
Tác giả: Đặng Việt Thủy
Hồ Tây - Nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của Thăng Long - Hà Nội. Ở đây có những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá, là vùng đất có lịch sử từ lâu đời, luôn gắn liền với lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Hồ Tây với nhiều tên gọi mang dấu ấn lịch sử, là hồ lớn nhất, "lá phổi" của Thủ đô.
Xung quanh hồ có rất nhiều ngôi chùa, đền, đình nổi tiếng, có nhiều làng nghề truyền thống như trồng hoa, làm giấy, dệt vải, lụa, lĩnh... nhiều danh lam thắng cảnh, khí hậu tốt. Hồ Tây cũng là nguồn cảm hứng vô tận để các tao nhân mặc khách, các văn nghệ sĩ có những sáng tác để đời cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo dòng thời gian, đến nay có những di tích vẫn trường tồn và có những di tích không còn nữa nhưng đã in sâu trong tiềm thức, không thể phai mờ của người Hà Nội, trong đó có Tây Hồ bát cảnh (8 cảnh đẹp của Hồ Tây). "Tây Hồ bát cảnh" là tên một tập thơ của một nhà thơ khuyết danh thời Vĩnh Hựu (vua Lê Ý Tông 1735- 1740) ca tụng về Hồ Tây.
8 cảnh đẹp Hồ Tây gồm có: Bến Trúc Nghi Tàm, Rừng bàng Yên Thái, Đền thề Đồng Cổ, Phật say làng Thụy, Đồng hoa Nghi Tàm, Chợ đêm Khán Xuân, Tiếng đàn Hành cung, Sâm cầm Hồ Tây.
1. Bến Trúc Nghi Tàm: Theo "Tây Hồ chí", nơi đây gọi là Nha trúc lâm vì vào thời Vua Hùng, đất này có tre đằng ngà, mọc thành rừng, phía ngoài cỏ rậm quanh hồ. Xưa kia, công chúa Từ Hoa con vua Lý Thần Tông lập trại Tàm Tang để trồng dâu nuôi tằm, đến thời Trần đổi thành Trại Tích Ma (dệt gai). Thời Hậu Lê, chúa Trịnh Giang đổi thành Nghi Tàm và cho mở bến tắm ở đây... Hằng năm, các chúa Trịnh cùng các cung nữ lên Bến Trúc nghỉ ngơi và và tắm mát. Trải qua biến thiên của lịch sử, Bến Trúc Nghi Tàm nay không còn nữa.
2. Rừng bàng Yên Thái: Thời Lê Trung Hưng, các chúa Trịnh cho trồng rất nhiều cây bàng ở làng Võng Thị, Yên Thái để lấy bóng mát. Có đến hàng nghìn cây, rợp một góc hồ. Vào lúc giao mùa thu - đông, rừng bàng đổi sắc lá xanh, đỏ, từ xa nhìn rất đẹp mắt. Về sau, vua Lê Chiêu Thống (1787 - 1789) ra lệnh phá rừng san núi để trả thù các chúa Trịnh đã có thời o ép, lấn quyền nhà vua.
3. Đền thờ Đồng Cổ: Đền Đổng Cổ ngày nay vẫn còn. Đền được lập ở làng Thụy Chương dưới thời vua Lý Thái Tông (1028 - 1054). Thần Đồng Cổ nguyên được thờ ở núi Đan Nê (Thanh Hóa),. Thần đã có công nhiều lần báo mộng cho vua Lý Thái Tông về chính sự và quân sự. Sau khi đánh thắng quân Chiêm Thành trở về, vua Lý Thái Tông đã lập đến thờ thần Đồng Cổ ở Kinh đô Thăng Long. Hằng năm mở hội thề cho các quan văn võ: "Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, ai bất hiếu, bất trung xin thần làm tội".
4. Phật say Làng Thụy: Sẽ trình bày rõ hơn ở phần sau.
5. Đồng hoa Nghi Tàm: Làng Nghi Tàm còn nổi tiếng với nghề trồng hoa. Hoa Nghi Tàm một thời dược dùng làm đồ tiến vua chúa. Vùng này trước còn gọi là Hoa điền - Ruộng hoa. Ngày nay chỉ còn trong hoài niệm.
6. Chợ đêm Khán Xuân: Khán Xuân là tên phường xưa, thuộc phía nam Hồ Tây, nay thuộc khu vực Phủ Chủ tịch, Công viên Bách Thảo. Ở đây có núi Khán Sơn, trên núi có lập miếu thờ thần Cẩu Mẫu từ thời Lý và miếu thờ Huyền Trân Hắc Đế. Thời Lê, chúa Trịnh Giang cho lập một ly cung. Đêm đêm, vào mùa hè, chúa ra cung này nghỉ, các nội thần và cung nữ bày hàng bán và hát xướng suốt đêm. Chợ đêm Khán Xuân ngày nay không còn.
7. Tiếng đàn Hành cung: Chúa Trịnh lộng quyền chiếm chùa Trấn Quốc làm hành cung riêng để hưởng lạc. Cuối thời Hậu Lê, xã hội rối ren, nhà chúa sợ không dám ra nơi thanh vắng này, chỉ còn lại một số cung nữ già nương náu. Đêm đêm tiêng đàn ai oán của họ than cho một đời tài hoa bạc mệnh văng vẳng theo gió lan trên mặt sóng làm xao xuyến lòng người.
8. Sâm cầm Hồ Tây: Chim sâm cầm là loài chim di cư. Hàng năm, cứ vào độ cuối đông, đầu xuân, từng đàn chim sâm cầm hàng nghìn con, đầu và cổ đen, mỏ hồng, từ phương Bắc bay về tránh rét, bơi lặn lượn lờ kiếm ăn trên mặt hồ hoặc trên các bãi cỏ lác ngập nước xung quanh hồ, khi trời nắng ấm lại kéo nhau bay về Bắc. Sâm cầm là đặc sản của Hồ Tây. Trong dân gian, truyền rằng thịt chim ăn rất bổ vì nó sống ở vùng trồng nhân sâm.
Cũng vì thứ chim quý này mà dân làng Nghi Tàm đã một thời khốn khổ vì phải nạp chim cống cho triều đình. Thời vua Tự Đức đã ra lệnh phải bỏ lệ này. Sâm cầm Hồ Tây hiện còn rất ít. Nói về chim sâm cầm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cảm nhận trong ca khúc "Hà Nội mùa thu": "Chiều Thu Hồ Tây, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi. Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh Mặt trời".
Về "Phật say Làng Thụy" - một trong 8 cảnh đẹp của Hồ Tây xưa: Làng Thụy đây là làng hay phường Thụy Chương, sau được đổi thành Thụy Khuê từ thời Tự Đức, vì kiêng tên miếu hiệu của vua Thiệu Trị, mất năm 1847 (vua Thiệu Trị là cha của vua Tự Đức, khi mất miếu hiệu là Hiến Tổ Chương Hoàng đế).
Thụy Chương lấy tên một cung điện xây từ thời Trần, xưa kia là nơi triều đình làm lễ khánh hạ. Năm 1397 Hồ Quý Ly đã rỡ điện này đem vào Tây Đô (Thanh Hóa). Nễn cõi của điện Thụy Chương được nhân dân dùng để lập đền thờ Linh Lang vương.
Thụy Chương xưa có nghề dệt vải nhỏ và lụa. Nghề này đã đình đốn từ lâu. Thời cuối Lê đầu Nguyễn, phường Thụy Chương nổi tiếng về nghề nấu rượu, có loại rượu ngon, ướp hương sen, sản phẩm ở Hồ Tây. Đây là một đặc sản, niềm tự hào của địa phương được ghi lại trong mấy câu thơ cổ:
Bạch tửu y thủy nhưỡng bạch liên Trường an phong vị hứng phiêu nhiên Tầm thường Mai trạm lưu phàm phẩm Phức úc hà hương mãn tửu diên.
Nghĩa là:
Ai đem rượu trắng ướp sen trắng Phong vị Tràng An hương đậm đà Rượu trạm Hoang Mai sao sánh được Tiệc hoa nâng chén ngát hương hoa.
Nghề rượu của làng Thụy còn được ghi lại trong ca dao:
Làng Võng bán lợn,bán gà Làng Thụy nấu rượu la đà cả đêm.
Nói thêm về nghề nấu rượu của làng Thụy Chương (Thụy Khuê ngày nay), là nấu rượu nhụy sen. Rượu ướp nhụy sen của làng Thụy Chương vốn nức tiếng Thăng Long một thời. Tương truyền rằng, loại rượu ngon hiếm có này, khiến ai cùng phải "say la đà". Ví rượu ngon khó cưỡng, dân gian lưu truyền theo kiểu đến "Phật" cũng phải "Say", hoàn toàn không có ý báng bổ đến bậc giác ngộ như cách hiểu suy diễn, nó thuộc về đời sống dân gian của người dân.
Cũng vì tại đây có nghề nấu rượu, nên có truyền thuyết "Phật say làng Thụy". Tương truyền xưa kia ở làng này về phía ven hồ có một chùa cổ bị đổ nát, chỉ còn lại một pho tượng Phật được tạc với một hình thái độc đáo: Tay chống gậy, chân dáng bước chập choạng như say rượu. Chùa ở làng nấu rượu, nên tượng Phật được coi như Phật say. Pho tượng "Phật say" được kể trong 8 cảnh đẹp Hồ Tây.
Danh hiệu này càng thu hút, lôi cuốn nhiều người lễ, dân làng có, dân thập phương cũng đông, người hay uống rượu, khách làm nghề buôn rượu làng Thụy, rượu lễ đặt ngổn ngang ở cả bệ thờ, "Phật" không say cũng phải say, "Phật" đã say càng say thêm.
Tương truyền cuối thời Lê, cống Quỳnh (tức Trạng Quỳnh) đã tới Làng Thụy uống rượu mua vui, ngắm nhìn thấy pho tượng "Phật say", đem nậm đến và làm mấy câu thơ đùa rằng:
Ông đứng chi mà đứng mãi đây? Dềnh dàng ngỡ tỉnh hóa ra say, Tòa sen la liệt bao be rượu, Tôi chỉ xin ông một nậm đầy.
Nói xong Trạng Quỳnh rót đầy rượu vào nậm rồi đi ra. (Về hai câu thơ cuối của Trạng Quỳnh cũng có dị bản khác nhau).
Về sau trong thời gian loạn lạc, tượng "Phật say" không biết bị mang đi đâu, chỉ còn lại trong lòng người sự nuối tiếc mà thôi!
Đó là đời sống dân gian và có sức sống riêng của nó.Tác giả: Đặng Việt Thủy Số 120, đường Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội
Bình luận (0)